Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Tăng gấp đôi thu nhập cho dân nông thôn

nhớ nha, TT hứa chống tham nhũng và bây giờ là tăng thu nhập cho nông dân
TT - “Tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn để trong năm năm tới thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,8-2 lần so với năm 2010”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu như trên tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh thành về sơ kết thực hiện nghị quyết Hội nghị trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (nghị quyết) ngày 11-7.

Nông dân huyện Cai Lậy, Tiền Giang trong ngày thu hoạch vụ lúa đông xuân - Ảnh: Mệ Thuận
Trong ba năm qua, thu nhập của người dân nông thôn không ngừng tăng lên. Nếu như thu nhập bình quân của người dân nông thôn là 762.000 đồng/người/tháng vào năm 2008, đến năm 2010 là trên 1 triệu đồng (tăng 34,5%). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Cao Viết Sinh khẳng định: “Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng thực trong thu nhập của người dân nông thôn được khoảng 8%/năm”.
Không được để phân hóa giàu nghèo quá mức
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết năm 2008, Thủ tướng ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở với mục tiêu từ 2009-2012 hỗ trợ nhà ở cho trên 500.000 hộ nghèo khu vực nông thôn, tính đến đầu năm 2011 đã hỗ trợ nhà ở cho trên 316.000 hộ. “Dự kiến hoàn thành mục tiêu nêu trên trước một năm, nếu một phần khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ cho chủ trương giải quyết sớm” - ông Nam nói.
Ngay tại hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phải giải quyết vấn đề vốn vay hỗ trợ nhà ở cho người nghèo ngay trong tháng 7.
Về phía Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết đang hoàn chỉnh dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định “về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất nông nghiệp”.
Bên cạnh các kết quả nêu trên, Thủ tướng cũng nêu lên hạn chế là dù đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện, nhưng chênh lệch thu nhập giữa đô thị và nông thôn có xu hướng ngày càng tăng. Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng kể: “Tôi đi làm việc ở các tỉnh Tây Bắc, có gặp em bé 12 tuổi mà cân nặng chỉ bằng em bé 8 tuổi ở thành thị”.
Nhiều chính sách còn nằm ở văn bản
Tính đến tháng 6-2011 còn 14/45 chương trình, đề án trong chương trình hành động của Chính phủ chưa được phê duyệt. Trong đó tiến độ hầu hết các đề án bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các luật đều chậm so với yêu cầu. Thứ hai, nhiều cơ chế chính sách đã ban hành nhưng chậm vào cuộc sống hoặc chưa tạo chuyển biến trên thực tế.
Trong ba năm thực hiện nghị quyết, số lượng, cơ chế chính sách ở lĩnh vực này được ban hành nhiều nhưng việc chuyển hóa thành những hoạt động cụ thể còn hạn chế. Đặc biệt là việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI)... triển khai chậm.
Đại diện tỉnh An Giang - cánh đồng lúa lớn nhất cả nước - cho biết còn khá nhiều bất cập trong thực hiện các chính sách về “tam nông”, thiếu nguồn lực tài chính tương xứng với chính sách đề ra như đầu tư cho y tế, trường học...
UBND tỉnh An Giang thẳng thắn đề nghị Chính phủ rút lại những chính sách đã ban hành nếu chưa đủ nguồn lực tài chính để triển khai hiệu quả các chính sách đó vì nếu không người dân sẽ chờ đợi. Bộ NN&PTNT cho biết một số chủ trương, chính sách đã ban hành nhưng thực hiện còn ít do thiếu nguồn lực và tài chính (như chương trình phát triển hệ thống cảng cá, bến cá; chương trình nâng cấp hệ thống đê sông...), thiếu nhân lực tương ứng hoặc do không quyết liệt trong triển khai thực hiện, thiếu kiểm tra, đôn đốc.
Trao đổi về kiến nghị của một số tỉnh, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói việc thực hiện nghị quyết không vướng mắc ở nông dân mà ở hệ thống các cơ quan chính quyền, cụ thể là phải nâng cao hơn nữa tính kịp thời, hiệu lực, hiệu quả của các chính sách đã ban hành.
Nghị quyết “đền ơn đáp nghĩa”
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các bộ, ngành và địa phương phải khẩn trương rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách để tiếp tục triển khai nghị quyết tốt hơn trong thời gian tới. Đồng thời tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm để nâng cao đời sống cư dân nông thôn.
Bên cạnh đó, hoàn chỉnh quy hoạch nông thôn, quy hoạch về xây dựng nông thôn mới, tăng cường nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trước hết phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, mà nghị quyết này là để thực hiện việc này. Đây cũng là nghị quyết mang tính đền ơn đáp nghĩa với bà con nông dân”.
Chậm đầu tư cho nông thôn sẽ có lỗi với nông dân
Ngay khi kết thúc hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín yêu cầu các sở, ngành nán lại để triển khai các kết luận còn nóng hổi của Thủ tướng về thực hiện chính sách “tam nông”.
Ông Tín yêu cầu các sở, ngành soi rọi lại những việc đã làm được, chưa làm được cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đặc biệt phải coi lại những việc triển khai còn chậm để có giải pháp quyết liệt hơn. Ông nói chậm đầu tư cho nông thôn sẽ có lỗi với nông dân và TP.HCM là nơi có điều kiện thì càng phải làm tốt các chính sách để nâng cao đời sống cho nhóm dân cư này.
Tại báo cáo tổng kết về thực hiện chính sách “tam nông” ở TP.HCM, UBND TP kiến nghị trung ương sớm nghiên cứu, hướng dẫn bảo hiểm trong nông nghiệp, thực hiện các quy định của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng đầu tư vào lĩnh vực này.
V.V.THÀNH - Q.THANH
_______________________
Công ty CP xuất nhập khẩu Angimex tiêu thụ lúa cho nông dân Châu Phú (An Giang) theo hợp đồng liên kết sản xuất - Ảnh: Đức Vịnh
Ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang:
Liên kết doanh nghiệp để đảm bảo tiêu thụ nông sản
An Giang vốn có thế mạnh về hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực là lúa gạo và cá tra. Về lúa, đã có hai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Angimex. Về thủy sản, hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất cá tra xuất khẩu đang thực hiện do Công ty Thuận An Tafishco đảm nhận.
Tuy nhiên những mô hình này quy mô vẫn còn nhỏ, tỉnh đang khuyến khích doanh nghiệp liên kết cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu có bao tiêu sản phẩm. Về lúa, An Giang đang định hướng tổ chức cho các doanh nghiệp nhân rộng mô hình các cánh đồng sản xuất lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất, gắn kết với cụm dịch vụ chế biến nhằm tăng chất lượng, giá trị nông sản xuất khẩu.
Về thủy sản, tiếp tục triển khai chuỗi liên kết sản xuất cá tra xuất khẩu với vai trò nòng cốt của Công ty Agifish, Công ty Việt An; thành phần tham gia là các doanh nghiệp chế biến, ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất cung ứng thức ăn, thuốc thú y thủy sản và người nuôi cá.
Muốn phát triển nhân rộng mô hình này, theo tôi, cần giải quyết bài toán khó khăn về vốn. Đối với lúa gạo hiện nay, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về tài chính giúp doanh nghiệp phát triển hệ thống kho chứa đáp ứng điều kiện xuất khẩu gạo theo nghị định 109. Bởi kinh phí đầu tư hệ thống lưu trữ, chế biến lúa gạo khá lớn trong khi doanh nghiệp lại chưa đáp ứng về vốn.
 Theo quy định, ngân sách tỉnh hỗ trợ 20% chi phí giải phóng mặt bằng và 30% chi phí giải tỏa ngoài hàng rào. Khoản kinh phí này địa phương không thể kham nổi mà phải có sự hỗ trợ của trung ương. Đối với cá tra, khi thực hiện chuỗi liên kết sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn đầu tư rất lớn, trong khi chưa có chính sách hỗ trợ cho họ.
Về phía nông dân cũng vậy, vốn đầu tư nuôi cá cao nhưng việc thực hiện cho vay theo nghị định 41/2010/NĐ-CP còn rất hạn chế. Mặt khác, định mức ngân hàng cho vay chưa phù hợp thực tế, tài sản trang trại nuôi thủy sản thế chấp ngân hàng chỉ cho vay theo mức quy định giá trị của đất nông nghiệp là không thể đáp ứng việc đầu tư sản xuất của doanh nghiệp và nông dân.
ĐỨC VỊNH ghi
-Nguồn: TT

Tổng số lượt xem trang