Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Thảo luận về dân chủ và phồn vinh kinh tế

-Thảo luận về dân chủ và phồn vinh kinh tế


Khối Đông Á, BBC World Service vào ngày 29/06/2011 đã tổ chức thảo luận trực tuyến tại London về đề tài Sức mạnh Châu Á: Dân chủ hay Phồn vinh Kinh tế?
Năm ban gồm các ngôn ngữ Hindi, Miến Điện, Indonesia, Trung và Việt đã tổ chức sự kiện này tại Sàn Chứng khoán London.
Các khách mời có giáo sư Athar Hussain, Giám đốc Viện nghiên cứu Á châu, trường Kinh tế Luân Đôn (LSE); giáo sư Lưu Thược Giai (Guy Liu), chuyên gia Kinh tế học và Tài chính, Đại học Brunel; sử gia Martina Nguyễn, Đại học University of California, Berkeley; tiến sĩ Intan Ichsan, nhà nghiên cứu Indonesia, Đại học Exeter và ông Van Biak Thang, phó chủ biên trang chinlandguardian.com của người Miến Điện.
Chủ tọa chương trình thảo luận là Nguyễn Hoàng (BBC tiếng Việt) và Britt Yip (BBC tiếng Trung).
Trong phần mở đầu của chương trình, các khách mời đã bàn thảo về vai trò của Internet đối với sự phát triển kinh tế và chính trị của các nước tại châu Á.
'Vũ khí kép'
Ông Van Biak Thang nói "Internet vẫn còn là điều gì đó mới mẻ cho đại bộ phận dân chúng tại Miến Điện, nơi bị kiểm duyệt chặt chẽ và bị chặn".
"Tôi cho rằng Internet đóng vài trò quan trọng để người dân biết những gì đang diễn ra trên thế giới".
"Internet theo tôi là công cụ tốt cho tăng trưởng kinh tế cũng như tiến trình cải cách chính trị tại châu Á, đặc biệt là tại Miến Điện".
Giáo sư Athar Hussain nói "Internet đối với chính phủ là vũ khí kép vì vừa mang lại các thông tin công nghệ và vừa là cánh cửa mở ra để một nước tiếp xúc với thế giới bên ngoài".
Đặng Tiểu Bình từng nói khi người ta mở cửa sổ thì vừa có gió thoáng mát nhưng đồng thời cũng có muỗi và côn trùng khác bay vào
GS Athar Hussain, Giám đốc Viện nghiên cứu Á châu, Trường Kinh tế Luân Đôn
"Tuy nhiên Internet cũng mang vào một nước những thông điệp và thông mà chính phủ có thể không thích"
"Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng nói khi người ta mở cửa sổ thì vừa có gió thoáng mát nhưng đồng thời cũng có muỗi và côn trùng khác bay vào", Giáo sư Athar Hussain nói
Tiến sỹ Intan Ichsan ca ngợi vai trò thông tin của internet, và theo thời gian, nó sẽ làm tăng quyền lực của nhân dân và internet là công cụ tốt cho dân chủ và thịnh vượng.
Còn Giáo sư Lưu cho rằng phải nhìn về cả khía cạnh tiêu cực của internet.
"Internet tốt cho kinh tế, nhưng còn ổn định chính trị hay sự ổn định cho một đất nước, thì theo ông, đôi khi internet lại gây phương hại nguy hiểm tùy theo tính chất thông tin người dân tiếp cận".
"Nếu người ta phát tán sự dối trá thì sẽ đánh lừa cả nước, đánh lừa toàn dân. Chúng ta đã thấy một số vụ mà Internet đóng vai trò gây tổn hại cho kinh tế. Cho nên trong một chừng mực nào đó Internet có mặt tiêu cực của nó đối với sự phát triển kinh tế", Giáo sư Lưu nói.

Giáo sư Athar Hussain nói về sự liên hệ giữa phát triển kinh tế và mô hình chính phủ vì đây là mối quan hệ không đơn giản.
"Cần lưu ý rằng có những chính thể chuyên chế rất thành công trong kinh tế nhưng cũng đừng quên rằng có những hệ thống độc tài điều hành kinh tế hết sức kém cỏi, Bắc Hàn và Philippines có thể là những ví dụ".
"Mỗi cá nhân đều đối diện với một hệ thống cụ thể nào đó mà họ đang sống và làm việc. Tôi chưa bao giờ phải đối diện với sự lựa chọn giữa chính thể chuyên chế hay dân chủ, nhưng những người khác thì hoàn cảnh của họ lại khác".
Người ta có thể nói rằng Trung Quốc có hệ thống một đảng nên không có dân chủ, nhưng ở mức công ty, mức vi mô, người ta có quyền lựa chọn công ăn việc làm một cách còn dân chủ hơn cả Anh Quốc
Giáo sư Lưu Thược Giai, Trưởng khoa Kinh tế học và Tài chính, Đại học Brunel
Tiến sỹ Intan Ichsan nói "khi chúng ta so sánh Indonesia ngày nay với thời trước năm 1997 thì chúng ta sẽ thấy điểm khác biệt".
Giai đoạn trước 1997 Indonesia cũng có hệ thống được gọi là dân chủ nhưng chỉ có nhóm nhỏ ở thượng tầng trị vì. Đó là nền dân chủ có chính quyền quân đội kiểm soát. Còn sau này là nền dân chủ mở hơn.
Một trong những vấn đề của nền kinh tế dân chủ là có nhiều đình công và dẫn tới các nhà máy bị phá sản. Do đó dân chủ có mang lại đầu tư nước ngoài hay tạo việc làm ở khu vực này hay không là chủ đề không đơn giản.
Ông Van Biak Thang nói rằng "chỉ có sự ổn định chính trị trong hệ thống mà người dân được tự do ngôn luận, có nhà nước pháp quyền thì mới có thể phát triển kinh tế ổn định và lâu dài".
Martina Nguyễn cho rằng "nếu hỏi đại đa số thì dường như ai cũng thấy có dân chủ là vẫn hơn. Tuy nhiên có nhất thiết phải có dân chủ thì mới có thịnh vượng hay không thì không hoàn toàn nhất thiết".
Chừng nào người dân được hạnh phúc, giàu có và khỏe mạnh thì họ nhiều khi lại từ bỏ đi khá nhiều các quyền chính trị.
"Nói về việc đạt được mục tiêu thiên niên kỷ thì người ta nói rất hay, tuy nhiên trên thực tế thì chênh lệch giàu nghèo tại nhiều nơi ngày càng lớn, chênh lệch giới tính, và lao động di cư"
Câu hỏi của tôi (Martina Nguyễn) là những vấn đề này sẽ được giải quyết tốt hơn tại những nền kinh tế dân chủ hay tại các nhà nước toàn trị.
Giáo sư Lưu Thược Giai (Guy Liu) nói về sự khác biệt giữa dân chủ vĩ mô và vi mô bởi theo ông đây là những khái niệm "hoàn toàn khác nhau".
"Chẳng hạn như người ta có thể nói rằng Trung Quốc có hệ thống một đảng nên không có dân chủ, nhưng ở mức công ty, mức vi mô, người ta có quyền lựa chọn công ăn việc làm một cách còn dân chủ hơn cả Anh Quốc".

Tổng số lượt xem trang