Bà con nông dân tấp nập chuẩn bị trứng muốn bán cho thương nhân Trung Quốc (ảnh SGTT)
Trung Quốc "càn quét" từ Bắc vào Nam, từ sắn lát, cao su, hạt tiêu, gạo, thịt lợn, thuỷ sản... đến các loại nông sản theo mùa vụ, như vải Lục Ngạn (Bắc Giang) và trứng muối, đậu xanh... khiến Việt Nam phải đối mặt với mối nguy "chảy máu" nguyên liệu và quá lệ thuộc vào một thị trường.
Hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc vẫn ngày đêm tràn qua biên giới Việt - Trung đến tay người tiêu dùng Việt. Những hàng hóa kém chất lượng nhưng rất được người Việt ưa chuộng vì có giá rất rẻ, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường gây phá hoại sản xuất của người Việt, với các mặt hàng dệt may, giày dép...của Việt Nam thường xuyên bị hàng Trung Quốc vi phạm những điều khoản quy định của WTO về chống bán phá giá.
Theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, đến 90% các gói thầu xây lắp thực hiện theo phương thức EPC đã thuộc về các công ty Trung Quốc.
Còn theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần một nửa trong tổng số 248.000 tỉ đồng giá trị các gói thầu xây lắp bằng vốn nhà nước và vay của nước ngoài trong năm 2010, do công ty Trung Quốc thực hiện.
Mẫu mã đa dạng và giá cả cạnh tranh là ưu thế của hàng hóa Trung Quốc
Nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm về điện, ximăng, hóa chất...trước thực tế đó, Trung Quốc hoàn toàn có thể khống chế được toàn bộ xu hướng phát triển của Việt Nam.
Đi kèm với số lượng các gói thầu lớn, các nhà thầu Trung Quốc còn đem theo hàng ngàn công nhân Trung Quốc và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi nhân công Việt Nam đang dư thừa và những thiết bị đó Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được.
Hoặc họ sẽ thuê nhân công Việt Nam với giá rẻ mạt. Theo tính toán, tại Việt Nam, mức lương của công nhân tại các khu sản xuất lớn không vượt quá 85 đô la/1 tháng trong khi đó nhân công Trung Quốc phải trả đến hơn 100 đôla/tháng.
"Phố Trung Quốc" nơi tập trung hàng nghìn lao động người Trung Quốc tại Ninh Bình.
Tại thành phố Bắc Ninh cách Hà Nội 40 km về phía Bắc, vài năm trước, nơi đây vẫn còn những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, nhưng hiện nay những cánh đồng này đã phải nhường chỗ cho các công ty đa quốc gia và các nhà thầu phụ của Trung Quốc.
Nhà máy trụ sở tại Bắc Ninh công ty sản xuất thiết bị điện tử Foxconn của Đài Loan tuyển dụng 5.600 công nhân. Foxconn là nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn nhất thế giới và cũng là công ty tư nhân lớn nhất tại Trung Quốc, với số nhân viên lên đến 420.000 người.
Các công ty Trung Quốc ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong thị trường Việt Nam: công ty CSGEC - người khổng lồ khu vực công trình công cộng và cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu nhà nước, đang xây dựng khu phức hợp công nghiệp tại Móng Cái. Nhiều nhà môi giới từ Quảng Đông cũng có văn phòng riêng tại đây.
Đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc được sử dụng làm một tiêu chuẩn, trong khi tiền Đồng của Việt Nam lại bị mất giá hồi tháng 2 và đó là lần mất giá thứ tư trong vòng 15 tháng qua. Các nhà quan sát trong nước cảnh báo rằng Việt Nam đang ngày càng rơi vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Trên thực tế, quốc gia này là nước nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam và cũng là một nhà cung ứng quan trọng về thiết bị công nghiệp, sản phẩm điện tử, thép và sản phẩm dầu.
Việt Nam hiện đang nỗ lực chấm dứt nhập khẩu 15.000 loại sản phẩm, gồm có rượu và một số hàng hóa sản xuất. Các nhà quan sát trong nước nhận thấy, các loại thuế hải quan đánh vào một số sản phẩm đang có chiều hướng gia tăng. Đầu năm 2011, chính phủ Việt Nam đã phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Nguồn: VIT (10-07-2011)