Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Thông cáo phiên họp thứ 41 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội


-Thông cáo phiên họp thứ 41 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Trong 2 ngày 29 và 30-6, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 41 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009
Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và cho rằng: Tình hình kinh tế xã hội trong nước và quốc tế trong những tháng đầu năm 2011 đã có những diễn biến không thuận lợi.
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, đó là tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại, lạm phát tiếp tục tăng cao, giá trị đồng tiền Việt Nam giảm, lãi suất ngân hàng cho vay cao, dự trữ ngoại hối giảm, mưa lớn đã gây tổn thất và tác động bất lợi không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân trong 6 tháng đầu năm, nguy cơ lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2011.
Trong bối cảnh đó, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, đã mang lại những kết quả tích cực, chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu giảm dần, tình hình thị trường, nhất là thị trường ngoại tệ, tỷ giá và vàng đã ổn định trở lại, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng, thu ngân sách đạt khá, an sinh xã hội được bảo đảm, công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh được củng cố.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm còn không ít khó khăn, thách thức, cần có những giải pháp kiên quyết và kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh, khắc phục hạn chế cũ nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thu nhập, đời sống, phúc lợi, an sinh xã hội, tạo điều kiện đảm bảo về hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cho những bước tiếp theo trung hạn và dài hạn; đồng thời giải quyết một số vấn đề phức tạp về trật tự xã hội, quốc phòng an ninh.
Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân và cũng là để nhân dân chia sẻ với Đảng và Nhà nước những khó khăn tạm thời này. Đồng thời, cần có dự báo những tác động thuận và không thuận đến năm 2012 và trong trung hạn.
Công tác quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 đã có những tiến bộ so với những năm trước đây, phản ánh sát thực hơn tình hình tài chính, ngân sách nhà nước; đã bám sát Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương và tuân thủ Luật ngân sách nhà nước.
Nhìn chung, nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2009 đạt nhiều kết quả, đó là tổng thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 16,6%, trong đó, số thu nội địa ngày càng chiếm tỷ trọng lớn; chi ngân sách đã đảm bảo các yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng cho thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, cũng còn một số yếu kém, hạn chế trong quản lý, điều hành quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; việc khắc phục được những bất cập còn chậm, cần làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp vi phạm quy định quản lý tài chính ngân sách nhà nước.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục cập nhật thông tin, tiếp thu ý kiến các ý kiến và hoàn chỉnh các Báo cáo để trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ nhất (tháng 7-2011).
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2012
Thời gian qua, việc lập Chương trình có khi chưa sát với thực tế, chưa dự báo được đầy đủ yêu cầu của thực tiễn nên tính khả thi không cao, các dự án đã đưa vào Chương trình phải rút ra khá nhiều.
Để Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và khả thi cao, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần thảo luận kỹ và có kết luận chính thức đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn thảo nâng cao trách nhiệm chuẩn bị các dự án, nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đối với các dự án không đủ điều kiện thì kiên quyết đưa ra khỏi Chương trình.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 được xây dựng với nguyên tắc đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy nhà nước, trên cơ sở rà soát các dự án còn lại trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và cân đối với tổng thể dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII, đồng thời, ưu tiên cho các dự án thật sự cần thiết, được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị tốt và thực hiện đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đề nghị Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp phối hợp với Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cùng rà soát tất cả các nội dung trong Chương trình để chuẩn bị trình kỳ họp thứ nhất của Quốc hội.
3. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đồng thời nhất trí với đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội.
Theo Vietnam+

Tổng số lượt xem trang