Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Thu nhập thực tế của người dân thấp hơn trước

Chi tiêu của người dân ngày càng tăng lên, nhưng thu nhập đã không được tăng tương ứng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
- Thu nhập thực tế của người dân thấp hơn trước

Không chỉ khẳng định lạm phát năm nay có thể sẽ lên tới mức 17%-18%, hôm qua 29.6, Tổng cục Thống kê (TCTK)công bố khảo sát mức sống của người dân 2010 cho thấy, thu nhập thực tế trừ đi yếu tố tăng giá của người dân còn thấp hơn nhiều năm trước.



Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng 2010, ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng TCTK khẳng định, lạm phát tháng 6 chỉ có dấu hiệu hạ nhiệt so với tháng 5, thực tế vẫn đang tăng và mức tăng 1,09% trong một tháng, so sánh các năm vẫn rất cao. Tính chung 6 tháng đầu năm nay chỉ số giá đã tăng 13,29% so với tháng 12.2010. Trong quý 3 có thể lạm phát sẽ hạ nhiệt, nhưng theo quy luật nhiều năm nay, chu kỳ tăng giá của quý 4 nhanh chóng trở lại.

Về những áp lực có thể đẩy chỉ số giá lên mức 17-18%, đại diện Vụ Thống kê giá cho biết, sắp tới đến mùa mưa bão khiến lương thực, thực phẩm tăng giá, tác động cộng hưởng cùng với việc tăng giá xăng, than, điện trước đó gây áp lực lớn lên lạm phát. Bên cạnh đó, tổng phương tiện thanh toán từ đầu năm tới nay chỉ tăng 2,33%, tăng trưởng tín dụng hơn 7% là mức tăng khá thấp. Từ nay đến cuối năm sẽ phải tiếp tục đẩy lượng tiền mặt ra nền kinh tế đảm bảo mức tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm 16% và tín dụng dưới 20% nên có thể gây ra lạm phát về tiền tệ. Từ những yếu tố trên, TCTK tính toán nếu vẫn siết chặt tiền tệ, quyết liệt cắt giảm đầu tư công (ĐTC) thì mức CPI 6 tháng còn lại của 2011 sẽ tăng từ 2,5% đến 3,9%, đẩy CPI cả năm lên mức 17-18%.

Lạm phát “ăn mòn” thu nhập của người dân

Theo TCTK, qua khảo sát mức sống tại 69.360 hộ dân trên cả nước, cho thấy thu nhập bình quân 1 người/1 tháng trong 2010 theo mức giá hiện hành đạt 1,387 triệu đồng, còn chi tiêu đạt 1,211 triệu đồng. Mặc dù mức thu nhập lớn hơn chi tiêu, nhưng thực tế lạm phát cao, giá cả hàng hóa tăng đang khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn. Mức thu nhập trong giai đoạn 2008-2010 tăng bình quân 9,3%/năm (giai đoạn lạm phát cao lên tới hơn 40%) sau khi trừ đi yếu tố tăng giá đã thấp hơn mức thu nhập thực tế 10,7%/năm của thời kỳ năm 2002-2004.

Bên cạnh đó, một con số khác cũng cho thấy chi tiêu của người dân ngày càng tăng lên, trong khi thu nhập đã không được tăng tương ứng. Cụ thể, chi tiêu của người dân trong 2010 đã tăng 52,8% so với 2008, bình quân giai đoạn 2008-2010 mỗi năm tăng 23,6%. Ngược lại, thu nhập trong giai đoạn này tăng bình quân 18,1% mỗi năm. Cũng giai đoạn trên nếu trừ đi yếu tố tăng giá, thu nhập tăng thực tế 9,3% mỗi năm, còn mức chi tiêu tăng 14,1%/năm.

Cũng theo khảo sát trên, khoảng cách giàu - nghèo, khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị đang ngày càng gia tăng. Năm 2010, thu nhập ở khu vực thành thị bình quân 2,13 triệu đồng/người/tháng, gấp đôi so với nông thôn 1,071 triệu đồng/người/tháng. Điều đáng nói, hộ nghèo nhất thu nhập chỉ đạt 369.000 đồng/người/tháng. Trong khi đó, chi tiêu ở nông thôn năm 2010 đạt 950.000 đồng/người/tháng, tăng 53,4% so với 2008, còn khu vực thành thị đạt 1,828 triệu đồng, tăng 46,8% so với 2008.

Mức độ phân hóa giàu nghèo càng gia tăng khi năm 2010 thu nhập bình quân 1 người/1 tháng của nhóm hộ giàu nhất gấp 9,2 lần thu nhập của nhóm hộ nghèo nhất, tăng so với các năm trước. Về chi tiêu, nhóm hộ giàu nhất có mức chi tiêu những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ngoài ăn uống lớn gấp 7,5 lần so với nhóm hộ nghèo nhất, trong đó chi về nhà ở, điện nước, vệ sinh gấp 11,7 lần, chi thiết bị vệ sinh và đồ dùng gia đình gấp 5,8 lần, chi văn hóa thể thao giải trí gấp 131 lần.

Anh Vũ

Tổng số lượt xem trang