-Hầu như ngành nào cũng có hiệp hội nhưng chỉ “báo cáo cấp trên” là chính. Đặc biệt, trước làn sóng thương lái Trung Quốc tận thu nguyên liệu từ Việt Nam, các hiệp hội… mất hút.
Mỗi khi nông dân, ngư dân, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong nước… đối mặt khó khăn, bị ép giá hoặc thiếu định hướng làm ăn, địa chỉ đầu tiên người ta thường nhắm tới để được tư vấn, giúp đỡ chính là các hiệp hội. Tuy nhiên, bản thân các hiệp hội cũng chịu thua vì chẳng có thực quyền.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), gần như toàn bộ sản lượng hồ tiêu từ Bắc Trung Bộ trở ra và vùng Bắc Tây Nguyên đều bị thương nhân Trung Quốc thu mua, phần lớn họ trốn thuế. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, cho biết nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cân bằng và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành. Theo ông Nguyễn Đức Thụ, Giám đốc Công ty Trường Lộc (chuyên xuất khẩu hồ tiêu), lẽ ra VPA và cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng nói trên, đằng này chẳng thấy ai có động tĩnh gì! Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thời gian qua lượng lúa gạo do thương lái Trung Quốc sang tận các vùng trồng lúa ở ĐBSCL mua rồi đưa về nước theo đường tiểu ngạch thì chưa cơ quan hữu trách nào thống kê được.
Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), nói rằng VRA không thể nào can thiệp vào việc kinh doanh của DN. Trong bối cảnh đầu ra của cao su Việt Nam bị lệ thuộc thị trường Trung Quốc, song thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, VRA chỉ biết khuyến cáo các DN khai thác thêm những thị trường khác, đồng thời hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng tỉ lệ xuất khẩu hàng tinh chế.
Trong khi đường nhập lậu đang tràn ngập thị trường nước ta, việc Việt Nam xuất bán 100.000 tấn đường sang Trung Quốc mới đây cũng khiến dư luận xôn xao. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng hiệp hội cũng chỉ là tổ chức đại diện cho các DN sản xuất, kinh doanh. Đường xuất bán ở đâu, sang thị trường nào, đó là nhiệm vụ quản lý thuộc ngành công thương; hội nhập không thể cấm đoán, ngăn chặn.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng cho rằng hiệp hội không thể can thiệp vào việc thu mua nguyên liệu thủy - hải sản của thương lái Trung Quốc vì không có chức năng đó. VASEP chỉ đại diện cho DN phát hiện các vấn đề đáng lưu ý để phản ánh lên cơ quan chức năng. Tương tự, ông Đỗ Hà Nam nói hiệp hội cũng không thể làm gì hơn ngoài việc báo cáo tình hình lên các bộ…
Bị khống chế Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thương lái Trung Quốc đang tự do mua nguyên liệu tại Việt Nam mà không phải chịu bất cứ một sự ràng buộc nào. Như vậy, họ đang ở vào thế khống chế thị trường, gây ảnh hưởng đến nguyên liệu sản xuất của các DN nước ta và làm méo mó quy hoạch vùng nguyên liệu của cả nước. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng dường như chúng ta không kiểm soát được hoạt động thương mại mà người nước ngoài thực hiện ngay ở nước ta. Nhìn xa hơn, đó không chỉ là vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam mà còn là bảo vệ chủ quyền kinh tế… T.Hà |
Làm rõ vụ thương lái Trung Quốc thuê đất Trước tình hình thương lái Trung Quốc sang Vĩnh Long thuê đất trồng khoai lang (Báo Người Lao Động ngày 19-7 đã phản ánh), ngày 20-7, UBND tỉnh đã họp với các sở - ngành, địa phương liên quan để làm rõ. Theo ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, việc mua bán giữa người sản xuất và thương lái Trung Quốc không có hợp đồng bao tiêu mà chỉ mua theo thời vụ nên giá không ổn định. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở cử cán bộ trực tiếp xuống ruộng khoai của thương lái Trung Quốc để tìm hiểu, đồng thời có biện pháp quản lý việc người Trung Quốc “núp bóng” dân địa phương thuê đất trồng khoai. C.Linh |
NHÓM PHÓNG VIÊN
-Nguồn: NLDO - Thương lái Trung Quốc gom hàng: "Báo cáo cấp trên"!