-Tại sao nhà cầm quyền Trung Quốc trơ trẽn?
Tự dưng hôm nay có hứng bàn chuyện tuyên truyền. Có lẽ qua lá thư của một bạn đọc dưới đây và qua những dòng chữ của Bọ Lập (câm mồm! để cho tao ăn cướp - đọc tựa đề đã ấn tượng! :-)) làm tôi thấy muốn nói thêm. Vậy xin nhân dịp này bàn thêm về những đặc điểm của tuyên truyền.
Chúng ta thử đọc những dòng chữ dưới đây. Nhưng xin nói trước, nếu các bạn mắc bệnh tim mạch thì không nên đọc (tôi không chịu trách nhiệm nhé).
“Việt Nam xâm chiếm nhiều đảo nhất, có nguy hại lớn nhất, hơn nữa có thái độ kiêu ngạo nhất, ảnh hưởng xấu nhất.”
“Trước đây, Việt Nam đã nhất nhất thừa nhận Tây Sa và Nam Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.”
“Trên lĩnh vực quân sự, đáng tiếc rằng Việt Nam đã làm những việc gây phản ứng mãnh liệt như xâm chiếm nhiều đảo mới, giam giữ ngư dân và tàu đánh cá Trung Quốc.”
Những câu chữ đó xuất phát từ đâu vậy? Xin thưa: đó là những phát biểu của giới cầm quyền Bắc Kinh, những người chúng ta đã và đang – trớ trêu thay – gọi là bạn.
Bạn đọc có thể kinh ngạc tại sao trên thế giới này có những kẻ trơ trẽn đến dã man biến nạn nhân thành hung phạm, ngang ngược biến trắng thành đen, bất chấp thực tế biến không thành có, v.v. như thế. Đây không phải là lần đầu những luận điệu như trên xuất hiện trên giấy trắng mực đen; mà những luận điệu như thế này đã được rao truyền trong dân chúng Trung Quốc từ mấy chục năm qua. Chúng đã góp phần nhào nặn nên một thế hệ người Trung Quốc xem Việt Nam là một thuộc địa của chúng, người Việt Nam xảo quyệt và vô ơn. Kể ra thì đó cũng là một thành công lớn của những tác giả giàu trí tưởng tượng nhưng thâm thần bệnh hoạn.
Nhưng lí giải thế nào về “hiện tượng” đó? Nói “hiện tượng” thì oan cho chữ này quá (bởi vì những câu chữ tôi trích trên đã trở thành quán tính trong suy nghĩ chứ chẳng có gì ngạc nhiên), nhưng thôi thì hãy tạm dùng chữ đó để bàn chuyện vậy. Tôi nghĩ chỉ có thể giải thích cái sản phẩm chữ nghĩa quái thai trên đây của nhà cầm quyền Trung Quốc bằng hai chữ: tuyên truyền.
Tôi không định nghĩ tuyên truyền nữa, vì đã nói trong một bài trước và nhiều chuyên gia khác đã nói. Nhưng nhắc đến tuyên truyền hay propaganda mà không nhắc đến Nhà văn George Orwell thì quả là một thiếu sót. Trong tác phẩm nổi tiếng 1984, Orwell viết một cách tiên tri về xảo thuật tuyên truyền như là một vũ khí … chống công dân. Ông mô tả nhiều loại hình tuyên truyền, trong đó có loại hình doublethink (suy nghĩ kép). Đó là cách biến trắng thành đen, biến đen thành trắng, và nói một cách càng trơ trẽn càng tốt. Đó là kiểu nói “Chiến tranh là hòa bình, tự do là nô lệ, ngu dốt là sức mạnh” (“WAR IS PEACE. FREEDOM IS SLAVERY. IGNORANCE IS STRENGTH”. Ngày nay, những gì Orwell viết quá ứng nghiệm với những gì tôi trích dẫn ở trên.
Người Việt chúng ta cũng có những câu để mô tả tình trạng loạn chuẩn trên. Vừa ăn cướp vừa la làng hay Gái đĩ già mồm có thể hiểu là một cách tuyên truyền theo nghĩa của Orwell. Tôi nghĩ chúng – những kẻ ngồi ở Bắc Kinh viết ra những dòng chữ trên – không ngu xuẩn đến độ không biết đó là vô lí, nhưng logic ở đây không thành vấn đề; vấn đề là tuyên truyền. Vậy thì câu hỏi đặt ra: làm sao chúng ta nhận dạng ra tuyên truyền?
Tôi nghĩ đặc điểm số 1 để nhận ra một bài viết là tuyên truyền hay không là xem xét tính ngụy biện của nó. Thật vậy, tuyên truyền dựa vào ngụy biện là chính, vì ngụy biện dễ thu hút khán giả. Có nhiều hình thức ngụy biện đã được mô tả trước đây. Những hình thức ngụy biện mà giới tuyên truyền hay sử dụng là lợi dụng cảm tính, tấn công cá nhân, khái quát hóa tùy tiện, và lợi dụng quyền lực.
Những gì chúng ta thấy từ bọn đầu não Bắc Kinh cho thấy đặc tính số 1 của tuyên truyền: lợi dụng cảm tính. Thật vậy, tuyên truyền lợi dung tối đa cảm tính, chứ không phải tri thức và logic. Những gì tuyên truyền nói là vô lí, hoàn toàn không có logic. Chả thế là Hitler (một tên ác ôn nhưng là một nhà tuyên truyền có tài) từng nói đại khái rằng nếu bạn nói láo, thì đừng nói láo nhỏ nhặt, bởi vì người ta sẽ nhận ra ngay đó là lời nói láo; nên nói láo thật lớn, nói láo những gì người ta không thể tưởng tượng nổi. Và, cứ tiếp tục nói láo cho đến khi nào người ta tin đó là sự thật. Tức là, nói láo càng nhiều, càng to tát, thì càng có hiệu quả. Chẳng hạn như bọn Bắc Kinh đang rêu rao rằng Việt Nam tấn công tiến chiếm hải đảo của chúng, và gieo một sự hận thù trong người Trung Quốc. (Cũng chẳng khác gì trước đây Mĩ cho dàn dựng một y tá người Kuwait xuất hiện trước Quốc hội Mĩ nói rằng quân lính Iraq quăng trẻ em sơ sinh vào lò thiêu và ăn sống, nhưng sau này người ta mới biết cô ấy là con gái ông đại sứ Kuwait tại Mĩ và màn kịch được dàn dựng bởi một công ti PR). Đó là một lời nói láo cực kì vô lí không ai có thể tưởng tượng nổi một Việt Nam bé nhỏ tấn công một nước khủng lồ như Trung Quốc. Nhưng đó là xảo thuật truyên truyền mà những kẻ làm tuyên truyền ở Bắc Kinh đang vận dụng rất bài bản.
Đặc điểm thứ hai của tuyên truyền là tấn công cá nhân. Tiếng Anh gọi là name calling. Tiếng Latin là ad hominem. Thật ra, đó là một hình thức ngụy biện phổ biến nhất và có khi có hiệu quả nhất. Chẳng hạn như ở phương Tây, khi giới chính trị gia không thuyết phục được thượng nghị viện thông qua một đạo luật nào đó, họ tìm cách nói xấu thượng nghị sĩ, kiểu như ông ấy là người không đàng hoàng, ăn chơi đàng điếm, dù những chuyện cá nhân như thế nếu có thật chẳng liên quan gì đến đạo luật. Hay khi không tranh luận không lại đối phương, người ta bắt đầu phao tin nói xấu về nhân cách, nhân thân của đối phương, tìm cách gắn cho đối phương một nhãn hiệu. Nhãn hiệu có thể là phát xít, cộng sản, phản động, v.v. Đó chẳng những là ngụy biện mà còn là hình thức tuyên truyền rất hạ cấp. Nó còn là triệu chứng của sự thiếu tự tin, không dám lí luận, mà phải dùng đến những trò phi chính thống. Tuyên truyền rất thích ngụy biện dưới hình thức tấn công cá nhân.
Đặc điểm thứ ba của tuyên truyền là khái quát hóa. Khác với tấn công cá nhân (mà trong đó người ta gắn cho đối phương một nhãn hiệu tiêu cực), khái quát hóa tìm cách gắn cho sự việc một nhãn hiệu cao sang. Những nhãn hiệu này có thể là văn hóa, văn minh, dân chủ, công bằng, bác ái, tự do, vinh quang, anh hùng, danh dự, công lí, tình thương, hòa bình, khoa học, v.v. Có thế lấy ví dụ về việc nghiên cứu sự vận hành của nhà nước vốn chỉ là một việc làm mang tính hành chính nhưng người ta cố tình gắn cho việc làm một danh hiệu cao quí là khoa học: khoa học chính trị. Theo đà đó, bất cứ việc làm gì của giới hành chính cũng đều trở thành khoa học. Tuyên truyền do đó đánh tráo khái niệm bằng cách khái quát hóa một cách tùy tiện.
Đặc điểm thứ tư của tuyên truyền là lợi dụng thế lực. Tiếng Latin gọi là ad verecundiam. Trong xảo thuật này, cách làm phổ biến nhất là chuyển giao những hình ảnh quốc gia và nhân vật nổi tiếng đến sản phẩm tuyên truyền. Chẳng hạn như huy động hàng ngàn người mặc quần áo và đứng xếp hàng thành một lá cờ tổ quốc thật to. Thông điệp họ muốn gửi đến công chúng là họ là những người yêu nước, vì quê hương đất nước. Nhưng đó chỉ là hình thức tuyên truyền tương đối … rẻ tiền.
Một đặc điểm tuyên truyền khác có liên quan là lợi dụng thẩm quyền. Đây cũng là hình thức tuyên truyền khá phổ biến. Chẳng hạn như khi quảng bá một ý tưởng điên rồ khó ai có thể chấp nhận được, người ta dùng đến những người có vị trí cao và bằng cấp cao trong xã hội. Giống như khi viết bài, người ta trích dẫn những người với chức danh như “Giáo sư – Tiến sĩ” với hàm ý nói rằng ý tưởng đó được bậc đại trí thức đồng tình, dù ý kiến của vị đó chẳng liên quan gì đến vấn đề đang bàn. Trung Quốc thường hay trưng bày công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng như muốn nói thủ tướng của Việt Nam đã công nhận, nhưng vấn đề là pháp lí quốc tế chứ chẳng liên quan gì đến công hàm đó.
Tuyên truyền nói cho cùng là một cách nhồi sọ. Do đó, xảo thuật của tuyên truyền là lặp đi lặp lại những điều vô lí càng nhiều và càng lâu thì càng tốt. Đó chính là lí tưởng của tuyên truyền: một lời nói láo nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành chân lí. Đó cũng chính là những gì chúng ta thấy giới truyền thông Bắc Kinh suốt ngày này sang tháng nọ nói xấu Việt Nam và người Việt Nam, bất chấp những thỏa thuận gì đó giữa đặc phái viên của lãnh đạo cao cấp Việt Nam và phía Trung Quốc.
Tóm lại, tuyên truyền là một phương tiện để the power that be (có lẽ dịch là thế lực?) gây tác động đến đám đông qua hình thức ngụy biện và nhồi sọ. Goebbels, một guru về tuyên truyền thời Hitler, quan niệm rằng “tuyên truyền tự nó không phải là một cứu cánh, nhưng là phương tiện cho cứu cánh; nếu phương tiện giúp chúng ta đạt được cứu cánh thì phương tiện đó tốt.” Cố nhiên, tội ác của Hitler và đồng bọn như Goebbels đã làm cho hai chữ tuyên truyền mang một nghĩa xấu. Ấy thế mà ngày nay những đồ đệ của họ ở Trung Quốc có vẻ rất ham thích ứng dụng quan niệm đó của Goebbels. Chúng ta phải sống với tuyên truyền. Không có cách nào xóa bỏ tuyên truyền trong xã hội hiện đại. Vấn đề không phải là tránh hay xóa bỏ tuyên truyền, nhưng vấn đề là phân biệt được thông tin nào là sản phẩm của tuyên truyền và thông tin nào sản phẩm của thực tế xã hội. Tôi nghĩ những đặc điểm trên cũng giúp ích cho chúng ta trong việc phân định thông tin, và hiểu tại sao nhà cầm quyền Trung Quốc tỏ ra cực kì trơ trẽn với những luận điệu vừa vô lí vừa ấu trĩ của họ.
NVT
Ghi thêm: Một bạn đọc gửi thư cho tôi biết rằng hai chữ tuyên truyền rất phổ biến ở trong nước. Bạn này còn chứng minh rằng Việt Nam có hẳn một “Học viện báo chí và tuyên truyền”, nhưng dịch sang tiếng Anh là Academy of Journalism and Communication. Thú vị thật!
Về mặt tiếng Anh, tuyên truyền phải là propaganda, chứ không phải là communication. Communication có nghĩa là truyền thông (vì thế telecommunication là viễn thông). Như vậy, cách dịch tuyên truyền = communication rõ ràng là không đúng. Đó là một cách … né. Né không dùng chữ propaganda. Điều này cho thấy lãnh đạo học viện trên có ý thức rằng chữ propaganda không được cộng đồng quốc tế “mặn mà” lắm vào thời nay. Nhưng nếu có ý thức như thế thì tại sao lại dùng tuyên truyền trong tiếng Việt? Tại sao không dùng chữ truyền thông cho … nhẹ hàng hơn? Tôi nghĩ đó cũng là một câu hỏi thú vị cần giải đáp.