Mới đây, một bài phỏng vấn đăng trên trang mạng Phượng Hoàng của Trung Quốc đã gây chú ý trên các diễn đàn của người Việt Nam.
Bài phỏng vấn được cho là của Tề Lỗ Văn báo với ông Nguyễn Thế Sự, giáo viên tiếng Trung của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (đã về hưu), thực hiện ngày 23/06 và được đưa lên mạng ngày 02/07
.Ông Sự được nói là người không những thông thạo tiếng Trung, mà còn có quan hệ lâu năm với Trung Quốc vì ông từng học tập tại Đại học Bắc Kinh.
Trong bài phỏng vấn, nhiều người đặt câu hỏi về những chi tiết như khi ông Nguyễn Thế Sự nói việc thanh niên Việt Nam biểu tình gần đại sứ quán Trung Quốc “là do phái phản động ở Việt Nam gây ra”.
"Việt Nam cũng có phái phản động chủ yếu là tổ chức người Việt ở hải ngoại, ví dụ như Đảng Việt Tân ở Pháp. Bọn họ rất ghét Đảng Cộng sản Việt Nam hơn nữa lại khiêu khích mối quan hệ Việt - Trung."
Bài này dẫn tiếp lời ông Sự: "Như hiện nay quan hệ Việt- Trung trở lên căng thẳng, họ nhảy vào kích động thanh niên Việt Nam làm loạn".
"Công an Việt Nam trong vòng 30 phút đã giải tán đoàn biểu tình. Trường học cũng ngăn cản một số phần tử quá khích tham gia biểu tình. Ở phía Nam một số ngư dân muốn tham gia cũng bị ngăn cản."
'Phát ngôn hồ đồ'
Bài phỏng vấn sau khi được phát hiện đã bị nhiều chỉ trích từ những người gọi nhận xét "xúi giục biểu tình" là "phát ngôn hồ đồ" và "đã xúc phạm nghiêm trọng đến những người biểu tình".
Một nhà văn nhận xét trên blog cá nhân của ông: "Chính ông Sự cũng thừa biết kẻ nào gọi những người yêu nước là bọn phản động thì kẻ đó đích thị là một tên phản động".
Chúng ta cần phân biệt rõ ràng những người Trung Quốc có quan hệ tốt với Việt Nam, yêu chuộng hòa bình và các phần tử diều hâu, hung hăng, hiếu chiến.
Ông Nguyễn Thế Sự
Thậm chí có người trên mạng internet còn gọi ông Nguyễn Thế Sự là 'giáo sư chư hầu'.
Từ Hà Nội, ông Sự nói với BBC hôm 08/07 rằng sự thực không phải như bài báo đăng tải nhưng sau khi đọc bài báo trên mạng, ông hiểu tại sao lại có phản ứng gay gắt như vậy từ các blogger Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Sự: Người dân Việt Nam trước những diễn biến vừa rồi ở Biển Đông chắc chắn có những bức xúc nhất định vì một số việc làm có thể gọi là ngang ngược của Trung Quốc.
Vậy thế cho nên khi người ta biết tôi có buổi nói chuyện với anh phóng viên Trung Quốc, anh ta về nhà viết bài đăng lên với những chi tiết như thế, thì người ta phẫn nộ và tôi cũng hiểu được tâm tư của người ta thôi.
Giữa lúc tình hình rất nhạy cảm như thế này lại có tiếng nói như vậy thì bức xúc là dễ hiểu.
Nhưng mà sự thực nó không phải như thế.
BBC: Thưa, ông khẳng định rằng những chi tiết đưa ra trong bài báo là hoàn toàn không đúng sự thực?
Ông Nguyễn Thế Sự: Vâng. Có những cái người ta chắp vá, lắp ghép vào. Thí dụ khi nói về Việt Nam, tôi có nói là đang có những thế lực phản động gây khó khăn cho Việt Nam, có hoạt động chống đối, diễn biến hòa bình... nhưng không phải nói đến chuyện biểu tình chống Trung Quốc.
BBC: Vậy ông nghĩ phóng viên Trung Quốc có ý đồ gì khi làm công việc 'chắp vá' như vậy không ạ?
Ông Nguyễn Thế Sự: Tôi nghĩ cũng có thể vì họ làm sao cho phù hợp với tuyên truyền của họ.
Lúc đầu thì tôi không nghĩ thế, vì anh phóng viên còn rất trẻ. Anh tới gặp tôi để hỏi về phản ứng của người dân Việt Nam (trước các hành động của Trung Quốc), tôi cũng giới thiệu cho anh ta một số cơ quan đoàn thể vốn làm công tác nghiên cứu về Trung Quốc.
Khi anh ta ngồi lại vì trời mưa, tôi cũng tranh thủ nói chuyện với anh ta về một số sự thực trong quan hệ hai bên để anh ta hiểu tại sao vừa rồi Việt Nam lại có phản ứng mạnh mẽ như vậy.
BBC: Có ý kiến ông nên liên lạc với mạng Phượng Hoàng để yêu cầu xin lỗi và cải chính ạ?
Ông Nguyễn Thế Sự: Tôi nghĩ đây là việc rất khó, là người dân bình thường làm công việc này hết sức phiền phức. Vả lại tôi cũng không thấy nó có lợi cho công việc chung hay bản thân tôi.
BBC: Gần đây báo Trung Quốc đã tiếp cận nhiều học giả, chuyên gia Việt Nam, những người biết tiếng Trung, thông hiểu văn hóa Trung Quốc để tìm hiểu về quan hệ hai bên. Theo ông, những người như ông có thể làm được gì để giải t̉ỏa căng thẳng song phương ạ?
Ông Nguyễn Thế Sự: Thực ra tôi không nghĩ chúng tôi có thể làm được gì nhiều. Tôi nghĩ nhân dân Trung Quốc đa số là người rất tốt.
Những người thầy, người bạn của tôi rất hiểu quan hệ Việt-Trung và các sự kiện trong quan hệ hai bên.
Chúng ta cần phân biệt rõ ràng những người Trung Quốc có quan hệ tốt với Việt Nam, yêu chuộng hòa bình và các phần tử diều hâu, hung hăng, hiếu chiến