The Diplomat
July 18, 2011
Why China Wants South China Sea-Vì sao Trung Quốc muốn Biển Đông
Tetsuo Kotani
Với biển Đông, Bắc Kinh không chỉ quan tâm đến nguồn năng lượng và nguồn lợi thủy sản, khu vực này còn là bộ phận không thể tách rời khỏi chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.
Trong nỗ lực nhấn mạnh tầm quan trọng của biển Đông đối với châu Á, nhà địa-chiến lược Nicholas Spykman đã có lần mô tả vùng biển này như là “Địa Trung Hải của Châu Á”. Thời gian gần đây, biển Đông còn được gán cái tên “biển Caribe Trung Hoa”. Và như Ý và Mỹ tranh nhau quyền kiểm soát biển Địa Trung Hải và Caribe, Trung Quốc hiện đang theo đuổi quyền thống trị biển Đông.
Rõ ràng, các yêu sách và khẳng định chủ quyền gần đây của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng trên vùng biển trọng yếu này. Cho đến nay, khi hầu hết dư luận tập trung vào sự thèm khát của Bắc Kinh đối với nguồn năng lượng và thủy sản dồi dào tại biển Đông, thì từ góc nhìn của một thủy thủ tàu ngầm, với tính chất là vùng biển tương đối kín, biển Đông là bộ phận cấu thành không thể thiếu đối với chiến lược hạt nhân của Trung Quốc. Nếu không hiểu rõ khía cạnh hạt nhân trong tranh chấp biển Đông, thì vấn đề mở rộng hàng hải của Trung Quốc có ý nghĩa không đáng kể.
Sở hữu vũ khí hạt nhân đánh chặn đáng tin cậy trên biển là một ưu tiên trong chiến lược quân sự Trung Quốc. Tàu ngầm loại 092 lớp Hạ, là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, được trang bị tên lửa đạn đạo tầm ngắn JL-1 phóng từ tàu ngầm (SLBM), chưa bao giờ tiến hành một cuộc tuần tra ngăn chặn nào từ biển Bột Hải kể từ khi loại tàu ngầm này ra mắt vào những năm 80. Tuy nhiên, Trung Quốc bước đầu trang bị được khả năng phản công hạt nhân đáng tin cậy với việc trình làng tên lửa đạn đạo JL-2 (có tầm bắn dự kiến lên đến 8.000 km ), phối hợp với các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31 và DF-31A bắn từ hệ thống phóng di động mặt đất. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có kế hoạch xuất xưởng đến 5 chiếc tàu ngầm loại 094 lớp Tấn, là loại tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo JL-2, trong lúc đang tiến hành xây dựng căn cứ tàu ngầm bí mật tại đảo Hải Nam trên biển Đông.
Có thể thấy rõ, Trung Quốc đang dồn mọi nỗ lực không để biển Đông ảnh hưởng đến các đường biên giới của họ, như Liên Xô đã từng làm trên biển Okhotsk trong Chiến tranh lạnh. Khi đó, Liên Xô sử dụng các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo nhằm đảm bảo ngăn chặn khả năng Mỹ có thể tiêu diệt các tên lửa liên lục địa bố trí trên mặt đất. Với nhu cầu cần đảm bảo lực lượng phòng thủ trước các cuộc tấn công, nhu cầu chỉ huy và kiểm soát hiệu quả, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô phải được triển khai gần lãnh thổ quốc gia, với các tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu trên phần lục địa của Mỹ. Ngoài biển Barents, Moscow ưu tiên làm cho biển Okhotsk thành nơi ẩn náu an toàn cho các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, bằng cách nâng cấp hệ thống phòng thủ trên quần đảo Kuril, tăng cường quân số Hạm đội Thái Bình Dương trú đóng tại Vladivostok. Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô từng triển khai 100 tàu ngầm, kết hợp với 140 tàu chiến mặt nước, gồm một tàu sân bay hạng nhẹ lớp Kiev để yểm trợ lực lượng phòng thủ tại biển Okhotsk.
Tương tự, Trung Quốc cũng muốn đảm bảo các lực lượng của họ hiện hiện trên biển Đông cũng như điều chỉnh học thuyết và chiến lược biển cho phù hợp. Hiện nay, sứ mệnh tác chiến hàng đầu của lực lượng Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là: 1) Đảm bảo các tuyến đường biển tiếp cận Đài Loan; 2) tiến hành các hoạt động trên vùng biển Tây Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn không cho các lực lượng đối phương có thể tự do hành động; 3) bảo vệ các tuyến liên lạc viễn thông của Trung Quốc trên biển; và 4) ngăn chặn, phá hoại các tuyến thông tin liên lạc của đối phương. Với việc ra đời tàu ngầm loại 094, hải quân Trung Quốc phải gánh thêm nhiệm vụ hàng đầu nữa là bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của họ, nhiệm vụ này đòi hỏi Trung Quốc phải tiêu diệt lực lượng chống tàu ngầm chiến lược của đối phương, chấm dứt sự kháng cự của các quốc gia có đòi hỏi chủ quyền trong khu vực biển Đông. Năng lực chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập của Trung Quốc, đặc biệt các tàu ngầm hạt nhân tấn công ít tiếng ồn hơn, có thể được sử dụng để đối phó với các hoạt động tác chiến chống tàu ngầm của đối phương. Các tàu sân bay của Trung Quốc, một khi đi vào hoạt động, sẽ được triển khai trên biển Đông nhằm dập tắt tiếng nói của các nước láng giềng có yêu sách chủ quyền lãnh hải.
Chiến lược này có cách đây gần hai thập niên, khi Trung Quốc bắt đầu bao vây biển Đông để lấp đầy khoảng trống quyền lực tạo ra bởi sự kiện các lực lượng Mỹ rút khỏi Philippines vào năm 1991. Trung Quốc tái khẳng định đòi hỏi chủ quyền “mang tính lịch sử” đối với toàn bộ các đảo, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chiếm 80% của 3,5 triệu km2 diện tích biển Đông theo đường chữ U chín đoạn, cho dù Trung Quốc không có cơ sở pháp lý quốc tế để yêu sách như vậy. Những hòn đảo nói trên có thể dùng làm các căn cứ kiểm soát hải phận và không phận, phục vụ các hoạt động giám sát, do thám, tình báo, và là các cứ điểm để đòi hỏi chủ quyền sâu rộng hơn trên biển Đông, tạo điều kiện mở rộng tầm hoạt động của các tàu chiến, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của hải quân Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng diễn giải Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) một cách tùy tiện, và không chấp nhận các hoạt động quân sự của các tàu nước ngoài, các chuyến bay trên vùng biển Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, cố gắng của Trung Quốc nhằm thống trị biển Đông gặp phải các thách thức đáng kể. Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không chỉ làm bùng lên làn sóng phản đối từ các nước có yêu sách chủ quyền biển Đông, mà còn làm dấy lên mối quan ngại từ các quốc gia biển như Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ. Sau hết, biển Đông được xem là tuyến hàng hải quốc tế, không giống biển Okhotsk. Thêm vào đó, vì tầm bắn của tên lửa JL-2 từ biển Đông không thể chạm đến Los Angeles, nên các tàu ngầm loại 094 cần tiến vào biển Philippine, nơi Hải quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ biển Nhật bản tiến hành nhiều hoạt động tác chiến chống tàu ngầm.
Để giảm căng thẳng với các nước láng giềng có yêu sách chủ quyền ở biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc đối thoại và tham vấn với các quốc gia này từ những năm 90. Kết quả là Tuyên bố ứng xử các bên ở biển Đông năm 2002 ra đời, kêu gọi các giải pháp hòa bình thông qua đối thoại. Nhưng Trung Quốc tỏ thái độ miễn cưỡng trong việc ký kết Quy tắc ứng xử biển Đông mang tính ràng buộc. Phản ứng với các đòi hỏi gần đây của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trong vùng biển tranh chấp, tăng cường quan hệ với Mỹ, cả hai đều xem sự hiện diện của Mỹ ở biển Đông như là lực lượng ngăn chặn đáng chú ý nhất.
Về phần mình, Mỹ đã có sự chống đối rõ ràng với với yêu sách của Trung Quốc tại các diễn đàn khác nhau trong khu vực, qua sự nhấn mạnh lợi ích của Mỹ trong vấn đề tự do hàng hải. Gần đây, Mỹ tuyên bố triển khai các tàu chiến ven biển ở Singapore, với hy vọng sự hiện diện của Mỹ sẽ gia tăng hiệu quả ngăn chặn đối với yêu sách của Trung Quốc – như Anh quốc từng điều động thiết giáp hạm HMS Prince of Wales và tuần dương hạm HMS Repulse tại vùng biển mệnh danh “Gibraltar phía Đông” để đánh chặn hải quân Đế quốc Nhật bản. Mặt khác, các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc đã dẫn đến các sự cố va chạm với Mỹ, như vụ va chạm máy bay do thám EP-3 năm 2001 và vụ va chạm tàu thăm dò USS Impeccable năm 2009, Mỹ đang theo đuổi một hiệp định giải quyết các sự cố trên biển với Trung Quốc. Tuy vậy, Trung Quốc không hề quan tâm, bởi một hiệp định như vậy sẽ bào chữa cho việc Mỹ tiếp tục hiện diện ở biển Đông.
Ấn Độ là một tay chơi quan trọng nữa trong khu vực biển Đông. Theo mong đợi, Delhi sẽ sớm ra mắt tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của mình mang tên Arihant, và có kế hoạch đóng thêm hai tàu ngầm nữa được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm K-4 có tầm bắn xa hơn. Nhưng cho đến khi Ấn Độ thành công trong việc triển khai những tên lửa SLBM tầm xa, tàu ngầm Ấn Độ vẫn cần hoạt động ở biển Đông để đối phó với Bắc Kinh.
Úc cũng quan ngại những căng thẳng gia tăng trong khu vực. Sự ổn định ở Đông Nam Á trong chính sách “tiếp cận về phía Bắc” của Úc được các nhà làm chính sách xem là đặc biệt quan trọng, khi một quốc gia thù địch có khả năng thể hiện sức mạnh với Úc, hoặc đe dọa các tuyến hàng hải thương mại và cung cấp năng lượng của Úc. Vì vậy, Úc được kỳ vọng sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở vùng phía Bắc trong khi cho phép quân đội Mỹ được quyền tiếp cận các căn cứ Úc nhiều hơn.
Trong lúc đó, về phía Nhật cũng có lợi ích chiến lược ở biển Đông, là tuyến đường biển then chốt khi 90% lượng dầu nhập khẩu của Nhật phải đi qua đây. Cán cân sức mạnh ở biển Đông tác động rất lớn đến vấn đề an ninh ở các vùng biển xung quanh Nhật, có tên gọi là biển Hoa Đông và biển Philippine. Ngoài ra, nếu Trung Quốc thành công trong việc giành được khả năng giáng trả trên biển bằng cách khống chế biển Đông, thì điều này sẽ làm xói mòn niềm tin vào sự ngăn chặn mở rộng của Mỹ.
Nhật đã công bố Đường lối Chương trình Quốc phòng mới vào tháng 12/2010, kêu gọi nâng cao hoạt động của hệ thống vũ khí thu thập tin tức, giám sát và trinh sát (ISR) dọc theo chuỗi đảo Lưu Cầu và tăng cường hạm đội tàu ngầm. Trong cuộc họp Nhật-Mỹ 2+2 gần đây, Tokyo và Washington đã bàn về việc duy trì an ninh biển, củng cố quan hệ với ASEAN, Úc và Ấn Độ trong các mục tiêu chiến lược chung.
Tất cả điều này cho thấy Trung Quốc gặp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan trong vùng biển “Okhotsk Trung Hoa”. Càng mong muốn thống trị biển Đông, Trung Quốc càng vấp phải nhiều chống đối. Để tránh tình trạng trở nên xấu hơn, Trung Quốc nên điều chỉnh lại đường yêu sách 9 đoạn cho phù hợp với UNCLOS (và Mỹ nên tham gia UNCLOS ngay lập tức). Chừng nào Trung Quốc vẫn còn tiếp tục thái độ đòi hỏi chủ quyền vô lý, các quốc gia láng giềng ven biển sẽ tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật nhằm thiết lập mạng lưới tác chiến chống tàu ngầm trong khu vực.
Nhưng trách nhiệm không chỉ về phía Trung Quốc – các nước khác trong khu vực nên hợp tác với nhau. Ở những nơi có thể, việc hợp tác cùng phát triển tại các vùng biển tranh chấp nên được theo đuổi. Một lĩnh vực khác mà các quốc gia có thể cùng làm việc với nhau, đó là hợp tác đối phó mối đe dọa đang tăng lên của nạn cướp biển trên biển Đông. Trong khi ấy, các nước trong khu vực nên tiếp tục cuộc đối thoại với Trung Quốc về chủ đề an ninh biển ở những nơi như Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Điều này sẽ không dễ dàng, nhưng thảo luận thấu đáo để đạt được một bộ quy tắc ứng xử biển Đông sẽ tạo cơ hội tuyệt vời nhằm tránh xung đột vũ trang.
Tetsui Kotani là Cộng Tác Viên Nghiên Cứu Đặc Biệt của Viện Okazaki, TokyoNguồn: http://the-diplomat.com/2011/07/18/why-china-wants-the-south-china-sea/
-----
-Chết vì Trường Sa là xứng đángbasam
-
The Inquirer
Chết vì Trường Sa là xứng đángTed Laguatan
Ngày 19-7-2011
Trường Sa (nguyên văn: Spratly) là một quần đảo gồm 750 đảo và vỉa san hô (1) nằm rải rác trên một vùng rất rộng ngoài khơi Malaysia, Philippines và Việt Nam. Nó có tổng diện tích đất chỉ khoảng 4 kilomet vuông, nơi gần như không mọc lên được thứ gì có giá trị đáng kể.
Mặc dù những mảnh đất đá ấy có vẻ vô giá trị, nhưng dưới đó là những mỏ vàng khổng lồ – vàng đen – tức dầu hỏa. Ở đó cũng có cả khí đốt với trữ lượng cực kỳ lớn, mà mỏ Malampaya là một bằng chứng.
Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều ra yêu sách chủ quyền nhiều phần quần đảo Trường Sa; các phần ấy nằm trong cái mà Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) gọi là Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) – tức khu vực nằm trong bán kính 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia.
Một mặt khác, Trung Quốc ra yêu sách chủ quyền đòi toàn bộ – cả những phần nằm trong lãnh thổ các nước khác lẫn phần ở ngoài.
Tuy Trung Quốc cũng là một nước thành viên đã tham gia ký kết điều ước 1982 nói trên, nhưng nhu cầu về năng lượng của họ đang thúc đẩy con rồng liều lĩnh lao vào chiếm dầu hỏa và khí đốt của những nước khác, trong đó có Philippines.
70% nhu cầu dầu hiện nay của Trung Quốc được đáp ứng bằng nhập khẩu, chủ yếu từ Nga, phần còn lại từ các nguồn khác. Việc trở thành con tin cho các nhà cung cấp, cùng với nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung, đang đe dọa tốc độ tăng trưởng đáng ngạc nhiên của cỗ máy tiêu thụ năng lượng mang tên Trung Quốc.
Các ngành công nghiệp và các nhà sản xuất trên khắp thế giới đã thấy là việc chuyển hoạt động sản xuất của họ tới Trung Quốc thì có lợi hơn và thực tế hơn. Điều ấy không chỉ làm giảm chi phí sản xuất, hạn chế các rắc rối về lao động và những vấn đề quản lý; mà còn giúp cho các công ty tập trung được vào hoạt động marketing để gia tăng lợi nhuận.
Trung Quốc xứng đáng được ngợi ca vì đã cho ra được những sản phẩm chất lượng với giá rẻ hơn. Tốt cho người tiêu dùng khắp mọi nơi. Sự thịnh vượng mới này cũng tốt cho người dân Trung Quốc, mặc dù phần lớn lượng của cải mới chưa làm lợi được cho đông đảo quần chúng – hy vọng rằng điều đó sẽ đến theo thời gian.
Người Trung Quốc xứng đáng hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn sau bao năm đói nghèo, đau khổ vì sự cực đoan của cuộc Cách mạng Văn hóa.
Trong sự nghiệp phát triển kinh tế, Trung Quốc mang ơn cựu Thủ tướng Đặng Tiểu Bình rất nhiều. Ông là người đã từ bỏ những chính sách cộng sản khép kín và cứng nhắc để ủng hộ cải cách thị trường tự do.
Tương lai rất tươi sáng đối với nhân dân Trung Quốc. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất hành tinh giờ đây đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cùng với việc ngày càng có nhiều công ty tính đến việc chuyển sản xuất sang Trung Quốc và ngày càng nhiều công ty Trung Quốc mở rộng hoạt động, có thể trông thấy trước là nhu cầu của họ về dầu và các nguồn năng lượng sẽ tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, nhu cầu này không biện minh được cho việc chiếm đoạt dầu hỏa và tài nguyên thiên nhiên khác thuộc về những nước nhỏ hơn trong khu vực, sử dụng thô bạo vũ lực. Đây là điều mà Trung Quốc có vẻ sẵn sàng làm. Nếu Trung Quốc thành công với chiến thuật cướp bóc của họ (nguyên văn: gorilla tactics, từ gorilla vừa có nghĩa là cướp bóc, vừa có nghĩa là con đười ươi – ND), thì toàn thể cộng đồng quốc tế sẽ coi họ như thằng côn đồ, tên ăn cắp. Chính quyền Trung Quốc sẽ để mất đi sự kính trọng của các nước khác, sẽ gây ra bạo loạn và bất ổn trong khu vực, và sẽ kích động sự thù địch không ngừng ở các quốc gia nạn nhân của họ.
Những hậu quả tiêu cực đối với Trung Quốc sẽ bao gồm cả nguy cơ bùng nổ chiến tranh với vài nước – thậm chí cả với Mỹ, nước có lợi ích ổn định trong khu vực cũng như trong việc hoạt động thương mại của họ ở đây không bị gián đoạn. Nếu hình ảnh của Trung Quốc như một tên côn đồ không đáng tin cậy ngày một nặng nề thêm, thì sẽ không chỉ lấy đi của Trung Quốc thiện cảm rất có giá trị của cộng đồng quốc tế, mà còn khiến các nước khác có thể sẽ liên minh lại thành một mặt trận thống nhất để tự vệ và chống việc Trung Quốc lạm dụng quyền lực.
Vào ngày 26-6-2011, được biết việc Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Philippines, Việt Nam và các nước khác, Quốc hội Mỹ đã nhất trí thông qua một nghị quyết lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực đe dọa các nước láng giềng nhỏ bé hơn, cũng như khẳng định quyết tâm của Mỹ là huy động sức mạnh quân sự, nếu cần, để kiềm chế Trung Quốc.
Trung Quốc là gã khổng lồ Goliath với dân số khoảng 1,3 tỷ người. Họ có lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới: 2,3 triệu lính. Họ cũng có năng lực hạt nhân, có hải quân và không quân hùng mạnh. Họ có thể dễ dàng thực hiện việc cưỡng chiếm thành công dầu mỏ và các tài nguyên thiên nhiên khác của Việt Nam, Malaysia, Philippines và những nước khác.
Những quốc gia này không có được sức mạnh quân sự để đương đầu với Trung Quốc. Năm 1988, một vụ đụng độ giữa thủy thủ Việt Nam – những người đã giật đổ cờ Trung Quốc và cắm phao chủ quyền trên một vài đảo của Trường Sa, phần nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam – đã bị tàu chiến Trung Quốc dùng đại bác 37mm tàn sát dã man. Có thể xem đoạn video ghi lại hình vụ thảm sát này trên YouTube. Người Việt Nam không hề tham chiến khi hỏa lực chết người dội xuống đầu họ. Khoảng 66 thủy thủ Việt Nam bị giết chết.
Việc Mỹ nhảy vào khu vực để giữ thế cân bằng quyền lực và duy trì ổn định địa chính trị được các nước trong khu vực hết sức hoan nghênh. Chỉ con đại bàng Mỹ mới có thể vô hiệu hóa con rồng Trung Quốc.
Còn với Philippines, tại sao chết vì Trường Sa là cái chết xứng đáng?
Cách đây vài tuần, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc, đưa tin rằng Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 30 tỷ USD để xây dựng những thềm khoan dầu hiện đại. Một dàn khoan siêu hiện đại, trị giá gần 1 tỷ USD, đã vừa được hoàn tất và ở trạng thái sẵn sàng để đưa ra địa điểm khoan vào tháng 7 này. Có vẻ như địa điểm đó nằm trong khu vực chủ quyền của Philippines theo quy định của UNCLOS, bởi lẽ tổng thống trước của Philippines đã cho phép Trung Quốc được tự do thăm dò dầu trên vùng biển này trong nhiệm kỳ của bà.
Trong những cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Philippines, ông Albert Del Rosario, Trung Quốc đều khẳng định rằng toàn bộ quần đảo Trường Sa là của họ, kể cả những đảo rõ ràng là nằm trong vùng biển của Philippines – và yêu sách ấy của họ là không có gì phải bàn. Sự khẳng định táo tợn này cho thấy họ đánh giá rất cao các phần đảo Trường Sa thuộc vùng biển Philippines, và từ sự phấn khích của họ thì có thể thấy rằng họ sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu thấy cần.
Tân Hoa Xã khẳng định mục tiêu của Trung Quốc là khoan được 800 điểm trên biển Hoa Nam (vừa được Philippines đổi tên là biển Tây Philippines) – nhưng không nói cụ thể là ở đâu. Dự án sản xuất dầu này trị giá khoảng 50 tỷ USD mỗi năm.
Nếu một phần lớn của đống của cải ấy đến tay người sở hữu đích thực của chúng – người dân Philippines – thì nạn nghèo đói chắc chắn sẽ bị xóa bỏ. Các ngành sản xuất mới, các doanh nghiệp mới sẽ phát triển mạnh, nhờ lượng vốn khổng lồ của quốc gia tạo công ăn việc làm thu nhập cao cho nhân dân chúng ta (Philippines). Chúng ta sẽ không còn là một xứ sở của nô lệ, nơi hàng triệu người dân của ta phải lao động ở những đất nước xa lạ, đơn độc và bị chia cắt với gia đình, thân nhân.
Những người giàu mới xuất hiện sẽ đem giáo dục bậc cao, dinh dưỡng, dịch vụ y tế – chăm sóc sức khỏe, nhà ở đến cho hàng triệu trẻ em Philippines, và giúp các em phát triển hết tiềm năng của mình.
Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền biển của Philippines để cướp khỏi tay nhân dân Philippines lời hứa về một tương lai tươi sáng hơn. Chúng ta phải chống lại điều đó bằng tất cả những gì chúng ta có thể huy động được – bằng máu nếu cần. Trung Quốc đã dùng vũ lực để cướp miễn phí dầu hỏa của Philippines. Chúng ta phải lên án điều đó một cách cực kỳ rõ ràng và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến vấn đề này. Nếu họ muốn cướp dầu của ta, họ phải trả giá cho công bằng – chứ không phải là ăn cắp.
Yêu sách của Philippines dựa trên đạo luật hiện hành, đã được cả Trung Quốc lẫn các nước khác trong khu vực nhất trí: UNCLOS. Địa điểm khoan dầu mà Trung Quốc nhắm tới cũng chỉ cách bờ biển Philippines xấp xỉ 100 hải lý, trong khi cách xa bờ biển Trung Quốc tới 1000 hải lý.
Yêu sách của Trung Quốc dựa trên một cơ sở vô lý. Ấy là một bản đồ cổ, có từ đời Hán, khoảng 2000 năm trước, trên đó xác định cương vực của vương quốc Trung Hoa bao gồm toàn bộ biển Tây Philippines và những vùng đất xung quanh. Cái quyền tự nhận này áp đặt cả lên những lãnh thổ rất xa xôi thuộc những nước khác, chẳng có ý nghĩa gì mà cũng chẳng có lý lẽ nào về mặt pháp lý mà nói.
Cứ giả sử là một bản đồ như vậy tồn tại thật, thì yêu sách đó có hiệu lực giống như việc chính quyền Italia tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn châu Âu, nhiều phần của châu Phi và châu Á, bởi tất cả những nơi đó từng một thời đều thuộc về đế quốc La Mã. Đế quốc La Mã đã chấm dứt tồn tại từ hàng trăm năm trước rồi – và triều Hán cũng vậy. Biên giới quốc gia đã thay đổi rất nhiều theo thời gian vì vô số nguyên nhân khác nhau mà tôi không cần phải đi vào chi tiết.
Chúng ta phải ý thức được rằng Trung Quốc sẽ không chỉ giới hạn các quyết định của họ trong việc sử dụng vũ lực để cướp tài nguyên thiên nhiên của chúng ta. Chúng ta phải đối diện với một sự thực kinh khủng rằng rất nhiều nhà lãnh đạo, nhà chính trị của chúng ta là bọn tham nhũng và sẵn sàng nhượng bộ đủ cách trước Trung Quốc (cũng như trước các nhà đầu tư tư nhân khác) vì tư lợi.
Vào năm 2004, Tổng thống Philippines khi đó là bà Gloria Macapagal Arroyo đã ký một thỏa thuận ba bên với Trung Quốc và Việt Nam, gọi là Thỏa thuận Thăm dò Hải dương Chung (Joint Marine Seismic Undertaking, JMSU), theo đó hoạt động thăm dò, khảo sát địa chấn sẽ được tiến hành trên vùng biển rộng 142.886 kilomet vuông ở phía tây Palawan. Cụ thể hơn, đó là một hợp đồng giữa Tập đoàn Thăm dò Dầu khí Quốc gia Philippines (PNOC-EC), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam).
Vấn đề của thỏa thuận này là toàn bộ khu vực thăm dò đều nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của Philippines theo UNCLOS, kể cả những khu vực thậm chí Trung Quốc hay Việt Nam còn chưa tuyên bố chủ quyền. Thật khó mà hiểu nổi việc phơi bày tài sản của mình cho những nước có thể đang có mục đích lấy tài sản đó đi mà không đếm xỉa đến quyền sở hữu của Philippines. Như thế chẳng khác nào chỉ cho con cáo thấy gà đang trốn đâu. Thỏa thuận không nói gì tới việc thăm dò khai thác dầu khí ngoài vùng biển của Philippines.
Theo thỏa thuận JMSU này, tàu Trung Quốc tiến hành thăm dò, Việt Nam xử lý dữ liệu thu được, còn công ty PNOC của Philippines thì trình bày kết quả. Việc thăm dò được dự tính là kết thúc vào tháng 1/2008 nhưng chưa có thông tin nào xác nhận là nó đã kết thúc chưa.
Điều mà Barry Wain xác nhận về JMSU là “nói chung đó là một sự bán rẻ về phía Philippines”. Wain là một nhà nghiên cứu danh tiếng ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore. Trong một bài báo viết cho tờ tạp chí lớn của Hong Kong Far Eastern Economic Review (Tạp chí Kinh tế Viễn Đông), ông cho rằng:
“Philippines đã có những nhượng bộ đáng kể khi họ tán thành khu vực tiến hành thăm dò, bao gồm cả những phần thuộc thềm lục địa của họ, mà thậm chí còn chưa được Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền”.
Từ một số ghi chép, có thể thấy dường như Việt Nam ngần ngại, không muốn tham gia hợp đồng, nhưng sau đó họ đã vào cuộc sau khi Arroyo tán thành 100% hoạt động thăm dò của Trung Quốc – có lẽ để làm cho thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines có vẻ khả dĩ chấp nhận được hơn và chính đáng hơn.
Những người chỉ trích Arroyo ngờ rằng bà ta đã tham gia những hợp đồng bí mật với Trung Quốc, đổi lấy 2 tỷ USD Trung Quốc cho các dự án của Philippines vay, gồm cả hợp đồng băng thông rộng ZTE và một loạt hợp đồng khác, theo đó bà Arroyo và chồng bị buộc tội đã nhận hàng triệu USD lại quả. Nếu có án thì đây sẽ là một vụ rõ ràng về tội phản quốc.
Dự án khí tự nhiên Malampaya cũng là một ví dụ rành rành nữa cho thấy các nhà lãnh đạo của chúng ta đã bán rẻ những tài nguyên quý giá của đất nước như thế nào. Phần lợi nhuận của Philippines chỉ có 10% trong khi Chevron và Shell chia nhau số 90% còn lại. Thậm chí không có đến một hợp đồng chuyển giao công nghệ sau đó. Thằng ngu nào cũng phải thấy đây khó có thể là một thỏa thuận công bằng.
Những điều bất thường, những sự bóp mó tương tự cũng đã xảy ra khi người ta trao quyền khai thác khoáng sản cho người nước ngoài và nhà đầu tư bản địa.
Có lẽ Tổng thống Benigno Aquino III là một món quà trời cho thật sự đối với nước ta. Ông có thể có vài nhược điểm, nhưng tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng ông không tham lam, không dối trá, không tham nhũng – trừ phi bị chứng minh là ngược lại. Tôi không nghĩ ông sẽ phản bội lại huyền thoại về người cha liệt sĩ, người mẹ trung thực của mình, những người đã hết lòng phục vụ nhân dân.
Nếu ông Aquino III có thể bảo vệ những mỏ dầu và tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của đất nước trước các lực lượng quân sự nước ngoài và trước các thành phần tham nhũng trong nước – và sử dụng nguồn của cải khổng lồ này để cải thiện một cách sâu sắc đời sống của rất nhiều người dân chúng ta – ông sẽ trở thành một vị tổng thống thật sự vĩ đại.
Hiệp hội Luật sư California (California State Bar) vinh danh Ted Laguatan là một trong những luật sư giỏi nhất ở Mỹ. Liên tục trong hơn 20 năm, ông là một trong số ít ỏi 29 luật sư được chính thức công nhận là chuyên gia. Ông tham gia các vụ việc pháp lý liên quan đến bị thương do tai nạn gây ra, chết oan, và những vụ tố tụng phức tạp. Email laguatanlaw@gmail.com
Người dịch: Đỗ Quyên
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011