Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Đặt tượng đài mẹ ở đâu? Mẹ giữa cánh đồng

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sua bên tường căn nhà tình nghĩa đã mục. Ảnh: TH
-SGTT.VN - Tôi đã đi và được gặp biết bao số phận những bà mẹ mất con trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Và còn biết bao nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam anh hùng ở đâu đó trên đất nước này vẫn cứa vào tim gan người còn sống…
Năm 2011, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có hơn 44.253 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong ý nghĩ chủ quan của tôi trước đây và của nhiều người, các bà mẹ Việt Nam anh hùng luôn được sống trong điều kiện tốt nhất. Bởi cứ nhìn xem, trong những ngày lễ trọng đại của đất nước, các mẹ luôn được mời lên những vị trí trang trọng nhất, được các vị lãnh đạo tặng hoa với tấm lòng thành kính. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nhân nhận “phụng dưỡng suốt đời” các mẹ, nhiều quyển sách viết về mẹ, nhiều tượng đài mẹ được dựng lên...
Nhưng rồi, tôi đã đi và đã được gặp biết bao số phận những bà mẹ mất con trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Và tôi được biết rằng, còn có biết bao nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam anh hùng ở đâu đó trên khắp đất nước này vẫn cứa vào tim gan người còn sống…
_
Từ dự án 100 tập phim Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Năm 1999, tôi làm phim tài liệu Người mẹ. Với ý đồ quay cảnh bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Bùi Thị Mè đi thăm một bà mẹ VNAH ở ngoại thành, cùng chia sẻ nỗi đau mất con, tôi nhờ anh bí thư xã Vĩnh Lộc huyện Bình Chánh chọn giúp tôi “một bà mẹ VNAH nghèo khổ, nhà vách lá, xiêu vẹo”. Anh bí thư ậm ờ. Chừng đến nơi, tôi quá đỗi kinh ngạc. Hiện trường là một nhà tình nghĩa khang trang. Tôi trách anh: “Nhà đẹp như vầy là cảnh quay của tôi phá sản rồi”. Anh bí thư cười, trách ngược lại tôi: “Thôi đi cô. Thời buổi này mà để khán giả nhìn thấy bà mẹ VNAH sống trong trong ngôi nhà rách nát, xiêu vẹo như ý đồ thể hiện trong phim của cô thì cả chi bộ tôi bị phê bình, bầm dập, không còn mặt mũi nhìn ai nữa. Nghị quyết của chi bộ là trong năm nay, phủ kín nhà tình nghĩa cho những bà mẹ VNAH”. Tôi ngẩn người, thấy anh bí thư cũng... có lý.
Năm 2011, hãng phim truyền hình TP.HCM sau những trăn trở, bức xúc trước con số những bà mẹ VNAH còn sống ngày càng ít dần, đã quyết tâm thực hiện dự án 100 tập phim Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Khi bắt tay vào dự án, tôi hiểu rằng, đây là một cuộc về nguồn sâu thẳm và những người được tham gia thực hiện dự án này cảm thấy đây là một vinh dự, vừa là một thách thức lớn. Và tôi đã thực hiện những chuyến đi. Rồi tôi không thể tin vào mắt mình. Những bà mẹ VNAH mà tôi được gặp sao lại có cuộc sống quá khó khăn. Sao những người đang có trong tay quá nhiều sức mạnh quyền lực không làm được những điều ngỡ như thật bé nhỏ, làm mẹ vui, làm mẹ được yên lòng, dù chỉ một ngày…
Mẹ nấp dưới lùm tre tránh bão
Trên chiếc Honda cà tàng, tôi về ấp Thạnh Trị 2, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre hỏi đường về nhà bà mẹ VNAH Trần Thị Sua. “Năm nay mẹ 86 tuổi. Mẹ có một con độc nhất hy sinh”. Đó là những thông tin ngắn gọn mà tôi biết về mẹ, qua chị phụ nữ xã. Ngôi nhà mẹ nhìn từ xa là một căn nhà tường, lợp tôn, có gắn bảng “Nhà tình nghĩa”. Nhưng mẹ ngăn không cho tôi bước vào căn nhà ấy. Mẹ đưa tôi xuống căn nhà lá, cất sát sau căn nhà tường của mẹ. Chị Trần Thị Em, gọi mẹ Sua là cô, người hiện nay nuôi dưỡng mẹ, giải thích:
- Ngôi nhà tình nghĩa của cô tôi được cất hơn 15 năm rồi. Nay nó xuống cấp, sắp sập đến nơi. Cô tôi có nhà nhưng không dám ở. Mấy cô cháu núm níu dưới này. Mỗi khi mưa bão, sợ nhà sập, cô chui vô bụi tre núp.
Tôi mở to mắt kinh ngạc, hỏi lại chị:
- Sao phải chui vô bụi tre. Mẹ Sua và mấy mẹ con chị không sợ tre gãy, đè chết sao?!
Chị Em cười, hồn hậu:
- Vậy là cô không biết rồi. Bị gió bão, cây tre quặt quà quặt quẹo vậy mà dai, chẳng bị tróc gốc. Núp dưới bụi tre coi vậy chớ chắc ăn lắm. Bão số 10 vừa rồi, xứ này nhiều người thoát chết nhờ núp dưới bụi tre đó! Cái nhà tình nghĩa của cô tôi coi vậy chớ nứt hết trơn. Tường gạch mục hết rồi. Mỗi khi có việc lên nhà trên, tôi không dám đi mạnh, sợ nó sập. Không tin, cô thử xem…

Mỗi khi mưa giông, mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sua nấp dưới lùm tre tránh bão. Ảnh: TH
Theo bàn tay gỡ nhẹ của mẹ Sua, những mảng ximăng rơi ra. Đến lúc này thì tôi sợ ngôi nhà bất ngờ đổ sụp nên vội bước xuống căn nhà lá, nơi mẹ Sua đón tôi lúc ban đầu. Nhắc đến con, nỗi đau nén trong lòng mấy mươi năm tuôn chảy cùng nước mắt của mẹ. Mấy mươi năm dài đằng đẳng, mẹ đã nén lại nỗi đau, uẩn khúc cuộc đời mình trong dáng vẻ của một bà mẹ “ít nói, không có gì để kể, cũng không có gì đặc biệt”, như những người đương thời trên quê hương Bình Đại đã quá quen với những hy sinh, mất mát của người dân trong cuộc chiến tranh. “Xứ này người chết, hy sinh cho đất nước nhiều lắm. Hoàn cảnh mẹ giống nhiều bà mẹ khác…” Phải, trên đất nước này có hơn 10.000 bà mẹ VNAH có một con độc nhất hy sinh như mẹ Sua. Nhưng không phải vì thế mà nỗi đau của những bà mẹ ấy giống nhau, không có gì để kể. Ẩn chứa bên trong bà mẹ đã 86 tuổi, tóc bạc, da mồi là nỗi đau còn mới nguyên trong lòng. “Ba thằng Mức thôi mẹ, vì mẹ nghèo”. Mẹ lau nước mắt, nghèn nghẹn nói. Không nhà, không ruộng đất, mẹ làm mướn nuôi con. Mẹ không sao quên được những cơn đau lưng ê ẩm, khi cả ngày khom lưng cấy lúa, trên mảnh đất vừa phơi những luống cày…
Mẹ kể: nhiều bữa đi cấy về, mặt mẹ sưng vù. Vậy mà mang thai thằng Mức, mẹ đi cấy cho tới ngày sinh. Thiệt may, bữa đó mẹ vừa cắm rẽ mạ cuối cùng thì chuyển bụng. Mẹ chắt chiu từng hạt lúa trên ruộng đất cày mặn chát mồ hôi, vắt thành dòng sữa ngọt ngào, nuôi con. Anh Mức lớn lên, sớm đồng cảm với nỗi cô đơn, hẩm hiu của người mẹ. Khi nghe tôi hỏi: “Mẹ à, khi đi bộ đội, anh Mức học lớp mấy?” Mẹ ngậm ngùi: “Nhà nghèo, thằng Mức có được học hành gì đâu con! Thương mẹ cực khổ, nó đi giữ trâu mướn cho nhà người ta…” Nhưng lòng yêu nước đã thổi sáng tâm hồn người con trai mới lớn. Không nhiều chữ nghĩa nhưng anh sớm hiểu ai là kẻ thù cướp nước. Và anh đã cầm súng bảo vệ quê hương…
Anh Mức ngã xuống khi mới 17 tuổi, chưa kịp có người yêu. Ngôi nhà nhà tình nghĩa sắp đổ sập cũng không lưu giữ được bức ảnh chân dung nào của anh Mức. Tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Trần Văn Mức cũng đã mục. Nhưng trong ký ức của mẹ, anh vẫn hiện hữu với gương mặt rám nắng, nụ cười tươi nở, rất đẹp, rất hiền. Chị Trần Thị Em vẫn còn nhớ ngày mẹ nhận được tin anh Mức hy sinh: “Cha tôi hồi đó làm giao liên. Khi anh Mức hy sinh, cha tôi là người mang tin báo tử về cho cô tôi. Cô khóc quá chừng, khóc đến mù mắt!” Kể từ đó, mẹ chỉ còn biết tựa vào chị Em.
Tôi không khỏi chạnh lòng khi nhận ra cảnh sống của mẹ quá hẩm hiu. Tài sản của một bà mẹ VNAH cho đến cuối đời chỉ có chiếc giường ngủ xiêu vẹo, một cái bàn ăn cơm đã mục, một chiếc ghế gãy, một cái nồi nấu cơm, một cái nồi nấu canh, một cái tô, một cái chén, một đôi đũa… Ước nguyện lớn nhất của mẹ là được xây lại ngôi nhà tình nghĩa sắp sập, để mẹ có nơi thờ cúng con, để đêm đêm, khi có mưa giông, mẹ được ngủ yên giấc, không bị ướt lạnh, không phải run lẩy bẩy ra bụi tre núp, chờ cho qua cơn bão…
Trầm Hương
Bài 2: Mẹ giữa cánh đồng
Đặt tượng đài mẹ ở đâu?
-----------
SGTT.VN - Cũng giống như mẹ Trần Thị Sua, hầu như các mẹ Việt Nam anh hùng đều được ưu tiên làm nhà tình nghĩa. Những ngôi nhà tình nghĩa có thể mới làm, hoặc đã được làm từ cả chục, vài chục năm nay nhưng đều chung số phận là rất ít khi, thậm chí không bao giờ được ngó ngàng, sửa chữa, duy tu.
Nhiều căn đã hư hỏng nặng, có thể sập bất cứ lúc nào nhưng các khổ chủ của nó, vốn đã già yếu và cô đơn, vẫn phải chấp nhận và trông chờ ở một sự... tri ân mới.
Có nhà nhưng mẹ vẫn phải đi ở nhờ
Mẹ Thị Thum ở xã Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang phải tựa vào người cháu Thị Thuỷ trong những năm cuối đời. Mỗi khi nhớ con, mẹ đốt lên ngọn đèn dầu… Ảnh: TH
Một con đường nhỏ xíu từ tỉnh lộ dẫn đến ngôi nhà của mẹ ở giữa cánh đồng. Tôi tự hỏi, những ngày mưa, chân cẳng yếu, làm sao mẹ có thể đi qua con đường này. Nhưng mấy mươi năm nay, trên con đường độc đạo ấy, một mình mẹ vẫn bước đi giữa cuộc đời.
Mẹ Nguyễn Thị Sơn, xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre sớm rơi vào một hoàn cảnh trái ngang. Lấy chồng năm 17 tuổi, mẹ chưa một ngày hạnh phúc. Thân gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu. Cái bến của mẹ không chỉ quá đục mà còn thật đáng sợ, khi bàn tay chồng mẹ vấy máu đồng bào vô tội vì ông là một cảnh sát ác ôn. Mẹ khuyên giải, mẹ khẩn cầu nhưng ông ta vẫn tiếp tục lao vào con đường đen tối. Mẹ ôm đứa con còn đỏ hỏn bỏ nhà ra đi. Trong đáy lòng, mẹ xem người đàn ông ấy đã chết, để được thanh thản nuôi con. Mẹ đặt tên con trai là Dũng, mong con dũng mãnh và mạnh mẽ đối mặt với đời. Dù những năm tháng hậu chiến đầy khó khăn, đói khổ nhưng mẹ Sơn vẫn kiên trì, bền bỉ nuôi con ăn học. Mẹ thức khuya dậy sớm làm bánh bán, gánh nước mướn, làm thuê… Mẹ tự hào khi nuôi con lớn lên bằng đồng tiền sạch, đổi bằng mồ hôi và nước mắt của mẹ…
Anh Dũng lớn lên, đẹp trai, ngoan hiền. Đó là những năm biên giới Tây Nam ngập tràn khói lửa chiến tranh. Cùng một lúc, anh Dũng nhận được giấy báo vào đại học Nông nghiệp, vừa giấy gọi nhập ngũ. Mẹ Sơn nói trong nước mắt: “Đậu đại học, thằng Dũng rất mừng. Nhưng nó lại nói với tôi: Con đi bộ đội vài năm rồi sẽ trở về học đại học. Thấy tôi buồn, nó nói vui: Con sẽ trở thành kỹ sư nông nghiệp, sẽ xây ngôi nhà mới cho mẹ, sẽ lấy vợ cho mẹ có cháu ẵm bồng. Nó cười mà tim tôi thắt lại, ruột gan quặn đau. Tôi biết nó an ủi tôi, làm cho tôi yên tâm, chớ ở quê, có nhiều đứa con trai đã bỏ xác lại bên ấy!” Dự cảm của người mẹ đã trở thành sự thật. Anh Dũng đã không trở về. Chỉ còn vài ngày nữa là anh Dũng được về nước. Anh viết thư cho mẹ, náo nức, hồ hởi khi ước mơ trở lại giảng đường đang nằm trong lòng bàn tay anh. Nhưng một phát đạn của Pôn Pốt đã bắn đúng vào tim, anh Dũng ngã xuống ở tuổi 21 tràn đầy nhựa sống…
Đứa con trai cao lớn, lừng lững ngày mẹ tiễn lên đường sang biên giới Tây Nam, giờ chỉ còn trong gói nhỏ, khi mẹ ôm hài cốt anh từ Tịnh Biên, về nghĩa trang liệt sĩ ở quê hương. Không có anh, đời mẹ thật cô quạnh. Ngôi nhà tình nghĩa được xây cất thời những năm đất nước khó khăn giờ xuống cấp trầm trọng. Giống như mẹ Sua ở Thạnh Trị, mẹ Sơn cũng lâm vào cảnh có nhà mà phải đi ở nhờ. Ngôi nhà đã quá mục, tường nứt vỡ. Mẹ Sơn sợ chỉ cần một cơn giông, ngôi nhà sẽ đổ sụp. Tôi khó nhọc bước trên con đường độc đạo bé xíu, trơn trượt xuyên qua cánh đồng, để ra lộ lớn mà bao năm trời mẹ Sơn đã đi, cũng như trong suốt phần đời cô quạnh còn lại. Trước lúc chia tay, mẹ Sơn tha thiết: “Mẹ chỉ mong có được ngôi nhà lành lặn để ở. Được vậy, mẹ mừng lắm!” Tôi rưng rưng vì mơ ước bé nhỏ, đơn sơ của một bà mẹ Việt Nam anh hùng…
“Cô ơi, tôi cần cái soi!”
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sơn bên di ảnh con trai độc nhất hy sinh ở biên giới Tây Nam. Ảnh: TH
Một ngày chủ nhật, chị Xuyến, cán bộ hội Liên hiệp phụ nữ Kiên Giang đưa tôi về Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang để gặp một bà mẹ Việt Nam anh hùng người dân tộc Khmer. Đó là một căn nhà sàn ở ven sông. Ở tuổi 86, trải qua một cuộc đời gian khổ, thiếu thốn, đôi chân mẹ giờ rất yếu. Nhiều năm liền, mẹ đã làm bạn với chiếc giường. Tôi không khỏi thắt lòng khi chứng kiến cảnh sống quá khó khăn của mẹ. Cuộc sống của mẹ giờ thu hẹp trong không gian trên chiếc giường chật chội. May mắn thay, mẹ còn Thị Thuỷ, người cháu gọi mẹ bằng cô để tựa vào. Cuộc đời của chị Thuỷ cũng rất buồn. Chồng bỏ đi khi con gái còn rất nhỏ. Chị làm đủ thứ nghề nuôi con, hết bán dưa lại đi bán rau, mua cải tầm sậy về làm dưa chua bán, kiếm ít đồng lời. Chị nói: “Nghề bán rau tuy không kiếm được nhiều tiền, nhưng cũng được chút chút, phụ nuôi cô tôi. Cô nghĩ xem, lương bà mẹ Việt Nam anh hùng trên dưới hai triệu, xây qua xây lại hết trơn. Rồi còn thuốc men nữa. Cô tôi bệnh hoài”.
Anh Danh Thắng, qua ký ức của Thị Thuỷ là một chàng trai rất hiền, rất ngoan. Anh Thắng đi bộ đội, mẹ Thị Thum không hay nhưng chị Thuỷ thì biết rất rõ. “Ảnh hy sinh trước Mậu Thân. Cô tôi hay được, khóc nhiều lắm. Ảnh chết không tìm được xác. Cô tôi làm mướn, có được đồng nào thì đi tìm mộ ảnh mà đâu được gặp”. Trước đó, sợ mẹ lo lắng, anh Thắng nhắn mẹ: “Con ở một nơi rất lớn, rất rộng, rất vui. Mẹ yên tâm, đừng đi tìm con!” Nhưng làm sao mẹ yên tâm được. Mẹ đi tìm anh, băng qua mấy cánh đồng, mấy dòng sông… Máy bay quần đảo trên đầu. Mẹ cầm cờ quốc gia nguỵ trang “người của quốc gia” để trực thăng không xả đạn. Mẹ cắt lúa, quảy lên vai, giả làm người đi làm đồng… Đến được đơn vị anh Thắng rồi, mẹ mới biết nơi ấy rất ác liệt, gian khổ, không rất lớn, rất rộng, rất vui như lời anh Thắng nói.Đồng đội của anh Thắng chảy nước mắt nói: “Thắng hy sinh rồi, mẹ về đi!” “Hy sinh hồi nào?!” Mẹ thảng thốt hỏi lại. “Đã ba năm rồi, mẹ ơi!” “Trời, đã ba năm, sao không cho mẹ hay?!” Nước mắt mẹ tuôn chảy trên đường về. Mẹ không thèm cầm cờ quốc gia, không thèm giả làm người đi gặt lúa nữa. Trên đường về, bom đạn lại tránh mẹ. Nhưng mẹ Thị Thum không tránh được những ngày cô đơn khi đứa con độc nhất đã ngã xuống cho tổ quốc. Ngôi nhà tình nghĩa được cất cách đây hơn 20 năm giờ xuống cấp trầm trọng. Tôi bước ra sau bếp nhà mẹ. Gian bếp nhìn ra dòng sông nước ngầu đục. Tất cả, chỉ có mấy khạp dưa cải chị Thuỷ muối bán kiếm lời là có giá hơn tất cả…
Mẹ Thị Thum đang ngồi trên giường tụt xuống. Mẹ lết trên sàn nhà bằng mấy tấm ván đã mục, nói: “Mẹ mong Nhà nước giúp mẹ sửa lại nhà. Nó mục hết rồi, con ơi! Thấy được ngôi nhà mới, mẹ chết cũng được yên lòng”. Mẹ nắm tay tôi, chân thành: “Cô ở xa tới thăm, tôi mừng lắm. Tôi muốn được nhìn mặt cô nhưng có thấy gì đâu!” Rồi mẹ khẩn thiết nói: “Cô ơi, tôi cần cái soi!” Tôi ngơ ngác hỏi chị Thị Thuỷ: “Cái soi là gì hả chị?!” Chị Thị Thuỷ cười nói: “Là kiếng lão đeo mắt đó. Cô tôi không thấy đường từ lâu, cần lắm cái kiếng đeo!” Tôi nghe nhói tim vì một mơ ước quá đơn giản của mẹ. Tôi nghĩ ra cách mua chiếc đèn dầu mẹ dùng để thắp sáng đã gần 20 năm, mỗi khi đêm xuống, cho bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, vét đến đồng tiền cuối cùng để mẹ có “cái soi”. Nhưng rồi lòng tôi lại gợn lên nỗi lo khác. Đến thăm mẹ rồi tôi sẽ ra đi, không biết có ai giúp đưa mẹ đi đo mắt, để mẹ có “cái soi”. Tiễn tôi ra về, mẹ Thị Thum lết ra cửa, với tất cả lòng hiếu khách và hy vọng…
Trầm Hương

Tổng số lượt xem trang