Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Chín con rồng : thượng tầng lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc

Họa tiết bức tường "9 con rồng" ở công viên Bắc Hải, Bắc Kinh (DR)
Họa tiết bức tường "9 con rồng" ở công viên Bắc Hải, Bắc Kinh (DR)
Minh Anh
Báo Liberation hôm nay dành ba trang để bàn về vấn đề chính trị Trung Quốc. "Chín con rồng mới của Trung Hoa" là tựa bài viết giúp độc giả hiểu rõ hơn cơ chế hoạt động của Ban Thường Vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cơ quan đầu não của bộ máy chính trị nước này.
Theo tác giả bài viết, Ban Thường vụ Bộ Chính Trị là cơ quan đầu não quan trọng của Đảng Cộng sản, do chín thành viên trong ban điều hành. Cơ quan này có vị trí cao hơn mọi thể chế chính trị nào, bao gồm cả pháp luật. Như là một Đấng Tối Cao vô hình, sức mạnh của cơ quan này hầu như hiện diện trên khắp mọi nơi : doanh nghiệp, khu phố, báo chí và Internet.

Tùy theo từng thời điểm mà chiếc găng tay quyền lực này sẽ cho thấy là bằng nhung hay bằng thép. Điều chủ yếu là không có gì có thể đe dọa được « vai trò lãnh đạo của Đảng ». Thậm chí, họ có thể quyết định hết mọi việc, từ chuyện kế hoạch hóa gia đình cho đến việc quyết định số phận các nhà ly khai. Đảng chỉ huy quân đội và điều khiển chính phủ, từ việc thành lập nội các đến việc bổ nhiệm các quan chức địa phương cũng như các đại sứ tại nước ngoài.
Lá bài chủ chốt của họ chính là nền kinh tế đang nở rộ kể từ sau khi chuyển mình sang nền kinh tế tư bản Nhà nước. Bàn tay của họ hiện diện trên toàn bộ khu vực công rộng lớn, họ điều khiển sao cho không một doanh nghiệp tư nhân nào từ một tầm cỡ nào đó không thể nào thịnh vượng nếu không có sự hỗ trợ của bộ phận này. Ông Richard McGregor, cựu thông tín viên của nhật báo Financial Times tại Bắc Kinh giải thích: « Hệ thống này vừa cứng rắn và vừa uyển chuyển. Cứng rắn vì Đảng chú trọng đến việc duy trì độc quyền quyền lực. Và uyển chuyển do đó là một hệ thống hành chính nằm trên mọi luật lệ ».
Sự khôn khéo tạo ra cơ hội thăng tiến
Liberation tự hỏi « Vậy những người đầy quyền lực này có tài năng gì ? ». Liberation đưa ra hai ví dụ điển hình là nhân vật số 1, ông Hồ Cẩm Đào và người kế vị ông vào năm 2012 là ông Tập Cận Bình. Theo Liberation, để có thể sống sót trong cuộc Cách Mạng Văn hóa, ông Tập Cận Bình đã không ngần ngại từ bỏ cha mình là ông Tập Trọng Huấn bị thất sủng, bị tra tấn và bỏ tù, để được gia nhập Đảng Cộng Sản.
Còn ông Hồ Cẩm Đào, đã phải cố gắng thể hiện lòng trung thành của mình với Đảng, giấu diếm nguồn gốc thương nhân của gia đình, và nhờ sự giúp đỡ của bố vợ là ông Đặng Tiểu Bình mà ông này có thể vô được Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Từ đó, Liberation nhận xét, trong một đất nước không có bầu cử, thì cần phải có các mối quan hệ.
Điều hành trên sự thỏa thuận
Để điều hành cơ chế này, Liberation trích dẫn một công bố của Wikileak dựa theo một nguồn tin từ Trung Quốc, « giống như một Hội đồng Quản trị doanh nghiệp, mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết. Do đó, Ban Thường vụ sẽ quyết định theo thỏa thuận chung ». Họ sẽ cùng nhau chia sẻ chiếc bánh gâteau kinh tế. Nghĩa là, mỗi người trong họ sẽ được kết hợp với « một nhóm quyền lợi ».
Tham nhũng và mối hiểm nguy
Ngoài ra, con cháu của các vị này cũng sẽ được hưởng phần từ chiếc bánh đó. Liberation cho biết, ngoài việc hầu hết con cái của những vị này đều được gửi đi học ở các trường đại học danh tiếng của Mỹ hay Anh quốc, họ còn nắm giữ các chức vụ quan trọng trong các doanh nghiệp lớn của chính phủ. Ví dụ, con trai của ông Ôn Gia Bảo hiện đang quản lý Quỹ đầu tư, New Horizon Capital, trị giá nhiều tỷ đô-la. Hay con trai của cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Giang Trạch Dân là Tổng Giám đốc của Tập đoàn Đầu tư Chính phủ Shanghai Alliance Investment.
Điều hiển nhiên là tham nhũng cũng không thể nào vắng bóng. Dù có nhiều lời tố cáo tham nhũng, nhưng Ban Thường vụ vẫn không hé một lời nào. Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng nhìn nhận rằng « tham nhũng là mối nguy hiểm lớnn nhất ». Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Trung ương cho biết, từ năm 1995 cho đến nay, hơn 18.000 quan chức Trung Quốc tha hóa, đều là đảng viên, đã bỏ trốn ra nước ngoài với hơn 95 tỷ euros. Cuối cùng Liberation đưa ra lời kết luận của ông McGregor : « Tham nhũng đã trở thành một loại thuế về các giao dịch để phân chia các khoản hối lộ thông qua thành phần lãnh đạo. Nó đã biến thành keo để giữ chế độ này ».

02/08/2011 -Chín con rồng : thượng tầng lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc

------

Cập nhật lúc :7:02 AM, 03/08/2011
Liệu sự thay đổi sắp tới trong giới lãnh đạo Trung Quốc có thúc đẩy sự đổi thay kịch tính trong chính sách đối ngoại của quốc gia này ? Lịch sử cho thấy điều này có thể xảy ra.
Trong vòng một năm nữa, một tập thể lãnh đạo mới sẽ kế tục Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hiện tại, giới phân tích tập trung trước hết vào thành phần Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 ủy viên, cơ quan hoạch định đường lối chính sách tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng thường trực Lý Khắc Cường, cả hai hiện là ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, được đoan chắc sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Tiếp đó, trò chơi dự đoán có sức hút với nhiều nhà quan sát Trung Quốc đang chuyển sang ai sẽ thay thế 7 vị ủy viên còn lại sắp về hưu.
Suy đoán về các quyết định nhân sự cấp cao là việc mạo hiểm và chẳng có gì thú vị. Các quyết định như vậy đạt được thông qua những thỏa hiệp và mặc cả phức tạp, bè phái và kết quả cuối cùng chỉ thường xác định được vào những giây phút cuối. Tệ hơn, đoán trước về cơ may được hay thua của những nhân vật có triển vọng thường đánh lạc hướng chúng ta, làm chúng ta không cố gắng hiểu rõ những hàm ý về chính sách rộng lớn hơn của quá trình chuyển đổi lãnh đạo. Nếu quá bận tâm đến sự thay đổi vị thế của các phe phái trong giới lãnh đạo ĐCSTQ, chúng ta sẽ không tìm hiểu xem sự thay đổi lãnh đạo có thực sự ảnh hưởng đến chính sách hay không.
Vì vậy, một cách hiệu quả hơn để chúng ta tự mình chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi lãnh đạo sắp tới của Trung Quốc là nhìn lại lịch sử và xem xét liệu các thay đổi lãnh đạo chóp bu trong quá khứ có dẫn đến các thay đổi quan trong trong chính sách đối ngoại hay không và điều gì giải thích những chuyển đổi lớn như vậy.
Đáng tiếc, ở đây chúng ta không có nhiều dữ kiện. ĐCSTQ trải qua chỉ có bốn giai đoạn chuyển tiếp lãnh đạo, đó là: giai đoạn từ Mao Trạch Đông sang Hoa Quốc Phong (1976), từ Hoa Quốc Phong sang Đặng Tiểu Bình (1979), từ Đặng Tiểu Bình sang Giang Trạch Dân (1994-95) và từ Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào (2002). Trong bốn giai đoạn nói trên, chỉ còn ba giai đoạn có thể kể đến, vì Hoa Quốc Phong, một nhân vật thuộc giai đoạn chuyển tiếp, không có cơ hội thật sự để làm lại chính sách đối ngoại cho Trung Quốc.
Khi nhìn lại ba giai đoạn chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo đầy ý nghĩa này, sự thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại diễn ra khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền vào năm 1979. Đặng bình thường hóa quan hệ với Mỹ, cơ bản định hướng lại chính sách đối ngoại của Trung Quốc theo xu hướng thân phương Tây, chấm dứt sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các lực lượng cánh tả trên thế giới và tung ra một cuộc chiến, dù trả giá đắt, nhằm “trừng phạt” Việt Nam. Thêm vào đó, Đặng tuyên bố rõ phương châm chiến lược mới: Chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhằm phục vụ công cuộc hiện đại hóa kinh tế của đất nước. (Hơn một thập niên sau, phương châm nổi tiếng của Đặng là Trung Quốc nên “giấu mình chờ thời”, được đưa ra sau sự sụp đổ của Liên Xô).
Giai đoạn chuyển tiếp từ Đặng Tiểu Bình sang Giang Trạch Dân vào giữa thập niên 1990 không dẫn đến thay đổi cơ bản. (Thời điểm năm 1994, Đặng quá già yếu để có thể tác động đến chính sách, cho đến khi qua đời vào năm 1997). Dù vậy, vẫn có sự điều chỉnh nhỏ nhưng quan trọng. Giang Trạch Dân đưa Trung Quốc tiến gần hơn với phương Tây, đẩy nhanh sự hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống quốc tế do phương Tây chi phối và đỉnh cao là đưa Trung Quốc gia nhập thành công vào Tổ chức Thương mại Thế giới, có lẽ đó là di sản vững bền nhất của Giang Trạch Dân.
Sự thay đổi đáng chú ý nữa dưới thời Giang Trạch Dân là chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với khu vực. Giang Trạch Dân nâng cấp quan hệ giữa Trung Quốc và Moscow, tiến hành chiến dịch ngoại giao “lấy lòng” các quốc gia ASEAN. Nhưng đồng thời, Giang Trạch Dân cũng thể hiện thái độ cứng rắn hơn với Nhật và bị đổ lỗi vì làm quan hệ Trung-Nhật xấu đi nhanh chóng trong nhiệm kỳ của mình. Đối với Đài Loan, Giang Trạch Dân chủ động bắt tay với lãnh đạo mới của Đài Loan, Lý Đăng Huy nhưng thái độ chuyển mạnh sang khuynh hướng ủng hộ độc lập của Lý Đăng Huy giữa những năm 1990 khiến Giang Trạch Dân trở nên cứng rắn hơn.
Sự thay đổi chính sách quan trọng nhất khi Hồ Cẩm Đào trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ vào năm 2002 là chính sách của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Giang Trạch Dân, Bắc Kinh và Đài Bắc lâm vào chiều hướng xung đột, Hồ Cẩm Đào ngay lập tức phản ứng bằng chính sách 2 mũi giáp công: Hồ Cẩm Đào ký ban hành đạo luật nổi tiếng cứng rắn mang tên “Luật chống ly khai” nhằm răn đe, chống lại các nỗ lực tuyên bố độc lập của Đài Loan nhưng cũng tiến hành chơi trò bắt tay với các đảng đối lập chính của Đài Loan, đặc biệt là Quốc Dân Đảng, để cô lập Đảng Dân Tiến (DPP) vốn chủ trương Đài Loan độc lập.
Không giống Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đưa một phần đáng kể của chính sách đối với Đài Loan cho Washington, gây áp lực với chính quyền Bush để kiềm chế Chính phủ DPP của Đài Loan. Chính sách mới của Hồ Cẩm Đào với Đài Loan gặt hái kết quả khi Quốc Dân Đảng trở lại cầm quyền, giành lại chức vụ Tổng thống hòn đảo này vào tháng Ba 2008. Hồ Cẩm Đào cũng điều chỉnh chính sách của Giang Trạch Dân ở các nơi khác trong khu vực.
Hồ Cẩm Đào cải thiện quan hệ với Nhật nhưng lại giảm cấp trên thực tế mối quan hệ với nước Nga của Putin, quốc gia liên tục làm Trung Quốc bực tức liên quan đến các thương vụ mua bán vũ khí và các thỏa thuận năng lượng. Ít thân Mỹ so với Giang Trạch Dân, trước những lời đề nghị thiết lập mối quan hệ mới tốt đẹp hơn từ chính quyền Bush và Obama, Hồ Cẩm Đào phúc đáp một cách trân trọng nhưng lạnh lùng. Dưới thời Hồ Cẩm Đào, quan hệ Mỹ-Trung chủ yếu diễn tiến trong trạng thái điều khiển tự động. May mắn là, khi Mỹ bị sa lầy tại Iraq và Afghanistan trong suốt thập niên vừa qua, tính thụ động từ phía Trung Quốc không gây vấn đề gì nhiều.
Những ví dụ về các thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại theo sau 3 giai đoạn chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo cho thấy sự kế tục trong hàng lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ có tầm quan trọng thật sự. Nói chung, rất hiếm khi các nhà lãnh đạo thận trọng của Trung Quốc dám thay đổi cơ bản chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Trường hợp ngoại lệ là Đặng Tiểu Bình. Có hai cách giải thích. Một là quyền lực - Đặng thật sự thâu tóm quyền lực vào năm 1979, không có đối thủ, điều này cho phép Đặng khởi xướng thay đổi chính sách đối ngoại một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Thứ hai là sự tương hợp giữa các mục tiêu trong chính sách đối ngoại và các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong nước của ĐCSTQ. Những cải cách toàn diện do Đặng tiến hành trong nước đòi hỏi phải có một chính sách đối ngoại thực dụng theo hướng thân phương Tây.
Hai nhân vật kế nhiệm Đặng, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, rõ ràng thiếu quyền lực như Đặng để đưa chính sách đối ngoại của Trung Quốc theo hướng hoàn toàn khác. Nhưng họ không cần điều đó. Khi lên tới hàng lãnh đạo cấp cao, cái họ cần là sự điều chỉnh và hiệu chỉnh tốt. Cả hai trường hợp, chúng ta thấy người kế nhiệm cố gắng cân bằng, thậm chí bổ khuyết chính sách của người tiền nhiệm. Giang Trạch Dân xây dựng chính sách dựa trên di sản thân phương Tây của Đặng nhưng cũng mở rộng quỹ đạo ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực bằng cách tăng cường quan hệ với Nga và ASEAN nhằm cân bằng tốt hơn mối quan hệ của Trung Quốc với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Trong trường hợp Hồ Cẩm Đào, ông ta đạt được sự cân bằng qua việc cải thiện quan hệ với Nhật nhưng lại lạnh nhạt trong quan hệ với Nga.
Sự dễ dàng tương đối mà các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể điều chỉnh chính sách đối ngoại của Bắc Kinh phải kể như là điều bất ngờ. Quan niệm thông thường nhấn mạnh quá nhiều đến việc các tân lãnh đạo cần thời gian để củng cố quyền hành và đến việc đấu tranh quyền lực ở chóp bu. Nhưng hồ sơ tư liệu của các giai đoạn chuyển giao lãnh đạo trước đây cho thấy, không chỉ thiên hướng cá nhân của các tân lãnh đạo có tác động thực sự đến chính sách đối ngoại, mà còn cho thấy các vị lãnh đạo có thể khởi sự những thay đổi chính sách sâu rộng và nhanh chóng.
Người ta có thể đưa ra nhiều cách giải thích nhưng cách thuyết phục - và hiển nhiên - nhất là thế này: không giống như việc thay đổi chính sách trong nước có xu hướng gặp phải sự kháng cự của các nhóm lợi ích cố thủ được hưởng lợi từ hiện trạng, sự thay đổi chính sách đối ngoại chỉ phải đối mặt với sự chống đối ít hơn nhiều. Giới tinh hoa hàng đầu thường có xu hướng đồng thuận về nhu cầu cần thay đổi và chỉ có số ít nhóm đặc quyền, đặc lợi (ngoại trừ giới quân đội đầy quyền lực) có quyền phủ quyết các sáng kiến, đề xuất của tân lãnh đạo nhằm tái cân bằng, hoặc điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
>>  Trung Quốc phẫn nộ, Mỹ nhún nhường
Theo VietnamWeek
 

Tổng số lượt xem trang