Minxin Pei
Giáo sư, Claremont McKenna College
Liệu sự thay đổi sắp tới trong giới lãnh đạo Trung Quốc có thúc đẩy sự đổi thay kịch tính trong chính sách đối ngoại của quốc gia này ? Lịch sử cho thấy điều này có thể xảy ra.
Trong vòng một năm nữa, một tập thể lãnh đạo mới sẽ kế tục Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hiện tại, giới phân tích tập trung trước hết vào thành phần Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 ủy viên, cơ quan hoạch định đường lối chính sách tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng thường trực Lý Khắc Cường, cả hai hiện là ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, được đoan chắc sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Tiếp đó, trò chơi dự đoán có sức hút với nhiều nhà quan sát Trung Quốc đang chuyển sang ai sẽ thay thế bảy vị ủy viên còn lại sắp về hưu.
Suy đoán về các quyết định nhân sự cấp cao là việc mạo hiểm và chẳng có gì thú vị. Các quyết định như vậy đạt được thông qua những thỏa hiệp và mặc cả phức tạp, bè phái, và kết quả cuối cùng chỉ thường xác định được vào những giây phút cuối. Tệ hơn, đoán trước về cơ may được hay thua của những nhân vật có triển vọng thường đánh lạc hướng chúng ta, làm chúng ta không cố gắng hiểu rõ những hàm ý về chính sách rộng lớn hơn của quá trình chuyển đổi lãnh đạo. Nếu quá bận tâm đến sự thay đổi vị thế của các phe phái trong giới lãnh đạo ĐCSTQ, chúng ta sẽ không tìm hiểu xem sự thay đổi lãnh đạo có thực sự ảnh hưởng đến chính sách hay không.
Vì vậy, một cách hiệu quả hơn để chúng ta tự mình chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi lãnh đạo sắp tới của Trung Quốc là nhìn lại lịch sử và xem xét liệu các thay đổi lãnh đạo chóp bu trong quá khứ có dẫn đến các thay đổi quan trong trong chính sách đối ngoại hay không, và điều gì giải thích những chuyển đổi lớn như vậy.
Đáng tiếc, ở đây chúng ta không có nhiều dữ kiện. ĐCSTQ trải qua chỉ có bốn giai đoạn chuyển tiếp lãnh đạo, đó là: giai đoạn từ Mao Trạch Đông sang Hoa Quốc Phong (1976), từ Hoa Quốc Phong sang Đặng Tiểu Bình (1979), từ Đặng Tiểu Bình sang Giang Trạch Dân (1994-95), và từ Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào (2002). Trong bốn giai đoạn nói trên, chỉ còn ba giai đoạn có thể kể đến, vì Hoa Quốc Phong, một nhân vật thuộc giai đoạn chuyển tiếp, đã không có cơ hội thật sự để làm lại chính sách đối ngoại cho Trung Quốc.
Khi nhìn lại ba giai đoạn chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo đầy ý nghĩa này, sự thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại đã diễn ra khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền vào năm 1979. Đặng bình thường hóa quan hệ với Mỹ, cơ bản định hướng lại chính sách đối ngoại của Trung Quốc theo xu hướng thân phương Tây, chấm dứt sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các lực lượng cánh tả trên thế giới, và tung ra một cuộc chiến, dù trả giá đắt, nhằm “trừng phạt” Việt Nam. Thêm vào đó, Đặng tuyên bố rõ phương châm chiến lược mới: Chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhằm phục vụ công cuộc hiện đại hóa kinh tế của đất nước. (Hơn một thập niên sau, phương châm nổi tiếng của Đặng là Trung Quốc nên “giấu mình chờ thời”, được đưa ra sau sự sụp đổ của Liên Xô cũ).
Giai đoạn chuyển tiếp từ Đặng Tiểu Bình sang Giang Trạch Dân vào giữa thập niên 1990 không dẫn đến thay đổi cơ bản. (Thời điểm năm 1994, Đặng quá già yếu để có thể tác động đến chính sách, cho đến khi qua đời vào năm 1997). Mặc dù vậy, vẫn có sự điều chỉnh nhỏ nhưng quan trọng. Giang Trạch Dân đưa Trung Quốc tiến gần hơn với phương Tây, đẩy nhanh sự hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống quốc tế do phương Tây chi phối, và đỉnh cao là đưa Trung Quốc gia nhập thành công vào Tổ chức Thương mại Thế giới, có lẽ đó là di sản vững bền nhất của Giang Trạch Dân.
Sự thay đổi đáng chú ý nữa dưới thời Giang Trạch Dân là chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với khu vực. Giang Trạch Dân nâng cấp quan hệ giữa Trung Quốc và Moscow, tiến hành chiến dịch ngoại giao “lấy lòng” các quốc gia ASEAN. Nhưng đồng thời, Giang Trạch Dân cũng thể hiện thái độ cứng rắn hơn với Nhật, và bị đổ lỗi vì làm quan hệ Trung-Nhật xấu đi nhanh chóng trong nhiệm kỳ của mình. Đối với Đài Loan, Giang Trạch Dân chủ động bắt tay với lãnh đạo mới của Đài Loan, Lý Đăng Huy, nhưng thái độ chuyển mạnh sang khuynh hướng ủng hộ độc lập của Lý Đăng Huy giữa những năm 1990 đã khiến Giang Trạch Dân trở nên cứng rắn hơn.
Sự thay đổi chính sách quan trọng nhất khi Hồ Cẩm Đào trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ vào năm 2002 là chính sách của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Giang Trạch Dân, Bắc Kinh và Đài Bắc lâm vào chiều hướng xung đột, Hồ Cẩm Đào ngay lập tức phản ứng bằng chính sách 2 mũi giáp công: Hồ Cẩm Đào ký ban hành đạo luật nổi tiếng cứng rắn mang tên “Luật chống ly khai” nhằm răn đe, chống lại các nỗ lực tuyên bố độc lập của Đài Loan, nhưng cũng tiến hành chơi trò bắt tay với các đảng đối lập chính của Đài Loan, đặc biệt là Quốc Dân Đảng, để cô lập Đảng Dân Tiến (DPP) vốn chủ trương Đài Loan độc lập.
Không giống Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đưa một phần đáng kể của chính sách đối với Đài Loan cho Washington, gây áp lực với chính quyền Bush để kiềm chế chính phủ DPP của Đài Loan. Chính sách mới của Hồ Cẩm Đào với Đài Loan đã gặt hái kết quả khi Quốc Dân Đảng trở lại cầm quyền, giành lại chức vụ tổng thống hòn đảo này vào tháng Ba 2008. Hồ Cẩm Đào cũng điều chỉnh chính sách của Giang Trạch Dân ở các nơi khác trong khu vực. Hồ Cẩm Đào cải thiện quan hệ với Nhật, nhưng lại giảm cấp trên thực tế mối quan hệ với nước Nga của Putin, quốc gia liên tục làm Trung Quốc bực tức liên quan đến các thương vụ mua bán vũ khí và các thỏa thuận năng lượng. Ít thân Mỹ so với Giang Trạch Dân, trước những lời đề nghị thiết lập mối quan hệ mới tốt đẹp hơn từ chính quyền Bush và Obama, Hồ Cẩm Đào đã phúc đáp một cách trân trọng nhưng lạnh lùng. Dưới thời Hồ Cẩm Đào, quan hệ Mỹ-Trung chủ yếu diễn tiến trong trạng thái điều khiển tự động. May mắn là, khi Mỹ bị sa lầy tại Iraq và Afghanistan trong suốt thập niên vừa qua, tính thụ động từ phía Trung Quốc không gây vấn đề gì nhiều.
Những ví dụ về các thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại theo sau 3 giai đoạn chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo cho thấy sự kế tục trong hàng lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ có tầm quan trọng thật sự. Nói chung, rất hiếm khi các nhà lãnh đạo thận trọng của Trung Quốc dám thay đổi cơ bản chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Trường hợp ngoại lệ là Đặng Tiểu Bình. Có hai cách giải thích. Một là quyền lực – Đặng thật sự thâu tóm quyền lực vào năm 1979, không có đối thủ, điều này cho phép Đặng khởi xướng thay đổi chính sách đối ngoại một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Thứ hai là sự tương hợp giữa các mục tiêu trong chính sách đối ngoại và các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong nước của ĐCSTQ. Những cải cách toàn diện do Đặng tiến hành trong nước đòi hỏi phải có một chính sách đối ngoại thực dụng theo hướng thân phương Tây.
Hai nhân vật kế nhiệm Đặng, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, rõ ràng thiếu quyền lực như Đặng để đưa chính sách đối ngoại của Trung Quốc theo hướng hoàn toàn khác. Nhưng họ không cần điều đó. Khi đã lên tới hàng lãnh đạo cấp cao, cái họ cần là sự điều chỉnh và hiệu chỉnh tốt. Cả hai trường hợp, chúng ta thấy người kế nhiệm cố gắng cân bằng, thậm chí bổ khuyết chính sách của người tiền nhiệm. Giang Trạch Dân xây dựng chính sách dựa trên di sản thân phương Tây của Đặng, nhưng cũng mở rộng quỹ đạo ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực bằng cách tăng cường quan hệ với Nga và ASEAN nhằm cân bằng tốt hơn mối quan hệ của Trung Quốc với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Trong trường hợp Hồ Cẩm Đào, ông ta đạt được sự cân bằng qua việc cải thiện quan hệ với Nhật, nhưng lại lạnh nhạt trong quan hệ với Nga.
Sự dễ dàng tương đối mà các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể điều chỉnh chính sách đối ngoại của Bắc Kinh phải kể như là điều bất ngờ. Quan niệm thông thường nhấn mạnh quá nhiều đến việc các tân lãnh đạo cần thời gian để củng cố quyền hành và đến việc đấu tranh quyền lực ở chóp bu. Nhưng hồ sơ tư liệu của các giai đoạn chuyển giao lãnh đạo trước đây cho thấy, không chỉ thiên hướng cá nhân của các tân lãnh đạo có tác động thực sự đến chính sách đối ngoại, mà còn cho thấy các vị lãnh đạo có thể khởi sự những thay đổi chính sách sâu rộng và nhanh chóng. Người ta có thể đưa ra nhiều cách giải thích, nhưng cách thuyết phục −và hiển nhiên − nhất là thế này: không giống như việc thay đổi chính sách trong nước có xu hướng gặp phải sự kháng cự của các nhóm lợi ích cố thủ được hưởng lợi từ hiện trạng, sự thay đổi chính sách đối ngoại chỉ phải đối mặt với sự chống đối ít hơn nhiều. Giới tinh hoa hàng đầu thường có xu hướng đồng thuận về nhu cầu cần thay đổi, và chỉ có số ít nhóm đặc quyền, đặc lợi (ngoại trừ giới quân đội đầy quyền lực) có quyền phủ quyết các sáng kiến, đề xuất của tân lãnh đạo nhằm tái cân bằng, hoặc điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc.