Tình trạng công nhân đình công không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, quy mô, tính chất và mức độ ảnh hưởng ngày càng có xu hướng tăng cao. Qua khảo sát, thống kê cho thấy, hầu hết các vụ đình công là có cơ sở, đúng pháp luật. Trước khi đình công, nhiều công nhân trong các doanh nghiệp, nhà máy đã kiến nghị với công đoàn và chủ doanh nghiệp sở tại, nhưng không được xem xét giải quyết. Điều đáng nói, lẽ ra với chức năng, nhiệm vụ là bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp, là chỗ dựa của công nhân, lắng nghe mọi kiến nghị, thắc mắc của họ để đề xuất với chủ doanh nghiệp, thế nhưng trên thực tế, nhiều tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, nhà máy (đặc biệt là các công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài) rất thờ ơ với ý kiến, kiến nghị của công nhân. Hầu hết các kiến nghị, bức xúc của người lao động không được giải quyết mà chỉ là “giải thích”, “vận động” theo kiểu “gió chiều nào che chiều ấy”… Chính vì vậy, khi những nhu cầu bức bách của công nhân lên đến cao trào thì xảy ra đình công. Lúc đó, không ít tổ chức công đoàn không những không đứng về phía người lao động mà lại đứng về phía chủ doanh nghiệp, đổ lỗi cho công nhân.
Có một thực tế, hiện nay phần lớn cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần thường do chủ doanh nghiệp tự lựa chọn, bổ nhiệm nhân sự. Trong số đó, chỉ có số ít là được đào tạo chính quy làm chuyên trách, còn lại là không qua đào tạo và đều kiêm nhiệm nhiều việc. Cá biệt, có những trường hợp đưa con cháu, người thân vào làm chủ tịch công đoàn, tạo ra một ê-kíp khép kín, nhìn bên ngoài tưởng doanh nghiệp êm ấm, nhưng thực ra có rất nhiều rối ren.
Vai trò, trách nhiệm của người cán bộ công đoàn trong mỗi doanh nghiệp, nhà máy là cực kỳ quan trọng. Do đó, việc bổ nhiệm cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp cần phải được lựa chọn kỹ cả về phẩm chất, đạo đức và trình độ, năng lực chuyên môn. Điều này có liên quan trực tiếp đến hệ thống tổ chức Liên đoàn lao động các cấp (tỉnh, thành phố, quận, huyện) trong việc kiểm tra, giám sát, theo dõi, uốn nắn hoạt động các doanh nghiệp trên địa bàn, tránh hiện tượng tổ chức ra bộ phận công đoàn chỉ để lấy lệ, hình thức và chưa đứng ra bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động.
Đào Duy Tuấn
...-Mỗi tháng tại TP.HCM có 12.000 người đăng ký thất nghiệp(SGTT). Phú Thọ: Hơn 100 công nhân cấp cứu vì ngộ độc (Dantri)-