Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách

-Có hai bài lề phải viết về ông Cù Huy Hà Vũ
-- Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách
Cù Huy Hà Vũ đã phản bội lại những tín điều thiêng liêng khi coi đó là phương tiện, đã phản bội lại gia đình khi đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, đã phản bội lại học thức khi hành xử bất chấp pháp luật. Và như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi Vũ phản bội lại cả đất nước và dân tộc.
Không thể phủ nhận được rằng mỗi quốc gia đều cần những nhân cách lớn để tạo ra những động lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nhu cầu đó không thể trở thành áp lực để mỗi chúng ta và cả xã hội trở nên dễ dãi trong việc đánh giá một con người. Sự nhầm lẫn về nhân cách sẽ tạo ra những hệ lụy trầm trọng đối với những giá trị đạo đức chung cũng như đối với nhận thức của mỗi cá nhân. Nó tạo ra cơ hội cho những kẻ tầm thường và những kẻ vô đạo đức nhân danh những tín điều cao cả để phục vụ những mục đích ích kỷ, mặt khác, có người vô tình, có người hữu ý tạo nên sự hỗn loạn trong dư luận. Trong sự hỗn loạn đó, sự thật về nhân cách Cù Huy Hà Vũ đã bị làm ngơ.
Với những mục đích khác nhau, một số cá nhân đã muốn đặt Cù Huy Hà Vũ vào vị trí của một người hùng. Bằng việc kích động tâm lý thần tượng cá nhân, bằng việc khoác lên Vũ sự lấp lánh của lý tưởng và sự xả thân, bằng các xảo thuật để gọt đẽo một hình tượng, họ đã quên mất việc trả lời một câu hỏi cơ bản. Đó là câu hỏi về nhân cách thật sự của Cù Huy Hà Vũ.
Trước năm 2005, không nhiều người biết đến Vũ. Nhưng đối với phần lớn cán bộ Học viện Quan hệ quốc tế thời ấy, Vũ không phải là cái tên xa lạ. Con người này được biết tới bởi sự vô trách nhiệm và vô kỷ luật trong công việc. Sau một thời gian dài đi du học, dù đã báo cáo bảo vệ luận án tiến sỹ nhưng Vũ không hề có một đóng góp dù nhỏ trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy ở trong hay ngoài Học viện. Suốt 25 năm, từ 1979 đến 2004, Vũ không đi du học thì cũng chỉ đến cơ quan để lĩnh lương.
Bỗng nhiên năm 2005, người ta thấy Vũ xuất hiện trong dư luận với một bộ quần áo mới: một người bảo vệ những giá trị văn hóa nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung trong vụ kiện đồi Vọng Cảnh. Từ một tiến sỹ không lao động, không cống hiến nhưng chưa bao giờ để sót một đồng lương thoắt đã mang bộ mặt của một người yêu nước. Từ đó trở đi, Vũ xuất hiện nhiều hơn trước công luận. Vũ tự ý bỏ việc và chăm chỉ đi kiện. Và những vụ kiện của Vũ hầu như đều đóng một vai là "bảo vệ văn hóa". Năm 2006, Vũ tiếp tục kiện album Chat với Mozart của ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Dương Thụ vì cho rằng việc đặt tên và lời tiếng Việt cho các tác phẩm của các tác giả nhạc cổ điển trong album này đã "vi phạm quyền nhân thân" của họ.


Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa phúc thẩm ngày 2/8/2011. Ảnh: TTXVN

Phải chăng mơ ước cống hiến vì đất nước, vì dân tộc đã đột ngột đến với Vũ sau 25 năm câm lặng? Nếu câu trả lời là có, tại sao Vũ không đến Học viện Ngoại giao làm việc mà chỉ ở nhà, mở văn phòng luật nhưng vẫn lĩnh lương đều? Lẽ nào một người đang cố gắng để cống hiến cho xã hội lại có thể vui vẻ nhận những đồng lương từ ngân sách nhà nước mà không hề lao động?
Mọi chuyện bỗng trở nên dễ hiểu khi sau những vụ kiện đó, năm 2006, Vũ đã nộp đơn tự ứng cử chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin. Vũ đi kiện về những vấn đề văn hóa không phải vì văn hóa hay vì đất nước. Đó chỉ là một sự chuẩn bị cho việc thực hiện một tính toán cá nhân: làm Bộ trưởng. Và tính toán cá nhân này càng trở nên rõ ràng hơn khi năm 2007, Vũ tiếp tục ứng cử đại biểu quốc hội. Như thế, văn hoá dân tộc, di sản của đất nước hay tinh hoa văn hoá nhân loại...  đều bị Vũ biến thành con bài cho cuộc chơi vì những toan tính cá nhân.
Cho đến giai đoạn này, con đường Vũ đi chỉ là con đường của tham vọng về quyền lực và danh vọng. Những cố gắng hết mình của Vũ dường như chỉ nhằm mục đích tạo nên sức ép dư luận để tìm một chỗ đứng trong bộ máy. Nhưng khi không đạt được mục đích đó, Vũ trở thành kẻ chống phá chính bộ máy mà mình đã mơ ước được đứng vào. Từ đây, Vũ xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, nói năng về lý tưởng một cách hoa mỹ hơn và thực hiện những vụ kiện ầm ĩ hơn.
Và trước khi đi kiện, Vũ cũng từng là người bị kiện. Mà đặc biệt hơn, Vũ bị kiện bởi chính bác mình, em ruột mình, và bố đẻ mình. Ngày 28/10/2003, đích thân cố nhà thơ Cù Huy Cận đã có đơn gửi chính quyền UBND quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên và các cơ quan báo chí- truyền thông kiện Vũ cấu kết với gia đình nhà vợ nhằm gây khó khăn cho chính gia đình mình.
Nguyên văn ông viết: "Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi được biết ông Nguyễn Bá Phụng (bố chị Nguyễn Thị Dương Hà) với sự giúp sức của vợ chồng anh Cù Huy Hà Vũ và chị Nguyễn Thị Dương Hà đứng tên ra kinh doanh giải khát trên miếng đất có cổng 24B Điện Biên Phủ (sát liền với số 26 Điện Biên Phủ nhìn ra đường Điện Biên Phủ) thuộc chủ quyền của tôi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 474/TTG ngày 16/7/1996. Mặc dù tôi đã bố trí cho vợ chồng anh Cù Huy Hà Vũ và chị Nguyễn Thị Dương Hà sử dụng làm chỗ ở căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 28m2 có khoảng không bên trên, mặt phố Trần Phú giáp với khu nhà 21 Trần Phú và nhà ông Vũ Quang Triệu và bảo ban, khuyên răn vợ chồng anh Hà Vũ không được cản trở, gây khó khăn cho tôi và gia đình trong việc sử dụng miếng đất có cổng 24B Điện Biên Phủ nói trên làm lối đi vào nhà nhưng vợ chồng anh Hà Vũ phối hợp với ông Nguyễn Bá Phụng vẫn cố tình chống đối, bất chấp".
Nực cười thay, và cũng chua xót thay, khi con người ấy với những toan tính ấy bỗng trở thành điển hình của lý tưởng và hy sinh trong những mỹ từ lấp lánh của một số cá nhân tự nhận mình "học theo Cù Huy Hà Vũ". Sau khi đặt mục đích cá nhân lên trên mọi hiểu biết và danh dự, Vũ trở thành Cù tiên sinh, trở thành vầng dương, trở thành trái tim Đankô…
Nhóm người đang tung hô Vũ thừa hiểu rằng một kẻ phản bội lại chính bố mình thì có gì mà không dám phản bội? Thế nhưng kẻ bỏ đi ấy vẫn có những giá trị để lợi dụng. Thứ nhất, Vũ là kẻ có đầy đủ bằng cấp. Thứ hai, Vũ là con của một nhà cách mạng lão thành. Thứ ba, Vũ là kẻ hoạt ngôn. Thứ tư, Vũ là kẻ điên cuồng vì tham vọng. Thứ năm, Vũ không có cơ hội để làm chính trị một cách tử tế. Trong bối cảnh ấy, không khó để nhận thấy rằng nếu bơm vào đầu Vũ những tham vọng và vuốt ve bởi những lời tung hô, Vũ sẽ trở thành kẻ bất chấp tất cả để thỏa mãn ảo tưởng vĩ cuồng của mình.
Theo một kịch bản được tính toán kỹ lưỡng dựa trên logique tâm lý Vũ, từ năm 2007, Vũ xuất hiện nhiều hơn trên các diễn đàn. Những vụ kiện và phát ngôn của Vũ vẫn dựa trên chiêu bài vì văn hóa, vì đất nước nhưng thực chất là chĩa thẳng mũi nhọn vào bộ máy lãnh đạo, nơi Vũ đã mơ ước được tham dự. Vào ngày 19/6/2010, trong bài phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, Vũ đã nêu ra yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA ngày 29/4/2010, Vũ đã bình luận về Chiến tranh Việt Nam. Trả lời phỏng vấn đài VOA về cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Vũ cho rằng đồng hành quân sự với Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc là "mệnh lệnh của thời đại".
Sự chuyển biến trong nội dung, đối tượng đề cập và thông điệp của các phát ngôn qua miệng Cù Huy Hà Vũ cho thấy Vũ đã nhắm tới một mục tiêu lớn hơn cương vị Bộ trưởng. BBC tiếng Việt, Đài châu Á tự do và RFI chào đón Vũ với một mật độ thường xuyên và những lời bình trịnh trọng. Vũ đã chính thức trở thành một quân cờ trên bàn cờ chính trị mà mỗi nước đi được tính toán từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Thừa hiểu rằng Vũ chẳng có tư cách gì về trí tuệ cũng như phẩm giá để nói về những vấn đề trọng đại của đất nước, những kẻ đứng sau Vũ cũng ráo riết chuẩn bị cho Vũ một nhân cách "vĩ đại" nhằm tạo ra một sự tương xứng "danh chính ngôn thuận". Sự "tụng ca" gây tiếng vang bằng những ngôn từ lấp lánh "Anh nguyện hiến dâng. Anh nguyện dấn thân. Anh nguyện làm bó đuốc soi đường. Anh là vầng dương, là bình minh sẽ xua tan bóng đêm lọc lừa. Anh ngời sáng hào quang công lý…". Cùng theo chiều hướng suy tư đó, Vũ đã trở thành "anh hùng dân tộc", "người phi thường", "kẻ sĩ Đông phương"…
Những ngôn từ càng cao cả thì chiêu bài nhân cách càng bộc lộ trơ tráo đến đau lòng. Trong những toan tính, những kẻ đứng sau Vũ đã bất chấp sự thật để sơn son thiếp vàng lên một cá nhân tầm thường và nhỏ mọn.
Điều nguy hiểm ở đây là nhân cách thật sự của một con người không còn được tôn trọng nữa. Bằng việc ngợi ca một kẻ lợi dụng những tín điều thiêng liêng để đạt tới tham vọng quyền lực, những kẻ ủng hộ Vũ đã chà đạp lên đạo đức và làm biến dạng tình yêu nước. Vì mục đích của mình, nhóm người này tiếp tục đồng lòng để một kẻ bại hoại về tư cách và danh dự rao giảng về những giá trị thiêng liêng của cuộc sống. Nhóm người này không chỉ biến Vũ thành một quân cờ mà thông qua Vũ biến cả những giá trị thiêng liêng của xã hội như độc lập, tự do, dân chủ và nhân quyền thành quân cờ để đạt được mục đích của mình. Vũ đã là một kẻ phản bội luân lý và đạo làm người. Nhưng những người lợi dụng Vũ, đau lòng thay, đã phản bội chính danh dự và trí tuệ của mình.
Trở lại với thực tế cuộc sống, trong tất cả những vụ kiện tụng và tranh chấp Vũ đã tham dự có một vụ tranh chấp dằng dai nhất, nhiều toan tính nhất. Đó là vụ tranh chấp căn biệt thự số 24 Điện Biên Phủ. Theo sự phân chia bằng văn bản công chứng của cố thi sĩ Huy Cận thì Cù Huy Hà Vũ chỉ được một phần của căn biệt thự. Tuy nhiên theo bà Trần Lệ Thu, vợ cố thi sĩ, Cù Huy Hà Vũ vẫn tiếp tục âm mưu chiếm đoạt cả căn biệt thự. Đây là sự bất chấp pháp luật của một kẻ luôn vỗ ngực là tiến sỹ luật học. Và đó là nguyên nhân sâu xa cho sự tranh chấp vẫn chưa đi đến hồi kết.
Cù Huy Hà Vũ đã phản bội lại những tín điều thiêng liêng khi coi đó là phương tiện, đã phản bội lại gia đình khi đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, đã phản bội lại học thức khi hành xử bất chấp pháp luật. Và như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi Vũ phản bội lại cả đất nước và dân tộc. Việc áp dụng chiêu bài nhân cách cho một kẻ tầm thường nhỏ mọn như vậy chỉ cho thấy mưu đồ quyền lực của những kẻ vẫn tung hô và ủng hộ Vũ. Những mỹ từ đã trở thành công cụ lừa đảo cho phủ lên những dã tâm chiếm đoạt thay vì sự cống hiến và hy sinh thật sự cho đất nước và dân tộc.
Sự thật về nhân cách Cù Huy Hà Vũ là một sự thật mà những người thân của ông ta biết, những người hàng xóm của ông ta biết, những người đồng nghiệp của ông ta biết, và cả những người đang tôn vinh ông ta như biểu tượng của đất nước cũng đều biết. Nghĩ cho số phận của nhân dân, nghĩ cho những cái đầu non nớt với trái tim nhiệt huyết và ngây thơ của những người Việt trẻ tin và yêu những trí tuệ lớn đang ngày càng hiếm hoi của đất nước, có ai đặt câu hỏi về một sự thật đang cố tình bị làm ngơ?
Một phán quyết trong một phiên toà có thể quyết định số phận của một con người. Nhưng phán quyết trong toà án lương tâm của những con người đang là ngôi đền gìn giữ tinh hoa trí tuệ cho một dân tộc, nhất là khi dân tộc đó đang đứng trước những thử thách của các cuộc xâm lăng văn hoá và sự xói mòn các giá trị đạo đức... có thể quyết định số phận của cả một đất nước. Làm ngơ trước sự thật về nhân cách một con người, khi mà con người ấy đang cố, và đang được đám đông tri hô khoác lên mình chiếc áo tri thức và đạo đức để đại diện cho một dân tộc, đó chính là phán quyết lạnh lùng của mục đích cá nhân trước lương tri của người trí thức. Sự thật không phải là điều bí ẩn phải kiếm tìm, sự thật là điều hiển hiện mà con người phải đối diện để chấp nhận.
Xung quanh cái tên Cù Huy Hà Vũ là những cuộc chiến ngôn từ ầm ĩ, những lời nói nhục mạ trao đi đổi lại. Tôi chợt nhớ một câu văn ngắn của một văn hào tôi đã đọc trong sách giáo khoa phổ thông: "Rồi chiến tranh sẽ đi qua, rồi tiếng súng sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng cũng thôi gào thét, chỉ còn tấm lòng em chung thuỷ, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương". Cần rất nhiều lòng dũng cảm, cần lắm lắm một trái tim ngay thẳng, cần lắm lắm một lòng yêu sự thật để có thể chan chứa tình yêu thương - đó chính là nhân cách mà mọi xã hội, mọi đất nước đều cần để vươn lên.
Fukushima tan hoang sau cơn địa chấn và sóng thần, nhưng những người dân Fukushima vẫn trở về bãi đất trống hoang tàn với nghị lực mạnh mẽ và niềm tin vào ngày mai. Bởi trong những lúc khó khăn nhất, giữa sống và chết, từng người dân Nhật vẫn giữ gìn trọn vẹn nhân cách của mình. Với người Việt tự ngàn xưa, trải qua chiến tranh liên miên không dứt, rồi thiên tai, rồi nhân họa, mất tất cả rồi gây dựng từ tay trắng, cũng chỉ bằng nhân cách và trái tim chan chứa yêu thương mà thôi.
Người con trai của cụ Phan Châu Trinh, khi sức lực đã quá yếu, ông đã xin được về nước để chết, để có thể không là gánh nặng cho cha. Và cụ Phan, cho đến giây phút cuối của cuộc đời, vẫn chan chứa yêu thương những người dân Việt lầm than dốt nát, đau đáu một lòng "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Bởi nỗi đau lớn lao của cuộc đời người yêu nước ấy là nỗi đau dân trí. Còn gì đau đớn hơn khi tội ác hoành hành và lương tri bị xói mòn bởi sự ấu trĩ và dốt nát, khi số phận của nhân dân ngàn đời bị lợi dụng trong toan tính quyền lực và danh vọng của một số người được học. 
Người trí thức Việt, xin đừng mất đi nhân cách ấy, xin đừng mất đi nỗi đau ấy, xin đừng đánh mất lương tri của dân tộc gửi gắm trong trí tuệ mình

Quý ThanhCù Huy Hà Vũ: Từ góc nhìn của một người Việt hải ngoại
Để độc giả hiểu thêm về Cù Huy Hà Vũ, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư Trần Chung Ngọc, đã đăng trên Tạp chí Nhân quyền Việt Nam.
 >> Tuyên phạt bị cáo Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù
Giáo sư Trần Chung Ngọc sinh năm 1931 tại Hà Nội, từng phục vụ trong quân đội Sài Gòn 8 năm. Ông nhận học bổng du học tại Mỹ vào năm 1967. Năm 1972 ông trở về giảng dạy tại một số trường đại học ở Sài Gòn. Đến năm 1975 ông sang Mỹ làm nghiên cứu sinh rồi định cư tại Mỹ cho đến nay. Thời gian qua, GS Ngọc đã có nhiều bài viết phân tích một cách sâu sắc, khách quan, phê phán Mỹ, phương Tây và một số tác giả hải ngoại lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam, trong đó có bài viết dưới đây.

Về mấy nhận định của Cù Huy Hà Vũ

Tôi đã đọc khá nhiều về Cù Huy Hà Vũ trên những diễn đàn thông tin ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Lẽ dĩ nhiên những người hành nghề chống Cộng ở hải ngoại lại có dịp hoan hô, ủng hộ những lời tuyên bố của Mark Toner, HRW, RFA, RFI, Liên hiệp châu Âu… để lên án Nhà nước về vụ xử “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ”. Sau đây tôi muốn nói về vài nhận định của ông Cù Huy Hà Vũ:

Ông Vũ phát ngôn: “Không có Đảng Cộng sản Việt Nam thì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước vẫn cứ đến với người Việt Nam như lịch sử đã minh chứng trong suốt 2.000 năm qua… Chắc chắn Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ không phải là Đảng Cộng sản Việt Nam hay Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khi tiến hành thành công các cuộc chiến tranh đánh đuổi quân xâm lược phong kiến Trung Hoa để giành độc lập dân tộc hay để thống nhất đất nước”.

Tôi nghĩ rằng, đầu óc của Cù Huy Hà Vũ quả thật thuộc loại bất bình thường. Tất cả những nhân vật lịch sử của Việt Nam ông Vũ nêu trên đều thuộc những thời đại Đảng Cộng sản chưa ra đời, vậy tất nhiên họ “không phải là Đảng Cộng sản”. Nhưng thử hỏi, không có Đảng Cộng sản Việt Nam thì chế độ nô lệ thực dân Pháp có cáo chung không?

Trong hơn 80 năm dưới sự đô hộ của Pháp, đã có biết bao cuộc nổi dậy của những người Việt Nam yêu nước chống Pháp, nhưng có ai thành công không? Từ phong trào Cần Vương, Hoàng Hoa Thám… cho đến Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, những người yêu nước trên đã đạt được những kết quả gì trong công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp? Lê Lợi, Nguyễn Huệ… đâu, sao không thấy, mà chỉ thấy có Hồ Chí Minh, theo gương các tiền nhân anh hùng của Việt Nam là thành công đánh đuổi được thực dân Pháp. Độc lập dân tộc và thống nhất đất nước vẫn cứ đến với người Việt Nam bằng cách nào, phải chờ bao nhiêu lâu nữa, hay nằm hút thuốc phiện, há miệng chờ sung, hay chờ cho một Lê Lợi, Nguyễn Huệ khác, không phải là Cộng sản xuất hiện? Đừng có quên là Pháp trở lại với mục đích tái lập nền đô hộ ở Việt Nam với 80% quân phí do Mỹ yểm trợ. Và cũng đừng quên là Mỹ đã đơn phương dựng lên một chế độ bù nhìn Công giáo Ngô Đình Diệm ở Việt Nam, không chịu thi hành điều khoản Tổng tuyển cử vào năm 1956 trong Hiệp định Geneva.

Ông Cù Huy Hà Vũ có vẻ như không hiểu mấy về lịch sử cận đại Việt Nam. Ông không biết rằng, cuộc chiến thắng chống ngoại xâm của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã gây nên tiếng vang trên thế giới như thế nào. Ông công nhận những cuộc chiến thắng quân Tàu ngoại xâm của Việt Nam trong những thời trước nhưng lại muốn phủ nhận công chiến thắng quân ngoại xâm Pháp rồi Mỹ của Đảng Cộng sản Việt Nam… Không thể dựa vào những chuyện của chính quyền ngày nay mà ông không đồng ý để phủ nhận những công trên của Đảng Cộng sản…

Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa xét xử sơ thẩm

Ông Vũ còn nói: “Khi nói “giải phóng miền Nam” thì không thể không xác định giải phóng miền Nam khỏi ai, khỏi cái gì. Chắc chắn không phải “giải phóng miền Nam” khỏi sự chiếm đóng của Hoa Kỳ vì ngày 30-4-1975, quân đội Cộng sản nhận sự đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh, đó là chưa kể Hoa Kỳ đã rút hết quân khỏi miền Nam từ năm 1973 theo Hiệp định Paris”.

Nếu ông Cù Huy Hà Vũ không hiểu “giải phóng miền Nam” là giải phóng khỏi ai và giải phóng khỏi cái gì thì không nên đặt thành vấn đề xác định, vì ông còn thiếu một thắc mắc là “giải phóng miền Nam” để làm gì? Hoa Kỳ chưa bao giờ chiếm đóng miền Nam, chỉ dựng lên miền Nam rồi khi tình hình nguy ngập, đổ nửa triệu quân vào đánh giúp miền Nam để miền Nam khỏi rơi vào tay Cộng sản và khi thấy không thể thắng được và không còn muốn giúp nữa thì Hoa Kỳ tháo chạy (từ của Nguyễn Tiến Hưng) hay văn vẻ lịch sự hơn là “rút lui trong danh dự”. Thực tế là trong miền Nam còn có Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và đa số người dân miền Nam ủng hộ mặt trận này, nếu không, chẳng bao giờ Cộng sản có thể thành công “giải phóng miền Nam” được.

Lẽ dĩ nhiên một số người ở miền Nam, vì hoàn cảnh đất nước nên dù muốn dù không cũng thuộc miền Nam, trong đó có tôi, chẳng muốn mình được giải phóng. Nhưng không muốn là một chuyện mà chuyện thống nhất quốc gia để hợp với lòng dân, ít ra là đa số người dân, lại là một chuyện khó tránh, vì người dân không muốn cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh trong lịch sử tái diễn. Hơn nữa, Cộng sản đã lãnh đạo người dân kháng chiến chống Pháp, tốn bao xương máu, đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ, ký Hiệp định Geneva với hy vọng thống nhất đất nước qua giải pháp chính trị Tổng tuyển cử năm 1956, nhưng bị Mỹ dựng lên miền Nam, cường quyền thắng công lý, không thi hành điều khoản Tổng tuyển cử vào năm 1956 quy định trong Hiệp định Geneva.

Cộng sản có cách nào hơn để đi đến thống nhất đất nước, chẳng lẽ tốn bao xương máu để cho miền Nam trù phú ở trong tay một “chí sĩ” Công giáo nằm trong các tu viện Công giáo suốt trong thời gian toàn dân kháng chiến chống Pháp hay sao? “Giải phóng miền Nam” là câu tuyên truyền của Cộng sản để thực hiện thống nhất đất nước. Cho nên câu hỏi của ông Vũ chứng tỏ là ông không biết mấy về cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi cũng là người đã tháo chạy trước ngày 30/4/1975 vài ngày, nhưng với lương tâm trí thức, chẳng thể nào phủ nhận diễn biến lịch sử nó là như vậy.

Vài lời kết luận

Tôi biết rằng, viết ra những ý kiến cá nhân ngược dòng dư luận hải ngoại thể nào cũng lại bị chụp vài cái mũ trên đầu. Nhưng chẳng sao, vì những kẻ buôn nón cối thường không đủ khả năng để thảo luận những vấn đề tôi viết trong bài. Nếu người nào đọc bài này mà cho rằng tôi bênh vực chính quyền Việt Nam hoặc lên án Cù Huy Hà Vũ thì người đó chưa bao giờ hoạt động trong lĩnh vực học thuật.

Tôi ở trong quân đội quốc gia cho nên năm 1954 đã di cư vào Nam. Tôi đã phục vụ trong quân lực của miền Nam tổng cộng là 8 năm rưỡi và đã phục vụ trong ngành Giáo dục Việt Nam cho đến ngày cuối. Tôi nghĩ mình ở đâu, làm đầy đủ bổn phận công dân ở đấy là đủ, không có gì phải hổ thẹn với lương tâm. Nhưng cuộc chiến Quốc – Cộng đã ngưng 36 năm trước đây rồi, cho nên trong đầu óc tôi không còn Quốc – Cộng mà chỉ còn người Việt Nam. Khi nghiên cứu về lịch sử thì chúng ta phải hiểu rõ là những sự thật lịch sử thì không có tính cách bè phái hay Quốc – Cộng. Và dù những sự thật đó có làm chúng ta đau lòng cách mấy chúng ta cũng phải chấp nhận. Đó là sự lương thiện trí thức của con người.

Viết bài này, tôi chẳng bênh vực chính quyền mà cũng chẳng lên án Cù Huy Hà Vũ mà tôi chỉ nghiên cứu sự việc qua những thông tin trên Internet, tổng hợp, phân tích và đưa ra những ý kiến dựa trên những thông tin và những sự kiện chứ không dựa trên cảm tính cá nhân. Nhưng tôi cần phải nói là tôi chống những sự can thiệp của bên ngoài, bất cứ từ đâu, vào nội bộ Việt Nam. Không phải chỉ vì tôi đã thấy rõ bản chất của chính sách đối ngoại của Mỹ, thực chất của những tổ chức như RFA, HRW, RFI… mà lý do chính là vì, như trên tôi đã nói, tôi là một công dân Mỹ gốc Việt Nam, mà đã là gốc Việt Nam thì tôi nghĩ, những vấn nạn của Việt Nam hãy để cho người Việt Nam tự giải quyết, không cần đến những sự can thiệp trịch thượng và đạo đức giả vào nội bộ Việt Nam của bất cứ ai hay thế lực nào khác.

Tôi chẳng có ác cảm gì với những cá nhân hay tổ chức chuyên can thiệp vào những chuyện nội bộ Việt Nam, vì đó là mục đích chính trị của họ. Tôi cũng chẳng có ác cảm gì với Cù Huy Hà Vũ và những người ở trong nước tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, vì đó là quyền tự do của họ. Vấn đề là ở chỗ thẩm quyền của những tổ chức bên ngoài để can thiệp vào chuyện nội bộ Việt Nam và hình thức tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền của những người trong nước. Hung hăng chửi bậy trong Tòa như Nguyễn Văn Lý thì không phải là tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Thắp nến cầu nguyện với búa, kìm và xà beng ở Tòa Khâm Sứ thì không phải là hình thức tranh đấu hợp pháp. Tuyên ngôn Phục Linh không phải là quyền tự do ngôn luận. Những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở trong nước mà dựa thế nước ngoài là tranh đấu một cách rất vụng về. Mục đích tranh đấu là đúng, nhưng không thể tự lực mà phải nhờ đến người ngoài là phương thức tranh đấu không có hiệu quả, vì chính quyền Việt Nam và đa số người dân Việt Nam, theo truyền thống lịch sử, rất nhạy cảm đối với sự can thiệp của nước ngoài.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta có bao giờ nghĩ rằng các cường quốc Tây phương thực tâm vì nhân quyền mà ủng hộ sự tranh đấu cho nhân quyền của chúng ta hay không? Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta thôi không tranh đấu cho nhân quyền nữa. Nhưng vấn đề là làm sao tạo được uy tín, được sự ủng hộ của người dân mà không có bóng dáng của bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào ở ngoài, chỉ như vậy mới có thể đi đến thành công.

Dựa vào thế lực ngoại quốc để tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam, hoặc liên hệ truyền thông với những tổ chức ở nước ngoài mà mọi người đều biết là không có thiện cảm với chính quyền Việt Nam, tôi cho là những hình thức tranh đấu không có mấy hiệu quả, hơn nữa có thể gây nên những phản tác dụng đối với chính quyền Việt Nam hiện thời, một chính quyền rất nhạy cảm trước mọi hành động có tính cách xen vào nội bộ Việt Nam. Kết quả những công cuộc vận động ngoại quốc để làm áp lực đối với chính quyền Việt Nam sẽ không mang lại kết quả khả quan nào, vì những người Việt yêu nước, bất kể là chính kiến khác nhau như thế nào, đều không thể ủng hộ đường lối nhờ sự can thiệp của người ngoại quốc vào những chuyện bất đồng ý kiến giữa người Việt với nhau.

Nhìn vào quá khứ, chúng ta thấy đã có biết bao nghị quyết nọ kia, kể cả nghị quyết của Liên hiệp Âu châu và cả danh sách CPC, dự luật về nhân quyền cho Việt Nam của Hạ viện Mỹ, nhưng kết quả là bao nhiêu, chính quyền Việt Nam lùi một bước tiến hai bước và cứ làm theo ý. Tại sao? Vì chính quyền Việt Nam thừa biết rằng, tất cả chỉ là những tài liệu chính trị chống Việt Nam và cũng thừa biết chiêu bài nhân quyền của các cường quốc Âu Mỹ là đạo đức giả, có tính cách lưỡng chuẩn (double standard), thường để che đậy những mưu đồ chính trị sau bức bình phong nhân quyền. Những cuộc vận động ngoại nhân để làm áp lực đối với chính quyền Việt Nam mà không nghĩ tới những hậu quả nghiêm trọng có thể xâm phạm đến trật tự, an ninh và chủ quyền quốc gia, là những bước đi chính trị vụng về, thiếu trí tuệ, không nghĩ đến truyền thống yêu nước của người Việt Nam.

Ông Hà Vũ tuyên bố: “Đa đảng là con đường duy nhất để thực hiện một nước Việt Nam thực sự dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ, giàu mạnh, công bằng và văn minh”. Đây là một câu nói vu vơ, ai nói cũng được. Là một trí thức đã được đào tạo bài bản ở Tây, ông Vũ phải chỉ ra một con đường là Việt Nam sẽ đi đến đa đảng và dân chủ như thế nào, đa đảng là bao nhiêu đảng, điều kiện để lập đảng là như thế nào, thế nào mới có thể gọi là một đảng, cá nhân nào, tổ chức nào có quyền lập đảng và trong bao lâu hay ngay lập tức với những luận cứ chặt chẽ về tình trạng xã hội hiện nay, về hình thức dân chủ, về giới hạn của nhân quyền, về giới hạn của tự do ngôn luận, về tinh thần trách nhiệm của người dân trước luật pháp, về trình độ dân trí, có ngoại quốc nhúng tay vào không…

Ai cũng biết tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, dân chủ là tốt nhưng vấn đề là tự do tới mức nào và hình thức dân chủ ra sao. Không thể đi tới dân chủ mà không có sửa soạn. Làm sao để người dân thấm nhuần được ý thức một nền dân chủ riêng cho Việt Nam, trách nhiệm người dân trong thể chế dân chủ, bổn phận người dân góp sức cho dân chủ… Tất cả đều phải đi qua một quá trình giáo dục cần thời gian và tất cả đều phải rõ ràng trong giai đoạn sửa soạn tiến tới dân chủ để tránh những hành động vô cương vô pháp gây hỗn loạn trong xã hội, cảnh lạm dụng tự do ngôn luận, lạm dụng quyền tự do tôn giáo, hoặc cảnh “lắm thầy thối ma”. Đa đảng và dân chủ nghe hay lắm! Nhưng không đơn giản như chỉ cần tuyên bố đa đảng là con đường duy nhất để thực hiện một nước Việt Nam thực sự dân chủ. Mặt khác, trên thế giới ngày nay tôi đố ông Vũ tìm đâu ra một quốc gia thực sự dân chủ.

Tôi rất đồng cảm với quan niệm của Lê Dọn Bàn trong bài “Dân chủ và Đạo Kitô ở Việt Nam”.

“Dân chủ là thành quả của những vận động lâu dài và phải có sự tham dự của toàn bộ dân chúng trong một quốc gia và từ cả hai bộ phận cầm quyền và không cầm quyền – dĩ nhiên là không thể nhập cảng, không đến từ bất cứ áp lực nào bên ngoài và nếu có gây dựng ở trong, càng không thể đến từ những niềm tin tôn giáo. Dân chủ là hoa nở từ trí tuệ – hay thu hẹp hơn – ý thức chính trị xã hội – của dân chúng được phát triển – khi dân chúng thực sự đạt đến một trình độ ý thức trưởng thành, tự mình thấm nhuần được những quan niệm xã hội và chính trị sáng suốt, thuận tình hợp lý với cộng đồng của mình. Thêm nữa, không phải chỉ vài dăm bông hoa, nhưng cả một mùa hoa và cũng phải hết sức chăm sóc để sẽ nở mãi, qua năm tháng. Trong tình trạng Việt Nam, dân chủ phải đi đôi với dân trí và có lẽ điều này làm chúng ta nhớ kinh nghiệm của Phan Chu Trinh, một người rất sáng suốt và có lý tưởng, cùng can đảm, đã đi trước thời đại của ông”. (http://sachhiem.net)

Cũng như quan niệm của Nguyễn Tâm Bảo trên “Đàn Chim Việt”: “Việc dân chủ hóa phải là việc của người dân trong nước, xuất phát từ nhu cầu của chính họ, do chính họ đảm nhận trọng trách, do chính họ tiến hành, chứ không cần bất cứ sự trợ lực nào từ bên ngoài”.

Ông Cù Huy Hà Vũ cũng có vài hành động tốt, thí dụ như kiện Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế về quyết định cấp phép đầu tư xây dựng Dự án Khách sạn Life Resort trên đồi Vọng Cảnh. Nhưng phần lớn là ông đi kiện lung tung mà không suy nghĩ và lang bang vào những chuyện không rõ ràng như đòi dân chủ, đa nguyên đa đảng mà không đưa ra một mô thức nào cho dân chủ, đa nguyên đa đảng thích hợp với hoàn cảnh chính trị Việt Nam ngày nay và mặt khác những chuyện làm lung tung của ông chứng tỏ trình độ hiểu biết của ông còn thiếu sót nhiều cho nên đã có phản tác dụng, làm loãng đi giá trị của những việc làm có ích của ông.

Theo Giáo sư Trần Chung Ngọc Tạp chí Nhân quyền Việt Nam/Petrotimes.vn
.

Tổng số lượt xem trang