Trường hợp liên quan đến chừng 200 người dân tại ấp Mỵ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang đang là một trong những điểm nóng như thế.
-Tình trạng thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp, của người dân với mục đích được nói là thực hiện dự án công cộng, trong khi chưa có phương án ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân trong diện giải tỏa dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân mất đất.
Ép dân quá đáng
Thông báo chính thức mới nhất của Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới tỉnh An Giang về việc chính quyền địa phương sẽ tiến hành công tác cưỡng chế đối với 33 hộ dân với chừng 200 nhân khẩu tại địa phương vừa nêu là vào ngày 25 tháng 8 vừa qua. Thế nhưng thời gian đó trôi qua mà việc cưỡng chế vẫn chưa thực hiện được. Lại có tin đồn các cơ quan chức năng địa phương sẽ thực hiện lệnh đó vào ngày 27 tháng 8 nhưng rồi đó cũng chỉ là tin đồn mà thôi.Lý do vì sao biện pháp cưỡng chế đối với 33 hộ dân còn lại trong tổng số 86 hộ dân thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang chưa được thực hiện theo lệnh?
Một người dân tại đó cho biết họ sẽ tử thủ đến cùng nhằm bảo vệ đất đai của họ với những lý do sau đây:
Chúng tôi cương quyết giữ đến hơi thở cuối cùng, bà con chúng tôi đồng lòng bảo vệ cuộc sống, giành lại sự sống bởi vì chính quyền cướp quyền lợi cuộc sống của bà con chúng tôi.
Chúng tôi cương quyết giữ đến hơi thở cuối cùng, bà con chúng tôi đồng lòng bảo vệ cuộc sống, giành lại sự sống bởi vì chính quyền cướp quyền lợi cuộc sống của bà con chúng tôi.Nhà nứơc- ủy ban huyện- tự ý ra quyết định nói đây là cụm công nghiệp thu hồi đất của chúng tôi, buộc chúng tôi lãnh tiền giao đất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên chúng tôi lãnh tiền và không thể mua lại đất, bán hai công đất mua lại không được một công.
Một người dân
Chúng tôi có đi khiếu kiện đến ủy ban nhân dân tỉnh; ủy ban nhân dân tỉnh trả về huyện, huyện không giải quyết. Lên đến Quốc hội cũng trả về huyện; ‘huyện bênh huyện, phủ bênh phủ’, chúng tôi không biết nói gì. Tôi có đối thọai với ông phó chủ tịch thường trực tỉnh An Giang- Hùynh Thế Năng, với ý nếu ông ở trong trường hợp như tôi và dòng tộc tôi thì ông có lãnh tiền hay không. Ông không trả lời gì.
Trong khi đó phía chính quyền địa phương từ cơ quan trực tiếp là Trung Tâm Phát triển Quỹ Đất của huyện Chợ Mới cho đến chủ tịch huyện đều thóai thác không muốn trả lời về những cáo buộc mà người dân địa phương cho là bất công, thiếu hợp lý trong việc giải tỏa đất nông nghiệp dân chúng đang canh tác để thực
hiện những dự án thay đổi qua thời gian của địa phương.
Cái này đã có văn bản của UBND tỉnh giải quyết, trả lời rồi. Đền bồi và huớng công ăn việc làm cũng có rồi. Gặp nhau để nói há.Ông Từ Hy Biển, trưởng ban dự án Trung Tâm Phát Triển Quỹ đất huyện Chợ Mới cho biết cơ quan chịu trách nhiệm trong vấn đề này khi được chúng tôi nêu câu hỏi:
Chủ tịch huyện Chợ Mới
Ông điện cho ông chủ tịch huyện, vì tôi không có trách nhiệm trả lời điều đó.
Chính vị chủ tịch huyện Chợ Mới là ông Dương Văn Năm cũng lẩn tránh vấn đề:
Cái này đã có văn bản của UBND tỉnh giải quyết, trả lời rồi. Đền bồi và huớng công ăn việc làm cũng có rồi. Gặp nhau để nói há.
Đền bù quá thấp so với thực tế
Người dân địa phương kiên quyết không giao đất cho chính quyền làm những dự án mà họ cho là thiếu rõ ràng chỉ ra thảm cảnh của những gia đình đã giao đất, vào khu tái định cư ở như sau:Hiện nay họ về tái định cư. Tái định cư có nghĩa họ mua đất của mình rồi họ chừa một dải vậy đó. Giá họ bán lại cho dân cao hơn giá mua nhiều.
Người về đó cũng thấy họ cất nhà lại, xong rồi tiền cũng hết. Có số người đi làm thuê, làm mướn; có số người bị bệnh mà khổ nổi không có tiền mua thuốc uống. Đời sống nói chung khổ hơn trước đây. Trước đây họ có đất để chăn nuôi, canh tác; đời sống ổn định hơn. Nay làm thuê, làm mướn thì có khi làm được tiền, có khi không…
Blog Quê Choa hôm ngày 25 tháng 8 đăng bài của tác giả ký tên Người Quan Sát đề cập đến vụ việc thu hồi đất tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang như sau :
“ Trường hôp Mỹ Lợi, Mỹ An trên là một minh họa điển hình. Không chỉ bưng bít về thông tin, người dân nơi đây còn trở thành nạn nhân của một vấn nạn muôn thưở trong hành vi thu hồi đất: bồi thường không thỏa đáng. Thự ra ‘không thỏa đáng’ vẫn còn là từ nhẹ nhàng, trong khi thực tế lại cho thấy mức bồi thường ban đầu mà chủ đầu tư đưa ra với người dân thấp hơn hẳn giá thị trường, hòan tòan chỉ mang tính tượng trưng....”
Chính những người dân tại ấp Mỹ Lợi cho biết giá một mét đất được bồi thường họ chỉ mua được vài cân thịt heo với giá hiện hành; như thế viễn cảnh mất nguồn sinh sống, đẩy họ vào con đường làm thuê, làm mướn rất bấp bênh đã hiện rõ, qua trường hợp của bao người cùng ấp của họ.
người dân nơi đây còn trở thành nạn nhân của một vấn nạn muôn thưở trong hành vi thu hồi đất: bồi thường không thỏa đáng. Thự ra ‘không thỏa đáng’ vẫn còn là từ nhẹ nhàng, trong khi thực tế lại cho thấy mức bồi thường ban đầu mà chủ đầu tư đưa ra với người dân thấp hơn hẳn giá thị trường, hòan tòan chỉ mang tính tượng trưng....”Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên- Môi trường, người từng theo dõi tình hình đất đai ở Việt Nam trong nhiều năm qua, trong một trả lời phỏng vấn đăng trên mạng Bee.net hồi trung tuần tháng 8 vừa qua nêu ra một ví dụ là ngay tại Hà Nội giá đất ở Hàng Ngang, Hàng Đào lên đến 800 triệu đồng một mét vuông, trong khi đó UBNDTP Hà Nội vẫn qui định 81 triệu đồng một mét vuông. Ông Đặng Hùng Võ cho rằng như thế làm sao người bị thu hồi chịu cho thấu.
Đó là chuyện tại thủ đô nơi mà người dân dù sao cũng nắm được những qui định của pháp luật, còn tại những tỉnh khác, rồi vùng sâu, vùng xa; tình trạng lạm quyền, tham nhũng trong vấn đề đất đai hẳn phải hơn ở thủ độ gấp nhiều lần.
Có nhận định cho rằng lâu nay ở Việt Nam có tình trạng ‘xin-chia’, nghĩa là những nhà đầu tư xin chính quyền cấp đất, và những cơ quan có thẩm quyền tiến hành qui họach, thu hồi đất của dân với danh nghĩa làm dự án phát triển, hay phục vụ công ích có phần chia trong đó nên họ rất mặn mà với việc đẩy dân đi để lấy đất.
Qui định phải tạo cho người dân bị thu hồi đất có cuộc sống khá hơn trước khi phải giao đất thực hiện dự án cho đến nay hầu như chỉ nằm trên giấy; đa số mất đất trở nên khốn đốn hơn khi không còn phương tiện sản xuất, chuyện họ ‘sống chết ra sao thì mặc’; khỏan tiền được chia các ‘thầy bỏ túi rồi’.
Trước viễn cảnh đó, nay 33 hộ dân còn lại ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cương quyết ‘tử thủ’ giữ đất. Tuy nhiên không biết ý chí đó của họ kéo dài được bao lâu cho đến khi một lực lượng liên ngành hùng hậu trang bị với mọi phương tiện, kể cả chó nghiệp vụ, đến. Tiếng kêu la của họ có át được tiếng loa của chính quyền hay không? Sức của người dân có lại với sức của các nhân viên thi hành công lực? Và nhiều người trong họ sẽ rơi vào vòng lao lý vì ‘chống người thi hành công vụ?...
Nguồn:- Cưỡng chế đất tại Chợ Mới, An Giang – (RFA).
-------
CƯỠNG CHẾ THU HỒI ĐẤT TẠI CHỢ MỚI, AN GIANG: CHẲNG LẼ CHÍNH QUYỀN MUỐN HÌNH SỰ HÓA?
Người Quan Sát
Nếu “chính sách hỗ trợ, bảo vệ thi công” tái hiện ở Mỹ An như một kịch bản có sẵn, sự đối đầu giữa dân chúng với chính quyền chắc chắn sẽ được đẩy lên một mức độ mới, cao hơn hẳn so với những thỏa thuận dân sự trước đó và có thể dẫn đến những hậu quả khó lường về xã hội và chính trị.
Vì sao người dân Mỹ An chưa bị cưỡng chế?
Vụ việc khiếu kiện của người dân ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thực ra đã bắt nguồn từ năm 2008, khi người dân nơi đây được chính quyền thông báo rằng khu vực này sẽ được giải tỏa để chính quyền tiến hành xây dựng một cụm công nghiệp. Tuy nhiên một điều rất đáng ngạc nhiên là ngay cả tên của cụm công nghiệp mà từ năm 2008 đến nay, nhiều người dân vẫn còn không biết được. Điều đó chứng tỏ một sự thật hiển nhiên là ngay cả cơ chế dân chủ trong thông tin về quy hoạch và các chi tiết của dự án cho người dân mà còn không được chính quyền An Giang dành cho sự lưu tâm tối thiểu, thì việc người dân không được thông tin về cơ chế giá bồi thường, tái định cư hay những vấn đề liên quan đến môi sinh của họ cũng là lẽ đương nhiên.
Cũng từ năm 2008, do mức giá bồi thường quá thấp so với giá thị trường, nhiều người dân Mỹ An đã phải khiếu nại tới các cấp có thẩm quyền. Nhưng những khiếu nại này đã bị cấp huyện và cấp tỉnh trả lời với thái độ hoàn toàn tắc trách, đến mức người dân phải nhờ đến vài tờ báo có tiếng nói phản biện xã hội ở TP. Hồ Chí Minh giúp họ lên tiếng. Tuy nhiên với sự kềm tỏa của Ban Tư tưởng văn hóa trung ương vào thời gian đó, báo chí trong nước dù có muốn cũng không thể hỗ trợ được nhiều cho người dân bị giải tỏa. Cùng lắm, tờ báo chỉ có thể trở thành nơi tiếp nhận đơn thư khiếu nại của người dân để từ đó chuyển đến những cơ quan có trách nhiệm như Văn phòng Quốc hội hay chuyển lại cho chính quyền tỉnh An Giang.
Vụ việc cứ thế giằng kéo từ đó đến nay. Cũng như hoàn cảnh của người dân bị giải tỏa ỡ nhiều địa phương khác, người dân Mỹ An luôn sống trong sợ hãi triền miên, không mấy ai dám hy vọng vào một tương lai công bằng có thể đến với họ.
Thế nhưng vấn đề cần đặt ra là tại sao trong 3 năm qua, với tính chính danh là một dự án công ích, việc cưỡng chế thu hồi đất đối với người dân Mỹ An lại thiếu “kiên quyết” từ phía chính quyền?
Có thể giải thích tình trạng này từ hai khả năng:
Thứ nhất, dự án cụm công nghiệp thực sự mang tính công ích nhưng cũng kéo theo trạng thái quan liêu truyền thống “cha chung không ai khóc”, tức việc bồi thường giải tỏa được một doanh nghiệp nhà nước đứng ra làm, nhưng vì mục tiêu của dự án chỉ là cụm công nghiệp nên không có phần san sẻ quyền lợi cho những cán bộ lãnh đạo có liên quan về thụ tục hành chính, do vậy khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong thỏa thuận giá bồi thường với dân, những lãnh đạo này cũng không muốn can thiệp mạnh. Vì thế dự án nằm trong tình trạng “ngủ đông”. Đây cũng là tình trạng phổ biến đối với rất nhiều dự án công ích ở Việt Nam, có dự án đã kéo dài hàng chục năm mà chẳng ai quan tâm đến sự lãng phí cùng hệ quả đổ lên đầu dân chúng của nó.
Thứ hai, mục đích công nghiệp chỉ là một nội dung của dự án, phần còn lại là yếu tố kinh doanh. Đây là tình trạng phổ biến tại nhiều dự án được xem là khu công nghiệp hay cụm công nghiệp ở nhiều địa phương, thậm chí có dự án bắt đầu bằng mục tiêu khu công nghiệp nhưng đến khi hoàn thành thì đã bị biến thành khu dân cư cao cấp, với giá bán căn hộ gấp vài ba chục lần so với giá đền bù cho người dân bị giải tỏa. Trong trường hợp dự án ở Chợ Mới, rất có khả năng tính nhập nhèm giữa hai mục đích công và tư đã khiến cho chính quyền không thể hoàn toàn thờ ơ với những khó khăn của chủ dự án, nhưng cũng không muốn vào cuộc bằng biện pháp hành chính mạnh mẽ vì thực tế đất chưa thu hồi được, mục tiêu công nghiệp chưa được thực hiện – ít ra mang tính tượng trưng – thì làm sao có thể cắt đất giải tỏa để “thù lao” cho những lãnh đạo liên quan.
Hơn nữa, trường hợp khiếu kiện của người dân ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An đã được xếp vào loại “điểm nóng”, với quy mô đến 200 người, mức độ phản ứng của người dân đã lên đến mức phẫn uất với lời kêu gọi “tử thủ” trên đất đai của mình, cũng khiến chủ dự án hoàn toàn chịu thua, còn chính quyền địa phương cũng phải chùn tay. Việc thời hạn thi hành cưỡng chế được thông báo nhưng lại lùi hoãn dần cũng phần nào phản ánh tâm lý lúng túng của chính quyền trong xử lý “điểm nóng” này.
Mặt khác, An Giang lại là nơi tập trung nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, một địa bàn mà theo cách nhìn của chính quyền từ trung ương đến địa phương là rất “nóng”, có thể dẫn đến những xáo động mạnh về chính trị nếu quản lý không khéo léo. Vụ việc khiếu kiện đông người ở xã Mỹ An có thể là một trong những nhân tố gây nên “mất ổn định chính trị” mà chính quyền An Giang đang phải hết sức chú tâm phòng ngừa.
Một lý do nữa buộc chính quyền An Giang chưa dứt khoát tổ chức cưỡng chế là nhận thức về tác dụng của thông tin liên lạc của người dân Mỹ An đã được nâng lên đáng kể. Nếu trước đây người dân bị giải tỏa chỉ trông chờ vào tiếng nói của báo chí trong nước, thì khi khó có một tờ báo trong nước nào dám lên tiếng hiện nay, người dân đành phải tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc nhờ đến tiếng nói của báo chí ngoài nước. Sự lên tiếng và hoạt động phản hồi thường xuyên của Đài RFA về vụ việc Mỹ An trong thời gian qua đã tạo nên một tác động nhất định, đưa vấn đề từ sắc thái “bình thường” lên tầm mức nhân quyền – quyền về an sinh và môi sinh của người dân bị giải tỏa – khiến cho chính quyền An Giang không khỏi bị phân hóa giữa hai chủ thuyết “chiến” và “hòa”.
Nhìn lại những thâm ý về cưỡng chế thu hồi đất
Ở Việt Nam, thông thường với những dự án mang tính chính danh phục vụ cho an sinh xã hội, hoạt động thu hồi đất được thực hiện nhanh chóng và dứt khoát, chính quyền địa phương cũng không ngần ngại tiến hành cưỡng chế đối với những hộ dân không chịu di dời. Trường hợp chỉ trong một đêm mà công viên trước nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội đã được hoàn thiện chính là một kỷ lục về công tác thi công, nếu so với không khí trì trệ và quan liêu của bộ máy hành chính ở Việt Nam bấy lâu nay.
Tuy nhiên điều ngược lại trong thực tế là đa phần những dự án có tiến độ chậm chạp trong thu hồi đất là dự án không thuộc loại công cộng hay công ích như làm cầu, đường, công viên, mà chỉ phục vụ cho mục đích kinh doanh của giới chủ đầu tư như làm khu thương mại, khu du lịch, xây dựng cao ốc, văn phòng cho thuê, phân lô bán nền… Theo quy định của Luật Đất đai, loại dự án này không có sự can thiệp về hành chính của Nhà nước, tức chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm chính trong thỏa thuận, thương lượng về giá đền bù với người dân bị giải tỏa. Tuy nhiên rất nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng tình trạng thiếu hiểu biết, đặc biệt là thiếu am hiểu về hệ thống văn bản pháp quy về đất đai của người dân để ép giá, đưa ra mức bồi thường ban đầu chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá thị trường.
Vào khoảng thời gian những năm 2000, cơ chế ép giá này tỏ ra có hiệu quả. Tuy vậy càng về sau này trình độ và ý thức của người dân bị giải tỏa càng được nâng lên, do đó chủ đầu tư khó ép dân hơn. Có thể thấy điều này qua sự kêu ca của doanh nghiệp bất động sản về nhiều khó khăn trong thương lượng giá cả bồi thường với dân, và mức độ kêu ca cũng tỷ lệ thuận với tỷ lệ các vụ việc khiếu kiện đất đai của người dân. Đặc biệt đến những năm 2007-2008, mức độ khiếu kiện đất đai của người dân đã lên đến mức cao độ, từ khiếu kiện nhỏ lẻ trở thành khiếu kiện đông người và có quy củ hơn rất nhiều so với trước đó.
Vào tháng 6/2011, một cuộc hội thảo về quản lý đất đai đã được Tổng cục quản lý đất đai (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức, được tổng cục này dẫn dắt một cách khôn khéo để cuối cùng là “trên cơ sở ý kiến chuyên gia” và nhằm “tạo sự công bằng giữa dự án nhỏ với dự án lớn” (dự án nhỏ được hiểu là của giới chủ đầu tư nhỏ, phục vụ cho mục đích kinh doanh riêng mà không phải là dự án công ích), Tổng cục quản lý đất đai đã đề ra hai phương án thu hồi đất với sự can thiệp của Nhà nước, chẳng hạn khi chủ dự án đã thỏa thuận và giải tỏa được 80% diện tích cần giải tỏa, chỉ còn lại 20% thì Nhà nước phải có trách nhiệm can thiệp bằng những biện pháp hành chính như cưỡng chế để thu hồi đất sạch nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, hai phương án trên của Tổng cục quản lý đất đai đã bị một số dư luận và báo chí trong nước coi là sự thể hiện của động cơ “hành chính hóa thu hồi đất”, trái hẳn với Luật Đất đai và về thực chất là động tác chỉ phục vụ cho túi tiền của giới chủ đầu tư dự án. Sự phản ứng khá quyết liệt này – một biểu hiện rõ rệt của hành động phản biện xã hội trên công luận – đã làm tắt ngấm ý đồ tư lợi ngay từ dự thảo của Tổng cục quản lý đất đai .
Công bằng hay hình sự hóa?
Bài toán hiện nay thực sự rất đơn giản. Muốn giải quyết êm xuôi chuyện khiếu kiện đông người ở Mỹ An, chính quyền chỉ cần chỉ đạo cho chủ dự án bồi thường đầy đủ, công bằng và thực hiện tái định cư cho người dân theo điều 42 của Luật Đất đai.
Nhưng liệu việc này có làm được không, khi trong thực tế, đã có nhiều trường hợp chủ đầu tư ăn bớt phần lớn tiền đền bù, chỉ dành phần nhỏ để bồi thường cho dân; đến khi người dân chịu không nổi và kéo nhau ra tận Hà Nội khiếu kiện, sự việc mới vỡ lở, cấp trên tổ chức thanh tra và đã phát hiện chủ đầu tư đã ăn gần hết tiền dành cho bồi thường.
Liệu vụ việc tại dự án cụm công nghiệp ở Mỹ An có mang dấu hiệu chủ đầu tư đã bớt xén tiền bồi thường? Muốn làm rõ vụ việc này, chính quyền An Giang phải tổ chức thanh tra toàn bộ dự án. Nếu ngân sách bồi thường ban đầu không thỏa đáng, chính quyền tỉnh cần bổ sung kinh phí bồi thường từ ngân sách tỉnh để thỏa mãn cho người dân bị giải tỏa theo đúng quy định của Luật Đất đai và những văn bản thi hành luật. Còn nếu phát hiện chủ đầu tư dự án đã bớt xén tiền bồi thường, chính quyền tỉnh cần truy cứu trách nhiệm của chủ dự án về những dấu hiệu tham nhũng, bắt buộc chủ dự án phải hoàn trả số tiền đã “bốc hơi”. Vụ việc dự án cụm công nghiệp Chợ Mới đang có những dấu hiệu như thế.
Với người dân Mỹ An, một kinh nghiệm có thể tham khảo là vụ việc khu công nghiệp Long giang (Tiền Giang). Dự án khu công nghiệp này đã làm ảnh hưởng gần 400 người dân trong khu vực, cũng đã kéo dài nhiều năm nay do giá bồi thường không thỏa đáng và không bảo đảm tái định cư cho người dân bị giải tỏa. Sau một thời gian dài khiếu kiện, người dân ít nhất cũng đã đạt được một kết quả tối thiểu vào giữa năm 2011: chính quyền Tiền Giang không dám mạnh tay tổ chức cưỡng chế; mặt khác phải bổ sung cho bà con một số chính sách như không thu hồi tiền đã bồi thường vật kiến trúc, cây trái, hoa màu trước đây; không thu tiền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần thổ cư quanh nhà 300 m2; trợ cấp thêm bình quân 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 3 tháng cho diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mất hết đất sản xuất. Tuy thế, đó chỉ là hành động nhằm vớt vát thể diện của chính quyền, trong khi vấn đề bồi thường công bằng cho tới nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Trong tương lai gần, cũng không thể loại trừ khả năng chính quyền An Giang, bắt nguồn từ sự ấu trĩ trong việc xem nhẹ mức an nguy của vụ việc Mỹ An, hoặc một số cán bộ lãnh đạo do đã được hứa hẹn về “thù lao” từ phía chủ dự án mà sẽ tổ chức cưỡng chế thẳng thừng đối với người dân,
dùng lực lượng công an và dân phòng để đối đầu với dân chúng và do đó càng đổ thêm dầu vào lửa.
Trong thực tế giải thỏa đất đai ở Việt Nam, hiện tượng trên đã xảy ra tràn lan ở nhiều địa phương mà gần đây có tờ báo trong nước đã vạch ra thủ đoạn “chính sách hỗ trợ, bảo vệ thi công”. Một trong những minh họa điển hình cho “chính sách” này là vụ việc dự án tại khu vực Bình An, phường Long Hòa (Bình Thủy) ở Cần Thơ, liên quan đến hàng trăm hộ dân. Trong mấy tháng qua, được sự “hỗ trợ” bằng chi phí của chủ dự án là Công ty Cổ phần Him Lam-Cần Thơ (công ty này lại có nguồn gốc từ quân đội), các cấp chính quyền đã tỏ ra quá nhiệt tình qua việc huy động gần một trăm người, đủ đại diện ban ngành đoàn thể, công an, quân đội để phá cầu, phá cổng trên con đường vào khu dân cư.
Nếu “chính sách hỗ trợ, bảo vệ thi công” tái hiện ở Mỹ An như một kịch bản có sẵn, sự đối đầu giữa dân chúng với chính quyền chắc chắn sẽ được đẩy lên một mức độ mới, cao hơn hẳn so với những thỏa thuận dân sự trước đó và có thể dẫn đến những hậu quả khó lường về xã hội và chính trị.
N.Q.S
Tác giả gửi cho Quê choa