Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Dự án nhà máy nước Tân Tạo 1 ở Long An: Ai “treo dự án” trên đầu nông dân?

Một năm rưỡi nay, cả trăm hộ dân ấp 3, xã Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), thấp thỏm vì dự án mang tên Nhà máy (NM) nước Tân Tạo 1 để rồi bỗng nhiên toàn bộ nhà cửa, đất đai, hoa màu của họ bị đo đạc, kê biên... 
Cứ nhìn là sợ 
Một buổi chiều giữa tháng 8, từ Tp Tân An, sau khoảng chục lần hỏi đường và vượt hơn trăm cây số tôi mới về được ấp 3, một ấp nghèo của xã nghèo Bình Hòa Nam, thuộc huyện vùng biên Đức Huệ, tỉnh Long An. Từ lộ N2 rẽ vào con đường đất nhỏ hẹp, chừng 10 km bụi mù; qua 4-5 cây cầu xi-măng cong vống, bề rộng chỉ đủ lọt một chiếc ô-tô mới có thể đến được trường Mầm non Bình Minh. Tấm biển "to đùng" rộng hàng chục m2 với những hàng chữ xanh đậm: Chủ đầu tư: Tập đoàn Tân Tạo (do bà Đặng Thị Hoàng Yến làm Chủ tịch), NM nước Tân Tạo 1 công suất 600.000 m3… cùng hình vẽ bản đồ quy hoạch dự án dựng ngay bên phải cổng trường nổi lên thật "hoành tráng", uy nghi…
Anh Lai Châu, đang cùng vợ mang bầu 6 tháng lúi húi trong chiếc quán lá xô nghiêng bên đường cho hay: Cách đây hơn một năm, tấm biển này được dựng lên, sau đó người ta xuống đo đạc, kiểm kê. Vì nghe sẽ giải tỏa trắng nên dân sợ không dám sản xuất, làm ăn, không ai dám cất nhà vì sợ bị giải tỏa.

Chia tay vợ chồng anh Châu, tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Se, 70 tuổi. Ngôi nhà tường gạch, không la phông, không công trình phụ, cách tấm biển dự án "cứ nhìn là thấy sờ sợ" (theo lời bà) khoảng 20 m và cách sông Vàm Cỏ Đông, đầu vào của NM nước, chừng 800m. Tôi hỏi vì sao lại sợ tấm biển, bà Se lục tìm tờ kê biên trong cả "nắm" giấy tờ cũ, mới lẫn lộn, nói: "Sợ chứ. Vì, người ta bảo quy hoạch rồi, biển cắm to tướng rồi, không được trồng tỉa gì nữa!". Đưa cho tôi mấy tờ giấy, bà Se bảo tất cả chỉ có thế, ngoài ra không thông báo, quyết định… Cầm biên bản kê biên đất và tài sản gồm 5 trang của gia đình bà Se do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện và UBND xã lập ngày 15-3-2010, tôi chỉ thấy có chữ kí của chủ hộ (bà Se), còn các mục khác như tổ kê biên, Ban BTGPMB, cán bộ địa chính, UBND xã đều để trống, mặc dù trong biên bản ghi rõ thành phần kê biên có Phó ban BTGPMB huyện Đoàn Văn Hận và Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Xự… "Bị giải tỏa trắng, họ nói nhà ta tái định cư ở đâu?". "Thì họ nói chung chung ở kênh Xáng gì đó. Đi chỗ khác chúng tôi lấy gì mà sống, ruộng đất hết rồi? Nhà cửa ở đây mấy chục năm, chú tính, ai mà không sợ!"…
Biển dự án nhà máy nước Tân Tạo 1 "hoành tráng, uy nghi".
Những người thua thiệt


Trời sập tối, tôi lần mò trong màn đêm dày đặc để đến nhà anh Thiện, cách sông Vàm Cỏ Đông cả km. Biết tôi là nhà báo, anh Thiện mừng cho biết, đầu năm ngoái, anh đầu tư hơn 30 triệu đồng để đắp bờ, lên líp (luống), mua giống má… trồng được nửa ha cây chanh. Khi chanh bắt đầu ra trái thì có đoàn người đến đo đạc, ghi ghi, chép chép nói là lấy đất xây NM nước. Họ nói ba tháng nữa sẽ khởi công nên nếu chăm bón sẽ không được đền bù. Lo sợ, anh bỏ mặc khiến hơn 300 gốc tàn lụi, khô xác phải chặt bỏ… "Nhưng, đợi mãi cũng chẳng thấy gì. Hỏi xã thì xã nói chờ nhà đầu tư." - Anh Thiện bức xúc! Anh Thiện còn chưa "cay đắng" bằng bà Trà khi có tới 800 gốc chanh phải "vô thừa nhận".


Nghe nói có nhà báo về, bà Nguyễn Thị Tư và Nguyễn Thị Ngon là hàng xóm anh Thiện cũng tranh thủ kéo sang "tố khổ". Bà Tư nói: "Họ họp ở đâu chứ không mời dân ở đây. Họ kéo đến đo và nói dân không được làm gì. Tôi lót sân để chuẩn bị cưới vợ cho con cũng chẳng dám. Nhưng đợi mãi và ngập lụt quá nên tôi làm đại. Mọi người hỏi sao bà gan thế, lót (gạch -PV) họ không đền bù thì sao?". "Họ đã áp giá bồi thường gì chưa, thưa bác?". "Nào bà con mình đã đòi hỏi gì và họ cũng chưa nói giá cả gì hết ráo - Giọng bà Tư chuyển sang buồn thõng - Kể ra bà con mình cũng hiền thật, họ đến nhà đo, chẳng có giấy tờ, họp hành gì mà cũng chịu."! Tiếp lời bà Tư, bà Ngon bảo rằng, bà cũng chuẩn bị lên líp trồng chanh nhưng phải ngưng đến tận bây giờ vì đất bị kê biên rồi, xạ lúa cũng không dám. ông Trung ở sát nhà bà đã tập kết vật liệu đầy đủ để làm nhà nhưng thấy kê biên đâm ra sợ sốt vó…
Dự án nước hay khu dân cư?
Trên đường về Sài Gòn, khi đồng hồ đã chỉ 8 giờ tối, lúc qua trường Mầm non, tôi vẫn thấy tấm biển dự án, mặc dù ban ngày màu rất đẹp nhưng lúc này lại tối sẫm. Dẫu không còn đọc rõ, không phân biệt được sắc màu nhưng tôi vẫn nhớ rõ "dáng vóc" của dự án là khu đắc địa có ba mặt cận giang (hai mặt giáp sông, một mặt giáp kênh) với diện tích giai đoạn 1 lên tới 58,6 ha, có những khối hình được chú dẫn là khu biệt thự (1 ha), chung cư (0,8 ha), chợ (0,7 ha), trạm y tế (0,25 ha), nhà trẻ (0,5 ha), văn phòng (1,7 ha), sân bãi (1,2 ha), cây xanh TDTT (7,7 ha), nhà máy nước (4,7 ha), giao thông bãi xe (3,3 ha)… Và, giai đoạn 2 là vùng đất sơn màu xanh lá cây rộng lớn hơn được ghi là "đất dự kiến phát triển". Chợt nhớ, hồi chiều, khi thấy tôi loay hoay chụp hình tấm biển, một người đàn ông luống tuổi đi qua, cất giọng: "Dự án ở đây cấp nước cho ai? Nước hay khu dân cư?"…
Chợt nhớ, cách đây 4 năm dự án NM nước Thủ Đức 300.000 m3/ngày được xây dựng chỉ trên diện tích gần 8 ha, bao gồm cả hành lang bảo vệ tuyến ống dài 26 km. Vậy, dự án này sao lại "bành trướng", sao lại trở thành nỗi ám ảnh người dân? Có phải vì thế nên khi PV hỏi ông phó chủ tịch xã thì lập tức bị chối từ rồi buông câu: "Dự án bỏ rồi"! Ơ hay, bỏ rồi sao biển "quảng bá" vẫn còn "hùng dũng, "hiên ngang"? Trong khi một cán bộ UBND huyện (xin giấu tên) cho hay: Dự án đã được tỉnh "lệnh" cho huyện triển khai kê biên tài sản và phê duyệt phương án bồi thường… Thú thực, tôi "lăn tăn" về thông tin này. Bởi, lẽ nào các cấp chính quyền lại không biết trường hợp nào nhà đầu tư phải thương lượng "mua đất" của dân???
Cũng năm 2010, UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cho NM nước Tân Tạo 2, công suất 100.000 m3 tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, cũng với diện tích 58,9 ha (đất dự kiến phát triển 15.256 m2). "Nhưng đến nay vẫn chưa động tĩnh gì."- ông Trần Sơn, cán bộ xã Mộc Bắc cho PV hay.
Phóng sự của Mạc Hồng Kỳ


-Dự án nhà máy nước Tân Tạo 1 ở Long An: Ai “treo dự án” trên đầu nông dân?

Tổng số lượt xem trang