Xịn thì xịn thật…
Hiện đại bậc nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới 1 tỷ đô la, hệ thống PCCC đạt tiêu chuẩn quốc tế, công trình xếp vào hạng A với 70 tầng nổi và 2 tầng hầm, được tập đoàn danh tiếng Keangnam mang tầm cỡ quốc tế xây dựng… Đó là một trong những tiêu chí đầu tiên được quảng bá từ khi công trình này khởi công xây dựng.
Đám cháy chiều ngày 27/8 tuy không gây thiệt hại nhiều về vật chất, nhưng vụ việc thêm một lần nữa cảnh báo đối với công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Keangnam hiện đứng thứ 17 trên thế giới về chiều cao và đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 3/2007. Trong thời gian xây dựng, công trường Keangnam đã từng xảy ra 2 vụ hỏa hoạn và nhiều vụ tai nạn lao động. Cho đến nay, khi đã và đang hoàn thiện nốt tòa nhà còn lại, tại quần thể nhà cao tầng Keangnam đã xảy ra rất nhiều vụ việc, sự cố, gây ra những lo lắng, bức xúc cho cư dân đang sinh sống ở đây.
Vụ hỏa hoạn tại tầng 7 tòa nhà Keangnam chiều 27/8.
Đây là lần thứ 3, toà nhà Keangnam xảy ra cháy.
Vụ cháy trên tầng 7 của tòa nhà đang xây dựng của Keangnam tạm thời được xác định là do việc hàn xì và đấu điện, tia lửa rơi xuống tầng dưới, gặp phải những vật liệu dễ cháy như sơn, gỗ nên bắt lửa, gây cháy lớn. Sự việc khiến các cư dân sống ở tòa nhà A và B vô cùng hoảng sợ.
Thiệt hại ghi nhận ban đầu có 3 máy điều hòa bị hỏng hoàn toàn, mỗi chiếc trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Cũng như lần trước, 2 vụ vào ngày 6/11/2010 và 24/3/2010 mặc dù đám cháy không lớn nhưng khói đen do cháy nhựa gây ra bốc lên trời khiến người dân từ cách đó nhiều km có thể nhìn thấy.
Vụ hỏa hoạn thứ nhất xảy ra vào 10 giờ 20 phút sáng 6/11/2010 tại tháp B của tòa cao ốc 70 tầng. Vụ hoả hoạn thứ hai xảy ra ngày 24/3/2010 tại tầng 25 của Keangnam.
Vào ngày 9/6/2011, tại tòa nhà A của Keangnam còn xảy ra sự cố vỡ trụ cứu hỏa do công nhân kỹ thuật vận hành chưa có kinh nghiệm, khiến nhiều căn hộ ở tầng 26, 27 chìm trong biển nước, cư dân hoảng loạn khi 10 thang máy đã bị “tê liệt” ngay hôm đó…
Thêm vào đó, chỉ cách đây chưa đầy 2 tháng, hàng trăm cư dân cũng đã kiện chủ đầu tư tới các cơ quan chức năng về việc thu các loại phí “cắt cổ” như: Mức phí quản lý là 0,99 USD, tương đương với 21.000 đồng/m2. Phí trông giữ xe ô tô mỗi chiếc là 1.462.000 đồng/tháng, nếu trông giữ xe ô tô theo lượt là 20.000 đồng/2 giờ; phí trông giữ xe máy là 104.000 đồng/tháng, nếu trông giữ xe máy theo lượt là 10.000 đồng/lượt, nếu trông giữ xe máy qua đêm là 60.000 đồng/lượt…
Sau nhiều lần người dân đấu tranh, chủ đầu tư là Cty Keangnam – Vina mới chịu hạ mức phí trông xe, nhưng phí quản lý thì vẫn cao ngất ngưởng ở mức 18.600 đồng/m2/tháng.
Cần nhắc thêm, khi quảng cáo dự án, Cty TNHH Keangnam đã từng hùng hồn công bố: “Toàn bộ ba tòa tháp được trang bị hệ thống phun nước tự động chống cháy tại các tầng…” Vậy mà, vụ hỏa hoạn chiều 27/8, phải 3 xe cứu hỏa đến mới dập tắt được đám cháy.
…nhưng mà lo âu
Theo bà Trịnh Thúy Mai, Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam thì việc hỏa hoạn lại tiếp tục xảy ra chiều 27/8 khiến nhiều người dân đang rất lo lắng về sự an toàn khi sống ở đây.
“Chúng tôi phản đối phí quản lý 18.600 đồng/m2 là bởi các tiện ích của Keangnam không đáp ứng yêu cầu của cư dân, hơn nữa lại sống trong điều kiện thiếu an toàn như thế này. Sau vụ cháy hôm nay, chúng tôi thấy rằng, Cty Keangnam – Vina cần xuất trình giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, kể cả là có chứng nhận rồi thì việc vận hành quản lý tòa nhà là có vấn đề nên mới xảy ra hỏa hoạn, không thể lường được hậu quả sẽ thế nào nếu đám cháy bùng phát ở các tầng cao hơn” – bà Mai nói.
Qua vụ việc, vấn đề về an toàn cháy nổ và công tác PCCC tại các chung cư cao tầng tại Hà Nội rất đáng lo ngại.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an TP Hà Nội, xe thang chữa cháy cao nhất ở Hà Nội hiện nay chỉ vươn được đến… tầng 14. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn PCCC cho nhà siêu cao tầng (trên 30 tầng) cho nên, ngoài trang thiết bị tự ứng cứu ở các chung cư cao tầng hiện nay thì khi xảy ra cháy, nổ quan trọng nhất là phương án bình tĩnh “tự cứu mình”.
Cháy nhà cao tầng, công tác chữa cháy rất phức tạp. Với các trang bị hiện nay của Việt Nam, phần lớn lực lượng chữa cháy chỉ sử dụng các phương tiện chữa cháy bằng cầu thang bộ, mất rất nhiều thời gian lăng vòi cũng như triển khai các phương tiện cần thiết khác. Xe chữa cháy phải chạy với áp xuất cao hơn rất nhiều. Mỗi một mét nhà cao tương đương với 1 mét cột nước. Tòa nhà càng cao áp lực nước lên đến đầu lăng đòi hỏi lớn. Lực lượng chữa cháy vô cùng vất vả để dập một đám cháy.
Thang cứu hỏa mới chỉ vươn đến 50m, tương đương khoảng 14,15 tầng.
Với chừng ấy sự vụ thì nỗi lo lắng, bất an của cư dân đang sinh sống tại chung cư cao cấp này là hoàn toàn có cơ sở. Không những vậy, mỗi lần có sự cố xảy ra thì việc tác nghiệp lấy thông tin của các phóng viên ở tòa nhà Keangnam là vô cùng khó khăn, khi chủ đầu tư luôn tìm cách né tránh, phóng viên bị cản trở tác nghiệp
Đặc biệt, điều khiến nhiều người không thể quên và vẫn còn cảm giác về 2 từ “cái dớp” khi đi đâu đó qua đoạn đường tọa lạc tòa nhà Keangnam, đó là việc nơi đây đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn lao động, làm ít nhất 6 người thiệt mạng chưa kể đến hàng loạt các vụ kiện cáo có liên quan đến chất lượng dịch vụ công trình.
Mạnh Kiên