Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Hoa kẽm gai

Sáng Chủ nhật ngày 10 tháng 6 năm 1990, một hạm đội Hoa Kỳ gồm 6 chiến hạm trong khi di chuyển từ Thái Lan sang Phi Luật Tân, đã phát hiện một chiếc tàu tỵ nạn Việt Nam trên hải phận quốc tế. Vị hạm trưởng đã hạ lệnh hạm đội thi hành việc cứu vớt các thuyền nhân. Hạm trưởng đã yêu cầu tập họp tất cả quân nhân Mỹ gốc Việt trên các chiến hạm. Có khoảng 10 quân nhân thủy quân lục chiến và hải quân Mỹ gốc Việt được tập trung để hỗ trợ các công việc thông dịch và hướng dẫn. Tất cả 155 nam, nữ và trẻ em đã được cứu vớt và đưa đến trại tỵ nạn Phi Luật Tân.

Sau một thời gian ở trại tỵ nạn Phi Luật Tân, số người này đã bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam. Một số khác trốn trại ra thủ đô Manila sinh sống và sau này được định cư ở các quốc gia thứ ba qua sự vận động của luật sư Trịnh Hội vào năm 1993.

Anh Phạm Quốc Hùng là một thủy quân lục chiến có mặt trên chiến hạm đã gìn giữ tài liệu này quý báu này hơn 20 năm qua.





Người tị nạn Cộng sản (Hong Kong 1989)
Nguồn: National Geographic


Nguyễn Thuyền Nhân

Diễn đàn Hồi hương: Hoa kẽm gai
Chuyến cưỡng bức hồi hương 59 thuyền nhân Việt Nam diễn ra tại Hồng Kông ngày 9/11/91 tạo ra những phản ứng khác nhau từ nhiều phía. Để hiểu quan điểm của nhau, các phía liên hệ đã ngồi lại nói chuyện trong Diễn Đàn Hồi Hương được tổ chức ngày thứ bảy 23/11/91. Diễn Đàn do tổ chức Oxfam và Refugee Concern Hongkong, hai tổ chức từ thiện ngoài chính phủ, phối hợp tổ chức.

Có 6 Thuyết trình viên tại Diễn Đàn nói về nhiều vấn đề khác nhau, từ vấn đề cưỡng bức hồi hương, tự nguyện hồi hương, tới chương trình trợ giúp của Cộng Đồng Âu Châu cho người trở về, vấn đề thanh lọc, tình hình Việt Nam, và mối âu lo của thuyền nhân Việt Nam về vấn đề hồi hương. Sau đây là tóm tắt những ý chính trong các bài thuyết trình và vài lời bàn của người viết.




Phối hợp viên vấn đề tị nạn của chính phủ Hong Kong, ông Clinton Leeks nói:

“Chính sách ‘hồi hương trong trật tự’ (từ ngữ chính thức để gọi chính sách cưỡng bức hồi hương) và hồi hương tự nguyện bổ túc lẫn nhau, vì có chính sách hồi hương trật tự thì người trong các trại mới hiểu rằng nếu họ không có tư cách tị nạn thì không còn chọn lựa nào khác ngoài việc trở về VN... Cụ thể là sau chuyến hồi hương trật tự vừa qua thì số người tự nguyện gia tăng đáng kể. Nói cách khác chính sách hồi hương trong trật tự khiến thuyền nhân phải nghĩ tới lối thoát lâu nay không nghĩ tới.”

Lời bàn: Ông Leeks ăn nói rất khéo léo và đứng ở vị thế của kẻ mạnh, nhất quyết không nhượng bộ. Tuy nhiên, lập luận của ông và của cả chính phủ HK không khác gì lập luận của một tên khủng bố nói với tù binh rằng “mày không tự ý nhảy xuống vực thì tao sẽ đẩy mày xuống vực.”

Trưởng phái bộ Cao Uỷ Tị Nạn LHQ tại Hong Kong, ông Robert Van Leeuwen nói:

“Chưa bao giờ việc hồi hương người lánh nạn trên thế giới được chú ý nhiều như trường hợp thuyền nhân VN. Rất nhiều các cơquan quốc tế được quyền giám sát và thăm viếng người hồi hương... Vấn đề bây giờ không còn là làm sao thu hút người về, nhưng lại là làm sao để chính phủ VN có khả năng để tiếp nhận số người về ngày càng tăng.”
Bàn về uy tín của Cao Ủy Tị Nạn mà nhiều dư luận cho rằng đã xút giảm trong thời gian qua, ông Leeuwenkhông trả lời trực tiếp nhưng lại nói rằng:

“Con số 12.500 thuyền nhân tự nguyện hồi hương trong mấy năm qua là một cuộc ‘bỏ phiếu bằng chân’, chứng tỏ vai trò và niềm tin đặt vào Cao Ủy Tị Nạn.”

Lời bàn: Người Việt có được các tổ chức quốc tế chú ý đặc biệt cũng là điều hợp lý, vì chế độ Cộng sản Việt Nam vẫn là một trong những chế độ ác nghiệt nhất thế giới, và người VN là một trong những nạn nhân khốn khổ nhất thế giới.

Dĩ nhiên, con số 12.500 người về cũng có thể được giải nghĩa ngược lại, rằng họ đã hoàn toàn mất niềm tin vào Liên Hiệp Quốc và các nước tự do nên đành trở về VN. Một phụ nữ đã nói với người viết rằng, “Tôi tưởng LHQ, Anh, Mỹ và các nước tự do sẽ giúp đỡ người tìm tự do, ai ngờ các ông cũng ác độc và lạnh lùng không kém gì cộng sản!”

Đại diện Cộng Đồng Âu Châu đặc trách các chương trình trợ giúp người Việt hồi hương, bà Lorna Workman trình bày chương trình của CỘng Đồng Âu Châu như sau:

“Cộng Đồng Âu Châu bắt đầu hoạt động tại VN từ nửa năm nay, mục đích chính là tạo công ăn việc làm cho người về và cả những người chưa từng rời VN. Địa bàn hoạt động là các tỉnh có đông thuyền nhân ra đi như Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố HCM. Tháng tư năm tới sẽ mở rộng tại Đà Nẵng, Huế và một số tỉnh khác. Hoạt động gồm tổ chức lớp huấn nghệ, cho vay tiền (từ 200 USD tới 20.000 USD) để người về làm vốn kinh doanh và làm ăn. Tiền cho vay được chuyển qua Ngân Hàng Nông Nghiệp Việt Nam, một ngân hàng tư nhân. Chương trình này cũng nhằm cải thiện một số cầu cống đường xá và trung tâm y tế. Chương trình kéo dài 3 năm, tổng số vốn là 110 USD.

Lời bàn: Vô cùng cảm tạ các nước Âu Châu trong nỗ lực giúp đỡ dân Việt. Nhưng những vấn đề kinh tế căn bản chắc chắn sẽ làm chương trình của Cộng Đồng Âu Châu đạt được tối đa là một nửa kết quả mà thôi. Thứ nhất, Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam mang danh là tư nhân và được IMF huấn luyện, nhưng dĩ nhiên ngân hàng này vẫn chịu những chi phối chắc nịch của một cơ cấu kinh tế chỉ có luật lệ kinh tế lỏng lẻo. Thứ hai, tiền cho vay được chuyển thành tiền VN chứ không phải bằng mỹ kim nên giá trị thực giảm vùn vụt khi lạm phát tăng vùn vụt. Thứ ba, Cộng Đồng Âu Châu không bán kỹ thuật, nên mọi máy móc, dụng cụ dân đều phải mua chợ đen, giá trị của khoản tín dụng càng giảm. Thứ tư, so với viện trợ Liên Xô trước đây mỗi năm khoảng hai tỉ mỹ kim thì số tiền Cộng Đồng Âu Châu đổ vào VN chỉ vá được cái gấu quần của một nền kinh tế rách bươm.

Chủ tịch chi nhánh HK của Hội Ân Xá Quốc Tế, bà Robyn Kilpatrick thuyết trình về vấn đề thanh lọc. Bà nói:

“Việc thi hành chính sách thanh lọc của Cục Di Dân HK vẫn còn khuyết điểm...Cần phải có thêm các cơ quan độc lập giám sát việc thanh lọc thuyền nhân để bảo đảm rằng những người tị nạn chân chính không bị loại oan uổng.”

Lời bàn: Hoàn toàn đồng ý với bà Kilpatrick. Cuối năm 1990, toà án tối cao HK xử vụ 9 thuyền nhân khiếu nại vì bị Cục Di Dân HK loại oan uổng. Chín (9) thuyền nhân thắng kiện và được thanh lọc lại một lần nữa. Kết quả chỉ có một người được hưởng tư cách tị nạn, 8 người kia vẫn bị loại. Tỉ lệ bị loại trong các cuộc thanh lọc hiện nay vẫn là trên 90%, y hệt như trước khi phiên tòa nói trên xảy ra.

Đại diện tổ chức Oxfam HK, cô Diane Harrington vừa đi thăm VN vào tháng 10 vừa qua, thuyết trình về tình hình tổng quát của VN cho biết như sau:

“Ảnh hưởng của nạn lụt lội và các trận bão vừa qua đối với các tỉnh miền nam VN rất tai hại, hàng ngàn người lâm cảnh màn trời chiếu đất... Tình hình kinh tế nói chung đối với những người miền xa và thượng du vẫn còn vô cùng khó khăn... Sự trợ giúp đủ loại của quốc tế rất cần thiết để làm giảm bớt nỗi khổ của phần đông người VN.”

Lời bàn: Nhận xét của cô Diane đậm nét tình cảm và nhân đạo. Hoạt động của các cơ quan nhân đạo vốn chữa trị triệu chứng, không chữa trị căn bệnh. Tuy nhiên, các hoạt động này nhắm trực tiếp vào những con người nạn nhân cụ thể, chứ không giúp đỡ những cơ cấu chính quyền trừu tượng. Khi chưa làm gì được để thay đổi một cơ cấu chính trị, thì ít nhất, vì lòng nhân, con người hãy giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn, trước khi nói tới những chuyện xa xôi.

Anh Quang, một thuyền nhân tại trại cấm Tai A Chau thuyết trình về ưu tư của thuyền nhân trong trại nói:
“Tự nguyện hồi hương là giải pháp chấp nhận được, vì đó là quyền chọn lựa của những người tin rằng khi về VN mình không bị ngược đãi... Cưỡng bức hồi hương không nên xảy ra vì tình hình chính trị VN chưa thay đổi. 300.000 người Căm Bốt chỉ sẽ được đưa về Căm Bốt khi tình hình chính trị Căm bốt bắt đầu sáng sủa... Cộng Đồng Âu Châu làm việc với Ngân Hàng Nông Nghiệp nhưng khó có thể tưởng tượng rằng ngân hàng nằm ngoài vòng cương tỏa của chính phủ VN...Đổi mới kinh tế ở VN tuy có diễn ra nhưng không đi kèm với cải cách chính trị thì chẳng khác nào kẹo caramel Pháp chấm với nước mắm... Thế giới bên ngoài chỉ thấy mặt phải sạch sẽ của chính phủ VN, trong khi người dân VN luôn luôn bị đe dọa bởi mặt trái nhem nhuốc của chế độ... Chính quyền trung ương VN không quan trọng bằng chính quyền địa phương VN, kẻ có thực quyền và luôn quấy nhiễu đời sống người dân... Việt Nam có tái lập bang giao với Mỹ cũng không bảo đảm nhân quyền được tôn trọng. Trung Quốc đã bang giao với Mỹ từ năm 1972 và Thiên An Môn vẫn xảy ra vào năm 1989. Bang giao với Trung Quốc cũng không hứa hẹn VN có tương lai sáng sủa, vì HK đã có quá nhiều kinh nghiệm không vui với đàn anh Trung Quốc...Chỉ khi nào thể chế chính trị VN thay đổi, thì lúc đó không cần tiền trợ giúp của LHQ, không cần phải thuyết phục, người VN sẽ trở về... Yêu cầu chính phủ HK kiên nhẫn thêm ít lâu nữa, chính trị VN có thể sẽ thay đổi trong một vài năm nữa... Cuối cùng, thuyền nhân không phải là những từ ngữ hoặc con số, mà là những con người có tình cảm buồn vui, sợ hãi. Hãy đối xử với thuyền nhân như những con người, đừng coi họ như đám súc vật cần phải khiêng quẳng lên máy bay trục xuất.”


Người tị nạn Cộng sản (Hong Kong)
Nguồn: Life

Lời bàn: Bài nói chuyện của anh Quang, bằng Anh ngữ, đã gây sự chú ý đặc biệt của người tham dự. Dứt lời, toàn hội trường vỗ tay lâu hơn bình thường. Dù sao, đây là cơ hội rất hiếm hoi để chính thuyền nhân nói lên nhận định của mình. Tuy anh Quang nói rõ rằng đây chỉ là quan điểm của mình và một số thân hữu, chứ không dám đại diện cho toàn thể thuyền nhân tại HK, nhưng rõ ràng những gì anh nói đã tóm gọn được nhiều mối ưu tư của người VN, không những ở HK mà còn cả ở nước ngoài nữa.


Diễn đàn đạt được kết quả gì?

Dĩ nhiên, diễn đàn chỉ là nơi hội ý, không phải là cơ quan lập hoặc thay đổi chính sách.

Có tất cả 130 người tham dự diễn đàn, đại đa số là những người thuộc các cơ quan ngoài chính phủ đang làm việc với thuyền nhân trong trại cấm. Đây là cơ hội để các nhân viên này hiểu toàn diện vấn đề thuyền nhân VN. Dự diễn đàn xong, nhiều người thấy được tính chất muôn mặt của vấn đề và do đó thấy cần phải tìm hiểu nhiều hơn nữa. Đó là một kết quả.

Quan trọng nhất là lập trường của thuyền nhân được trình bày mạch lạc, có lý, có tình ít nhiều cũng phá vỡ ấn tượng mà chính phủ HK thường có rằng thuyền nhân là những kẻ cực đoan, miệng nói “thà chết không chịu về” nhưng trong bụng lại rụt rè nửa về nửa ở.

Thuyền nhân có lên tiếng mạch lạc và có tình có lý như vậy thì việc bênh vực quyền lợi thuyền nhân của Hội Ân Xá Quốc Tế, Refugee Concern HK, Oxfam... mới là việc làm hợp lý và cần thiết. Đó là kết quả thứ hai.

Hai lập trường tương phản, một bên là chính phủ HK và Cao Ủy Tị Nạn và bên kia là thuyền nhân và các tổ chức bênh vực thuyền nhân, có cơ hội được bộc lộ lần đầu tiên sau chuyến cưỡng bách hồi hương ngày 9/11/91 vừa qua. Hai bên có dịp để nhìn rõ mặt mày nhau hơn, dù không thương nhau hơn, dù vẫn bất đồng, dù chính phủ HK vẫn tiếp tục chính sách cưỡng bức hồi hương trong những ngày sắp tới.

Kẽm gai vẫn còn đó trùng trùng điệp điệp. Nhưng đột nhiên một cánh hoa mỏng manh nở ra. Dù nở ra rồi tàn, cứ vẫn phải nở.



Bài do Thuan Phan gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.-Nguồn: ĐCV: Hoa kẽm gai

Tổng số lượt xem trang