Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Một Nước Mỹ Hữu Khuynh

-Một Nước Mỹ Hữu Khuynh
Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20110802
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Chính trường Hoa Kỳ nhích dần về cánh hữu – nhưng chớ cho ai biết!....
 Ronald Reagan và người mở đường, Barry Goldwater

Chính trường Hoa Kỳ vừa trải nhiều tuần giao đấu về ngân sách với mối nguy "vỡ nợ" khi kinh tế có thể "đụng đáy hai lần" - lại suy trầm nữa - khi thất nghiệp vẫn lửng lơ trên đỉnh là gần 10%.


Qua trận đấu, chúng ta bị hoa mắt chóng mặt vì tin tức dồn dập những mâu thuẫn và con số khó hiểu. Trong khi ấy, bộ Ngân khố cứ nhắc: chính quyền sẽ vỡ nợ vào Thứ Ba mùng hai nếu đôi bên không đạt thỏa hiệp. Hôm 27 còn cho biết là công quỹ còn chưa đầy 79 tỷ đô la! Nếu không nâng định mức công trái thì đến ngày Thứ Ba mùng hai Tháng Tám, người già và lính tráng gì cũng hết cả lương bổng lẫn hưu liễm. Quốc gia sẽ phá sản!

Cụ thể thì điểm quốc trái - mức khả tín của Công khố phiếu Mỹ - sẽ tụt từ hạng nhất là ba chữ A (AAA) xuống hạng "có giá trị" (AA): ngang hàng các nước "thường thường bậc trung", như Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bỉ, Đài Loan, Saudi Arabia, Kuweit, Israel, v.v.... Và phân lời trái phiếu sẽ tăng làm cả nước khốn khổ vì phải trả tiền lãi cao hơn.

Siêu cường quân sự có nền kinh tế giàu mạnh nhất thế giới mà vỡ nợ và bị xuống cấp?

Thật ra, đây là đòn dọa cổ điển của chính trường. Chuyện "vỡ nợ" là trò xưa.

Từ 1940 đến nay, Hoa Kỳ phải nâng định mức đi vay 80 lần, hầu như dưới mọi triều tổng thống. Trừ Harry Truman sau khi mức vay được nâng chín ngày trước khi ông nhậm chức vào Tháng 12 năm 1945. Riêng từ 1960 đến nay - một năm trước khi ông Barack Obama ra đời – thì đã có 78 lần dời cột mốc đi vay như vậy! Nhìn từ bên ngoài thì nước Mỹ đi vay với đà gia tốc. Nếu không tốc bức màn vay thì sẽ chìm trong bóng tối của nạn vỡ nợ.

Mười năm trước, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống George W. Bush, Hoa Kỳ đã ba lần lăn vào cõi âm u đó, có lúc công quỹ chỉ còn 15 triệu - chứ không phải tỷ - trước khi có thể tuột đáy. Thời ấy, Quốc hội trì hoãn cũng vì một câu hỏi cổ lỗ: nâng mức đi vay tới cỡ nào mới đủ khi mà được phép đi vay là người ta lập tức tăng chi và mắc nợ?

Có lẽ thị trường hiểu trò vui của chính trường nên... mặt không đổi sắc: trong cả tuần nhức tim như vậy, và trước hạn kỳ Mỹ bị "vỡ nợ" phân lời trái phiếu loại dài hạn trên thị trường Hoa Kỳ đã không tăng như mọi người dọa nạt, mà còn hạ! Cái hợp lý trong nghịch lý này là khi mức công trái bị hạn chế thì tư nhân mới còn cơ hội đi vay và kéo kinh tế ra khỏi trì trệ.

Ngược lại, sau khi Tổng thống Barack Obama xuất hiện trước báo chí vào tối Chủ Nhật để loan tin là các lãnh tụ Quốc hội đã đạt một giải pháp, sáng Thứ Hai, các thị trường cổ phiếu vẫn tụt giá nặng sau khi hồ hởi được 60 phút! Cái hợp lý trong nghịch lý này là giải pháp thỏa hiệp vào giờ chót chưa đẩy lui nỗi lo kinh tế đụng đáy lần thứ hai, trong khi điểm tín dụng của Mỹ vẫn có thể tụt hạng...

Cho nên ta không nhảy vào trò chính trị nhất thời mà lùi lại chút đỉnh để thấy ra một sự chuyển dịch cũng đầy nghịch lý. Đó là đợt sóng ngầm khiến xã hội Hoa Kỳ lặng lẽ nghiêng về cánh hữu, về xu hướng bảo thủ chính trị và tự do kinh tế.


***


 Hý họa của Michael Ramirez trên tờ IBD: 
Phe Tea Party bên Cộng Hoà tự cưa vòi để... tiện nhổ vào mặt mình



Ngay trước mắt, thỏa hiệp của đảng Dân Chủ và sự đồng ý miễn cưỡng của Tổng thống Obama trong ngày Chủ Nhật vừa qua là một sự thoái lui về cánh hữu, dưới áp lực của đảng Cộng Hoà.

Dư luận chỉ lo rằng phong trào bảo thủ Tea Party sẽ thừa thằng xông lên mà đòi nhiều hơn, nên sẽ lại... tự bắn vào chân. Hoặc con voi Cộng Hoà sẽ tự cắt mất vòi để rồi lại... tự nhổ vào mặt, như tấm hý họa của nhật báo kinh doanh có xu hướng tự do là tờ Investor's Business Daily đã cảnh báo trong số ra ngày Thứ Sáu 29. Thật ra, phe tả trong đảng Dân Chủ cũng có vẻ thất vọng về những nhượng bộ của Tổng thống khi đồng ý giảm chi như đảng Cộng Hoà đòi hỏi mà không yêu cầu tăng thuế. Trong ngày Thứ Hai, cả hai phe tả hữu sẽ còn tác động vào việc Hạ viện Cộng Hoà và Thượng viện Dân Chủ sẽ phải biểu quyết giải pháp đồng thuận, nhưng thực tế thì chính trường Hoa Kỳ đã nhích về xu hướng bảo thủ hơn trước.

Đó là chuyện ngắn hạn trước mắt.

Nhưng sự chuyển dịch ấy không là một bước lùi để mà tiến của cánh tả bên đảng Dân Chủ, một chiến thuật cần thiết để khỏi ai nêu vấn đề về định mức đi vay trước kỳ tổng tuyển cử vào Tháng 11 năm tới. Sự chuyển dịch ấy có nguyên nhân sâu xa và lâu dài hơn.


***


Nó đã thực tế bắt đầu từ sau Chiến tranh Việt Nam, từ gần 40 năm trước.

Xin hãy tạm định nghĩa khái niệm "bảo thủ", vốn không hàm ý "phản động" hay phản tiến hóa như Âu Châu thường hiểu. Nhiều người Mỹ còn coi "bảo thủ" là một đức tính!

Trước hết, đó là xu hướng chủ trương diễn giải Hiến pháp gần nhất với tinh thần nguyên thủy của các nhà lập quốc. Trong chi tiết, có tinh thần "liên bang" theo đó quyền hạn của chính quyền liên bang là do các tiểu bang chấp nhận cho; và tinh thần "dân chủ trực tiếp" theo đó quyền lực của nhà nước liên bang hay tiểu bang là do các công dân chấp nhận cho.

Thứ hai, đó là tinh thần quyết liệt bảo vệ quyền lợi nước Mỹ, rất diều hâu về đối ngoại, tích cực về an ninh, thậm chí còn mấp mé tinh thần "tự cô lập" là khi Hoa Kỳ không xía vào thiên hạ sự nếu không có lợi. Nôm na là ít ưa can thiệp hay tham chiến, nhưng nếu đã đánh thì phải thắng và rút về cho nhanh!

Thứ ba là tinh thần phát huy tự do của công dân và giới hạn vai trò của chính quyền. Đó là xu hướng mở rộng ảnh hưởng của thị trường, giản chánh - giản lược bộ máy hành chánh – giảm thuế, tôn trọng kỷ cương ngân sách, cụ thể là chống bội chi và tránh tăng chi công quỹ để bành trướng bộ máy công quyền.

Thứ tư là bảo vệ kỷ cương gia đình, bảo thủ về xã hội trong tinh thần chống lại sự phóng đãng đạo đức, việc phá thai hay hôn nhân giữa người cùng tính phái.

Chi tiết lý thú là trong khuynh hướng bảo thủ có một nhánh chủ trương "tự do tuyệt đối", "libertarian", với quan điểm khá phức tạp. Đó là tự cô lập về đối ngoại, triệt để ngăn cản sự can thiệp của nhà nước nhưng cũng không muốn bất cứ ai áp đặt một giá trị tinh thần nào, kể cả can dự vào quyền phá thai hay đồng tính của người dân. Cụ thể là nhà nước, hay cả nhà thờ nữa, không nên xen vào đời tư cá nhân. Một số thành phần trong phong trào Tea Pary hiện nay thuộc về nhánh tự do tuyệt đối ấy.


***


Một nhân vật có thể là tiêu biểu cho khuynh hướng bảo thủ đó là Barry Goldwater của tiểu bang Arizona.

Ông là nhà sáng lập phong trào bảo thủ trong những năm 1960 và thời ấy bị coi là một thiểu số có tinh thần phiêu lưu đáng sợ - nhuốm mùi cực hữu! Ông thất bại thê thảm trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 1964 bên đảng Cộng Hòa. Nhưng tư tưởng của ông chuẩn bị cho cuộc đại thắng của Ronald Reagan năm 1980 và là nguồn cổ võ cho hàng loạt dân biểu nghị sĩ Cộng Hoà, những chính khách ngày nay đã thuộc loại lão thành hoặc hồi hưu. Nghị sĩ Orrin Hatch của Utah là một thí dụ, cựu nghị sĩ Robert Dole, ứng cử viên Tổng thống năm 1996 là một thí dụ khác.

Giờ đây, loại chính khách ấy được quần chúng cho là "ôn hoà" nhưng bị nhiều đảng viên Cộng Hoà chê là... trung tả, rất đáng nghi!

Về tổng hợp. năm 1976, một cuộc khảo sát ý kiến cho thấy là có 39% dân Mỹ tự xưng là ôn hòa, 28% tự xưng là bảo thủ, 23% tự xưng là cấp tiến hay thiên tả ("liberal", xin đừng lầm với xu hướng bảo thủ Âu Châu hay Nhật Bản, hoặc khắc tinh là "libertarian" của Mỹ). Tháng Sáu vừa qua, cuộc khảo sát cho thấy 42% tự xưng là ôn hòa, 35% bảo thủ và 18% thiên tả. Theo viện Gallup thì trong năm 2010 vừa qua, có 40% dân Mỹ tự xác nhận là bảo thủ, so với 35% ôn hoà và 21% thiên tả.

Cũng Tháng Sáu vừa qua, khảo sát của CNN cho biết 63% dân Mỹ nghĩ rằng chính quyền muốn làm quá nhiều việc, tăng 20% so với năm 2008 (khi 52% dân Mỹ nghĩ vậy) và 50% dân Mỹ cho rằng chính quyền không nên áp đặt một giá trị nào cho người dân, tăng 25% so với năm 2008 (khi chỉ có 41% nghĩ như vậy).

Từ con số tổng hợp, ta khó đi vào tâm từ từng người ở từng nơi vào hai thời điểm trước sau gần 40 năm về định nghĩa ôn hoà, bảo thủ hay thiên tả. Nhưng sự thật bên dưới là xã hội Hoa Kỳ đã lặng lẽ nhích về cánh bảo thủ, các chính trị gia ở trên thì chỉ diễn dịch lại sao cho có lợi mà thôi.

Về cụ thể thì sau các Tổng thống Dân Chủ khét tiếng thiên tả về xã hội như Franklin Roosevelt và Lyndon Johnson, hai Tổng thống Cộng Hoà là Richard Nixon và Gerald Ford cũng áp dụng nhiều cánh sách quản lý kinh tế theo cánh tả, trong ý nghĩa bành trướng vai trò điều tiết và kiểm soát của nhà nước. Họ là hai lãnh đạo Cộng Hoà sau cùng còn lọt vào trào lưu xã hội nhuốm mùi Âu Châu đó.

Sau đấy, các Tổng thống Cộng Hoà đều thoải mái thi hành chủ trương của Barry Goldwater.

Và ngôi sao sáng của đảng Dân Chủ, một lãnh tụ hiếm hoi đã đắc cử Tổng thống hai nhiệm kỳ kể từ F.D. Roosevelt, là ông Bill Clinton cũng là tác giả của câu nói thời danh: "chấm dứt chế độ an sinh (welfare) như chúng ta đã biết"! Ông là người mở rộng ngoại thương, ký đạo luật Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA - để doanh nghiệp Mỹ... đưa việc làm ra ngoài!

Thực tế thì ông Clinton đã kết thúc thời hoàng kim của chế độ kinh tế chính trị "New Deal" thời Roosevelt. Nhờ vậy mà ông tái đắc cử năm 1996 trước một đối thủ Cộng Hoà có quan điểm về nội chính không mấy khác biệt là Nghị sĩ Bob Dole!


***


Sau cuộc bầu cử năm 2008, Tổng thống Barack Obama là người đã muốn trở lại xu hướng xã hội cố hữu của đảng Dân Chủ. Ông may mắn đắc cử nhờ nạn suy trầm kinh tế và khủng hoảng tài chánh, nhưng ban hành những chánh sách cải tạo xã hội quá mạnh và quá tốn kém nên bị phản tác dụng là cuộc bầu cử năm 2010. Trong khi kinh tế vẫn chưa sáng sủa. Ông vẫn còn hậu thuẫn của giới trẻ, người Mỹ da đen và các nghiệp đoàn, nhưng mất sự ủng hộ của xu hướng ôn hoà và hiện đang có tỷ lệ tin tưởng thấp nhất, chỉ còn 40%.

Kết quả là xu hướng bảo thủ đang làm thay đổi nhận thức của dân Mỹ. Còn lại là "ấn tượng". Trận đánh về ngân sách vừa qua chỉ là một biểu hiện mà thôi.

Tổng số lượt xem trang