Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Nước mắt trên công trường

-Theo Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn TP đã xảy ra 53 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết 54 người và bị thương 8 người. Còn năm 2010, cả nước đã xảy ra hơn 5.000 vụ TNLĐ làm hơn 600 người chết và hàng ngàn người bị thương trong đó lao động nữ gần 1.000 người. Những vụ tai nạn chủ yếu tập trung ở khai thác mỏ và xây dựng. Trong khi đó, đời sống người công nhân gắn với công trường, sự nguy hiểm trong tai nạn lao động luôn rình rập họ, nhiều khi sự sống và cái chết đối với họ thật mong manh.

Máu và nước mắt
Trên công trường không chỉ có những người đàn ông làm phụ thợ hồ mà còn rất nhiều chị em phụ nữ cũng làm nghề này. “Biết là nặng nhọc và nguy hiểm nhưng không có nghề nào trả tiền công cao như nghề này, một ngày từ 90.000-120.000đ, chỉ như vậy tôi mới đủ tiền nuôi con ăn học”. Chị Minh đang phụ hồ ở một công trường quận 2 cho biết. Gần 5 năm theo chồng phụ hồ, chị Minh đã không ít lần chứng kiến cảnh máu đổ trên công trường, chị kể: “Lần đầu đi theo chồng phụ hồ ở công trường quận Gò Vấp, chưa đầy 1 tháng tôi đã chứng kiến tới 2 cái chết ở công trường, đó là vụ sập giàn giáo, 2 người chết và 10 người bị thương, chồng tôi cũng phải nằm viện gần 1 tháng vì gãy tay”.
Công nhân làm ở công trình Đại lộ Võ Văn Kiệt
Chị Hồ Thị My, quê Đồng Tháp không còn nhớ nổi mình đã thức bao nhiêu đêm để theo đổ bê tông cho công trình. Đang làm ở công trình trường học quận 2, chị chỉ tay về những tòa nhà cao tầng ở Bình Thạnh nói: “Đó, em nhìn xem, những tòa nhà đó cũng là một tay tui phụ xây, nói người ta lại cười chứ từ lúc khởi công cho đến ngày khánh thành tui theo phụ gần cả năm trời”. Hơn 10 lần nằm viện vì kiệt sức nhưng người phụ nữ này vẫn đăng ký những ca làm đêm chỉ một lý do đơn giản là: “Ban đêm chủ thầu trả lương cao hơn ban ngày, khoảng thời gian lao động ít hơn lại hiếm người làm, 2 đêm làm ca bằng làm cật lực 3 ngày tại sao lại không đăng ký”.
Chị My nhớ lại lần đổ máu ở công trường nơi chị làm: “Đó là tháng 1/2011 trên công trường quận 11,vụ sập giàn giáo đã làm cho anh Tươi rơi tự do từ trên cao xuống và chết tại chỗ. Nghĩ lại đời phụ thợ hồ sao nhiều máu và nước mắt quá. Cứ mỗi lần nghe nói trên công trường lại xảy ra tai nạn, nghĩ thì cũng sợ đấy nhưng lại tự an ủi mình rằng, cứ cẩn thận thôi, “thần chết” gọi đến tên ai người nấy dạ, ranh giới giữa sự sống và cái chết của phụ thợ hồ sao mong manh thế!”. Không ít người biết rằng, treo mình lơ lửng trên những tòa nhà cao hàng trăm mét rất dễ đánh đổi bằng cả tính mạng, tuy nhiên họ không có lựa chọn nào hơn, vì gánh nặng cơm áo mà…
Điều đáng buồn nhất của những người như chị My đó là sự thờ ơ của các nhà thầu khi tai nạn xảy ra, người chết đã xanh cỏ nhưng trách nhiệm thì vẫn như trái banh đùn qua, đẩy lại. Những trường hợp như vậy trách nhiệm nhà thầu đặt ra ở đâu?
Ký ức kinh hoàng
Đã hơn 4 năm rồi, khi tôi gặp chị, ánh mắt của chị vẫn còn thảng thốt, khi tôi hỏi về người con trai của chị bị tai nạn ở vụ sập cầu Cần Thơ. Nước mắt chị lã chã câu được, câu mất khi kể về cái ngày định mệnh đó: “Hơn nửa đời phụ hồ cho những công trình, tai nạn lớn nhỏ xảy ra với tôi không biết bao nhiều lần, không ngờ cái ngày đó tôi mất đứa con duy nhất ở đại công trường cầu Cần Thơ, tất cả sao giống định mệnh quá!”. Chị tên là Hương (40 tuổi) quê An Giang, chồng mất trong một tai nạn ghe, chị không đi bước nữa vì muốn nhìn đứa con trưởng thành và lập gia đình. Thế nhưng Lê Văn Quá – con trai của chị không bao giờ về nữa khi nhịp cầu Cần Thơ đổ sập xuống.
Chị kể: “3 ngày liên tục gào thét trong đống đổ nát, tôi chẳng biết sao mình lại vẫn còn sống cho đến bây giờ. Hôm đó tôi phụ nấu ăn cho tổ 16, trong đó con trai tôi làm thợ đổ bê tông, khi nghe tin đổ sập nhịp dẫn, tất cả chúng tôi đều kinh hoàng vì nơi đó đang rất đông người làm việc”. Ánh mắt của chị vẫn còn chưa hết được bàng hoàng, chị chắp tay khấn cầu cho linh hồn của đứa con trai xấu số.
Nhưng vì mưu sinh, giờ đây chị vẫn lăn lộn trên công trường xây dựng dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt để phụ thợ hồ, có lẽ chị là người phụ nữ có số phận đặc biệt nhất mà tôi gặp được trên công trường. Hai người đàn ông bên chị đã ra đi, giờ đây chị không bao giờ dám nghĩ mình sẽ đi thêm bước nữa. Làm chung với chị còn có chị Lan quê ở An Giang cũng mất người em ruột của mình trong vụ sập cầu Cần Thơ, chị nhớ lại cảnh mẹ mình cứ chực lao vào hiện trường đổ nát đòi ôm xác con trai, bà bị bảo vệ cản lại, mẹ chị khuỵu xuống quằn quại đau khổ. Cả hai người phụ nữ số phận của họ gần giống nhau, họ đều mất đi những người thân yêu nhất trên công trường. Bóng họ cứ liêu xiêu giữa những khối bê tông, giữa công trường ồn ào và khói bụi.
Hạnh phúc!
Ở công trường đầy máu và nước mắt, nhưng không phải vì thế mà không có chuyện vui với những người phụ hồ. “Chuyện không phải hy hữu nhưng ít nhất đã có hai đám cưới được tổ chức trên công trường”. Ông Hòa – một thợ cả quê ở Bình Định kể: “Đó là năm 2008, tại công trường xây dựng Trường đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP HCM đã diễn ra đám cưới của hai công nhân xa nhà. Tôi chỉ nhớ họ đều qua tuổi 40, đi làm chung với nhau đã nhiều công trình và quyết định cưới nhau ở công trình này để coi như một kỷ niệm”.
Đám cưới gần đây nhất mà ai cũng biết đó là đám cưới trên công trình Đại lộ Võ Văn Kiệt. Rất nhiều công nhân của Công ty Xây dựng số 1 tham gia xây dựng công trình Đại lộ Đông Tây không thể quên đám cưới của anh Hồi và chị Chinh, cả hai người làm chung rồi thương nhau và tổ chức đám cưới ngay trên lán trại của công trình. Cả hai chọn công trình làm sảnh cưới vừa tiết kiệm cho chi phí, vừa thật vui. Giờ đây anh chị đã có con, năm nay bé bắt đầu đi học mầm non và anh chị sẽ gửi về quê để con được ăn học đàng hoàng. Sau máu và nước mắt đôi khi người ta cũng tìm thấy nụ cười và hạnh phúc…

Tổng số lượt xem trang