Washington Quarterly
Mùa Đông 2011
David Shambaugh*
Giáo sư Đại học George Washington
Mỹ
Giáo sư Đại học George Washington
Mỹ
2009-2010 sẽ được nhớ đến như những năm mà Trung Quốc đã trở nên khó cho thế giới đối phó, khi Bắc Kinh biểu lộ cách hành xử ngày càng cứng rắn và hung hăng với nhiều nước láng giềng châu Á, cũng như với Mỹ và Liên minh châu Âu. Ngay cả những quan hệ của họ ở châu Phi và Mỹ - La tinh cũng trở nên khá căng thẳng, làm trầm trọng thêm sự suy giảm hình ảnh của họ khắp thế giới từ năm 2007.[1] Hành vi khó chịu của Bắc Kinh khiến nhiều nhà quan sát phân vân: sự cứng rắn mới ấy sẽ kéo dài bao lâu. Đó là một xu hướng tạm thời hay lâu dài? Nếu đó là một sự chuyển hướng lâu dài và trong chính bản chất của Trung Quốc thiên về hướng kiên quyết và kiêu căng hơn thì các quốc gia khác nên đáp ứng ra sao?
Cái mà thế giới đang chứng kiến trong dáng dấp mới của Trung Quốc một phần là sản phẩm của một cuộc tranh luận nội bộ kịch liệt đang diễn ra, và biểu thị một sự đồng thuận đang có giữa các thành phần tương đối khá bảo thủ và thành phần dân tộc chủ nghĩa ở chỗ cả hai đều muốn chính sách của Trung Quốc phải cứng rắn hơn, và Trung Quốc phải tung sức mạnh ra xung quanh một cách có chọn lọc. Mặc dù hiện tại dường như có một sự thoả thuận trong nước, Trung Quốc vẫn còn là một cường quốc đang trỗi dậy bị tự giằng xé sâu sắc, với một số “nhân thân” (identity) quốc tế cạnh tranh nhau. Chưa bao giờ lại có nhiều tiếng nói và diễn viên tham gia vào một tiến trình hoạch định chính sách đối ngoại phức tạp như nay.[2] Vì thế, chính sách đối ngoại của Trung Quốc thường tỏ ra có nhiều “chỗ nhấn” khác nhau và trái ngược nhau. Hiểu được các “nhân thân” đang cạnh tranh với nhau này là vô cùng cần thiết để dự đoán hành vi ngày càng mâu thuẫn và đa chiều của Bắc Kinh sẽ như thế nào trên sân khấu thế giới. Mỗi định hướng sẽ có những hàm ý khác nhau đối với chính sách của Mỹ và các quốc gia khác.
Tranh luận rộng rãi trong một môi trường bị kềm hãm
Không nước nào có những tranh luận nội bộ rộng rãi, rôm rả, và đa dạng về vai trò của nước ấy như một cường quốc đang trỗi dậy như những tranh luận ở Trung Quốc trong thập kỷ vừa qua. Các câu lạc bộ chính thức, bán chính thức và không chính thức ở Trung Quốc, tất cả đều sôi nổi tranh luận về những cơ hội, những nguy cơ, những rủi ro, và những trách nhiệm của một cường quốc chính yếu.[3] Tất nhiên, vẫn còn một bộ phận trong quan điểm của nhà nước thậm chí phủ nhận Trung Quốc là một cường quốc chính, lý luận rằng quốc gia này vẫn còn là một nước (xã hội chủ nghĩa) đang phát triển. Một nhóm quan điểm đáng kể khác phủ nhận Trung Quốc là một cường quốc toàn cầu, cho rằng Trung Quốc giỏi lắm cũng chỉ là một cường quốc trong khu vực. Dù các “nhân thân” quen thuộc này tiếp tục được phân giải trong các diễn từ và văn kiện chính thức của nhà nước, đa số những cuộc tranh luận gần đây ở Trung Quốc nhìn nhận rằng nước này là một cường quốc chính yếu, hoặc ít nhất cũng rõ ràng là đang trên đường trở thành một cường quốc chính yếu. Do đó, tranh luận trong những năm gần đây đã chuyển sang vấn đề: Trung Quốc sẽ là cường quốc chính yếu loại nào.
Rất ít, nếu có, quốc gia nào khác (đang là cường quốc chính yếu hoặc muốn trở thành cường quốc) có những tranh luận về chính quốc gia ấy như đang diễn ra ở Trung Quốc. Thậm chí có một loạt sách “Làm thế nào” được xuất bản ở Trung Quốc về cách trở thành một đại cường.[4] Dù phần lớn các cuộc tranh luận như thế diễn ra trong các cộng đồng chính sách và học thuật bán chính thức, chúng cũng lan ra xã hội khoáng đại qua sự kiện đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV – TV mạch kín) chiếu loạt phim tư liệu12-phần “Nước lớn trỗi dậy” (Đại quốc quật khởi), phát hình nhiều lần, và được hàng trăm triệu người Trung Quốc theo dõi. Bộ phim này mô tả những điều kiện đưa các đại cường hiện đại khác (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Anh, Đức, Nga, Liên Xô, Nhật Bản và Mỹ) trỗi lên, với mục đích xác định bối cảnh sự trỗi dậy của chính Trung Quốc và rút ra những kinh nghiệm từ lịch sử. Mặc dù bộ phim này tập trung chủ yếu vào các điều kiện đã đưa đến trỗi dậy (và suy vong) của các đại cường, chủ đề của đoạn kết tập cuối cùng của bộ phim là làm thế nào để tránh “cái bẫy bất đối xứng” thường tái diễn giữa một cường quốc chủ yếu đã hình thành và cường quốc mới bắt đầu trỗi dậy, khi mà “cường quốc mới” thách thức vị trí bá quyền của “cường quốc đương vị” trong hệ thống quốc tế, gây căng thẳng, cạnh tranh, xung đột, thậm chí chiến tranh.[5] Loạt phim CCTV này được phát hình sau khi các học giả trình bày một loạt bài giảng về chủ đề này cho Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm 2005-2006. Như vậy, trong những năm gần đây, quần chúng lẫn giới tinh hoa Trung Quốc đều lưu tâm đến dự kiến các tình huống khó xử của một cường quốc đang lên.
Dù môi trường trí thức bị kềm kẹp phần nào bởi những hạn chế mà các cơ quan tuyên truyền áp đặt, tranh luận về nhân thân quốc tế của Trung Quốc vẫn rất sôi nổi và đa dạng, mở ra các cửa sổ hệ trọng cho ta thấy lối suy nghĩ của người Trung Quốc về những nước khác, về khu vực, về các vấn đề quốc tế, và đặc biệt là về vai trò đang chuyển biến của chính Trung Quốc như một cường quốc mới nổi trong các vấn đề của thế giới. Quan trọng nhất, nó cho thấy nhiều nhân thân đa dạng, đôi khi mâu thuẫn nhau, hiện hữu trong thế giới quan của người Trung Quốc, nó cũng cho thấy các quan điểm kình chống nhau về vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc hiện tại không có một nhân thân quốc tế duy nhất, mà là một loạt nhân thân cạnh tranh nhau.
Tìm biết nội dung và bề rộng của cuộc tranh luận tư tưởng bên trong Trung Quốc như thế là điều then chốt để thấu hiểu những gì mà chính người Trung Quốc đang trăn trở, khi quốc gia của họ được đưa nhanh vào đấu trường quốc tế. Rõ ràng là Trung Quốc thiếu chuẩn bị cho địa vị quốc tế mới của họ, và sự mau chóng trỗi dậy của nước này đã đến nhanh hơn dự kiến. Đối với người Trung Quốc, quả là bỡ ngỡ khi phải thình lình đối mặt với một loạt câu hỏi hoàn toàn mới và với những đòi hỏi từ bên ngoài về vị thế quốc tế, vai trò, và trách nhiệm của quốc gia của họ. Vậy, các chuyên gia ngoại vụ của Trung Quốc nhìn thế giới và vai trò ngày hôm nay của Trung Quốc trong đó như thế nào?
Phân loại các thảo luận về nhân thân quốc tế của Trung Quốc
Dễ thấy rõ là có nhiều trường phái, nhiều “khuynh hướng” tư tưởng và phân tích khác nhau, trong những tranh luận ở Trung Quốc.[6] Mặc dù, về phương diện trí thức, những trường phái này là dị biệt, nhưng sẽ là sai lầm nếu xem chúng như không có chỗ nào giống nhau, đôi khi chúng trái ngược nhau, nhưng đôi khi cũng bổ túc cho nhau. Hơn nữa, cá nhân các học giả chuyên về quan hệ quốc tế và các quan chức ở Trung Quốc thường là các nhà tư tưởng “không câu nệ” (eclectic) ở chỗ, dù cắm rễ sâu chắc ở một trường phái nào đó, họ vẫn thường đưa ra các quan điểm thuộc các trường phái khác. Họ chấp nhận sự phức tạp của nhận thức. Ta cũng thấy rằng các nhóm tư tưởng không tương quan với các tổ chức. Mặc dù sẽ thuận tiện nếu có thể dán nhãn một tổ chức này là theo “chủ nghĩa hiện thực” hoặc tổ chức kia là có tư duy “toàn cầu”, nhưng không đơn giản như vậy. Các trường phái tư tưởng đan chéo nhau trong các tổ chức.
Một hậu quả của những nhân thân quốc tế cạnh tranh nhau là: chính sách đối ngoại của Trung Quốc phản ánh nhiều thành tố cùng lúc. Điều này được thể hiện trong các chính sách chính thức của các nhóm đại quốc thị quan kiện (cường quốc là chìa khoá), chu biên thị thủ yếu (khu vực xung quanh là quan trọng hàng đầu), phát triển trung quốc gia thị cơ sở (các nước đang phát triển là nền tảng), và đa biên thị trọng yếu vũ đài (các diễn đàn đa phương là sàn diễn quan trọng). Mặc dù đây là những định hướng chính sách khác nhau rõ rệt, chúng không nhất thiết loại trừ lẫn nhau. Qua sự đọc và trao đổi của tác giả (bài này) với cộng đồng (các nhà nghiên cứu Trung Quốc về) quan hệ quốc tế, hiển hiện bảy quan điềm khác hẳn nhau. Bảy quan điểm này có thể xếp dọc theo một phổ (spectrum, như quang phổ -- Chú thích của người dịch), từ đây gọi là “phổ tư tưởng”. “Phổ” này trải dài từ khuynh hướng “biệt lập” ở cực trái, đến khuynh hướng hoàn toàn tham gia vào sự quản trị toàn cầu ở cực phải. Giữa hai thái cực ấy là những trường phái tư tưởng khác, từ khá “thực tế” đến khá “phóng khoáng” (liberal)
1. Chủ nghĩa Bản địa (Nativism)
Ở một cực của “phổ trường phái” là “chủ nghĩa bản địa”. Phái này gồm những người có tư tưởng dân túy, bài ngoại, dân tộc, và Mác-xít. Họ ngờ vực thế giới bên ngoài, mong muốn quốc gia tự chủ, nghi ngờ các tổ chức quốc tế, và cho rằng Trung Quốc không nên năng động trên thế giới. Họ kịch liệt chỉ trích phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhóm này mang nặng định hướng Mác-xít truyền thống. Những người có tư tưởng bản địa cấu thành một liên minh lỏng lẻo có chân trong nhiều tổ chức; thực ra một số trong những người cổ vũ hàng đầu của trường phái này hoạt động như các chuyên gia độc lập. Trong chừng mực mà họ có một tổ chức trụ sở, nhiều người làm việc trong các viện nghiên cứu thuộc Trung ương Đảng có liên hệ đến lịch sử và tư tưởng hệ của Đảng, và trong Học viện Chủ nghĩa Mác của Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS: Chinese Academy of Social Sciences).
Những người theo chủ nghĩa bản địa là anh em sinh đôi của “cánh tả mới” (tân tả phái) trong các cuộc tranh luận về chính sách nội bộ của Trung Quốc. Cả hai đều tin rằng chính sách “cải tổ và mở cửa” trong 30 năm qua của Trung Quốc đã phải trả giá bằng sự nguyên vẹn (integrity) của chủ nghĩa xã hội, sự bào mòn văn hoá Trung Quốc bởi những ả nh hưởng tiêu cực ngoại lai, và làm thiệt hại chủ quyền và quyền tự quyết của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới. Họ tin rằng nếu không bao giờ mở cửa với thế giới thì Trung Quốc sẽ không mất đi những yếu tố này. Theo họ, cải cách trong nước chắc chắn sẽ dẫn đến sự phục hồi chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc, và “diễn biến hoà bình” ̶ chính sách theo đó phương Tây nổ lực biến đổi Trung Quốc một cách hoà bình để làm suy yếu sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đang trở thành mối đe doạ chính trong nước. Về mặt này, các cuộc “cách mạng màu” ở Ukraine và Trung Á đã gây ra mối quan ngại sâu sắc đối với những người theo chủ nghĩa bản địa. Vì vậy, họ ủng hộ cho ưu tiên chính của chính sách phải là để chống diễn biến hoà bình và đóng cửa Trung Quốc lại.
Các ví dụ sớm về dòng tư tưởng này xuất hiện trong những năm 1990 với trường phái “Trung Quốc có thể nói không” (Trung Quốc khả dĩ thuyết bất). Biểu hiện gần đây hơn là sự bùng phát trong các cuốn sách phổ biến có thể được mô tả như là “văn học bất mãn”: Trung Quốc không sung sướng (Trung Quốc bất cao hưng), Ở Trung Quốc ai không sung sướng? (Thuỳ tại Trung Quốc bất cao hưng) và Tại sao Trung Quốc không sung sướng? (Trung Quốc vi thập yêu bất cao hưng)[7]. Nhóm sau này bao gồm một số tác giả đã đóng góp cho quyển Trung Quốc có thể nói không.
Đối với những vấn đề quốc tế, những người theo chủ nghĩa bản địa tin rằng hệ thống quốc tế là bất công và có lợi hơn cho các nước giàu đế quốc chủ nghĩa. Vì vậy, họ cho rằng các nước đang phát triển không thể xoá nghèo chỉ bằng lao động cực nhọc – cần một sự thay đổi cơ bản trong trật tự thế giới để bắt buộc phải có một sự tái phân bố thu nhập và các nguồn lực từ Bắc tới Nam. Về vấn đề này, họ có cùng quan điểm với trường phái “phương Nam toàn cầu'' (xem dưới đây). Là những người Mácxít – Lêninnít lão luyện, những người theo chủ nghĩa bản địa cũng lập luận rằng “toàn cầu hoá” thực tế là một quá trình quốc tế hoá tư bản, tương tự như mô tả của Lênin về chủ nghĩa đế quốc.[8]
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010 đã củng cố thêm dòng tư tưởng này, với nhiều người cho rằng “chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước” (“state-monopoly capitalism” ̶ quốc gia lũng đoạn tư bản chủ nghĩa) đã cuối cùng đưa kinh tế thế giới đến bờ vực của thảm hoạ, y như tiên đoán của Lênin năm 1917. Phương Ninh (Fang Ning), Giám đốc Học viện Khoa học Chính trị CASS, cho rằng khởi điểm của hiện tượng này thực ra là từ chiến tranh Iraq năm 2003, đánh dấu sự xuất hiện một kỷ nguyên của “chủ nghĩa đế quốc mới”. Đối với Phương Ninh và những người khác, cuộc chiến này cho thấy kỷ nguyên “ hoà bình và phát triển” mà Đặng Tiểu Bình khởi xướng đã kết thúc. [9] Chính sách đối ngoại của chính quyền George W. Bush đã dẫn đến sự hồi sinh các nghiên cứu về quan hệ quốc tế trên tinh thần chủ nghĩa Marx – hay chính xác hơn là chủ nghĩa tân Lênin – và một số bài báo và sách về “chủ nghĩa đế quốc mới.”[10] Mặc dù chúng nhai lại phần lớn các phân tích từ những năm 1980[11], những nghiên cứu mới này đi xa hơn trong việc mổ xẻ cả sự phát triển mới trong “chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước” lẫn trật tự quốc tế. Các tác giả này cũng cáo buộc chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ là quá đỗi mềm yếu, và cho rằng “quan hệ đối tác chiến lược Trung-Mỹ” là một ảo tưởng. Những người theo chủ nghĩa bản địa bao gồm các thành phần cực siêu (hyper) dân tộc chủ nghĩa và những phần tử chống Mỹ dữ dội (mặc dù không đến mức thoá mạ như thấy trên Internet Trung Quốc).
2. Chủ nghĩa hiện thực với đặc trưng Trung Quốc
Những người theo “hiện thực chủ nghĩa” ở Trung Quốc là nhóm có ưu thế trong tranh luận về các quan hệ quốc tế và vai trò toàn cầu hiện nay (nếu không là vĩnh viễn) của Trung Quốc. Cội rễ của chủ nghĩa hiện thực là đã có sâu trong thế giới quan của giới trí thức Trung Quốc trong nhiều thế kỷ,[12] ngay cả trong thời xã hội chủ nghĩa của quốc gia này. Những người Trung Quốc theo chủ nghĩa hiện thực lấy nhà nước-quốc gia làm đơn vị phân tích cốt lõi, xem chủ quyền quốc gia là tối thượng, và bác bỏ những lập luận cho rằng các vấn đề “liên quốc gia” (transnational) là xuyên qua biên giới. Giống như những người theo chủ nghĩa hiện thực ở những nơi khác, họ có xu hướng xem môi trường quốc tế là vô chủ và không thể đoán trước được, do đó cho rằng quan trọng hơn cả là xây dựng một nhà nước hùng mạnh để có thể vạch một hành trình theo cách riêng của mình trên thế giới và cưỡng lại những sức ép bên ngoài.
Những người theo chủ nghĩa hiện thực ở Trung Quốc có thể được chia thành các phe “công” và “thủ”, cũng như “cứng” và “mềm”. Mỗi phe đều tin rằng nhà nước phải bồi đắp sức mạnh riêng của mình, cái phân biệt giữa phe này và phe khác là về mục đích mà nhà nước sử dụng sức mạnh ấy. Những người chủ nghĩa hiện thực “quyền lực cứng” lập luận rằng đó là để tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia (tổng hợp quốc lực) - đặc biệt là về quân sự và kinh tế ̶ trong khi chủ nghĩa hiện thực “quyền lực mềm” thì nhấn mạnh ngoại giao và sức mạnh văn hoá. Những người theo chủ nghĩa hiện thực “công” thì cho rằng Trung Quốc nên sử dụng ảnh hưởng quân sự, kinh tế và ngoại giao mà Trung Quốc vừa tạo lập cốt là để ép buộc các nước khác hướng về những mục tiêu mà Trung Quốc mong muốn. Họ tin rằng quyền lực sẽ không đáng giá bao nhiêu nếu không được sử dụng. Trong cách suy nghĩ của họ, Trung Quốc nên, chẳng hạn, dùng đòn bẩy công trái phiếu của chính phủ Mỹ (mà Trung Quốc có trong tay) để buộc Washington ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, hoặc trừng phạt những công ty lớn của Mỹ bán vũ khí cho Đài Bắc. Họ muốn Trung Quốc thiết lập một sự hiện diện quân sự (đặc biệt là hải quân) rộng hơn nhiều ở Tây Thái Bình Dương nhằm buộc Mỹ chấm dứt các hoạt động gần bờ biển của Trung Quốc. Những người chủ nghĩa hiện thực “thủ” đồng ý rằng Trung Quốc nên có quân đội hùng cường, nhưng họ cho rằng nên giữ “thuốc súng khô” và sử dụng nó chủ yếu để ngăn chặn sự xâm lược và độc lập của Đài Loan.
Thảo luận với những người chủ nghĩa hiện thực cho thấy một sự thất vọng nào đó: họ muốn Trung Quốc sử dụng sức mạnh mới phát của quốc gia này, nhưng cảm thấy bị kềm hãm trong việc ấy. Một người đã nói: “Khi tư thế của Trung Quốc ở nước ngoài tăng lên, đầu tư và lợi ích của chúng ta ở nước ngoài sẽ tăng theo. Chúng ta cần suy nghĩ làm sao để bảo vệ công dân, đầu tư và lợi ích của chúng ta. Một cách là hành xử như một nước đế quốc với các chính sách pháo hạm ̶ nhưng với lịch sử đã qua của chúng ta, điều này là không khả thi.”[13]
Cũng có một yếu tố “trả thù” nào đó trong suy nghĩ của họ. Rất nhiều người chủ nghĩa hiện thực ôm giữ một cảm giác sâu sắc về sự bị đối đãi bất công trong thời gian bạc nhược lâu dài của Trung Quốc. Họ tin rằng bây giờ Trung Quốc là hùng cường thì quốc gia này phải trả đũa những nước đã sai trái với Trung Quốc trong quá khứ. Trần Đinh Lập, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải và là một chuyên gia an ninh hàng đầu, giải thích rằng “trong 10-20 năm, Trung Quốc sẽ là một nước xuất khẩu lớn về công nghệ cao – Trung Quốc có thể áp đặt những hạn chế có tính trừng phạt lên những nước trước đây áp đặt các hạn chế ấy lên chúng ta!”.[14] Trong một dịp khác, ông Lập khẳng định rằng “Trung Quốc là một cường quốc lớn, chúng ta có thể xử lý một đối một với bất cứ quốc gia nào khác. Không ai có thể cố lãnh đạo chúng ta, không ai được quyền bảo chúng ta phải làm gì.”[15]
Ta có thể thấy những người theo chủ nghĩa hiện thực khắp trong quân đội và trong một số trường đại học và các nhóm chuyên gia. Hiện đang lan tràn các tạp chí và sách của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) với ngôn từ của chủ nghĩa hiện thực cứng. Một số học giả dân sự, chẳng hạn như Diêm Học Thông của Đại học Thanh Hoa và Chương Nhuy Trang của Đại học Nam Khai (cả hai đều là nghiên cứu sinh tiến sĩ của nhà chủ nghĩa hiện thực hàng đầu Mỹ là Kenneth Waltz ở Đại học California, Berkeley), tự xưng là những người kiên định theo chủ nghĩa hiện thực. Ông Thông giữ một lập trường diều hâu trên nhiều vấn đề. Đối với ông, “trỗi dậy hoà bình” là một chủ thuyết nguy hiểm bởi vì nó đưa cho các đối thủ tiềm năng (trong đó có Đài Loan) thông điệp rằng Trung Quốc sẽ không hành động một cách quyết liệt để bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích của Trung Quốc. Trong quá khứ, ông Thông đã lập luận rằng Trung Quốc cần dựa vào sự sử dụng vũ lực khi cần thiết, và không do dự, để phản ứng lại động thái Đài Loan về hướng độc lập trên luật pháp.[16] Quyển Trung Quốc trỗi dậy của ông Thông năm 1997 là một tuyên ngôn để xây dựng và sử dụng quyền lực cứng và toàn diện của Trung Quốc.[17]
Đối với Chương Nhuy Trang, quan điểm “phát triển hoà bình”, cùng với “thế giới đa cực” và các chủ đề “quan hệ đối tác chiến lược Mỹ -Trung Quốc”, là tiêu biểu của những ý tưởng sai lầm, đánh giá không đúng tình hình quốc tế và có thể đưa đến những lỗi lầm về chính sách cho Trung Quốc. Ông Trang biện minh cho một chính sách quyết đoán hơn nhiều đối với Mỹ, nói rằng “Mỹ đã làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc trong một thời gian dài. Trung Quốc nên không thoả mãn, không phải là thoả mãn, với tình trạng hiện nay của quan hệ Mỹ -Trung. Đó không phải là một mối quan hệ trong điều kiện tốt. Nếu Trung Quốc không phản đối Mỹ, Mỹ sẽ không tôn trọng lợi ích của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ trở thành con rối của Mỹ.”[18] Ông Thông cũng cho rằng đa cực là một quan điểm quá lạc quan về trật tự sau Chiến tranh Lạnh, đánh giá thấp những thách thức khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt từ bá quyền Mỹ, và làm suy yếu sự cảnh giác của Trung Quốc.[19]
Về các phương diện này, những người theo chủ nghĩa hiện thực là những kẻ bi quan về môi trường bên ngoài Trung Quốc, quan hệ với Đài Loan, và Mỹ. Trên hết, họ có một định nghĩa hẹp và tự quy chiếu đến lợi ích quốc gia Trung Quốc, bác bỏ các khái niệm và các chính sách toàn cầu hoá, những thử thách xuyên quốc gia, và quản trị thế giới. Những người ủng hộ chủ nghĩa hiện thực của Trung Quốc có xu hướng lập luận (như người theo chủ nghĩa bản địa) rằng nỗ lực của phương Tây để lôi kéo Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào quản lý và quản trị thế giới là một cái bẫy nguy hiểm nhằm trói Trung Quốc lại, tận dụng tài nguyên của Trung Quốc đến mức cạn kiệt, và làm chậm sự phát triển của nước này. Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện thực không phải là một trường phái theo chủ nghĩa cô lập ̶ nó chỉ đơn giản lập luận cho một định nghĩa cứng rắn về lợi ích quốc gia của chỉ Trung Quốc và việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của nước này.
3. Trường phái “Các Cường Quốc Chính”
Một nhóm có thể được nhận diện như là trường phái “các cường quốc chính.” Những thành viên của nhóm này có xu hướng cho rằng Trung Quốc cần tập trung ngoại giao của mình trong việc điều tiết các mối quan hệ của Trung Quốc với các cường quốc lớn trên thế giới và các khối – Mỹ, Nga, có thể là Liên minh châu Âu – trong khi chú ý tương đối ít hơn đến các nước đang phát triển hoặc chủ nghĩa đa phương: “Đại quốc thị thủ yếu” (các cường quốc có tầm quan trọng hàng đầu) là khẩu hiệu của họ. Không ngạc nhiên, các học giả thuộc trường phái này là chuyên gia về Mỹ, Nga, và Liên minh châu Âu. Điều thú vị là những nhà phân tích này không xem Ấn Độ, Nhật Bản, hoặc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là “cường quốc”, mặc dù họ chắc chắn xem Trung Quốc là một cường quốc.
Trường phái này lập luận rằng không có quan hệ mật thiết và ổn định với các cường quốc thì sẽ bất lợi cho một loạt các lợi ích của Trung Quốc và sẽ làm phức tạp thêm các mối quan hệ khác của Trung Quốc trong khu vực. Cuộc vận động hiện đại hoá của Trung Quốc rõ ràng là một trong những lý do cho định hướng của trường phái này – các cường quốc phương Tây (Mỹ và Liên minh châu Âu) là nguồn chính của các công nghệ tiên tiến cũng như vốn và đầu tư. Nga là một trường hợp riêng biệt, nhưng quốc gia này được xem như một nhà cung cấp lớn về các nguồn năng lượng và thiết bị quân sự, một nơi để đầu tư, và quan yếu đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc. Các nhà phân tích trong nhóm này thường xác định quan hệ Trung-Mỹ là “chìa khoá của chìa khoá”, do đó lập luận rằng việc duy trì mối quan hệ hài hoà với Washington nên là ưu tiên hàng đầu trong ngoại giao Trung Quốc. Hầu hết các thành viên của trường phái này thuộc cộng đồng Hoa Kỳ học của Trung Quốc, những cá nhân, chẳng hạn như Vương Tập Tư (Đại học Bắc Kinh), Kim Xán Vinh (Đại học Nhân dân), Ngô Tâm Bá (Đại học Phục Đán), và Thôi Lý Như (Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc). Nhóm này đã chiếm ưu thế trong nhiệm kỳ chủ tịch Trung Quốc của Giang Trạch Dân, trong thời gian này ông Giang đã theo thực hành một chính sách “Mỹ - trước hết”; tuy nhiên ảnh hưởng của nhóm này yếu đi trong thời Hồ Cẩm Đào, người theo một chính sách đối ngoại đa dạng hơn.
Tuy nhiên vài người trong trường phái này tin rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc nên chú ý nhiều đến Nga. Phan Duy của Đại học Bắc Kinh nhìn thấy Mỹ như là một ngõ cụt đối với Trung Quốc và nói rằng tìm kiếm một quan hệ đối tác chiến lược Trung-Mỹ là mơ tưởng, bất lợi nhiều hơn có lợi.[20] Phan Duy và các nhà tư tưởng có cùng suy nghĩ cho rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc phải được điều chỉnh và hướng tới một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow. Những người chỉ trích này đòi hỏi một chính sách cứng rắn hơn đối với Mỹ (do đó chia sẻ quan điểm với các người theo chủ nghĩa bản địa và chủ nghĩa hiện thực). Như chủ nghĩa bản địa và chủ nghĩa hiện thực, họ cũng hoài nghi các dòng tư tưởng do Đặng Tiểu Bình khởi xướng và đã được áp dụng trong 30 năm qua, tức là đặt trọng tâm vào mở cửa với các cường quốc phát triển ở phương Tây.[21]
Cho đến vài năm trước đây, một nhóm của trường phái này còn cho rằng Trung Quốc nên coi trọng Liên minh châu Âu (EU) trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, bởi vì EU là một trụ cột quan trọng trong một thế giới đa cực, nhưng tiếng nói của nhóm này đã biến mất từ năm 2008 với sự vô tổ chức ở Brussels và sự bất lực trong chính sách đối ngoại và an ninh của EU. Các nhà phân tích Trung Quốc đã bị thất vọng và trở nên vỡ mộng và gạt bỏ EU, sau khi đã hi vọng trong một thời gian dài rằng EU sẽ trở thành một “cường quốc mới nổi lên” (tân hưng đại quốc) trong các vấn đề thế giới.
Mặc dù các học giả và các nhà bình luận còn tranh luận về sự khôn ngoan của “định hướng cường quốc chính”, họ chỉ ra rằng phần lớn các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, và các nhà hoạch định chính sách, là thực dụng về nhu cầu và lợi ích quốc gia của Trung Quốc và do đó vẫn còn chấp nhận một định hướng cường quốc chính. Logic của họ là sẽ là quá tốn kém để Trung Quốc có quan hệ căng thẳng với bất kỳ cường quốc nào trong ba cường quốc nói trên. Tuy nhiên, rõ ràng là đã có một sự “tái định hướng” tách khỏi cách tập trung “độc chiếm”' vào Mỹ (như đã được thực hành trong thời Giang Trạch Dân) hướng tới một chính sách cân bằng hơn và toàn cầu hơn thời Hồ Cẩm Đào.
4. Châu Á trước hết
Có một nhóm nằm giữa “phổ trường phái” biện hộ cho sự tập trung ngoại giao của Trung Quốc nhắm vào vùng ngoại vi kế cận của nước này và các láng giềng châu Á. Trường phái “châu Á trước hết” tin rằng nếu vùng xung quanh Trung Quốc không ổn định thì đó sẽ là một trở ngại chính cho sự phát triển của đất nước họ và an ninh quốc gia. Do đó ưu tiên nên được đặt vào việc xây dựng các quan hệ và một môi trường ổn định khắp xung quanh ngoại vi của Trung Quốc. Như một học giả nói, “Mỗi cường quốc phải bảo vệ sân sau của chính mình.”[22] Trong bối cảnh này, các học giả Trung Quốc thảo luận các xu hướng khu vực (regional trends) khác nhau, gồm cả kiến trúc đa phương đang biến đổi trong khu vực, vai trò của Mỹ, vai trò của Ấn Độ, vấn đề Bắc Triều Tiên, vai trò của ASEAN, các vấn đề an ninh phi truyền thống và các chủ đề châu Á khác. Những thảo luận này diễn ra mà không có sự chia tách đáng kể và phân dòng tranh luận. Không ngạc nhiên, trường phái này gồm phần lớn là các chuyên gia châu Á (và không phải những người nghiên cứu về các phần khác của thế giới hay quan hệ quốc tế).
Trường phái “Châu Á trước hết” lúc đầu có tác động đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc vào cuối những năm 1990. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và “Cuộc tranh luận về hoà bình và phát triển” năm 1999 (với kết luận rằng Trung Quốc đã quá thụ động đối với vùng ngoại vi của họ), Trung Quốc bắt đầu coi trọng ngoại giao với các nước xung quanh (chu biên ngoại giao) rất nhiều hơn nữa.[23] Bắc Kinh bắt đầu một thời kỳ chủ động lâu dài của ngoại giao và hợp tác khu vực với khẩu hiệu “xây dựng láng giềng tốt, làm cho các nước láng giềng thịnh vượng, và làm cho họ cảm thấy an toàn'' (mục lân, phúc lân, an lân). Chiến lược “châu Á trước hết” đạt được nhiều kết quả trong hơn một thập kỷ sau năm 1997, khi Trung Quốc tìm cách để cải thiện vượt bậc và ổn định các mối quan hệ khắp xung quanh ngoại vi của họ. Tuy nhiên, từ năm 2009, nhiều căng thẳng khác nhau đã xuất hiện giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực khi Bắc Kinh chuyển sang một giọng điệu và tư thế quyết đoán hơn, đôi khi hiếu chiến và hách dịch. Va chạm tăng lên với ASEAN về biển Đông và về việc xây dựng thể chế khu vực đa phương, căng thẳng gắt hơn với Ấn Độ trong tranh chấp lãnh thổ và chính trị, cãi cọ với Nhật tháng 9 năm 2010 về vụ thuyền đánh cá xâm nhập vào vùng biển tranh chấp, và làm xấu hơn quan hệ Trung-Hàn sau sự cố Cheonan, tất cả đã làm căng thẳng quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng. Những căng thẳng mới xảy ra này đã làm tổn hại đáng kể hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực và đã làm mất đi khá nhiều những quan hệ tích cực đã được xây dựng trong thập kỷ trước đó.
Những người thúc đẩy “chủ nghĩa khu vực đa phương” và xây dựng cộng đồng Đông Á, như một việc khác với một chiến lược nhắm nhiều hơn vào (cá thể từng) quốc gia, là một phân nhóm quan trọng của trường phái “Châu Á trước hết”. Những cá nhân này là những người theo “chủ thuyết tạo dựng (constructivism) với đặc trưng Trung Quốc” lấy cảm hứng (về mặt tri thức) từ “chủ thuyết tạo dựng về quan hệ quốc tế” ở nước ngoài. Họ chú trọng cách hành xử quy chuẩn, thay vì luật pháp quốc tế, và thúc đẩy việc thể chế hoá cách hành xử hợp tác và tập thể. Giáo sư Tần Á Thanh của Đại học Ngoại giao Trung Quốc và Trương Uẩn Lĩnh của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) là tiên phong trong phong trào này, và đã từng góp phần đáng kể vào việc xây dựng chủ thuyết thể chế hoá khu vực ở châu Á, và gia tăng sự tham gia của Trung Quốc trong các tổ chức như thế.
Những người chú trọng mối quan hệ của Trung Quốc trong khu vực châu Á không phải hoàn toàn không để ý đến các quan hệ với các vùng hoặc quốc gia khác; đối với họ đó là vấn đề về cân bằng. Họ lập luận để ủng hộ việc không xem thường châu Á so với các cường quốc hay các quan hệ của Trung Quốc với thế giới đang phát triển.
5. Trường phái Phương Nam toàn cầu
Trường phái “Phương Nam toàn cầu” (Global South) tin rằng nhân thân quốc tế và trách nhiệm chính của Trung Quốc là nằm trong thế giới của các nước đang phát triển. Quan điểm của nhóm này có nhiều liên hệ với việc, từ lâu, Trung Quốc tự coi mình là một quốc gia đang phát triển (phát triển trung quốc gia). Các thành viên của trường phái này lập luận rằng Trung Quốc nên đặt ưu tiên cho những nước đang phát triển nào mà lâu năm đã là đối tác và khách hàng của Trung Quốc; tối thiểu, những tác giả này lập luận, Trung Quốc nên có một chính sách đối ngoại cân bằng hơn, để ý đến những nước này, và ủng hộ lợi ích của những nước ấy. Chủ thuyết này đuợc bộc lộ qua việc Trung Quốc hỗ trợ mạnh mẽ các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC), việc cải tổ của các tổ chức tài chính quốc tế, các lợi ích của các nước đang phát triển trong G-20, đưa ra các chương trình “viện trợ không ràng buộc” và giảm nợ, và đặt gánh nặng về sự biến đổi khí hậu lên các nước phát triển.
Trong cộng đồng (nghiên cứu về) các quan hệ quốc tế ở Trung Quốc, luôn có một sự căng thẳng giữa những người mà công việc nghiên cứu tập trung vào các nước phát triển phương Bắc và những người nghiên cứu các nước phương Nam. Từ những năm 1990, nhóm các nhà phân tích Trung Quốc về phương Nam ngày càng nhận thấy sự khác biệt và phân hoá xảy ra trong thế giới đang phát triển. Họ nhận ra rằng các nước đang phát triển có thể được phân ra làm nhiều loại khác nhau, và thường rất khó gom những nước này lại với nhau một cách đơn giản. Các nước đang phát triển có thể duy trì quan hệ tốt, bình thường, hoặc (trong một số trường hợp) thù địch với Trung Quốc. Mặc dù hợp tác giữa Trung Quốc và các nước này nói chung là tốt, nhiều va chạm mới cũng đang lộ ra.
Về mặt kinh tế, các nhà phân tích của trường phái này cho rằng các nước đang phát triển đã tách ra làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất là các nền kinh tế “công nghiệp hoá mới”, như Brazil, Chile, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm thứ hai là các nước đang phát triển có thu nhập trung bình như Mexico hoặc Thái Lan, với GDP bình quân đầu người xê xích giữa $800 và $7.000. Nhóm thứ ba là các nước kém phát triển (thường ở vùng cận Sahara châu Phi và Nam Á). Vì sự khác biệt giữa các nước là khá đáng kể, các nhà phân tích này cho rằng Trung Quốc cần thiết lập nhiều chính sách nhắm riêng đến ít nhất là ba nhóm nước đang phát triển khác nhau này, thay vì một tiếp cận chung chung.[24] Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ trường phái tư tưởng này, Trung Quốc nên tiếp tục xem mình như là một nước đang phát triển, và vì thế bắt buộc phải hợp tác với các nước đang phát triển vì sự phát triển chung và những lập trường quốc tế chung, ngay cả sau khi Trung Quốc đã lên được vị thế một cường quốc toàn cầu.[25]
Theo quan điểm này, Trung Quốc cần tiếp tục cách nhìn tự thân và sự đoàn kết Nam-Nam, vì đuờng lối ấy sẽ đem lại sự ủng hộ ngoại giao không thể thiếu để Trung Quốc kháng cự phương Tây về các vấn đề như Tây Tạng, Đài Loan, nhân quyền, thay đổi khí hậu, vv. Không ngạc nhiên, trường phái này là một cổ động viên trung kiên cho nhóm Brazil-Nga-Ấn Độ-Trung Quốc (BRIC: Brazil Russia India China) , và cũng ủng hộ mạnh mẽ G-20 như một công cụ để phân phối lại quyền lực và nguồn lực từ Bắc qua Nam. Theo những cách này, Trung Quốc là một cường quốc xét lại, không là cường quốc hiện trạng.
6. Chủ thuyết “đa phương chọn lọc”
Đi về phía bên phải của “phổ trường phái” (xem hình), trường phái “đa phương chọn lọc” (selective multilateralism) tin rằng Trung Quốc nên mở rộng dần dần sự tham gia toàn cầu của quốc gia này, nhưng có chọn lọc, và chỉ trong những vấn đề liên hệ trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc. Trường phái này có nhiều biến thể và nhiều phe nhỏ. Một phe thì lý luận rằng Trung Quốc chỉ nên tham gia vào các hoạt động được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm, một phe khác thì cho rằng Trung Quốc chỉ nên tham gia vào khu cực xung quanh lãnh thổ của mình và không ra quá xa, một phe khác nữa thì tin rằng Trung Quốc không nên tự hạn chế việc tham gia vào các hoạt động đa quốc gia (khác với đa phương) cùng với các cường quốc lớn khác.
Nội bộ trường phái này cũng có nhiều tranh luận rất sôi nổi về vấn đề cai quản thế giới. Nhiều người đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có nghĩa vụ và khả năng đóng góp không. Nhiều người chỉ đơn giản cho rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng và không có khả năng tham gia toàn diện vào việc quản trị thế giới. Một chuyên gia hàng đầu thẳng thừng khẳng định: “Trung Quốc thậm chí chưa thể quản lý chính mình thì làm sao có thể quản lý thế giới?”[26] Nhiều người rất nghi ngờ việc hoạt động quá nhiều ở nước ngoài. Hầu hết các nhà phân tích Trung Quốc tin (và có sự đồng thuận của tất cả các trường phái về điều này) rằng toàn bộ khái niệm “cai quản thế giới” là cái bẫy mà phương Tây giăng ra để làm suy yếu chủ quyền của Trung Quốc và dụ dỗ nước này vào một loạt các vướng bận ở nước ngoài không ăn nhằm gì đến Trung Quốc.[27] Có một nhận định rộng rãi rằng Mỹ và EU kêu gọi Trung Quốc là “cường quốc có trách nhiệm” (phụ trách nhiệm đích đại quốc) hoặc “cổ đông quốc tế có trách nhiệm” chỉ là mưu mẹo mới nhất để ghìm lại và làm suy yếu quyền lực của Trung Quốc. Như một quan chức đã nói: “Trong những năm 1980, các bạn [Mỹ] đã cố phá hoại chúng tôi về chính trị, trong những năm 1990, các bạn đã cố kềm chế chúng tôi về chiến lược, trong thập kỷ này, các bạn đang cố đẩy chúng tôi làm quá sức của mình về mặt quốc tế.”[28] Một học giả khác nhận định “quản trị thế giới là một khái niệm phương Tây. Phương Tây nhấn mạnh ‘quản trị’, trong khi Trung Quốc đặt nặng chiều kích ‘toàn cầu’. Chúng tôi quan tâm nhiều đến sự bình đẳng trong tham gia hơn là đến quản trị.” Đây là điều mà Trung Quốc muốn nói qua cụm từ “dân chủ quốc tế.” Không những nhiều người xem quản trị thế giới như một cái bẫy cho Trung Quốc, họ còn đặt câu hỏi về khái niệm “cường quốc có trách nhiệm”. Một nhà phân tích la to: “Trách nhiệm với ai? Theo chuẩn mực của ai? Của Mỹ? Không đời nào!”[29]
Dù nghi ngờ, những người phái “đa phương chọn lọc” tin rằng Trung Quốc cần làm nhiều hơn để đóng góp vào việc quản trị thế giới, tương xứng với vị thế và quyền lực mới phát của quốc gia này, nhưng làm điều đó một cách có chọn lựa. Nhánh “đa phương chọn lọc” này cho rằng Trung Quốc cần tiếp tục tuân thủ các chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình năm 1989 để “duy trì dáng vẻ thấp, che giấu cái rực rỡ, không cần dẫn đầu, nhưng làm một số điều gì đó” (thao quang dưỡng hối, bất đương đầu, hữu sở tác vi). Châm ngôn của Đặng Tiểu Bình đã thu hút nhiều sự chú ý ở phương Tây như là một kế hoạch phác thảo để che giấu sự phát triển sức mạnh của Trung Quốc. Hơn 20 năm sau đó, quy tắc của Đặng Tiểu Bình vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi căng thẳng giữa các chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Trung Quốc, khi các học giả và các quan chức đấu vật nhau về câu hỏi: Chính xác, Trung Quốc nên hoạt động đến mức độ nào trên sân khấu thế giới. Một học giả nói, “Ở cấp độ chiến lược, tất cả mọi người đều đồng ý là chúng ta nên tiếp tục tuân theo quan niệm thao quang dưỡng hối của Đặng Tiểu Bình, nhưng về mặt chiến thuật có nhiều quan điểm khác nhau. Một số người nghĩ rằng Trung Quốc là chỉ biết phản ứng, trong khi những người khác nghĩ rằng Trung Quốc nên chủ động hơn.”[30] Một số học giả khác đã thách thức tính thích ứng hiện nay của các quan điểm của Đặng Tiểu Bình, và cho rằng các quan điểm của họ Đặng đã lỗi thời và không phù hợp với vị thế quốc tế mới có của Trung Quốc. Họ lập luận rằng Trung Quốc nên “làm nhiều điều hơn” (đa sự tác vi), trong khi một số học giả khác lại cho rằng Trung Quốc nên “không làm gì cả” (vô sự tác vi). Chẳng hạn, đầu những năm 2000 Hiệp Tự Thành của Đại học Bắc Kinh lập luận rằng quan niệm thao quang dưỡng hối là quá mơ hồ để có thể dùng như một chiến lược toàn diện, hoặc một chiến lược lớn, cho Trung Quốc; đối với nhiều người nước ngoài quan niệm này ám chỉ một ý đồ nham hiểm. Theo học giả này, một kế hoạch tốt hơn cho Trung Quốc là cải thiện tính minh bạch của quốc gia này chứ không phải che giấu khả năng của Trung Quốc. Những người khác phản biện, cho rằng sự mơ hồ mới đích xác là chiến lược khôn ngoan nhất cho Trung Quốc ở giai đoạn phát triển hiện nay. Tuy nhiên, sự đồng thuận chủ đạo vẫn cho rằng cụm từ này vẫn là một nguyên tắc chỉ đạo chiến lược thích hợp cho ngoại giao Trung Quốc.
Tại cuộc họp thường niên năm 2010 của Hội Quan hệ Quốc tế Trung Quốc tại Lan Châu, các đại biểu thảo luận sôi nổi xung quanh vấn đề liệu mô thức này có tiếp tục hiệu quả không, và kết luận rằng nó vẫn còn là một hướng dẫn tốt cho ngoại giao Trung Quốc. Theo kết quả của kết luận vĩ mô này, các đại biểu đưa ra chín khuyến nghị chính sách chủ yếu khác: không đối đầu với Hoa Kỳ, không thách thức hệ thống quốc tế nói chung, không dùng hệ tư tưởng để chỉ đạo chính sách đối ngoại, không là kẻ đứng đầu của “phe chống phương Tây”; không tranh chấp với phần lớn các nước, ngay cả khi Trung Quốc đúng; học cách thoả hiệp và nhượng bộ, và học cách chơi trò lợi ích hỗ tương; không nhượng bộ những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc liên quan tới thống nhất đất nước; cung cấp “hàng công cộng” (public goods) trong các khu vực cần thiết của vấn đề quốc tế; và thay đổi hình ảnh quốc tế của Trung Quốc bằng cách tận dụng các sự kiện quan trọng trên thế giới.[31]
Một chiến lược như vậy phù hợp với chính sách ngoại giao cốt lõi của Trung Quốc trong suốt thời gian sau năm 1978. Như Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR: Chinese Institute of Contemporary International Relations) Thôi Lý Như giải thích: “Trong khoảng 30 năm qua, ngoại giao của Trung Quốc có tính phòng thủ và thụ động trong hầu hết mọi lĩnh vực ̶ chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã được thực hiện các thoả hiệp, tránh đối đầu, tìm kiếm những điểm tương đồng chung, và dè chừng các khác biệt. Nhưng một quốc gia yếu ớt thì không có chính sách đối ngoại, vì vậy chúng ta tìm cách xây dựng đất nước của chúng ta thế nào để củng cố ngoại giao của chúng ta.”[32]
Liên quan đến quản trị thế giới, các học giả Trung Quốc cũng sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa đa phương (đa biên chủ nghĩa), nhưng với một quan niệm rất khác với quan niệm thường được sử dụng ở phương Tây. Như ghi nhận của một học giả: “Đối với Trung Quốc, chủ nghĩa đa phương là một công cụ và chiến thuật, không là một cơ chế liên chính phủ hoặc sự xếp đặt có tính tổ chức. Trung Quốc cũng lo ngại rằng chủ nghĩa đa phương là một công cụ để các nước khác kềm chế Trung Quốc. Từ những năm 1990, Trung Quốc đã sử dụng chủ nghĩa đa phương để giải quyết những vấn đề song phương ̶ về mặt này các cuộc họp đa phương là một sàn diễn (vũ đài) hữu ích để thương lượng song phương. Nhưng chúng tôi vẫn không thoải mái với chủ nghĩa đa phương, và thích chủ nghĩa song phương và đa cực hơn.”[33]
Quan điểm chính thức về quản trị thế giới theo Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì là:
Một Trung Quốc phát triển hơn sẽ thực hiện nhiều trách nhiệm quốc tế hơn và sẽ không bao giờ theo đuổi những lợi ích làm thiệt hại nước khác. Chúng tôi biết rõ rằng trong thế giới tùy thuộc lẫn nhau này, tương lai của Trung Quốc liên quan chặt chẽ với thế giới. Lợi ích riêng của chúng tôi và lợi ích của những nước khác sẽ được phục vụ cách tốt nhất khi chúng ta làm việc cùng nhau để mở rộng lợi ích chung, chia sẻ trách nhiệm, và tìm kiếm những kết quả mà các bên đều thắng (win-win). Chính vì vậy trong khi tập trung vào sự phát triển của chính mình, Trung Quốc đang đảm trách ngày càng nhiều hơn các trách nhiệm quốc tế tương xứng với sức mạnh và vị thế của mình.[34]
Trong bối cảnh cuộc tranh luận rôm rả này về quản trị thế giới, trường phái “đa phương chọn lọc” thường tránh tăng gia việc can dự toàn cầu của Trung Quốc, nhưng nhìn nhận rằng Trung Quốc phải được thấy như là đang góp phần quản trị thế giới. Góp phần quản trị thế giới là một chiến thuật, không phải là một triết lý. Những người ủng hộ phái này không phải là những người theo thuyết Thể chế phóng khoáng (liberal institutionalists), nói đúng hơn thì họ có vẻ là một phiên bản quốc tế của những người chủ nghĩa hiện thực. Chủ nghĩa đa phương chọn lọc cảnh giác với các vướng bận ngoài nước, nhưng thừa nhận rằng Trung Quốc không nên bị xem là người đi xe không trả tiền (free riders) trong cộng đồng quốc tế. Trên thực tế, chủ nghĩa đa phương chọn lọc có xu hướng không ủng hộ chủ nghĩa đa phương nói cách ngắn gọn, theo nghĩa các thể chế quốc tế, vì những người ủng hộ chủ nghĩa đa phương chọn lọc sẽ thoải mái hơn khi làm việc trong các nhóm gồm một số ít quốc gia, họp lại chỉ để giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Lập trường này của họ phản ánh sự khó chịu nói chung của Trung Quốc đối với các tổ chức, định chế thế giới, bởi lẽ những tổ chức và định chế này có khả năng hạn chế sự độc lập và quyền tự do hành động của Trung Quốc.
Như vậy, trường phái “đa phương chọn lọc” tán thành việc Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc (Trung Quốc hiện có 2 155 nhân viên gìn giữ hoà bình điều động trong 11 trong số 19 hoạt động toàn cầu hiện nay của LHQ), góp phần cứu trợ các thiên tai (sóng thần Đông Nam Á 2004, động đất Pakistan 2005, bão ở Việt Nam 2007, động đất Haiti 2010, động đất Chile 2010), chống cướp biển quốc tế ở Vịnh Aden, và tham gia ngoại giao về các vấn đề Bắc Triều Tiên và hạt nhân Iran, nhưng họ tránh can dự sâu hơn ở các khu vực nhạy cảm và nhiều rủi ro như Iraq và Afghanistan. Và họ hầu như bác bỏ toàn bộ chương trình nghị sự an ninh xuyên quốc gia phi truyền thống. Vẫn còn là một tâm lý miễn cưỡng mạnh mẽ đối với việc tham gia vào các hoạt động an ninh quốc tế vì các lý do nhân đạo.
7. Chủ nghĩa toàn cầu
Ở đầu cuối cùng của “phổ trường phái” là trường phái “toàn cầu” (Globalism). Những người theo trường phái này có xu hướng tin rằng Trung Quốc phải chen vai gánh vác trách nhiệm để giải quyết một loạt vấn đề quản trị thế giới tương xứng với tầm vóc, sức mạnh, và ảnh hưởng của Trung Quốc. Trường phái này là tương đương với các trường phái “chủ nghĩa thể chế phóng khoáng” (liberal institutionalism) ở phương Tây. Ở Trung Quốc, đây là một nhóm rất “không câu nệ” (eclectic) bao gồm các cá nhân môn đồ của “trường phái tạo dựng” (constructivism) lẫn “trường phái Anh” (English school) về quan hệ quốc tế. Về mặt triết lý, những người ủng hộ có xu hướng nghiêng về chủ nghĩa nhân đạo, ủng hộ toàn cầu hoá, ít đặt nặng vấn đề chủ quyền quốc gia, và tin rằng những thách thức xuyên quốc gia đòi hỏi quan hệ đối tác xuyên quốc gia. Họ quan tâm đến quyền lực mềm – không phải cứng ̶ và đặt niềm tin vào ngoại giao và quan hệ đối tác liên khu vực. Họ ủng hộ và tin tưởng nhiều hơn vào các thể chế đa phương hơn là những người đa phương chọn lọc.
Trường phái “toàn cầu” nghĩ rằng, với sự trỗi dậy toàn cầu của mình, Trung Quốc có phận sự đóng góp nhiều hơn nữa vào việc quản trị thế giới và hành xử như một cường quốc có trách nhiệm (phụ trách nhiệm đích đại quốc) trên trường quốc tế. Về bản chất, những người “toàn cầu” là những người theo chủ nghĩa “thể chế tùy thuộc nhau” (interdependence institunationalism), những người chấp nhận toàn cầu hoá và chủ thuyết xuyên quốc gia như là nền tảng phân tích của họ. Cũng như các đối tác phương Tây của họ, những người này nhìn nhận rằng trong thời đại toàn cầu hoá, chủ quyền có những giới hạn của nó khi các thử thách “phi truyền thống” thường xuyên vượt qua các biên giới chủ quyền và phải được đối phó theo cách thức đa phương. Do đó, phần lớn phân tích của họ tập trung vào những vấn đề như an ninh phi truyền thống chẳng hạn như an ninh con người, an ninh kinh tế, chống khủng bố, y tế công cộng, tội phạm có tổ chức, buôn lậu, tấn công trên mạng, cướp biển, v.v... Thật thú vị là có một cộng đồng đang lớn mạnh bên trong quân đội Trung Quốc cũng nghiên cứu các chủ đề này, được mô tả một cách hoa mỹ là “các hoạt động quân sự không chiến tranh.”
Những người “toàn cầu” là người mạnh mẽ ủng hộ Liên Hiệp Quốc và vai trò tích cực của Trung Quốc trong Hội đồng Bảo an. Họ cũng là những người ủng hộ mạnh mẽ sự tham gia của Trung Quốc trong các nhóm ngoại giao khu vực trên toàn thế giới. Trung Quốc tham gia một cách chính yếu vào việc khởi xuất sự hình thành của các nhóm đối thoại mới, như Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi, Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Á Rập, và Diễn đàn Đông Á-Mỹ Latin, và đã trở thành một quan sát viên hoặc thành viên chính thức của nhiều nhóm đối thoại đang có. Ở Mỹ La tinh, Trung Quốc đã tổ chức 17 vòng đối thoại với tập đoàn Rio và đã thành lập một cơ chế đối thoại với các nhóm thị trường chung Mercosur, Cộng đồng Caribbé, và Hội nghị châu Mỹ La tinh cùng với những tổ chức khác.
Những người “toàn cầu” thu hút những bạn đồng sàng khá lạ. Chẳng hạn, Diêm Học Thông nhà chủ nghĩa hiện thực nổi bật, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, tin rằng Trung Quốc cần can dự nhiều hơn nữa vào các tổ chức quốc tế và nên tung sức mạnh của mình ra xung quanh, tương xứng với tư thế toàn cầu mới của mình.
Những người “toàn cầu”cũng tỏ ra ham chuộng quyền lực mềm. Dòng tư tưởng này có xu hướng cho rằng, từ nền văn hoá và triết lý truyền thống của Trung Quốc, quốc gia này có nhiều thứ để đóng góp vào các chuẩn mực quốc tế. Môn Hồng Hoa (Men Honghua) của Trường Đảng Trung ương (và Cao đẳng Quản trị Thanh Hải), “khoa trưởng” của những nghiên cứu quyền lực mềm ở Trung Quốc, lập luận rằng bốn giá trị then chốt tư tưởng của Khổng Mạnh là đặc biệt thích hợp: hoà (hoà hợp), đức (đạo đức); lễ (lễ nghi), và nhân (nhân từ).[35]
Mặc dù những người theo chủ nghĩa toàn cầu tiếp tục có một tiếng nói trong công chúng nhưng âm hưởng của họ đã giảm đi đáng kể. Đến cuối năm 2009 và sang năm 2010, nhóm này dường như bị lu mờ cả trong Bộ Ngoại giao lẫn giới học thuật, khi sự mất lòng tin về quản trị thế giới tăng trên toàn “phổ tư tưởng” và Trung Quốc bắt đầu theo đuổi một chính sách toàn cầu có nhiều màu sắc chủ nghĩa hiện thực và quan tâm tới chính mình hơn.
Những điều rút ra cho chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc
Trên đây là phân loại các ý kiến của giới tinh hoa ở Trung Quốc ngày nay về vai trò quốc tế của nước này. Sự kiện Trung Quốc có một cuộc tranh luận đa dạng như thế cho thấy rằng nước này có nhiều nhân thân quốc tế và một nhân cách phân liệt (schizophrenic personality). Tranh luận này cũng không nói gì về hàng triệu cư dân mạng của Trung Quốc đang rất lớn giọng, chủ động, và nằm trọn trong phe chủ nghĩa bản địa trong không gian mạng. Chính phủ Trung Quốc là khá nhạy cảm với phần công luận này, vì phần lớn là dân tộc chủ nghĩa cực đoan và chỉ trích chính phủ là “yếu” hoặc “mềm” khi đối mặt với các sức ép và sự nhục mạ của nước ngoài. Các quan chức Bộ Ngoại giao nhanh nhẩu vạch ra rằng đây là một đám đông mà họ phải liên tục dò chừng, phản ứng, và cố gắng để kiểm soát. Chủ nghĩa dân tộc đại chúng này chỉ càng củng cố thêm trọng tâm của phe chủ nghĩa bản địa ̶ chủ nghĩa hiện thực trong giới tinh hoa.
Từ các trường phái này, riêng rẽ hay gộp chung, có thể rút ra nhiều bài học về chính sách. Về từng trường phái, điều quan trọng là nhận ra rằng tiếng nói của chủ nghĩa bản địa là có, và rằng những cảm tính dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng, nhưng không nên phóng đại ảnh hưởng của chúng. Chúng tạo ra “nhiều sấm nhưng ít mưa” (lôi thanh đa, vũ điểm thiểu), theo một câu tục ngữ Trung Quốc cổ đại. Mặc dù Mỹ nên nhạy cảm để không đối kháng và kích động các thành phần này trong nền chính trị Trung Quốc, thực sự thì Mỹ cũng không làm được gì nhiều để dìm sự bài ngoại này xuống, vì nó có động lực chính trong xã hội Trung Quốc.
Chủ nghĩa hiện thực có ảnh hưởng phần lớn đến ý kiến của giới ưu tú và là trọng tâm trong các cuộc tranh luận của Trung Quốc ngày nay, với những hậu quả được bàn luận dưới đây.
Trường phái các cường quốc chính yếu là con ách chủ bài cho Mỹ. Mỹ vẫn có tính sống còn đối với các lợi ích quốc gia của Trung Quốc qua một loạt vấn đề, từ tăng trưởng kinh tế đến ổn định chính trị, an ninh khu vực, Đài Loan. Trung Quốc không cần, và không tìm kiếm một mối quan hệ thù địch với Mỹ. May mắn thay, phần lớn những người ủng hộ trường phái này là quan chức chính phủ, dường như bao gồm cả chính Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.[36] Mặc dù họ có thể ngờ vực và không thích nước Mỹ, những quan chức này đủ thực dụng để nhận ra tầm quan trọng có tính trung tâm của Mỹ đối với nhiều ưu tiên trong nội bộ Trung Quốc, cũng như những ưu tiên của Trung Quốc trong khu vực và toàn cầu.
Trong khi đó, những người gắn bó với thuyết châu Á trước hết có rất nhiều việc phải làm. Các quan hệ khu vực của Trung Quốc ̶ từ Nhật Bản và Hàn Quốc cho đến ASEAN và Ấn Độ ̶ đã bị va đập trong những tháng gần đây. Đây có thể là tin tốt cho nước Mỹ, vì chính quyền Obama đã làm việc cật lực để tăng cường quan hệ của Washington xung quanh toàn vùng ngoại vi của Trung Quốc[37].
Đối với các trường phái toàn cầu phương Nam, Washington cần nhận ra trò chơi mà Bắc Kinh đang chơi rất khéo léo. Sự có mặt của Trung Quốc ở châu Phi vượt xa Mỹ, là rộng lớn hơn trên lục địa Âu Á, và đang gia tăng ở Trung Đông và Mỹ La Tinh. Washington cần nhận ra rằng có một cuộc cạnh tranh đang chớm nở với Trung Quốc về ảnh hưởng toàn cầu, và nên tăng cường sự hiện diện và ngoại giao của mình trên toàn thế giới để cạnh tranh với Bắc Kinh trong các “khu vực ở giữa” và với “những quốc gia trung cường” (không là đại cường nhưng cũng không là nhỏ bé). Ngoài ra, Washington đã lôi kéo Bắc Kinh tham gia vào một loạt các cuộc đối thoại khu vực trực tiếp qua “vòng chiến lược” (strategic track) Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung Quốc (SAED), song những cuộc đối thoại này cần phải được đào sâu thêm và tăng tần số. Chúng là diễn đàn quan trọng để cả hai bên biểu lộ các lợi ích của mỗi bên, sự công bằng, các chính sách, và các ưu tiên. Cũng sẽ là hữu ích để thiết lập một loạt các cuộc đối thoại “vòng II” chuyên sâu giữa các chuyên gia khu vực từ cả hai nước. Cuối cùng, Mỹ cần phải nhận thức các chương trình nghị sự phân phối lại và xét lại mà Bắc Kinh đang theo đuổi trong các tổ chức quốc tế như G-20 và qua việc hình thành các nhóm như BRIC.
Liên quan đến trường phái đa phương chọn lọc, Mỹ phải hiểu rằng trường phái này đang thúc đẩy cho một sự tham gia có tính tự lợi, tính chiến thuật, và tính chọn lọc trong sự quản trị thế giới. Trung Quốc không chia sẻ nhiều lắm các tiền đề về trật tự tự do toàn cầu, mặc dù nước này đã được hưởng lợi lớn từ trật tự ấy.[38] Mặc dù điều này vẫn cho phép, chẳng hạn, một sự hợp tác Trung-Mỹ, hạn chế nhưng hữu ích, trong vấn đề các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran, Washington không nên ngây thơ về động lực và sự hoài nghi tổng quát liên quan đến quản trị thế giới của Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ tự tham gia vào các vấn đề quốc tế chỉ khi nó có lợi cho Trung Quốc, hơn là vì bất kỳ cam kết triết lý rộng lớn nào (bất kể quan hệ “anh em” Nam-Nam của Trung Quốc).
Cuối cùng, dù chẳng may, Washington phải nhìn nhận rằng chủ thuyết toàn cầu đã thua trong cuộc tranh luận bên trong Trung Quốc và tiếng nói của chủ thuyết này đã đi vào im lặng từ năm 2008. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ (cũng như Liên minh châu Âu và những nước khác) nên ngưng thúc giục Trung Quốc phải chen vai gánh trách nhiệm quốc tế lớn hơn và đóng góp vào (cái mà các nhà kinh tế gọi là) “hàng công cộng”[39] toàn cầu trong khi công khai nhắc nhở cộng đồng toàn cầu mức độ ít oi mà Trung Quốc thực sự đang đóng góp (so với tầm cỡ và sức mạnh của quốc gia này). Ví dụ, có 48 quốc gia được điều động như một phần của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) tại Afghanistan, nhưng Trung Quốc không nằm trong số đó. Trung Quốc chỉ đứng thứ 14 như một nước đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc (mặc dù là thành viên đầu tiên trong số các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an). Trung Quốc có nền kinh tế quốc dân lớn thứ hai thế giới, nhưng không nằm trong 10 nước đóng góp hàng đầu cho ngân sách hàng năm của Liên Hợp Quốc. Trung Quốc chủ yếu tiếp tục “đi xe miễn phí” và chỉ đóng góp cho quản trị thế giới vừa đủ mức cần thiết để đánh lạc hướng những lời chỉ trích của phương Tây. Mặc dù có thể chỉ làm Trung Quốc nghi ngờ thêm, phương Tây vẫn nên tiếp tục thúc giục Bắc Kinh nhiều hơn, và công khai vạch trần những đóng góp nhỏ bé của Trung Quốc, nhưng cũng nên hạ thấp kỳ vọng của mình về những gì có thể trông mong từ một nhà nước chỉ tự quan tâm hạn hẹp đến chính mình.[40] Tuy nhiên, Washington chắc chắn nên mời gọi sự hợp tác “đa quốc gia có chọn lọc” của Bắc Kinh về các vấn đề có dính líu đến lợi ích của Trung Quốc.
Gộp chúng với nhau, những trường phái tư tưởng này cũng có những hàm ý cho chính sách. Cộng đồng quốc tế phải hiểu rằng nhân thân quốc tế của Trung Quốc là không cố định. Nó dễ biến chuyển, là một tiến trình còn đang tiếp diễn, và được tranh luận không ngừng. Như vậy, Mỹ và những nước khác có thể tạo ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận đang diễn ra (cũng như kết quả về chính sách) thông qua cả hành động lẫn lời nói, cả tiêu cực lẫn tích cực. Lời nói mạnh bạo và hành động cứng rắn của Mỹ có thể có một tác dụng gia tăng lên Trung Quốc, tạo ra cách hành xử hung hăng hơn, phá rối hơn, từ Bắc Kinh, vì sẽ có nhiều tiếng nói trong nước đẩy chính phủ kiên quyết chống lại Washington. Tuy nhiên, các phát biểu và khuyến khích có tính hoà huỡn hơn để Trung Quốc hành động như “một cổ đông quốc tế có trách nhiệm” và trở nên tham gia sâu rộng hơn vào việc quản trị thế giới cũng sẽ làm trầm trọng thêm sự ngờ vực của Trung Quốc và không có khả năng đem đến các kết quả như dự định. Do đó, Washington và phương Tây bị vướng vào một câu hỏi thật sự hóc búa: cứng rắn với Trung Quốc sẽ có khả năng làm Trung Quốc cứng rắn hơn trong phản ứng của họ, nhưng hoà huỡn sẽ chỉ làm tăng định hướng tự quan tâm “Trung Quốc trước hết” của những người theo chủ nghĩa hiện thực.
Tương thích Chủ nghĩa hiện thực Trung Quốc với Chủ nghĩa hiện thực Mỹ?
Như bài này đã vạch ra, hiện nay trọng tâm của “phổ tư tưởng” Trung Quốc không nằm ở giữa hoặc về phía “đa phương chọn lọc”/“toàn cầu” của phổ. Đúng hơn, nó nằm phía cuối bên trái, neo ở khối chủ nghĩa hiện thực nhưng với sức kéo mạnh mẽ từ khối chủ nghĩa bản địa và với ảnh hưởng yếu hơn từ các trường phái cường quốc lớn và phương Nam toàn cầu. Các quan chức chính phủ trong Bộ Ngoại giao, Ban Quốc tế của Trung ương Đảng và Văn phòng Ngoại giao nằm giữa (một cách thực dụng) hai truờng phái “Cường quốc Chính yếu” và “phương Nam toàn cầu”, nhưng họ phải đáp ứng tiếng nói của nhóm bản địa và chủ nghĩa hiện thực trong xã hội, quân đội, và Đảng Cộng sản.
Những gì thế giới nhìn thấy ở Trung Quốc từ năm 2009 là một quốc gia ngày càng nghiêng về chủ nghĩa hiện thực, chỉ quan tâm đến chính mình một các hạn hẹp, tìm cách tối đa hoá quyền lực toàn diện của nước họ. Sự phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ năng lượng gia tăng, chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, một sự chuyển tiếp lãnh đạo lờ mờ, và việc mất lòng tin vào chính quyền Obama theo sau quyết định của Tổng thống Obama tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng 2010 và bán 6 tỉ USD vũ khí cho Đài Loan đã đổ dầu vào xu hướng này. Cách hành xử đối ngoại ấy được phản chiếu trong cuộc tranh luận trong nước của Trung Quốc.
Tư thế chủ nghĩa hiện thực của Trung Quốc rơi ngay vào tay các phe chủ nghĩa hiện thực và bảo thủ ở Mỹ, những phe có xu hướng xem Trung Quốc như một cường quốc quân sự đang lên, một cường quốc kinh tế trọng thương, một cường quốc quyết đoán hơn trong khu vực, nhưng là một đối tác ít hợp tác toàn cầu. Ngay cả những nhà phân tích Mỹ có xu hướng xem Trung Quốc với một cách nhìn hoà dịu hơn, những người đã từng hi vọng một Trung Quốc “trưởng thành” trên sân khấu quốc tế sẽ có tinh thần hợp tác hơn, tính chất “quốc tế” (internationalist) hơn, cũng ngày càng vỡ mộng bởi cách hành xử gần đây của Bắc Kinh. Nhưng các chuyên gia về Trung Quốc không nên hoàn toàn ngạc nhiên bởi cách hành xử như thế, vì nó chỉ phản ánh quan tâm duy nhất trong sáu thập kỷ của Đảng Cộng sản, chính phủ, quân đội, và xã hội Trung Quốc là tăng cường toàn diện bản thân Trung Quốc và trở thành một siêu cường trên thế giới.
Chỉ cần nhìn thoạt qua thì điều này gợi ý ngay rằng Mỹ phải đối phó với một Trung Quốc theo chủ nghĩa hiện thực với các phương pháp của chủ nghĩa hiện thực: bằng cách điều động ra xa (nước Mỹ) một thế quân sự hùng mạnh ở Tây Thái Bình Dương, “lập hàng rào chiến lược” với các liên minh đã củng cố và quan hệ đối tác an ninh xung quanh khắp các vùng ngoại vi của Trung Quốc, sử dụng đòn bẩy của các chính sách kinh tế và thương mại cứng rắn, tận dụng sức mạnh Mỹ và các công cụ ngoại giao, và giảm bớt kỳ vọng vào sự hợp tác của Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu.
Có một logic nào đó và nhiều cám dỗ để đương đầu với Trung Quốc theo những cách nói trên. Nhưng một đáp ứng kiểu chủ nghĩa hiện thực sẽ chỉ đóng góp vào một chu kỳ “tác động - phản ứng” vô tận, thêm dầu vào lửa trong tình trạng lưỡng nan về an ninh tiếp tục tồn tại trong quan hệ Mỹ-Trung, và có thể tạo ra một quan hệ thù địch mà không bên nào cần hoặc muốn. Các chính sách cứng rắn của Mỹ sẽ chỉ làm mạnh thêm chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, gia tăng sự ương ngạnh của Trung Quốc, thậm chí hướng Bắc Kinh tập trung vào việc xây dựng quyền lực cứng của họ nhiều hơn, và làm cho sự hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề quốc tế ngày càng khó khăn. Một vài yếu tố, chẳng hạn như duy trì mạnh mẽ các đồng minh và quan hệ đối tác liên minh của Mỹ ở châu Á, là thận trọng một cách khôn ngoan, nhưng nếu “việc xây dựng hàng rào chiến lược” đòi hỏi một sự bung ra quá nhiều về quân sự, nó có thể phản tác dụng. Các chính sách kinh tế khó khăn cũng có một ý nghĩa nào đó, đặc biệt là khi Chính phủ Mỹ cong mình về phía sau để cố vỗ về Bắc Kinh nâng cao giá đồng tiền của mình và hạ thấp các rào cản thương mại và đầu tư. Nhưng các hành động mạnh mẽ của Mỹ sẽ gặp các hành động chống trả của Trung Quốc, và cả hai bên có thể vô tình rơi vào một cuộc chiến tranh thương mại rất dễ dàng. Thay vì buông mình vào thế đáp ứng mặc định có tính chủ nghĩa hiện thực đối với với Trung Quốc, Washington cần phải tinh khôn hơn và hoạch định một chiến lược phức tạp hơn.[41]
Cuộc tranh luận luận sôi nổi ở Trung Quốc về vai trò quốc tế của nước này sẽ tiếp tục chuyển biến. Khi như vậy, nuớc này có nhiều khả năng sẽ trở nên ít đa dạng, và phân cực nhiều hơn, vì quan điểm chủ nghĩa hiện thực / chủ nghĩa bản địa có thể cứng thêm. Một sự cố nào đó cũng có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc tranh luận, chẳng hạn như nếu một đại sứ quán Trung Quốc bị chiếm giữ, hoặc một số lớn công nhân bị sát hại, hoặc một tàu hải quân Trung Quốc bị tấn công. Tuy nhiên trong tương lai gần, cộng đồng quốc tế nên dự kiến một sự đa dạng về tiếng nói và về những người ủng hộ chính sách, trong lúc cách hành xử của Trung Quốc có vẻ thiếu nhất quán, và phát những tín hiệu mâu thuẫn, nhưng với tính chất mà chủ nghĩa hiện thực là ưu thế, và gây khó khăn
*David Shambaugh là Giáo sư Khoa học Chính trị và các Vấn đề Quốc tế, và Giám đốc Chương trình về Chính sách của Trung Quốc tại Đại học George Washington, đồng thời cũng là thành viên không thường trực về Chính sách đối ngoại của Viện Brookings. Bài viết này dựa trên các kết quả nghiên cứu của chương trình “Cách nhìn thế giới của các Cường quốc có tham vọng” của Trung tâm Sigur về Châu Á học tại Đại học George Washington.
Chú thích
[1] Xem ‘‘Views of China’s Influence,’’ World Public Opinion.org, January 2009, http://ww.worldpublicopinion.org/pipa/images/feb09/BBCEvals/BBCEvals2.htm ; and ‘‘Global Views of United States Improve While Other Countries Decline,’’ BBC News, April 18, 2010, http://news.bbc.co.uk/2/shared/bsp/hi/pdfs/160410bbcwspoll.pdf.
[2] Về vấn đề này, xem Linda Jakobson and Dean Knox, ‘‘New Foreign Policy Actors in China,’’ SIPRI Policy Paper, no. 26 (Stockholm: Stockholm International Peace Research Institute, 2010), http://books.sipri.org/files/PP/SIPRIPP26.pdf.
[3] Cho một đánh giá mới đây, xem Zhu Liqun, ‘‘China’s Foreign Policy Debates,’’ Chaillot Papers (Paris: Institute for Security Studies European Union, September 2010); cho một đánh giá trước đây, xem Daniel Lynch, ‘‘Chinese Thinking on the Future of International Relations: Realism as the Ti, Rationalism as the Yong?,’’ The China Quarterly 197 (March 2009): pp. 87 —107.
[4] Xem, chẳng hạn, Tiết Dũng, Chẩm ma dạng tố đại quốc? [How to be a Great Power] (Bắc Kinh: Trung tín xuất bản xã, 2009); và Đỗ Đức Phú, Đại Quốc pháp tắc [The Rules for Great Nations] (Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2009).
[5] Xem thêm Robert Gilpin, War and Change in Global Politics (Cambridge: Cambridge University Press, 1983).
[6] Tốt hơn nên nghĩ các nhóm này như “các xu hướng phân tích” hơn là các trường phái tư tưởng cứng nhắc. Công trình đi đầu về “phân tích khuynh hướng” là của H. Gordon Skilling and William Griffiths, Interest Groups in Soviet Politics (Princeton: Princeton University Press, 1973).
[7] Vương Hiểu Đông và các cộng sự., Trung Quốc bất cao hưng [China is Unhappy] (Bắc Kinh: Giang Tô nhân dân xuất bản xã, 2009); và Hạ Hùng Phi, Trung Quốc vi thập yêu bất cao hưng? [ Why is China Unhappy?] (Bắc Kinh: Thế giới tri thức xuất bản xã, 2009).
[8] Trương Văn Mộc, ‘‘Thế giới lịch sử trung đích cường quốc chi lộ, dữ trung quốc đích tuyển trạch’’ [Con đường của các cường quốc lớn in lịch sửthế giớ và sự lựa chọn của Trung Quốc],trong Chiếc lược & tham tác [Strategy and Exploration], ed. Quách Thụ Dũng (Bắc Kinh: Thế giới tri thức xuất bản xã, 2008), pp. 33, 54.
[9] Phương Ninh, ‘‘Tân đế quốc chủ nghĩa chiến lược & Trung Quốc đích chiến lược tuyển trạch’’ [The New Imperialism and China’s Strategic Choice], trong Chiến lược giảng toạ [Lectures on Strategy], ed. Quách Thụ Dũng (Bắc Kinh: Peking University Press, 2006), pp. 132—133.
[10] Xem Vương Kính Tùng, Đế quốc chủ nghĩa lịch sử đích tối hậu giai đoạn: Đương đại đế quốc chủ nghĩa đích hình thành hoà phát triển xu thế [Chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của lịch sử: Các xu hướng hình thành và phát triển của chủ gnhĩa đế quốc đương đại] (Bắc Kinh: Xã hội khoa học văn trích xuất bản xã, 2008).
[11] Xem David Shambaugh, Beautiful Imperialist: China Perceives America, 1972—1990 (Princeton: Princeton University Press, 1990).
[12] Xem Alastair Iain Johnston, Cultural Realism: Strategic Culture and Grand Strategy in Chinese Culture (Princeton: Princeton University Press, 1998).
[13] Scholar at China Reform Forum, interview with author, Beijing, January 20, 2010.
[14] Shen Dingli (Trầm Đinh Lập), presentation at the New Zealand Institute of International Affairs, June 28, 2010.
[15] Shen Dingli (Trầm Đinh Lập), trình bày tại Hội nghị bàn tròn với các chuyên gia đối ngoại về Trung Quốc, Wellington, New Zealand, June 29, 2010.
[16] Yan Xuetong (Diêm Học Thông), ‘‘An Analysis of the Advantages and Disadvantages of Containing Legal Taiwan Independence by Force,’’ Strategy and Management 3 (2004): pp. 1 —5.
[17] Diêm Học Thông, Trung Quốc quật khởi (Thiên Tân: Nhân dân xuất bản xã, 1997).
[18] Chương Nhuỵ Trang, phát biểu tại hội nghị ở ĐH Trung Sơn, Quảng Châu, May 7, 2010.
[19] Chương Nhuỵ Trang, ‘‘Chonggu Zhongguo waijiao suochu zhi guoji huanjingheping yu fazhan bingfei dangdai shijie zhuti’’ [Reassessing the International Environment of China’s Foreign Affairs - Peace and Development are Not the Main Theme of Today’s World], Strategy and Management 1 (2001): pp. 20 —30
[20] Xem Phan Duy, ‘‘Dạ đàm hoà bình diễn biến’’ [Again Discussing Peaceful Rise], http://www.360doc.com/content/07/0831/17/41440_708164.shtml; và Phan Duy, ‘‘Địa cầu thượng tòng lai một phát sinh quá hoà bình quật khởi giá chủng sự” [Chưa bao giờ có chuyện “trỗi dậy trong hoà bình” trong quá khứ thế giới], http://www.360doc.com/content/09/1102/17/346405_828157.shtml.
[21] Scholar, interview with author, Beijing, March 25, 2010.
[22] Xem Vương Dật Chu, Trung Quốc Ngoại giao tân cao địa [Chính sách Ngoại giao của Trung Quốc] (Bắc Kinh: China Academy of Social Science Press, 2008, p.7.
[23] Xem David Shambaugh, ‘‘China Engages Asia: Reshaping the Regional Order,’’ International Security 29, no. 3 (Winter 2004/2005): pp. 64 —99.
[24] . Du Tân Thiên ‘‘Trung quốc ứng cải biến kì đối phát triển trung quốc gia chiến lược [Trung Quốc phải thay đổi chiến lược đối với các nước đang phát triển], Strategy and Management 3 (2003): pp. 40 —45..
[25] Hoàn Cầu, ed., Bách vấn Trung Quốc vị lai: Trung Quốc tinh anh đối thoại toàn cầu [Một trăm câu hỏi về tương lai Trung Quốc: Đối thoại với các phần tử tinh hoa] (Bắc kinh: Tân Hoa Xã, 2009), p. 12.
[26] Scholar, interview with author, Quảng Châu, May 7, 2010.
[27] Xem, chẳng hạn, phát biểu của Trần Hàm Hi, Đại học Quảng Đông – khoa Đối ngoại tại hội nghị ở ĐH Trung Sơn, Quảng Châu, May 8, 2010.
[28] Communist Party official, interview with author, Beijing, July 7, 2010.
[29] Scholar at CICIR, interview with author, Beijing, April 19, 2010.
[30] Kim Xán Vinh, phỏng vấn với tác giả, Đại học Nhân dân, January 29, 2010
[31] ‘‘Trung Quốc Quốc tế Quan hệ Học Hội 2010 niên niên hội tại Lan Châu’’ [China’s International Relations Society 2010 Annual Meeting in Lanzhou Review], Ngoại giao bình luận 4 (2010): p. 157.
[32] CICIR Chủ tịch Thôi Lí Như, trình bày tại hội nghị về “Sáu mươi năm chính sách đối ngoại Trung Quốc” tại ĐH Phú Đán, Thượng Hảii, October 21, 2009.
[33] Tống Tân Ninh, phát biểu tại hội nghị ở ĐH Nhân dân, Bắc Kinh, May 3, 2010.
[34] Dương Khiết Trì, ‘‘A Changing China in a Changing World’’ (speech, Munich Security Conference, February 5, 2010).
[35] Môn Hồng Hoa, phỏng vấn với tác giả, Bắc Kinh, May 2, 2010
[36] Senior Foreign Ministry official, phỏng vấn với tác giả, Bắc Kinh, July 6, 2010.
[37] Xem Edward Wong, ‘‘China’s Disputes in Asia Buttress U.S. Influence,’’ International Herald Tribune, September 22, 2010, http://www.nytimes.com/2010/09/23/world/asia/23china.html.
[38] Xem John Ikenberry, ‘‘The Rise of China and the Future of the West: Can the Liberal System Survive?,’’ Foreign Affairs 87, no. 1 (January/February 2008), http://www.foreignaffairs.com/articles/63042/g-john-ikenberry/the-rise-of-china-and-the-futureof-the-west.
[39] Chú thích của người dịch: Tức là loại hàng hoá mà mọi người đều hưởng lợi, và sự huởng lợi của người này không làm giảm mức lợi cho người khác -
[40] 39. Xem Elizabeth C. Economy and Adam Segal, ‘‘The G-2 Mirage: Why the United States and China Are Not Ready to Upgrade Ties,’’ Foreign Affairs 88, no. 3 (May/June 2009), http://www.foreignaffairs.com/articles/64946/elizabeth-c-economy-and-adam-segal/theg-2-mirage ; Gregory Chin and Ramesh Thakur, ‘‘Will China Change the Rules of the Global Order?,’’ The Washington Quarterly 33, no. 4 (October 2010), http://www.twq.com/10october/docs/10oct_Chin_Thakur.pdf ; and David Shambaugh, ‘‘Beijing: A Global Leader with ‘China First’ Policy,’’ Yale Global Online, June 29, 2010, http://yaleglobal.yale.edu/content/beijing-global-leader-china-first-policy.
[41] Xem David Shambaugh, ‘‘A New China Requires a New U.S. Strategy,’’ Current History 109 (September 2010): pp. 219—226.
© Bản dịch Thời Đại Mới