Theo cáo trạng mới đây của VKSND huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, bà Trần Ngọc Sương (người từng được phong Anh hùng Lao động) và 4 thuộc cấp cùng bị truy tố tội “Lập quỹ trái phép” hơn 10,1 tỉ đồng, trong đó số tiền gây thiệt hại hơn 5 tỉ đồng.
Lập quỹ trái phép để chi xài
Theo cáo trạng của VKSND huyện Cờ Đỏ ký ngày 28-7-2011, tại Nông trường Sông Hậu (NTSH), ngoài các quỹ: ngân sách, Công đoàn, phúc lợi…, nơi đây còn hình thành quỹ trái phép do bà Trần Ngọc Sương (nguyên giám đốc NTSH) và Trương Hồng Nhung (nguyên phó giám đốc), trong quá trình công tác đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tự ý thành lập quỹ riêng bằng cách để ngoài sổ sách kế toán một số nguồn thu từ hoạt động của nông trường... Việc lập trái phép quỹ được Đặng Thế Quốc Hưng (nguyên kế toán trưởng), Nguyễn Văn Sơn (nguyên thủ quỹ), Hoàng Thị Bình (nguyên kế toán) đồng tình, thống nhất thực hiện, theo dõi thu chi dưới sự chỉ huy của bà Sương và Nhung.
Những người này đưa tiền vào quỹ trái phép bằng nhiều nguồn khác nhau. Tổng các nguồn thu đưa vào quỹ trái phép khoảng 10 tỉ đồng, cộng với số tiền tồn quỹ năm 2000 chuyển sang là hơn 100 triệu đồng. Như vậy, số tiền lập quỹ trái phép khoảng 10,1 tỉ đồng.
Bà Trần Ngọc Sương với bản cáo trạng của VKSND huyện Cờ Đỏ. Ảnh chụp ngày 12-8. Ảnh: QUÝ LÂM
Số tiền lập quỹ trái phép nêu trên đã được chi gần 10 tỉ đồng. Trong đó, bà Sương được chi và sử dụng cá nhân khoảng 4,2 tỉ đồng, gồm: vào những ngày Tết, sinh nhật của bà Sương, bà Nhung ký duyệt cho kế toán Bình và 2 thủ quỹ chi tiền mua quà tặng cho bà Sương, mỗi lần từ 1-2 lượng vàng 24 K cùng nhiều hiện vật khác với tổng số tiền hơn 129 triệu đồng; năm 2006, bà Sương lấy từ quỹ trái phép hơn 301 triệu đồng để trả tiền vay mua 6,5 ha đất ở Sóc Trăng nhưng khi bán lô đất này được 650 triệu đồng, thu lợi gần 349 triệu đồng, bà Sương không trả số tiền này cho nông trường; trong thời gian làm giám đốc NTSH, bà Sương chỉ đạo chi tiền từ quỹ trái phép khoảng 2,3 tỉ đồng để đi công tác nhưng không có chứng từ chứng minh cho việc này…
Ngoài ra, số tiền lập quỹ trái phép còn chi để lấp âm quỹ gần 730 triệu đồng, chi đám tiệc, trị bệnh, giải quyết khó khăn, trả tiền vay và lãi vay, mua bảo hiểm với số tiền gần 3,8 tỉ đồng... Số tiền lập quỹ trái phép này được bà Sương chỉ đạo chi cho một số cán bộ, nhân viên nông trường và biếu tặng các cá nhân ban ngành các cấp với tổng số tiền hơn 678 triệu đồng; chi cho 3 đoàn kiểm toán gồm: đoàn kiểm toán Nhà nước khu vực V, Công ty CP Kiểm toán và Tin học Chuẩn Việt, Công ty Kiểm toán và Tư vấn Tài chính kế toán (AFC Sài Gòn) - Chi nhánh Hà Nội với số tiền 233 triệu đồng.
Tuy nhiên, qua xác minh, các cá nhân ban, ngành các cấp; các thành viên của các đoàn kiểm toán đều khẳng định không có nhận khoản tiền biếu, tặng của NTSH. Trong quá trình điều tra, bà Sương đã nộp lại 600.545.000 đồng và Nguyễn Văn Sơn đã nộp hơn 86 triệu đồng. Như vậy, trong các khoản chi của quỹ trái phép hơn 10 tỉ đồng, có số tiền không quy trách nhiệm phải bồi thường là gần 4,7 tỉ đồng, số còn lại hơn 5 tỉ đồng sử dụng gây thiệt hại.
Sự thật về đơn “xin ở tù thay”
Toàn bộ chứng từ, sổ sách liên quan đến quỹ trái phép đều không công khai trong cán bộ, nhân viên NTSH; không hạch toán báo cáo tài chính hằng tháng, năm. Trong quá trình hoạt động, ban giám đốc NTSH có nhiều biểu hiện vi phạm trong việc quản lý, sử dụng và giao khoán đất, có dấu hiệu tiêu cực, mất dân chủ dẫn đến mâu thuẫn nội bộ… Chính vì vậy, nhiều nông trường viên bất đồng, kéo nhau khiếu kiện đông người trước UBND TP Cần Thơ, gây mất an ninh, trật tự. Nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài nhiều năm nhưng chưa giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, sau khi phiên tòa sơ thẩm tại TAND huyện Cờ Đỏ xử phạt bà Trần Ngọc Sương 8 năm tù giam, ngày 14-11-2009, một lá đơn “xin ở tù thay” có chữ ký của 110 nông trường viên ở NTSH gửi đến lãnh đạo TP Cần Thơ đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm và lập quỹ trái phép ở NTSH. Liên quan đến lá đơn này, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ khẳng định: Qua xác minh, chỉ có 5 người vốn là thân nhân, họ hàng với bà Sương ký đơn đề nghị xin giảm án cho bà, chứ không phải “xin ở tù thay”.
Những người còn lại không phải là nông trường viên và họ thừa nhận không có ký vào lá đơn này. Xem xét kỹ lá đơn “xin ở tù thay”, họ và tên của 110 người do cùng một người viết, còn chữ ký thì ai tên nào ký tên đó, không có nét riêng. Ngoài ra, ngày 14-12-2009, các ban, ngành ở TP Cần Thơ có nhận một thư ngỏ viết ngày 5-12-2009 của một người tên Lý Ái Nhân, cư ngụ tại TP Hải Phòng với lời lẽ thô tục, biện minh, bênh vực cho bà Sương.
Công an TP Cần Thơ đã nhờ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Hải Phòng xác nhận nơi cư ngụ của người này. Qua xác minh, Công an TP Hải Phòng cho biết không có ai là Lý Ái Nhân đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa chỉ ghi trên thư ngỏ.
Ngày 12-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Thanh Long, Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ, cho biết: “Vụ án này thuộc thẩm quyền truy tố, xét xử cấp huyện nên VKSND TP chuyển đến VKSND huyện Cờ Đỏ viết cáo trạng, sau đó sẽ đưa ra xét xử tại TAND huyện Cờ Đỏ”. |
Quá trình tố tụng Ngày 9-4-2008, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra theo thủ tục tố tụng. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19-8-2009, TAND huyện Cờ Đỏ tuyên phạt bà Trần Ngọc Sương 8 năm tù giam, Trương Hồng Nhung (nguyên phó giám đốc) 6 năm tù, Đặng Thế Quốc Hưng (nguyên kế toán trưởng) 4 năm tù, Nguyễn Văn Sơn (thủ quỹ) 3 năm tù; Hoàng Thị Bình (kế toán) 18 tháng tù cho hưởng án treo đều về tội “Lập quỹ trái phép”. Tòa sơ thẩm tuyên buộc bà Sương nộp trả cho Nông trường Sông Hậu hơn 4,3 tỉ đồng và yêu cầu VKSND khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi tham ô tài sản của bà Sương. Tại bản án phúc thẩm ngày 19-11-2009, bà Trần Ngọc Sương bị tuyên y án sơ thẩm, Nhung 5 năm tù, Hưng 4 năm tù, Sơn 2 năm tù, Bình 18 tháng tù cho hưởng án treo. Các bị cáo đã có đơn kháng cáo lên cấp giám đốc thẩm. Ngày 27-5-2010, Tòa Hình sự TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án này để điều tra lại theo thủ tục chung. |
“Tôi bác bỏ cáo trạng...!” Ngày 12-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn bà Trần Ngọc Sương về những diễn biến mới nhất của vụ án * Phóng viên: Cáo trạng của VKSND huyện Cờ Đỏ hầu như không khác biệt so với nội dung bản kết luận điều tra số 08 ban hành hồi đầu năm mà bà từng khiếu nại. Vậy bà có ý kiến gì vào lúc này? - Bà Trần Ngọc Sương: Tôi sẽ tiếp tục có văn bản kiến nghị, khiếu nại lên cấp trên, yêu cầu VKSND TP Cần Thơ và Công an TP Cần Thơ phải trả lời về nội dung bản kết luận điều tra mà tôi và các luật sư đã khiếu nại ngay từ khi nó mới ban hành. Tôi hoàn toàn không đồng ý và bác bỏ thẩm quyền ra cáo trạng truy tố đối với tôi của VKSND huyện Cờ Đỏ. Vì sau khi có quyết định giám đốc thẩm hủy án và điều tra lại, chính Cơ quan CSĐT TP Cần Thơ và VKSND TP Cần Thơ xác định trước công luận rằng thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ án này thuộc về TP Cần Thơ. Kết luận điều tra của Công an TP Cần Thơ chuyển qua VKSND TP Cần Thơ nhưng tại sao VKSND huyện Cờ Đỏ lại viết cáo trạng? Cần nhắc lại: VKSND huyện Cờ Đỏ từng viết cáo trạng để tòa án huyện này xử sơ thẩm. Cả 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm ở cấp này đều đã bị giám đốc thẩm hủy bỏ do thiếu khách quan. Lần này, tôi đề nghị cơ quan viết cáo trạng phải là VKSND TP Cần Thơ và vụ án phải được xét xử sơ thẩm tại TAND TP Cần Thơ. * Bà nhiều lần nói cơ quan chức năng đã vi phạm Luật Tố tụng hình sự, vậy bà có thể chỉ rõ ra ở những điểm nào? - Thứ nhất, hãy nói về bản cáo trạng trước, nó đã vi phạm thời hạn tố tụng theo điều 166 (chương XV) của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Vụ án kết thúc điều tra và có bản kết luận điều tra từ ngày 21-2-2011 nhưng mãi đến 28-7 mới ra cáo trạng và tôi được mời đến VKSND huyện Cờ Đỏ ngày 11-8 vừa qua để nhận tống đạt; như vậy là cách nhau đến gần 6 tháng. Xin nhớ, ở những vụ án đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn tối đa luật cho phép, gồm cả gia hạn, cũng chỉ là 45 ngày mà thôi. Thứ hai, các cơ quan pháp luật của TP Cần Thơ không hề trả lời công khai bằng văn bản các kiến nghị, khiếu nại nội dung kết luận điều tra số 08 của tôi và các luật sư. Đó là vi phạm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Thứ ba, cũng như ý kiến trước đây của tôi về bản kết luận điều tra, tôi hoàn toàn không đồng ý với toàn bộ nội dung cáo trạng của VKSND huyện Cờ Đỏ vì đã đánh giá sai lệch toàn bộ bản chất sự việc và hành vi của tôi. Quyết định truy tố tôi về tội “lập quỹ trái phép” không có căn cứ pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tôi không được đối chất đầy đủ với những người có liên quan trong vụ án, cũng không được giám định lại tài sản theo nhiều lần yêu cầu của tôi cũng như các luật sư. * Nếu kết luận một cách vắn tắt về những sự kiện vừa diễn ra, bà sẽ nói gì? - Việc chỉ đạo quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và quyết định giám đốc thẩm vẫn chưa giải quyết hết mà đã kết luận nhiều vấn đề nặng tội hơn một cách cố ý đối với tôi là không đúng. Quý Lâm thực hiện |
MY HẠ
-Bà Trần Ngọc Sương phản đối toàn bộ cáo trạng vừa nhận - - Sáng 11/8, VKSND huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) tống đạt cáo trạng số 28 ký ngày 28/7/2011, tiếp tục truy tố nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu, bà Trần Ngọc Sương và 4 người cấp dưới tội “lập qũy trái phép”.
Trong biên bản giao nhận cáo trạng, bà Trần Ngọc Sương “không đồng ý với toàn bộ nội dung của cáo trạng” vì “đã đánh giá sai lệch toàn bộ bản chất sự việc và hành vi của tôi. Quyết định truy tố tôi về tội lập quỹ trái phép không có căn cứ pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (vì tôi không được đối chất đầy đủ với các người có liên quan vụ án và cũng không được giám định lại tài chính theo nhiều lần yêu cầu của tôi cũng như các luật sư của tôi)”.
Hơn nữa, theo bà Trần Ngọc Sương, cơ quan điều tra TP Cần Thơ “chưa giải quyết hết việc theo chỉ đạo của quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và quyết định giám đốc thẩm mà đã kết luận nhiều vấn đề nặng hơn với tôi một cách cố ý là không đúng (…) Đồng thời, các cơ quan pháp luật của TP Cần Thơ không có trả lời công khai bằng văn bản các kiến nghị về nội dung kết luận điều tra của tôi và các luật sư của tôi là vi phạm việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự”.
Bà Trần Ngọc Sương với cáo trạng nhận sáng 11/8. Ảnh: Sáu Nghệ |
Bà Sương còn “bác bỏ thẩm quyền ra cáo trạng truy tố đối với tôi của VKSND huyện Cờ Đỏ vì sau khi có quyết định giám đốc thẩm, hủy án và điều tra lại, chính Cơ quan CSĐT Công an và VKSND TP Cần Thơ xác định trước công luận: Thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với vụ án này thuộc TP Cần Thơ. Kết luận điều tra của Công an TP Cần Thơ chuyển qua VKSND TP Cần Thơ nhưng tại sao bây giờ VKSND huyện Cờ Đỏ lại viết cáo trạng? VKSND huyện Cờ Đỏ từng viết cáo trạng để TAND huyện Cờ Đỏ xử sơ thẩm vụ án đã không khách quan nên bản án sơ và phúc thẩm đều bị giám đốc thẩm hủy bỏ. Tôi đề nghị gửi lại cho VKSND TP Cần Thơ ra cáo trạng để vụ án được xử sơ thẩm tại TAND TP Cần Thơ”.
Cuối cùng, bà Sương “đề nghị VKSND TP Cần Thơ và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương xem xét lại sự thật về bản chất của vụ án để đình chỉ điều tra bị can đối với tôi”. Bà cũng khẳng định “tiếp tục có văn bản kiến nghị khiếu nại”.
Sáu Nghệ
- - Vụ án nông trường Sông Hậu: Bà Trần Ngọc Sương phản đối cáo trạng (NLĐ).-Bà Trần Ngọc Sương phản đối toàn bộ cáo trạng vừa nhận (Bee.net 11-8-11) -Tiếp tục truy tố nguyên Giám đốc Nông trường Sông HậuTN - Bà Ba Sương vẫn tiếp tục bị truy tố (PL)-Sau gần 6 tháng kết thúc điều tra, VKS huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ tống đạt cáo trạng truy tố bà Trần Ngọc Sương, cựu Giám đốc Nông trường Sông Hậu cùng 4 thuộc cấp về tội “lập quỹ trái phép”.
Tin liên quan:Ý kiến của bạn về việc lập quỹ của bà Trần Ngọc Sương
Kết quả tham khảo ý kiến của các bạn trong thời gian qua :
Total Votes: 493
- Đơn “đề nghị khẩn thiết” của bà Ba Sương
Bà Ba Sương với kẹo dẻo do bà đang làm để sinh sống. ảnh Sáu Nghệ |
“Thanh tra và điều tra có nhiều dấu hiệu bất thường, thiếu khách quan”
Quyết định thanh tra số 921/QĐ-UBND ngày 21/3/2006. Ngày 27/07/2006, Đoàn Thanh tra của Cần Thơ đã kết thúc thanh tra ở nông trường, nhưng sau gần 10 tháng (ngày 11/05/2007), ông Hồ Văn Gia, Trưởng đoàn Thanh tra mới gửi bản báo cáo kết luận thanh tra đến Nông trường Sông Hậu (đối tượng bị thanh tra). Vậy mà, ngày 07/5/2007 UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành bản kết luận số 28/KLTTr-UBND.
Cách thức tổ chức việc thanh tra và công bố nội dung kết luận thanh tra đã phủ định tất cả những thành quả của cán bộ, công nhân viên và nông trường viên; phủ nhận luôn cả những nhận định, đánh giá của Tập thể Thường vụ Tỉnh uỷ Cần Thơ khi tiến hành tổng kết Nông trường Sông Hậu 20 năm xây dựng và phát triển (Báo cáo số 80/BC/TU ngày 15/8/2000 do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Võ Minh Cân, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ kết luận).
Từ những “căn cứ” mang tính quy chụp của Thanh tra, Cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ đã khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đáng lưu ý là Cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ đã dùng Giám định viên Nguyễn Kim Oanh trước đó là Thành viên Đoàn Thanh tra tại Nông trường Sông Hậu để làm giám định viên của vụ án.
Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ ra bản kết luận điều ra số 12/KLĐT-PC 15 ngày 23/01/2009 và Viện KSND huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, ra bản cáo trạng số 49/KSĐT-KSXXSTHS-KT truy tố “tội lập quỹ trái phép” theo khoản 4 điều 166 BLHS.
TAND huyện Cờ Đỏ xét xử sơ thẩm bằng bản án số 25/2009/HSST ngày 11 đến 15/8/2009 tuyên xử bà Ba Sương 8 năm tù, buộc tội nộp trả Nông trường Sông Hậu 4.349.533.289 đồng và yêu cầu VKSND khởi tố làm rõ hành vi “tham ô tài sản” với số tiền 301.073.333 đồng và 850.000.000 đồng. TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm bằng bản án số 137/2009/HSPT ngày 19/11/2009 chấp nhận kháng cáo, y án sơ thẩm đối với bà Ba Sương.
VKSND Tối cao kháng nghị Giám đốc thẩm số 09/QĐ-VKSTC.V3 ngày 6/4/2010 và ngày 27/5/2010, Tòa Hình sự TANDTC nhận ra Quyết định 22/2010/HS-GĐT hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.
Đơn của bà Ba Sương cho rằng, “các cơ quan tố tụng ở Cần Thơ đưa 2 khoản thu (2.603.863.490 đ là tiền bán 4 lô đất và 2.238.500.000 đ là tiền vay của các cá nhân) vào quỹ chưa đủ cơ sở xác định là trái phép và 5 khoản chi chưa đủ cơ sở để xác định là thiệt hại và buộc các bị cáo phải bồi thường (gồm 2.277.713.216 đ công tác phí trong và ngoài nước; 233.000.000 đ tiền bồi dưỡng; 1.002.925.401đ lập âm quỹ; các khoản tiền chi mua quà, lương kiêm nhiệm và 678.290.840 đ chi tặng quà các cá nhân, ban ngành…). Như vậy, các cơ quan tố tụng ở Cần Thơ đã cố tình ép xử oan cho tôi ở 2 khoản thu khoảng trên 4,8 tỉ đồng và buộc bồi thường các khoản chi trên 3,8 tỉ đồng. Tổng cộng trên 8,6 tỉ đồng rồi. Về thủ tục tố tụng, cả 2 cấp lại chấp nhận việc tách 2 khoản tiền để yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố về tội tham ô, tức là cố tình truy tố tôi 2 lần đối với một hành vi, thể hiện rõ tính định kiến cá nhân truy bức xử nặng tôi đến cùng”.
Điều tra lại, ngày 21/2/2011, Cơ quan CSĐT Công an Cần Thơ ra Bản KLĐT số 08/KLĐT (PC46), với những nội dung và số liệu quy kết về thiệt hại nặng nề hơn trước. Tổng số lập quỹ khi xử lần 1 năm 2009 là 8.582.530.086 đồng và chi gây thiệt hại 4.777.306.622 đồng, nay lại nâng lên thành 10.135.277.366 đồng, chi gây thiệt hại 5.053.585.445 đồng.
Đơn của bà Ba Sương nêu lại buổi họp báo ngày 22/2/2011, đại diện Cơ quan CSĐT Công an Cần Thơ trong trả lời PV Báo Tiền Phong về việc vì sao không chấp nhận yêu cầu giám định tài chính của vụ án: “Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương đã có văn bản trả lời rằng: Trong vụ án này không cho thấy có sự nghi ngờ nào về giám định tài chính, nên Cơ quan điều tra không tiến hành giám định lại là đúng”. Ba Sương cho rằng: “Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương không là cơ quan tiến hành tố tụng, không trực tiếp điều tra, không đọc toàn bộ hồ sơ vụ án thì cũng không thể có văn bản trả lời như vậy”.
Biên bản giao nhận Bản KLĐT ngày 22-2-2011, bà Ba Sương ghi: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với toàn bộ nội dung kết luận của CQĐT Cần Thơ vì đã đánh giá sai lệch toàn bộ bản chất sự việc và hành vi của tôi; việc đề nghị truy tố tôi về tội lập quỹ trái phép không có căn cứ pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (tôi không được đối chất đầy đủ với các người có liên quan vụ án và cũng không được giám định lại tài chính theo nhiều lần yêu cầu của tôi cũng như của luật sư tôi). Tôi đề nghị VKSND TP Cần Thơ và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương xem xét lại vụ án, đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can đối với tôi”. Từ đó đến nay đã gần 5 tháng, VKSND TP Cần Thơ vẫn chưa ra được cáo trạng.
“Khẩn cầu xin được đánh giá hành vi của tôi một cách khách quan, công bằng, đúng mức, phù hợp về mặt pháp luật và đạo lý”
Quan điểm của bà Ba Sương và những luật sư của bà (Luật sư Nguyễn Trường Thành, Phan Trung Hoài), thì “do các chứng cứ là các tài liệu, chứng từ, lời khai đã không được thu thập một cách đầy đủ, đánh giá sai lạc về bản chất và tính xác thực của hoạt động kinh doanh tại NTSH, nên không thể được coi là chứng cứ nhằm quy buộc trách nhiệm hình sự về tội danh “lập quỹ trái phép” đối với bà Trần Ngọc Sương được”. Chính các cơ quan: Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Sở Tài chính TP Cần Thơ tại cuộc họp khi Đoàn Thanh tra báo cáo dự thảo Kết luận Thanh tra trước Thường trực Thành ủy, HĐND và UBND TP Cần Thơ cùng các sở, ban, ngành địa phương, đã thể hiện quan điểm rất rõ là “mức độ sai phạm của Nông trường Sông Hậu chỉ ở mức độ xử lý hành chính”.
Đơn của bà Ba Sương đề nghị, xem xét giải quyết vụ án Nông trường Sông Hậu cần đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể, để đánh giá sáng suốt và khách quan. Nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cũng như của tập thể cấp ủy Đảng và chính quyền TP Cần Thơ trước đây, đều khẳng định, “Nông trường đã biến một vùng bãi đất bùn lầy, cỏ hoang mọc lan tràn lần lần đã trở thành những thửa ruộng mênh mông, đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ lên công nghiệp hiện đại để trở thành một mô hình nông trường quốc doanh tốt nhất trên cả nước.
Những bước đường đã trải qua của Nông trường Sông Hậu là gian khổ, tìm tòi và sáng tạo. Các cấp lãnh đạo cũng hết sức vui mừng trước những thành tựu mà Nông trường Sông Hậu đã đạt được trong những năm qua, khẳng định đây chẳng những là một mô hình làm ăn kinh tế giỏi, mà còn là một địa chỉ văn hóa rất hay, quan tâm chăm lo cho con người, vì sự nghiệp phát triển lâu dài của nông trường, của đất nước”.
Hơn nữa, cũng theo đơn của bà Ba Sương, Nông trường Sông Hậu hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, chi phí đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn vay, nên có phát sinh tài sản xảy ra nhằm bảo tồn vốn, đáp ứng yêu cầu phục vụ trong sản xuất kinh doanh (như phát triển cây giống, vật nuôi, dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp). Chủ trương nói trên có từ thời ông Trần Ngọc Hoằng làm Giám đốc, đều được Đảng bộ và tập thể Nông trường Sông Hậu thông qua và triển khai từ 1996 đến 2002, trong đó tài sản được quản lý chặt và đang hợp thức hóa tài sản của Nông trường Sông hậu và tài sản không sử dụng cần phải bán đi… Phát sinh tài sản tạo lập trong quá trình hoạt động nói trên tạo hiệu quả rất lớn cho Nông trường Sông Hậu.
Điểm đáng chú ý, tính đến 31/12/2006 (thời điểm đã triển khai thanh tra), theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tình hình tài chính của Nông trường đã tạm ổn định, 7 phân xưởng sản xuất kinh doanh ở quy mô nhỏ và vừa đã cổ phần hóa xong và làm ăn có hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Kết luận về tình hình tài chính là Nông trường không mất khả năng thanh toán, nhưng khả năng thanh toán nhanh thì không có. Cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn của Nông trường (theo bản cân đối kế toán hợp nhất tạm thời năm 2006) là 344,7 tỷ đồng. Nông trường có đề nghị thời gian hoàn trả nợ trong 10 năm và có thể thực hiện được sớm hơn khi được sự hỗ trợ của Chính phủ qua thu nợ bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thuỷ lợi theo Quyết định 255 của Chính phủ năm 2003.
Lá đơn viết tiếp “Hoàn cảnh của tôi hiện nay thật sự không còn từ ngữ nào để mô tả được: Một phụ nữ không chồng, không con, tuổi đã ngoài 60, chỉ vì năm 2006 muốn bảo vệ thành quả của sự nghiệp phát triển Nông Trường Sông Hậu do cha tôi dày công xây dựng nên đã không đồng tình với chủ trương thu hồi 4.000 ha đất của NTSH (sau này đến cuối năm 2007 lại thu hồi 7.000 ha) để quy hoạch xây dựng khu công nghiệp mà lâm vào cảnh bị bức bách nghỉ hưu và bị khởi tố điều tra, quy kết từ hết tội này đến tội khác, bị Cơ quan điều tra dằn vật, bị đưa ra xử trong tình trạng suy kiệt vì các bệnh mãn tính (đi không vững, Tòa phải cho ngồi để chịu cật vấn).
Nhưng bà Ba Sương vẫn “tin tưởng vào Đảng, Nhà nước để trình và khẩn thiết đề nghị Quý vị Lãnh đạo hết sức công minh, cân nhắc toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ án, xem xét lại việc quy buộc tội danh Llập quỹ trái phép đối với tôi (Trần Ngọc Sương) vì chưa bảo đảm căn cứ về mặt pháp lý, đồng thời căn cứ Điều 169 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, trân trọng kính đề nghị Lãnh đạo các cấp và VKSND TP Cần Thơ ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với tôi về tội Lập quỹ trái phép; đồng thời khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp cho tôi theo quy định của pháp luật”.
Cuối cùng, đơn của bà Ba Sương “kính mong và khẩn thiết đề nghị Quý vị Lãnh đạo quan tâm chấp thuận để tôi được sống an bình vào tuổi xế chiều và được hưởng sự rộng lượng của Đảng và Nhà nước đối với một phụ nữ đã cùng gia đình tận hiến cho sự phát triển của Nông trường Sông Hậu gần ba chục năm qua”.
Sáu Nghệ--