Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Phạm Đình Trọng - Thưa chuyện với công cụ bạo lực chuyên chính vô sản

1. CUỘC HẸN BẤT NGỜ, GẤP GÁP, KHÔNG THỂ TỪ CHỐI
Đúng ngày khai mạc đại hội 11 đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền, 12.1.2011, 13 giờ 30, tôi nhận được cuộc điện thoại của đại úy cảnh sát khu vực Dương Tấn Lắm: Cháu đến nhà bác mà đóng cửa. Bác đang ở đâu? Cháu có việc cần gặp bác.
Hơn năm nay, từ khi tôi từ bỏ đảng Cộng sản và có một số bài viết công bố trên các trang mạng, ông cảnh sát khu vực Lắm trở nên quan tâm, gần gũi tôi, vẫn thường hẹn gặp tôi như vậy. Khi thì từ sáng sớm ông đột ngột xuất hiện ở cửa. Khi thì ông gọi điện bảo tôi lên công an phường. Dạo tôi làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con gái tôi, công an hộ khẩu quận Tân Bình hẹn tới hẹn lui, mỗi lần họ lại đưa ra thêm một đòi hỏi làm cho tôi mất rất nhiều thời gian và quá mệt mỏi! Con gái tôi từ thành phố Hải Phòng vào ở với tôi đã hơn ba năm và đã có công việc ổn định, có đủ các điều kiện theo yêu cầu của việc đăng kí hộ khẩu nhưng dường như đòi hỏi của công an hộ khẩu là vô tận!
Tờ giấy bảo lãnh của chủ hộ, tôi viết và được công an phường xác nhận chỉ có giá trị trong thời gian sáu tháng và tôi đã phải hai lần lên công an phường làm lại giấy bảo lãnh mà việc nhập hộ khẩu của con tôi vẫn chưa được! Không đủ kiên nhẫn theo đuổi, tôi đành bỏ cuộc, cất hồ sơ đi, chấp nhận con gái tôi ở với tôi không cần hộ khẩu! Đúng lúc đó ông cảnh sát khu vực Dương Tấn Lắm hẹn gặp tôi và bảo: Bác đưa hồ sơ nhập hộ khẩu của em Trang cho cháu đi làm giúp bác! Tôi lại có thêm vài cuộc gặp ông Lắm về việc làm hộ khẩu này!
Một buổi chiều ông Lắm hẹn gặp tôi rồi dẫn tôi lên công an quận Tân Bình và bảo tôi đợi ở phòng tiếp dân của ông quận phó công an Nguyễn Thành Tâm. Cuộc gặp của ông phó công an quận Tân Bình với tôi, ngoài ông Nguyễn Thành Tâm, ông Dương Tấn Lắm còn có ba ông cán bộ công an quận và ông Sơn ở sở công an thành phố Hồ Chí Minh. Các ông đó tự giới thiệu tên và cấp lãnh thổ hoạt động mà không hề nói tới lĩnh vực nghiệp vụ đảm nhiệm. Sự lảng tránh đó cho tôi hiểu rằng họ đều là cán bộ an ninh bảo vệ chính trị, một chuyên ngành công an mới thành lập từ năm 2002 để nhà nước cộng sản Việt Nam thêm công cụ bảo đảm sự tồn tại của đảng Cộng sản! Để duy trì sự tồn tại của đảng Cộng sản, bộ máy công cụ công an cứ phình to mãi! Ngân sách mỏng của đất nước nghèo lại phải dồn thêm tiền nuôi bộ máy công cụ khổng lồ này và quỹ phúc lợi xã hội cứ tong teo mãi! Cứ kéo dài mãi nỗi đau khổ ba, bốn người bệnh trên một chiếc giường trong bệnh viện! Ngày nay, với nhà nước cộng sản, chuyên ngành an ninh bảo vệ chính trị quan trọng và được vỗ về đến mức trong cuộc sống hòa bình yên ổn và mới hoạt động được tám năm mà cục Bảo vệ chính trị và ông đại tá cục trưởng Đường Minh Hưng đã được tôn vinh Anh hùng lực lượng vũ trang!
Cả sáu ông công an gặp tôi hôm đó đều mặc thường phục dù trong giờ làm việc và ở ngay trong trụ sở công an quận. Lí do cuộc gặp chỉ để hỏi thêm một chi tiết trong tờ khai nhập hộ khẩu của con tôi. Tôi giải thích nhưng dường như các ông công an không mấy quan tâm đến chi tiết đó. Ông Tâm quận phó công an và ông Sơn cán bộ công an thành phố Hồ Chí Minh đều nói đến tình cảm cha con và sự cần thiết của việc con gái tôi nhập hộ khẩu vào với tôi để bộc lộ sự quan tâm, ưu ái của công an đối với tôi. Tình cảm cha con là lớn lao, quí giá! Cha con cần được gần gũi nhau để chăm lo, giúp đỡ nhau! Công an sẽ quan tâm sớm giải quyết cho con gái tôi có hộ khẩu! Lúc tôi ra về, ông quận phó công an Nguyễn Thành Tâm còn đưa tiễn tôi đi hết hành lang dài ra tới tận vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ!
Lần này có việc gì mà ông Lắm hẹn gặp tôi gấp gáp vậy nhỉ? Tôi không có nhà nên xin ông Lắm lui cuộc gặp lại đến sáng mai. Không được! Lui đến chiều tối vậy. Cũng không được! Chuyện gấp gáp vậy thì nói luôn trên điện thoại đi! Nói trên điện thoại không tiện bác ạ! Bác về nhà đi, cháu đến đón bác ra ngoài quán cà phê ngồi! Tôi vừa về nhà thì ông Lắm đến. Tôi đi xe máy theo ông Lắm đến quán cà phê trên đường Trường Chinh gần trụ sở công an phường tôi. Ông quận phó công an Tân Bình Nguyễn Thành Tâm đang đợi tôi bên li nước trái cây.
Hai giờ chiều. Quán vắng. Bốn người đều mặc dân sự ngồi hai bên chiếc bàn nhỏ giữa những chiếc bàn trống. Cạnh tôi là ông Lắm. Cạnh ông Tâm là một ông khoảng ngoài bốn mươi tuổi. Ông Tâm không một lời giới thiệu về nhân vật này và tôi cũng không hỏi. Suốt cuộc gặp gần hai giờ, nhân vật này không nói một lời, không tỏ ra lắng nghe, thái độ khinh khỉnh như người ngoài cuộc, chỉ đôi lần thoáng tỏ ra khó chịu trước ý kiến của tôi. Lúc cuộc gặp kết thúc, nhân vật này lẳng lặng ra trước lấy xe máy. Tôi bước nhanh đến bắt tay và chào từ biệt: Chào anh! Đáp lại vẫn là sự im lặng! Không có nổi một cái chào bằng nhếch mép! Văn hóa giao tiếp của công an và ứng xử của công cụ chuyên chính vô sản với dân như vậy đó!
Trở lại cuộc gặp. Ông Tâm nói như để giải thích cách xưng hô với tôi: Em năm mươi tuổi! Từ cuộc gặp tôi lần đầu ở trụ sở công an quận Tân Bình, ông Tâm đã thân tình, cởi mở kêu tôi là anh và xưng em. Ông Tâm hỏi về cuộc sống của tôi. Tôi cũng hỏi thăm về ông Tâm và được biết ông Tâm quê Tây Ninh nhưng từ trẻ, bố ông Tâm đã đến Sài Gòn làm ăn, lấy vợ người Sài Gòn và sinh ông Tâm ở Sài Gòn. Ông Tâm làm việc ở công an quận Tân Bình đã ba mươi năm, từ 1981 đến nay, đã học trường trung cấp công an thuộc sở công an thành phố Hồ Chí Minh và trường đại học An ninh thuộc bộ công an nhưng trường ở ngay Thủ Đức. Năm mươi tuổi. Ba mươi năm trong ngành công an, được đào tạo bài bản, chính quy, lại là phó trưởng công an quận, hẳn ông Tâm phải mang hàm đại tá!

2. TÔI VIẾT KHÔNG VÌ TIỀN

Sau màn dạo đầu thăm hỏi, ông Tâm vào chuyện: Một lần tình cờ vào mạng, em thấy tên anh. Không biết có phải bài của anh hay chỉ là sự trùng tên? Ông Tâm định mở đường cho tôi từ bỏ những bài viết của tôi chăng? Tôi xác nhận ngay rằng những bài viết trên mạng kí tên tôi đều là những bài tôi viết. Ông Tâm hỏi tôi nhuận bút những bài viết đó. Đó, mối quan tâm thực sự của công an đó!
Tư duy vị vật chất tầm thường của bộ máy công cụ công an và bộ máy công cụ tuyên truyền của nhà nước này là: Những người nói tiếng nói khác biệt với chính thống, những người viết bài, trả lời phỏng vấn ngoài hệ thống chính thống, nói tiếng nói dân chủ, nói lên khát vọng của cuộc sống về dân chủ, về quyền con người, nói ý chí của dân tộc về độc lập, toàn vẹn lãnh thổ đều do Các – Thế - Lực – Thù – Địch giật dây, đều nhận tiền của Các – Thế - Lực – Thù – Định! Tiền đó là nhuận bút bài viết, là tiền giải thưởng này, giải thưởng kia, là tiền tài trợ, giúp đỡ!
Đẩy tiếng nói dân chủ, nhân quyền, tiếng nói độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ sang phía thù địch là bộ máy chuyên chính vô sản đã đẩy tiếng nói trung thực, khảng khái của nhân dân sang phía thù địch! Dù tiếng nói của họ khác biệt với thể chế, khác biệt với chính quyền thì những người nói tiếng nói trung thực khảng khái đó cũng là những nhân cách lớn. Những nhân cách lớn Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Trần Lâm, Lê Hồng Hà, Nguyễn Thanh Giang, Trần Nhơn, Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo, Tô Hải, Lê Phú Khải, Tống Văn Công, Vi Đức Hồi, Vũ Cao Quận, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Hoàng Tiến, Vũ Hùng, Nguyễn Thượng Long, Nguyễn Phương Anh, Phạm Hồng Sơn, Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn... và còn rất nhiều người khác nữa tôi không thể kể hết tên. Họ đều là những người Việt Nam nặng lòng yêu nước thương nòi. Họ đều là Nhân Dân thân yêu. Coi họ là Nhân Dân thì đối thoại với họ phải là cơ quan tư tưởng, cơ quan tuyên giáo của thể chế, của hệ thống chính trị! Coi họ là thù địch nên đối thoại với họ là công an, là bộ máy bạo lực, là công cụ! Và tôi đang đối thoại với ông quận phó công an quận Tân Bình, thành phố Sài Gòn!
Đẩy sang phía thù địch tiếng nói chính đáng của người dân đòi dân chủ, đẩy sang phía thù địch tiếng nói yêu nước của người dân đòi độc lập toàn vẹn giang sơn, công cụ bạo lực chuyên chính vô sản đối xử với người dân nói tiếng nói trung thực đó như đối xử với kẻ thù giai cấp! Bạo lực được sử dụng tùy tiện, lạnh lùng, tàn nhẫn, bất chấp pháp luật và văn hóa ứng xử! Thanh niên, sinh viên tập hợp để khẳng định với kẻ bành trướng xâm lược đã cướp Hoàng Sa, Trường Sa rằng: Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Cuộc tập hợp của lòng yêu nước đó đã bị công an dùng bạo lực giải tán! Tiếng nói Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tiếng nói của lịch sử mở nước và giữ nước bằng máu của nhiều thế hệ người Việt Nam đã bị sức mạnh công cụ bạo lực dập tắt! Người tổ chức in hàng chữ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam lên áo, người mặc áo mang hàng chữ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bị công an bắt bớ, giam cầm! Người nói tiếng nói dân chủ, bộc lộ chính kiến khác biệt với chính thống bị gán tội tuyên truyền chống nhà nước, bị tù tội! Những bản án tù nghiệt ngã, phi pháp, bất lương dành cho đại tá quân đội Phạm Quế Dương, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Phan Thanh Hải, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Vũ Hùng, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, nhà hán nôm học Trần Khuê, cô gái trẻ Phạm Thanh Nghiên . . . với nhiều tội danh khác nhau nhưng thực chất “tội” của họ chỉ là yêu nước, yêu lẽ phải. Tòa án xét xử họ, nhà tù giam cầm họ là đã xét xử, giam cầm lương tâm và khí phách dân tộc Việt Nam. Chính quyền chống lại họ thì chính quyền đó thực chất không còn là chính quyền của nhân dân Việt Nam nữa!
Đẩy tiếng nói trung thực, khảng khái sang phía kẻ thù để trừng trị, người dân không dám sống thật, nói thật! Xã hội chỉ còn tiếng nói xu thời, giả dối và người xu thời, giả dối, ăn theo, nói leo được tin dùng, trở thành mẫu người thành đạt, thành khuôn mẫu xã hội! Sự giả dối thắng thế, thống trị xã hội! Đó là thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay! Xã hội mà sự giả dối thắng thế thì dứt khoát không phải là xã hội lương thiện, dứt khoát không thể có dân chủ, công bằng, văn minh! Cái gì cần mà không có thường được nhắc đến với tần số cao vọt vừa là nỗi khát khao, vừa là sự an ủi. Thời đất nước còn giặc ngoại xâm, chưa có độc lập thật sự, câu khẩu hiệu Không có gì quí hơn Độc lập Tự do như tiếng nói bật ra từ đáy lòng mỗi người dân, có sức lay động, động viên, thôi thúc rất lớn. Giặc đã tan, nước đã độc lập, câu khẩu hiệu kia không còn sức lay động nữa! Nếu vẫn trương câu khẩu hiệu đó lên thì như phủ nhận nền độc lập đang có! Ngày nay từ Dân chủ, Công bằng, Văn minh xuất hiện trong đời sống với tần số cao hơn hẳn từ Độc lập, Tự do thời đất nước chưa có độc lập thật sự đã là chỉ số về sự thiếu thốn và nỗi khát khao Dân chủ, Công bằng, Văn minh!
Với tư duy vị vật chất tầm thường, không biết đến giá trị nhân văn và trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của con người, bộ máy công cụ công an không hiểu được rằng, chúng tôi viết vì nỗi đau đáu trong lòng chúng tôi, vì nỗi xót xa cho thân phận người dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã phải chịu bao đau thương, mất mát, đã phải tốn bao nhiêu xương máu cho nền độc lập của đất nước Việt Nam. Nhà tan cửa nát cũng ừ / Đánh thắng giặc Mĩ khổ chừ, sướng sau (Câu ca dao thời chiến tranh chống Mĩ ở Quảng Bình) Đã đánh hết giặc Pháp đến giặc Nhật, đánh hết giặc Mĩ đến giặc Pôn pốt, giặc bành trướng! Nhà nào cũng có người bỏ mạng ngoài mặt trận! Nhà nào cũng có người mẹ mất con, vợ mất chồng! Mấy thế hệ con trai, con gái mất cả thời tuổi trẻ đẹp đẽ cho chiến tranh! Hi sinh lớn đến thế để có độc lập! Nhưng nước độc lập rồi mà người dân vẫn không được hưởng quyền tự do dân chủ! Đến quyền cơ bản nhất, thông thường nhất là quyền tự do ngôn luận cũng không có! Thời Pháp đô hộ, nước mất, dân nô lệ mà dân ta vẫn có quyền ra báo tư nhân, lập nhà xuất bản tư nhân! Ngày nay nước có độc lập mà dân không được quyền ra báo tư nhân! Không thể có tự do ngôn luận khi không có báo tư nhân! Sao người dân Việt Nam khốn khổ đến thế, hỡi Trời!
Ở các nước công nghiệp, người dân được hưởng quyền tự do ngôn luận từ thế kỉ XVIII, thế kỉ mở ra kỉ nguyên Ánh sáng, kỉ nguyên cá nhân được nhìn nhận, kỉ nguyên thức tỉnh ý thức cá nhân ở mỗi người, quyền của cá nhân trong xã hội được pháp luật bảo vệ. Trong những quyền cá nhân thì quyền được nói, được bộc lộ tư tưởng chính kiến không những quan trọng với cá nhân mà còn rất quan trọng, cần thiết cho sự phát triển xã hội loài người. Vì thế Voltaire, 1694 – 1778, nhà tư tưởng lớn người Pháp của kỉ nguyên Ánh sáng đã viết: Tôi không thích điều anh nói nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của anh! Xã hội Việt Nam hôm nay sau Voltaire ba trăm năm mà người dân vẫn chưa được hưởng quyền được nói, quyền được bộc lộ tư tưởng chính kiến, quyền tự do ngôn luận! Dù Hiến pháp cho người dân đầy đủ những quyền đó! Hiến pháp năm 1992, điều 69 ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật. Nhưng thực tế những quyền đó người dân đều không có! Sao người dân Việt Nam khổ thế, hỡi Trời!
Không có tự do ngôn luận nên tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ phát biểu chính kiến khác với chính thống liền bị bắt, tống giam, bị khép tội tày đình: Tuyên truyền chống nhà nước! Vì không có tự do ngôn luận nên tôi chỉ viết mấy bài trên trang báo mạng bộc lộ nỗi niềm của tôi về đất nước, về thế sự mà con trai tôi, một kiến trúc sư làm việc trong công ty tư nhân liên tiếp nhận được những cuộc điện thoại răn đe khi nhẹ nhàng, khi gay gắt: Muốn yên ổn làm ăn thì bảo bố đừng viết bài trên mạng nữa!
Loài người đã bước vào thời văn minh tin học kì diệu, chỉ một click chuột, người ta có thể tiếp cận với mọi nền văn minh, tiếp cận với mọi tư tưởng, mọi thông tin mà ở xã hội Việt Nam quyền tự do ngôn luận vẫn chỉ có trên giấy, quyền tự do ngôn luận vẫn là một thứ quá xa xỉ, quá cao xa, người dân không được phép với tới! Người dân chỉ vì sử dụng quyền tự do ngôn luận mà phải trả giá quá đắt bằng những năm tháng tù đày! Không hiểu được rằng chúng tôi viết vì nỗi đau đó của người dân Việt Nam nên bộ máy công cụ chuyên chính vô sản cho rằng chúng tôi viết chỉ vì tiền!
Tôi lại cay đắng nhớ đến nhà văn VL, bạn tôi. Không phải chỉ là bạn văn chương, anh còn là đồng đội của tôi trong chiến tranh. Chúng tôi cùng là những thằng lính chiến, đã nếm trải đủ cung bậc trần ai, đói khổ, sốt rét, bom đạn ở mặt trận miền Nam. May mắn sống sót sau chiến tranh, nên chúng tôi quí nhau lắm. Trở thành nhà văn, có tác phẩm nào được xuất bản, anh cũng tặng sách cho tôi. Anh còn nồng nhiệt và chân tình viết lời giới thiệu đầy cảm hứng cho lần xuất bản đầu một tập truyện của tôi, tập Một Thuở, nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn, 2008. Không trực tiếp tiếp xúc với thông tin mạng, chỉ nghe dư luận bạn bè nói về những bài viết trên mạng của tôi, anh nói với nhà thơ bạn chung của chúng tôi: Sao ông Trọng phải tự đánh bóng mình thế nhỉ! Trời ơi, ông bạn lính của tôi còn nghĩ về tôi như vậy thì những ông công an như ông Tâm nghĩ rằng tôi viết bài trên mạng chỉ vì tiền, cũng là điều dễ hiểu!
Sau một số bài viết của tôi đăng trên một số trang báo mạng, tôi đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại từ các đài phát thanh, các báo tiếng Việt ở Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Úc xin phỏng vấn nhưng tôi đều từ chối. Nhà báo Mặc Lâm ở đài RFA, Mĩ, phôn cho tôi nhiều lần, nể quá, tôi phải nói lại đôi điều về một bài viết của tôi mà ông Lâm quan tâm. Chỉ một lần đó thôi. Nếu cần đánh bóng tên tuổi thì đăng đàn trả lời phỏng vấn trên sóng phát thanh và báo chí tiếng Việt trên khắp thế giới là cơ hội tốt nhất. Vậy mà tôi đã từ chối những cơ hội đó! Ngày 31.7.2010, tôi nhận được email của một người Việt ở Paris là một nhà hoạt động chính trị có uy tín và có tầm ảnh hưởng rộng thông báo sẽ đề nghị đưa tôi vào danh sách xét tặng giải thưởng Nhân quyền năm 2011 và ông đề nghị tôi cung cấp một số tư liệu về cá nhân để làm hồ sơ tuyên dương người nhận giải thưởng. Tôi cảm ơn thiện chí của ông và ban xét giải thưởng dành cho tôi nhưng tôi từ chối không nhận giải. Đây là một giải thưởng đứng đắn và một số tên tuổi người Việt Nam đáng kính đã được trao giải. Hai nhà văn Mĩ sống ở nửa đầu thế kỉ trước, nhà văn Dashiell Hammett, 1894 – 1961 và nhà văn Lillian Hellman, 1905 – 1984, đã dành gia tài của họ làm quĩ cho giải thưởng tặng cho những nhà văn có đóng góp tích cực cho cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ. Nếu cần đánh bóng tên tuổi và ham hố tiền bạc, tôi đã không từ chối cơ hội vừa có tiếng, vừa có miếng này! Bài viết của nhà báo Mặc Lâm về cuộc trao đổi giữa tôi và ông Mặc Lâm trên điện thoại, được ông Mặc Lâm gửi đăng trên báo Người Việt, phát hành ở Mĩ, ông Lâm phôn cho tôi hỏi địa chỉ để gửi tiền nhuận miệng của tôi, tôi cũng từ chối. Không, tôi viết không vì tiền và những trang báo mạng đăng bài của tôi, ngay cả trang báo mạng lớn nổi tiếng thế giới là trang mạng BBC cũng không trả nhuận bút cho người viết vì báo mạng không có nguồn thu từ người đọc. Tôi thưa với ông Tâm điều đó và nói thêm rằng cuộc sống của tôi tuy không giàu nhưng không thiếu thốn! Tôi viết không phải vì tiền!

3. NỖI ĐAU, NỖI NHỤC CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HÔM NAY

Tôi vào bộ đội trước khi cuộc kháng chiến chống Mĩ nổ ra và tôi rời quân ngũ khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài suốt mười năm trời, 1979 – 1989, vừa kết thúc. Cuộc đời lính của tôi gánh trên vai trọn vẹn ba cuộc chiến tranh, chống Mĩ, chống Pôn pốt và chống bành trướng. Chiến tranh chống Mĩ tôi có mặt ở Tây Nguyên. Trong chiến dịch đánh đuổi bọn Pôn pốt giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, tôi là nhà văn đi với tàu chiến của hải quân, lên tàu từ cảng An Thới đảo Phú Quốc đổ bộ lên cảng Công pông xom, Campuchia. Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và giữ quần đảo Trường Sa, tôi có mặt ở mặt trận Cao Bằng, mặt trận Hà Giang và quần đảo Trường Sa. Cả tuổi trẻ của tôi đã hiến dâng cho cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo vệ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng những gì đang diễn ra của chính sự hôm nay cho tôi cảm nhận rằng những người lãnh đạo đất nước hôm nay đang phản bội lại máu những người lính đã đổ ra hôm qua!
Nhiều mảnh đất của tổ tiên người Việt để lại đã thấm đẫm máu nhiều thế hệ người Việt Nam đã không còn là đất đai Việt Nam nữa! Đặc biệt đất đai biên cương phía Bắc càng thấm đẫm nhiều hơn máu những người lính và cả nước mắt cha, mẹ, vợ, con người lính! Tháng ba năm 1987, chiến tranh biên giới Việt – Trung đang còn ác liệt, tôi ngồi cùng ô tô với phó tư lệnh Đặc công, Anh hùng, đại tá Đỗ Văn Ninh đưa mẹ con chị Nguyễn Thị Định là vợ và con của liệt sĩ thượng úy đại đội trưởng Cao Hoàng Việt lên viếng mộ anh Việt vừa hi sinh trước đó ít ngày trong cuộc chiến đấu giành lại điếm cao Xê Ba (C3) ở Vị Xuyên, Hà Giang. Đại đội đặc công của anh Việt vừa giành lại điểm cao Xê Ba thì pháo từ Trung Hoa bắn sang. Đạn pháo xé làm thân thể anh Việt không còn nguyên vẹn. Một phần thân thể người lính Cao Hoàng Việt đã lẫn ngay vào đất đá trên mỏm núi đá Xê Ba. Người đàn bà trẻ, nhân viên đánh máy viện Văn học Việt Nam mới ngoài hai mươi tuổi, vợ liệt sĩ Cao Hoàng Việt, khóc lặng lẽ bên nấm mộ còn tươi màu đất mới đắp trên sườn đồi hoang lạnh. Chị khóc cho cuộc đời tận tụy hi sinh cống hiến cho đất nước mà quá ngắn ngủi của anh! Chị khóc cho thân phận góa bụa còn quá trẻ của chị! Chị khóc cả cho đứa con trai côi cút mới bốn tuổi còn chưa biết khóc cha. Cho đến nay giọt nước mắt của người vợ liệt sĩ khóc chồng ở sườn đồi hoang lạnh biên giới phía Bắc vẫn còn mặn chát trong lòng tôi!
Các ông thứ trưởng bộ Ngoại giao Lê Công Phụng và Vũ Dũng nối tiếp nhau làm trưởng phái đoàn đàm phán phân định biên giới Việt – Trung đã không biết cái giá máu và nước mắt của từng tấc đất biên cương! Các ông lại không thuộc lịch sử Việt Nam nên không nhớ lời dặn của tổ tiên, của lịch sử: Một thước đất, một tấc sông của ta lẽ nào có thể vứt bỏ? Phải kiên quyết tranh biện, chớ để cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di! Lời vua Lê Thánh Tôn nói với sứ thần nhà Lê cũng là lời của khí thiêng sông núi Việt Nam, lời của khí phách dân tộc Việt Nam nói với mọi thế hệ con dân nước Việt! Không biết giá máu của đất đai, không nhớ, không thuộc lịch sử đất nước, không có khí phách dân tộc, lại không có cái tâm sáng vì dân vì nước, các ông Lê Công Phụng, Vũ Dũng đã nhân nhượng thỏa hiệp cho Trung Hoa lấn được quá nhiều đất đai của tổ tiên người Việt ở biên giới phía Bắc qua hiệp định phân định biên giới Việt – Trung mà ông Phụng, ông Dũng đàm phán và chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa kí kết!
Thác Bản Giốc hùng vĩ tráng lệ ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng của tổ tiên giao lại nay theo hiệp định biên giới vừa kí kết với Trung Hoa, một nửa thác Bản Giốc, phần trên cao hùng vĩ nhất đã thuộc lãnh thổ Trung Hoa rồi!
Thời Pháp độ hộ nước ta, cửa ngõ phía Bắc đất nước thuộc tỉnh Lạng Sơn, Pháp xây những tòa nhà, những công trình làm trụ sở làm việc và nhà ở cho gia đình những người trông coi cửa ngõ quốc gia, đối mặt với những công trình tương tự của nhà Thanh phía bên kia biên giới. Dù được xây dựng dưới thời Pháp đô hộ, những ngôi nhà, những công trình đó cũng thuộc về lịch sử Việt Nam, là cửa ngõ, là cánh cổng quốc gia của đất nước Việt Nam, là bằng chứng lịch sử hùng hồn về đất đai lãnh thổ Việt Nam. Nhưng theo hiệp định phân định biên giới vừa kí kết với Trung Hoa, những ngôi nhà, những công trình đó đã thuộc lãnh thổ Trung Hoa rồi!
Thỏa hiệp để Trung Hoa chiếm mất những công trình của lịch sử Việt Nam! Thỏa hiệp để Trung Hoa chiếm mất nửa thác Bản Giốc hùng vĩ! Thỏa hiệp để Trung Hoa chiếm mất những ngọn núi của tổ tiên người Việt đã thấm đẫm máu và nước mắt lớp lớp thế hệ người Việt Nam! Tội của các ông Lê Công Phụng, Vũ Dũng lớn hơn rất nhiều tội của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống! Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống chỉ nộp linh hồn của họ cho giặc. Ông Phụng, ông Dũng đã cắt cả đất đai thiêng liêng của tổ tiên người Việt nộp cho giặc! Làm tới thứ trưởng bộ Ngoại giao, hưởng ơn dân, lộc nước đã dày mà ông Phụng, ông Dũng nỡ phản nước, hại dân như vậy sao? Lịch sử Việt Nam và các thế hệ người Việt Nam mãi mãi ghi khắc tội bán nước của những người có trách nhiệm quản lí đất nước hôm nay!
Nhà nước phong kiến quản lí đất đai Việt Nam hàng ngàn năm không làm hao hụt một tấc đất mà còn mở rộng lãnh thổ Việt Nam từ châu thổ sông Hồng tới châu thổ sông Cửu Long, ra tới tận Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc, Thổ Chu! Thực dân Pháp xâm lược độ hộ Việt Nam cả trăm năm mà đất đai sông núi biển trời Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn! Người cộng sản Việt Nam quản lí đất đai Việt Nam mới mấy chục năm đã để mất quá nhiều đất đai sông núi đã thấm đẫm máu của tổ tiên người Việt! Sao đau đớn, nhục nhã thế, hỡi Trời!
Tôi viết vì nỗi đau đớn, nhục nhã đó!
Dải đất Tây Nguyên thiêng liêng là căn cứ thần thánh của những cuộc kháng chiến giữ nước thời hiện đại. Kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mĩ, rừng núi Tây Nguyên đều là căn cứ kháng chiến, giặc bất khả xâm phạm. Với tôi Tây Nguyên là những năm tháng sốt rét, đói cơm, thèm từ cọng rau xanh và thiếu cả viên thuốc nivaquine trị sốt rét nhưng đất rừng Tây Nguyên mãi mãi thiêng liêng và thân thiết như máu thịt cuộc đời tôi. Các dân tộc sống trên bán đảo Đông Dương còn giữ được Tây Nguyên, còn làm chủ được Tây Nguyên là còn làm chủ được cả bán đảo Đông Dương. Nay đất rừng Tây Nguyên không còn của các dân tộc Tây Nguyên nữa rồi! Đất rừng Tây Nguyên đã trở thành công trường khai thác bauxite của người Trung Hoa rồi! Hàng ngàn người Trung Hoa cùng với công cụ khai mỏ Trung Hoa, cùng với công cụ đồng hóa Trung Hoa, cùng với mưu chước Trung Nam Hải đã làm chủ Tây Nguyên rồi! Đất rừng Tây Nguyên, cội nguồn của một trong những dòng văn hóa đặc sắc nhất tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Nay cây rừng Tây Nguyên đã bị tàn phá trống trơ như sa mạc và đất rừng Tây Nguyên đã bị đào bới như bãi bom B52 thì văn hóa Tây Nguyên đã bị triệt hạ tận gốc rồi! Với tôi, Tây Nguyên là căn hầm dưới tán rừng đại ngàn, là con suối cho chúng tôi món canh môn thục những ngày thiếu đói, là góc rừng nơi chúng tôi chôn những đồng đội chết vì sốt rét ác tính, chết vì trận bom bất ngờ dội xuống trong bữa cơm chiều! Báo vừa đưa tin: Người dân thị xã Kon Tum đào móng làm nhà phát hiện hai bộ hài cốt liệt sĩ. Nhờ những vật dụng còn lại cùng với hai bộ hài cốt cơ quan chức năng đã xác định được đơn vị, thời điểm hi sinh, từ đó lần ra tên tuổi hai liệt sĩ! Người Trung Hoa đào bới mênh mông đất rừng Tây Nguyên chắc chắn sẽ gặp rất nhiều những bộ xương liệt sĩ như vậy nhưng họ cũng coi như xương thú rừng, dửng dưng vất bỏ mà thôi! Rước người Trung Hoa vào đào bới bauxite Tây Nguyên là phản bội lịch sử đất nước, phản bội sự sống của dân tộc, phản bội văn hóa Tây Nguyên, phản bội quá khứ, phản bội cả tương lai, phản bội máu những người lính đã chết và phản bội cả những người lính còn sống!
Tôi viết vì nỗi đau khi bị phản bội đó!
Tàu đánh cá Trung Hoa va vào tàu tuần tiễu Nhật Bản trên vùng biển hai nước đang tranh chấp. Thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Hoa bị tàu tuần tiễu nhật Bản bắt giữ. Lập tức cả đất nước Trung Hoa nổi bão táp phản đối Nhật Bản. Chính phủ Trung Hoa quyết liệt làm mọi việc có thể làm đòi Nhật Bản trả người Trung Hoa bị Nhật Bản bắt giữ! Được phía Nhật Bản trả người, chính phủ và người dân Trung Hoa đón ông thuyền trưởng tàu cá từ Nhật Bản trở về như đón người Anh hùng dân tộc. Đó là tư thế quốc gia của Chính phủ Trung Hoa, là nghĩa vụ với dân của Nhà nước Trung Hoa tồn tại bằng tiền thuế của người dân Trung Hoa. Đó là danh dự, phẩm giá người dân Trung Hoa trước thiên hạ. Nhìn cách Chính phủ Trung Hoa thực hiện nghĩa vụ với người dân, nhìn cách Chính phủ Trung Hoa bảo vệ danh dự và phẩm giá chính trị người dân Trung Hoa lại ngậm ngùi đau xót cho thân phận người dân Việt Nam! Dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển Việt Nam, bị tàu chiến Trung Hoa xả súng bắn, chín người dân Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa chết mất xác. Trên biển Việt Nam những năm tháng này cứ lặp đi lặp lại tình cảnh đau xót và tủi nhục: Đội hình tàu chiến Trung Hoa lừng lững lao thẳng vào tàu dân Việt Nam đánh cá. Con tàu mỏng manh của dân nghèo Việt Nam, chiếc vỡ toác chìm nghỉm đáy biển, chiếc bị tàu chiến Trung Hoa bắt giữ! Máy móc trang thiết bị trên tàu cùng cá đánh được bị lính Trung Hoa cướp, người bị lính Trung Hoa bắt giam đòi tiền chuộc! Nỗi đau mất tính mạng, mất tài sản của dân, nỗi nhục quốc thể của cả dân tộc cứ kéo dài hết năm này đến năm khác! Mỗi lần như vậy chỉ có người phát ngôn bộ Ngoại giao xuất hiện thoáng chốc trên đài truyền hình với vẻ mặt bình thản, dửng dưng nói mấy lời phản đối lấy lệ với câu chữ khuôn mẫu muôn thuở!
Dân đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước để bộ máy nhà nước đồ sộ với đủ các cơ quan có chức năng chăm lo cho dân, bảo vệ dân. Dân ta còn quá nghèo khổ. Cụ ông 98 tuổi ở Hà Nội hàng ngày vẫn phải đội mưa mùa hè, phơi mặt ra gió rét mùa đông gò lưng đạp xích lô kiếm miếng ăn từng bữa. Cụ bà 76 tuổi ở Khánh Hòa ngày nào cũng phải dậy từ lúc còn tối đất ra bãi biển mò con ốc dạt, chộp con cua lạc kiếm sống. Trên những bãi rác khắp nước, nơi nào cũng có những đứa trẻ suốt ngày bới rác kiếm ăn không được đến trường. Đất nước nghèo như vậy mà quan chức nhà nước cấp cao sống vương giả hơn nhiều quan chức cấp cao nhất ở các nước giàu nhất thế giới! Nhưng dân ta làm ăn trên biển của ta bị lính Trung Hoa bắn giết thì nhà nước bỏ mặc dân! Dân Việt Nam tập hợp phản đối Trung Hoa sát nhập quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào đơn vị hành chính Trung Hoa thì lập tức nhà nước Việt Nam huy động lực lượng lớn công an hung hãn giải tán, đánh đập, bắt bớ người dân bộc lộ lòng yêu nước! Đó là sự đớn hèn ở phương diện quốc gia! Là sự rẻ rúng danh dự, phẩm giá Tổ quốc Việt Nam! Là sự rẻ rúng danh dự phẩm giá người dân Việt Nam! Một Nhà nước, một Chính phủ như vậy không xứng đáng với lịch sử Việt Nam, không xứng đáng với dân tộc Việt Nam. Nhà nước đó, Chính phủ đó đã đem lại cho người dân Việt Nam hôm nay nỗi đau xót tủi nhục sâu sắc!
Tôi viết vì nỗi đau xót tủi nhục đó!
(còn tiếp)
-Phạm Đình Trọng - Thưa chuyện với công cụ bạo lực chuyên chính vô sản (1)
--
Phạm Đình Trọng - Thưa chuyện với công cụ bạo lực chuyên chính vô sản (2)

4. ĐỪNG VIẾT NỮA!

Ông quận phó công an Tân Bình Nguyễn Thành Tâm gặp tôi bằng được, tưởng rằng tôi sẽ được nghe ông Tâm nói. Hóa ra tôi lại là người nói nhiều hơn cả. Hơn lúc nào hết, lúc này đảng Cộng sản Việt Nam càng phải huy động tối đa hai công cụ chuyên chính vô sản, công cụ tư tưởng và công cụ bạo lực, tuyên giáo và công an. Nghiệp vụ của tuyên giáo là nói. Nói xưng xưng! Nói lấy được! Nói như ông Đinh Thế Huynh khi sắp bước vào bộ Chính trị: Nhân dân Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên, đa đảng là nói lấy được! Nói theo mong muốn của đảng đang độc quyền thống trị chứ không nói theo đòi hỏi của cuộc sống, không nói theo tất yếu của lịch sử! Nghiệp vụ của công an là hỏi, là khai thác, lấy cung! Dù ông Tâm hẹn gặp tôi ở quán giải khát thì vẫn là cuộc gặp của nghiệp vụ công an, vẫn là những câu hỏi và vẫn có người đi cùng ông Tâm làm nghiệp vụ kĩ thuật công an!
Có câu hỏi của ông Tâm tôi chỉ cần nói ngắn gọn như khi ông Tâm hỏi về bài viết gần đây nhất của tôi. Tôi nói rằng đó là bài Thưa Ông Bộ Trưởng đăng trên nhiều trang mạng khoảng giữa tháng mười một, năm 2010, tôi viết phản bác ý kiến của ông Bộ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên nói trước Quốc hội bộc lộ kiến thức văn hóa xã hội trống hụt quá lớn lại hàm hồ, hung hăng nói lấy được, quen thói cả vú lấp miệng em của người có quyền! Tuyệt đối tin tưởng vào Chính phủ, vào cấp trên, ông Tâm bảo tôi: Làm Bộ trưởng là phải có kiến thức cao, hiểu biết rộng, làm sao anh phản bác được? Dựa vào đâu anh phản bác? Tôi nghĩ thầm: Trời ơi, các ông Bộ trưởng nhà ta mà có kiến thức cao, hiểu biết rộng thì dân mình đã không khốn khổ như thế này. Nhưng tôi cố nén không nói ra điều đó. Tôi bảo ông Tâm: Tôi có một tủ sách đủ tra cứu những vần đề tôi quan tâm. Riêng với ý kiến ông Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, chỉ cần những kiến thức thường trực có sẵn trong tôi, đủ để tôi phản bác mà ông Bộ trưởng không nói lại được!
Còn những vấn đề khác ông Tâm nêu ra đã gợi cho tôi rất nhiều điều muốn trao đổi với ông Tâm. Dù người nói chủ yếu là tôi nhưng lúc ngồi với ông Tâm tôi vẫn chưa nói được rõ, chưa nói được đủ ý. Khi ông Tâm bảo tôi rằng: Thôi đừng viết nữa! thì tôi càng muốn nói lại với ông Tâm. Nhưng ông Tâm gặp tôi dường như chỉ để nói câu đó! Ông Tâm đã nói được câu cần nói rồi nên cuộc gặp cũng kết thúc!
Anh yêu em! Người đang yêu nào cũng muốn được nói câu đó đến ngàn lần, vạn lần với người mình yêu! Người đang yêu nào cũng luôn có nhu cầu được bộc lộ, giãi bày các cung bậc tình yêu! Trìu mến, tha thiết là một cung bậc của tình yêu! Đau khổ, giận hờn, cả bất bình, phẫn nộ trước những nỗi cay đắng của người yêu cũng là một cung bậc tình yêu! Tôi yêu nước Việt Nam tươi xanh gấm vóc của tôi! Mảnh đất tôi đã chiến đấu giữ gìn và lao động xây dựng! Mảnh đất có mồ hôi, xương máu những người thân yêu của tôi. Màu xanh của đất nước tôi đang bị tàn phá! Máu xương của cha ông tôi đang bị mang ra đổi chác cho lợi ích của những phe nhóm mờ ám, bất lương! Làm sao tôi có thể dửng dưng im lặng! Tôi yêu nhân dân Việt Nam ruột thịt của tôi! Những người dân hiền lành, chịu thương chịu khó đã làm nên nền văn minh lúa nước lung linh hồn người góp vào sự rực rỡ của văn minh nhân loại! Những con NGƯỜI chân chính cao cả đó đến nay vẫn chưa được thực sự có những quyền cơ bản, thông thường của con người, làm sao tôi có thể trơ lì im lặng! Những trang viết là những cung bậc tình yêu của tôi với đất nước Việt Nam máu thịt, với nhân dân Việt Nam thân yêu của tôi!
Đừng viết nữa! Đó là lệnh cấm người con trai đang yêu không được nói Anh yêu em! Không được bộc lộ tình yêu! Cũng như hành động của công an giải tán, bắt bớ người dân biểu tình phản đối Trung Hoa sát nhập quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Hoa là ngôn ngữ nhà nước Việt Nam nói với người dân rằng: Cấm không được yêu nước! Cứ để đất đai Việt Nam cho người Trung Hoa sát nhập vào lãnh thổ của họ để họ bảo lãnh cho các quan chức Việt Nam được trị vì mãi mãi, dù bất tài, tham nhũng đến đâu cũng vẫn ngang nhiên trị vì!
Ở tuổi quàng khăn đỏ, tôi được học năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt, Khiêm tốn, thật thà, dũng
cảm! Đừng viết nữa! Đó là lệnh cấm tôi không được yêu Tổ quốc! Không được yêu Nhân dân! Cứ sống đớn hèn, an phận, giữ lấy cuộc sống thong dong cho bản thân và sự bình yên cho cuộc sống lao động làm ăn của con cái, của người thân!
Trí thức dứt khoát không thể là kẻ giá áo túi cơm! Trí thức không phải chỉ là mấy cái học hàm học vị đọc lên nghe loảng xoảng như gõ thanh la não bạt! trí thức là người suốt đời canh cánh món nợ phải trả cho dân cho nước: Một thân lẩn quất đường khoa mục / Hai chữ mơ màng việc quốc gia / ... / Quân thân chưa báo lòng canh cánh / Tình phụ cơm trời, áo cha (Nguyễn Trãi) Ơn vua chưa chút báo đền / Cúi trông hổ đất ngửa lên thẹn trời (Nguyễn Khuyến). Nhà văn không phải chỉ ở cái danh, không phải chỉ để viết mấy tập thơ ngâm vịnh, mấy tập truyện tình lâm li, mấy tập truyện anh hùng ca về thời chiến tranh cách mạng! Nhà văn là phần thức của tâm hồn dân tộc. Bình sinh độc bão tiên ưu chí / Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên (Nguyễn Trãi). Dịch: Bình sinh đơn độc cùng cái chí lo trước / Ngồi ôm chăn lạnh không ngủ suốt đêm. Tấc dạ kẻ sĩ đau đáu trong đêm: Nhà ngặt đèn xanh, con mắt xanh (Nguyễn Trãi) làm sao có thể im lặng trước tanh bành bùn đỏ bauxite trên đỉnh cao nguyên phía Tây, trước ngập ngụa nợ nần Vinashin ở cửa biển phía đông, trước họa mất nước đang diễn ra, trước nỗi đau người Việt bị chính người Việt nô dịch!
Kẻ vô sỉ lúc trẻ cần học hành, rèn rũa trí lự và nhân cách thì không chịu học và cũng không học được liền nhanh chân nhập vào dòng người xuất khẩu lao động tìm đường kiếm sống cho bản thân bằng cơ bắp làm thuê. Đến khi nhờ thời thế, ông bố có quyền lực quốc gia, kẻ làm thuê cơ bắp đó liền được cơ cấu vào câu lạc bộ hai trăm chính khách nắm vận mệnh quốc gia! Quốc gia trong tay những người như thế làm sao không khốn cùng! Quốc gia trong tay những người như thế nên gần bốn mươi năm hòa bình xây dựng đất nước mà Tết Tân Mão 2011 vừa rồi Nhà nước vẫn phải rải gạo cứu đói cho nhiều vùng! Bình thản làm ngơ trước thân phận đất nước, thân phận nhân dân như vậy, đâu còn là người lương thiện!
Đừng viết nữa! Điều cấm đó đã vi phạm Hiến pháp, chống lại Hiến pháp. Hiến pháp hiện hành là Hiến pháp 1992. Đã có ít nhất ba điều của Hiến pháp 1992 cho người dân quyền được nói, được viết, được có ý kiến về những vấn đề của đất nước.
Điều 8: Các cơ quan Nhà nước, cán bộ viên chức Nhà nước phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân.
Điều 53: Công dân có quyền tham gia quản lí Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận những vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý.
Điều 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí...
Hiến pháp là ý chí của Nhân dân, là bộ luật khung để triển khai các bộ luật, các văn bản, qui định pháp luật khác. Các văn bản, qui định pháp luật, các hành vi của Nhà nước trái với Hiến pháp là vi Hiến, chống lại ý chí Nhân dân. Hiến pháp cho tôi được viết, được bộc lộ chính kiến, được có ý kiến về những vấn đề của đất nước và xã hội. Hiến pháp cũng buộc quan chức Nhà nước phải lắng nghe tôi, chứ không được phép cấm tôi bộc lộ chính kiến!
Nhưng đảng Cộng sản độc quyền thống trị xã hội, độc quyền thống trị Nhà nước nên thực tế quyền đảng cao hơn Hiến pháp! Quyền đảng áp đảo ý chí Dân! Quyền đảng thủ tiêu Hiến pháp! Từ thế kỉ XVIII, người dân các nước công nghiệp châu Âu đã thực sự có quyền tự do ngôn luận. Ba trăm năm sau, sang thế kỉ XXI rồi mà người dân Việt Nam vẫn chưa có quyền căn bản này!

5. ĐỨC TIN TÔN GIÁO

Khi ông cảnh sát khu vực, đại úy Dương Tấn Lắm quan tâm đặc biệt đến tôi, thường xuyên đến với tôi, thường xuyên “điểm danh” tôi, khi ông quận phó công an Nguyễn Thành Tâm phụ trách an ninh nội chính bề bộn công việc vẫn dành thời gian gặp tôi tới hai lần là công an đã đưa tôi vào kính ngắm, coi tôi là đối tượng của cuộc đấu tranh giai cấp không khoan nhượng, một mất một còn. Vì thế tôi đã nói với ông Tâm rằng cuộc gặp của ông Tâm với tôi chỉ là khúc dạo đầu, chỉ là nấc thang đầu tiên trong ứng xử của công an với tôi. Chuyện trò với ông Tâm tôi cũng cảm nhận được là, ông Tâm chưa hề đọc các bài viết của tôi! Điều tôi cảm nhận rõ hơn nữa là đức tin tôn giáo của ông Tâm vào học thuyết đấu tranh giai cấp sai lầm, tệ hại của ông Marx đã gây cho dân tộc Việt Nam những đau thương mất mát nặng nề, làm cho trang sử cách mạng Việt Nam những năm tháng vừa qua, phía sau khúc tráng ca do tuyên truyền tạo nên là khúc bi ca ai oán về một dân tộc tang tóc và chia rẽ sâu sắc, một đất nước tan nát! Đó thực sự là những trang sử đau thương trong lịch sử Việt Nam vốn đã quá nhiều đau thương!
Đức tin tôn giáo là đức tin bằng cảm tính, bằng giáo lí, với lòng thành kính, ngưỡng mộ vào một lí tưởng tưởng là tuyện đối, vĩnh hằng, cao cả, nhân hậu, cứu rỗi con người. Vì là đức tin nhiều cảm tính, nặng giáo lí nên nhiều mê muội, thiếu tỉnh táo. Năm 26 tuổi, học trường Sĩ quan Thông tin, bên cạnh những môn học vô tuyến điện, chiến thuật tác chiến của tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh trong các hình thức chiến thuật: Vây căn cứ, diệt viện binh. Vận động tấn công kết hợp chốt chặn... Sĩ quan thông tin phải tổ chức thông tin bảo đảm chỉ huy cho những hình thái chiến thuật đó, tôi còn được học khá nhiều giờ về triết học Marx Lénine, về chủ nghĩa xã hội khoa học và tôi đã từng có đức tin tôn giáo đó!
Ông Tâm chưa đọc các bài viết của tôi nhưng vì đức tin tôn giáo vào học thuyết đấu tranh giai cấp mà ông Tâm dành cho tôi hai cuộc gặp! Cũng vì đức tin tôn giáo vào học thuyết đấu tranh giai cấp mà những chiến sĩ công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình đã hành xử quá bạo liệt, nhẫn tâm, phản nhân văn đối với những tiếng nói đòi giải phóng con người, giải phóng dân tộc khỏi mớ giáo lí phản con người, phản dân tộc! Bạo liệt, nhẫn tâm cả với những phụ nữ yếu ớt, đơn độc cần được nâng đỡ che chở như các chị Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, Dương Thị Tân, Phạm Thanh Nghiên... Vì thế, tôi thấy cần viết một chút về đức tin tôn giáo vào học thuyết đấu tranh giai cấp đã mang đến cho dân tộc Việt Nam bao tai họa và đang làm chia rẽ, li tán, suy yếu dân tộc Việt Nam.
Khi ông K. Marx và ông F. Engels công bố Tuyên ngôn của đảng cộng sản, tháng hai, năm 1848, ông Marx sinh tháng năm, năm 1818, mới 29 tuổi, ông Engels, sinh tháng mười, năm 1820, mới 27 tuổi. Khổng Tử, nhà tư tưởng cổ điển vĩ đại nhất của Trung Hoa đã khái quát chặng đường đời của kẻ làm trai có chí bình sinh là: Tu thân – Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ. Và mốc tuổi tác của những chặng đường đó là: Tam thập nhi lập – Tứ thập bất hoặc – Ngũ thập tri thiên mệnh.. Ba mươi tuổi, tam thập nhi lập, mới là tuổi lập thân, tề gia, ổn định gia đình, Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà / Cả ba việc ấy ắt là phải lo. Bốn mươi tuổi mới có sự tự tin để không còn nghi hoặc, để hiểu mình, hiểu người, đảm đương, gánh vác những trách nhiệm nặng nề trước xã hội. Học hành, tích lũy kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo, đến năm mươi tuổi mới biết mệnh đất trời, mới nắm được qui luật tự nhiên. Thế giới tự nhiên là thế giới vật chất, nhìn thấy, nắm bắt, cân đo được, do đó khám phá qui luật tự nhiên cũng dễ dàng, đơn giản hơn khám phá qui luật xã hội phi vật thể. Những thiên tài kiệt xuất của loài người cũng phải ngũ thập tri thiên mệnh, đến tuổi năm mươi mới mon men tiếp cận được một, hai qui luật tự nhiên. N. Copernic, 1473 – 1543, nhà khoa học lỗi lạc người Ba Lan sau hàng năm trời dán mắt vào ống kính nhìn xa hướng lên vòm trời và sau hàng năm trời đo đạc bóng mặt trời đổ trên mặt đất, mãi 57 tuổi mới khám phá ra quả đất quay quanh mặt trời. Nhà khoa học thiên tài người Anh I. Newton, 1642 – 1727, sau hàng ngàn lần nhìn quả táo rụng trong vườn, sau hàng ngàn ngày đọc sách suy ngẫm tìm tòi, mãi năm 47 tuổi mới khám phá ra qui luật vạn vật hấp dẫn!
Không như qui luật tự nhiên hiển hiện trong vật thể, có thể cân đo, có thể tái tạo trong phòng thí nghiệm, qui luật xã hội ẩn chứa trong đời sống xã hội, ẩn chứa trong thăm thẳm lịch sử phát triển xã hội loài người, không thể cân đo, không thể tái tạo. Lịch sử loài người chính là phòng thí nghiệm để tìm ra qui luật xã hội nhưng đọc được kết quả thí nghiệm đó ngoài thông tuệ kinh sử cần có mẫn cảm nghệ sĩ và quan trọng nhất là sự từng trải cuộc đời. Với khoa học tự nhiên, tuổi 29 và tuổi 27 vẫn là tuổi trẻ người, với khoa học xã hội, tuổi 29 và tuổi 27 càng trẻ người non dạ! Thời hai thanh niên 29 tuổi và 27 tuổi, Marx và Engels, mở to mắt nhìn vào xã hội, nhận thức xã hội là thời gian giai cấp tư sản công nghiệp vừa hình thành đang hổi hả tích lũy tư bản bằng bóc lột tàn nhẫn sức lực, mồ hôi và cả máu những người làm thuê mà ông Marx đưa lên thành giai cấp công nhân. Cùng với bóc lột người làm thuê trong nước, giai cấp tư sản công nghiệp cũng quyết liệt xâm chiếm thuộc địa bằng chiến tranh xâm lược để bóc lột tài nguyên thuộc địa và bóc lột máu người dân thuộc địa. Chủ nghĩa tư bản thời hoang dã đó thực sự là con thú đói! Đói vốn! Đói thời gian! Đói sức lao động! Đói nguyên liệu! Con thú người đó đã bộc lộ sự man rợ độc ác nhất trong mối quan hệ xã hội người! Trẻ người non dạ lại phải chứng kiến tội lỗi ngập ngụa của xã hội tư bản thời hoang dã, chứng kiến hai thái cực đối kháng trong mối quan hệ ông chủ bóc lột và người làm thuê bị bóc lột, hai thanh niên tuổi 29 và 27, Marx và Engels, liền hăm hở soạn thảo Tuyên ngôn của đảng Cộng sản, cương lĩnh chính trị đưa giai cấp làm thuê lên vũ đài chính trị đấu tranh giai cấp nhân tạo quyết liệt!
Tuyên ngôn to tát, lời lẽ hùng hồn nhưng lại vô cùng non nớt về chính trị của ngòi bút tuổi trẻ thừa bầu máu nóng nhưng lại thiếu sự chín chắn, từng trải và tầm khái quát không thể thiếu của một luận văn chính trị. Ngay câu đầu tiên của Tuyên ngôn đảng Cộng sản, hai thanh niên 29 tuổi và 27 tuổi, Marx và Engels, đã coi chủ nghĩa Cộng sản do họ khai sinh ra là bóng ma! Nguyên văn câu đầu tiên của Tuyên ngôn đảng Cộng sản: Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu - bóng ma chủ nghĩa Cộng sản! The Communist Manifesto: A spectre is haunting Europe – the spectre of Communism! Bóng ma thì không có thật! Đã là bóng ma thì chẳng có gì tốt lành! Kêu gọi giai cấp vô sản thế giới làm cách mạng thế giới bằng chủ nghĩa Cộng sản chỉ là bóng ma thì quá ngờ nghệch, dại dột, hớ hênh, non kém của một thủ lĩnh chính trị trẻ người non dạ, còn thiếu hụt quá lớn kiến thức xã hội! Thực tế đã chứng minh đúng như điều Marx và Engels đã viết trong Tuyên ngôn đảng Cộng sản, chủ nghĩa Cộng sản chỉ là bóng ma!
Đất nước Xô Viết sau gần một thế kỉ tìm đường đi lên chủ nghĩa Cộng sản bằng mồ hôi, máu và nước mắt đã phải dừng lại, quay về với con đường phát triển theo qui luật tự nhiên là kinh tế tư bản! Vì càng đi, những tiêu chí của chủ nghĩa Cộng sản càng xa vời, trong khi thực tế những nước tư bản chủ nghĩa lại đang đến ngày càng gần với những tiêu chí nhân đạo của chủ nghĩa Cộng sản! Sau gần một thế kỉ đấu tranh giai cấp khốc liệt để xây dựng chủ nghĩa Cộng sản trên phạm vi thế giới, hơn một trăm triệu mạng người đã bị giết bởi đấu tố, thủ tiêu, tù đày, pháp trường. Tất cả những nước thực hiện chủ nghĩa Cộng sản đều có hàng triệu, hàng chục triệu người bị giết tức tưởi do đấu tranh giai cấp, đều có hàng triệu, hàng chục triệu người bị tù đày hoặc phải bỏ nước ra đi do đấu tranh giai cấp! Đó là thực tế lịch sử không thể chối cãi!
Tuyên ngôn đảng Cộng sản đã nâng những người lao động làm thuê, thời đó hầu hết là lao động làm thuê bằng cơ bắp, không vốn liếng, không tri thức, chỉ có lòng căm thù giai cấp và khát khao đòi quyền lợi, trở thành giai cấp công nhân và đưa họ lên vũ đài chính trị, đẩy họ vào cuộc đấu tranh giai cấp nhân tạo tàn khốc chỉ với mục đích bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình! Tuyên ngôn đảng Cộng sản đã vô cùng sai lầm, cực đoan khi tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp. Tuyên ngôn khẳng định chắc nịch: Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp! Chính luận điểm cực đoan, sai trái, nguy hại này đã đẩy loài người vào cuộc đại loạn đấu tranh giai cấp tàn bạo, triền miên, kéo dài suốt thế kỉ XX, thế kỉ xuất hiện, lan tràn các đảng Cộng sản.
Loài người xuất hiện từ một loài khỉ tinh khôn biết lao động bằng công cụ và sự phát triển của công cụ lao động cũng chính là sự phát triển của loài người. Lịch sử phát triển từ chiếc rìu đá đến bàn phím máy vi tính là lịch sử huy hoàng, lí thú, hấp dẫn, đầy tính người, rất tiêu biểu cho lịch sử phát triển xã hội loài người. Viết như Tuyên ngôn đảng Cộng sản thì cũng có thể viết: Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến nay chỉ là lịch sử của công cụ lao động. Vai trò quan trọng, quyết định của công cụ lao động đối với xã hội loài người đã từng được Marx nhìn nhận khi ông viết: Vấn đề quan trọng không phải là làm ra cái gì mà bằng cách gì làm ra cái đó. Chiếc cày chìa vôi và máy cày, máy gặt đập liên hợp cùng làm ra hạt lúa. Nhưng với chiếc cày chìa vôi, một người một vụ cực nhọc từ sớm đến khuya chỉ làm ra vài tạ lúa, cuộc sống quanh năm lam lũ, đói khổ! Với máy cày, máy gặt đập liên hợp, một người một vụ thong thả, nhẹ nhàng cũng làm ra hàng ngàn tấn lúa, cuộc sống phong lưu, nhàn nhã! Nếu nhìn nhận lịch sử xã hội loài người bằng lịch sử công cụ lao động thì loài người đã không phải trải qua một thế kỉ đấu tranh giai cấp nồi da nấu thịt!
Lịch sử xã hội loài người dù ở bất kì thời nào, ở bất kì nước nào đều có chu kì thịnh – suy và thời thịnh là chủ yếu. Yếu tố làm nên thời thịnh và đặc trưng thời thịnh là: Vua sáng, tôi hiền. Lễ nghĩa, kỉ cương được coi trọng. Người dân được chăm lo, bảo vệ. Cuộc sống bình yên. Trên dưới thuận hòa, một lòng dựng nước, giữ nước. Nhờ có thời thịnh xuyên suốt trong lịch sử, các quốc gia được củng cố, vững mạnh mới còn lại đến hôm nay. Nhờ có thời thịnh kéo dài hàng trăm năm, hàng ngàn năm mới hình thành được những nền văn minh rực rỡ, mới xuất hiện những nền văn hóa đặc sắc còn lại đến hôm nay. Khi giai cấp thống trị thối nát, bóc lột, đàn áp, hà hiếp lương dân, dân đói khổ bất bình nổi lên. Đó là lúc đấu tranh giai cấp, lúc xã hội suy vong. Đấu tranh giai cấp là đấu tranh xã hội ở phạm vi quốc gia đã tan nát cả nước, đã nghèo khổ cả dân tộc, là thảm họa của dân tộc, ở phạm vi thế giới là tàn phá cả thế giới, là thảm họa của cả loài người, không thể có văn minh, càng không thể có phát triển! Chở thuyền là sức dân, lật thuyền cũng là sức dân! Dân đóng thuế nuôi Nhà nước nhưng khi khi Nhà nước suy vong, thối nát, hại dân, phản nước, chính Dân sẽ lật đổ Nhà nước thối nát, dựng lên Nhà nước mới tử tế với dân, mở ra thời thịnh mới!
Đấu tranh giai cấp chỉ nổi lên khi xã hội suy vong. Đó là những khúc ghềnh thác của dòng chảy lịch sử, là những trang sử buồn trong pho sử oanh liệt hào hùng của các dân tộc. Lịch sử dân tộc nào cũng có những khúc ghềnh thác, những trang sử buồn, nhưng đó chỉ là khoảnh khắc, không phải là toàn bộ lịch sử. Lịch sử một đất nước, một dân tộc mà chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp thì đất nước đó, dân tộc đó không thể tồn tại đến hôm nay. Người sinh hạ ra học thuyết đấu tranh giai cấp, sinh hạ ra chủ nghĩa Cộng sản càng dấn sâu vào sai lầm khi nông nổi khẳng định: Đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội phát triển!
Đấu tranh giai cấp là nội chiến ở Liên Xô, là tử hình cả gia đình Nga Hoàng, cả gia đình quí tộc, ku lắc, tư sản, thời Lénine! Đấu tranh giai cấp là kì thị trí thức, là thủ tiêu hàng chục triệu trí thức, nghê sĩ, cán bộ, đảng viên Cộng sản thời Staline! Đấu tranh giai cấp là thổ cải, là công xã, là cách mạng văn hóa, đấu tố, truy bức, giết hại hàng chục triệu người ở Trung Hoa, là đất nước kiệt quệ, tan hoang, hàng trăm triệu dân nghèo đói, nhà nọ phải đổi con cho nhà kia để giết trẻ con ăn thịt cho qua cơn đói thời Mao Trạch Đông! Ở Việt Nam, đấu tranh giai cấp là cải cách ruộng đất, đấu tố, truy bức, giết hại hàng trăm ngàn đồng bào, đồng chí của cách mạng, là cải tạo tư sản phá sạch cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân, là thủ tiêu tài năng sáng tạo của người lao động! Đấu tranh giai cấp là tù đày, hãm hại những nhà cách mạng trung thực, những trí thức, nghệ sĩ tài năng trong những vụ án tạo dựng! Đấu tranh giai cấp là sau tháng tư năm 1975 tù đày không án hơn một triệu người đã làm việc cho chính quyền Sài Gòn, khoét sâu mãi hố ngăn cách trong lòng dân tộc! Đấu tranh giai cấp là không cần biết đến pháp luật, công cụ bạo lực chuyên chính vô sản muốn bắt ai thì bắt, muốn đẩy ai vào tù thì đẩy! Những cái đó là động lực phát triển xã hội sao?
Đấu tranh giai cấp chỉ làm hỗn loạn xã hội, suy yếu dân tộc, thụt lùi lịch sử. Chỉ có trí tuệ, chỉ có tự do dân chủ, giải phóng năng lực sáng tạo của con người mới là động lực phát triển xã hội. Nhờ có trí tuệ được giải phóng, con người khám phá ra những qui luật tự nhiên và vận dụng những qui luật đó tạo ra những máy móc công nghiệp, mở ra thời công nghiệp đưa con người từ xã hội phong kiến nông nghiệp thô sơ, tối tăm, ngưng đọng sang xã hội tư bản công nghiệp chan hòa ánh sáng và thần tốc phát triển. Trí tuệ làm cho con người trở thành khổng lồ. Trí tuệ mới thực sự là động lực thúc đẩy xã hội phát triển chứ không phải là đấu tranh giai cấp!
Tuyên ngôn đảng Cộng sản của Marx và Engels tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp để tuyệt đối hóa giai cấp công nhân, đưa giai cấp công nhân lên chủ thể xã hội, trở thành giai cấp quyết định vận mệnh loài người, quyết định tiến trình lịch sử. Giai cấp công nhân thời ông Marx chỉ là những người lao động cơ bắp, những người quai búa trong các xưởng máy và chiếc búa, công cụ lao động thô sơ của họ cùng với chiếc liềm gặt lúa của giai cấp nông dân trở thành biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản! Hai công cụ lao động tiêu biểu thời ông Marx đã trở thành xa lạ với hôm nay! Chỉ riêng biểu tượng của chủ nghĩa Cộng sản đã thấy sự lỗi thời của chủ nghĩa Marx! Tuyên ngôn đảng Cộng sản tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp cũng để tuyệt đối hóa vai trò của đảng Cộng sản, tuyệt đối hóa vị trí độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản!
Tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp là một sai lầm lịch sử của loài người do đó tuyệt đối hóa vị trí độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản cũng là một sai lầm lịch sử của loài người! Các nước công nghiệp châu Âu với những lãnh tụ Cộng sản kiệt xuất Marx, Engels, Lénine đã đưa giai cấp công nhân quai búa đi trước trong đấu tranh giai cấp do đó họ cũng đi trước trong nhận ra sai lầm lịch sử của đấu tranh giai cấp và họ đã đi trước trong việc dứt khoát từ bỏ sai lầm lịch sử đó. Trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, trước đòi hỏi thúc bách của cuộc sống, trước sự vận động của lịch sử, từ năm 1989, các nước Cộng sản châu Âu đã phải đồng loạt từ bỏ đấu tranh giai cấp, từ bỏ vị trí độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản Việt Nam bất chấp thực tế cuộc sống và lời giải đáp của lịch sử, vẫn khư khư giữ lấy sai lầm và tội lỗi của đấu tranh giai cấp, tiếp tục nô dịch nhân dân trong sự độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản! Đó là món nợ của đảng Cộng sản Việt Nam cộng thêm vào món nợ máu từ trước mà đảng Cộng sản Việt Nam đã vay của dân tộc Việt Nam, vay của lịch sử Việt Nam!
Đấu tranh giai cấp đẻ ra chuyên chính vô sản. Để thực hiện chuyên chính vô sản phải có công cụ bạo lực và công an chính là công cụ bạo lực đó. Khẩu hiệu treo trước cơ quan bộ Công an: Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình chính là bản giao kèo bán linh hồn công an cho đảng Cộng sản và đảng Cộng sản đã lấy tiền thuế của dân để mua những linh hồn đó, biến con người thành công cụ rồi dùng công cụ công an tước đoạt quyền tự do dân chủ của dân, nô dịch dân! Với bản giao kèo Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình, công an không còn là công cụ bảo vệ pháp luật, công an không còn để bảo vệ dân nữa, công an chỉ còn là công cụ của đảng Cộng sản, chỉ để bảo vệ đảng Cộng sản!
Thưa ông Nguyễn Thành Tâm và các ông công an chỉ biết còn đảng còn mình! Là một người lính đã đi qua suốt những năm tháng khắc nghiệt nhất của lịch sử đất nước, trong đó có bốn mươi năm là người Cộng sản, tôi đã từng gửi đức tin vào đấu tranh giai cấp để rồi tôi phải nhận ra đó là đức tin tôn giáo mê muội. Giặc ngoại xâm gây ra cho dân tộc Việt Nam những tội ác man rợ, độc địa, nặng nề nhất chính là giặc Minh thế kỉ XV đến từ Trung Nguyên phía Bắc! Học thuyết đẩy dân tộc Việt Nam vào cuộc chém giết đẫm máu nhất, học thuyết đày đọa người Việt Nam tàn khốc, thê thảm nhất, học thuyết chia rẽ dân tộc Việt Nam triệt để, sâu sắc nhất, học thuyết kìm hãm, hủy diệt sức sống Việt Nam nặng nề, lâu dài nhất chính là học thuyết đấu tranh giai cấp cũng đến từ Trung Nguyên phương Bắc. Học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx xuất xứ từ châu Âu nhưng đi qua con đường Trung Hoa đến Việt Nam. Từ bản gốc đấu tranh giai cấp đã mất tính người. Đấu tranh giai cấp đến Việt Nam qua những cố vấn Trung Hoa, mang màu sắc bạo chúa Trung Hoa, lại kèm cả mưu đồ Đại Hán Trung Hoa sẽ càng tăm tối, nguy hại!
Với những người lính chúng tôi, khẩu súng của chúng tôi không hướng vào nhân dân mà hướng vào những đội quân xâm lược. Nhân dân thân yêu luôn ở phía sau những người lính chúng tôi. Mồng hai Tết nguyên đán Tân Hợi 1971, lớp học viên trường sĩ quan Thông tin chúng tôi vai mang súng, lưng cõng máy vô tuyến điện đi diễn tập chiến đấu. Chúng tôi vừa dừng chân đào hầm, dựng lán trong cánh rừng Yên Thế, Bắc Giang, thì những bà mẹ trong hội Mẹ Chiến Sĩ gánh gạo nếp, xách gà đến. Ngày đó dân miền Bắc nghèo lắm, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Người dân nông thôn càng nghèo khổ hơn! Thế mà những người mẹ nghèo ấy bắt gà nuôi trong chuồng, xúc gạo nếp nhà dành cho ngày giỗ ngày tết cho chúng tôi ăn tết. Ngày tết xa nhà, được ăn bát cơm nếp thơm, miếng thịt gà ngọt của những người mẹ nghèo, nước mắt tôi cứ ứa ra. Dù mê muội đấu tranh giai cấp thế nào, chúng tôi cũng không thể gây tội ác với nhân dân!
Nhưng với công an, công cụ bạo lực của nhà nước chuyên chính vô sản thì khác. Thực chất của chuyên chính vô sản là nô dịch nhân dân! Đối tượng của chuyên chính vô sản chính là nhân dân. Những tiếng nói trung thực của nhân dân khác biệt với nhà nước chuyên chính vô sản, những tiếng nói khát vọng tự do dân chủ của nhân dân đều trở thành Các – Thế - Lực – Địch, đều trở thành đối tượng chuyên chính của công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình! Trong những tình thế đó, sự mê muội đấu tranh giai cấp đã đẩy nhân dân ruột thịt sang phía Các – Thế - Lực – Địch như đã từng diễn ra trong cải cách ruộng đất, trong vụ việc tạo dựng lên vụ án xét lại chống đảng, trong vụ việc Nhân Văn Giai Phẩm . . . Sự mê muội đấu tranh giai cấp của công an, công cụ bạo lực chuyên chính vô sản sẽ là nước mắt, là máu của nhân dân, là những năm tháng tù đày dành cho những tinh hoa, những khí phách Việt Nam, là tội ác với dân tộc, với lịch sử!

6. HIỂM HỌA TỪ PHƯƠNG BẮC

Bên cạnh đế quốc phương Bắc khổng lồ có nền văn minh rực rỡ lâu đời, có đội quân nhà nghề hùng mạnh, cơ động và thiện chiến, có triết lí Bình thiên hạ từ hơn 1500 năm trước, luôn nuôi tham vọng bành trướng thôn tính không gian lãnh thổ lân bang và đồng hóa không gian tâm hồn dân tộc láng giềng, dân tộc Việt Nam nhỏ bé, hiền lành cùng với nền văn minh lúa nước khiêm nhường vẫn tồn tại và lặng lẽ phát triển từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Cửu Long là nhờ nền văn minh lúa nước Việt Nam tuy khiêm nhường nhưng có bản sắc riêng, có sức sống bền bỉ như cây lúa trời Nam Bộ, không bị nền văn minh thảo nguyên phương Bắc đồng hóa, là nhờ khối thương yêu đùm bọc dân tộc Việt Nam.
Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, những câu ca dao nhắc nhở tình thương yêu đùm bọc dân tộc là những câu tha thiết nhất. Thương yêu đùm bọc dân tộc vừa là tình cảm thân thiết, gần gũi: Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Vừa là tình cảm thiêng liêng, cao cả, rộng lớn: Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng. Nhắc nhở con cháu bằng ca dao, tục ngữ về tình thương yêu đùm bọc dân tộc, tổ tiên người Việt còn nhắc nhở con cháu bằng cả những câu chuyện thần linh, truyền thuyết, huyền thoại. Truyền thuyết bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ là lời nhắc nhở tha thiết đó. Truyền thuyết bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ là Tuyên ngôn về tình thương yêu đùm bọc dân tộc của dân tộc Việt Nam! Tuyên ngôn được tổ tiên làm sẵn từ trước cho con cháu để bác bỏ, để ngăn chặn học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx, bác bỏ Tuyên ngôn đảng Cộng sản đưa giai cấp ra trấn áp, đánh phá dân tộc! Người trong nước Việt Nam không phân biệt giai tầng sang hèn, không phân chia giai cấp giàu nghèo, dù là người Việt trên núi cao Việt Bắc hay người Việt dưới bưng biền Nam Bộ đều từ bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ sinh ra, đều là đồng bào, cùng một bọc! Hỡi đồng bào cả nước! Tiếng đồng bào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tha thiết kêu gọi nhân dân Việt Nam đứng lên đánh giặc cứu nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ là lời kêu gọi những đứa con cùng một bọc của Mẹ Âu Cơ, Mẹ Việt Nam, là lời vang vọng của tổ tiên, của non sông đất nước Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam!
Nền sản xuất nông nghiệp lúa nước tạo ra nền văn minh lúa nước sông Hồng, cũng tạo ra thế giới tâm hồn giàu chất trữ tình, giàu tình thương yêu trong con người Việt Nam. Tình thương yêu vừa là sản phẩm của nền văn hóa, vừa là đòi hỏi của sự tồn tại, là lời giải trước thách đố của lịch sử, của hoàn cảnh! Thương người như thể thương thân, Lá lành đùm lá rách, vừa là đạo lí, vừa là lẽ sống, là bí quyết tồn tại của dân tộc Việt Nam! Đạo lí của ông Marx là đấu tranh. Với ông Marx, hạnh phúc là đấu tranh! Đấu tranh là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Đạo lí của dân tộc Việt Nam là thương yêu, là Lá lành đùm lá rách!
Giặc hung bạo cướp nước lúc nào cũng lăm le, rình rập ở cửa ngõ phía Bắc mà ở trong nước người Việt Nam lại chia trận tuyến giai cấp đấu tố, loại bỏ nhau, lá rách đấu tố lá lành, lá rách xử bắn lá lành, Trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ thì dân tộc Việt Nam đâu còn đến hôm nay! Chỉ những người Việt Nam thiếu giáo dục, không được nghe những lời hát ru của mẹ bằng ca dao, dân ca, không được mẹ kể cho nghe những câu chuyện cổ tích, thần thoại về tình thương yêu đùm bọc dân tộc, không được học thấu đáo lịch sử đất nước, không tiếp nhận được cái hồn lịch sử Việt Nam, không biết đến di sản của tổ tiên mới rước học thuyết đấu tranh giai cấp bạo liệt, phản con người, phản dân tộc về hủy diệt dân tộc Việt Nam, làm dân tộc Việt Nam suy yếu để đế quốc Cộng sản Trung Hoa nhảy vào khống chế, nô dịch dân tộc Việt Nam!
Trước chiến thắng Biên giới 1950, trước khi có những đoàn cố vấn Trung Hoa mang học thuyết đấu tranh giai cấp tràn vào Việt Bắc, Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không hề có khái niệm đấu tranh giai cấp. Điều đó được chứng minh trong Tuyên ngôn dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2.9.1945 và trong ứng xử đối nội, đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nếu có đấu tranh giai cấp thì Quốc hội năm 1946 không thể có các đảng phái không Cộng sản như đảng Dân chủ, đảng Xã hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội. Nếu có đấu tranh giai cấp thì Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thể thu nạp được những đại thần của vương triều nhà Nguyễn như các ông Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe..., những nhà tư sản, địa chủ lớn như các ông Nguyễn Sơn Hà, Đỗ Đình Thiện, Lâm Triều Phát..., những trí thức xuất thân từ tầng lớp trên như các ông Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Đắc Di, Đặng Phúc Thông, Dương Bạch Mai,...
Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Cộng sản đơn giản chỉ vì Quốc tế Cộng sản ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc. Năm 1920, đọc luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lénine, trong đó người đứng đầu Quốc tế Cộng sản đã nồng nhiệt ủng hộ, khuyến khích cách mạng giải phóng dân tộc, coi cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận hữu cơ của cách mạng vô sản thế giới, Hồ Chí Minh sung sướng đến ứa nước mắt! Đây rồi, phương hướng, cẩm nang, bạn đường của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đây rồi! Hồ Chí Minh cùng với cộng sự của ông đến với chủ nghĩa Cộng sản chỉ để tìm đường cứu nước, đánh đuổi ngoại xâm mà thôi. Cũng mục đích giành độc lập dân tộc, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám... chọn con đường khởi nghĩa, Phan Bội Châu chọn con đường Đông Du, Phan Chu Trinh chọn con đường mở mang dân trí, đấu tranh nghị trường, Hồ Chí Minh chọn con đường Cộng sản. Tóm lại, giải phóng dân tộc là mục đích, Cộng sản chỉ là con đường, là phương thức của thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc, không phải là đích đến của dân tộc Việt Nam!
Tiêu chí chống áp bức, chống bất công của chủ nghĩa Marx Lénine rất phù hợp với cách mạng giải phóng dân tộc vì xâm lược chính là áp bức dân tộc, là bất công ở cấp quốc gia. Chưa bị bóp méo, chưa bị biến dạng, chưa bị lợi dụng cho những mục đích dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa Marx Lénine trung thực, nguyên sơ đến với cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã hội tụ được sức mạnh dân tộc, sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại, đưa cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang.
Nhưng chủ nghĩa Marx trong kinh tế là công hữu hóa tư liệu sản xuất, hành chính hóa hoạt động kinh tế, triệt tiêu sức sáng tạo trong lao động sản xuất, làm trì trệ, ngưng đọng cả nền kinh tế, làm nảy sinh những bất công mới sâu sắc, nặng nề gấp nhiều lần những bất công do bóc lột tư bản tạo ra!
Chủ nghĩa Marx trong đời sống xã hội là đấu tranh giai cấp đẫm máu và nước mắt để giành và giữ độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản bằng bạo lực! Máu và nước mắt cứ xối xả, triền miên trong suốt quá trình tồn tại của Nhà nước chuyên chính vô sản. Đấu tranh giai cấp thực chất là xóa bỏ vai trò cá nhân và từ bỏ lợi ích dân tộc, nói cách khác, với đấu tranh giai cấp, chỉ có vai trò của những cá nhân lớn và lợi ích của dân tộc lớn. Chỉ có con người có quyền lực trong đảng Cộng sản mới có cá nhân và ý chí cá nhân của họ trở thành ý chí của đảng Cộng sản cầm quyền, trở thành ý chí của Nhà nước Cộng sản. Còn lại, người dân dù là nhà khoa học, nhà văn hóa lớn cũng chỉ là đám đông lao xao, không có cá nhân, không có quyền tự do dân chủ. Đám đông lao xao ấy chỉ được nghĩ theo, nói theo, răm rắp làm theo sự dẫn dắt của người có quyền! Ai nghĩ khác, nói khác đều bị đẩy sang Các – Thế - Lực –Thù – Địch, bị trừng trị bởi công cụ bạo lực của đấu tranh giai cấp: công an, tòa án, nhà tù, trường bắn! Trong Nhà nước chuyên chính vô sản đấu tranh giai cấp, con người lại trở về bày đàn, không có cá nhân, con người bầy đàn của xã hội trước tư bản!
Phương Tây của ông Marx trước tư bản là chế độ phong kiến lãnh chúa, hầu như toàn bộ của cải, toàn bộ tư liệu sản xuất đều tập trung vào số ít lãnh chúa, chủ đất giàu có. Người lao động nông nghiệp, về số phận hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đất, về công việc phụ thuộc vào thiên nhiên, cuộc sống bấp bênh, thân phận con ong, cái kiến! Người lao động chỉ như một công cụ sản xuất của chủ đất, không có vai trò gì trong xã hội, chỉ là đám đông lao xao, không có cá nhân! Những phát minh khoa học tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên của loài người cũng tạo ra cuộc cách mạng xã hội kết thúc vai trò lịch sử của giai cấp lãnh chúa, chủ đất, đưa giai cấp tư sản công nghiệp lên chủ thể xã hội. Nông nô được giải phóng trở thành công nhân công nghiệp. Không còn bị cột vào đất đai, không còn là công cụ sản xuất của chủ đất, không còn phụ thuộc vào thiên nhiên, người lao động công nghiệp làm chủ lấy cuộc đời họ. Máy móc xuất hiện ngày càng nhiều, được sử dụng trong mọi hoạt động sản xuất, kĩ thuật ngày càng hoàn thiện, năng suất lao động ngày càng cao, người lao động ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Họ không còn lẫn trong đám đông lao xao nữa. Họ đã tách ra thành những cá nhân độc lập, có đời sống riêng, có đòi hỏi, khát vọng riêng, được xã hội biết đến qua tên gọi riêng, qua cá tính riêng. Họ có ý thức rất rõ về sự có mặt của họ trong xã hội với tư cách là những chủ thể, những cá nhân công dân trong xã hội. Đó là ý thức về cái Tôi, ý thức cá nhân. Chỉ đến chủ nghĩa tư bản con người mới có ý thức về cá nhân, mới có cái Tôi thiêng liêng! Cái Tôi thiêng liêng là con người phải được Tự do và Bình đẳng. Tự do và Bình đẳng trở thành tuyên ngôn của cuộc cách mạng đưa giai cấp tư sản lên chủ thể xã hội! Tự do và Bình đẳng trở thành quyền công dân, trở thành luật pháp Nhà nước tư sản! Đó là một bước tiến lớn, một cột mốc chói lọi trong lịch sử giải phóng con người, nâng cao tính NGƯỜI của con Người. Bước tiến đó đã được Marx ghi nhận: Ý thức về cá nhân là đóng góp vĩ đại của chủ nghĩa tư bản đối với lịch sử!
Tự do và Bình đẳng cũng là cái đích mà cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam hướng tới. Vì thế Hồ Chí Minh đã trích dẫn đoạn văn là linh hồn của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 ngay trong phần mở đầu Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Người ta sinh ra Tự do và Bình đẳng về quyền lợi và luôn được Tự do và Bình đẳng về quyền lợi.
Trong Tuyên ngôn đảng Cộng sản, Marx và Engels, những người khai sinh ra chủ nghĩa Cộng sản cũng nhận thức rất đúng về Tự do cá nhân: Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người! Thế mà chỉ vì để giữ vị trí độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản, học thuyết đấu tranh giai cấp lại tước đoạt quyền tự do dân chủ của người dân! Trong Nhà nước chuyên chính vô sản luôn sôi sục đấu tranh giai cấp, người dân chỉ là đám đông lao xao, chỉ là “quần chúng cách mạng”, được quyền lực sử dụng làm công cụ trong đấu tranh giai cấp! Con người lại trở về là công cụ, không có cá nhân! Chỉ có cá nhân của người nắm quyền lực trong đảng Cộng sản, như xã hội trước tư bản, chỉ có cá nhân của lãnh chúa, chủ đất! Rõ ràng đấu tranh giai cấp đã kéo lùi lịch sử trở về thời trước cách mạng công nghiệp đầu tiên! Kéo lùi dân tộc Việt Nam trở về thời phong kiến nhưng không phải thời phong kiến Lý – Trần huy hoàng mà là thời phong kiến một nhà nước hai bộ máy quyền lực cưỡi trên cổ dân đen! Đồng tiền thuế nghèo của dân phải nuôi hai bộ máy quyền lực quan liêu khổng lồ, bộ máy đảng trùm lên bộ máy nhà nước cùng đè xuống đầu dân! Đó là thời vua Lê, chúa Trịnh, thời đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam độc lập, không bị nước ngoài cai trị, thời đau khổ của dân tộc Việt Nam!
Chỉ riêng học thuyết đấu tranh giai cấp đã cho thấy sự mâu thuẫn, chông chênh, bất ổn của chủ nghĩa Marx. Để đến với lí tưởng Cộng sản cao cả nhưng huyễn hoặc, ảo tưởng, loài người phải cắn răng, nhẫn nhục đi qua chặng đường dài bất tận của đấu tranh giai cấp đầy máu và nước mắt, người dân chỉ còn là công cụ trong tay nhà nước chuyên chính vô sản! Để đến với nhân đạo Cộng sản không có thật, phải chấp nhận cuộc sống có thật vô cùng nghiệt ngã, vô nhân đạo, mất tính người!
Đấu tranh giai cấp trong nội bộ một dân tộc là: Chỉ có cái Tôi của người nắm quyền lực trong đảng Cộng sản, còn dân chúng chỉ là một bày đàn! Đấu tranh giai cấp trên phạm vi thế giới thì các dân tộc nhỏ cũng là một bày đàn dưới sự bảo hộ, áp đặt của một dân tộc lớn! Trước năm 1989, dân tộc lớn bảo hộ cho cả hệ thống Cộng sản thế giới là Liên Xô. Dưới ách bảo hộ đó nhân dân các nước liên tiếp nổi dậy để trở về với bản ngã dân tộc mình. Năm 1953, cuộc nổi dậy của nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Năm 1956, cuộc nổi dậy của nhân dân Hungari. Năm 1968, cuộc nổi dậy của nhân dân Tiệp Khắc. Những cuộc nổi dậy của người dân tay không đều bị xe tăng và lưỡi lê của quân dội Liên Xô dập tắt! Từ 1989, các đảng Cộng sản ở Liên Xô và một loạt nước Đông Âu đồng loạt sụp đổ, mất quyền thống trị xã hội! Các dân tộc trong Liên bang Xô Viết và các dân tộc Đông Âu mới được giải thoát khỏi chủ nghĩa Cộng sản không tưởng và đẫm máu của ông Marx! Vài nước Cộng sản ít ỏi còn lại muốn duy trì sự độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản đều phải hướng về nước Cộng sản lớn nhất còn lại là nước Trung Hoa.
Đảng Cộng sản Trung Hoa phát động cuộc chiến tranh biên giới đánh Việt Nam ác liệt suốt mười năm, 1979 – 1989. Tháng chín, năm 1989, Trung Hoa vừa ngừng đánh Việt Nam thì tháng chín năm 1990 các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vội hấp tấp sang gặp các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Hoa ở tỉnh lẻ Thành Đô cầu thân với Trung Hoa để dựa vào Trung Hoa duy trì sự thống trị xã hội của đảng Cộng sản Việt Nam, mở đường cho Trung Hoa trở lại tiếp tục công việc đồng hóa chính trị để xâm lược kinh tế và lãnh thổ Việt Nam mà họ đã thực hiện ngay sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, tháng mười, năm 1949 và sau khi Việt Nam quét sạch quân Pháp khỏi đường số Bốn, năm 1950, mở thông biên giới Việt – Trung! Đặt lợi ích của đảng Cộng sản Việt Nam lên trên lợi ích dân tộc Việt Nam, coi sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam cao hơn sự tồn tại của Tổ quốc Việt Nam, những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã làm một việc vô cùng nguy hại cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam, mở đầu cho những việc làm nguy hại ngày càng lớn sau này như nhân nhượng cho Trung Hoa lấn đất, lấn biển Việt Nam, nhân nhượng cho Trung Hoa vào khai thác bauxite ở Việt Nam! Từ tháng chín, năm 1990, đảng Cộng sản Việt Nam lại đưa dân tộc Việt Nam đến trước một hiểm họa ngày càng rõ, hiểm họa Bắc thuộc!
7. ĐÒN ĐẤU TRANH GIAI CẤP ĐẦU TIÊN ĐÁNH VÀO KHỐI THƯƠNG YÊU ĐÙM BỌC DÂN TỘC VIỆT NAM
Thất bại cay đắng qua hàng ngàn năm chinh phục Việt Nam đã dạy cho đế quốc phương Bắc biết rằng muốn khuất phục dân tộc Việt Nam, muốn thôn tính đất nước Việt Nam, phải phá tan rã khối keo sơn đùm bọc dân tộc Việt Nam, xóa sạch nền văn hóa Việt Nam, làm băng hoại đạo lí Việt Nam. Cơ hội để đế quốc phương Bắc thực hiện được mưu đồ đó khi Việt Nam và Trung Hoa cùng đi con đường Cộng sản, cùng do đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng thực hiện chủ nghĩa Marx Lénine đặt giai cấp lên trên dân tộc, coi đấu tranh giai cấp là tối cao, là lí do ra đời và tồn tại của đảng Cộng sản và đấu tranh giai cấp cũng là nghĩa vụ hàng đầu của các đảng Cộng sản đối với quốc tế vô sản. Vì thế, ngay sau chiến thắng biên giới năm 1950 của cách mạng Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất mở toang biên giới Việt - Hoa, lập tức học thuyết đấu tranh giai cấp như một đại dịch từ Trung Hoa tràn vào Việt Nam!
Từ đây, cùng với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dân tộc Việt Nam nhỏ bé, nghèo khổ, còn ở nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, chưa có giai cấp công nhân lại phải gồng mình lên gánh thêm cuộc cách mạng vô sản thế giới, cuộc cách mạng của giai cấp công nhân công nghiệp, để phải nhận lấy tai ương: Càng giải phóng được nhiều đất đai của tổ tiên khỏi sự chiếm đóng của đội quân xâm lược thì nhân dân Việt Nam càng bị nô dịch vào tư tưởng đấu tranh giai cấp khốc liệt, mất tính người, phản văn hóa, phản đạo lí Việt Nam, khối thương yêu đùm bọc dân tộc Việt Nam càng bị đánh phá tan nát!
Từ đây, giải phóng dân tộc không còn là mục tiêu cao nhất của cách mạng Việt Nam nữa. Mục tiêu cao nhất của cách mạng Việt Nam bây giờ là cách mạng vô sản thế giới! Giải phóng dân tộc chỉ để chứng minh cho sức mạnh của học thuyết Marx Lénine, chỉ để chứng minh cho thắng lợi của cách mạng vô sản thế giới, chỉ để ngọn lửa đấu tranh giai cấp lan rộng ra khắp thế giới! Vì thế, cách mạng giải phóng dân tộc phải chấp nhận hi sinh cả mục tiêu giải phóng dân tộc, chấp nhận những mất mát đau thương quá lớn vì lợi ích của cuộc cách mạng vô sản thế giới, thực chất là vì lợi ích của nước Cộng sản đàn anh!
Lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ tình thế trong chiến cuộc đông xuân 1953 – 1954. Hệ thống đồn bốt của Pháp ở Nam Bộ bị xóa từng mảng và đang tan rã theo tác động đôminô. Binh đoàn cơ động chủ lực của Pháp ở Trung Bộ bị đánh tan tác trên đèo An Khê. Ở miền Bắc, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tập trung gần như toàn bộ sức mạnh quân sự của Pháp ở Đông Dương, tập trung cố gắng cao nhất và là cố gắng cuối cùng của bộ máy chiến tranh nước Pháp bị tiêu diệt, toàn bộ gần hai mươi ngàn lính Pháp ở lòng chảo Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bắt sống! Cơ hội giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam đã đến rất gần, đã ở trong tầm tay những người Cộng sản Việt Nam. Nhưng sức ép của những người đồng chí Cộng sản Trung Hoa buộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam phải dừng lại, phải ngậm ngùi kí hiệp định Geneve chấp nhận nỗi đau chia cắt đất nước, dẫn đến cuộc chiến tranh chống Mĩ, thực chất là cuộc nội chiến Nam – Bắc tương tàn, cuộc chiến tranh chia rẽ từng gia đình Việt Nam, vạch trận tuyến trong từng con người Việt Nam, trong từng gia đình Việt Nam!
Đế quốc Cộng sản Trung Hoa không chấp nhận cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam thắng lợi hoàn toàn để có một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, tập trung vào xây dựng đất nước hùng mạnh, vuột khỏi tầm ảnh hưởng, tầm khống chế, vuột khỏi sự ban phát của họ! Với họ, Việt Nam phải mãi mãi chia cắt thành hai mảnh nhỏ bé, xung đột nhau và chỗ chia cắt phải ở vĩ tuyến 17, dứt khoát không chia cắt ở vĩ tuyến 13 theo khẩn cầu của Chính phủ Hồ Chí Minh và với tương quan lực lượng lúc đó, những người Cộng sản Việt Nam hoàn toàn có thể áp đặt được đòi hỏi buộc phía bên kia phải chấp nhận! Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam rỉ máu đau thương chia cắt sẽ bất ổn lâu dài và nửa phía Bắc Cộng sản trong tầm chi phối của nước Cộng sản đàn anh Trung Hoa sẽ là tấm lá chắn, khu đệm an toàn cho Trung Hoa và mãi mãi phụ thuộc vào Trung Hoa!
Cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ thắng lợi trọn vẹn nếu không bị hai đòn thọc gậy bánh xe của Cộng sản Trung Hoa. Đòn thứ nhất: Chia cắt đất nước! Đòn thứ hai: Cải cách ruộng đất!
Trong chiến dịch đông xuân 1953 – 1954 lịch sử, khi những đại đoàn chủ lực quân đội Nhân dân Việt Nam, đại đoàn 308, đại đoàn 312, đại đoàn 316 vừa thành lập gấp rút hành quân lên Tây Bắc, sang Thượng Lào rồi bí mật lặng lẽ dồn cả về điểm quyết chiến Điện Biên Phủ thì những đoàn ủy cải cách ruộng đất dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Hoa cũng hối hả bủa về những làng quê của vùng kháng chiến trung du Bắc Bộ và khu Bốn. Trên những sườn núi bao quanh thung lũng Mường Thanh, các đại đoàn 308, 312, 316 nổ súng đánh lấn từng căn cứ quân Pháp trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì ở các làng quê trong vùng khang chiến, các đoàn ủy cải cách ruộng đất cũng đốt đuốc thâu đêm phát động quần chúng đấu tranh giai cấp! Từ đây khối thương yêu đùm bọc dân tộc làm nên sức mạnh Việt Nam bị phân chia thành giai cấp đối kháng không đội trời chung, thanh toán nhau một mất một còn: giai cấp địa chủ bóc lột và giai cấp nông dân bị bóc lột!
Miền Bắc Việt Nam thời thuộc Pháp không có lãnh chúa, chủ đất lớn, chỉ có chủ đất nhỏ. Chỉ là chủ đất nhỏ, họ cũng là nông dân chân lấm tay bùn, một sương hai nắng. Vừa có sức lao động: Tháng giêng dắt trâu đi cày / Tháng hai vãi mạ ngày ngày siêng năng. Vừa biết lo liệu, tính toán, tổ chức làm ăn: Một người biết lo bằng một kho người hay làm. Lại biết chắt chiu, tằn tiện, tích lũy: Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện. Đó là ba phẩm chất, ba đòi hỏi không thể thiếu làm nên cơ nghiệp nhà nông. Nhưng nông dân không phải ai cũng có đủ ba phẩm chất đó. Có người chỉ có thể lao động cơ bắp thì chỉ có thể đi làm thuê và không thể tạo nên cơ nghiệp. Thành quả của người chỉ biết lao động cơ bắp đương nhiên phải thấp hơn thành quả của người biết lo liệu, tổ chức công việc cho nhiều người. Sự khác biệt, chênh lệch mức sống nảy sinh từ đó. Sự chênh lệch này, ở chế độ xã hội nào, thời nào và ở đâu cũng có. Sự chênh lệch có tính hợp lí, công bằng, tạo ra sự ổn định, bền vững xã hội. Người có tư liệu sản xuất, biết lo liệu, tổ chức công việc, tạo việc làm nuôi sống người chỉ có thể lao động cơ bắp là nhân đạo xã hội. Xóa bỏ sự hợp lí công bằng này, đưa người không biết lo liệu, chỉ có thể lao động cơ bắp lên lo liệu tổ chức công việc cho cả xã hội là đã tạo ra bất hợp lí, bất công, bất ổn định xã hội mới to lớn, nguy hại cho cả xã hội! Cái nguy hại này đang tồn tại ở ta từ cải cách ruộng đất đến nay!
Thời cải cách ruộng đất dân số Việt Nam mới có hai mươi lăm triện người. Ruộng hoang trong làng, bãi hoang ven sông, ven biển, đất hoang bìa rừng, đồi hoang trung du, nơi nào cũng bạt ngàn mênh mông. Ruộng hoang nhiều đến nỗi ngổn ngang cả trong ca dao: Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang / Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu. Trong điều kiện tự nhiên đó, chỉ những người lười biếng, lêu lổng, bê tha cờ bạc, rượu chè hoặc không có đầu óc tính toán tổ chức, chỉ có cơ bắp làm thuê mới nghèo đói ở dưới đáy xã hội. Sự nghèo khổ đó được đội cải cách ruộng đất qui kết là do bóc lột và những người nghèo khổ là những người có thù giai cấp sâu sắc, có tinh thần cách mạng triệt để! Từ cải cách ruộng đất những người cùng khổ được tin cậy đưa lên làm cốt cán trong đấu tranh giai cấp rồi trở thành chủ thể xã hội như cách mạng tư sản châu Âu thế kỉ XVIII đưa giai cấp tư sản lên chủ thể xã hội! Nhưng cách mạng tư sản giao xã hội cho những người giàu có của cải, giàu có trí tuệ. Còn cách mạng vô sản thì làm ngược lại! Trong khi lớp người đông đảo nhất, tinh hoa nhất, tiêu biểu nhất cho nông dân Việt Nam thời cải cách ruộng đất là trung nông, những người có đầu óc, biết tổ chức làm ăn, có đức cần cù, chắt chiu. Trong bài viết Nỗi Đau Dân Chủ, tôi đã lí giải và chứng minh rằng trung nông chính là những người đã sáng tạo nên kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. No đủ về kinh tế, Trung nông luôn có khát khao vươn lên về trí tuệ và có khả năng thực hiện được khát khao đó. Phải ở tầng lớp trung nông mới có đủ khả năng kinh tế theo đuổi việc học và mới học được. Trung nông chính là nguồn lực lớn nhất của cách mạng Việt Nam. Nguồn lực con người. Nguồn lực của cải. Nguồn lực trí tuệ, tài năng. Những người lãnh đạo cách mạng Việt Nam và chỉ huy quân đội cách mang Việt Nam thời kì đầu đều từ nguồn tài trí này. Lớp người đã sáng tạo cho dân tộc Việt Nam kho tàng văn hóa dân gian cũng chính là lớp người đã làm nên đội ngũ trí thức, nghệ sĩ của cách mạng Việt Nam.
Biết làm ăn, chịu thương chịu khó, chắt chiu, cần kiệm, họ trở thành trung nông, có bát ăn bát để. Nền tảng văn hóa cho họ lòng yêu nước bằng tự giác. Khi đất nước có giặc, họ đi đầu cầm súng đánh giặc. Buổi đầu, nhà nước kháng chiến chỉ có hai bàn tay trắng, không có một hạt thóc nuôi quân! Những trung nông có bát ăn bát để lại trút bát để và sẻ cả bát ăn nuôi đội quân đánh giặc. Nhưng trong cải cách ruộng đất, khoảng cách giữa trung nông và địa chủ rất mong manh, hầu như không có khoảng cách. Phân định giai cấp trong cải cách ruộng đất theo chỉ tiêu, tỉ lệ do cố vấn Trung Hoa áp đặt và theo cảm tính yêu ghét của cốt cán là những người bần cùng trong xã hội, trong lòng luôn mang nặng đố kị, hằn học giai cấp. Thế là hàng loạt trung nông có chút bát ăn bát để đã mang cả tính mạng, của cải, tài trí ra cống hiến cho cách mạng liền bị đội cải cách qui kết là địa chủ, cường hào, gian ác, kẻ thù giai cấp của cách mạng! Họ không có tội thì đội cải cách sẽ tạo ra tội cho họ! Những người cùng khổ, đầy hằn học, đố kị người có của, những cốt cán không có tri thức phần lớn mù chữ được kích động về lòng căm thù giai cấp nhảy lên đài đấu tố. Càng xưng xưng đơm đặt ra nhiều tội cho kẻ bị đấu tố thì càng có thành tích, càng có thù giai cấp, càng được tin cậy, càng thăng tiến! Người nông dân Việt Nam vốn chân chất, hiền lành, bao dung mà lòng bao dung là bản tính của dân tộc nhỏ bé tồn tại bằng thương yêu đùm bọc. Bao dung là thế ứng xử của con người sống hòa thuận trong tình làng nghĩa xóm. Bao dung nhường nhịn là điều ông bà cha mẹ dạy con cháu trước hết, là câu nói hàng ngày đã trở thành tục ngữ dân gian: Năm bỏ làm ba, chín bỏ làm mười. Một điều nhịn, chín điều lành... Đến cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất, Người nông dân hiền lành, bao dung, nhường nhịn ngày nào, bị liều thuốc độc đấu tranh giai cấp kích động, bỗng như có ma nhập, trở nên hung hãn, sắt máu, gian dối, điêu toa, nhỏ nhen, độc ác và sự gian dối, độc ác đã làm chủ đấu trường đấu tố, làm nên tội trạng cho người bị đấu tố, dẫn đến những bản án tử hình nhanh chóng, đơn giản!
Trong cải cách ruộng đất, số phận hơn chục triệu nông dân miền Bắc Việt Nam được quyết định bởi hai thế lực: Những cố vấn Trung Hoa âm thầm chỉ đạo, phán quyết ở phía sau và những người cùng khổ gào thét trên đài đấu tố! Hàng trăm ngàn nông dân lao động lương thiện tạo ra cuộc sống ổn định, bền vững cho làng quê, những người đã hiến dâng cả của cải, tính mạng cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, những tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ đã sáng tạo và gìn giữ kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam, những người nông dân cao quí đó bị điệu lên đài đấu tố trở thành những tên địa chủ có nợ máu phải nhận tội chết bởi những tòa án mông muội không xét xử theo luật vì không có luật và cũng không cần luật mà xử theo chỉ đạo của cố vấn Trung Hoa và theo cảm tính của những cốt cán. Đấu trường đấu tố đã phơi bày sự khốn cùng về nhân cách của lớp người khốn cùng về kinh tế được đưa lên chủ thể xã hội từ cải cách ruộng đất! Và ngón đòn đấu tố hiểm độc trở thành quen thuộc trong sinh hoạt chính trị lớn nhỏ, được sử dụng thường xuyên đến tận hôm nay!
(còn tiếp)

Phạm Đình Trọng - Thưa chuyện với công cụ bạo lực chuyên chính vô sản (3)

8. ĐẤU TRANH GIAI CẤP ĐÁNH TAN RÃ KHỐI THƯƠNG YÊU ĐÙM BỌC DÂN TỘC VIỆT NAM

8.1. Đánh vào nền tảng xã hội Việt Nam

Nông dân Việt Nam yêu nước thương nòi, người chủ của văn hóa làng quê bền vững, người chủ nông thôn Việt Nam ngàn đời bình yên của tình làng nghĩa xóm, của ca dao dân ca. Cải cách ruộng đất đánh đòn chí mạng đầu tiên của đấu tranh giai cấp vào nông dân, nông thôn Việt Nam là đánh vào nền tảng xã hội Việt Nam, đánh vào cội rễ đạo lí Việt Nam là tình làng nghĩa xóm, đánh vào đầu nguồn văn hóa Việt Nam là văn hóa làng quê. Những người nông dân Việt Nam biết lao động sáng tạo ra của cải vật chất và của cải tinh thần cho xã hội Việt Nam bị đấu tố, đình chùa bị phá, văn bia bị đập! Như con sông Hồng đỏ thắm phù sa bồi đắp lên châu thổ sông Hồng, đạo lí văn hóa Việt Nam bồi đắp lên con người Việt Nam giàu lòng yêu thương. Đấu tranh giai cấp đánh phá tan tành đạo lí, văn hóa Việt Nam là đánh vào hồn cốt con người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam ngàn đời yêu thương đùm bọc tạo nên sức mạnh để tồn tại bị phân chia thành giai cấp đối kháng! Lấy hận thù giai cấp thay cho yêu thương đùm bọc dân tộc!
Biến con người Việt Nam yêu thương thành con người Việt Nam hận thù là việc làm đầu tiên của đấu tranh giai cấp ở Việt Nam!

8.2. Đánh vào trí tuệ đảng Cộng sản Việt Nam

Vụ việc được dựng lên với tên gọi Xét lại chống đảng đánh vào những lõi sáng, những đảng viên cao cấp, có trí tuệ sáng láng, có tâm hồn dân tộc, những người sớm nhận ra chiếc đai tư tưởng Mao Trạch Đông xiết trên đầu những người Cộng sản Việt Nam, trói buộc đảng Cộng sản Việt Nam vào đảng Cộng sản Trung Hoa, những lõi sáng đó, những trí tuệ đó là những trí thức đích thực và hiếm hoi của đảng Cộng sản Việt Nam, đảng tự xưng là của giai cấp công nhân nhưng thực sự là đảng của những người nông dân còn ở nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, manh mún. Căn tính nông dân, bản thể nông dân là mẫu số chung của hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Hoa. Vì thế hai đảng đó dễ tìm được sự đồng cảm, đồng điệu, bên tung, bên hứng. Bên kia Thổ cải thì bên này Cải cách ruộng đất. Bên kia Đánh đổ giai cấp tư sản thì bên này Cải tạo tư sản. Hai đảng đang say sưa đấu tranh giai cấp lại có những đảng viên cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam đòi rũ bỏ tư tưởng Mao Trạch Đông, vất bỏ đấu tranh giai cấp!
Vụ Xét lại chống đảng thực chất là sự xuống tay của phần trì trệ, giáo điều, xơ cứng, ngoại lai, phản cách mạng giết chết phần vận động, phát triển, sáng tạo, dân tộc, cách mang chân chính trong đảng Cộng sản Việt Nam. Vụ Xét lại chống đảng đã vùi dập, loại bỏ những hào kiệt không thể thiếu của một cuộc cách mạng chân chính. Loại bỏ những hào kiệt đó, cuộc cách mạng đã bị đánh cắp, đã thực sự thay đổi bản chất, phần lí tưởng tốt đẹp ban đầu của cuộc cách mạng không còn nữa! Chỉ còn những kẻ nhân danh cách mạng chiếm độc quyền thành quả cách mạng. Vụ Xét lại chống đảng một lần nữa xiết chặt thêm cái đai tư tưởng Mao Trạch Đông trong đầu những người Cộng sản Việt Nam và trong đời sống xã hội Việt Nam, kìm hãm dân tộc Việt Nam mãi mãi tù túng trong vòng nô lệ tư tưởng Mao Trach Đông!
Còn tù túng trong vòng nô lệ tư tưởng Mao Trạch Đông, còn đấu tranh giai cấp, còn tiếp diễn những vụ Xét lại chống đảng! Vụ loại bỏ những người Cộng sản trung thực, đầy công lao Dương Bach Mai, Đặng Kim Giang, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh... được gọi tên là Xét lại chống đảng! Vụ xử lí bạo liệt những người Cộng sản tận tụy, trong sáng Trần Độ, Nguyễn Hộ, Phạm Quế Dương... không được gọi tên nhưng thực chất vẫn là vụ Xét lại chống đảng nối dài theo thời gian. Những trí tuệ và tâm hồn tiêu biểu cho những nhà cách mạng chân chính Việt Nam, hết thế hệ này đến thế hệ khác bị loại bỏ, hãm hại bằng đấu tranh giai cấp. Những cuộc đấu tranh giai cấp ở cung đình, ở thượng tầng kiến trúc đó trước hết đã thủ tiêu phần trí tuệ, phần tinh hoa, phần vận động của đảng Cộng sản Việt Nam, giết ngay từ trứng nước những mầm mống tư tưởng đúng đắn, hướng về dân tộc, hướng về nhân dân, giết chết sinh hoạt dân chủ trong đảng, tạo cơ hội cho những kẻ bất tài, vụ lợi tiến thân, độc tài xuất hiện!
Vụ Xét lại chống đảng đầu tiên đã dồn quyền lực vào hai người. Một người nắm quyền lực tối cao trong đảng cũng là người thực sự nắm quyền lực triều chính tối cao trong nước. Một người nắm toàn quyền tồ chức cán bộ của đảng, nắm quyền sinh quyền sát trong đảng. Chính con người nắm quyền sinh quyền sát này đã đưa hàng loạt đảng viên cao cấp thông tuệ, khảng khái đi tù mút mùa trong vụ án không xét xử, vụ Xét lại chống đảng. Quyền bính trong đảng và trong nước, đã dồn hết vào hai người đó, Hồ Chí Minh cũng trở thành hữu danh vô thực! Những người Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam và những người lính chiến đấu dưới lá cờ Cộng sản đã phải trả giá đắt bằng máu cho sự độc tài, mất dân chủ của đảng!
Những năm tháng đằng đẵng tù đày không án, những cái chết mòn mỏi trong tù của những đảng viên Cộng sản ưu tú trong vụ Xét lại chống đảng là một giá máu!
Sự mất mát hi sinh quá lớn của chiến sĩ, đồng bào trong Mậu Thân 1968 là một giá máu!
Kế hoạch Tổng tiến công, Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 được soạn thảo theo ý chí của bí thư thứ nhất, người thực sự nắm toàn quyền trong đảng. Đinh ninh cú Mậu Thân 1968 là cú quyết định cuối cùng để ca khúc khải hoàn, trước khi mở màn Tổng tiến công, người nắm toàn quyền trong đảng liền đưa Hồ Chí Minh, danh nghĩa là chủ tịch đảng sang Trung Hoa an dưỡng dài ngày, uống thuốc bắc bồi dưỡng sức khỏe và đưa Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh quân đội sang Hungari nghỉ ngơi ngắm cảnh đẹp hồ Balaton để thế giới hiểu rằng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đều ngoài cuộc trong chiến thắng Mậu Thân 1968, để sử sách phải ghi chép rằng chiến công hiển hách Mậu Thân 1968 đánh thắng Mĩ, kết thúc chiến tranh là do thiên tài của bí thư thứ nhất đảng Lao động Việt Nam lúc đó. Là nhà quân sự thao lược, nắm chắc tình thế chiến trường và thực lực hai bên, là người cầm quân có lương tâm, biết quí từng giọt máu của lính, khi được bàn thảo chiến cuộc Mậu Thân 1968, Võ Nguyên Giáp chủ trương Mậu Thân 1968 chỉ thực hiện cuộc tập kích chiến lược, bất ngờ tập kích vào cơ quan đầu não chiến tranh, đồng loạt tập kích các căn cứ quân sự của địch. Lực lượng địch còn mạnh nhưng yếu tố bất ngờ sẽ đảm bảo cho thắng lợi của trận tập kích đánh đòn đau vào ý chí chiến tranh và tiêu hao lớn sinh lực địch, làm thay đổi cục diện chiến tranh. Khi yếu tố bất ngờ không còn nữa cần thu quân bảo toàn lực lượng để gia tăng những nhịp độ hoạt động quân sự tiếp theo mới dẫn đến kết thúc chiến tranh ở những chiến dịch gối đầu sóng nối tiếp.
Nhưng đấu tranh giai cấp không coi trọng người có tâm có tài, chỉ coi trong người dám thí bỏ cả dân tộc vì giai cấp, không coi trọng lẽ phải, chỉ coi trọng bạo lực, không coi trọng tính mạng con người, chỉ coi trọng quyền lực! Người đã thâu tóm được quyền lực trong tay chỉ tin vào quyền lực và quyền lực đó phải được ghi trong lịch sử! Quyết kết thúc chiến tranh trong Mậu Thân 1968 để ghi tên vào lịch sử, quyền lực tối cao ra lệnh cho các nhà quân sự vét quân ném vào các lò thiêu không đáy là các mặt trận trong các thành thị miền Nam đang ác liệt, ném bao nhiêu mất bấy nhiêu! Mậu Thân 1968 đã trở thành vực thẳm chôn vùi sinh lực đội quân được chỉ huy từ Hà Nội, là thất bại nặng nề về quân sự của những người Cộng sản Việt Nam, là sông máu, núi xương dân tộc Việt Nam!
Thực tế của các đảng Cộng sản cho thấy cuộc đấu tranh giai cấp trong nội bộ các đảng Cộng sản đã thẳng tay tiêu diệt những tư tưởng đúng đắn, hướng về dân tộc, hướng về con người, loại bỏ những tiếng nói khác biệt, bóp chết dân chủ trong đảng đều dẫn đến tập trung quyền lực vào tay cá nhân, tạo ra những nhà độc tài Cộng sản. Lịch sử đã phải ghi tên những nhà độc tài khét tiếng nhất, giết nhiều người nhất trong lịch sử loài người đều là những nhà lãnh đạo Cộng sản: Staline, Mao Trạch Đông, Xeauxescu... Với đấu tranh giai cấp, những người đứng đầu các đảng Cộng sản còn lại ít nhiều đều có bóng dáng nhà độc tài!
Trên năm triệu người Việt Nam bị chết trong chiến tranh chống Mĩ! Hàng vạn người bị nhiễm chất độc màu da cam di hại cho nhiều thế hệ sau. Nhiều thành phố tan hoang... Thiệt hại lớn như vậy, Việt Nam chỉ đòi Mĩ bồi thường thiệt hại chiến tranh 2 tỉ đô la cũng không được! Thế mà chỉ riêng một vụ Vinashin đã làm thất thoát hơn 4 tỉ đô la tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân mà Thủ tướng Chính phủ, người dựng lên Vinashin, người trực tiếp nắm Vinashin không phải nhận một hình thức kỉ luật nào, dù nhẹ nhất! Chỉ từ tháng bảy, năm 2009 đến tháng hai, năm 2011, một năm rưỡi, gần 20 người dân bị công an đánh chết chỉ vì những lỗi nhỏ trong sinh hoạt chưa đến mức phải xử lí hình sự như lỗi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm! Công an đánh chết dân xảy ra khắp nơi, Bộ trưởng Công an đã không từ chức, không bị cách chức còn được tặng huân chương! Công dân bộc lộ chính kiến được Hiến pháp cho phép nhưng không thuận tai chính quyền liền bị bắt giam, bị án tù! Đó là bằng chứng về một Nhà nước độc tài, tùy tiện sử dụng quyền lực chà đạp lên pháp luật, chà đạp lên mạng sống người dân!
Nhà nước độc tài là hệ quả tất yếu của đấu tranh giai cấp!

8.3. Đánh vào trí tuệ dân tộc

Chủ nghĩa Marx tuyệt đối hóa giai cấp cần lao, đưa giai cấp cần lao không phải là tinh hoa dân tộc lên thống trị xã hội. Để củng cố, để khẳng định vị trí độc tôn của giai cấp cần lao, trong xã hội Cộng sản chỉ có bảng giá trị Cộng sản và bảng giá trị quan chức mà giai cấp cần lao đã nắm giữ, không có bảng gia trị nào khác! Thang bậc quan chức xác định bảng giá trị con người, xác định tiêu chuẩn, chế độ hưởng thụ từ lúc sống cho đến lúc chết! Những tinh hoa thật sự của dân tộc, những trí thức uyên thâm, những nhà khoa học hiếm hoi, những văn nghệ sĩ tài năng là niềm tự hào của dân tộc và dân tộc nào cũng dành cho niềm tự hào của mình một bảng giá trị đặc biệt, cao hơn hẳn bảng giá trị quan chức. Nhưng với nhà nước chuyên chính vô sản, không có giá trị nào cao hơn giá trị Cộng sản. Ở Sài Gòn, đảng viên Cộng sản có 55 tuổi đảng trở lên khi chết đi có nghĩa trang riêng như những danh nhân văn hóa của nước Pháp có điện Panthéon yên nghỉ! Còn nhà khoa học, nhà văn hóa tài năng khi sống là phận cá cảnh, chim lồng, cây bon sai, là thứ trang trí cho nhà nước chuyên chính vô sản, khi chết về với thập loại chúng sinh!
Mọi cá nhân trong xã hội công nghiệp đều cần được nhìn nhận và khẳng định cái Tôi. Những trí thức, những nhà khoa học, những văn nghệ sĩ làm việc, đóng góp cho cuộc đời bằng cái Tôi cá thể càng cần được khẳng định cái Tôi. Có cái Tôi con người và có cả cái Tôi sự vật. Cái Tôi sự vật là sự vật phải được gọi đúng tên của nó, phải trả sự vật về đúng bản chất sự vật. Bản chất cuộc sống là đa nguyên. Bản chất nhà khoa học, bản chất văn nghệ sĩ là sáng tạo và phải có tự do mới có sáng tạo. Không cam chịu thân phận cá cảnh, cây bon sai, có những nhà khoa học, văn nghệ sĩ khảng khái đòi cái Tôi thiêng liêng của cá nhân và cái Tôi bản thể của sự vật. Nhà khoa học Nguyễn Mạnh Tường, nhà chính trị Dương Đức Hiền đòi hỏi cái Tôi sự vật. Các nhà văn, nhà thơ Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trương Tửu, Phùng Quán... đòi hỏi cái Tôi cá nhân bằng sáng tác đăng trên báo Nhân Văn và trên những Giai phẩm Mùa Xuân, Giai phẩm Mùa Thu. Nhà nước chuyên chính vô sản liền gọi những tiếng nói đòi hỏi cái Tôi đó là Bọn Nhân Văn Giai Phẩm mang tư tưởng tư sản, tranh giành quyền lực với đảng Cộng sản. Bài bản đấu tố, tù đày của cải cách ruộng đất lại tái diễn! Cải cách ruộng đất đấu tố bằng mồm thì Nhân Văn Giai Phẩm đấu tố bằng chữ, bằng những bài viết trên mặt báo. Cải cách ruộng đất tuyên những bản án tử hình, tù đày bằng những phiên tòa không cần luật thì Nhân Văn Giai Phẩm còn không cần tòa án, không cần bản án, đi tù, đi lao động cải tạo vô thời hạn theo lệnh miệng! Trong cải cách ruộng đất có những kẻ khốn cùng đời sống vật chất cũng khốn cùng nhân cách nhảy lên đài đấu tố xưng xưng đơm đặt tội cho người bị đấu tố. Trong Nhân Văn Giai Phẩm cũng có sự khốn cùng nhân cách ở trí thức văn nghệ sĩ khi họ đơm đặt, vu tội, đánh hội đồng những người dám nói lên cái Tôi Nhân Văn Giai Phẩm!
Vụ Xét lại chống đảng là đòn đấu tranh giai cấp đánh vào trí tuệ đảng Cộng sản, Tù đày không bản án, không thời hạn những người Cộng sản chân chính! Cuộc sống là vận động. Những người Cộng sản ưu tú, vận động được với cuộc sống đã bị loại bỏ. Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn lại những người khư khư ôm cái xác ướp lí luận chết khô, lạnh lẽo từ thế kỉ XIX đến tận thời tin học hôm nay, thời ào ạt biến động và nóng bỏng tính cọ xát với cuộc đời thực! Vụ Nhân Văn Giai Phẩm là đòn đấu tranh giai cấp đánh vào trí tuệ dân tộc, tước quyền lao động sáng tạo của hàng loạt nhà khoa học, văn nghệ sĩ tài năng, giam cầm họ trong tù ngục, đày ải họ ở những nông trường bùn đất chiêm mùa, ở những công trường vôi vữa mưa nắng, lao động bằng sức lực cơ bắp. Vụ Nhân Văn Giai Phẩm là sự dằn mặt của Nhà nước chuyên chính vô sản với cái Tôi thiêng liêng, với cá tính sáng tạo! Nhà khoa học, văn nghệ sĩ chỉ còn là bầy đàn được cài đặt chức năng thành kính tụng niệm, véo von ngợi ca đảng Cộng sản. Con người bị tước đoạt cái Tôi cá tính! Sự vật cũng bị tước đoạt cái Tôi bản thể! Khoa học nghệ thuật Việt Nam bị lạc lõng sau đồng loại, sau thời đại hàng thế kỉ!
Kéo lùi lịch sử về thời phong kiến, người dân chỉ là bầy đàn, không có cá nhân, là một hệ quả tất yếu của đấu tranh giai cấp!

8.4. Đánh vào cơ nghiệp làm ăn sinh sống của dân

Tiền thuế của dân làm nên lưng vốn nhà nước. Người dân làm ăn chính đáng càng có hiệu quả, thu nhập càng lớn thì nguồn thuế thu nhập 28% nộp cho Nhà nước càng lớn. Mỗi cơ sở làm ăn của dân là một chủ thể kinh tế nhỏ và nhà nước là chủ thể kinh tế lớn. Chủ thể kinh tế nhỏ đóng thuế cho chủ thể kinh tế lớn để chủ thể kinh tế lớn tổ chức bộ máy nhà nước phục vụ dân và bảo vệ cuộc sống bình yên của dân. Dân và Nhà nước hài hòa, gắn bó hữu cơ trong đẳng thức Dân giàu – Nước mạnh! Mọi nhà nước bình thường và lành mạnh đều như vậy. Nhưng Nhà nước chuyên chính vô sản là Nhà nước bất thường, sản phẩm siêu hình của một thanh niên ngông cuồng chưa đến 30 tuổi, thừa tình cảm nồng nàn yêu thương con người nhưng chưa nhìn xa, thấy rộng, thiếu cân bằng của lí trí tỉnh táo, thiếu thực tế cuộc đời lại muốn sắp đặt lại thế giới, thay đổi dòng chảy lịch sử, thay đổi số phận loài người! Con người viển vông, thiếu thực tế ấy tạo ra mô hình Nhà nước chuyên chính vô sản tưởng như vì con người nhưng lại phản con người! Vì trong Nhà nước chuyên chính vô sản không có con người, không có cá nhân, không có những ông chủ cá thể, chỉ có một ông chủ lớn là đảng Cộng sản! Nhà nước chuyên chính vô sản coi những chủ thể kinh tế tư nhân, nguồn tiền thuế dồi dào vô tận của Nhà nước là kẻ thù của giai cấp vô sản! Nhà nước chuyên chính vô sản đã dùng cả bộ máy công cụ bạo lực Nhà nước đánh đòn đấu tranh giai cấp tiêu diệt những ông chủ tư nhân đơn độc!
Dân tộc Việt Nam hèn yếu bị xâm lược vì còn chìm đắm trong nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, cổ hủ, năng suất thấp, lạc lõng phía sau bão táp những cuộc cách mạng công nghiệp. Những người đi đầu mang tài năng Việt Nam, mang ý chí làm giàu và khí phách tự cường Việt Nam gây dựng nên những cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp đầu tiên cho dân tộc Việt Nam, đưa dân tộc nông nghiệp cổ hủ Việt Nam chập chững đi vào xã hội công nghiệp phát triển, đánh thức ý thức cá nhân và ý thức dân tộc trỗi dậy. Lịch sử Việt Nam trân trọng gọi họ là những nhà tư sản dân tộc, những người có công lớn đi đầu trong công cuộc chấn hưng đất nước!
Xóa bỏ những cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân, Nhà nước chuyên chính vô sản dùng mĩ từ ngọt ngào, dịu dàng, tử tế là Cải tạo tư sản, nhà nước và tư nhân cùng hợp tác làm ăn! Nhưng thực chất là Nhà nước vô sản tước đoạt tài sản, tư liệu sản xuất của nhà tư sản, biến nhà tư sản từ ông chủ làm việc bằng trí tuệ, bằng kiến thức tổ chức quản lí kinh tế, kiến thức khoa học kĩ thuật, bằng kiến thức và sự từng trải về kinh tế thị trường, thành người làm thuê cho những ông chủ Cộng sản đã không có năng lực quản lí kinh tế, không có kiến thức khoa học kĩ thuật, thiếu cả nền tảng văn hóa xã hội, lại đố kị những người có năng lực, thù địch với kinh tế thị trường, điều hành hoạt động kinh tế bằng nghị quyết duy ý chí, bằng mệnh lệnh hành chính và bằng quyền uy bạo lực của Nhà nước chuyên chính vô sản! Kết quả là những cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp của tư nhân đang làm ăn phát đạt, vào tay Nhà nước đều lụn bại và tiêu vong! Nhưng Nhà nước vô sản đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ lịch sử là đã xóa xong cơ sở kinh tế tư bản ở Việt Nam! Tiêu diệt xong những ông chủ tư nhân! Tất cả đều thành vô sản! Không còn một người dân giàu! Và nước cũng kiệt quệ!
Năm 1955 cải tạo tư sản ở miền Bắc. Năm 1975 cải tạo tư sản ở miền Nam. Hậu quả: Đất nước nông nghiệp, chiếc nôi của văn minh lúa nước, vựa lúa của thế giới mà người dân không có gạo ăn! Dân cả nước phải trệu trạo nhai hạt bo bo nhập khẩu, loại hạt nơi sản xuất ra chỉ để chăn nuôi gia súc! Các nhà máy tư nhân chuyển vào tay Nhà nước đều đình đốn! Các nhà máy, xí nghiệp của Nhà nước thì đều đã đình đốn từ trước rồi! Đến bước đường cùng, chỉ còn con đường sống duy nhất là trả lại cho người dân quyền được gây dựng cơ nghiệp làm ăn sinh sống, quyền được làm giàu để trở thành những ông chủ, bà chủ tư nhân! Trả lại quyền vốn có của người dân được gọi mĩ miều là Đổi mới! Một lần nữa mĩ từ lại được sử dụng để đánh tráo bản chất sự việc, để che đậy sự thật! Đổi mới là trở lại con đường cũ để lại phải trở về điểm xuất phát mà những người Việt Nam ưu tú Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô . . . đã khởi hành từ hơn thế kỉ trước!
Kéo lùi lịch sử, kéo lùi sự phát triển của đất nước, của dân tộc cả thế kỉ, đó là hệ quả hiển nhiên của đấu tranh giai cấp!

8.5. Lấy ý thức hệ chia rẽ, đàn áp dân tộc

Triết lí của nhà tư tưởng người Pháp Rene Descartes, 1569 – 1650, là: Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại! Triết lí của dân tộc Việt Nam là: Tôi đoàn kết thương yêu đùm bọc dân tộc, vậy tôi tồn tại! Thấm nhuần triết lí đó, Hồ Chí Minh ráo riết thực hiện đoàn kết dân tộc. Nhờ thế, trong tình thế hiểm nghèo thù trong giặc ngoài của thời khắc nghiệt ngã 1945 – 1946, Hồ Chí Minh đã có một Chính phủ đoàn kết dân tộc, một đường lối đoàn kết kháng chiến. Nhưng suốt năm năm dân tộc Việt Nam nhỏ bé nghèo đói đơn độc chiến đấu. Bước sang mùa xuân thứ năm, cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn không nhận được sự ủng hộ của thế giới Cộng sản, dù chỉ là tinh thần! Chưa có một nước Cộng sản nào công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa! Sau chiến thắng Biên giới năm 1950 mở cánh cửa sang Trung Hoa và khối cộng sản thế giới, Hồ Chí Minh càng nóng lòng trông chờ sự ủng hộ của các nước Cộng sản vừa để có tiềm lực vật chất cho cuộc kháng chiến đang mở rộng, vừa để có đủ tư thế pháp nhân hiên ngang trước thế giới! Trong nỗi khắc khoải mong mỏi đó, Hồ Chí Minh càng thấm thía thời đại ngày nay vai trò của quốc tế quan trọng như thế nào. Vì thế, sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau khi những trung đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam rầm rập sang Trung Hoa học sử dụng súng lớn rồi được trang bị pháo phòng không, pháo mặt đất mang về nước, những đoàn cán bộ đảng sang Trung Hoa học tập lí luận, những đoàn cán bộ hậu cần quân đội sang Trung Hoa nhận hàng viện trợ, vải vóc, quần áo, đạn dược, thuốc men... thì những đòi hỏi, những áp đặt của các cố vấn cao cấp Trung Hoa đối với cách mạng Việt Nam, Việt Nam đành phải chấp nhận!
Triết lí tồn tại của Việt Nam là đùm bọc dân tộc thì triết lí thôn tính lân bang của đế quốc Trung Hoa là: Chia để cướp, chia để trị! Thế kỉ XV, Lê Lợi đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi rồi năm lần bảy lượt cho sứ thần sang Yên Kinh triều cống, xin nhà Minh công nhận độc lập của Đại Việt và phong vương cho nhà Lê. Vua Minh trì hoãn công nhận độc lập, trì hoãn phong vương cho nhà Lê và ngầm khuyến khích con cháu nhà Trần giành lại ngôi vua! Chia rẽ nội bộ người Việt đó! Nuôi dưỡng sự bất ổn lâu dài cho nước Việt đó!
Thời đế quốc Cộng sản Trung Hoa còn thâm hiểm, độc ác, trắng trợn hơn! Chia để cướp, chia để trị! Chia dân tộc Việt Nam thành giai cấp đối kháng, tự đấu đá giết hại nhau! Chia đất nước Việt Nam thành hai quốc gia không đội trời chung, hai chiến tuyến nổ súng, dội bom, bắn tên lửa vào nhau! Người miền Bắc Việt Nam cần bao nhiêu súng, bao nhiêu đạn để giết người miền Nam Việt Nam, Trung Hoa đều cấp! Phần trên đã diễn giải đảng Cộng sản Việt Nam nông dân, nông nổi, thấp cơ đã nghe theo Trung Hoa lấy đấu tranh giai cấp đánh phá tan nát dân tộc Việt Nam như thế nào! Ở đây xin đề cập đến ý thức hệ, cũng là đấu tranh giai cấp, đã đẩy dân tộc Việt Nam vào cuộc chiến tranh tương tàn sông máu, núi xương và cuộc đàn áp dân tộc sâu rộng, tàn bạo sau chiến tranh như thế nào!
Chia để cướp, chia để trị! Đế quốc Cộng sản Trung Hoa ép những người Cộng sản Việt Nam phải kí hiệp định Genève chia đôi đất nước Việt Nam! Một nửa đất nước, một nửa dân tộc Việt Nam bị đẩy sang trận tuyến đối lập. Trận tuyến bên này, người lính miền Bắc của nước Việt Nam cộng sản, đầu đội mũ tai bèo, tay ôm khẩu súng AK sản xuất từ Nga, từ Trung Hoa hướng nòng súng sang trận tuyến bên kia chờ chực nã đạn vào đầu người lính miền Nam của Nhà nước Việt Nam Cộng hòa, đầu đội mũ sắt, tay lăm lăm khẩu súng AR15 của Mĩ! Chùm đạn AR15 bắn gần khoan vào trán, găm vào giữa ngực / Những người lính đội mũ tai bèo đổ gục / ... / Tốp lính Sài Gòn lò dò đặt chân lên sườn đồi / Hứng trọn những loạt đạn AK vào đầu vào ngực (Nguyễn Thái Sơn. Trường ca Chiến tranh chín khúc tưởng niệm). Hai mươi năm chiến tranh tương tàn người Việt giết người Việt. Người Mẹ ở đồng bằng sông Hồng khóc đứa con là lính Cộng sản chết trận cũng nghẹn ngào đau đớn như người Mẹ ở đồng bằng sông Cửu Long khóc đứa con là lính Cộng hòa bỏ xác trong cuộc chiến! Cái chết của ngưới lính Việt Nam cộng sản hay cái chết của gười lính Việt Nam cộng hòa đều là nỗi đau xé lòng của người Mẹ Việt Nam, đều là mất mát không gì bù đắp được của dân tộc Việt Nam! Chỉ có kẻ ngồi ở phương Bắc Tọa sơn quan hổ đấu là được! Năm 1974 khi hai miền Nam Bắc Việt Nam đang dồn hết tâm trí, sức lực vào cú đánh quyết định số phận của nhau thì đế quốc cộng sản Trung Hoa liền nhảy vào cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam! Năm 1988, chiến tranh đã kết thúc nhưng chiến tranh ý thức hệ vẫn đang lồng lộn tàn phá tan nát cơ đồ Việt Nam, đang khoét sâu hố ngăn cách trong lòng dân tộc Việt Nam! Tổ quốc Việt Nam của những đứa con Mẹ Âu Cơ nhưng đã bị những người Việt Nam cộng sản độc chiếm! Yêu nước cũng thuộc độc quyền của người cộng sản! Không còn Tổ quốc để yêu! Không còn nơi gửi lòng tin! Dòng thuyền người Việt Nam bỏ nước ra đi kéo dài trong thời gian từ 30 tháng tư, năm 1975, đến tận 1988 vẫn còn rợp ngoài biển Đông! Lúc đất nước Việt Nam tan tác, lúc lòng dân Việt Nam li tán đó, đế quốc cộng sản Trung Hoa lại nhảy vào đánh chiếm chùm đảo Garma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam!
Sau 30.4.1975, đất nước Việt Nam thống nhất mà dân tộc Việt Nam vẫn không thể thống nhất! Giành được chiến thắng, giành được toàn bộ non sông là những người Việt Nam cộng sản đang say máu đấu tranh giai cấp. Nhờ đấu tranh giai cấp, từ tay trắng họ có quyền lực của người nắm cả núi sông trong tay! Say đấu tranh giai cấp dẫn đến say mê quyền lực! Họ liền dùng đấu tranh giai cấp ra uy quyền lực, nhấm nháp quyền lực và củng cố quyền lực! Hàng triệu người Việt Nam đã tham gia vào bộ máy Nhà nước Việt Nam cộng hòa và quân đội Việt Nam cộng hòa, đã quản lí nửa nước Việt Nam không cộng sản, đã đổ máu trong cuộc chiến đấu giữ quần đảo Hoàng Sa, đã tạo ra cơ sở hạ tầng xã hội cho miền Nam phát triển cao hơn miền Bắc, nền kinh tế mạnh hơn miền Bắc, nền văn hóa giáo dục tốt hơn, nhân bản hơn miền Bắc, mấy triệu người Việt Nam nhiều năng lực, giàu lòng yêu nước vô cùng cần thiết và có ích cho đất nước đó bị lùa vào những trại tập trung Học tập cải tạo, thực chất là những nhà tù và những người Học tập cải tạo thực chất là những người tù! Hàng triệu cha, mẹ, vợ, con những người tù đó bị bứng khỏi ngôi nhà họ đang sống bình yên, ổn định, bị đưa đến miền rừng sâu núi thẳm, hoặc miền sình lầy hoang vu, cuộc sống thiếu thốn trăm bề! Một lần nữa ngôn từ mĩ miều lại được sử dụng để gọi cuộc di dân đi cải tạo lao động là đi kinh tế mới!
Chính quyền người Việt, Nhà nước người Việt mà cầm tù, đày ải người Việt chỉ vì khác biệt ý thức hệ, khác biệt chính kiến, khác biệt giai cấp! Đến lúc này đã thấy rõ, cuộc đấu tranh giai cấp chỉ là sử dụng một giai cấp đông đảo nhất, bạo lực nhất, cuồng tín nhất để đàn áp những giai cấp khác, đàn áp cả dân tộc! Cuộc đàn áp dân tộc cứ từng đợt, từng đợt, như những trận sóng thần kéo dài từ cải cách ruộng đất 1953! Đợt sóng thần đàn áp dân tộc trong cải cách ruộng đất chỉ diễn ra trên nửa nước đã cướp đi mạng sống của hàng chục ngàn người! Người phải nhận án chết! Người tự tìm đến cái chết vì quá oan khiên! Đợt sóng thần đàn áp dân tộc sau 30.4.1975 tuy chỉ nhằm vào những người tham gia chính quyền và quân đội của nước Việt Nam cộng hòa nhưng họ là người của cả nước, là tập hợp cả dân tộc! Đó là đợt sóng thần rộng lớn nhất, hung dữ nhất, li tán dân tộc triệt để nhất, sâu sắc nhất, bi thảm nhất đã giết chết hàng trăm ngàn người! Chết vì cuộc sống khắc nghiệt trong các trại học tập cải tạo! Chết vì những con thuyền mỏng manh vượt biển bị sóng biển nuốt chửng! Chết vì lũ cướp biển! Nhìn dòng người liều chết bỏ nước ra đi, dòng dã suốt gần hai mươi năm trời, đến cái chết cũng không ngăn cản được họ, mới thấy cái hố ngăn cách thăm thẳm giữa Nhà nước cộng sản bạo liệt với người dân đơn độc, yếu đuối, giữa lí tưởng xã hội chủ nghĩa viển vông hoang tưởng với thực tế phũ phàng hàng ngày, giữa học thuyết đấu tranh giai cấp máu và nước mắt với khát vọng yêu thương trong tâm hồn con người Việt Nam!
Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời tháng hai, năm 1930 liền phát động ngay cuộc bạo động Xô Viết Nghệ Tĩnh, tháng chín, năm 1930. Cuộc đấu tranh giai cấp đầu tiên đã hiện rõ hình hài của một hiểm họa đến từ bên ngoài biên giới: Lấy giai cấp đánh phá dân tộc. Lực lượng được sử dụng làm công cụ đánh phá: Lớp người cùng khổ, thiếu tri thức, thừa bạo lực, thừa hận thù! Mục tiêu đánh phá: Lớp người ưu tú của dân tộc, những người giàu có của cải và giàu có trí tuệ: Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ! Là một dân tộc Văn hiến, trong quá khứ, thời nào trí thức cũng được coi trọng: Chẳng tham ruộng cả ao liền / Chỉ tham cái bút, cái nghiên anh đồ! Thời nào trí thức cũng đứng đầu bảng giá trị Việt Nam: Sĩ – Nông – Công – Thương! Nhưng từ 1930, bạo lực đã thay Văn hiến rồi! Bảng giá trị mới: Công – Nông – Binh – Trí đã thay bảng giá trị Sĩ – Nông – Công – Thương rồi!
Nhờ có đấu tranh giai cấp mà nhiều người tài nông, trí cạn có được vị trí quyền lực hôm nay! Vì thế, dù đấu tranh giai cấp có làm cho máu dân tộc Việt Nam cứ xối xả mãi và nước mắt những người Mẹ Việt Nam đã âm thầm chảy trong lòng, ứa nghẹn trong tim suốt gần thế kỉ qua vẫn còn chảy mãi thì họ vẫn kiên trì học thuyết máu và nước mắt để kiên trì vị trí quyền lực của họ!
Đấu tranh giai cấp đã làm đảo lộn mọi giá trị xã hội và cả dân tộc văn hiến bị nô dịch trong bạo lực đấu tranh giai cấp!

9. BẠO LỰC NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ĐANG ĐÁNH VÀO NHÂN DÂN VIỆT NAM

Từ lí luận đến thực tiễn, chủ nghĩa Marx đã phơi bày đầy đủ sai trái, cực đoan, tệ hại. Về lí luận, ở những phần trên tôi đã điểm qua sai lầm tệ hại nhất là tuyệt đối hóa giai cấp vô sản, một giai cấp hành động, không phải là giai cấp trí tuệ, không phải là giai cấp ưu tú, để rồi tuyệt đối hóa đảng Cộng sản, cho đảng Cộng sản cái quyền đứng trên Nhà nước, đứng trên pháp luật, dùng giai cấp vô sản trấn áp các giai cấp khác, đặc biệt trấn áp giai cấp trí thức và giai cấp tư sản, và trấn áp cả dân tộc. Về thực tiễn, đó là sự sụp đổ của Nhà nước Cộng sản và con đường đẫm máu và nước mắt Nhà nước đó để lại trong lịch sử. Máu và nước mắt của đấu tranh giai cấp, con người loại bỏ con người, giai cấp loại bỏ giai cấp! Máu và nước mắt của chiến tranh ý thức hệ, dân tộc loại bỏ dân tộc, dân tộc đối kháng dân tộc, dân tộc nô dịch dân tộc! Gần một thế kỉ qua, từ cách mạng tháng mười Nga, năm 1917, hơn một trăm triệu người đã bị giết trong đấu tranh giai cấp và trong chiến tranh ý thức hệ! Đó là thành quả khủng khiếp chủ nghĩa Marx để lại cho loài người, để lại trong lịch sử! Thành quả để lại của những bạo chúa man rợ nhất thời trung cổ, thành quả để lại của những phát xít diệt chủng tàn bạo nhất thời hiện đại cũng không thể so sánh với thành quả khủng khiếp của chủ nghĩa Marx!
Lịch sử đã loại bỏ chủ nghĩa Marx trên phạm vi thế giới. Chỉ còn vài nước nông nghiệp lạc hậu cố níu giữ chủ nghĩa Marx không phải vì sự lựa chọn phù hợp với lợi ích dân tộc như kết luận của một cuộc hội thảo do đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức ở Hà Nội mà chỉ vì lợi ích của tầng lớp lãnh chúa mới ra đời từ đấu tranh giai cấp!
Lí luận sai lầm, ảo tưởng! Thực tiễn là máu và nước mắt, là bước thụt lùi của lịch sử! Muốn duy trì một học thuyết như vậy chỉ còn chỗ dựa duy nhất là bạo lực! Bạo lực để áp đặt ý chí của quyền lực! Bạo lực để trấn áp những chính kiến khác biệt! Sức mạnh bạo lực của Nhà nước chuyên chính vô sản trong đối nội là công an, tòa án, nhà tù! Công an trở thành chủ thể trong mối quan hệ Nhà nước với người dân! Cuộc sống dân sự bị công an hóa, hình sự hóa, bạo lực hóa tràn lan!
Tôi viết bài bộc lộ chính kiến, bộc lộ nhận thức tư tưởng của tôi, bộc lộ sự day dứt của tôi trước sự an nguy của đất nước, trước sự còn mất của dân tộc! Đó là đời sống văn hóa tinh thần bình thường của mọi con người, là thế giới tâm hồn, tư tưởng của người làm việc bằng tư duy, bằng cảm xúc, là tư chất không thể thiếu của trí thức! Trí thức có mặt trong cuộc đời không phải chỉ để sống cho riêng mình. Những người có học hàm học vị cao, giáo sư, tiến sĩ, mang học hàm học vị ra kiếm chỗ đứng trong xã hội, mang tri thức ra kiếm cơm, ăn theo, nói leo để tồn tại, dứt khoát không phải là trí thức! Trí thức là phần thức của tâm hồn dân tộc. Cuộc sống của trí thức là tư tưởng. Không có tư tưởng không có trí thức. Tư tưởng có thể đúng, có thể sai. Không thể can thiệp, loại bỏ tư tưởng, dù là tư tưởng sai, bằng bạo lực, bằng công cụ, bằng vật thể. Bạo lực không giết được tư tưởng! Tư tưởng chỉ được giải quyết bằng tư tưởng, bằng chân lí!
Để tạo vàng son cho chủ nghĩa Marx, đảng Cộng sản Việt Nam đã thoải mái sử dụng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân dựng lên hàng loạt viện hàm lâm khoa học về chủ nghĩa Marx, thực tế là những viện vô tích sự và phản khoa học: Viện Marx Lénine, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Viện tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện lịch sử đảng... với hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ được đãi ngộ hậu hĩ, lương bổng, xe cộ, nhà cửa! Rồi hệ thống các cơ quan tuyên giáo các cấp, từ phường xã tới trung ương với hàng chục ngàn cán bộ đều có bằng cấp, học hàm học vị từ cử nhân trở lên! Rồi ban Lí luận trung ương tập hợp vài chục nhà lí luận hàm vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng! Đông đảo như vậy, danh xưng hào nhoáng như vậy, tốn kém tiền bạc của dân như vậy, nhưng khi những vấn đề lí luận của chủ nghĩa Marx Lénine đối mặt với cuộc sống cần sự giải đáp của những nhà lí luận Marxist, cần có tiếng nói của cơ quan Tuyên giáo cộng sản thì chẳng thấy ai! Chỉ thấy sự có mặt tức thì, hùng hổ, sôi sục, tàn bạo của công an, công cụ bạo lực! Cuộc sống dân sự bị công an hóa như vậy đó! Từ công an hóa đến hình sự hóa, bạo lực hóa chỉ là một khoảng cách mong manh! Sự việc Cù Huy Hà Vũ là một dẫn chứng!
Nửa đêm công an xông vào phòng trọ của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ở khách sạn rồi xục ngay vào sọt rác lôi ra ngay hai bao cao su đã qua sử dụng rất bẩn thỉu, rất thấp hèn, rất mơ hồ, rất trời ơi đất hỡi! Vị tiến sĩ luật bị giải về đồn công an, bị kiểm tra laptop! Đến lúc này màn diễn hai bao cao su đã qua sử dụng mới lộ ra mục đích của người dàn dựng! Từ laptop, những bài viết, những bài trả lời phỏng vấn của tiến sĩ Vũ đã công bố rộng rãi trên các trang mạng toàn cầu từ vài tháng trước được in ra liền trở thành tang chứng cấu thành tội tuyên truyền chống Nhà nước để truy tố vị tiến sĩ đã nói lên tiếng nói của nhân dân về những vấn đề khẩn thiết của đất nước! Đến phiên tòa xử tiến sĩ Vũ càng lộ rõ một vở diễn thô thiển, trí trá với một kịch bản vụng về và một dàn diễn viên trơ tráo, không lương thiện, tất cả chỉ để sử dụng sức mạnh bạo lực Nhà nước, công an, tòa án, nhà tù, bóp chết một tiếng nói trung thực và răn đe, khủng bố những tiếng nói khác, răn đe, khủng bố tinh thần cả dân tộc!
Thiếu úy công an đánh chết anh Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, ở Tân Yên, Bắc Giang ngay trong phòng công an chỉ vì anh Khương đi xe máy không đội mũ bảo hiểm! Kẻ giết người man rợ mặc áo công an chỉ bị án bảy năm tù! Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ với trách nhiệm và quyền công dân chỉ đề xuất thẳng thắn, công khai những vấn đề của đất nước trong những bài viết, bài nói chân thành, công khai cũng bị bảy năm tù, lại thêm ba năm quản chế! Thật mỉa mai cho luật pháp Nhà nước Việt Nam cộng sản chỉ để bảo vệ sự thống trị của đảng Cộng sản! Thật cám cảnh cho thân phận bèo bọt của con người Việt Nam hôm nay đã không được pháp luật bảo vệ lại trở thành đối tượng trấn áp của pháp luật!
Công an và quân đội là thành tố không thể thiếu của Nhà nước. Pháp luật, kỉ cương làm nên quyền uy, làm nên sức mạnh lí trí của nhà nước, quân đội và công an làm nên sức mạnh bạo lực Nhà nước. Một Nhà nước đúng đắn, lành mạnh, Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì sức mạnh bạo lực Nhà nước chỉ của Nhà nước mà thôi! Để bảo đảm sức mạnh bạo lực Nhà nước chỉ thuộc về Nhà nước thì công an, quân đội không được tham gia đảng phái chính trị. Đảng phái chính trị chỉ là tập hợp, chỉ là ý chí của một phe nhóm chính trị, một thế lực xã hội, không phải là tập hợp của toàn dân, không phải là ý chí của cả nước! Người chỉ huy công an, quân đội tham gia đảng phái chính trị là đã biến sức mạnh bạo lực Nhà nước thành sức mạnh bạo lực của một phe nhóm chính trị, để phe nhóm chính trị đó bóp chết các lực lượng chính trị chính đáng khác, áp đặt sự thống trị vĩnh viễn của phe nhóm chính trị đó đối với xã hội! Đó là mầm mống và cội rễ độc tài!
Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình! Slogan chữ lớn choán hết mặt trước trụ sở bộ công an ở Hà Nội là bằng chứng đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếm quyền Nhà nước Việt Nam, đã chiếm đoạt sức mạnh bạo lực Nhà nước Việt Nam! Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình! Với nhận thức méo mó đó, công an đã ngang nhiên thách thức nhân dân, công khai bội bạc, vô ơn với dân! Người dân làm lụng đổ mồ hôi sôi nước mắt đóng thuế nuôi bộ máy Nhà nước trong đó có quân đội và công an để quân đội bảo vệ lãnh thổ của nước và công an bảo vệ cuộc sống bình yên của dân. Đồng tiền mồ hôi nước mắt của Dân đã xác định đạo lí sống, nghĩa vụ công bộc và trách nhiệm đạo đức công an là: Công an, công cụ sức mạnh của Nhà nước và là con đẻ của Nhân Dân. Vì thế, mục đích duy nhất và tối cao như là đạo lí sống của công an phải là: Vì Nhân Dân!
Nhân dân lam lũ nuôi Nhà nước, nuôi công an, nuôi cả đảng! Nay công an không biết đến dân, chỉ biết có đảng! Vì thế mà anh Phạm Ngọc Đến, 29 tuổi ở Gia Lai đi xe máy không đội mũ bảo hiểm bị công an truy đuổi như đuổi giặc làm anh Đến ngã xe chết thảm. Người dân bộc lộ sự bất bình về hành xử mất tính người của công an dẫn đến cái chết cho anh Đến liền bị công an bắt giam, để rồi sáng hôm sau anh Trần Minh Sỹ, 23 tuổi chết gục trong nhà giam công an Gia Lai! Vì thế mà ông Nguyễn Văn Long, 41 tuổi, chỉ vì xích mích với vợ bị công an xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước bắt giam và đánh chết! Vì thế mà em học sinh lớp sáu, 12 tuổi, Lê Xuân Dũng và ông nông dân 43 tuổi Lê Hữu Nam bị công an xã Tĩnh Hải, Tĩnh Gia, Thanh Hóa bắn chết chỉ vì em Dũng và ông Nam cùng nông dân cả xã không chấp nhận giá đất đền bù rẻ mạt đã bảo nhau ra ruộng giữ đất! Vì thế mà ông Trịnh Xuân Tùng, 54 tuổi ở Hà Nội bị ông trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gãy cổ chết chỉ vì ông công an Ninh cho rằng ông Tùng ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm... Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình nên công an đánh dân đến chết, đánh dân đến tàn phế nhiều không kể xiết! Chỉ đếm vụ việc được đưa tin trên báo, từ vụ anh Trần Minh Sỹ bị công an Gia Lai đánh chết ngày 14.7.2009 đến vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị công an Hà Nội đánh gãy cổ chết ngày 28.2.2011, chỉ trong 18 tháng, đã có 16 người dân bị công an bắn chết, đánh chết! Còn bao nhiêu nữa những người dân lành bị đánh chết âm thầm trong nhà giam công an chưa được biết đến? Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình! Xa rời bản chất đích thực của công an, công an đã trở thành đối lập với Dân! Công an đã đẩy Nhân Dân sang phía đối tượng của đấu tranh giai cấp để thẳng tay trừng trị!
Những người dân lương thiện bị công an đánh chết: anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang, anh Phạm Ngọc Đến, anh Trần Minh Sỹ ở Gia Lai, ông Nguyễn Văn Long ở Bình Phước, ông Lê Hữu Nam, em Lê Xuân Dũng ở Thanh Hóa, ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội..., những người dân yêu nước đang bị công an giam giữ, tù đày: tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, luật sư Phan Thanh Hải, nhà báo Nguyễn Văn Hải, cô gái Phạm Thanh Nghiên, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Vũ Hùng, ông Vi Đức Hồi... họ đều là những người dân lao động lương thiện, cần cù làm việc đóng thuế nuôi Nhà nước, nuôi công an, nuôi cả đảng! Họ đều là Nhân dân thân yêu làm nên lịch sử Việt Nam huy hoàng, làm nên sự trường tồn của dân tộc Việt Nam!

LỜI CUỐI

Cuộc hẹn gặp bất ngờ, gấp gáp, không thể từ chối của ông Nguyễn Thành Tâm, quận phó công an quận Tân Bình, Sài Gòn, gợi ý cho tôi viết lời thưa chân thành này và gợi cảm hứng cho tôi viết tùy bút chính trị trung thực này. Vì thế, trước hết tôi gửi những điều chân thành, trung thực này tới ông quận phó công an Nguyễn Thành Tâm. Nhân đây, tôi cũng gửi tới ông Nguyễn Thành Tâm bài tôi viết về những công an đồng đội của ông Tâm, bài Kiêu binh thời đảng trị! Viết từ tháng mười năm 2010, tôi đã gửi boxitvn, boxitvn ngần ngại không post, tôi không gửi đâu nữa! Nay tôi gửi ông quận phó công an Nguyễn Thành Tâm và công bố bài viết về nỗi đau mà công an Việt Nam đã gây cho Nhân Dân Việt Nam, về món nợ máu mà công an đã vay nợ Nhân Dân Việt Nam, những người đang lam lũ làm lụng mồ hôi nước mắt nuôi công an, nuôi Nhà nước, nuôi cả đảng Cộng sản Việt Nam!

Tổng số lượt xem trang