Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Yêu nước nhưng cần tỉnh táo, sáng suốt

Tin liên quan:Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Con giun xéo lắm cũng quằn

- Yêu nước nhưng cần tỉnh táo, sáng suốt
QĐND -  Sau khi đăng bài “Sự ngộ nhận ấu trĩ về lòng yêu nước” của tác giả BẮC HÀ, Báo Quân đội nhân dân đã nhận được nhiều ý kiến phải hồi bàn về cách thức thể hiện lòng yêu nước nhìn từ các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát diễn ra trong thời gian qua trên địa bàn Thủ đô. Chúng tôi xin chuyển đến bạn đọc một số ý kiến.
(GS.TS TRẦN NGHI, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển và đảo Đại học Quốc gia Hà Nội):KHÔNG ĐỂ KẺ XẤU LỢI DỤNG
Là người chuyên nghiên cứu về biển đảo, tôi hiểu và thông cảm với sự phẫn nộ, bức xúc của nhiều người dân, nhất là giới trẻ trước hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc một số người dân tự phát tụ tập, biểu tình có những hành động quá khích như gần đây.  

Tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề phức tạp, do lịch sử để lại. Vấn đề này, theo chúng tôi nghĩ không thể giải quyết một sớm, một chiều. Vì thế, cần ủng hộ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông của Việt Nam là kiên trì đàm phán, đối thoại với Trung Quốc và các bên liên quan dựa trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và  Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Mục tiêu của chúng ta là vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền, vừa giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Mọi tranh chấp phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, cố gắng kiềm chế, tránh xảy ra xung đột… Theo tôi cảm nhận, ban đầu những cuộc tụ tập của một số người trên địa bàn Thủ đô chủ yếu là do bức xúc và xuất phát từ lòng yêu nước thực sự. Thế nhưng càng về sau, các cuộc tụ tập này ngày càng bộc lộ những dấu hiệu khác thường. Tôi đồng tình với đánh giá của một số cơ quan chức năng khi cho rằng những cuộc tụ tập, biểu tình gần đây đang bị một số kẻ xấu lợi dụng để kích động, gây đối đầu, chia rẽ, căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc, làm xấu đi hình ảnh của thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, gây khó khăn cho công tác đấu tranh ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta và tạo cơ hội cho các phần tử chống đối, bọn phản động ở trong và ngoài nước thực hiện những mưu đồ đen tối…
Tôi không phủ nhận là một số người tham gia biểu tình là để thể hiện lòng yêu nước của mình. Tuy nhiên, cần rất bình tĩnh và tỉnh táo khi xem xét vấn đề này. Yêu nước không cứ là phải xuống đường tham gia tụ tập, biểu tình, hò hét. Giữ cho đất nước hòa bình, ổn định cũng là yêu nước. Làm cho đất nước ngày càng mạnh lên, để chúng ta có điều kiện tăng cường tiềm lực QP-AN; thúc đẩy ngoại giao, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế cũng là cách để bày tỏ lòng yêu nước. Tôi nghĩ mỗi người đều có cách thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ngoài cách xuống đường biểu tình.
(Trung tướng NGUYỄN ÂN, Khu tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội):
ĐẶT LỢI ÍCH QUỐC GIA LÊN TRÊN HẾT
Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của Báo Quân đội nhân dân. Việc tụ tập, biểu tình tại một số nơi trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, dù xuất phát từ động cơ, mục đích gì thì cũng cần phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc là hòa bình, độc lập và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc lên trên hết. Mỗi người Việt Nam đều hiểu giá trị quý báu của hòa bình, bởi đó là mồ hôi, xương máu và sự hy sinh của bao thế hệ mới giành được.   
Nhìn ra thế giới, đặc biệt nhìn vào những diễn biến phức tạp ở một số nước thời gian qua, chúng ta càng thấy quý và tự hào về một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, đang tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, phồn vinh, giàu mạnh. Hòa bình và ổn định-đó chính là điều kiện quan trọng để đất nước phát triển, giàu mạnh, là cơ sở vững chắc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do vậy, mọi người dân đều phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ. Hành động tụ tập, biểu tình vừa qua cho thấy rất rõ những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, chẳng những không thúc đẩy giải quyết được vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, mà còn gây phức tạp thêm tình hình...
Trên trái đất này, dân tộc nào cũng có lòng yêu nước riêng. Cùng với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân ta đã được nuôi dưỡng, phát triển trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chính tinh thần yêu nước ấy là chất men kỳ diệu thổi bùng lên ngọn lửa Cách mạng Tháng Tám và cũng chính ngọn lửa linh thiêng ấy đã "thiêu cháy" lần lượt các đạo quân xâm lược... để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc, bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc... Tình cảm yêu nước chân chính là thiêng liêng, cao quý và rất đáng trân trọng. Bổn phận của mỗi người chúng ta là phải làm sao để tình cảm đó được thể hiện đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ.
 Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN, mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Biểu tình tự phát là đi ngược lại chủ trương, chính sách của Nhà nước, mỗi người cần sáng suốt, tỉnh táo để có nhận thức đúng, tránh hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi các thế lực thù địch đang muốn lợi dụng sự bức xúc của người dân trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, thì mỗi người dân càng phải bình tĩnh, tỉnh táo, thận trọng... Việc tụ tập, biểu tình cần phải giải quyết dứt điểm từ gốc, trên cơ sở huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị xã hội trong giáo dục, tuyên truyền, giải thích, cung cấp thông tin để người dân  nhận thức đầy đủ, đúng đắn tình hình, tin tưởng vào chủ trương, đối sách của Nhà nước ta, không nôn nóng hoặc bị kích động. Đồng thời phải phân loại rõ đối tượng, kiên quyết xử lý những người cầm đầu, hành vi cố tình làm trái pháp luật, đặc biệt là những phần tử cơ hội chính trị, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân ta để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
(Ông NGÔ MẠNH CƯỜNG Giám đốc Xí nghiệp xây lắp 18 - Công ty Xây lắp và Vật tư - Bộ NN&PTNT):  BẢO VỆ VÀ LÀM ĐẸP THÊM HÌNH ẢNH THỦ ĐÔ VĂN HIẾN-ANH HÙNG-HÒA BÌNH
Việc tụ tập, biểu tình tự phát của một số người dân thời gian qua khiến nhiều cán bộ, nhân viên trong công ty tôi ngạc nhiên. Chúng tôi nghĩ, chẳng lẽ cứ phải ra đường tụ tập, hô hào ầm ĩ như thế mới là yêu nước hay sao? Chẳng lẽ tuyệt đại đa số người dân Việt Nam ngồi nhà là không yêu nước? Việc làm trên có phải là sự biểu thị của lòng yêu nước chân chính?...
Đối với mỗi người dân nói chung, mỗi công dân sống trên địa bàn Thủ đô nói riêng điều tối thượng là phải biết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Quốc gia hùng cường là quốc gia có kỷ cương phép nước nghiêm minh. Nếu là công dân tốt, người dân có lòng yêu nước chân chính, điều này càng phải được thấm nhuần và thực hiện triệt để. Biểu hiện lòng yêu nước không phải là cái gì đó cao siêu mà thông qua những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, có ý nghĩa, mang lại lợi ích thường ngày cho gia đình và cộng đồng xã hội. Chúng ta cần phải biết bảo vệ và làm đẹp thêm hình ảnh của một Thủ đô Văn hiến-Anh hùng-Hòa bình. Là người Việt Nam yêu nước chân chính, chắc ai cũng nhớ câu “thượng tôn pháp luật”. Thiết nghĩ, việc tụ tập của một số người dân trên địa bàn thủ đô Hà Nội trong những ngày chủ nhật vừa qua nên chấm dứt.
(NGUYỄN VĂN LƯU,  sinh viên Lớp 47B1 Sử, Trường Đại học Vinh):
SỰ CỐNG HIẾN MỚI LÀ THƯỚC ĐO LÒNG YÊU NƯỚC
Tôi cũng như nhiều trí thức trẻ khác rất quan tâm đến vấn đề chủ quyền của đất nước ở Biển Đông. Tôi cho rằng, trước một số vụ việc tàu nước ngoài ngang nhiên vi phạm chủ quyền của đất nước thì việc một số người dân bức xúc phản ứng bằng cách tự phát xuống đường tụ tập, biểu tình để phản đối cũng là điều dễ hiểu. Ở một góc độ nào đó chúng ta cần thông cảm, chia sẻ với họ.
Tuy nhiên, đúng như cách đặt vấn đề trong bài báo “Sự ngộ nhận ấu trĩ về lòng yêu nước”, trong khi sự việc đã lắng dịu và Đảng, Nhà nước ta đang tích cực đấu tranh bằng biện pháp hòa bình thì việc tiếp tục tụ tập như nói trên là không phù hợp nữa và hành động của một số nhân vật quá khích là không thể chấp nhận. Rõ ràng các cuộc “biểu tình” không những không làm cho tình hình tốt lên mà ngược lại còn làm tình hình thêm căng thẳng, trước hết là ảnh hưởng đến trật tự an toàn trên địa bàn Thủ đô. Tôi ngạc nhiên là các cuộc biểu tình đều được một số người khai thác triệt để để tuyên truyền xuyên tạc, kích động trên các mạng xã hội. Như vậy, các cuộc biểu tình dù là mang động cơ bày tỏ lòng yêu nước, đã bị kẻ xấu lợi dụng để nói xấu Đảng, Nhà nước, chia rẽ  đoàn kết dân tộc, tạo cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng "đục nước béo cò"... Việc UBND thành phố Hà Nội có thông báo yêu cầu chấm dứt tụ tập đông người, biểu tình, tuần hành tự phát trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi nghĩ là đúng đắn và cần thiết. Mỗi người cần có nhận thức đúng và ủng hộ quan điểm của Đảng và Nhà nước trong giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán, đối thoại hòa bình. 
Tôi nghĩ rằng, sinh viên, các trí thức trẻ có nhiều cách để bày tỏ lòng yêu nước mà không nhất thiết phải tụ tập, biểu tình như đã nêu. Tôi đồng tình với ai đó đã nói rằng: "Sự cống hiến là thước đo lòng yêu nước". Học thật giỏi, làm việc thật tốt, cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc, đó chính là cách thể hiện lòng yêu nước thiết thực nhất của tuổi trẻ.

--Sự ngộ nhận ấu trĩ về lòng yêu nước
QĐND - Ngày 18-8-2011, Ủy ban nhân dân (UBND) Hà Nội ra Thông báo yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn Thủ đô. Ngay sau sự kiện này, trên nhiều trang mạng trong và ngoài nước đã đăng tải nhiều bài viết, ý kiến bàn luận xuyên tạc nội dung, mục đích của văn bản nói trên. Người này thì cho rằng đây là một văn bản “vi phạm trình tự, thủ tục” ban hành văn bản pháp quy, “không có giá trị pháp lý”. Người khác lại nói, cấm biểu tình là vi phạm “quyền Hiến định của công dân” (Điều 69, Hiến pháp 1992). Thậm chí có kẻ còn vu cáo Thông báo này “đánh tín hiệu vui mừng cho quân xâm lược biết để chúng xốc tới”...

Còn nhớ sau hai sự kiện liên tiếp xảy ra vào các ngày 26-5- 2011 và ngày 9-6-2011 - tàu hải giám và tàu ngư chính của Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 và của tàu Viking 2 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thuê của nước ngoài, đang thăm dò dầu khí trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (hoàn toàn không có tranh chấp) đã làm cho tình hình Biển Đông nóng lên một cách bất thường. Điều này khiến cho mọi người Việt Nam cho dù đang làm gì, ở đâu - trong nước hay ngoài nước và cả những người nước ngoài có lương tri đều không khỏi lo lắng và phẫn nộ.
Ngay sau sự kiện trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cực lực phản đối những hành động của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc “vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế, vi phạm tinh thần của Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002, vi phạm Công ước về Luật Biển quốc tế UNCLOS 1982 và đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.
Cũng trong thời điểm này ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra biểu tình tự phát lên án hành động vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam là điều tự nhiên. Thế nhưng, khi những vấn đề về tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam đã dịu đi, lắng xuống sau các cuộc tiếp xúc, trao đổi song phương, đa phương ở cấp cao, trong đó có cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc tại Diễn đàn Shangri-La (tổ chức ở Xin-ga-po) cùng với phản ứng của nhiều tổ chức quốc tế, các nước lớn trên các diễn đàn khu vực và quốc tế… thì những cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra với một tần suất ổn định và có xu hướng mở rộng về quy mô rõ ràng là điều không bình thường, trở thành một vấn đề chính trị-xã hội không thể không giải quyết.
Không phủ nhận rằng, trong số những người tham gia biểu tình có những người thật sự nghĩ rằng đây là điều cần thiết, là thông điệp của người dân Việt Nam ủng hộ Chính phủ của mình trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tuy nhiên, trong số những người biểu tình đó, cũng có không ít những kẻ đang lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân ta hòng "đục nước béo cò”, mưu toan sử dụng biểu tình như một phương thức để thực hiện mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ chính trị, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Chủ trương của thành phố Hà Nội yêu cầu chấm dứt tụ tập đông người, biểu tình, tuần hành tự phát trong bối cảnh hiện nay là cần thiết về nhiều mặt:
- Về chính trị, đó là việc ngăn chặn các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân ta để xuyên tạc đường lối chính trị, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; kích động chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước; kích động hận thù dân tộc, phá hoại quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc trong thời điểm nhạy cảm.
Thông báo của UBND Hà Nội nói rằng: "Các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và đang kêu gọi, kích động, hướng dẫn quần chúng biểu tình, tuần hành…”, đó là một thực tế hiện hữu. Những ai theo dõi tình hình chính trị-xã hội gần đây đều thấy, ngay sau khi có những sự kiện "nóng" về chính trị, xã hội trong và ngoài nước thì luôn có các “MC” dân chủ, nhân quyền lèo lái những bức xúc của người dân hướng vào mục tiêu làm xói mòn niềm tin của nhân dân ta với Đảng, Nhà nước, với chế độ XHCN. Có kẻ nói rằng: Muốn có quan hệ chiến lược với Mỹ và các nước lớn phương Tây, Việt Nam phải cải cách chính trị, thật sự tôn trọng dân chủ, nhân quyền… Thậm chí có kẻ còn mơ sẽ có “ Cách mạng hoa sen “ (theo nghĩa bạo loạn diễn ra ở Việt Nam như ở Trung Đông, Bắc Phi)
- Về pháp lý, UBND Hà Nội ra Thông báo là phù hợp với thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mình. Khi xem xét một văn bản, điều quan trọng nhất là ở nội dung của nó rồi mới tới trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành… Tục ngữ có câu "không ưa thì dưa có dòi". Để phản đối, có người nói rằng: Thông báo này "không có giá trị pháp lý" vì nó "chưa được Chủ tịch UBND phân công, chỉ đạo việc soạn thảo..."; "chưa được hội nghị của UBND thông qua "… tóm lại là không phù hợp với “ Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND”. Nhân đây xin lưu ý, ai đó nói rằng văn bản này là phi pháp thì đó là một sự nhầm lẫm. Văn bản này của UBND Hà Nội là “Thông báo” chứ không phải là văn bản “Quyết định, Chỉ thị” nên nó không phải thực hiện những thủ tục như quy định của “Luật Ban hành Văn bản quy phạm, pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND”.
Còn những ai đó nói rằng Thông báo này vi phạm quyền Hiến định của công dân thì đó lại là một sai lầm tai hại hơn. Nói đó là sai lầm tai hại vì sự ngộ nhận này có thể dẫn đến sự vi phạm pháp luật. Điều 69, Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Cụm từ  "theo quy định của pháp luật" có nghĩa là người tham gia biểu tình phải chấp hành quy định pháp luật về biểu tình. Hiện nay, Việt Nam chưa có luật về biểu tình nhưng đã có một văn kiện mang quy phạm pháp luật liên quan đến biểu tình, đó là Nghị định 38/2005/NĐ-CP. Nghị định này, có đoạn như sau: “Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Ủy ban nhân dân có thẩm quyền”.
Cho đến nay ở nhiều quốc gia đã có luật về biểu tình. Luật này thường quy định cụ thể: Cá nhân, tổ chức nào tổ chức biểu tình? Mục đích biểu tình là gì? Quy mô ra sao? Có tuần hành hay không? Diễn ra ở đâu? Nhiều quốc gia còn quy định nơi biểu tình (cố định) để cảnh sát thuận lợi trong việc bảo vệ. Như vậy có thể nói, Thông báo của UBND Hà Nội hoàn toàn có cơ sở pháp lý.

- Về văn hóa-xã hội, nếu như có người cho rằng biểu tình là nét đẹp về lòng yêu nước của người Hà Nội thì hãy suy ngẫm lại. Vì khi ra ngoài thời điểm lịch sử như đã nói ở trên, việc biểu tình đã trở thành một thứ bệnh hoạn của xã hội. Một trong những tiêu chí xếp hạng “Nơi nào sống tốt nhất trên thế giới” do Tạp chí Đời sống quốc tế (International Living) bình chọn là môi trường tự nhiên và sự an toàn xã hội. Đương nhiên, đó không thể là một xã hội lộn xộn, trật tự, an toàn không được bảo đảm.
Còn nếu nói về tinh thần yêu nước thì biểu tình không phải là cách duy nhất để thể hiện. Có rất nhiều cách để thể hiện tấm lòng và trách nhiệm của mình đối với đất nước, tình yêu của mình đối với Tổ quốc. Để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tăng cường sức mạnh kinh tế, sức mạnh quốc phòng-an ninh của đất nước cả về tiềm lực và thế trận, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, tăng cường cơ sở vật chất-kỹ thuật, bảo đảm cho lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại,… đồng thời chuẩn bị cho lực lượng vũ trang tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu không để bị bất ngờ. Những nội dung trên đã được ghi trong văn kiện Đại hội XI của Đảng và đang được Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện một cách khẩn trương.
Trong dịp tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, ngày 10-8- 2011, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng, phải quyết tâm bảo vệ, giữ vững. Chúng ta đã nhiều lần công khai tuyên bố và có nhiều hình thức khẳng định chủ quyền lãnh thổ và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước ta là giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển, khai thác tiềm năng, phát triển mạnh kinh tế biển để làm giàu cho đất nước; thực hiện phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ ngày nay phải dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phải dựa trên một chiến lược khoa học, toàn diện với một sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất. Những ai nghĩ rằng, chỉ có xuống đường biểu tình tự phát mới thể hiện được lòng yêu nước thì đó chỉ là một sự ngộ nhận ấu trĩ.
Bắc Hà
-Sự ngộ nhận ấu trĩ về lòng yêu nước

Tổng số lượt xem trang