Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Sự ra đời của quyền lực Thứ Năm: William Dutton nói về 20 năm của Mạng Toàn Cầu (World Wide Web)

Manfred Dworschak, Spiegel

Về William Dutton: Giáo sư Dutton, 63 tuổi, là giám đốc của Viện nghiên cứu Internet Oxford. Tổ chức này thuộc trường Đại học Oxford đã bỏ ra một thập kỷ qua để nghiên cứu các cách mà Internet đã làm thay đổi xã hội về cơ bản.


Ảnh: CERN
Một màn hình máy tính NeXT do Tim Berners-Lee dùng để lướt WWW vào thời gian đó công chúng đã có thể truy cập được vào 6 tháng Tám, 1991.


Trong cuộc phỏng vấn của SPIEGEL, William Dutton thuộc Viện Internet Oxford bàn về Mạng Toàn Cầu đã thay đổi cuộc sống của chúng ta một cách cơ bản như thế nào từ khi nó được tạo ra cách đây 20 năm, đưa ra quan điểm của ông về nó giúp các cộng đồng tổ chức và sự nổi lên của nó như một 'Quyền lực thứ Năm' giúp các chính phủ và truyền thông trên khắp thế giới thực hiện giải trình như thế nào.

SPIEGEL: Thưa giáo sư Dutton, ông có bao giờ tình cờ nhớ được ông đã làm gì vào ngày 6 tháng Tám 1991?

Dutton: Tôi không nhớ gì cả. Điều thú vị là việc sáng tạo ra World Wide Web đã không phải là một sự kiện chấn động thế giới. Nó hoàn toàn không giống vụ ám sát Tổng thống Kennedy.

SPIEGEL: Vào ngày 6 tháng 8 đó, Tim Berners-Lee, người sáng tạo ra World Wide Web đã làm cho cả cộng đồng Internet có thể truy cập được phát minh của anh. Anh làm điều ấy trên một diễn đàn thảo luận gọi là alt.hypertext...

Dutton:...và có lẽ ngay cả bản thân Tim Berners-Lee cũng không đoán trước được sự lây lan như virus của những tiêu chuẩn mà anh tạo ra.

SPIEGEL: Diễn đàn ấy ngày nay vẫn còn, sau 20 năm. Ngày nay nó là một nơi cằn cỗi, ma quái, quảng cáo những kính râm rẻ tiền và một "bà  vợ nóng bỏng, điên dại." Đó có phải là dấu hiệu của thời gian không?

Dutton: Trên Internet, người ta luôn chạy đến những site mát mẻ kế bên. Và vẫn còn rất khó đoán công chúng sẽ đi đến đâu.

SPIEGEL: Khi nào thì ông thấy rõ có một điều thật sự lớn lao đã xuất hiện?

Dutton: Ờ, ban đầu nó chẳng có vẻ gì là lớn lao cả. Tôi đã bắt đầu viết e-mail từ giữa những năm 1970, sử dụng Arpanet, tiền thân của Internet. Nhưng nhiều năm sau đó, Internet chỉ là công cụ cho các nhà khoa học máy tính và các viện sĩ – mãi đến năm 1991, việc thuyết phục công chúng về lợi ích của nó vẫn còn khó đến nản lòng. Việc sử dụng Internet quá phức tạp và nhìn bề ngoài không hấp dẫn. Người ta nghĩ Web là cái gì giống như chiếc radio CB[1]. Những "bảng thông báo" địa phương hồi đó còn thông dụng hơn nhiều, bởi vì chúng đã có màu, có nhiều giao diện đồ họa cho người sử dụng. Cú đột phá này đến với những trình duyệt Web đồ họa đầu tiên, Mosaic và sau đó là Netscape. Vào lúc đó, tôi nhận ra rằng cái này sắp trở thành một phương tiện thông tin đại chúng. Bất ngờ, mọi người xung quanh tôi đều học HTML và tạo website riêng của họ.

SPIEGEL: Nhìn lại, ông có nghĩ rằng Web đã thực hiện được hứa hẹn của nó?

Dutton: Nó đã vượt qua những gì mà con người có thể tưởng tượng ra. Ngày nay một phần ba dân số ở nước Anh coi Internet là thiết yếu đối với nhu cầu thông tin trong cuộc sống hằng ngày và trong công việc của họ, thiết yếu hơn báo chí hay truyền hình.

SPIEGEL: Viện Internet Oxford mà ông đang lãnh đạo điều tra ảnh hưởng của Internet đối với xã hội, chính trị và cuộc sống hằng ngày – thường có những kết quả đáng kinh ngạc, chẳng hạn về lĩnh vực hẹn hò tìm bạn trên mạng.

Dutton: Vâng, chúng tôi đã nghiên cứu bao nhiêu cặp đã gặp nhau trên Internet, đặc biệt từ năm 2000, và mạng xã hội. Tỉ lệ phần trăm đang tăng lên và nó cao hơn ở Đức, nơi kể từ năm 2000 cứ ba cặp thì có một cặp gặp nhau trên mạng – trong một mạng xã hội, chat room hoặc nhờ sự giúp đỡ của một công ty trực tuyến.

SPIEGEL: Thật đáng ngạc nhiên...

Dutton: ... đặc biệt nếu nhớ rằng Internet lúc đó thường được coi như một nơi mà chỉ những chuyên gia máy tính mới đi tìm bạn đời ở đó – chưa kể  tất cả nỗi hoảng sợ xung quanh những kẻ nguy hiểm ẩn núp ở đó. Nhưng trong thời gian đó rõ ràng Net đã được chấp nhận như một điểm gặp gỡ để tìm một ai đó mà bạn không thể gặp ở nơi khác. Đó là vấn đề người ta thử thách mọi sự trước khi bị thuyết phục. Đó là lý do tại sao tôi gọi Internet là một công nghệ "kinh nghiệm."

SPIEGEL: Việc có nguồn cung cấp lớn như thế có ảnh hưởng đến việc chọn bạn đời của người ta không?

Dutton: Có, những cặp gặp nhau trên mạng đa dạng hơn – như có những khác biệt lớn hơn về lứa tuổi, và giáo dục hơn những cặp gặp nhau ngoài đời. Và những người thuộc giai cấp lao động quan tâm đến việc tìm bạn đời trên mạng hơn những người có địa vị kinh tế xã hội cao hơn. Họ thường muốn mở rộng chân trời của mình, ra khỏi khu đang ở, công việc đang làm.

SPIEGEL: Nếu người ta đang trở nên đa dạng hơn, thì điều gì với họ là chung?

Dutton: Internet rất giỏi việc kết nối những người có những mối quan tâm tương tự. Nhiều dịch vụ mai mối hứa làm mối những cặp theo những mối quan tâm, những cặp khác theo tính cách. Thậm chí có cả một site mai mối về cảnh trí Gothic.

SPIEGEL: Vậy tuổi trẻ mạng ngày nay đang học cách tán tỉnh trước màn hình máy tính?

Dutton: Không. Những người trẻ không quan tâm một cách có ý thức đến việc tìm bạn đời qua Internet. Phần lớn vẫn có những mạng xã hội trong cuộc sống thực. Đó là những người trên bốn mươi tuổi, đã có sau lưng một hai cuộc hôn nhân. Nếu tôi khuyến khích hai đứa con gái tôi thử tìm cách hẹn hò trên mạng, chúng sẽ cho thế là vớ vẩn.

SPIEGEL: Nguồn cung cấp những đối tác tiềm năng thật sự là vô tận. Điều này có khiến người ta trở nên kén cá chọn canh hay không?

Dutton: Tôi nghĩ thế. Chúng tôi có bằng cứ về điều đó. Nhưng các công ty môi giới giữ nó tốt trong vòng quản lý được. Chẳng hạn, một số người lúc đầu giới thiệu với bạn ba đối tượng tốt. Vai trò của bên thứ ba có thể trở nên tầm thường hơn trong sự đa dạng của các khu vực mà người ta bị chìm ngập trong quá nhiều khả năng lựa chọn và ngờ vực – chẳng hạn như mua sắm. Tuy nhiên Internet rất giỏi trong việc đi xuyên qua trận lụt thông tin – bằng những động cơ tìm kiếm, bằng cách tập trung vào các site được đánh giá cao nhất hoặc những site mà bạn bè giới thiệu.

SPIEGEL: Phải chăng các quan hệ [hôn nhân..] hiện nay thường xuyên bị đe dọa vì trên mạng luôn luôn có đối tượng tốt hơn đang đợi bạn?

Dutton: Vâng, đúng thế. Có một số trường hợp nổi tiếng về những phụ nữ gặp đối tượng của mình trên mạng rồi tiến tới ly hôn sau khi bắt được chồng đang tán tỉnh với những phụ nữ khác trên mạng. Điều này cũng xảy ra cả trong đời thực. Nhưng trên Internet những gì diễn ra rõ ràng đến mức có xu hướng bị tăng quá mức – giống như những nguy cơ nghiện Internet hay máu mê cờ bạc trên mạng. Chính nỗi hoảng sợ về đạo đức này làm tôi hết sức lo lắng.

SPIEGEL: Ông đang cường điệu.

Dutton: Không. Khi nói đến những nguy hiểm trên Internet, xã hội chúng ta bộc lộ một khuynh hướng phản ứng lại một cách quá đáng. Hãy nghĩ đến những nỗi lo lắng về trẻ em trên mạng. Thật ra Internet là một công nghệ tuyệt vời để học tập thoải mái, về mọi vấn đề mà một đứa trẻ có thể quan tâm. Thỉnh thoảng, có lẽ là mỗi năm một lần, có chuyện có người bị mắc nghiện, hay một chuyện gì đó rõ ràng là khủng khiếp. Người ta thường nói Web giống như một cái hồ bơi, nơi cần có những hướng dẫn nghiêm nhặt và những quy định về an toàn. Nhưng hồ bơi nguy hiểm hơn Internet nhiều. Hoảng hốt không giải quyết được vấn đề và thường dẫn đến những cách chữa trị sai lầm tai hại.

'Internet đã đóng một vai trò quan trọng trong Mùa Xuân A Rập'

SPIEGEL: Internet không chỉ gây nên những nỗi sợ hãi, nó còn kích khởi nhiệt tình – đặc biệt trong vấn đề tiềm năng chính trị của nó trong những chế độ độc tài.

Dutton: Không nghi ngờ gì rằng Internet đã đóng một vai trò quan trọng trong mùa xuân A Rập. Một nhân viên của Google ở Ai Cập chỉ đơn giản lập một trang Facebook mà anh ta quản trị, đã tập hợp được nhiều người quan tâm đến lãnh đạo chính trị của đất nước. Điều này là thông thường: Mọi cá nhân đều có thể sử dụng hầu như ngẫu hứng một phương tiện có sẵn cho mọi người. Nó dễ như với Twitter. Tất nhiên bây giờ nhiều chế độ cảm thấy bị đe dọa, và chúng đang đi tìm những chốt khóa an toàn để làm ngưng nó lại.

SPIEGEL: Các nhà bình luận nói cuộc nổi loạn được Twitter trợ giúp chỉ là một chớp lóe trong cái chảo thông tin. Họ lập luận rằng sự phản kháng thật sự không phải được phát động bởi những người ngồi trước máy tính hay gửi những tin nhắn vào các điện thoại di động.

Dutton: Ít nhất người ta cũng có thể thấy trên mạng những người khác cũng có cách nhìn tương tự như họ. Và phương tiện thông tin đại chúng, gieo rắc tất cả những gì Twitter cung cấp, có thể tiến lên một bước. Tất nhiên, cũng có những việc Internet không làm tốt, như việc chống đỡ một phong trào trong một thời gian dài.

SPIEGEL: Vậy nó là phương tiện để giúp thúc đẩy sự vật tiến triển?

Dutton: Vâng, chúng ta có thể thấy điều này, chẳng hạn trong vụ bê bối của tờ New of the World của Rupert Murdoch – nó đã thực hiện cực kỳ tốt vai trò. Trong nhiều năm đã có những tin đồn về những người hắc vào các hộp thư thoại riêng tư, nhưng không ai điều tra nghiêm chỉnh vấn đề này. Truyền thông đã trở nên quá trở ngại đối với các nhà chính trị. Thế rồi có tin báo rằng một chuyện tương tự đã xảy ra với Milly Dowler, một nữ sinh bị bắt cóc sau đó người ta tìm thấy em đã bị giết. Và bạn biết cái gì sau một đêm đã biến vụ đó thành những vấn đề chính trị lớn nhất của nước Anh không? Đó là Mumsnet.com, một site ban đầu được thiết kế để giúp đỡ các bậc cha mẹ trong công việc hằng ngày của họ. Rồi bỗng nhiên, nhiều bậc cha mẹ bộc lộ nỗi oán giận trên site này, và người đọc trở nên điên tiết đến mức họ tự phát mở một chiến dịch, về cơ bản nói rằng: thế này thì quá lắm rồi.

SPIEGEL: Và cổng này là thật sự quan trọng trong việc khiến cho vụ bê bối có được sức lôi kéo?

Dutton: Tôi nghĩ vậy. Điều này bộc lộ một cách tuyệt hảo rằng cái phương tiện mà nhờ đó người ta có thể tổ chức đã tồn tại rồi. Nó có thể đã được lập ra vì một mục đích hoàn toàn khác – bàn về nuôi dạy con cái, để giải trí, để chuyện gẫu với bè bạn – nhưng cái đó không quan trọng. Bất kỳ một phương tiện nào cũng có thể chuyển hướng mục đích vào một thời điểm nào đó. Ngay cả các câu lạc bộ bóng đá và các đội bóng bầu dục ngày nay cũng có thể được tổ chức trên mạng. Khu phố tôi ở có blog riêng của nó, một website và một danh sách e-mail. Ở bất cứ đâu cũng có những phe nhóm chính trị tiềm tàng, khi vừa xảy ra một chuyện gì đó thì nó làm cho người ta loạn cả lên. Điều đang nổi lên ở đây là cái mà tôi gọi là "quyền lực thứ năm". Các cá nhân đã kết mạng có thể buộc những quyền lực chính thức khác – chính phủ, nhưng cả truyền thông nữa – có trách nhiệm giải trình vào bất cứ lúc nào. Theo nghĩa này Internet làm cho xã hội trở nên đa nguyên hơn, dân chủ hơn.

SPIEGEL: Bằng cách nuôi những phong trào chống đối bốc đồng và chết yểu?

Dutton: Hãy xem một ví dụ khác, website xã hội công dân MoveOn.org ở Hoa Kỳ do hai người lập ra. Đầu tiên chỉ có một đám đông giận dữ phản đối sự buộc tội đang đe dọa Tổng thống lúc đó là Clinton. Nhưng qua nhiều năm nó biến thành một loại tổ chức bảo trợ cho tất cả các sáng kiến tiến bộ.

SPIEGEL: Người ta đã thường nói rằng Internet tạo khả năng cho một hình thức dân chủ mới, trong đó các công dân được trực tiếp tham gia vào quá trình ra quyết định về chính trị. Điều đó có  hiện thực không?

Dutton: Ở mức độ địa phương thì có, đặc biệt nếu nhân dân bối rối về một vấn đề gì đó. Ở nước Anh này, có một động thái cắt giảm ngân sách địa phương, trong đó các thư viện công là một trong những nơi bị thiệt. Việc này đã thúc đẩy các nhóm ủng hộ tập hợp xung quanh các thư viện địa phương, và họ liên kết với các nhóm khác trên Internet. Phong trào "Cứu lấy những Thư viện của Chúng ta" khá thành công. Nhưng nói chung Internet là một môi trường dân chủ trực tiếp có tác dụng hạn chế. Tôi tin rằng chúng ta phải vứt bỏ những quan điểm không tưởng của những người tự cai quản lấy mình từ những chiếc giường của họ. Internet sẽ không tạo ra một nền dân chủ theo ý dân, bởi vì phần lớn dân chúng không quan tâm đến chính trị.

SPIEGEL: Và theo quan điểm của ông, thì Internet có làm thay đổi nền dân chủ?

Dutton: Tất nhiên, vì những các cá nhân liên kết với nhau trên mạng đang trở thành một nguồn [thông tin] độc lập của trách nhiệm giải trình về xã hội và chính trị - một quyền lực thứ Năm. Chẳng hạn nó có thể tác động đến chương trình hành động. Mọi Thủ tướng, mọi hội đồng thành phố đều biết rằng nhân dân sẽ bình luận trên mạng về những lời ông ấy nói và những việc ông ấy làm. Đám đông đã trở thành một sức mạnh độc lập, thậm chí độc lập cả với báo chí. Nó có hàng ngàn cặp mắt và nó có thể nhanh chóng tổ chức lại xung quanh những vấn đề, trong vòng vài ngày hoặc vài giờ, nếu cần. Điều này không đòi hỏi phải liên tục chú ý.

SPIEGEL: Nhưng hình thức phát biểu ý kiến phổ thông nhất trên Internet là kích vào "Like" trên Facebook. Cách tham dự chính trị như thế có phải là khá nông cạn không?

Dutton: Có lẽ một ưu điểm của tổ chức liên kết mạng là phí tổn tham gia rất thấp. Nhấn một cái nút không phải là một hoạt động gì lớn, nhưng khi hàng ngàn người hay hàng triệu người cùng "click" thì...

SPIEGEL: .. Thì hàng triệu người đã làm một việc gì đó mà không tốn kém gì của họ. Cuối cùng nó có dẫn đến thất vọng không khi người ta hiểu ra rằng chính trị không thể bị điều khiển từ xa bằng một con chuột?

Dutton: Cứ theo cái lý ấy thì không ai bỏ phiếu, vì bỏ phiếp là hoàn toàn vô lý. Khả năng tôi có thể tạo ra một khác biệt bằng sự bỏ phiếu của tôi hầu như bằng không. Người ta đi bỏ phiếu vì đó là một nghĩa vụ công dân, một hành động dân chủ rất quan trọng. Vả lại bỏ phiếu là quá dễ. Nhiều hoạt động trên mạng còn có ý nghiã hơn và có tiềm năng hiệu quả hơn

SPIEGEL: Một vấn đề đáng chán với chính trị trên Internet là chất lượng của tranh luận. Mọi thứ sẽ lộn nhào cả lên khi có quá nhiều người tham gia vào cuộc thảo luận. Ông có ý kiến gì về chuyện này có thể cải tiến như thế nào.

Dutton: Đúng, có nhiều người nói những điều ngu xuẩn, và những nhóm nhỏ có thể khống chế cả cuộc tranh luận, đúng như trong đời thực. Điều này là bình thường. Internet khó mà thích hợp với việc lấy được ý kiến của công chúng trên những vấn đề quan trọng; nó đơn giản chỉ là phương tiện để chính phủ tham vấn. Nhưng nó là lý tưởng cho nhân dân nhanh chóng tổ chức lại ngay khi họ bối rối hay lo lắng về một vấn đề gì đó.

SPIEGEL: Nhưng nhiều cuộc tranh luận cũng phải chịu cái cảnh những thành viên tham gia nặc danh có thể gây gổ mà không sợ bất kỳ một hậu quả nào. Nếu mọi người có thể bóc trần nhân thân thật sự của y [kẻ gây sự] thì có tốt hơn không?

Dutton: Bạn có thể nghĩ thế nhưng nó không thật sự có tác dụng như thế. Trong một cuộc điều tra nghiên cứu tòa thị chính điện tử địa phương, chúng tôi phát hiện ra rằng những người được yêu cầu khai đầy đủ họ tên thật hành xử không khác biệt lắm. Cả họ nữa cũng bị lôi cuốn vào việc bịa đặt và chửi rủa. Đòi hỏi người ta phải dùng tên thật không tiết chế được hành vi của họ như bạn mong đợi.

SPIEGEL: Hiện đang diễn ra một cuộc tranh luận trên Internet về việc có nên để người sử dụng thật sự có quyền nặc danh hay không? Những người đăng nhập vào Google+ chẳng hạn, phải khai báo tên thật của họ. Các nhà chính trị đã đòi phải cấm hoàn toàn việc dùng tên giả.

Dutton: Đó sẽ là một tai nạn thảm khốc. Quyền dùng tên giả là cực kỳ quan trọng đối với tự do phát biểu trên Internet. Nếu không người ta sẽ luôn luôn sợ bị trả thù. Những gì họ nói ra một ngày nào đó sẽ quay trở lại ám họ, đơn giản vì Internet không biết quên. Hãy tưởng tượng một người nào đó đi tìm lời khuyên trong một diễn đàn về bệnh AIDS. Chắc chắn anh ta chẳng  muốn ai biết tên thật của mình, nhất là ông chủ của anh ta sau đó mười năm.

SPIEGEL: Vậy chúng ta cứ phải sống chung với tình trạng bọn tội phạm và những kẻ lừa mị cũng được hưởng sự che chở của sự nặc danh ư?

Dutton: Có nhiều trường hợp khác nhau trong đó việc xác định nhân thân của một người là quan trọng. Tất nhiên tôi phải khai báo danh tính để lập tài khoản ngân hàng trực tuyến. Trong một mạng xã hội nếu có một người nhận là bạn học cũ của tôi thì tôi cũng phải có tên thật. Nhưng tôi cần có lựa chọn dùng bí danh trong thảo luận chính trị, hoặc khi tôi muốn tố giác những lạm dụng. Có một ví dụ nổi bật về chuyện này, một website Ấn Độ tên là ipaidbribe[2].com...

SPIEGEL: ...một site chống tham nhũng.

Dutton: Chính xác. Các cấp chính quyền ở đó đã thất bại trong việc ưu tiên cho đề cập đến tham nhũng trong nhiều năm. Thế rồi, xuất hiện một số website trên đó bất kỳ ai đã từng phải hối lộ có thể post chuyện của mình lên. Cả người đưa và người nhận hối lộ đều không bị nhận dạng, điều này hạ thấp ngưỡng xuống. Chẳng bao lâu có nhiều báo cáo đến mức chính phủ buộc phải trả lời. Bằng cách tập hợp các nội dung post, có thể xác định được nơi nào có những vấn đề lớn nhất. Nhân tiện, tôi trả lời một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh ở Anh về vấn đề này, khi nó còn đang nóng. Và một tuần sau, khi tôi đến Trung Hoa, tôi phát hiện ra bẩy website tương tự  vừa được mở ra trong tuần ấy trên khắp đất nước này.

SPIEGEL: Rõ ràng là ông đã mang theo virus.

Dutton: Có lẽ. Một sinh viên Trung Hoa nói với tôi rằng chính phủ đã cố gắng ngăn chặn những website về hối lộ này, nhưng chúng tái xuất hiện.

SPIEGEL: Ông có tin rằng kiểm duyệt ở đó có thể giữ Internet trong vòng kiểm soát mãi được không?

Dutton: Quyền lực Thứ năm chắc chắn là dễ vỡ, nó có thể bị các chính phủ phá hủy. Mặt khác, Internet khơi lên những hy vọng về một xã hội mở, đặc biệt trong những nước như Trung Hoa. Chúng tôi đã làm một so sánh quốc tế về các giá trị như tự do phát biểu, quyền riêng tư và niềm tin có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với những người sử dụng Internet. Thật đáng ngạc nhiên, tự do phát biểu có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều đối với những người sử dụng ở Trung Hoa và Ấn Độ so với những người sử dụng ở Phương Tây.

SPIEGEL: Người Trung Hoa và người Ấn Độ hình như cũng đóng góp nhiều hơn vào thế giới mạng.

Dutton: Vâng, họ tải lên nhiều hình ảnh và video hơn, họ viết post nhiều hơn, kể cả những bình luận về các bài báo, và họ trả lời các cuộc điều tra hăng hái hơn. Họ đi trước chúng ta về mọi thứ dưới thuật ngữ "Web 2.0,"  và Trung Hoa là nhất. Điều này có phần do sự thật là truyền thông do nhà nước quản lý ở đó có ít thứ hơn để hiến công chúng. Ở Trung Hoa Internet cũng là mảnh đất quan trọng hơn của giải trí. Nhưng như tôi đã nói, mọi phương tiện trên Internet cũng có thể được sử dụng cho các mục đích chính trị vào bất cứ lúc nào.

SPIEGEL: ..và do đó thách thức cân bằng quyền lực?

Dutton: Công nghệ không trung lập. Ngay đến một dụng cụ đơn giản như một máy trả lời cũng có khi làm thay đổi cán cân quyền lực. Bây giờ người nhận một cuộc gọi có thể xác định khi nào thì diễn ra cuộc nói chuyện – hay nó có xảy ra hay không.

SPIEGEL: Ông nói rằng các nước mới trỗi dậy đang trở nên chiếm ưu thế trên Internet. Tình trạng đó có ảnh hưởng đến tương lai phát triển của Web không?

Dutton: Tất nhiên. Nhân dân trong những nước này không chỉ là những người sử dụng Internet sáng tạo nhất, họ cũng có những quan điểm phóng khoáng hơn. Và trong chừng mực phần tham gia của họ còn tăng lên, trọng tâm của Internet đang chuyển đi khỏi Bắc Mỹ và châu Âu. Ngày nay khoảng 40% số người sử dụng Internet sống ở châu Á.

SPIEGEL: Vậy những sản phẩm Internet hấp dẫn nhất sẽ đến từ Trung Hoa và Ấn Độ trong mười năm nữa?

Dutton: Điều đó có thể thấy trước. Thung lũng Silicon chắc chắn sẽ mất vị trí thống trị của nó. Mặt khác, chúng ta chưa bao giờ biết sự kiện lớn tiếp theo có thể là cái gì và nó có thể đến từ đâu. Điều này có lẽ sẽ đúng trong 20 năm tới.

SPIEGEL: Giáo sư Dutton, chúng tôi cám ơn ông về cuộc phỏng vấn này.

Cuộc phỏng vấn do Manfred Dworschak thực hiện



[1] CB radio: Citizens' Band radio, hệ thống liên lạc vô tuyến hai chiều cự ly ngắn
[2] Tôi đã phải hối lộ


Hiếu Tân
-Nguồn: Sự ra đời của quyền lực Thứ Năm: William Dutton nói về 20 năm của Mạng Toàn Cầu (World Wide Web)

Tổng số lượt xem trang