Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Tài chính của không ít tập đoàn kinh tế ở mức… nguy hiểm?

(Tamnhin.net) - Với tiềm lực tài chính khổng lồ lại được giao quá nhiều quyền hạn nhưng không kèm theo các quy định chặt chẽ về việc kiểm tra, giám sát đã dẫn tới tình hình tài chính của không ít tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty nhà nước ở mức nguy hiểm.


Ông Nguyễn Thế Hưởng, Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định như vậy và nhấn mạnh, vụ việc Vinashin chính là hệ quả của việc buông lỏng quản lý tài chính đối với DNNN trong thời gian vừa qua.


Hạn chế  trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước của các TĐKT hiện nay, theo nhiều chuyên gia kinh tế là Nhà nước đã trao cho HĐQT, lãnh đạo tập đoàn quá nhiều quyền hạn trong đầu tư, vay nợ và sử dụng vốn nhưng lại không đi kèm với các cơ chế giám sát, kiểm tra hiệu quả.

Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế (Văn phòng Trung ương Đảng), ông Trần Xuân Hoà nhận định, trong khi các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nắm giữ tới 70% tổng tài sản cố định, 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư của Nhà nước, 60% vốn ín dụng ngân hàng và 70% nguồn vốn ODA… thì năm 2010, không tính Vinashin, 21 đơn vị còn lại chỉ thu được lợi nhuận trước thuế 70.778 tỷ đồng, trong đó, 80% số tiền này đến từ Tập đoàn Dầu khí, Viettel, Bưu chính - Viễn thông và Cao su. Nếu loại trừ khoản lỗ 8.596 tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực thì lợi nhuận của 15 đơn vị rất thấp, không chỉ không tương xứng với vai trò, vị thế của mình; thấp hơn rất nhiều so với thành phần kinh tế khác; thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Ông Hoà cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến DNNN hoạt động kém hiệu quả là việc kiểm soát tài chính chưa được coi trọng đúng mức. Ông kiến nghị, hàng năm, các TĐKT, tổng công ty nhà nước phải có báo cáo tài chính hợp nhất theo đúng chuẩn mực kế toán quốc tế. Báo cáo này phải được công khai để bất kỳ ai quan tâm đều có thể dễ dàng tra cứu.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần xác định lại mục tiêu chiến lược, sứ mạng của từng tập đoàn trong 5-10 năm tới; thành lập cơ quan quản lý DNNN tập trung có đủ quyền hạn để thực hiện quản lý và giám sát vốn, tài sản nhà nước… Chính phủ cần phải xây dựng được một quy trình kiểm soát tài chính trong tập đoàn, trong đó phải lượng hoá được các tiêu chuẩn cơ bản như doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư, đóng góp vào ngân sách nhà nước… đồng thời phải thiết lập được hệ thống giám sát, dự báo và kiểm soát được rủi ro của hoạt động tài chính để có biện pháp ứng phó linh hoạt.

Số liệu về nợ nước ngoài của Việt Nam đa phần liên quan tới các TĐKT đến cuối năm 2010 mà Bộ Tài chính vừa công bố cũng làm dấy lên những lo ngại về an toàn nợ.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Thành Đô, do trong nước nhu cầu đầu tư rất lớn, rồi đầu tư phát triển thì có bội chi ngân sách, phải có bù đắp, cân đối trong nước không đủ, nên không thể không vay được. Nếu muốn phát triển kinh tế, đảm bảo tăng trưởng GDP thì phải vay.

Vay được mà sử dụng được tốt, vay một đồng làm ra hai, ba đồng thì là tốt. Ví như như doanh nghiệp mà không đi vay thì làm sao phát triển được. Hay cá nhân gia đình mình, nếu tích lũy không đủ, muốn mua nhà, mua đất thì phải đi vay. Nếu mình có nguồn thu, tích lũy được trả nợ thì là tốt.

Trong khi mình vay dễ dàng, người ta tin mình, tin vào triển vọng của mình thì mới cho vay được. Người ta ủng hộ chính sách kinh tế của mình, giúp đỡ mình nguồn tài chính để phát triển thì là tốt. Có những nước như Hy Lạp, khi bị khủng hoảng ra ngoài thị trường vay cũng không ai cho vay.

Cho đến nay, trong chiến lược phát triển tài chính, tỷ lệ nợ nước ngoài vẫn nói là không quá 50% GDP. Với nợ nước ngoài, đến cuối năm 2010 xác định là 42,2% GDP, tức là vẫn giữ dưới 50%, có nghĩa là vẫn ở mức độ an toàn.

Quan trọng là mỗi đồng vốn vay về, mình làm ra được hiệu quả hai ba lần thì nợ có lên đến 60% cũng chẳng vấn đề gì, nếu nền kinh tế của mình hấp thụ được lượng vốn đó và tạo ra nguồn thu thì vay được là yếu tố để phát triển.

Chứ vay được một đồng mà làm ra nửa đồng thì đấy mới là đáng quan ngại. Tức là cái quan ngại nên là hiệu quả sử dụng đồng vốn, là cái mà chúng ta phải tập trung vào. Còn chỉ số chỉ là để đánh giá tổng quát và tương đối thôi. Tất nhiên nó cũng là một tín hiệu, nhưng không phải cứ 42% là sốt ruột lên, lại bảo nhiều quá, không đi vay nữa.

Theo Cục trưởng Nguyễn Thành Đô, việc Việt Nam bị hạ bậc định mức tín nhiệm trong thời gian qua có ảnh hưởng cực kỳ nhiều. Ví dụ như mỗi bậc định mức tín nhiệm, đang từ bậc này chuyển sang bậc kia sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quốc gia trong vấn đề vay nợ nước ngoài.

Ảnh hưởng thứ nhất là lãi suất sẽ rất khác, ảnh hưởng thứ hai là mức phí và ảnh hưởng thứ ba là các điều kiện vay. Ví dụ như Mỹ vừa rồi, bị đánh tụt hạng là người ta tính ngay được sẽ có thể thiệt hại hàng trăm tỷ USD.

Thế cho nên, các nước rất quan tâm cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia. Muốn như vậy thì phải làm rất nhiều thứ để đáp ứng các yêu cầu để người ta đánh giá, ví dụ như cung cấp đầy đủ thông tin một cách minh bạch, thường xuyên cập nhật thông tin về những tiến bộ trong nền kinh tế của mình…

Cục trưởng Nguyễn Thành Đô nhấn mạnh, bản thân chính sách vĩ mô của Việt Nam cũng phải rõ ràng, rồi việc thực hiện những khuyến nghị của người ta như về khắc phục yếu kém trong hệ thống ngân hàng, hay cải thiện dự trữ ngoại hối, rồi những biện pháp thúc đẩy xuất khẩu thu hút ngoại tệ, giảm bội chi ngân sách… rất nhiều thứ.

Những điều này sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức định mức tín nhiệm khi đánh giá Việt Nam, sẽ phân tích được, dự báo được nền kinh tế của Việt Nam, thì hệ số tín nhiệm mới dần cải thiện. Chứ hiện nay những thông tin về Việt Nam ra thị trường thế giới còn ít, chưa cập nhật nên bản thân những doanh nghiệp, giới đầu tư quốc tế rất thiếu thông tin về Việt Nam.

Rồi bản thân số liệu giữa cơ quan này với cơ quan khác trong nước không trùng khớp, tạo ra tâm lý lo lắng cho đối tác, thậm chí có thể dẫn tới nghi ngờ con số. Dẫn tới là họ sẽ dùng con số của họ, mà con số đó thì Việt Nam cũng không biết họ lấy ở đâu cả. Nhưng mà người ta có quyền đánh giá.

Cho nên, các nước khác rất quan tâm cải thiện hình ảnh đất nước của mình để tăng hệ số tín nhiệm quốc gia, và từ đó, mỗi một lần tăng như thế thì đi vay lãi suất sẽ thấp đi, phí cũng thấp đi, điều kiện vay cũng dễ dàng hơn.

Theo Cục trưởng Nguyễn Thành Đô, một điểm quan trọng khi nói đến lợi thế vay nước ngoài hiện nay của Việt Nam là lãi suất thấp hơn vay trong nước. Nhưng theo dõi bản tin số 7 thì tỷ giá cuối kỳ năm 2010 so với năm 2009 tăng trên 10%. Như vậy liệu có rẻ thật?

Vấn đề tỷ giá đó là việc trong nước của mình. Điều chỉnh như thế thì mình phải chịu thôi. Ví dụ đợt vừa rồi, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá lên thì dù mình không vay thêm gì cả, chỉ tính theo số liệu tiền mình đã vay rồi, thì dư nợ tính theo VND của mình cũng đã tăng thêm mấy phần trăm nữa so với GDP.

Nếu không có vấn đề tỷ giá, tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP năm 2010 sẽ tăng chậm hơn trong năm 2010, có thể dưới 40%.

Minh Giang

-Tài chính của không ít tập đoàn kinh tế ở mức… nguy hiểm?

Tổng số lượt xem trang