Theo báo cáo sơ bộ “Lộ trình khu kinh tế xuyên biên giới” của nhóm tư vấn ADB, hai khu kinh tế xuyên biên giới sẽ được tập trung phát triển là Hà Khẩu-Lào Cai và Bằng Tường – Đồng Đăng.
Khu kinh tế xuyên biên giới Bằng Tường-Đồng Đăng trải rộng trên một diện tích 17 km2, được chia thành hai khu có diện tích bằng nhau ở hai bên biên giới. Toàn bộ diện tích khu kinh tế sẽ trải dài trên một diện tích 8,5km2 về mỗi bên. Theo dự kiến, việc phát triển khu kinh tế sẽ được thực hiện trong ba giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu, việc xây dựng sẽ tập trung vào khu thương mại Phú Tài-Tân Thanh cho các cư dân cửa khẩu. Trong giai đoạn hai, khu kinh tế xuyên biên giới sẽ được mở rộng sang khu thương mại Nông Yao-Cốc Nam. Giai đoạn ba sẽ kết nối các khu vực đã được thiết lập ở hai giai đoạn trước. Khu kinh tế xuyên biên giới sẽ bao gồm cả các khu kho ngoại quan và phi ngoại quan và sẽ có hàng rào bảo vệ xung quanh. “Các cơ quan chính quyền địa phương đang hợp tác chặt chẽ với nhau và các công trình cơ sở hạ tầng cho khu kinh tế cũng đang tiến triển tốt” – Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng các khu kinh tế xuyên biên giới là một “phương tiện” để thu hút đầu tư vào khu vực biên giới vốn còn đang gặp phải nhiều khó khăn, bị nhiều thiệt thòi về kinh tế. Ông Robert L.Wallack, chuyên gia tư vấn quốc tế, Hoa Kỳ đánh giá: “Việc xây dựng khu kinh tế xuyên biên giới đóng vai trò quan trọng để thu hút đầu tư và cải thiện cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc dọc theo hai hành lang kinh tế Bắc – Nam và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng”.
Ngoài ra, Khu kinh tế xuyên biên giới Hà Khẩu-Lào Cai sẽ được đặt tại khu vực Beishan ở Hà Khẩu và khu kinh tế thương mại Kim Thành của tỉnh Lào Cai. Tổng diện tích của cả khu là 5,35km2, trong đó 2,85 km2 bên phía Trung Quốc ở Beishan và 2,5 km2 bên phía Việt Nam ở Kim Thành. Beishan và Kim Thành được kết nối với nhau bằng một cây cầu mới được xây dựng bắc qua sông Hồng. Khu kinh tế xuyên biên giới sẽ tập trung vào thương mại và hậu cần, du lịch, mua sắm và tài chính.
Làm gì để hai hành lang kinh tế không chỉ là hai con đường cao tốc?
Các khu kinh tế xuyên biên giới sẽ được song song thành lập ở cả Bằng Tường-Lạng Sơn và Hà Khẩu-Lào Cai, vì mỗi địa điểm lại có những ưu điểm riêng. Vì những điều kiện khác nhau, nên các mô hình kinh tế xuyên biên giới cũng tương đối khác nhau. Khu kinh tế Bằng Tường-Đồng Đăng sẽ được thành lập tương đối nhanh, nhờ có sự đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng và khu vực ngoại quan xuyên biên giới là hạt nhân của khu kinh tế. Còn khu kinh tế xuyên biên giới Hà Khẩu-Lào Cai sẽ được thiết lập với tốc độ từ từ, tập trung vào việc hội nhập giữa hai khu vực đô thị và do đó sẽ mang tính mở và tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng mềm.
Hiện nay, toàn bộ diện tích 8,5km2 về phía Trung Quốc đã bắt đầu được xây dựng bước đầu. Về phía Việt Nam, với nguồn kinh phí được Trung ương cấp để xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, Lạng Sơn đang lập kế hoạch và xây dựng một số tuyến đường mới, trong đó có: Một quốc lộ 1A kéo dài 3-4km dẫn đến khu vực Tân Thanh và nối với Puzhai qua biên giới với Trung Quốc. Đoạn đường này đã được xây dựng xong. Một cung đường dài 40m nối cửa khẩu Cốc Nam với cửa khẩu Longyao cũng vừa được khánh thành. Một con đường dài 2km ở khu vực Hữu Nghị Quan với tổng ngân sách vốn 200 tỉ đồng đã chọn được nhà thầu. Các con đường mới riêng rẽ cho hàng hóa và hành khách ở khu vực Hữu Nghị Quan đang được cân nhắc.
Còn vướng...
Theo nhận xét của Ban Quản lý dự án khu kinh tế xuyên biên giới của Lạng Sơn và những nhận xét của nhóm tư vấn ADB, vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ về phát triển khu kinh tế xuyên biên giới này. Đó là cần có một quá trình tốt hơn trong việc hài hòa các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng.
Bởi lẽ, mức độ phát triển cơ sở hạ tầng ở Đồng Đăng chậm hơn nhiều so với ở Bằng Tường. Ước tính rằng với tốc độ hiện nay, Đồng Đăng phải mất vài năm nữa mới có được cơ sở hạ tầng như Bằng Tường.
Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ở mức 16,1 tỉ USD năm 2010
Việc xây dựng khu kinh tế Hà Khẩu-Lào Cai có phần chậm hơn. Về phía Hà Khẩu, tổng vốn đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu kinh tế xuyên biên giới ước tính khoảng 1,2 tỉ nhân dân tệ (khoảng 185 triệu USD Mỹ).
Bên cạnh đó, theo báo cáo "Lộ trình khu kinh tế xuyên biên giới", việc phát triển khu kinh tế xuyên biên giới lại phải đối mặt với việc cân đối giữa các mục tiêu và lợi ích đôi khi trái ngược nhau, trong đó có: Lợi ích của Trung Quốc với lợi ích của Việt Nam; khu kinh tế xuyên biên giới so với hợp tác kinh tế xuyên biên giới; khu ngoại quan so với đặc khu kinh tế; khu kinh tế đóng có hàng rào bao quanh hay khu kinh tế mở không có hàng rào bao quanh; thành lập ngay hay thành lập từng bước; quản lí thống nhất hay hai bên quản lí song song; khu vực nhà nước hay khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò chủ đạo trong thúc đẩy sự phát triển của khu kinh tế; cơ sở hạ tầng cứng so với cơ sở hạ tầng mềm; ngành chế tạo hay ngành dịch vụ.
Mặt khác, khác với Trung Quốc có thặng dư thương mại trong thương mại quốc tế, thì Việt Nam lại là nước nhập siêu với thâm hụt thương mại đang ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày càng có thặng dư thương mại lớn và tăng lên so với Việt Nam. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ở mức 16,1 tỉ USD năm 2010. DN Trung Quốc có sức cạnh tranh mạnh hơn DN Việt Nam. Chính quyền địa phương bên phía Trung Quốc có nhiều nguồn lực hơn, và cơ sở hạ tầng khu kinh tế xuyên biên giới được phát triển hơn bên phía Trung Quốc. “Điều này cho thấy, tình hình kinh tế không có lợi của Việt Nam hiện nay và mất cân đối thương mại với Trung Quốc là những vấn đề rất đang quan ngại với Việt Nam.
Có thể lập luận rằng trong bối cảnh đó, hội nhập kinh tế nói chung và các khu kinh tế xuyên biên giới nói riêng sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho phía Trung Quốc trong ngắn hạn” – Báo cáo chỉ rõ.
Vì thế, theo các chuyên gia ADB, để mô hình khu kinh tế xuyên biên giới thành công, cần có sự cân xứng về mức độ chuẩn bị và chi phí cũng như đảm bảo lợi ích của cả hai bên. “Nếu các cấp chính quyền phía Việt Nam lo ngại rằng các Khu kinh tế xuyên biên giới có thể có lợi hơn cho phía Trung Quốc trong ngắn hạn thì hai bên hãy đối mặt với thực tế đó và tìm cách giải quyết trực tiếp cho vấn đề trên. Khi đạt được sự đồng thuận về mục tiêu, các công việc triển khai có thể được khởi động và điều này đòi hỏi phải thành lập một đội dự án quy mô nhỏ để quản lí công việc”.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Hoàng Thọ Xuân - Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), các chính sách ưu đãi là cần thiết để thu hút hoạt động kinh doanh và đầu tư vào các khu kinh tế xuyên biên giới. Bản thân các khu kinh tế này cần một loạt các chính sách đặc biệt, bao gồm: Các chính sách đầu tư công trong việc xây dựng các khu kinh tế xuyên biên giới và thẩm quyền lớn hơn trong việc ra quyết định để quản lí các khu kinh tế xuyên biên giới, bao gồm cả khả năng giữ lại phần lớn hay toàn bộ số thu từ thuế cho ngân sách địa phương. Một loạt các chính sách khác là cần thiết để cho các DN có thể hoạt động trong khu kinh tế xuyên biên giới, bao gồm: thuế quan giảm hoặc không có thuế quan, thuế VAT giảm hoặc bằng 0, miễn thuế XK, giấy phép hạn chế trong việc bán hàng vào thị trường nội địa”.
Dù thế nào, các khu kinh tế xuyên biên giới liên quan đến các đối tác xuyên quốc gia và các quan hệ phức tạp giữa nhiều đối tượng, chúng ta cần có một quy trình chuẩn bị bài bản, thận trọng trong từng bước đi.
Nguyễn Thắng – Linh Lang
-Nguồn: Thành lập các khu kinh tế xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc: Cần cân bằng lợi ích giữa các bên
Thành lập các khu kinh tế xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc:Kỳ 2: (05/8/2011)
Lợi thì có lợi ...
Cũng theo báo cáo Lộ trình khu kinh tế xuyên biên giới, nhóm nghiên cứu của ADB đã đưa ra nhiều lí lẽ để chứng minh lợi ích mà hai khu kinh tế xuyên biên giới này đem lại cho Việt Nam và Trung Quốc. Nhóm tác giả ví von: “Các khu kinh tế xuyên biên giới có thể đóng vai trò như những quả tim cho sự phát triển của khu vực biên giới, là động lực cho các hoạt động thương mại và phát triển vào các mạch máu giao thông đã được kết nối”.
Các chuyên gia ADB cho rằng các khu kinh tế xuyên biên giới là một phương tiện để thu hút đầu tư vào khu vực biên giới. Các khu vực biên giới, nhất là vành đai biên giới ở Việt Nam vẫn còn đang gặp phải nhiều khó khăn. Địa hình của những vùng này nhìn chung là vùng núi và không thuận lợi cho phát triển. Đó cũng là những vùng miền có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và do đó bị nhiều thiệt thòi về kinh tế. Việt Nam đã thiết lập các khu kinh tế cửa khẩu, cho đến nay là 13 khu, trong đó có Lào Cai và Lạng Sơn. Sự phát triển của các khu kinh tế xuyên biên giới giờ đây là một cơ hội để kế thừa những gì đã được khởi động đối với các khu kinh tế biên giới ở một tầm cao hơn và mang các dự án đầu tư của Nhà nước và tư nhân mà các vùng biên giới đang rất cần.
Cần có các công cụ chính sách để kiểm soát, tránh bị lợi dụng
Ngoài ra, khu vực biên giới là một mắt xích yếu trong phát triển các hành lang khu vực. Nhìn chung, các mạng lưới kinh tế đều tỏa ra bên ngoài từ một hay nhiều khu vực cốt lõi và các mạng lưới này sẽ yếu dần cho đến khi vươn tới đường biên giới quốc gia. Mặc dù nền kinh tế thế giới đang phải trải qua quá trình toàn cầu hóa, các đường biên giới quốc gia vẫn là những mắt xích yếu trong việc phát triển các hành lang kinh tế và vận tải xuyên biên giới. Một nghiên cứu của ADB nhận xét rằng: "các điểm cửa khẩu là mắt xích yếu nhất trong các hành lang kinh tế Bắc - Nam và cần chú ý đặc biệt đến việc giải quyết các vấn đề biên giới này". Để hành lang kinh tế Bắc - Nam có thể phát triển từ một hành lang giao thông trở thành hành lang kinh tế, các điểm cửa khẩu phải được cải thiện, các khuôn khổ thể chế phải được hài hòa hóa, và phải thu hút đầu tư đến các khu vực kém phát triển trên hành lang này. “Các khu kinh tế xuyên biên giới có thể đóng góp vào nhiệm vụ kể trên” – Nhóm chuyên gia ADB cho biết.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cho rằng: Trong trung và dài hạn, có nhiều lí do để tin tưởng rằng các điều kiện mới sẽ xuất hiện đối với Việt Nam để hưởng lợi từ thương mại với Trung Quốc. Cụ thể: Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (AFCTA) đem lại những cơ hội mới cho các DN Việt Nam trong ngắn và dài hạn. Trước hết là việc Trung Quốc đã giảm thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam theo Chương trình cắt giảm sớm, trước khi Việt Nam phải cắt giảm thuế quan tương ứng; các DN Trung Quốc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam; tăng nhu cầu ở Trung Quốc đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông nghiệp như hoa quả và hải sản, giảm việc khuyến khích DN Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc có sự chuyển đổi từ đầu tư sang tiêu dùng nội địa…
Mặc dù đưa ra nhiều lí do thuyết phục, nhưng báo cáo Lộ trình Khu kinh tế xuyên biên giới cũng không quên những thực tế “phũ phàng” về hiệu quả đem lại bước đầu của hai khu kinh tế xuyên biên giới này. Nguồn gốc của cái sự “phũ phàng” ấy lại xuất phát từ sự chênh lệch về tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam với Trung Quốc. Khác với Trung Quốc có thặng dư thương mại trong thương mại quốc tế, thì Việt Nam lại là nước nhập siêu với thâm hụt thương mại đang ngày càng tăng. Năm 2010, thâm hụt thương mại của Việt Nam lên đến 12,4 tỉ USD. Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng có thặng dư thương mại lớn và tăng lên so với Việt Nam. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc còn lớn hơn tổng thâm hụt thương mại của cả nước, ở mức 16,1 tỉ USD năm 2010. “Điều này cho thấy, tình hình kinh tế không có lợi của Việt Nam hiện nay và mất cân đối thương mại với Trung Quốc là những vấn đề rất đang quan ngại đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam. Có thể lập luận rằng trong bối cảnh đó, hội nhập kinh tế nói chung và các khu kinh tế xuyên biên giới nói riêng sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho phía Trung Quốc trong ngắn hạn” – Báo cáo chỉ rõ.
Vì sao Trung Quốc "sốt sắng"?
Phải nói rằng, bên cạnh việc nắm giữ nhiều "lợi thế" như đã nói ở trên, Trung Quốc còn là phía đầu tiên “sốt sắng” đề xuất mô hình khu kinh tế xuyên biên giới và đã cân nhắc, thảo luận về các khu kinh tế này từ 7 năm nay, trong khi đó vấn đề này mới chỉ nhận được sự chú ý từ các nhà lãnh đạo cấp cao từ hơn một năm nay. Các hoạt động phát triển mô hình khu kinh tế xuyên biên giới đã được hỗ trợ bởi Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Trung Quốc trong vòng 4 năm qua. Điều này được phản ánh trong việc phát triển nhanh chóng hơn của các công trình cơ sở hạ tầng phía bên Trung Quốc.
Có lẽ điều quan tâm lớn nhất đối với Việt Nam là các DN Trung Quốc có năng lực cạnh tranh cao hơn so với DN Việt Nam, và Trung Quốc đang có thặng dư thương mại lớn đối với Việt Nam như đã đề cập ở trên. Điều này càng củng cố thêm khả năng trước mắt các khu kinh tế xuyên biên giới sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho phía Trung Quốc. Chính vì thế, nếu Việt Nam không có các giải pháp đồng bộ, một chiến lược cụ thể, rõ ràng thì hai khu kinh tế xuyên biên giới này phải chăng sẽ chỉ là “sân chơi” riêng cho các DN Trung Quốc vốn đã sở hữu quá nhiều lợi thế?
Báo cáo cũng đã chỉ ra 5 yếu tố hợp thành “cơ thể hoàn chỉnh” của các khu kinh tế xuyên biên giới. Đó là: Các điểm qua lại cửa khẩu tiên tiến, Các kết nối cơ sở hạ tầng hiện đại, Các khu vực thương mại, Các khu dành cho doanh nghiệp, Các chính sách ưu đãi, Hai bên cùng quản lí.
Trong 5 yếu tố này, yếu tố thứ 5 khiến cho khu kinh tế xuyên biên giới khác với các khu kinh tế hay khu vực mậu dịch tự do. Để các khu kinh tế xuyên biên giới phát triển đúng với nghĩa "xuyên biên giới", hai bên sẽ quản lí như thế nào để mỗi bên biên giới phải hợp tác với nhau chứ không phải cạnh tranh nhau? Phối hợp và bổ sung cho nhau như thế nào để các DN có thể được thu hút như nhau đến với cả hai khu vực? Nếu như nhiều yếu tố khác chỉ cần có tiền là làm được, thì yếu tố sau này thiết nghĩ cần nhiều hơn thế.
Ngoài ra, theo các chuyên gia ADB, việc phát triển khu kinh tế xuyên biên giới lại phải đối mặt với việc cân đối giữa các mục tiêu và lợi ích đôi khi trái ngược nhau, trong đó có: Lợi ích của Trung Quốc với lợi ích của Việt Nam; khu kinh tế xuyên biên giới so với hợp tác kinh tế xuyên biên giới; khu ngoại quan so với đặc khu kinh tế; khu kinh tế đóng có hàng rào bao quanh hay khu kinh tế mở không có hàng rào bao quanh; thành lập ngay hay thành lập từng bước; quản lí thống nhất hay hai bên quản lí song song; khu vực nhà nước hay khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò chủ đạo trong thúc đẩy sự phát triển của khu kinh tế; cơ sở hạ tầng cứng so với cơ sở hạ tầng mềm; ngành chế tạo hay ngành dịch vụ. Giải quyết hài hòa những mối quan hệ này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới.
Các khu kinh tế xuyên biên giới chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong cả bức tranh đa dạng về mối quan hệ kinh tế Việt – Trung. Nhưng, để mảnh ghép đó được đặt đúng chỗ, phát huy đúng vai trò của mình thì cần thận trọng, khéo léo trong từng bước đi.