"Nhà nước nên tổ chức đối thoại một cách công khai về vấn đề Biển Đông, trên tinh thần xây dựng, chứ đồng thuận mà không có phản biện chỉ là một sự đồng thuận giả tạo...Một dân tộc có quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước rất là hiển hách như Việt Nam thì không nên quỵ lụy trước Trung Quốc..."
Ngày 6/9, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gởi thư ngỏ cho các nhà lãnh đạo Việt Nam, yêu cầu làm sáng tỏ hai sự việc. Trước hết là chủ trương cấm các cuộc biểu tình ôn hòa chống các hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, đàn áp, bôi xấu những người biểu tình đặc biệt là các nhân sĩ trí thức. Thứ hai là việc Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh hứa hẹn với Trung Quốc không để tái diễn « vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam ».
Lá thư ngỏ này khi được các trang mạng đăng lên đã nhanh chóng thu hút được rất nhiều ý kiến phản hồi, hầu hết là đồng tình, có trang nhận được đến trên 700 lời bình luận. RFI Việt ngữ đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hiếu Đằng về vấn đề trên.
Sau khi gởi thư ngỏ vào ngày 6/9, cho đến nay tôi vẫn chưa được trả lời từ các vị lãnh đạo. Khi viết lá thư này, tôi cũng dự đoán được tình hình đó, có nghĩa là cũng sẽ không được trả lời. Bởi vì cái này đã trở thành thói quen của các vị lãnh đạo chúng ta rồi. Ngay đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vấn đề bauxite Việt Nam, vấn đề phá hội trường Ba Đình để xây hội trường mới cho Quốc hội, thì thư của đại tướng và rất nhiều thư của các đồng chí cách mạng lão thành, tướng lãnh cũng không được trả lời.
Do đó khi viết lá thư ngỏ đó, tôi ý thức về việc đặt ra trách nhiệm của các vị lãnh đạo cao nhất của nhà nước, của Đảng, trong hai vấn đề mà tôi đã nêu. Và phần nào đó, đã nói thư ngỏ tức là tôi muốn công khai hóa, đưa ra trước công luận những vấn đề đó, để các tầng lớp nhân dân ở trong cũng như ngoài nước xem xét.
Sau khi lá thư ngỏ được đưa lên các trang mạng thì cho đến nay đã có trên 700 comment, mà đại bộ phận là hưởng ứng, cho rằng đặt vấn đề như vậy là đúng, là nghiêm túc, hợp lý. Chúng tôi cũng hy vọng là trong tương lai, các vị lãnh đạo có thể không trả lời trực tiếp cho tôi, nhưng nói rõ trước nhân dân về hai vấn đề này.
Chủ trương bắt bớ, đàn áp biểu tình là một chủ trương tôi cho là không hợp lòng dân. Bởi vì thật ra ở đây người ta biểu tình vì lòng yêu nước, chống những hành động bành trướng của Bắc Kinh, thì có thể nói là hậu thuẫn cho nhà nước. Tại sao nhà nước lại đi ngăn cấm, bắt bớ, rồi nhất là lại đi bêu xấu, gán ghép các trí thức, nhân sĩ yêu nước ở Hà Nội. Đó là những người đã có quá trình đấu tranh vì độc lập, tự do cho tổ quốc cũng như xây dựng đất nước trong mấy chục năm nay, như anh Nguyên Ngọc, giáo sư Huệ Chi, giáo sư Chu Hảo, anh Nguyễn Xuân Diện…là kẻ xấu, là phản động…Tuy rằng nói lập lờ thôi, nhưng làm như vậy cũng rất xúc phạm đến danh dự và lòng tự trọng của các vị đó.
Nếu là một nhà nước quang minh chính đại, thì sẽ cho đối thoại một cách công khai về vấn đề này, trên tinh thần xây dựng. Tôi nghĩ đó mới là sự đồng thuận thật sự. Chứ nếu đồng thuận mà không có đấu tranh, không có phản biện, thì đó là đồng thuận giả tạo. Mà tôi rất lo ngại vì hiện nay trong xã hội Việt Nam, thật sự có một sự đồng thuận giả tạo như vậy. Tôi đã từng ở trong guồng máy nên tôi biết. Trong cuộc họp thì nói rất là đúng đường lối, lập trường, nhưng mà ra ngoài cuộc họp lại nói khác đi. Một xã hội nói dối, không trung thực sẽ rất là nguy hiểm, sẽ làm cho lòng tin của người dân bị mất đi đối với chính nghĩa của chúng ta.
Bên cạnh đó còn có một số trường hợp những người đã tham gia biểu tình bị đuổi việc, bị gây áp lực để đuổi nhà…Đây cũng là những cách đối xử đáng thất vọng ?
Đúng rồi. Tôi cũng được nhiều anh chị đã ký trong tuyên cáo hay kiến nghị cho biết là công an có đến làm việc. Tất nhiên là chưa bị bắt, nhưng cũng bị làm phiền hà. Hoặc là có một số em sinh viên đi biểu tình thì các trường lại đặt vấn đề đuổi học, hay thế này thế kia…Tôi cho rằng điều đó là không nên. Bởi vì người ta đi biểu tình một cách công khai, nhằm mục tiêu rất là xây dựng, không khuyến khích thì thôi, chứ sao lại đi xử phạt hay là đe dọa, làm áp lực đối với người ta.
Tôi nói ví dụ như trường hợp anh Huỳnh Tấn Mẫm hay anh Cao Lập… có thể nói là bây giờ cũng bị theo dõi. Nhưng mà chúng tôi xem những việc đó là trách nhiệm của người công an làm, bộ máy an ninh làm, còn chuyện chúng tôi thì chúng tôi làm một cách công khai, minh bạch. Và khi thể hiện những hành động yêu nước này thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những nguy hiểm, kể cả tù tội.
Hiện nay trong xã hội Việt Nam có cái không khí sợ hãi, ngay cả trong tầng lớp trí thức, tôi thấy cần phá vỡ cái này. Bởi vì mình thực hiện nghĩa vụ của người công dân, bảo vệ độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trước âm mưu bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh, thì tôi nghĩ đó là việc làm chính đáng, không ai có thể ngăn trở được.
Còn việc ông Nguyễn Chí Vịnh hứa hẹn với Trung Quốc không để tái diễn các cuộc tụ tập đông người ở Việt Nam, nếu không phải là chủ trương chính thức của Nhà nước thì liệu ông Vịnh có thể tự do phát biểu như vậy ?
Tôi nghĩ là về phía cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam không dại gì mà đi nói với Trung Quốc những cái điều đó. Một nước độc lập tự chủ thì không thể nào một vị đại diện cho Nhà nước Việt Nam lại nói công việc nội bộ của Việt Nam cho một nước láng giềng như vậy được. Điều đó chứng tỏ là không có độc lập gì cả.
Do đó trong trường hợp ông Nguyễn Chí Vịnh tự động nói, đây là ý kiến riêng của ông ta, thì đó là một sai lầm lớn trong công tác đối ngoại. Nhất là đối với một nước đang có nhiều hành động xâm lấn vùng lãnh hải, bách hại ngư dân của chúng ta liên tục. Ngoài ra trên mặt trận dư luận họ cũng phát động việc đánh Việt Nam, nói Việt Nam vô ơn bội nghĩa…tức là phát động hận thù dân tộc. Tôi nghĩ là đối với một nước như vậy thì chúng ta phải có thái độ thích đáng.
Trong việc tuyên truyền ở dưới cơ sở hiện nay, tôi cũng biết là có nhiều vị nói rằng, trước đây tổ tiên của chúng ta cũng phải đi triều cống Trung Quốc. Nhưng nên nhớ rằng tổ tiên chúng ta, với tinh thần hòa hiếu, chỉ cho sứ giả qua để thực hiện đường lối ngoại giao hòa hiếu đó sau khi đã đánh vỡ mặt bọn xâm lược phương Bắc ! Tức là sau khi đã đánh thắng rồi thì chúng ta mới cho sứ qua. Chứ không phải như bây giờ, họ quấy nhiễu, họ bức hại ngư dân của chúng ta, cắt dây cáp các tàu thăm dò dầu khí của ta, thì chúng ta lại cho hai ông sứ giả đấy – tức là ông Hồ Xuân Sơn trước đây và bây giờ là ông Nguyễn Chí Vịnh – cả hai đều có những lời nói, việc làm hết sức xúc phạm đến lòng tự trọng của dân tộc.
Bởi vì một dân tộc như Việt Nam đã có quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước rất là hiển hách, mà đi quỵ lụy, đi chiều lòng Trung Quốc như vậy, thì tôi cho là không nên. Mà như vậy tức là anh đã vượt quyền, đã làm mất thể diện quốc gia. Trong trường hợp như vậy thì tôi cũng có đề nghị với các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước là phải kiểm điểm trách nhiệm, và có những biện pháp xử lý nhất định đối với những người lộng quyền hay lạm quyền, có những việc làm, lời nói vi phạm đến độc lập, tự chủ của đất nước Việt Nam chúng ta.
Thưa ông nhưng hiện nay thế của Trung Quốc rất mạnh trên thế giới đặc biệt về kinh tế, có thể vì vậy mà Nhà nước Việt Nam phải chịu nhún ?
Thật ra thế mạnh của Trung Quốc không chỉ về kinh tế mà còn về quân sự nữa. Nhưng về kinh tế, họ cũng có những vấn đề của họ, và ngay cả xã hội cũng có nhiều vấn đề. Hàng loạt những cuộc nổi dậy, bạo động của Trung Quốc chứng tỏ cái xã hội Trung Quốc bây giờ cũng lắm vấn đề chứ không phải là ổn định đâu. Trong một Nhà nước toàn trị như của Trung Quốc như vậy thì sức phản ứng của người dân cũng rất là mạnh mẽ. Trung Quốc tuy mạnh, về kinh tế về quân sự thì hơn Việt Nam, nhưng mà bên trong cũng có những cái yếu.
Dù vậy, chúng ta đang ở trong một thời đại mà đang có các dòng chảy về tự do, công bằng, dân chủ hiện nay trên thế giới. Thì chúng ta phải dựa vào sức mạnh của thời đại, sức mạnh của các nước trong khu vực, trên thế giới, để tạo một cái thế quốc tế trong vấn đề Biển Đông, trong mối quan hệ với Trung Quốc. Và nhất là chúng ta có cái thế mạnh lòng dân, thì phải sử dụng cái thế mạnh này. Thay vì cấm đoán người dân biểu tình, thì giữ gìn trật tự an ninh cho họ đi biểu tình. Mà chúng tôi nghĩ phải xem biểu tình như một hoạt động bình thường, như tại tất cả các nước cũng như vậy thôi. Không nên đàn áp, bắt bớ, tạo nên một hình ảnh rất xấu của Việt Nam trước thế giới. Thế mạnh của chúng ta là quốc tế, kể cả luật pháp quốc tế, và thế mạnh lòng dân, thì chúng ta phải sử dụng triệt để hai thế mạnh đó. Chứ không nên nói chuyện song phương, bởi vì nói song phương thì rõ ràng là Trung Quốc sẽ ép chúng ta rất là dữ.
Mà có thể nói đây là bản chất của họ. Theo những tiết lộ mới đây, họ đã ép ta trong hiệp định Genève về Việt Nam, họ ép ta trong quá trình chống Mỹ, rồi họ tấn công ta năm 1979 ở biên giới, và cùng với bọn tay sai Pôn Pốt tấn công chúng ta ở biên giới tây nam. Rồi đánh chiếm Hoàng Sa và chiếm một số đảo ở Trường Sa, và nay thì tiếp tục có những hành động gây hấn, bách hại ngư dân chúng ta. Thành ra nếu mà chúng ta mơ hồ về việc này thì rất là nguy hiểm, sẽ làm cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam chúng ta bị lấn dần.
Ngay vấn đề lao động Trung Quốc hiện nay sang đây không phép, thì tôi nghĩ là không phải chính quyền Việt Nam không biết, nhưng tại sao lại để tình trạng như vậy ? Sẽ có những cái làng Trung Quốc, những vùng Trung Quốc mà người Việt Nam không thể vào được. Đó là những nhân viên dân sự hay là quân sự ? Ai mà biết được họ làm cái gì trong đó !
Thì vấn đề đấy không phải là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh chính trị, vấn đề quốc phòng, mà chúng ta lại lơi lỏng. Điều này rất là nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Xin rất cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.- Phỏng vấn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Biển Đông : Cần đối thoại công khai với dân, không quỵ lụy trước Trung Quốc – (RFI). “Nhà nước nên tổ chức đối thoại một cách công khai về vấn đề Biển Đông, trên tinh thần xây dựng, chứ đồng thuận mà không có phản biện chỉ là một sự đồng thuận giả tạo…Một dân tộc có quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước rất là hiển hách như Việt Nam thì không nên quỵ lụy trước Trung Quốc…”
---------------------------------
-"Việt Nam hòa hiếu nhưng quyết tâm bảo vệ chủ quyền" Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định như vậy trước thềm cuộc đối thoại quốc phòng Việt Nam - Mỹ tại Washington cũng như sau các cuộc đối thoại về chiến lược an ninh - quốc phòng tương tự với hai cường quốc khác là Trung Quốc và Ấn Độ
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đối thoại củng cố lòng tin
Xin Thứ trưởng cho biết nội dung cuộc đối thoại quốc phòng Việt Nam - Mỹ sẽ diễn ra ngày 19/9 tại Washington?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Hai bên sẽ tập trung trao đổi chính sách quốc phòng của hai nước, đánh giá tình hình quốc tế, khu vực và bàn về hợp tác Việt Nam - Mỹ trên lĩnh vực quốc phòng. Hai bên cũng trao đổi hợp tác về khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm rà phá bom mìn và tẩy độc, tìm kiếm quân nhân Mỹ và Việt Nam mất tích trong chiến tranh, đồng thời bàn đến hợp tác về cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền. An ninh biển cũng là một chủ đề sẽ bàn tại cuộc đối thoại lần này.
Cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ ngày 14/9 tại Hà Nội nhìn nhận thế nào về thách thức an ninh chung cũng như hợp tác để đối phó?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Nhận thức chung lớn nhất giữa hai nước là cần duy trì môi trường hòa bình ổn định trong khu vực để phát triển kinh tế, đồng thời phải giải quyết mọi vấn đề vì hòa bình và bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam và Ấn Độ có chung quan điểm: Muốn như vậy phải xây dựng một đất nước độc lập, tự chủ và phải mạnh.
Đó là gốc rễ cơ bản cho việc giữ gìn hòa bình, xử lý được xung đột và vượt qua các thách thức. Thứ đến là phải đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế với tất cả các nước và tìm cách giải quyết bất đồng với những nước đang tồn tại những khác biệt hay xung đột về lợi ích.
Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: NLĐ |
Thưa Thứ trưởng, cuộc đối thoại quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc trước đó (ngày 29/8) tại Bắc Kinh có mang lại nhận thức chung mới nào trong xử lý quan hệ hai nước, nhất là đối với các vấn đề trên biển Đông?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có nhận thức chung quan trọng, thể hiện qua các tuyên bố của các lãnh đạo cấp cao hai nước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện theo phương châm 16 chữ và 4 tốt, giải quyết bất đồng, xung đột bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đối thoại của các nhà quân sự trên cơ sở nhận thức chung đó phải phân tích sự kiện đang diễn ra xem có phù hợp với nhận thức chung không. Trên cơ sở đó đưa ra những điểm tương đồng và những khác biệt và cách thức xử lý những khác biệt đó.
Đối thoại quốc phòng không phải là cơ chế giải quyết các vấn đề như phân chia trên biển Đông như thế nào, mà chủ yếu bàn cách ứng xử trên biển trong lĩnh vực quốc phòng.
Trước hết là không sử dụng vũ lực và không đe dọa sử dụng vũ lực. Cam kết này phải cụ thể bằng các quy định như cách thức hoạt động của hải quân hai nước, cư xử với ngư dân... Hai bên thống nhất tăng cường giao lưu hải quân, tổ chức tuần tra, diễn tập chung, cứu hộ cứu nạn trên biển. Đó là các biện pháp nhằm giảm thiểu, đi đến triệt tiêu khả năng xung đột.
Không để xảy ra xung đột
Vậy với nhận thức chung và đối thoại thẳng thắn, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ ổn định, lành mạnh hơn trong tương lai?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi tin rằng vấn đề biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển tốt hơn, trước hết là vì lợi ích của hai nước. Rõ ràng, Trung Quốc có lợi ích khi quan hệ hòa hiếu với Việt Nam và các nước láng giềng. Ngược lại, nếu mối quan hệ đó xấu đi sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc dù họ là nước lớn.
Nhận thức chung là cơ sở để hai nước giải quyết được những bất đồng, kể cả các vấn đề tích cực cũng như các khác biệt và xung đột. Về quốc phòng, chúng tôi khẳng định là phải làm mọi cách để không xảy ra xung đột, dù có vấn đề gì xảy ra cũng phải được xử lý bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của hai bên.
Hai bên có bàn và đưa ra cơ chế phòng ngừa xung đột nhằm biến những cam kết không để tái diễn những vụ việc như thời gian vừa qua giữa Việt Nam và Trung Quốc thành hiện thực?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Cơ chế phòng ngừa xung đột đã có và được nhắc lại nhiều lần. Đó chính là nhận thức chung. Nguyên tắc lớn đã có, hai nước phải kiên trì triển khai thực hiện. Cũng cần kiên trì xây dựng lòng tin giữa hai nước trên cơ sở lợi ích chung. Quan hệ hợp tác, hữu nghị mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Công khai, minh bạch chính sách cũng như cách hành xử cũng là một cơ chế phòng ngừa xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là quá trình lâu dài, khó khăn. Kiên quyết không để mất một tấc đất, tấc biển nhưng bài toán không kém khó khăn là làm thế nào để giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, không để xảy ra xung đột. Chúng ta thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo song quyết không bao giờ nhượng bộ về chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Tăng cường đối thoại quốc phòng
Trung Quốc gần đây tăng cường hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là thử nghiệm tàu sân bay, máy bay tàng hình J-20. Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Với một cường quốc biển và đang phát triển như Trung Quốc thì việc tăng cường vũ khí hiện đại là nhu cầu tất yếu và đương nhiên. Song việc một quốc gia láng giềng như Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa vũ khí thì chúng ta phải quan tâm, nghiên cứu và theo dõi sát sao. Việt Nam hoan nghênh Trung Quốc sử dụng những vũ khí trang bị hiện đại để bảo vệ đất nước họ và bảo vệ an ninh hàng hải, chống cướp biển… nhằm xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.
Ngược lại, chúng ta sẽ không hoan nghênh nếu việc sử dụng các loại vũ khí đó có biểu hiện bất thường như được đưa ra khu vực tranh chấp, tăng ngân sách quốc phòng, tổ chức tập trận bất thường… Trong đối thoại, Việt Nam có đưa ra thảo luận và phía Trung Quốc khẳng định rằng việc hiện đại hóa vũ khí chỉ để tự vệ.
Thưa Thứ trưởng, có thông điệp gì mới khi Việt Nam liên tiếp có các cuộc đối thoại về chiến lược an ninh - quốc phòng với các cường quốc?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Đại hội XI của Đảng xác định đường lối hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực và chủ động, trong đó có tăng cường đối ngoại quốc phòng. Trong tình hình hiện nay, quan hệ đối ngoại quốc phòng cần đẩy mạnh nhằm tạo ra sự tin cậy lẫn nhau với các nước có cùng mối quan tâm về lợi ích, trao đổi về các vấn đề chiến lược, trong đó có chiến lược quốc phòng.
Trong đối thoại quốc phòng, đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng quốc phòng là mức cao nhất, có tác dụng xây dựng lòng tin để thế giới và đối tác hiểu chính sách quốc phòng của Việt Nam, thấy rõ một nước Việt Nam hòa hiếu nhưng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và độc lập tự chủ của Tổ quốc mình.
Cần làm cho các nước thấy rằng quan hệ với Việt Nam là mối quan hệ có lợi, với mục đích duy nhất là củng cố hòa bình và cùng phát triển. Đối thoại quốc phòng cũng giúp ta hiểu chính sách quốc phòng của các nước, có được mối quan hệ để bảo đảm không phương hại đến lợi ích đất nước ta trong lĩnh vực quốc phòng.
Vũ khí vô địch của chúng ta là chiến lược quốc phòng toàn dân |
Thứ trưởng sẽ giải thích ra sao nếu có ý kiến về việc chúng ta vừa đưa vào hoạt động các tàu hải quân hiện đại Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ hay công bố sẽ mua tàu ngầm, máy bay hiện đại để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ? Với gần 90 triệu dân, có vị trí địa - chính trị quan trọng như đất nước ta thì việc hiện đại hóa quân đội là đương nhiên và cần thiết. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh từng tuyên bố rõ là Việt Nam mua tàu ngầm chỉ để bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước. Hiếm có nước nào trên thế giới có chính sách quốc phòng như vậy, tàu ngầm chỉ hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Đây chỉ là quá trình hiện đại hóa quân đội để phù hợp với sự phát triển chung của đất nước. Việc chúng ta công khai thông báo việc mua tàu ngầm, tàu chiến đã tạo niềm tin rất tốt rằng Việt Nam là đất nước hòa hiếu, không đe dọa, gây chiến tranh. Vũ khí vô địch của chúng ta là chiến lược quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân. Chúng ta cũng cần có sự ủng hộ của cộng đồng thế giới vì đó là sức mạnh thời đại. |
Bích Diệp - Phạm Dương /NLĐ
- Su-30MK2 của Việt Nam trên báo Quân sự Trung Quốc (PN Today). – Top 10 chiến cơ hiện đại nhất hiện nay (Phần 1).
- Cận cảnh 2 chiến hạm Nhật Bản cập cảng Đà Nẵng (VTC).
Trung Quốc - Việt Nam: Láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng có lợi là dòng chảy chính trong quan hệ Trung Quốc-Việt Nam (QĐND 16-9-11) -- Tập Cận Bình nói thế với Ngô Xuân Lịch. Mấy ông Tàu này đât ra những cụm từ làm thiên hạ điên đầu: Từ "lợi ích cối lõi" đến "dòng chảy chính". What the hell does this mean? Mấy "dòng chảy" xung quanh Trường Sa Hoàng Sa là "dòng chảy phụ"?