Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Buôn Người: Nhục Quốc Thể


Ts. Nguyễn Đình Thắng

Chính quyền có trách nhiệm, giới lãnh đạo biết tự trọng thì phải bằng mọi giá bảo vệ quốc thể. Chưa bao giờ trong lịch sử cận đại công dân Việt đi ra nước ngoài lại bị khinh rẻ như hiện nay.
Trong chuyến thăm Montréal gần đây, tôi được nghe một giáo sư đại học trẻ vừa trở lại Canada sau nhiều năm giảng dạy ở Singapore kể về nỗi nhục này: các nữ sinh viên Việt từng tâm sự với anh rằng họ không dám nhận mình là người Việt. Truyền thông Singapore lúc ấy đang chạy tin nóng về đường dây buôn phụ nữ từ Việt Nam sang Singapore với lời rao hàng: “bảo đảm còn trinh”.
Tôi thông cảm tâm trạng của các nữ sinh viên Việt này. Sáu năm hoạt động để bài trừ nạn buôn người Việt đã đưa tôi đến nhiều quốc gia trong vùng Đông Nam Á và Á Châu. Trong con mắt của nhiều người dân ở các quốc gia láng giềng, Việt Nam là nguồn cung cấp tôi đòi, người ở, đĩ điếm hay là nơi để đàn ông ngoại quốc mua vợ.



Công nhân lao động “xuất khẩu” có những người bị bóc lột tận xương tuỷ, bị đánh đập, bị giam hãm như nô lệ. Các chị em phụ nữ đi làm gia nhân bị đối xử như con sen, con hầu; họ bị hà hiếp và có khi bị hãm hiếp bởi Ông chủ nhưng phải cắn răng chịu đựng. Nhiều cô gái Việt có nhan sắc được chiêu dụ đi lao động để rồi bị bán thẳng vào các động mãi dâm. Ở nhiều quốc gia nẩy sinh dịch vụ mua “cô dâu” Việt không khác gì người ta mua một mặt hàng; người mua có quyền dùng thử và đổi mặt hàng nếu không vừa ý.
Tôi thấy rất rõ, đồng bào mình sống ở xứ người trong thân phận con giun con dế, bị chà đạp nhân phẩm mà không dám mơ tưởng công lý. Khi cầu cứu đến toà đại sứ Việt Nam thì họ bị xỉa xói, mắng nhiếc, hăm doạ. Thậm chí đối với những nạn nhân vì tức nước vỡ bờ, đứng lên chống bất công, thì nhà nước gửi phái đoàn đến tận nơi để trấn áp, hăm doạ, và dẫn độ nhằm bịt miệng và phi tang. Có người về đến nhà thì bị công an bắt giam, tra tấn, bắt nộp phạt cho kẻ đã buôn bán họ, và cấm không được kể cho ai biết kinh nghiệm hãi hùng nơi xứ người.
Đồng thời tôi cũng thấy, nơi những con người bị di xuống bùn đen, biết bao tấm gương đùm bọc nhau trong cảnh khốn cùng. Họ đã không bỏ rơi nhau trong hoạn nạn mà chia đắng sẻ ngọt, kể cả khi còn ở ngoài nước và sau khi hồi hương. Họ thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng hơn chính quyền và giới lãnh đạo của họ. Thật vậy, một số người bạn ở các quốc gia láng giềng, khi đã thân quen, từng bày tỏ với tôi sự ngỡ ngàng về một chính quyền và giới lãnh đạo đã để cho cả dân tộc bị sỉ nhục mà không biết ngượng.

Là con dân Việt, chúng ta ở hải ngoại có thể cùng nhau rửa mối nhục ấy. Trong 6 năm làm việc trực tiếp với các cơ quan chính quyền và các tổ chức dân sự ở nhiều quốc gia, tôi nhận thấy sự chuyển đổi cách nhìn của họ về đồng bào của chúng ta khi thấy được một mẫu mực khác về người Việt: chững chạc, bản lãnh, có trách nhiệm, biết tự trọng, yêu thương đồng bào; khác hẳn với những định kiến mà họ có trước đây.
Sự thay đổi này sẽ xẩy ra một cách tự nhiên khi chúng ta đến với đồng bào trong tư thế công dân của các quốc gia tân tiến và nhân bản, làm việc trực tiếp với các chính quyền ở tầm vóc chính sách, cống hiến những kinh nghiệm chuyên môn để cải tạo xã hội, vận dụng các thế lực quốc tế để yểm trợ công tác chống buôn người. Điển hình là giờ đây những cơ quan chính phủ và tổ chức dân sự Đài Loan đã từng làm việc với Liên Minh CAMSA rất niềm nở và ân cần mỗi khi các chị em phụ nữ hay công nhân Việt cần đến họ. Điển hình là nhiều tổ chức và công đoàn ở Mã Lai đang hợp tác với Liên Minh CAMSA để cùng bênh vực và phục vụ công nhân Việt. Điển hình là nhiều chính quyền đã cử phái đoàn đến Hoa Thịnh Đốn để thu thập kinh nghiệm phòng chống buôn người của Liên Minh CAMSA: Nhật, Nga, Ukraine…
Do đó tôi kêu gọi người Việt ở những quốc gia tự do hoặc hợp tác với Liên Minh CAMSA, hoặc khởi xướng những nỗ lực tương tự, để làm việc ở cấp chính sách với các chính quyền sở tại nơi đồng bào của chúng ta đang gặp nguy cơ bị buôn làm nô lệ, đầy tớ, đĩ điếm. Khi thể diện của dân tộc bị chà đạp thì đó là mối nhục chung, dù chúng ta sống xa quê hương và đã mang quốc tịch khác; chúng ta là những người có tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng.
Tôi cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy lương thiện áp dụng Nghị Quyết 36 cho gần một triệu công dân đang khốn khó nơi xứ người để “bảo vệ lợi ích chính đáng của bà con, chống các biểu hiện kỳ thị, các hành động chống lại người Việt Nam ở nước ngoài”. Số gần triệu người này, gồm các công nhân lao động “xuất khẩu” và các “cô dâu” cùng với con cái, là đối tượng cần sự bảo vệ hơn hết. Chưa chu toàn trách nhiệm đối với chính công dân của mình thì chẳng hà cớ gì đòi giúp những người Việt đã là công dân của các quốc gia văn minh, có đầy năng lực và bản lãnh, và chẳng hề mời chào thiện chí đặt không đúng chỗ ấy.
-Buôn Người: Nhục Quốc Thể
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2287 
--

Tổng số lượt xem trang