Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Chuyện chữ & nghĩa

Khi tác giả chơi chữ
Khi viết về những vấn đề kinh tế, để tránh khô khan, nhiều tác giả áp dụng lối viết hình tượng, chơi chữ để nhấn mạnh ý chính và gây ấn tượng với người đọc. Với các trường hợp này người đang học tiếng Anh sẽ gặp khó khăn nhưng vượt qua được cửa ải này, chúng ta sẽ có dịp thưởng thức các bài viết về kinh tế như đang đọc một tác phẩm văn học.
Ví dụ, khi nói đến sự suy yếu của nền kinh tế Nhật Bản, có người viết: “Some people said Japan was down for the count, and that was obviously a distorted view.” Trong thi đấu quyền Anh, khi có một võ sĩ bị đánh ngã xuống sàn, trọng tài bắt đầu đếm. Nếu đếm đến 10 mà võ sĩ này không dậy được thì coi như bị nốc ao. Như vậy câu này buộc ta liên tưởng đến hình ảnh nước Nhật như một võ sĩ trên sàn đấu sắp bị thua đến nơi.

Một câu khác dùng từ rất hình tượng: “Japan’s banks were tallying bad loans of more than $300 billion, dwarfing America’s own housing-and-loan crisis.” Nếu tra từ điển bạn chỉ hiểu từ dwarf là người lùn, động từ dwarf là làm cho có vẻ nhỏ lại. Nhưng cả câu muốn nói những khoản nợ xấu của các ngân hàng Nhật Bản còn lớn hơn nhiều so với các khoản thiệt hại do xì căng đan cho vay tiền mua nhà ở Mỹ gây ra.
Loại từ này và các dùng này khá phổ biến, nếu không cảnh giác dễ hiểu sai. Câu “Honda was told to put brakes on new car prices” dễ bị hiểu nhầm là hãng Honda bị buộc phải gắn loại thắng (phanh) mới như brakes ở đây được dùng theo kiểu chơi chữ là tạm hoãn (tạm hoãn tăng giá xe).
Hay trong câu “It seemed Japan Inc. was a façade, the economic miracle was a myth and the Pacific Century would last a decade” – Japan Inc. là cách chơi chữ khá nhàm vì được dùng nhiều quá nên trở thành sáo ngữ. Có thời người ta xem cả nước Nhật như một doanh nghiệp khổng lồ, sản xuất hàng hóa và đưa chúng tràn ngập thế giới. Đến nỗi nhiều nhà kinh tế xem thế kỷ này là thế kỷ của [nền kinh tế] Thái Bình Dương. Nhưng vì năm năm qua, Nhật Bản gặp nhiều khó khăn nên hiện tượng đó đã bị phá vỡ như một huyền thoại chỉ kéo dài được một thập niên.
Gần đây kinh tế Nhật Bản đã có chiều hướng phục hồi nên tác giả viết tiếp: “Now the wounded samurai is showing sign of life.Samurai là võ sĩ đạo nhưng được dùng ở đây như kiểu nước Nhật là một cường quốc kinh tế. “Shoppers are on the prowl again.Prowl là đi lang thang, thường dùng để chỉ thú đi tìm mồi như cả thành ngữ on the prowl ở đây lại dùng với shoppers nên mang hình tượng đi mua sắm, đi săn hàng trong cửa hiệu.
Sau đó tác giả hỏi: “Is Japan back and badder than ever?” Có bao giờ bạn thấy từ bad (xấu xa) dùng thể so sánh là badder chứ không phải là worse chưa? Thật tuyệt! Nếu dùng từ worse câu đó sẽ vô nghĩa, kinh tế hồi phục sao lại xấu xa thêm? Để diễn đạt ý “Phải chăng nước Nhật đã trở lại [độc chiếm thị trường] và càng mạnh hơn bao giờ hết [trong vai trò lấn chiếm thị phần nước Mỹ]” tác giả viết rất gọn và làm các nhà ngữ pháp chưng hửng rồi e phải gật gù khen hay, ghi vào một quy tắc ngoại lệ nữa. Thật ra, trong ngôn ngữ tiếng lóng của Mỹ có từ bad (với thể so sánh badder, baddest) mang nghĩa rất tốt, tài giỏi. Chứng kiến một cầu thủ thi đấu xuất sắc nếu cổ động viên hét lên, “You’re bad” là họ đang khen đấy.
Có khi việc chơi chữ thể hiện bằng ý chứ không bằng lời. Một bức tranh châm biếm vẽ cảnh Bob Dole, ứng cử viên chức tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, gọi điện cho Boris Yeltsin với lời chú thích duy nhất, “Could I borrow Lebed for a few days in November, Boris?” Nếu bạn biết bối cảnh vòng hai cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Nga khi Yeltsin thắng cử nhờ kéo tướng Lebed, người về ba trong vòng một về phe mình, bạn sẽ thấy tác giả chơi chữ với ý rất rõ là Dole cần một nhân vật như Lebed mới hy vọng thắng cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 1996.
Cập nhật: Các ví dụ trong bài trên được viết từ năm 1997 nay đọc thấy khá xa lạ. Nhưng việc các tác giả chơi chữ, làm khó người học tiếng Anh lúc nào cũng vậy. Ví dụ, một tít báo trên tờ Economist tuần này viết: “Banking regulation – Capital punishment”. Bình thường capital punishment là hình phạt tử hình nhưng trong câu này ý muốn nói đến những quy định mới mà giới ngân hàng sẽ phải tuân thủ, sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng nguồn vốn và lợi nhuận của họ.
-Chuyện chữ & nghĩa - 2-
Giới thiệu: Hiện nay trên mạng thấy có lưu truyền cuốn sách dạng ebook “Tiếng Anh theo dòng thời sự” của tôi. Rất tiếc đây là ấn bản ebook mà một người nào đó làm vội, chỉ lấy mấy chục bài từng đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn rồi gom lại thành sách. Thật ra, về tiếng Anh, tôi có viết ba cuốn: Chuyện chữ & nghĩa, NXB Trẻ năm 1997; Tiếng Anh lý thú, NXB TPHCM năm 2000 và Tiếng Anh theo dòng thời sự, NXB Trẻ năm 2008. Tất cả ba ấn bản này đã không còn ngoài nhà sách nữa, nhiều bạn bè đòi tặng cũng đành chịu. Nay tôi sẽ lần lượt đưa lên đây các bài trong ba cuốn này và hy vọng có lúc nào rảnh sẽ làm thành một cuốn ebook đàng hoàng, chính thức.


Cái gì khó nhất
Đối với câu hỏi, học tiếng Anh cái gì là khó nhất, phần lớn cho đó là cách đọc, cách phát âm. Một ít người nói ngữ pháp tiếng Anh rắc rối. Theo tôi, khó nhất với người Việt chúng ta khi học tiếng Anh là cách dùng từ.

Bạn thử nghĩ mà coi, ai đời từ company người nào đã học qua tiếng Anh đều biết là công ty. Thế nhưng xem phim, nhất là loại phim hình sự cảnh hai nhân vật ngồi trên xe bỗng một người nhìn vào kính chiếu hậu thốt lên: “We’ve got company” thì từ company qua cách dùng trong tình huống này buộc ta phải hiểu là cái đuôi (Có kẻ theo dõi chúng ta đấy). Rồi company trong câu We’re judged by the company we keep lại có nghĩa bạn bè – Người ta sẽ xét đoán bạn qua bạn bè mà bạn đang giao du.
Tuyệt nhất là một quảng cáo sử dụng lối chơi chữ, gán luôn cho company cả hai nghĩa trên. Một công ty sản xuất bao bì viết: We aren’t just known for our company. We’re known for the company we keep. Từ company đầu tiên có nghĩa là tên tuổi công ty còn company trong câu sau vừa có nghĩa khách hàng (sử dụng bao bì của mình) vừa là các công ty khác. Chúng tôi nổi tiếng không chỉ nhờ tên tuổi công ty. Người ta còn biết đến chúng tôi qua các công ty khách hàng của chúng tôi nữa.
Ở một mức độ khó hơn, ví dụ rather fairly đều dịch là khá nhưng khi dùng trong văn cảnh, chúng lại mang nghĩa khác xa nhau. We’re having rather cold weather for OctoberTháng 10 mà thời tiết như thế này thì hơi lạnh. Như vậy rather mang ý nghĩa chê, thất vọng. Trong khi đó fairly mang ý khen. Oh, yeah, he’s fairly tall for his age. Cho nên nếu một em học sinh đọc xong một bài tập và nói, “Oh, it’s fairly easy” sẽ khác với một em khác cho rằng bài tập đó rather easy. Có thể nói em đầu khiêm tốn hơn và em thứ nhì hơi chủ quan!
Phần lớn những trường hợp cách dùng từ ảnh hưởng đến nghĩa câu văn đều được giải thích rõ trong các cuốn sách ngữ pháp biên soạn nghiêm chỉnh. Như từ musthave to. Ở mức sơ cấp, sách giáo khoa sẽ cho hai từ này là đồng nghĩa; đến mức độ cao hơn, sách sẽ cho những ví dụ để cho người học thấy sự khác nhau giữa hai từ. Ví dụ dễ nhớ nhất là trường hợp một anh chàng đến nhà người yêu chơi, một lúc sau, nhìn đồng hồ và nói, “I’m afraid I have to go now.” (vì hoàn cảnh khách quan như bận việc mà phải đi chứ anh ta chưa muốn về chút nào). Ngược lại nếu anh ta nói, “I must go now.”là anh này muốn tỏ ý không muốn ở chơi nữa. Một cô thấy một kiểu áo mới đẹp quá nên nói, “I must save money to buy this” (quyết định phải để dành tiền là nảy sinh ngay lúc đó). Nhưng một cô khác khi có người hỏi vì sao phải tằn tiện đến thế mới giải thích: “I have to save money to go to university.” (quyết định dành dụm tiền để vào đại học là chuyện có chủ ý từ lâu.)
Các cuốn từ điển biên soạn công phu đều có một phần gọi là Usage để ghi rõ cách sử dụng từ đó, khác biệt với những từ tương tự như thế nào. Ví dụ hai từ đều có nghĩa là liên tục – continuouscontinual. Nhưng continual loss of power during the storm có nghĩa là mất điện liên tục suốt trận bão (cứ có điện rồi mất điện miết). Còn continuous loss of power during the storm là mất điện hẳn trong suốt trận bão.
Ngược lại có rất nhiều trường hợp sự tinh tế trong cách dùng phải qua thực tế mới phát hiện ra. Ví dụ ai cũng biết housewife là người nội trợ như đàn bà Anh, Mỹ rất ghét từ này, họ cho rằng nó hạ thấp vai trò của phụ nữ và thích dùng từ homemaker hơn. Hoặc có nhiều từ đổi nghĩa tùy văn cảnh được dùng. It’s an inside job là gì bạn có thể đoán được không? Một công ty bị mất trộm, nếu có người tuyên bố như trên, ý anh ta nói có tay trong đấy.
Một điều lạ là loại từ tiếng Anh đơn giản thường gây khó khăn cho người học hơn từ khó vì từ đơn giản đôi lúc được dùng theo nghĩa mới, làm người nghe chủ quan, cứ hiểu theo nghĩa thường gặp. Ai từng học qua tiếng Anh đều biết từ good. Nhưng khi nó được dùng trong câu sau thì phải dè chừng: “I’m moving to Europe for good”for good là thành ngữ mãi mãi, đi luôn. Ngay cả những cụm từ xem chừng vô hại như as good as tưởng đâu là thể so sánh bằng nhau như thật ra chúng mang nghĩa gần như, hầu như. The $2,000 motorbike is as good as new – chiếc mô tô 2.000 đô kia gần như là xe mới. Hay cũng từ good dùng trong câu này chỉ tương đương như very: I’ll do it when I’m good and ready.
Như vậy, người học hay sử dụng tiếng Anh cần tạo cho mình thói quen cảnh giác trước các từ đã học nhưng khi dùng trong câu không còn bóng dáng nghĩa quen thuộc nữa. Đọc câu: “A top-of-the-range Yamaha two-stroke will be yours for the best part of $6,000.” bạn phải mạnh dạn xem lại từ điển loại tốt tìm thử best còn có nghĩa gì khác để hiểu đúng cả câu. Bạn sẽ học được thêm nghĩa mới của cụm từ for the best part ofmost:Một chiếc xe Yamaha hai thì loại xịn nhất giá gần cả 6.000 đô.
Lấy một ví dụ đơn giản nhất: nghe một ai thốt lên câu “Way to go!” bạn sẽ nghĩ nó quá dễ và không cần quan tâm, rằng way là con đường, to go là đi, vậy way to go là đi theo đường này (!!!) hay khá hơn, bạn có thể gán cho nó một nghĩa đúng là có dùng trong thực tế: đường còn xa, còn lâu mới xong.
Nhưng thật ra, way to go ở đây là một câu tán thưởng, “Chà, giỏi quá!” Một nước cờ hay, một giải pháp tức thời, một cú banh tuyệt vời, tất cả đều có thể tán thưởng bằng câu “Way to go!”

Tổng số lượt xem trang