Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Giá của đồng vốn


Hôm qua, tình cờ đọc cuốn “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới” của Đặng Phong. Không thể tin được có thời giá thu mua thóc của nông dân chỉ là 2 hào/kg – kéo dài trong nhiều năm trời, bất kể giá thực tế có cao hơn gấp mấy chục lần. Cũng không thể tin được lập luận của Ủy ban Vật giá Nhà nước, bảo vệ cho cơ chế ấn định giá này, lên án bất kỳ ai phản đối bằng những lời lẽ nặng nề như “trái với phương châm chính sách giá cả đã đề ra trong Nghị quyết của Đại hội lần thứ III của Đảng”, “trái với quy luật kinh tế cơ bản của CNXH”. Thậm chí có người còn xem ổn định giá có nghĩa là đấu tranh chống những lực lượng phi XHCN, và hạ bút viết: "Đây là một cuộc đấu tranh có tính chất giai cấp."
Đặng Phong viết: “Vào những năm của thập kỷ 60, người ta thường phủ nhận mọi tìm tòi trong khoa học bằng những loại “vũ khí thô sơ” như: “Trái với quan điểm của Đảng”, “mất lập trường giai cấp”, “trái với những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội”... Ở thời điểm này nhìn lại, có lẽ ai cũng thấy rõ chuyện đúng sai nhưng lúc đó lại không dễ!
Nay câu chuyện trần lãi suất cũng là một dạng ấn định giá – giá sử dụng đồng vốn.

Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định rõ (Điều 91): Tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức lãi suất huy động vốn; Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất. Ngân hàng Nhà nước chỉ có quyền quy định “cơ chế xác định phí, lãi suất” trong trường hợp hoạt động ngân hàng “có diễn biến bất thường” mà thôi.
Chính vì luật lệ quy định rất rõ như thế nên trước nay Ngân hàng Nhà nước thường phải thông qua Hiệp hội Ngân hàng để tìm cách đưa ra một trần lãi suất thỏa thuận giữa các ngân hàng với nhau. Chỉ đến đầu năm nay, NHNN mới ban hành Thông tư 02, quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng tiền đồng Việt Nam của các ngân hàng, bao gồm cả khuyến mại dưới mọi hình thức, là 14%/năm.
Và tuần trước với Chỉ thị 02, NHNN nhắc lại mức trần này, đồng thời đe dọa sẽ cách chức lãnh đạo ngân hàng nào vi phạm, nâng lãi suất huy động lên quá 14% dưới bất kỳ hình thức nào.
Ở đây, mở ngoặc nói thêm: Nhiều người thắc mắc liệu NHNN có quyền “đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng” như công bố tại Chỉ thị 02 với những ai lách trần lãi suất?.
Nhiều chuyên gia cho rằng NHNN chỉ có thể đình chỉ, miễn nhiệm với người quản lý các ngân hàng thương mại nhà nước, chứ tại ngân hàng cổ phần việc quản lý nhân sự là do hội đồng quản trị và cổ đông quyết định, làm sao NHNN can thiệp được.
Thật ra, Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định tại điều 37 rằng NHNN có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ các lãnh đạo (như chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc) mọi ngân hàng, kể cả ngân hàng cổ phần “vi phạm… quy định khác của pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao”.
Ngoài ra, Chỉ thị 02 của NHNN khi nói về biện pháp xử lý các ngân hàng vi phạm trần lãi suất cũng căn cứ vào Khoản 12, Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010. Khoản 12 này cho phép NHNN đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng khi “tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng”.
Dễ nhận thấy nhất là trong khi lãi suất cho vay không còn trần nào nữa cả và lãi suất huy động tối đa là 14% thì lợi ích của người dân gửi tiền và doanh nghiệp vay tiền đã bị xâm phạm một cách rõ rệt. Được lợi nhất trong tình hình này là các ngân hàng một khi chênh lệch hai loại lãi suất này giãn ra mà không theo quy luật cung cầu.
Thế thì vì sao không để các ngân hàng cạnh tranh thu hút tiền gửi bằng lãi suất? Thực tế không thể để các ngân hàng thoải mái nâng lãi suất huy động lên được vì nếu một ngân hàng dù nhỏ, dù không có uy tín, nâng lãi suất lên 17% chẳng hạn thì lập tức người gửi tiền sẽ rút tiền gửi ở các ngân hàng khác, đổ xô đến gửi tại ngân hàng này. Điều đó sẽ kích động một cuộc đua lãi suất mà thực tế đã nhiều lần xảy ra. Sẽ có ngân hàng lâm vào cảnh thanh khoản cạn kiệt, và lãi suất sẽ bị đẩy lên cao không có điểm dừng.
Vì thế, một mặt, có thể hiểu được tính logic của Thông tư 02 nhưng mặt khác, không thể để tình trạng “phản cạnh tranh” này kéo dài. Những biện pháp hành chính này sẽ tạo ra tình huống “rủi ro về đạo đức”, tạo điều kiện để các ngân hàng hoạt động bất kể rủi ro. Mấu chốt của vấn đề là do quan niệm cho rằng không thể để bất kỳ ngân hàng nào trong hệ thống lâm vào khó khăn. Nhưng giả sử cứ áp dụng luật pháp thật nghiêm minh, cứ để một hai ngân hàng yếu kém thua lỗ đến mức phải bán lại hay sáp nhập vào ngân hàng khác, biết đâu sẽ phá bỏ được mâu thuẫn nói trên.
Giả sử không còn trần lãi suất huy động vốn, chắc chắn sẽ có ngân hàng nâng lãi suất này lên cao. Lúc đó, NHNN sẽ phải tuyên truyền thật mạnh về khái niệm “lợi nhuận cao đi liền với rủi ro cao” để người dân cân nhắc giữa cái lợi trước mắt và tính an toàn cho đồng tiền của họ. Kèm theo đó là những quy định phạt đối với những khoản tiền gửi rút trước thời hạn để chi phí chạy theo lãi suất cao không còn hấp dẫn với người gửi tiền nữa. Ngân hàng huy động vốn lãi suất cao ắt phải cho vay với lãi suất cao tương ứng. Không một ngân hàng nào có thể chịu mức lãi suất huy động vốn quá cao trong một thời gian dài trong khi ngân hàng khác vẫn giữ mức lãi suất huy động thấp. Chỉ một thời gian ngắn, họ sẽ phải giảm lãi suất quay về với mức chung của thị trường.
Chính lúc này vai trò giám sát của NHNN phải phát huy tác dụng để ngăn chặn những hoạt động rủi ro của ngân hàng. Hạn chế tín dụng cho những ngành sẵn sàng chấp nhận lãi suất cao cũng giúp giảm áp lực chạy đua theo lãi suất như cho vay kinh doanh chứng khoán.
Nếu ngân hàng nào gặp khó khăn trong thanh khoản, phải huy động vốn bằng mọi giá, nên công khai tên tuổi ngân hàng đó ra để người dân biết và không chạy theo lợi nhuận từ lãi suất hấp dẫn. Và NHNN phải sẵn sàng đưa áp dụng tình trạng kiểm soát đặc biệt như từng làm trước đây với một số ngân hàng. Tất cả những biện pháp này, áp dụng đồng thời và cương quyết, sẽ hạn chế tình trạng chạy đua nâng lãi suất vô tội vạ.
(Bài này viết lại từ một bài đã đăng trên TBKTSG hồi tháng Ba nhưng chưa đưa lên đây).
-Giá của đồng vốn
--------------
Đọc trả lời phỏng vấn của ông Tổng thư ký VAFI thất vọng quá, không biết cái hiệp hội này có vai trò gì không nhưng có vẻ họ làm PR rất giỏi.  (giangle)


Nên giảm 20% số lượng ngân hàng - Tuổi Trẻ Online -TT - Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi) vừa có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Tài chính và thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiến nghị một số giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có việc đưa lãi suất cho vay xuống khoảng 12% và cắt giảm 20% số lượng ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay.
Lãi suất huy động vốn thị trường liên ngân hàng đã hạ nhiệt - Ảnh: T.Đ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký Vafi, nói:
- Theo quan điểm của chúng tôi, lãi suất là một chỉ tiêu tổng hợp. Trong một, hai năm tới nếu cơ quan quản lý nhà nước có chính sách phù hợp và quyết liệt để hạ lãi suất cho vay xuống khoảng 12%, chính là đồng thời thực hiện các chỉ tiêu quan trọng khác như kiềm chế lạm phát, giảm bội chi ngân sách, tăng trưởng kinh tế bền vững...
Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay dòng tiền nhàn rỗi đổ vào ngân hàng và thị trường chứng khoán (TTCK) chỉ chiếm khoảng 35%, phần còn lại đầu tư vào các kênh khác không có lợi chung cho nền kinh tế, ví dụ đầu tư vàng, ngoại tệ. Trong khi đó nhiều nước có chính sách rất tốt để hướng khoảng 90% dòng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng và TTCK (trong dòng vốn này, cơ cấu vào ngân hàng và TTCK là 7:3). Mình nghèo hơn người ta nhưng tiền không chảy vào sản xuất, kinh doanh mà chảy vào vàng, ngoại tệ... Gần như mỗi hộ gia đình là một “quỹ đầu tư” nhỏ lẻ và tiền nằm “chết” trong vàng rất nhiều.
* Trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay, trong khi Ngân hàng Nhà nước đang kêu gọi các tổ chức tín dụng đồng thuận hạ mức lãi suất cho vay về 17-19%/năm, việc Vafi cho rằng phải đưa lãi suất về 12% liệu có khả thi?
- Trước đây mức lãi suất 12% từng có trong nền kinh tế nước ta, ví dụ giai đoạn 2003-2007. Như vậy mức lãi suất này không phải không có cơ sở, hơn nữa nhìn ra thế giới chúng ta thấy lãi suất huy động và cho vay của nhiều nước thường rất thấp (thấp hơn nước ta 4-5 lần). Nếu Nhà nước có cơ chế, chính sách để tăng cường thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng và TTCK, đồng thời có cơ chế hạn chế đầu tư vào những kênh không có lợi, thì theo quy luật cung cầu giá vốn sẽ giảm xuống.
* Vafi cho rằng cần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giảm 15-20% số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay, việc này có thể thực hiện bằng cách nào?
- Theo tôi được biết Chính phủ đã có nghị quyết giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn hệ thống. Về phía Ngân hàng Nhà nước  và các chuyên gia trong nước, nước ngoài cũng đều nói cần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay. Việc giảm số lượng các ngân hàng có thể thông qua các hình thức như sáp nhập, hợp nhất, giải thể và Nhà nước mua lại (bằng việc thâu tóm của ngân hàng thương mại nhà nước).
Tất nhiên để làm được việc này Ngân hàng Nhà nước phải có đề án, đánh giá và chẩn đoán “bệnh” của từng ngân hàng thuộc diện cần xử lý. Trước hết Ngân hàng Nhà nước nên thực hiện nghiêm lộ trình tăng vốn điều lệ, để từ đó ngân hàng nào không thực hiện thì cho xử lý.
V.V.THÀNH thực hiện


TS Võ Trí Thành (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Cần quyết liệt hơn nữa

Vấn đề của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay không phải là nhiều hay ít. Nếu xét theo tỉ lệ tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân thì Việt Nam không phải là nước có nhiều ngân hàng. Nhưng Việt Nam cũng là nước có nhiều ngân hàng nếu xét theo hướng đảm bảo sự lành mạnh trong phát triển của hệ thống. Như vậy, vấn đề ở đây là cải cách để nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn hệ thống. Từ câu chuyện đề ra việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại rồi lại lùi thời gian thực hiện cho thấy trong các tháng cuối năm 2011 và trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cần phải quyết liệt hơn nữa nếu muốn thực hiện được mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt

Ngày 12-9, lãi suất cho vay giữa các ngân hàng (NH) đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao hơn trần lãi suất huy động vốn của dân cư. Kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 14-14,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng còn 15,5-16,5%/năm, giảm 1-1,5%/năm so với cuối tuần trước.

Nhiều NH cho biết tình hình huy động vốn tại thị trường dân cư và doanh nghiệp vẫn rất căng thẳng. Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết sau ba ngày thực hiện trần lãi suất, huy động vốn toàn hệ thống đã giảm hơn 500 tỉ đồng. Sáng 12-9, website NH Nhà nước đăng bản tin cho biết đường dây nóng NH Nhà nước nhận được thông tin phản ảnh một số NH có dấu hiệu huy động vượt trần và sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên ngay sau đó bản tin này đã bị rút khỏi website NH Nhà nước.

Trong ngày 12-9, NH Nhà nước tại các địa phương đã kiểm tra đột xuất các chi nhánh, phòng giao dịch NH bị phản ảnh huy động vượt trần, kết quả là nhiều NH đã được minh oan.

* Ngày 12-9, Agribank công bố lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng cho khách hàng hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp tối thiểu 17%/năm, lãi suất áp dụng cho khách hàng thuộc đối tượng khác tối thiểu 18%/năm. Đối với các khoản vay trung hạn, lãi suất áp dụng cho khách hàng là hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp tối thiểu 18,5%/năm, đối tượng khác tối thiểu 19,5%/năm. Đối với các khoản vay dài hạn, lãi suất áp dụng chung cho tất cả khách hàng tối thiểu 20,5%/năm.

A.H.

- Phỏng vấn ông Bùi Kiến Thành: Đừng đổ hết lỗi về lạm phát cho chính sách tiền tệ không thể “gánh” hết lỗi gây lạm phát (ĐT). – Giám đốc VinaCapital lo ngại lạm phát trong ngắn hạn khi lãi suất giảm (Gaffin).
-Việt Nam bơm 300 ngàn tỉ đồng vào thị trường (Nguoi-Viet Online) -
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam bơm thêm 300 ngàn tỉ đồng (khoảng 14.4 tỉ đô la) vào thị trường, một dấu hiệu nhiều nhà kinh tế từng khuyến cáo phải ngăn chặn gia tăng tín dụng để chống lạm phát.

- Lạm phát do đâu? (VnEco).
- Vốn đang dịch chuyển (TT).Ngân hàng ‘mở’, thị trường bất động sản ấm lênGiá vàng giảm nhẹ, USD tăng mạnh  (TP).
- Mâu thuẫn quá: 9 đơn vị có dấu hiệu huy động vượt trần lãi suất (Gafin) và Chưa phát hiện trường hợp nào huy động vượt trần (TT).
Lấy lại danh dự của ngành ngân hàng! (Tầm nhìn).  – “Minh oan” ngân hàng “xé rào” lãi suất (TQ).  – Ngân hàng bắt đầu nới cho vay tiêu dùng (VNE). – 5 ngân hàng giành nhau kho hàng rỗng (VNE).
-- Hạ lãi suất… từ gốc (NLĐ). - Cần cú hích giảm lãi suất (TP).
- Áp lực tỷ giá có dấu hiệu căng thẳng (TQ).-Ngân hàng nhỏ bị áp lực trong huy động vốn
(TBKTSG Online) - Với trần lãi suất huy động cào bằng 14%/năm, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hứa hẹn sẽ hỗ trợ thanh khoản và vốn thông qua công cụ tái cấp vốn, nhưng các ngân hàng nhỏ vẫn e ngại sẽ mất lợi thế huy động vốn với cùng mức vốn như trên.

Không dễ tiếp cận vốn vay lãi suất thấp (TBKTSG). -Sài Gòn Tiếp Thị Online - Góc nhìn - Vốn giá rẻ sẽ chảy đi đâu?

Tổng số lượt xem trang