Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

The Mao Case

Qiu XiaolongNam Cương dịch


DCVOnline: Một người bạn của chúng tôi, anh Nam Cương vừa hoàn tất và chuyển cho DCVOnline bản dịch tác phẩm văn học “The Mao Case” của Qiu Xiaolong - 裘小龙 (Cừu Tiểu Long).


The Mao Case là một quyển tiểu thuyết được viết dưới dạng Fiction theo thể loại trinh thám – hình sự nhưng với những dữ kiện được xem là có thật.


Anh Nam Cương có dịch tựa đề của tác phẩm này là “Vụ án Mao”, nhưng DCVOnline muốn giữ nguyên tên tác phẩm bằng tiếng Anh do chính tác giả dịch để giới thiệu đến bạn đọc.


Tác giả Qiu Xiaolong tặng quyển sách này “cho tất cả những ai từng là nạn nhân của chế độ Mao Trạch Đông”.




Và với phiên bản tiếng Việt, anh Nam Cương cũng muốn “tặng bản chuyển ngữ này cho những ai quan tâm đến vận mệnh và lịch sử Việt Nam, vốn cũng có phần gắn liền với Trung Quốc trong thế kỷ qua, và thế kỷ này, cũng như thế kỷ tới. Những tình tiết trong truyện, ở một góc độ nào đó, là tấm kính lung linh phản ảnh tình hình Việt Nam trong những thập niên sau đổi mới.”


Người dịch tác phẩm, anh Nam Cương, là người có thời gian công tác trong lĩnh vực truyền thông của Hoa Kỳ, hiện đang làm việc và sinh sống tại Washington D.C, cho DCVOnline biết đôi nét về tác phẩm và tác giả như sau…


DCVOnline: Lý do gì khiến anh dịch quyển “The Mao Case”?


Nam Cương: Tôi được một người bạn nhà báo phương Tây giới thiệu cuốn The Mao Case của Qiu Xiaolong, bảo rằng bạn nên xem vì nó rất interesting, nhất là do hoàn cảnh lịch sử chính trị của các bạn Việt Nam rất gần với của Trung Hoa bây giờ. Tôi đã đọc và muốn chia sẻ với các bạn bè, nên đã chuyển ngữ sang tiếng Việt.


DCVOnline: Nghĩa là sau khi đọc xong, anh thấy tác phẩm này thực sự là "interesting", nhưng cụ thể là ở những điểm nào?


Nam Cương: Cả hai nước đều trong hoàn cảnh chính trị - xã hội tương tự. Những chuyện xảy ra ở Trung Hoa cũng xảy ra ở Việt nam. Các nhà lãnh đạo nước ta thường nhìn về phương Bắc để học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm, nên mình là “phó thường dân” cũng nên biết ít nhiều những gì người dân ở đó suy nghĩ, cảm nhận, để rút kinh nghiệm cho phần thường dân! Thế thôi.


Còn điểm nào cụ thể là interesting thì tôi xin phép không nêu ra vì có thể nó mang tính chủ quan, nên nhường lại cho người đọc.


DCVOnline: Oh, phải hỏi chính dịch giả trước chứ, cụ thể là cá nhân anh cảm nhận được những điều thú vị gì từ tác phẩm?


Nam Cương: Tác giả Qiu Xiaolong có để những thông điệp của riêng ông trong tác phầm The Mao Case và việc ta nhận những thông điệp ấy như thế nào là tuỳ người đọc. Với tôi có thể là đáng giá, nhưng đối với người khác thì không, nên tôi xin phép không đề cập đến.


DCVOnline: Trong quá trình dịch tác phẩm, anh có gặp phải những khó khăn nào không?


Nam Cương: Thật ra thì không nhiều, nhưng khá mất thì giờ. Do mình không thể tìm được nguyên tác bằng chữ Hoa, nên chỉ đọc và đối chiếu qua bản tiếng Anh do chính tác giả dịch, và bản chữ Pháp "La danseuse de Mao" do một nhà văn nữ dịch, nên có nhiều bài thơ của Mao và của Lý Thương Ẩn phải tra cứu, dọ hỏi nhiều nơi mới tìm được bản dịch ra tiếng Việt của một số học giả, thi sĩ khả kính để đưa vào bản chuyển ngữ. Ngoài ra còn phải tra cứu lại những diễn biến chính trị - xã hội Trung Hoa vào những thập niên dưới các phong trào Ba Ngọn Cờ Hồng, Bước Đại Nhảy Vọt, Cách mạng Văn Hoá, Đổi Mới... Nói chung thì đây không đơn thuần là việc dịch thuật.


DCVOnline: Ngoài phổ biến trên mạng ra, anh dự định sẽ in thành sách tác phẩm này chứ?


Nam Cương: Tôi không có ý định và ý thích đó. Chia sẻ với bạn bè, với những người mình yêu quý là quá đủ rồi. Vả lại ngày nay bất cứ món gì mình đưa lên mạng thì cũng sẽ còn ở đó nhiều năm nữa, ai truy cập cũng được.


Có thể thì tôi sẽ lưu cuốn Vụ án Mao theo dạng sách điện tử eBook để người xem có thể download về máy tính, tablet, eReader hay smartphone đọc thoải mái sau này.


DCVOnline: Một cách không tiết lộ nội dung tác phẩm, anh có thể cho biết cảm tưởng của anh khi lần đầu đọc đến phần kết của tác phẩm?


Nam Cương: Ơ, dvconline “kiên cường” vây đồn, đả viện thế cơ à? Thoạt tiên tôi thấy thích do câu chuyện tác giả Qiu Xiaolong viết rất khéo và hấp dẫn, và đã qua mặt lưỡi kéo kiểm duyệt của Bắc Kinh được một lần. Khi mới xin phép xuất bản, ông liệt kê cuốn truyện trong dạng "Fiction", truyện giả tưởng, nên được cho in 20 ngàn cuốn ở Thượng Hải. Chỉ một tuần là hết veo. Xin tái bản lần 2 thì không được nữa, mà các bản in lậu của con buôn cũng bị công an văn hoá ráo riết tịch thu, nên nay thì hầu như không thể tìm thấy ngoài vòng thân hữu.


Cuốn truyện tuy là hư cấu nhưng tất cả mọi chi tiết đều căn cứ trên thực tế. Cảm giác khi đọc đến hồi kết của cuốn truyện trinh thám thriller này thì tôi không thể tiết lộ được 


DCVOnline: À, thế thì anh có thể cho bạn đọc DCVOnline biết số phận của tác giả sau khi sách bị tịch thu cho đến ngày nay ra sao không?


Nam Cương: Số phận không... đau thương như mình đoán vì Qiu Xiaolong trốn thoát được sự theo dõi và truy tầm của đặc vụ Bắc Kinh. Nói đùa theo kiểu trinh thám cho vui. Thật ra thì ông được hưởng học bổng của Ford Foundation sang Hoa Kỳ nghiên cứu và học về văn chương Mỹ vào năm 1988.


Sau vụ thảm sát ở Thiên An Môn, do ông cũng là thành viên của phong trào sinh viên đòi dân chủ nên được Washington khuyến cáo và cho phép tỵ nạn. Hoàn tất cao học, ông đang dạy ở đại học bang Missouri và Alabama về văn chương đối chiếu.


DCVOnline: Có lẽ bạn đọc của chúng tôi sẽ thở phào nhẹ nhõm với những thông tin anh vừa cho biết về tác giả. Anh định sẽ dịch tiếp những tác phẩm cùng thể loại này chứ?


Nam Cương: Tôi vẫn thích đọc và đọc nhiều thể loại từ khi... chưa biết mặt chữ, chỉ xem hình mà đoán thôi. Nay vẫn đọc và nếu tìm được điều gì thích thú thì sẽ cố chia sẻ với bạn bè. Nếu truyện cùng motif mà không có gì mới thì chắc sẽ không làm bận thân hữu thêm.


DCVOnline: Cảm ơn anh Nam Cương đã chia sẻ những thông tin thú vị về tác giả và tác phẩm.


Nam Cương: Cảm ơn dcvonline đã cho post câu chuyện chuyển ngữ này.


Và dưới đây là chương đầu tiên của The Mao Case.


Chương 1


Chánh thanh tra Trần Thảo chẳng thấy hứng thú gì để phát biểu tại buổi học tập chính trị của Đảng uỷ Sở Công an Thượng Hải.


Thái độ đó bắt nguồn từ chủ đề của cuộc họp, là tính bức thiết xây dựng tinh thần văn minh ở Trung Quốc. “Văn minh tâm thức” đã là khẩu hiệu chính trị được báo chí đảng đề cao, nhấn mạnh từ giữa thập niên 90. Sáng nay tờ Nhân Dân đăng một bài quan điểm hùng hồn về chuyện này, đồng thời tờ báo cũng đưa tin về một quan chức cấp cao của đảng vừa bị phát hiện trong vụ tai tiếng tham nhũng lớn.


Ngồi họp mà anh bâng khuâng nghĩ như thế thì cái “tâm thức văn minh” đó từ đâu ra? Chắc chắn là nó chẳng phải trên trời rơi xuống, như con thỏ xuất hiện từ trong mũ của nhà ảo thuật. Nhưng dù sao thì anh vẫn phải ngồi đó, ra vẻ thành khẩn và nghiêm túc, giữa chiếc bàn lớn của phòng họp và vờ vịt gật gù như một thằng rôbô trong lúc những người khác nói.


…Anh không nối hư vô với hư vô bằng móng tay rã rời…


Hình ảnh mơ ảo đó đến từ một bài thơ mà anh đọc đã lâu, khi nằm phơi nắng trên bãi biển nào, có một chi tiết mà cố gắng lắm vẫn không tài nào nhớ lại được.


Hiện giờ, bất chấp sự vận động, tuyên truyền của Đảng, chủ nghĩa vật chất như một cơn hồng thuỷ vẫn đang càn quét khắp mọi miền Trung Quốc. Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa vẫn liên tục kêu gào khẩu hiệu chính trị truyền thống “Hướng Tiên” tức nhắm về phía trước, đã được dân gian diễu cợt sửa thành “Hướng Tiền”. Trong tiếng Hoa, chữ tiên là tương lai, và chữ tiền trong tiền bạc, đều có cách phát âm gần như giống nhau. Trần Thảo tự hỏi sửa từ ngữ như vậy có phải chỉ là để đùa cợt hay không, hay có khi thật lại nhiều hơn đùa. Như vậy thì cái “văn minh tâm thức” nó từ đâu mà ra?


“Ngày nay, người dân không còn nhìn đâu xa hơn đôi chân của họ”, bí thư đảng uỷ Lý Quốc Hoa, phát biểu một cách trịnh trọng, hai bọc da dưới mí mắt ông giật giật dưới ánh nắng chiều. “Chúng ta phải tái khẳng định truyền thống vẻ vang của Đảng. Chúng ta phải xây dựng lại hệ thống giá trị cao quý của chủ nghĩa Cộng sản, chúng ta phải cải tạo tư tưởng nhân dân...”


Trần Thảo châm một điếu thuốc, hai ngón trỏ và giữa vê vê chót mũi. Anh nghĩ, sau tất cả những phong trào chính trị đủ loại thời Mao Trạch Đông, sau Cuộc Cách mạng Văn hoá, sau mùa hè đầy biến động năm 1989, sau vô số vụ tham nhũng trong hệ thống của Đảng… thì có đúng là nhân dân phải chịu trách nhiệm về chuyện xây dựng lại xã hội chủ nghĩa hay không?


“Người ta bây giờ chẳng còn quan tâm gì ngoài tiền”, thanh tra Lưu, người đứng đầu Phòng Điều tra Hình sự, lớn tiếng nhận xét. “Để tôi nêu thí dụ cho các đồng chí thấy. Tuần rồi tôi ghé vào một nhà hàng. Một nhà hàng chuyên bán thức ăn Hồ Nam tôi biết kinh doanh đã nhiều năm, nhưng bất ngờ, nó bây giờ lại là một nhà hàng chuyên về chủ đề Mao. La liệt nào là hình ảnh của Mao Chủ tịch và của những đồng chí cách mạng cao cấp treo khắp các vách tường. Thực đơn cũng tuyền những món được truyền tụng là khoái khẩu của người. Những cô hầu bàn ăn vận hở hang, trang phục thiếu vải nhưng lại in đầy những câu châm ngôn danh tiếng của Mao Chủ tịch, lượn lờ trong quán chẳng khác gì bầy gái điếm. Rõ ràng là nhà hàng khai thác kinh doanh một cách không hổ thẹn trên tiếng tăm của Mao Chủ tịch, mà nếu sống lại chắc người không khỏi lăn ra mà chết vì bất bình.”


Trinh sát Giang tiếp lời “Đã vậy có người còn kể đùa rằng Mao Chủ tịch đi tham quan quảng trường Thiên An Môn, gặp một tay làm ăn đề nghị ông đứng làm người mẫu cho du khách chụp ảnh chung, và thế là hai người kiếm được vô số là tiền. Thật là đáng hổ thẹn…”


Bí thư Lý Quốc Hoa giận dữ cắt ngang “Thôi, không bàn đến chuyện Mao Chủ tịch nữa”.


Đáng hổ thẹn hay không, chuyện diễu cợt liên quan đến Mao Chủ tịch vẫn là điều cấm kỵ về mặt chính trị, Trần Thảo nhận xét như vậy khi với tay lấy chiếc gạt tàn thuốc. Nhưng dù sao thì chuyện diễu đó cũng phản ảnh đúng xã hội ngày nay. Mao đã trở thành một thương hiệu ăn khách. Đó là điều đáng hãnh diện hay phải bị trừng phạt? Anh đang mơ màng ngắm những lọn khói hình vòng tròn bay lơ lửng trong không gian phòng họp thì nhận ra bí thư Lý đang gãi sột soạt bên cạnh. Anh hiểu là phải phát biểu cái gì đó.


“Cơ bản kinh tế và thượng tầng chủ nghĩa”, anh cố gắng vận dụng vài thuyết lý Mác-xít đã học khi còn trẻ để nói, nhưng bất chợt khựng lại. Theo Mác, thì có mối tương quan chặt chẽ giữa thượng tầng chủ nghĩa với cơ bản kinh tế. “Chế độ xã hội chủ nghĩa theo tính cách Trung Hoa” đã là sự tương thích toàn hảo theo Mác mà anh được học. Nhưng nền kinh tế thị trường hiện nay là hoàn toàn tư bản, nói theo Mác, là thời kỳ thu - lượm sơ khai, thì có tương quan ra sao với thượng tầng chủ nghĩa cộng sản siêu việt, và rồi người ta có thể trông chờ gì ở nền “văn minh tâm thức” do Đảng hô hào hiện nay?


Dù sao thì anh cũng phải nhanh chóng nghĩ ra cái gì đấy để phát biểu. Ai cũng hướng về anh, không chỉ vì anh là một “nhà trí thức” chuyên gia Anh ngữ trước khi được nhà nước phân công về ngành Công an, mà anh còn là chánh thanh tra, lại là cán bộ trẻ nhiều năng lực và đầy triển vọng của Đảng.


Trương uỷ viên lên tiếng tiếng thúc dục “nhanh lên nào, ông Trần, ông không những là một giới chức cảnh sát, mà còn là một thi sĩ danh tiếng nữa đấy”. Ông Trương vốn là một nhà cách mạng lão thành đã về hưu, nhưng vẫn thường xuyên đến tham dự các buổi hội thảo chính trị của cơ quan, và luôn tin chắc rằng các vấn đề khó khăn ngày nay phần lớn đều phát xuất từ tình trạng cán bộ thiếu học tập chính trị mà ra. “Chắc chắn là ông có nhiều điều hay ho để cho chúng tôi biết về sự cần thiết tái lập nền văn minh tâm thức”.


Trần Thảo có thể dễ dàng nhận ra những gì thật sự ẩn chứa sau lời lẽ của ông Trương. Không chỉ là sự ngầm phê phán vì anh là nhà thơ, mà còn về chính con người của anh, dưới mắt ông Trương, là quá phóng khoáng.


“Sáng nay tôi đi làm trên chiếc xe buýt chật cứng”, Trần Thảo phát biểu lại sau khi hắng giọng vài lần, “một cụ già chống gậy bước lên xe. Lúc xe phanh gấp, cụ ngã lăn quay. Không một hành khách nào nhường chỗ cho ông. Một người khách trẻ, ngồi gần cửa, còn nói rằng bây giờ không còn là thời của đồng chí Lý Phương, người đảng viên Cộng sản từng quên mình để hy sinh, được Mao Chủ tịch đề cao điển hình và lấy làm gương cho mọi người…”


Anh lại bỏ lửng câu nói. Có lẽ do vô tình, nên cái tên Mao Trạch Đông cứ trở lại như một bóng ma. Trần Thảo dụi điếu thuốc, sắp nói tiếp cho hết câu thì chuông điện thoại di động réo lên. Anh bắt máy mà chẳng nhìn đến ai khác ở trong phòng.


“Alô, đây là Nhung”. Giọng nữ trong trẻo và rõ ràng, “em gọi về chuyện cô Linh”.


Linh là bạn gái của anh ở Bắc Kinh, hay chính xác hơn, chỉ là bạn gái cũ, dù cả hai chưa ai nói điều đó ra cho rõ ràng, dứt khoát. Còn Nhung là bạn chí thân và từng làm cùng sở với Linh, nhiều lần ra tay hoà giải, nhanh nhẩu giàn xếp giúp cho mối quan hệ lúc-hợp-lúc-tan của hai người, vốn đã phát sinh từ thời anh còn ở bậc đại học.


“Ô, chuyện gì xảy ra cho cô Linh vậy?” anh hỏi, trong những ánh mắt ngạc nhiên của các bạn đồng sự. Anh lật đật đứng dậy nói với lại “xin lỗi, tôi có việc cần”.


Nhung nói “Linh đi lấy chồng”.


“Hả?” anh vừa hỏi, vừa bước vội ra hành lang.


Trần Thảo thật sự không ngạc nhiên lắm. Mối quan hệ của họ từ lâu nay đã nhiều sóng gió, phát sinh từ chuyện tình trạng CCCC của nàng. Đó là lối gọi tắt cho “con-cha-cháu-chú”, do bố của Linh là một trong các tay lãnh đạo đảng, còn anh thì lại không thể hình dung mình có thể biến thành một loại CCCC, dù là cố để cho nàng vui. Sự mâu thuẫn càng trầm trọng do lòng thù ghét bất công xã hội của anh, do sự xa xôi cách trở giữa Bắc Kinh với Thượng Hải, và còn do quá nhiều chuyện khác nữa giữa hai người…


Anh vẫn thường tự bảo rằng Linh không có lỗi gì trong việc này, nhưng tin nàng đi lấy chồng cũng khiến anh bàng hoàng.


Nhung nhanh nhẩu báo tin, “Anh chàng cũng thuộc dạng CCCC, nhưng còn là một doanh nhân thành đạt, mà lại là đảng viên triển vọng nữa chứ. Linh thì không màng tới tất cả mấy thứ đó, anh biết rồi...”


Anh nghe, tựa lưng vào một góc hành lang, mắt nhìn vào bức tường trước mặt giống như nhìn một tờ giấy trắng. Tự dưng anh thấy mình như một kẻ bàng quan, nghe như chuyện xảy ra cho người khác.


“Anh đúng ra phải nỗ lực hơn nữa mới phải,” Nhung nói như để bênh vực cho Linh. “Anh không thể bắt phụ nữ đợi chờ mãi được.”
“Tôi hiểu.”
“Chắc là chưa trễ lắm đâu”. Nhung bắn phát đạn cuối cùng. “Linh nó vẫn còn quan tâm đến anh nhiều lắm. Về Bắc Kinh đi, em sẽ kể cho anh nghe thêm nhiều chuyện nữa. Lâu lắm rồi anh chưa về Bắc Kinh, em giờ chẳng hình dung mặt mũi anh ra sao nữa”.
Như vậy là Nhung chưa chịu bỏ cuộc, dù nhân vật chính là Linh đã bỏ cuộc chơi và đi lấy chồng. Nhung muốn anh đi Bắc Kinh để thực hiện “thiên chức cứu vớt - hỗ trợ cho đôi lứa” lần sau cùng.


Cuộc nói chuyện qua điện thoại ở hành lang kéo dài bao lâu anh không biết.


Khi trở vào phòng họp thì buổi họp chính trị đến hồi bế mạc. Trương uỷ viên lắc đầu liên tục như đuôi một con rắn hổ mang. Ông Lý bí thư nhìn Trần Thảo một cách dọ hỏi. Ghé vào ngồi bên cạnh người bí thư đảng uỷ, anh cố gắng không nói bất cứ điều gì cho đến khi buổi họp kết thúc.


Vào lúc mọi người bắt đầu ra khỏi phòng, ông Lý kéo anh sang một bên. “Mọi chuyện đều ổn cả chứ, đồng chí chánh thanh tra?”


“Thưa, ổn hết ạ”, anh trả lời và cố quay lại vai trò chính thức của mình. “Hôm nay mình đã thảo luận một vấn đề hết sức hệ trọng”.


Sau đó thay vì về căn hộ của mình, Trần Thảo quyết định đi thăm mẹ. Đêm nay mà phải tự nấu nướng thì quả là chẳng thích thú gì.


Khi rẽ vào đường Nhu Giang thì không hiểu sao, anh đi chậm lại. Đã gần 6 giờ chiều. Mẹ anh sống một mình trong khu phố cổ, sức khoẻ đã yếu mà bà lại hết sức cần kiệm. Có lẽ mình nên mua thức ăn đến thì hay hơn. Anh nhớ có một quán ăn nhỏ ở ngay góc đường. Thời tiểu học anh vẫn thường đi ngang và thỉnh thoảng lại tò mò ghé mắt nhìn trộm vào quán.


Một thằng bé đang chơi đánh chiếc vành xe đạp cũ chạy trên vệ đường, là khung cảnh vô cùng quen thuộc mà đã rất lâu anh không còn được thấy. Chiếc vành xe cũ sét đó đánh thức nhiều kỷ niệm thời ấu thơ của anh, vốn bị bụi thời gian che phủ đã lâu. Anh thấy ngạc nhiên với cái cảm giác thân quen vừa trở lại với mình.


Trần Thảo tự dưng không muốn ghé thăm mẹ nữa. Anh nhớ bà, cảm thấy buồn khi không thể chăm sóc được cho bà thường xuyên như lòng mong muốn. Nhưng một buổi tối ở đó có nghĩa là thêm một buổi tối bà than vãn về thời độc thân cố tình kéo dài của anh, mà chắc chắn bà sẽ lập lại lời Khổng tử dạy “Trong các tội bất hiếu, tội không con nối dõi là nặng nhất”. Đêm nay không phải để cho chuyện đó.


Liếc nhanh qua mặt trước quán ăn, vốn dĩ vẫn nhớp nhúa, sơ sài, ít thay đổi gì nhiều trong những năm qua, anh bước hẳn vào khung cảnh tồi tàn bên trong. Một bóng đèn vàng xỉn đong đưa từ trên trần nhà ám khói và hoen ố vì nước dột, chiếu ánh sáng vàng vọt lên ba hoặc bốn chiếc bàn cáu bẩn khập khiễng. Phần lớn khách hàng đang hiện diện ở đó trông cũng không khá gì hơn khung cảnh, họ nhâm nhi loại rượu rẻ tiền với những đĩa đậu phộng luộc.


Bà hầu bàn mập mạp và lùn, trạc ngoài ngũ tuần, chìa cho anh tấm thực đơn trong sự nín lặng tựa có vẻ như bất cần đời. Trần Thảo chọn một chai bia Thanh Đảo và hai món ăn nguội là đậu phụ khô ngâm tương đỏ và trứng vịt bách thảo, rồi hỏi bà: “Hôm nay có món gì đặc biệt không?”


“Chúng tôi có dồi, phổi, tim heo hấp rượu đế, mà đây là rượu nhà cất đấy nhé. Kiểu ẩm thực Thượng Hải truyền thống đó. Tôi đố là ông có thể tìm những món đó bất cứ ở đâu nữa”.
“Tốt. Cho tôi mấy món đó”, rồi nhìn vào thực đơn, anh kêu lên “À, đầu cá chép xông khói nữa nhé, cái nào be bé thôi”.


Bà nhìn Trần Thảo từ trên xuống dưới ra chiều kinh ngạc, có vẻ như anh là vị thực khách hào sảng nhất của quán ăn này từ thưở khai trương tới giờ. Còn chính anh cũng ngạc nhiên về bản thân, không ngờ mình vẫn có thể chén hết ngần ấy món trong một buổi tối như hôm nay.


Một trong những người khách ngồi quanh chiếc bàn gần phía sau quán quay đầu nhìn lại. Trần Thảo nhận ra đó là ông Cương, cư dân xóm cũ ngày nào. Ông này từng là tay thủ lĩnh đầy quyền uy của tổ chức Vệ binh Đỏ Thượng Hải trong thời kỳ đầu của cuộc Cách mạng Văn hoá, nhưng sau đó tuột dốc thảm hại, thành một kẻ thất nghiệp, say xỉn, lang thang khắp xóm làng. Chuyện thăng trầm của một Vệ binh Đỏ đầy huyền thoại này, Trần Thảo nghe qua mẹ anh kể lại.


Ông Cương quay mình hẳn lại, hắng giọng rồi vỗ bàn một cách đầy kịch tính. “Thánh hiền xưa cũng vắng xa, chỉ có rượu với người say là vẫn thế.” Câu này nghe như lấy từ thơ Lý Bạch, một danh sĩ đời Đường chuyên lấy rượu làm thi hứng.


“Mấy người biết tôi là ai không?” Ông Cương nói tiếp, “Tư lệnh Tổng hành dinh Đệ Tam đoàn Vệ binh Đỏ Thượng Hải. Một chiến sĩ trung thành của Mao Chủ tịch, lãnh đạo hàng triệu vệ binh Đỏ chiến đấu cho người. Kết cục, người ném chúng tôi cho bầy chó sói”.


Bà hầu bàn đặt những món ăn nguội và chai bia Thanh Đảo lên bàn Trần Thảo. “Món mì và món đặc biệt sắp xong”.


Ngay lúc bà vừa bước đi thì ông Cương đứng dậy, vừa lê bước vừa nhăn mặt, kẹp theo chai rượu mạnh cỡ nhỏ được giới bợm nhậu gọi là “tiểu pháo”.


“Bạn trẻ ơi, như vậy bạn là người mới đến. Tôi muốn giúp bạn đôi lời khuyên. Đời ngắn lắm, chỉ sáu mươi hay bảy mươi năm thôi, nên không có ích gì mà phải lo âu cho đến khi bạc đầu. Buồn vì tình phụ ư? Một người đàn bà cũng chỉ như chiếc đầu cá xông khói kia thôi. Không có nhiều thịt, mà chỉ lắm xương, nó nằm trên cái đĩa trắng mà giương đôi mắt gớm ghiếc lên nhìn mình chằm chặp. Nếu bạn không cẩn thận, thì sẽ bị một chiếc xương đâm ngay vào cổ. Nghĩ đến bác Mao mà xem. Một người vĩ đại như thế, mà cũng tiêu đời vì đàn bà, hay nhiều người đàn bà. Ông ta hành lạc đến mất trí mà chết”.


Ông Cương nói năng như người say, chẳng liền lạc do nhiều lần ngắt quãng, nhưng lại khiến Trần Thảo cảm thấy ngạc nhiên một cách tò mò khó hiểu.


“Như vậy hoá ra ông đã có tham gia cuộc Cách mạng Văn hoá,” anh vừa nói vừa ra dấu mời ông Cương ngồi vào bàn mình.
“Cách mạng giống con chó cái. Nó quyến rũ anh, rồi bỏ rơi anh như một cái chổi dính cứt đái ở đít nó.” Ông Cương ngồi đối diện với Trần Thảo, tay bốc một miếng đậu phụ rồi tu chai rượu cạn. “Và con chó cái cũng giống cuộc cách mạng, làm tâm trí anh rối tung cả lên.”
“Do vậy mà ông ra nông nỗi này, vì đàn bà và cách mạng sao?”
“Nay chẳng còn gì nữa, ngoài ly rượu. Nó không bao giờ bỏ anh. Khi anh bị dày xéo, thì chỉ còn vui với chiếc bóng của chính mình. Cái bóng nó trung thành, dịu dàng, kiên nhẫn và không bao giờ dẫm lên chân anh. Đời sống ngắn ngủi vô cùng, giống giọt sương buổi sớm mai. Bầy kên kên đã bay vần vũ, càng lúc càng gần trên đầu anh. Vậy nên mình uống đi.”
“Do đây là lần đầu anh tới chốn này nên tôi nhận phần chiêu đãi anh”, ông Cương nói và ực một ngụm bia khi Trần Thảo đẩy ly của mình sang cho ông ta. “Tôi có đủ minh mẫn để đưa anh đến tận cùng thế giới.”


Anh bất giác thầm nghĩ về hình ảnh ông Cương dẫn dắt một viên chức công an là mình đi trên con đường đó. Ông Cương thò tay vào túi quần lục lọi, rút ra được mấy xu lẻ. Ông lục thêm lần nữa. Vẫn chỉ mấy xu đã nằm chỏng trơ trên bàn. “Thiệt là xui. Sáng nay tôi thay quần, bỏ quên ví tiền ở nhà rồi. Bạn trẻ ơi, cho tôi vay mười nguyên đi, ngay mai tôi trả lại cho anh”.


Đúng là trò cũ mèm, nhưng anh vẫn lấy làm thích thú khi có bạn trong buổi tối đó nên đưa hai tờ giấy bạc mười nguyên.


“Dì Nghiêu ơi, một chai rượu Dương Hà, một đĩa thịt má lợn và một chục chân gà ngâm tương ớt nhé,” ông Cương gào to về hướng nhà bếp, tay vẫy như thời ông còn làm tư lệnh Vệ binh Đỏ.


Dì Nghiêu, bà hầu bàn trung niên, xuất hiện từ khung cửa bếp, tay lấy tiền mà mắt nhìn chằm chằm dó xét.


“Lão bợm dơ dáy này, lại dở trò cũ phải không ?"


Một tràng cười rộ lên ầm ĩ như trên các chương trình TV hài hước vang dội trong quán khi bà bắt đầu nắm cổ áo lôi ông Cương trở về bàn của ông, giống như cảnh con diều hâu tha con gà.


“Ông đừng có nghe lời hắn.” Bà trở lại bàn Trần Thảo và nói “Lão cứ dở cái trò ma mãnh đó với bất cứ thực khách nào mới của quán này, kể tới kể lui cũng câu chuyện cũ rích đó, để khách mủi lòng và cho lão tiền uống rượu. Tệ hơn nữa, có một ông khách trẻ đã sa vào kiếp nạn của lão và trở thành một tên bợm y như lão ta”.


“Cảm ơn, dì Nghiêu”, Trần Thảo đáp, “Đừng lo lắng cho tôi. Tôi chỉ mong có một bữa ăn yên tĩnh thôi”.
“Tốt. Tôi không nghĩ là lão dám làm phiền ông lần nữa, cho tới khi lão xơi hết đống cứt ngựa kia”, bà vừa nói vừa ngoái đầu nhìn về phía sau.
“Đừng lo lắng cho tôi, dì Nghiêu”, lão Cương nói với theo khi bà bước khuất sau cửa bếp.


Dì Nghiêu hẳn phải là người hầu bàn duy nhất của quán và đã phục vụ nhiều năm nên mới biết rõ đám khách quen như thế. Bà quay lại với món mì và món đặc sản. Món này được bày trong một quánh đất cũ kĩ còn bốc khói, giống như nó vẫn được nấu ở nhà quê. Món mì bò trông tươi ngon nóng bỏng.


Bà ngồi trên chiếc ghế đẩu gần bàn Trần Thảo, tựa chừng như để bảo vệ cho anh được thưởng thức một bữa ăn yên lành.


Thế nhưng anh không có được bữa ăn như thế trong buổi tối hôm đó.


Vừa khua đũa vào quánh đất thơm lừng kia thì điện thoại di động reo. Anh nghĩ chắc là cô Nhung lại gọi, cô này vốn không chịu thua dễ dàng đâu.


“Đồng chí chánh thanh tra Trần Thảo, tôi là Hoàng Khải Minh ở Bắc Kinh đây”.
“Ô, thưa đồng chí Bộ trưởng”.
“Mình cần trao đổi đây, bây giờ có tiện cho anh không?”


Thật ra là có thích hợp đâu, nhưng anh quyết định không nói như vậy với người Bộ trưởng bộ Công an mới lên nhậm chức không lâu. Mà chuyện tiện hay không cho anh, chẳng là vấn đề gì với ông Hoàng. Trần Thảo đứng dậy, vội vã ra khỏi quán, hai tay che chiếc điện thoại.


“Vâng, vâng, xin Bộ trưởng nói đi.”
“Anh có biết gì về Thượng Uẩn Quán, nữ hoàng điện ảnh thời thập niên 50 hay không?”
“Thượng Uẩn Quán... tôi có được xem một hay hai phim gì đó do bà đóng, đã lâu rồi. Mấy phim đó chẳng có ấn tượng gì sâu sắc với tôi. Tôi nghĩ là bà ta đã tự vẫn thời Cách mạng Văn hoá mới bắt đầu”.
“Đúng như thế, nhưng thời những thập niên năm mươi, sáu mươi, bà ta rất nổi tiếng. Khi Mao Chủ tịch đến Thượng Hải, người đã khiêu vũ với bà ở những dạ tiệc cho chính quyền địa phương tổ chức”.
“Thưa Bộ trưởng, rồi...” Trần Thảo hỏi, lòng thầm nghĩ không biết chuyện gì đây.
“Bà ta có thể tự ý lấy, hay được Mao Chủ tịch cho cái gì đó. Có rất nhiều cơ hội như vậy”.
“Một cái gì đó của ông Mao?” Trần Thảo lập tức cảnh giác, dù khó có thể che dấu vẻ chế nhạo, châm biếm trong giọng nói của mình. “Nó có thể là cái gì nhỉ?”
“Chúng ta chưa biết”.
“Có thể là những bức ảnh với hàng chữ “Lãnh tụ vĩ đại của chúng ta khuyến khích một nghệ sĩ cách mạng đưa ra cống hiến mới”, hoặc “Hãy cho trăm hoa đua nở”. Báo chí và tạp chí của mình thì đầy những bức ảnh như thế của Mao Chủ tịch”.
“Bà Thượng Uẩn Quán có thể để món đó lại cho con gái là bà Khanh”. Bộ trưởng Công an Hoàng Khải Minh nói tiếp mà không thèm nghe câu Trần Thảo vừa trả lời, “bà này cũng chết vì tai nạn vào thời cuối cuộc Cách mạng Văn hoá, chỉ còn người con gái tên là Giao. Anh có nhiệm vụ tiếp cận cô Giao này”.
“Tại sao?”
“Cô ta có thể giữ món đó”.
“Một cái gì đó của Mao Chủ tịch, có phải ý ông nói là tư liệu về người không?”
“Hừ, có thể thể nói như thế”.
“Bà Thượng, bà Khanh, hay cô Giao có từng cho ai thấy tư liệu đó chưa?”
“Không, theo ta biết thì không”.
“Như vậy thì chưa chắc là đã có một tư liệu nào như thế”.
“Tại sao anh nghĩ vậy?”
“Đối với một nhân vật như Thượng Uẩn Quán, một tài tử điện ảnh danh tiếng, thì tư gia của bà đã bị Vệ binh Đỏ lục soát và tịch thu không còn thứ gì. Họ chẳng tìm được gì, đúng không? Cái gọi là tư liệu của Mao Trạch Đông, bất kể nó là thứ gì, thì cũng chẳng phải thuộc loại có thể cứu mạng, như chiếu chỉ triều đình thời xưa. Cho là nó có hiện hữu, nó đã không cứu được bà, mà trái lại, còn có thể gây rắc rối thêm mà thôi. Vậy làm sao mà bà có thể trao món đó lại cho con gái là bà Khanh? Rồi bà này lại chết trong một tai nạn, thì làm sao trao nó lại được cho con gái là cô Giao?”
“Đồng chí chánh thanh tra!” Ông Hoàng rõ ràng là không hài lòng với câu trả lời của Trần Thảo. “Chúng ta không thể nào bỏ qua khả năng này. Đã có một số việc đáng ngờ về cô Giao. Thí dụ như khoảng một năm rồi, cô ta bất ngờ bỏ việc làm bình thường rồi dọn vào ở một căn hộ cao cấp, sang trọng. Tiền ở đâu ra ? Bây giờ cô ta lại thường xuyên yến tiệc với những người từ Đài Loan, Hồng Kông hay những nước phương Tây sang. Thêm nữa, người tổ chức các yến tiệc đó, một người họ Giải, là người mang mối thù hận sâu đậm với Mao Chủ tịch. Như vậy thì cô Giao có thể dạm bán tư liệu gì đó về Mao để nhận một khoản tiền ứng trước kếch sù.


Có thể là chưa, hoặc chưa hoàn toàn. Một việc gì đó có thể đã được lên kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn cho cô ta. Nếu một cuốn sách gì đấy được phát hành trong khi cô này còn ở Trung Quốc, thì cô hẳn là gặp rắc rối lớn. Cô ta tự biết rõ điều đó...”
“Cô ta có nộp đơn xin hộ chiếu chưa?”
“Chưa. Nếu cô ta có hành động gì cụ thể thì chẳng tốt lành gì cho cô ấy”.


Đối với Trần Thảo thì chuyện này nghe có vẻ như cả một âm mưu lớn. Vị Bộ trưởng hẳn phải có nguyên cớ gì để khiến đích thân ông quan tâm, nhưng đối với anh thì còn nhiều nghi vấn.


“Tại sao bây giờ ta lại tự dưng chú ý đến việc này?” Trần Thảo tiếp tục trao đổi với Bộ trưởng Công an. “Bà Thượng Uẩn Quán chết đã lâu rồi”.
“Tất cả thì dài dòng lắm, nói tóm gọn, thì nguyên do ở hai cuốn sách. Cuốn đầu tựa đề là “Mây Mưa Thượng Hải”. Anh thì chắc là phải nghe nói về cuốn này”.
“Thưa, chưa nghe ạ”.
“Anh bận quá đấy thôi, chánh thanh tra ạ. Nó là cuốn sách best-seller, nói về bà Thượng và bà Khanh nữa”.
“Thật sao? Sách bán chạy nhất?”
“Đúng. Rồi đến cuốn kia là hồi kí của lão bác sĩ riêng của Mao Chủ tịch”.
“Cuốn này thì tôi có nghe nói, nhưng chưa đọc”.
“Với cuốn này thì mình học được kinh nghiệm cay đắng. Khi ông bác sĩ này xin hộ chiếu đi Mỹ chữa bệnh, ta đã để cho lão đi. Cuốn sách được phát hành ở bên đó. Nó chứa đầy những sự dối trá về đời tư của Mao Chủ tịch. Tuy nhiên độc giả hết sức quan tâm tới những chi tiết gay cấn, ly kỳ, nên họ không hề suy nghĩ thực hư. Cuốn sách bán chạy như tôm tươi trên toàn thế giới. Ở một số ấn bản tiếng nước ngoài, nó được in đi in lại cả chục lần chỉ trong vòng một năm”.


Bản thân Trần Thảo cũng có nghe một số chuyện về đời tư của Mao Trạch Đông. Vào những năm sau thời Cách mạng Văn hoá, khi Giang Thanh, tức Mao phu nhân, bị quy kết là “bạch cốt quỷ”, nhiều chi tiết khủng khiếp về cuộc đời bà, đã bắt đầu được loan truyền ra dân gian, với một số chuyện đặc biệt liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới ông Mao Trạch Đông. Nhà cầm quyền Bắc Kinh khi đó đã lập tức ra lệnh cấm những cái gọi là “lời đồn” đó. Và kể từ khi đó, Mao phu nhân hay bản thân Mao chủ tịch, đối với dân chúng thì chỉ là một mà thôi.


“Do đó, hai cuốn sách đã khiến ta phải quan tâm đến khả năng cô Giao có giữ một cái gì đó từ bà Khanh để lại. Một cái gì đó mà cô ta có thể sử dụng để chống lại quyền lợi của đảng”.
“Tôi vẫn chưa nắm hết chuyện, thưa Bộ trưởng”.
“Tôi nghĩ là mình không nên bàn về chi tiết qua điện thoại. Anh sẽ tìm hiểu thêm về vụ án này qua hồ sơ do Vụ Nội an đúc kết”.
“Vụ Nội an đã điều tra rồi cơ à?” Trần Thảo hỏi khi đôi mày nhíu lại. Vụ Nội an thường được trao phó những vụ án chính trị nhạy cảm nhất. “Nếu như vậy thì gọi tôi làm gì?”
“Họ đã theo dõi cô Giao từ nhiều tuần nay, mà không có tiến triển nào. Kế hoạch của họ là sẽ áp dụng thêm một số biện pháp cứng rắn hơn, nhưng vài đồng chí lãnh đạo ở Bắc Kinh không cho đó là ý kiến hay. Đồng chí Triệu, cựu bí thư ban Tuyên Giáo Trung ương, là một trong số các vị đó. Thực tế là ta phải nghĩ đến tác dụng ngược. Cả ông Giải lẫn cô Giao đều là những người quảng giao rộng rãi và có quan hệ chặt chẽ với giới truyền thông phương Tây. Ngoài ra, nếu sức ép quá mạnh, cô Giao có thể hành động liều lĩnh, vội vàng, do tuyệt vọng”.
“Vậy tôi có thể làm gì, thưa Bộ trưởng?”
“Đồng chí sẽ tìm cách tiếp cận cô Giao theo góc độ khác. Kiểm tra cô ta, cùng những kẻ thân cận, và quan trọng hơn hết, là khám phá xem là mẹ cô ta, bà Khanh, đã để lại cái gì, rồi thu hồi nó”.
“Khoan đã, góc độ khác là góc nào?”
“Bất cứ cái gì mà anh thấy có thể làm được. Nhu hay hơn là cương, anh hiểu ý tôi chứ?”
“Dạ không. Tôi không phải là điệp viên 007, thưa đồng chí Bộ trưởng”.
“Đây là sự phân công mà anh không thể từ chối, đồng chí chánh thanh tra ạ. Mọi sự phỉ báng Mao chủ tịch, người sáng lập đảng Cộng sản Trung Hoa, sẽ tác hại tính cai trị hợp pháp của đảng chúng ta. Đây là nhiệm vụ đặc biệt và đích thân đồng chí Triệu đề xuất anh với tôi. Căn cứ vào những gì vụ Nội an tìm hiểu được, thì một trong những cách anh có thể tiếp cận cô Giao là qua các bữa dạ hội cô hay tham dự. Anh có thể hoà lẫn vào quan khách, nói tiếng Anh, hay đọc cả thơ của anh nữa”.
“Như vậy là tôi tiếp cận cô ta với bất cứ tư cách gì, ngoại trừ là công an...”
“Đó là vì lợi ích của đảng”.
“Đồng chí Triệu đã từng nói với tôi như vậy khi bảo tôi tham gia một vụ án khác”, Trần Thảo đáp, dù biết là biện luận cách nào cũng chẳng ăn thua gì. Anh trở lại câu chuyện, “Nhưng chẳng có gì bảo đảm là bà Khanh đã để lại món gì cho con gái khi bà chết”.
“Anh không phải lo gì về chuyện đó. Anh cứ tiến hành công tác theo bất cứ cách nào anh muốn, chúng tôi tin anh. Tôi cũng đã trao đổi với bí thư đảng ủy Lý Quốc Hoa của anh. Ông sẽ hồi hưu nay mai, và khi công tác này hoàn thành, anh sẽ được thăng tiến, nhận một chức vụ nhiều trách nhiệm hơn”.


Lời của bộ trưởng có hàm ý không thể nào nhầm lẫn được. Tuy nhiên Trần Thảo có bao giờ nghĩ tới một chức vụ nào cao hơn đâu, nhưng anh hiểu là mình không được quyền chọn lựa.


Bộ trưởng Hoàng Khải Minh nói tạm biệt rồi gác máy. Trần Thảo cũng đút điện thoại vào túi.


Khi anh trở vào quán thì món mì đã nguội ngắt, món đặc sản của quán mỡ đông xám xịt trên mặt, và chai bia đã hết sủi bọt, tất cả nằm chỏng chơ trên mặt bàn. Trần Thảo thấy chẳng còn hứng thú gì để tiếp tục bữa ăn.


Dì Nghiêu vội vã đến gần, đề nghị mang thức ăn vào bếp hâm lại, nhưng mì ngâm nước lèo đã lâu, nở ra muốn đặc thành cháo. Anh lịch sự từ chối lời đề nghị và rút ví tiền ra. Lão Cương bước thấp bước cao lật đật đến gần.


“Giờ thì tôi nhận ra anh rồi”. Lão nói quả quyết. “Anh từng sống ở khu phố này khi trước, và vẫn gọi tôi là chú Cương. Anh nhớ không?”
“Ông là…?” Trần Thảo vờ hỏi, không muốn cho lão biết là mình đã nhận ra lão từ lâu.
“Mọi người đàn ông thành đạt thường kém trí nhớ”, ánh mắt lão Cương chợt loáng lên. “Tôi sẽ thanh toán hết mấy món ăn thừa này cho anh”.
“Tôi chưa đụng vào món gì, trừ cái đầu cá”, Trần Thảo nói cho lịch sự.
“Tôi tin anh”. Lão Cương vỗ vai Trần Thảo. “Giờ thì anh đã lớn và thành một người khả kính rồi”.


Cái đầu cá chép xông khói vẫn nhìn chằm chặp vào hai người với đôi mắt kinh khiếp của nó.




© DCVOnline
-The Mao Case


---


-The Mao Case (chương 2)
Qiu Xiaolong – Nam Cương dịch

Chương 2 tiểu thuyết “The Mao Case” của Qiu Xiaolong, tác phẩm đề cập đến nhiều chi tiết về cuộc đời riêng của Mao thông qua một vụ án. 


Khi Trần Thảo trở về căn hộ của mình thì đã tám giờ hơn.

Căn phòng tiêu điều như thể nó phản ảnh tâm tư của anh vào lúc bấy giờ. Cái giường bừa bãi chăn gối, ly nước chỏng chơ trên bàn đêm, mẩu vỏ cam bé xíu đã mốc meo trong chiếc gạt tàn thuốc trông như cái mụn cóc, hay như nốt ruồi vẫn có trên cằm Mao Chủ tịch.

Anh ấn mạnh nắp bình thuỷ. Chẳng giọt nước nào chảy ra. Anh đặt ấm nước lên lò, hy vọng rằng một tách trà nóng sẽ giúp đầu óc minh mẫn hơn.

Thế nhưng hoàn toàn bất ngờ, hình bóng Linh lại xâm chiếm tâm trí anh. Nàng khi ẩn khi hiện, đang pha trà ở căn phòng tại Bắc Kinh, những ngón tay nàng rứt từng cánh hoa và thả vào tách trà cho anh. Nàng đứng cạnh khuôn cửa sổ bọc giấy trong chiếc áo dài mùa hạ, dáng mong manh nổi bật trên nền trời đêm như một cây lê đang trổ hoa.

Tin nàng đi lấy chồng không hẳn là hoàn toàn bất ngờ. Anh tự nhủ lại là nàng không có lỗi gì cả. Nàng đâu có lựa chọn để được làm con gái một uỷ viên bộ Chính trị cơ chứ.

Cũng như tự thâm tâm, anh nào có lựa chọn để thành một viên chức công an.



The Mao Case
Nguồn: eurocrime.co.uk

Anh tự trấn tĩnh để tập trung vào công tác sắp tới, bàn tay trái chống lên má như thể đang bị đau răng. Anh không muốn dự phần vào cuộc điều tra có liên quan đến Mao Trạch Đông, dù chỉ là gián tiếp. Chân dung Mao vẫn còn treo ngạo nghễ trên quảng trường Thiên An Môn kia, nên việc một đảng viên – công an lục lọi vào chuyện đời tư của Mao có thể là một hành vi tự sát chính trị nghiêm trọng.

Trần Thảo lấy một tờ giấy định viết một cái gì đó để giúp mình suy nghĩ, thì bí thư Lý Quốc Hoa gọi điện thoại.

“Bộ trưởng Hoàng vừa gọi cho tôi về nhiệm vụ đặc biệt của anh. Anh không còn phải lo gì về công tác ở cơ quan nữa nhé, mà anh cũng chẳng cần phải báo cáo tôi về công tác mới nữa”.

“Lý bí thư ơi, tôi chẳng biết nói sao”. Nước bắt đầu sôi và chiếc ấm réo lên. Lý Quốc Hoa từng là người đỡ đầu về mặt chính trị tại cơ quan cho Trần Thảo, nhưng dạo gần đây đã bắt đầu xem anh là đối thủ. “Tôi chưa biết gì cụ thể về công tác đó cả. Chỉ hiểu là tôi không có quyền từ chối sự phân công này mà thôi”.
“Bộ trưởng ra lệnh là dành cho anh mọi tài nguyên của cơ quan, nên anh cần gì thì cứ cho tôi biết nhé”.
“Vậy thì, đầu tiên là bác đừng cho ai biết về công tác mới của tôi. Cứ bảo là tôi xin tạm nghỉ công tác ít lâu vì chuyện riêng”. Anh nói thêm, “còn giao cho trinh sát Ngô đảm nhiệm đội Đặc vụ thay tôi ít lâu”.
“Tôi sẽ loan báo chức vụ tạm thời này cho anh ta vào ngày mai. Tôi biết là anh tin tưởng hắn lắm. À mà anh có muốn nhắn nhủ gì với trinh sát Ngô không?”
“Không, tuyệt nhiên là đừng tiết lộ gì về công tác mới của tôi”.
“Tôi sẽ lo mọi chuyện khác ở cơ quan. Cứ gọi tôi bất cứ lúc nào anh cần nhé”.
“Chắc chắn rồi, Lý bí thư ạ”.

Bỏ điện thoại xuống, Trần Thảo đi tới đi lui trong phòng khoảng một hay hai phút trước khi bước tới nhắc ấm nước xuống và nhận ra là hộp trà đã hết sạch. Lục lọi khắp các ngăn kéo cũng chẳng thấy sợi trà nào, mà cà phê cũng không, dù rằng còn cà phê chẳng ích lợi gì vì bình pha cà phê hỏng đã mấy tuần rồi.

Anh ngả người ra sau, tay xoa cằm. Sáng nay khi cạo râu anh đã tự cắt phạm một nhát. Thật là một ngày không may mắn, bắt đầu ngay từ sáng sớm.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Anh ngạc nhiên khi thấy hộp hàng giao nhận nhanh, đựng tập hồ sơ của Vụ Nội an về cô Giao. Anh không dự liệu là nó đến tay anh sớm đến thế. Ngay trong đêm.

Anh ngồi xuống bàn với ly nước nóng và một hồ sơ đầy ấn tượng trải dài qua mấy tập giấy. Vụ Nội an đã hoàn tất công tác của họ thật cặn kẽ. Hồ sơ không những bao gồm nhiều thông tin về cô Giao, mà còn có cả bà Khanh và bà Thượng Uẩn Quán, tức cả ba đời.

Trần Thảo quyết định bắt đầu từ bà Thượng. Anh châm điếu thuốc và hớp một ngụm nước nóng. Vị nước thật kinh khủng và có mùi kỳ dị khi không có trà.

Bà Thượng Uẩn Quán xuất thân từ một gia đình gia thế trong thập niên 30. Từ khi còn ở bậc đại học bà đã được mệnh danh là “nữ hoàng”, được bạn bè gọi là “Phụng hoàng” trước khi được một đạo diễn điện ảnh khám phá ra sắc đẹp và tài năng của bà. Từ đó bà đã nhanh chóng trở thành một nữ tài tử trẻ đầy duyên dáng nổi tiếng. Sau năm 1949, do thành phần gia đình và những rắc rối chính trị của chồng, sự nghiệp điện ảnh của bà gặp nhiều khó khăn. Nhiều người còn cho là sự nghiệp của bà xuống dốc một phần vì hình ảnh trên màn bạc của bà thời trước năm 1949. Dạo ấy bà thường hay đóng những vai thiếu nữ thượng lưu, sống trong những dinh thự và mặc y phục sang trọng, hiển nhiên là những nhân vật như thế phải bị xoá khỏi nền điện ảnh một nước Trung Hoa mới bước vào xã hội chủ nghĩa.

Mao Trạch Đông đã khẳng định là văn chương và nghệ thuật phải phục vụ giai cấp công nhân, nông dân và chiến sĩ, bằng cách thể hiện họ trên sân khấu và màn ảnh.

Tuy nhiên không hiểu do đâu mà những bức hình của bà trở lại xuất hiện trên báo chí nhà nước, trong những bài báo nói Mao chủ tịch khuyến khích bà Thượng Uẩn Quán và các đồng nghiệp cũ tham gia làm phim cách mạng.

Bà trở lại đóng phim, đảm nhận những vai công nhân hoặc nông dân và đoạt vài giải thưởng. Rồi sự nghiệp điện ảnh mới trỗi dậy của bà lại bị gián đoạn do cuộc Cách mạng Văn hoá. Cùng với những nghệ sĩ danh tiếng khác, bà đối diện với các cuộc phê bình tập thể và bị trừng trị. Tệ hại hơn, một đội đặc nhiệm được Nhóm Cách mạng Văn hoá thuộc Uỷ ban Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc từ Bắc Kinh cử đến thẩm vấn bà. Sau đó ít lâu, bà Thượng Uẩn Quán quyên sinh, bỏ lại người con gái là bà Khanh sống bơ vơ một mình.

Đó là câu chuyện buồn, nhưng không phải là ít xảy ra vào những năm đó. Trần Thảo thầm nghĩ như vậy, rồi đứng lên lục lọi mấy ngăn kéo. Lần này anh may mắn tìm được một gói trà sâm bé tí xíu. Nó nằm đó đã bao lâu rồi anh cũng chẳng biết. Anh bỏ nó vào tách nước, hy vọng nó sẽ giúp tăng năng lực cho anh phần nào. Tối nay anh đã bỏ bữa ăn vì cú điện thoại từ Bắc Kinh.

Nhấm nháp trà sâm, Trần Thảo trở lại với tập hồ sơ và khởi sự phần nói về thế hệ thứ nhì là bà Khanh, nhân vật chính của cuốn sách Mây Mưa Thượng Hải mà bộ trưởng Công an Hoàng Khế Minh nhắc tới.

Trở thành mồ côi sau cái chết của mẹ, bà Khanh chật vật tìm cách thích ứng với cuộc sống mới. Các vấn đề của bà Thượng Uẩn Quán mà tập hồ sơ gọi là “tình dục không xấu hổ” đã tác hại tới người con gái. Khanh lớn lên trở thành một “cô gái không biết hổ thẹn.”

Vào những năm ấy, một thiếu nữ có gốc gác lý lịch “đen”, tức là có vấn đề về chính trị, thường phải hành xử hết sức thận trọng, thế nhưng Khanh vẫn buông mình theo các đam mê tuổi trẻ. Cô yêu một chàng trai tên Tân, cũng có xuất thân tương tự là “bên kia” của chế độ. Nhận thức về tương lai mù mịt tại Hoa Lục, hai người liều lĩnh làm một cuộc vượt biên trốn sang Hồng Kông. Họ bị bắt lại và bị dẫn giải về Thượng Hải. Tân tự sát, Khanh mang thai.

Khanh hạ sinh một bé gái và sau đó yêu một chàng trai tên Bình, trẻ hơn nàng mười tuổi và được mô tả là có nhân dạng hết sức giống Tân. Một thời gian sau, hai người bị quần chúng bắt quả tang đang thân mật, Bình bị xử án tù về tội sa đoạ tình dục. Đến thời cuối của cuộc Cách mạng Văn hoá, Khanh qua đời trong một vụ được chính quyền mô tả là tai nạn.

Trần Thảo bỏ tập hồ sơ xuống và uống nốt chỗ trà sâm đắng chát. Thế là bi kịch Cách mạng Văn hoá đã kết liễu hai thế hệ. Những gì xảy ra vào thời ấy, đến nay xem ra hết sức phi lý, tàn bạo và hầu như không thể nào tin nổi. Đó là nguyên do mà chính quyền ở Bắc Kinh bây giờ muốn dân chúng chỉ nên “Hướng Tiên”, tức chỉ nhìn về tương lai mà quên đi quá khứ.

Cuối cùng, anh mở tập phúc trình điều tra về cô Giao, tập trung vào những điều đáng ngờ vực về cô.

Giao được sinh ra sau khi Tân đã chết, và tai nạn gây tử vong cho bà Khanh xảy ra vào lúc Giao hãy còn là đứa bé con. Cô lớn lên trong một nhà nuôi trẻ mồ côi. Giống như lời một bài hát tình cảm bình dân “cây cỏ dại bị chà đạp dày xéo”, Giao không theo học nổi đến cấp ba. Nên cô cũng chẳng tìm được việc làm nào ra hồn.

Không giống các bạn gái cùng trang lứa, Giao không có bạn bè thân hoặc thú vui nào, ngoài những hồi ức bi thảm của gia đình, dù rằng nhiều người khác hầu như đã cố ý hay vô tình lãng quên thời kỳ đó của lịch sử.

Sau hai hoặc ba năm chật vật với những việc làm chẳng đâu ra đâu, Giao khởi sự làm nhân viên tiếp tân cho một công ty tư doanh. Rồi sau khi cuốn Mây Mưa Thượng Hải phát hành được ít lâu, tự dưng Giao bỏ việc, mua một căn hộ cao cấp và bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác hẳn.

Cô bị ngờ là nhận được rất nhiều tiền từ cuốn sách, nhưng nhà xuất bản bác bỏ việc chi trả bất cứ khoản tiền nào cho cô. Người ta bắt đầu cho là có một đấng nam nhi nào đứng đằng sau sự “lên đời” của Giao. Thông thường thì một “đại gia” sẽ khoe khoang người đẹp của hắn như một tài sản quý báu để thiên hạ được biết “đẳng cấp” của hắn. Tuy nhiên với cô Giao, Vụ Nội an cũng đành chịu, không biết thật sự ai là đại gia đó.

Bất chấp sự theo dõi chặt chẽ, họ không thấy bất cứ một người đàn ông nào bước chân vào căn hộ của cô, hoặc đi cặp kè cùng cô.

Theo một giả thuyết khác thì có thể Giao được thừa hưởng gia tài kếch sù. Nhưng bà Thượng Uẩn Quán không để lại bất cứ món gì, tất cả những gì gọi là quý giá của bà đều đã bị Vệ binh Đỏ lục soát tước sạch từ thời Cách mạng Văn hoá.

Vụ Nội an đã kiểm tra trương mục ngân hàng của Giao và thấy là cô có rất ít tiền ký gửi. Cô đã mua căn hộ bằng tiền mặt, với một va li đầy giấy bạc, mà chẳng hề nộp đơn xin ngân hàng tài trợ như hầu hết mọi người khác.

Tính theo một thiếu nữ thông thường trong xã hội, thì đời sống của Giao rõ ràng có bao trùm một bức màn hết sức bí mật, và theo Vụ Nội an thì cô không phải là kẻ duy nhất bị nghi ngờ.

Ông họ Giải, người chủ dinh thự mà cô Giao đã trở thành khách quen hay lưu lại đến khuya, là người bị ngờ vực thứ hai. Ông nội của ông Giải từng là chủ một doanh nghiệp lớn thời thập niên 30 và đã xây một toà nhà mênh mông gọi là Giải Gia trang, được xem là một trong những kiến trúc lộng lẫy nhất của Thượng Hải.

Cha của ông Giải kế nghiệp vào thập niên 40, rồi bị trở thành “tên tư sản xấu xa” vào thập niên 50. Ông Giải lớn lên trong nghèo đói thời xã hội chủ nghĩa, còn lại chăng thì chỉ là những câu chuyện kể về thời huy hoàng xưa, về những yến tiệc, dạ hội tưng bừng sau những cánh cửa đóng kín của thời trước cách mạng thành công.

Sống biệt lập trong toà dinh thự và nhờ của cải còn sót lại, ông Giải không đi làm những công việc thường thấy như mọi người khác, mà chuyên tâm vào hội họa. Nội việc giữ toà dinh thự còn nguyên vẹn trong thời Cách mạng Văn hoá, không bị các cán bộ cao cấp tịch thu đã được xem là một phép lạ khó tin.

Đến giữa thập niên 80, trong thời kỳ đổi mới, ông Giải bắt đầu tổ chức dạ hội, yến ẩm tại nhà. Phần lớn khách không ít thì nhiều cũng có phần giống chủ nhân, tức đã luống tuổi và không giàu có, ngoại trừ những hồi ức về gia thế một thời lừng lẫy, sang trọng thì đầy ắp. Đối với họ, các dạ hội đó là giấc mơ xa hoa thành sự thật, dù chỉ một đêm.

Chỉ một thời gian sau, cái hồi ức về thời huy hoàng trước cộng sản của Thượng Hải đã trở thành mốt thời thượng tập thể, và những yến tiệc tại toà Giải gia trang tất nhiên thành nổi tiếng. Nhiều người hãnh diện khi được tham dự, xem như là biểu tượng cho đẳng cấp xã hội của mình. Người nước ngoài, rồi người Đài Loan bắt đầu tham gia. Một tờ báo phương Tây còn viết về những dạ hội đó là “cảnh quan cuối cùng của thành phố Thượng Hải quý phái cổ xưa đang dần biến mất”.

Cảnh quan cuối cùng hay không, thì tình thế của người tổ chức các dạ hội đó xem ra không mấy lý tưởng. Không có việc làm, lợi tức ổn định, ông Giải khó bảo trì toà dinh thự nguy nga và chi trả phí tổn cho các yến tiệc linh đình. Vợ ông ly dị và di cư sang Mỹ từ vài năm nay, bỏ ông sống một mình trong ngôi nhà rộng lớn.

Ông giải khuây bằng cách sưu tầm những món lặt vặt sót lại từ thời thập niên ba mươi, như chiếc máy đánh chữ hiệu Underwood, các muỗng nĩa bằng bạc thật, đôi máy hát có hình con chó nghe tiếng chủ qua loa kèn, vài chiếc điện thoại kiểu cổ, chiếc lò sưởi than có chân bằng đồng, và những đồ linh tinh tương tự.

Dù sao thì đó là những vật dụng và ông bà, cha mẹ ông đã kể cho ông nghe, những món đồ hiện diện trong những bức ảnh gia đình đã vàng úa màu thời gian, mà ông hay dùng để đắm chìm trong cô đơn. Và các món sưu tập đó nay trở thành đồ cổ ngoạn quý hiếm cũng góp phần vào huyền thoại của Giải Gia trang.

Trong mấy năm gần đây, ông Giải bắt đầu dạy vẽ tranh tại nhà ông. Người ta nói rằng ông có một quy tắc bất thành văn khi tuyển học trò, đó là ông chỉ nhận các thiếu nữ trẻ, đẹp và có năng khiếu. Theo vài người quen biết ông lâu năm thì ông già trên sáu mươi tuổi này muốn bắt chước nhân vật Bảo Ngọc trong truyện Hồng Lâu Mộng.

Cô Giao theo học vẽ với ông Giải bất chấp việc ông này chưa từng được đào tạo chính thức về hội họa, cô cũng tham gia các dạ hội dù rằng hầu hết quan khách đều lớn tuổi hoặc theo mốt cổ.

Để lý giải chuyện này, Vụ Nội an của Nhà nước đưa ra một giả thuyết. Ông Giải hoạt động như là kẻ trung gian, giới thiệu cô Giao với những người quan tâm đến tư liệu về Mao chủ tịch mà cô hiện nắm giữ. Các nhà xuất bản nước ngoài sẵn lòng trả những khoản tiền ứng trước kếch sù cho một cuốn sách nói xấu về đời tư Mao Trạch Đông, cũng như họ đã từng làm đối với cuốn hồi ký của bác sĩ riêng của ông Mao. Các buổi dạ hội tạo cơ hội cho cô gặp gỡ những khách có ý tìm mua tư liệu.

Phương án hành động do Vụ Nội an đề xuất là bất thần khám xét toà nhà, viện cớ tệ nạn xã hội, hay bất kỳ lý do nào để gây khó khăn cho ông Giải, đưa ông vào vòng lao lý. Theo cái nhìn của họ thì ông này không phải là loại gan lì. Hễ ông ta nhát đòn mà chịu khai, là họ sẽ tính tới cô Giao.

Thế nhưng các quan chức lớn ở Bắc Kinh không thích cái gọi là “biện pháp cứng rắn” đó, mà họ cũng không tin là có hiệu quả. Vì thế mà họ mới triệu đến Trần Thảo.

Trong hồ sơ, anh không thấy bản sao cuốn sách của bác sĩ riêng của Mao chủ tịch. Nó bị cấm. Anh cũng chẳng thấy bản sao cuốn Mây mưa Thượng Hải.

Anh hiếu kỳ do tựa đề cuốn sách. “Mây mưa” là hình thái cổ văn Trung Hoa miêu tả tình dục, phát xuất từ truyền kỳ vua nhà Chu gặp tiên nữ ở núi Vu Sơn, nàng nói rằng sẽ lại hiện xuống ân ái với nhà vua khi trời nhiều mây và mưa.

Tuy nhiên “mây mưa”, hay “vân vũ” cũng là một phần trong ngạn ngữ Trung Hoa: “Xoay bàn tay là mây, trở bàn tay là mưa”, hàm ý những biến chuyển liên tục không dự kiến được trong chính trường.

Trần Thảo tự hỏi có phải tựa đề cuốn sách có hai hàm ý hay chăng?

Anh nhìn đồng hồ trên mặt bàn đêm. Mười giờ mười lăm. Anh quyết định đi mua cuốn Mây mưa Thượng Hải ở quán sách gần nhà, vốn mở cửa khuya, đôi khi đến nửa đêm.

© DCVOnline

Tổng số lượt xem trang