Một chiến hạm của đối phương tuần tra trên Biển Đông. Ảnh tư liệu |
Trước nhu cầu cấp bách trên, đồng thời với việc mở tiếp về phía Nam tuyến chi viện trên bộ, Bộ Chính trị giao cho Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh tổ chức tuyến chi viện trên Biển Đông. Sau một thời gian nghiên cứu và trên cơ sở kinh nghiệm của các chuyến vượt biển từ Nam Bộ ra, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải đường biển. Đoàn 759 nhanh chóng xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, tổ chức trinh sát nhằm nắm chắc quy luật tuần tra, hoạt động ngăn chặn trên biển của địch; hiệp đồng với các tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ, xây dựng các bến bãi sẵn sàng tiếp nhận vũ khí.
Kể từ khi tuyến chi viện chiến lược biển ra đời, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nghi ngờ miền Bắc sử dụng con đường tiếp tế vũ khí trên biển, ngoài con đường xuyên Trường Sơn. Trong các báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ và các chuyên gia quân sự Mỹ về tình hình Việt Nam đã nhiều lần đề cập đến con đường trên biển này. Nhưng họ chỉ đoán biết chứ không có bằng chứng cụ thể nên chưa xác định được chính xác. Mặc dù vậy, Mỹ-ngụy vẫn tích cực tìm cách đối phó. Qua tài liệu thu được của địch, chúng ta thấy rõ hải quân và không quân Mỹ đã sớm lập một phòng tuyến ngăn chặn từ Vịnh Bắc Bộ tới Vịnh Thái Lan. Bên ngoài là máy bay tuần tiễu của Hạm đội 7, bên trong là hải quân Quân đội Sài Gòn và thủy quân lục chiến tuần tra, canh gác, bảo vệ bờ biển, các bến cảng, cửa biển, cửa sông. Tuyến giữa do hải quân Mỹ trực tiếp đảm nhiệm. Theo tính toán của Mỹ-ngụy thì với phòng tuyến ngăn chặn đó không một con tàu nào từ miền Bắc có thể xâm nhập trót lọt vào miền Nam mà không bị phát hiện. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; với ý chí quyết chiến, quyết thắng quân và dân ta mà nòng cốt là bộ đội hải quân đã tìm ra giải pháp mở đường trên biển chi viện cho các chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ khiến cả Mỹ và ngụy đều hết sức bất ngờ. Việc vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển từ năm 1961 đến năm 1972 có thể chia làm các giai đoạn như sau:
Từ 1962-1965
Ngày 11-10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí mang mật danh: “Phương Đông I” rời Đồ Sơn lên đường vào Nam Bộ. Tiếp theo, trong những năm 1963, 1964, các con tàu bé nhỏ đầy ắp vũ khí liên tục rời Đồ Sơn và một số bến khác (Bính Động, Bãi Cháy), vượt qua hàng ngàn hải lý và hàng rào ngăn chặn phong tỏa gắt gao của máy bay, tàu chiến địch, đưa hàng vào chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Hoạt động tác chiến mạnh mẽ của quân, dân ta tại các chiến trường nói trên đã khiến cho Mỹ-ngụy càng thêm nghi ngờ về con đường vận chuyển vũ khí của ta trên biển, song, chúng vẫn không thể tìm ra manh mối: “Mỹ và chính quyền Sài Gòn cảm thấy số lượng vũ khí rất lớn mà Việt Cộng đang sử dụng được vận chuyển bằng đường biển. Nhưng sự triệt hạ con đường đó là vô cùng khó khăn đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn”(1) và “…thời điểm lực lượng Việt Cộng tấn công quyết liệt, chúng ta (Mỹ-ngụy) chỉ có thể ngăn chặn và đánh trả ở một số nơi nhất định. Bên cạnh đó, việc vận chuyển vũ khí và các trang bị khác bằng đường biển hoạt động khá mạnh”(2).
(Còn nữa)
Trung tá, TS, Trương Mai Hương
(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)
(1) Theo: Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, Phông số 34- Hồ sơ 106, Lưu Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng.
(2) Theo: Tài liệu dịch của địch, Phông số 34, Hồ sơ 81, Lưu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
-Đường Hồ Chí Minh trên biển – nhìn từ phía bên kia - Thời gian này, tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên bộ đã được mở qua Trị Thiên, Khu V, Tây Nguyên. Còn các chiến trường xa như Nam Bộ, Trung Nam Bộ chỉ có thể dùng đường biển. Với các chiến trường này, một viên đạn, một khẩu súng đã rất quý báu. Vài chục tấn vũ khí từ miền Bắc đưa vào có thể trang bị cho một sư đoàn. Như vậy, với hàng ngàn tấn vũ khí được chuyển bằng đường biển trong giai đoạn này có tầm quan trọng đặc biệt, thực sự mang ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp kháng chiến của quân dân ta ở các chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Đặc biệt là sự chi viện kịp thời những loại vũ khí mới tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội như: Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Bình Giã... Sau trận Ấp Bắc, tờ báo The Washington Post, số ra ngày 7-1-1963 đã viết: “… Những người Cộng sản coi đây là chiến thắng lớn đầu tiên… Quan trọng hơn, họ đã mới phát triển thành công những kỹ thuật đương đầu được với những công nghệ của Mỹ cung cấp cho miền Nam Việt Nam….” (1). Từ khi quân đội ta ở Nam Bộ có tiểu liên AK, súng chống tăng B41, ĐKZ 57, ĐKZ 75, cối 81, cối 120… thì việc hạ máy bay, đánh các loại tàu chiến, các loại xe, nhổ đồn bốt diễn ra liên tục khiến đối phương từ chủ quan, hung hăng, đến khiếp sợ, né tránh rồi chùn bước. Báo cáo ngày 15-9-1963 của Nguyễn Thành Hoàng, Tỉnh trưởng An Xuyên (Cà Mau), ghi rõ: “Vũ khí của Việt cộng vượt ra ngoài tất cả các ước tính của chúng ta. Việt cộng đã dùng cối 81, Đại liên 12,7mm, ĐKZ75… là những thứ mà Quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa có. Đạn của họ rất dồi dào, điều mà trước đây chúng chưa bao giờ làm được”(2).
Loại tàu 100 tấn của Lữ đoàn 125 trên đường vào Nam. Ảnh tư liệu |
Qua báo chí và hồ sơ lưu trữ của đối phương cho thấy, ngay từ khi con đường Hồ Chí Minh trên biển mới ra đời, hải quân, không quân Mỹ, đã đề phòng và tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nhưng trong suốt 4 năm đầu hoạt động, các con tàu không số của ta đã tổ chức thành công 88 chuyến tàu chở vũ khí, đưa được hàng ngàn tấn vũ khí vào Nam Bộ.
Đồng thời với việc vận chuyển vũ khí vào Nam Bộ, Quân ủy Trung ương và Bộ tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển vào Nam Trung Bộ. Đây là chiến trường có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, có hành lang chiến lược nối liền hai miền Nam - Bắc. Vận chuyển bằng đường biển vào Nam Trung Bộ đường tuy ngắn hơn Nam Bộ nhưng hết sức khó khăn, nguy hiểm. Vũng Rô thuộc huyện Tuy Hòa (Phú Yên) được chọn là một trong những địa điểm đầu tiên được lựa chọn. Đây là nơi có phong trào cách mạng rất mạnh, lại là nơi có địa thế thuận lợi nên chỉ trong thời gian ngắn từ ngày 28 tháng 11 năm 1964 đến ngày 1 tháng 2 năm 1965, đã có 3 chuyến tàu, đưa gần 200 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô an toàn.
Tính từ chuyến đi đầu tiên của Tàu Phương Đông I đến tháng 2 năm 1965, tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức thành công 88 chuyến tàu chở hơn 4.919 tấn vũ khí, hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội vào chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ(3).Vậy mà phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn không phát hiện được vụ nào. Bí mật của tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển vẫn được giữ vững. Đó quả là một chiến công kỳ diệu, có ý nghĩa chiến lược to lớn, là một thắng lợi vượt ra khỏi dự tính của chúng ta.
Giai đoạn 1965-1968
Ngày 15 tháng 2 năm 1965, Tàu 143 có trọng tải 100 tấn do Thuyền trưởng Lê Văn Thêm, Chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy cập bến Vũng Rô. Lực lượng bảo vệ bến nhanh chóng tổ chức lực lượng dỡ hàng. Do không đủ thời gian rời bến trước khi trời sáng nên cán bộ, chiến sĩ trên tàu và lực lượng ở bến buộc phải ngụy trang tàu và sẵn sàng phương án đối phó. Trưa ngày hôm sau, địch phát hiện ra tàu, tổ chức đánh phá. Cán bộ, chiến sĩ Tàu 143 buộc phải phá hủy tàu, đồng thời cùng lực lượng trên bến phân tán và cất giấu vũ khí, chiến đấu chống quân địch đổ bộ. Sau bốn ngày chiến đấu ác liệt, chiều 19 tháng 2 năm 1965, địch đổ bộ được lên bờ. Những ngày sau, chúng tiếp tục đổ thêm quân và tổ chức sục sạo quanh khu vực. Địch phát hiện một số hầm cất giấu vũ khí mà ta chưa kịp di chuyển. Sau sự kiện ở Vũng Rô, Mỹ-ngụy tổ chức một cuộc triển lãm khá lớn ở Sài Gòn, có cả Phó thủ tướng ngụy đến dự và làm rùm beng về chiến tích thu hồi vũ khí Bắc Việt Nam tiếp tế cho Việt cộng bằng đường biển. Như vậy là, sau vụ Vũng Rô, tuyến chi viện chiến lược trên biển, với bao kỳ công đã không còn giữ được bí mật nữa. Kẻ địch đã nắm được chính xác ý đồ, phương thức, phương tiện vận chuyển của ta. Trên tờ Naval Institute Press, Đại tá Mỹ R.Schrosbay nhận định: “Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng chiến cụ lớn bị phát hiện chỉ ra rằng nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời loại vũ khí mới cỡ 7,62mm của địch ở những vùng ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển”(4).
(Còn nữa)
Trung tá, TS, Trương Mai Hương
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)
(1) htt://en.wikipedia.org/wiki/Battle-op Ap Bac
(2) Báo cáo số1803/NA3/M ngày 15-9-1963 của Thiếu tá Tỉnh trưởng tỉnh An Xuyên gửi Phủ Tổng thống, tư liệu lưu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Tài liệu địch, Hồ sơ số 38.
(3) Sự kiện Tàu không số Vũng Rô (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Nxb Phú Yên, 2006, tr.25.
(4) R.Sohnesdle: “Cuộc chiến tranh của hải quân Mỹ ở Việt Nam”, Tạp chí Học viện Hải quân Hoa Kỳ, số tháng 5 năm 1971.-Đường Hồ Chí Minh trên biển – nhìn từ phía bên kia (Kỳ 2) - Khi phát hiện ra và thu được vũ khí của ta ở Vũng Rô, địch hết sức bất ngờ. Một loạt kế hoạch nhằm đánh phá miền Bắc, ngăn chặn mọi sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, kiểm soát chặt vùng biển lập tức được đối phương thực hiện. Trọng điểm là kế hoạch mang mật danh “Desoto” đưa Hạm đội 7 vào Biển Đông để đánh phá miền Bắc và ngăn chặn sự thâm nhập của “Bắc Việt” vào Nam bằng đường biển.
Ở miền Nam, một kế hoạch phong tỏa quy mô lớn mang tên “Market time”được thực hiện nhằm ngăn chặn con đường chi viện trên biển của ta. Theo kế hoạch, hải quân Mỹ thực hiện việc ngăn chặn từ ngoài khơi, hải quân ngụy có nhiệm vụ tuần tiễu ven bờ. Đồng thời, Mỹ tăng cường thêm 5 tàu tuần tiễu ngoài khơi, 30 tàu tuần tiễu trên sông và 9 tàu tuần tiễu ven bờ. Ngoài ra, địch cho hàng trăm/lần chiếc máy bay trinh sát bờ biển, sục sạo từng ki-lô-mét vuông biển, đảo liên tục 24/24 giờ; đồng thời hàng chục trạm ra-đa quan sát ven bờ, trên các đảo và một mạng lưới thông tin viễn thông hiện đại được xây dựng.
Máy bay và tàu chiến thuộc Hạm đội 7 liên tục tuần tra truy tìm dấu vết Đoàn tàu không số. Ảnh tư liệu |
Tháng 9 năm 1965, P.Paul, Phó đô đốc Hạm đội 7 của Mỹ cùng tướng Westmoreland tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, quyết định tăng cường các biện pháp ngăn chặn tuyến chi viện bằng đường biển của ta. Theo đó, những máy bay thuộc Hạm đội 7 phụ trách việc cảnh giới ngoài khơi bằng hệ thống phát hiện điện tử suốt ngày, đêm, từ vĩ tuyến 17 đến vịnh Thái Lan. Các căn cứ không quân ở vịnh Cam Ranh và Vũng Tàu chịu trách nhiệm giám sát tất cả các cửa sông thuộc Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Hệ thống giám sát, tuần tra, ngăn chặn dày đặc như thế, nhưng Nguyễn Hữu Chí - Phó đô đốc Hải quân Sài Gòn vẫn hoài nghi và cay đắng thừa nhận: "Chiến hạm của Mỹ nhập cuộc rất đông, xem như vây kín duyên hải Việt Nam Cộng hòa. Thế nhưng, cộng sản Bắc Việt có chịu chùn bước xâm nhập không?”. (1)
Chỉ sau một thời gian ngắn, lực lượng Mỹ và ngụy trên biển đã được tăng cường thêm gấp nhiều lần, máy bay, ra-đa và các lực lượng quan sát khác hoạt động ngày, đêm nhưng chúng vẫn không sao ngăn chặn được các chuyến hàng chở đầy vũ khí của ta cập bến, nhiều tờ báo ở Mỹ khẳng định: “Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện, vượt xa hải quân Việt Nam Cộng hòa hai mươi năm. Họ có thể điều khiển tàu đi trong bất luận thời tiết nào, địa hình nào”.(2)
Sau bốn năm đọ sức với quân và dân ta, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ có nguy cơ bị phá sản. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mắc-na-ma-ra đã phải thú nhận: “Mỹ đã thất bại quân sự ở Việt Nam”. Tướng Oét-mô-len, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn thì cho rằng: “Nếu tình hình phát triển theo chiều hướng này, chính phủ Việt Nam cộng hòa (tức ngụy quyền) không thể tồn tại được trong vòng 6 tháng”. Mỹ cảm thấy đang “chơi con bài thua” ở Việt Nam, “…một tâm trạng chán nản vì chiến tranh và một sự tuyệt vọng ngày càng tăng đang bao trùm khắp Việt Nam, đặc biệt là các vùng thành thị”, vì “Việt cộng chiếm được nhiều quá, đến nỗi một lần nữa chúng ta (tức Mỹ) lại đứng trước nguy cơ nước này bị cắt làm đôi bởi một mũi dùi của Việt cộng thọc ra đến tận biển”.(3)
Sau một thời gian tạm ngừng hoạt động, Bộ tư lệnh Hải quân đã nghiên cứu và đề xuất phương thức vận chuyển mới là đi xa bờ bằng phương pháp hàng hải thiên văn. Với phương pháp này, có tàu phải đi qua đảo Hải Nam, Trung Quốc để đánh lạc hướng đối phương, hay đi vòng ra hải phận quốc tế, cũng có tàu phải vòng ra phía Ma Cao, sang Phi-líp-pin… rồi bất ngờ đột nhập vào các bến bãi ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Cùng thời gian này, đế quốc Mỹ tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm 116 để ngăn chặn mọi hoạt động của ta. Lực lượng của Mỹ hoạt động ở cửa sông, cửa rạch vùng châu thổ sông Cửu Long và đồng bằng Nam Bộ. Lực lượng đặc nhiệm 117 của ngụy sục sạo gắt gao khu vực tàu của ta thường ra, vào như: Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre…
Ở ngoài khơi, lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ được tăng cường tối đa. Nếu như những năm trước, nhiệm vụ chiến lược của lực lượng này là đối phó với Hạm đội Viễn Đông của Hải quân Liên Xô (cũ) và các hạm đội của Hải quân Trung Quốc, thì thời gian này chúng buộc phải dồn lực lượng vào khu vực Đông Nam Á mà chủ yếu là vùng biển Nam Việt Nam. 40% lực lượng của Hạm đội 7 được huy động vào nhiệm vụ “Ngăn chặn xâm nhập bằng đường biển” từ miền Bắc và miền Nam, tức ngăn chặn tuyến chi viện trên biển của ta. So sánh lực lượng trên biển giữa ta và địch hết sức chênh lệch. Một bên là gần một nửa Hạm đội 7 với không quân được huy động hỗ trợ tối đa và một bên là lực lượng tàu vận tải nhỏ của ta, trang bị vũ khí và phương tiện đi biển thô sơ.
(Còn nữa)
Trung tá, TS, Trương Mai Hương
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)
(1) Theo: Tài liệu của địch, Phông số 02, Hồ sơ 15, Lưu Trung tâm Thông Tin - TTXVN.
(2)Theo: Tài liệu của địch, Phông số 02, Hồ sơ 21, Lưu Trung tâm Thông Tin - TTXVN.
(3) Theo: Tài liệu của địch, Phông số 02, Hồ sơ 81, Lưu Trung tâm Thông Tin - TTXVN.
---Đường Hồ Chí Minh trên biển - nhìn từ phía bên kia (Kỳ 3)
--
Mặc dù địch tổ chức lực lượng ngăn chặn lớn như vậy, nhưng sau 9 tháng tạm ngừng vận chuyển, ngày 24-10-1965, chuyến tàu chở vũ khí cho miền Tây Nam Bộ của ta đã cập bến tại rạch Kiến Vàng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) an toàn. Thắng lợi của chuyến vận chuyển này đã khẳng định quyết tâm của ta tiếp tục chi viện cho miền Nam bằng đường biển là hoàn toàn đúng đắn. Kỳ tích ấy đã khiến Mỹ-ngụy hết sức ngạc nhiên: “Việt Cộng đã chở vũ khí vào Nam bằng đường biển là mạo hiểm, cuồng tín, không sao hiểu nổi”(1).
Đối phương trưng bày một số vũ khí thu được sau sự kiện Vũng Rô. Ảnh tư liệu |
Từ năm 1967, thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các lực lượng, trong đó có lực lượng vận tải bằng đường biển tập trung cao độ để đáp ứng yêu cầu vận chuyển phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968. Nhiều chuyến hàng được vận chuyển an toàn đến các bến ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, nhưng cũng có nhiều chuyến cán bộ, chiến sĩ ta phải chiến đấu quyết liệt với máy bay, tàu chiến địch, cuối cùng phải hủy tàu, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Điển hình như trận chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên Tàu 235 tháng 3-1968 tại Hòn Hèo, Khánh Hòa. Sau trận đánh này, đài Tự do của chính quyền Sài Gòn tường thuật: “…Các phi tuần, trực thăng, khu trục võ trang được gọi đến bắn phá. Lực lượng tăng viện đến thì cuộc lục soát bắt đầu. Một toán từ phía Bắc xuống, một nhóm từ dọc đồi phía Nam tiến lên khu vực Tân Định, một lực lượng khác gồm 4 tàu dàn hàng ngang tiến vào vịnh. HQ12, HQ617 tiếp tục bắn phá yểm trợ vào sườn núi, nhưng vì chỗ này có nhiều đá ngầm và san hô nên 4 tàu này đều bị cạn, binh lính đành phải xuống nước vào để hợp lực với lực lượng trên bờ”(2). Còn Tạp chí Lướt sóng của Hải quân ngụy viết: “Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng quân lực Việt Nam Cộng hòa có phi cơ yểm trợ, đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng (thực chất chỉ có 20 thủy thủ - T.G) gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập, tiếp tế cho Mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu vết...”(3). 20 cán bộ, chiến sĩ, chỉ còn 5 người sống sót trở về đơn vị, tiếp tục làm nhiệm vụ. Sự kiện Tàu 235 chỉ là một ví dụ về sự khốc liệt, khó khăn của công tác vận chuyển chi viện chiến trường trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Cuối năm 1968-1972
Đầu tháng 11-1968, sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, Bộ tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho Đoàn 125 tham gia chiến dịch vận chuyển mang tên VT5. Đến giữa năm 1969, chiến dịch VT5 kết thúc, các lực lượng vận chuyển đường biển của ta đã đưa được 325.000 tấn vũ khí, đạn dược, xăng dầu và các vật chất khác từ Hải Phòng vào nam Khu 4, tạo chân hàng cho tuyến chi viện chiến lược 559 chuyển tiếp tới các chiến trường. Những con tàu không số chở vũ khí vẫn ra, vào các bến miền Nam trong năm 1969 và 1970: “…Đêm 24-8-1969, sau 18 tháng vắng bóng, không lực Hoa Kỳ mới phát hiện một tàu xâm nhập tại vùng biển cách Đà Nẵng 300 hải lý. Có thể coi đây là một thời kỳ đối phương gia tăng vận chuyển bằng đường biển trở lại. Từ 24-8-1969 đến 23-12-1969 đã phát hiện 4 vụ, năm 1970 phát hiện 12 vụ, nhưng chỉ đánh chìm được một vụ vào rạng ngày 22-11-1970 ở Thạnh Phú (Bến Tre), còn các vụ khác, họ đã thoát. Có vụ ta kèm được 9, 10 ngày; có vụ chỉ kèm được một ngày thì mất mục tiêu…”(4).
Địch càng phong tỏa ác liệt, ta càng tìm nhiều phương kế để đưa hàng vào chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thời gian này, Mỹ-ngụy sử dụng lực lượng hải quân ngụy lên đến hơn 40.000 tên với 1.600 tàu, 16 trạm ra-đa cảnh giới, 16 căn cứ yểm trợ. Việc tuần tra trên sông, trên biển cũng lần lượt được giao cho hải quân ngụy đảm nhiệm. Trước mắt, Mỹ vẫn là lực lượng chủ yếu tuần tiễu, cảnh giới xa bờ, từ bắc Biển Đông xuống vùng đảo Na-tu-na và An-am-ba (thuộc Ma-lai-xi-a).
Mặc dù Mỹ và chính quyền Sài Gòn đưa ra nhiều phương án, nhiều biện pháp và giả thiết hòng xóa sổ tuyến chi viện bằng đường biển của ta nhưng đều thất bại. Nhiều nhà chiến lược quân sự sừng sỏ của Mỹ vẫn không thể giải thích nổi vì nguyên cớ gì, bằng chiến thuật, bằng kỹ thuật gì, bằng sự màu nhiệm nào mà những con tàu bé nhỏ của đối phương có thể vượt qua bão tố, biển cả, vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của một hạm đội hùng mạnh với kỹ thuật tối tân, trang bị hiện đại, gần như rào kín trên biển, để tới được các bến bờ miền Nam. Điều mà phía đối phương đã mất rất nhiều công sức và tiền bạc để lần tìm con đường trên biển của ta. Họ cho rằng: “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là một hiện tượng kỳ lạ, vượt qua cả sự tưởng tượng thông thường. Trong cuốn sách: “Một số quan điểm chiến lược để bảo vệ duyên hải Việt Nam Cộng hòa”, Phó đô đốc Hải quân ngụy Nguyễn Hữu Chí viết: “…Trên thực tế, đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển… Trên phương diện quân sự, Bắc Việt đã biết khai thác biển khơi một cách thực tiễn hơn ta (Mỹ-ngụy)… giá trị của Hải quân Bắc Việt đã nói lên trước dư luận quốc tế” và “Nhà nước Bắc Việt nếu sử dụng tàu tiếp vận theo đường lối đó, xét rằng không những có phần tin tưởng ở cấp cán bộ chuyên nghiệp của họ, mà điều họ tin tưởng mạnh mẽ hơn, chính là tỷ lệ nguy hiểm chấp nhận được thấp hơn tỷ lệ thành công thâm nhập. Có thể họ mới duy trì kế hoạch đưa súng đạn vào bằng đường biển…”(5).
Có thể khẳng định, con đường Hồ Chí Minh trên biển của ta đã được đối phương dày công tìm kiếm, hòng hủy diệt nhưng chúng không thể thắng nổi ta, con đường vẫn vươn ra biển, mang theo những con tàu chở đầy vũ khí trang bị cung cấp cho chiến trường miền Nam đánh to, thắng lớn.
(Hết)
Trung tá, TS Trương Mai Hương
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)
(1)Tập san quốc phòng ngụy, số 18, tr. 22. Tài liệu lưu tại Thư viện Quân đội.
(2) Theo: Tài liệu của địch, Phông số 02, Hồ sơ 25, lưu Trung tâm Thông tin- TTXVN.
(3) Theo: Tài liệu của địch, Phông số 02, Hồ sơ 25, lưu Trung tâm Thông tin - TTXVN.
(4) Dẫn theo: Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân (1961-2001), Nxb Quân đội nhân dân, H, 2001, tr. 194.
(5) Dẫn theo: Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân (1961- 2001), Nxb Quân đội nhân dân, H, 2001, tr. 206.-Đường Hồ Chí Minh trên biển - nhìn từ phía bên kia (Kỳ 4)