Nam Phương/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Vụ đàn áp tu viện Bát Nhã/Làng Mai ở tỉnh Lâm Ðồng năm 2009 được đoàn ngoại giao Mỹ theo dõi sát và thường xuyên đối thoại với phía Việt Nam về vụ này, công điện do Wikileaks tiết lộ ra cho thấy.
Tăng ni Bát Nhã tụng niệm sau khi bị đuổi ra khỏi chùa. (Hình tư liệu) |
Khoảng gần 400 tăng ni sinh và các nhà sư điều hành tu viện Bát Nhã, tu tập theo hệ phái Làng Mai, bị trục xuất ra khỏi tu viện. Sau một thời gian buộc giải tán tu viện Bát Nhã không có kết quả, theo bản tường trình của Tòa Ðại Sứ Mỹ, ngày 27 tháng 9, 2009 “Công an thường phục và đám đông địa phương cưỡng bách 150 tăng ni sinh ra khỏi liêu phòng, phá hủy tài sản vật dụng của họ.” Hai vị tăng sĩ cầm đầu tu viện bị đánh bất tỉnh. Ngày hôm sau, lại cưỡng bách nốt khoảng 230 tăng ni sinh còn lại và chở đến một ngôi chùa gần đó.
Cùng ngày 27 tháng 9, có cuộc họp giữa hai thứ trưởng ngoại giao Mỹ và Việt Nam. Trong cuộc họp này, Ðại Sứ Michael Michalak nêu vấn đề tăng sinh Làng Mai ở Bát Nhã. Cũng ngày này, tăng sinh liên lạc trực tiếp với Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ cho hay họ bị công an đeo mặt nạ tấn công bằng dùi cui.
Công điện ngày 29 tháng 9 viết:
“Tăng ni sinh tu tập theo pháp môn Làng Mai của Thiền Sư Nhất Hạnh đã gọi cho văn phòng tổng lãnh sự vào trưa ngày 27 tháng 9, báo tin rằng công an mặc thường phục nhưng đeo mặt nạ và dùi cui đã tấn công vào tu viện Bát Nhã. Những công an này hành động sát cánh với một đám ‘côn đồ’ địa phương mà các tăng ni sinh từng nhận diện được cho tới thời điểm hôm đó.”
“Ðám côn đồ đã cưỡng bức 150 tăng ni sinh ra ngoài sân, trong khi trời mưa lớn, rồi tiến hành phá phách tài sản của họ bên trong các liêu phòng, phá cửa sổ, đồ đạc, bàn ghế, giường chiếu và đổ nước lạnh nhằm phá hủy các thiết bị điện tử, kể cả điện thoại di động và máy điện toán cá nhân mà tăng ni sinh dùng để liên lạc với truyền thông báo chí, cũng như với dòng thiền mẹ bên Pháp là Làng Mai. Hai nguồn liên lạc của tổng lãnh sự cho biết trong cuộc tấn công này có 2 vị tăng sĩ bị đánh đến bất tỉnh.”
Hai vị tăng sĩ cầm đầu bị bắt đi. Bản công điện cho biết tiếp:
“Lúc công an bắt hai tăng sĩ niên trưởng, nhiều vị tăng sĩ khác đã cố gắng cứu giải, bằng cách nằm dài xuống đường đi ngăn chặn xe bắt người. Hai vị tăng nầy đã bị thẩm vấn cho đến khuya, sau đó bị áp giải về tư gia tại, một ở Nha Trang và một ở Hà Nội.”
Vị bị đưa về Nha Trang trực tiếp cho biết ông bị ép cung. Bản công điện trích lời ông này nói “Trong lúc bị thẩm vấn, công an cố tình ép cung ông tố cáo và thừa nhận Làng Mai đã dính líu tới ‘hoạt động chống chính quyền’. Sau khi ông bị công an áp giải về nhà, vị sư này còn cho biết, công an chụp hình ông và thân phụ của ông, hăm dọa rằng chỉ nên thờ Phật ở nhà và còn nói thêm, ông không nên ‘làm hại đến lý lịch trong sáng của mình,’ và ‘đừng để thân nhân gặp tình huống khó khăn.’”
Phúc trình dựa vào tin truyền thông quốc tế và nhân chứng nói khoảng từ 80 đến 150 tăng ni sinh bị nhà cầm quyền dùng xe buýt chở đi đâu không biết. Những người còn lại thì tới tá túc ở chùa Phước Huệ gần đó.
Chuyện đàn áp này xảy ra chỉ ít ngày trước khi Bộ Ngoại Giao công bố bản phúc trình hàng năm về tự do tôn giáo trên thế giới nên tòa đại sứ xin chỉ thị ứng đối.
Tòa đại sứ đề nghị cập nhật quan điểm về Việt Nam, nhấn mạnh “sự lo ngại sâu sắc về việc gia tăng sách nhiễu và bạo lực chống lại tín đồ và lãnh tụ các tôn giáo, gồm cả sử dụng công an thường phục và côn đồ tại chùa Bát Nhã”. Bản phúc trình tự do tôn giáo sau đó có đưa thêm chi tiết vụ Bát Nhã nhưng vẫn không đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC).
Bản công điện ngày 3 tháng 12 của tòa tổng lãnh sự tóm tắt 200 tăng ni sinh Làng Mai (tu viện Bát Nhã) còn lại tạm trú ở chùa Phước Huệ tiếp tục bị áp lực trục xuất trong khi công an giám sát chặt chẽ. Thân nhân của tăng ni sinh được đưa tới để thuyết phục con em trở về nhà nếu không chính họ cũng gặp khó khăn.
Theo phúc trình, 21 tăng ni sinh trú ẩn ở chùa Từ Ðức tỉnh Khánh Hòa cũng bị cưỡng bách trục xuất dù hòa thượng Thích Giác Viên cam kết bảo lãnh. 11 ni sinh trốn ở chùa Từ Hiếu, Huế.
Thượng tọa Thích Minh Nghĩa của chùa Toàn Giác ở Ðồng Nai và thượng tọa Thích Viên Thanh của chùa Vạn Hạnh, Ðà Lạt đứng ra bảo lãnh cho các tăng sinh Làng Mai nhưng ban chấp hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (do nhà nước hậu thuẫn) ra tối hậu thư đòi tăng ni sinh Làng Mai hạn chót là 30 tháng 11 phải chấm dứt “tụ tập bất hợp pháp” tại chùa Phước Huệ. Một số nhà ngoại giao đã gặp viên chức Bộ Ngoại Giao, Bộ Công An, Ủy Ban Tôn Giáo Chính Phủ để nêu các mối quan tâm.
Ủy Ban Tôn Giáo ấp úng
Công điện ngày 18 tháng 12 tiết lộ, một phái đoàn EU đã tới tận nơi để quan sát, người cầm đầu phái đoàn là bà Marie Louise Thaning, tham tán chính trị Tòa Ðại Sứ Thụy Ðiển. Bà Thaning nói “Bà rất bị sốc khi chứng kiến đám đông hỗn độn cắt ngang buổi tiếp xúc của phái đoàn Cộng Ðồng Âu Châu với viện chủ chùa Phước Huệ.”
Ðại diện Tòa Ðại Sứ Mỹ và phái đoàn EU đã có cuộc họp với các viên chức Hà Nội và ở Lâm Ðồng. Nhà cầm quyền nhất định đòi các tăng ni sinh của tu viện Bát Nhã phải giải tán dù bị khuyến cáo rằng cư xử vụng về sẽ làm mang tiếng nhà nước về nhân quyền.
Xe tải đi chợ của tăng ni chùa Bát Nhã bị ném đá bể kiếng ngay lúc về gần cổng chùa. (Hình: phusa.info) |
Ông Dược trích một bức thư của thiền sư gởi Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, được Làng Mai công bố trên mạng. Ông chỉ trích lời lẽ bức thư “đề nghị bãi bỏ Ủy Ban Tôn Giáo và công an, rằng Việt Nam nên bỏ chữ ‘Xã Hội Chủ Nghĩa’ trong quốc danh đi”.
Ông Dược cũng tố cáo trang mạng Phusa.info đã “đăng thông tin đầy tính ‘chống chính quyền Việt Nam’, mà ông cho là lỗi của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh”.
Rồi ông hỏi, tại sao không một tăng sĩ cao cấp nào của Bát Nhã/Làng Mai liên lạc với Ủy ban Tôn giáo để nhờ giải quyết. Tới đây, công điện viết tiếp:
“Tham tán chính trị lại hỏi rằng ông Dược có gọi cho giới chức thẩm quyền tỉnh Lâm Ðồng ngay khi đám côn đồ khởi sự tấn công tăng thân Làng Mai trong tháng 6 không? Hay ông có gọi cho Bộ Thông Tin Truyền Thông ngay khi cái loa tuyên truyền của Bộ Công An, là tờ Công An Nhân Dân, đăng tải nhiều bài báo đầy lời lẽ mạ lỵ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai không? Hay ông có gọi cho công an để tìm xem tại sao có nhiều nhân viên thường phục lại đi dính líu vào vụ bạo hành quấy phá các tu sĩ và xô đẩy trục xuất các vị này ra khỏi tu viện? Không cần phải ngạc nhiên, Dược không trả lời được.”
Bản công điện kết luận là tu sinh Làng Mai cuối cùng đã đành phải phân tán. Công điện nói sự cư xử kém cỏi của nhà cầm quyền, đàn áp người tu hành bằng côn đồ làm xấu thêm thành tích nhân quyền của nhà nước Việt Nam.
Bản công điện cuối cùng đề ngày 15 tháng 1, 2010 của tòa đại sứ tổng kết vụ đàn áp tu viện Bát Nhã. Kết luận của bản công điện này là nhà cầm quyền Hà Nội bị thiệt hại uy tín vì vụ đàn áp tu viện Bát Nhã.
Ðiều đáng để ý là tỉnh hội Phật Giáo Lâm Ðồng cũng như Phật tử địa phương muốn giúp đỡ tăng sinh Bát Nhã nhưng lại bị nhà câm quyền áp lực cấm giúp. Theo lời một nhà sư trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Lâm Ðồng, tỉnh hội này “đã gửi thỉnh nguyện thư lên chính phủ, Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Trung Ương Giáo Hội (Phật Giáo Việt Nam), cũng như các cấp thẩm quyền trong tỉnh Lâm Ðồng vào ngày 18 tháng 12, yêu cầu những ai quấy nhiễu, bạo hành các tăng ni sinh Làng Mai ở chùa Phước Huệ vào những ngày 10, 11 và 14 tháng 12 phải bị trừng trị”.
Vị thượng tọa này nói nhiều tăng sĩ ở Lâm Ðồng có thể bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (do nhà nước điều hành) nếu thỉnh nguyện thư bị làm ngơ.
––-
Liên lạc tác giả: NamPhuong@nguoi-viet.com
-Wikileaks: Ðàn áp tu viện Bát Nhã thành công, nhưng thiệt hại uy tín – (NV).
-----
Nỗi buồn cuả Lê Bá Đương
Đoàn Thanh Liêm
Lê Bá Đương trước năm 1975 làm việc trong ngành truyền thanh, cùng thời với nhà văn Trần Phong Vũ, nhà thơ Trần Dạ Từ, Vương Đức Lệ, nhà báo Vũ Ánh, Nguyễn Tuyển v.v... Sau khi chế độ miền Nam xụp đổ, cũng như bao nhiêu viên chức, sĩ quan khác Đương phải đi vào “ trại tù cải taọ”. Chừng 6-7 năm thì Đương đưởc thả về với gia đình tại khu Ngã Ba Ông Tạ.
Nhưng thật là xui xẻo: Đương đã bị tai nạn khi đi tắm tại bãi biển Phước Tỉnh gần Long Hải và chết đuối vào giữa năm 1986. Lúc qua đời, Đương mới có ngoài 50 tuổi. Là anh em bà con cô cậu và cùng quê, đồng lưá tuổi với Đương, nên tôi và Đương rất gắn bó thân thiết với nhau.
Vừa mới đây, nhân một anh bạn ở Saigon qua thăm con cháu bên Mỹ nói chuyện trao đổi với tôi về kỷ niệm với các bạn cùng quê xưa ở đất Bắc, tôi được biết thêm chi tiết về tâm sự cuả Lê Bá Đương. Và đó là lý do thúc đảy tôi phải viết bài này.
Trước hết, tôi phải nói ngay là Lê Bá Đương chẳng phải là một nhân vật quan trọng, một tài năng xuất chúng nào cả. Anh chỉ là một viên chức ngạch bậc trung trong ngành truyền thanh cuả chế độ Việt nam Cộng hoà. Ngoài chuyện đi làm, anh còn đi dậy học thêm về môn Văn và Sinh ngữ tại một vài trường trung học xung quanh Saigon. Nhưng điều đáng nói nhất nơi Đương là bất cứ ai quen biết với anh, thì phải nhận định rằng : “Lê Bá Đương là một người đàng hoàng, tử tế, lương thiện”. Và do đó mà điều anh nói, anh tâm sự thì đều có thể coi là “một chứng từ có thể tin cậy được”.
Câu chuyện có thể ghi lại ngắn gọn như sau : Vào đầu năm 1986, Đương cùng với một người anh tên là Lê Bá Đức đi về thăm bà con ở ngoài Bắc. Hai anh em đặc biệt muốn về thăm người chú ruột năm đó đã ngoài 80 tuổi, đó là vị Giám mục Giáo phận Bùi Chu tên là Lê Hữu Cung. Cả hai người đều có giấy phép đi đường hợp lệ, nhất là Đức lúc đó còn là một trưởng ấp tại Hóc môn. Khi vừa xuống nhà ga xe lưả thành phố Nam Định, thì hai anh em bị công an chặn lại, hỏi giấy tờ và đem vào trụ sở cật vấn khám xét hành lý. Họ giữ lại các thứ thuốc men mà bà con ở miền Nam gửi riêng cho Đức cha Cung đã bị nhiều bệnh hoạn vì già yếu lắm rồi. Công an giữ hai người lại suốt 2-3 ngày, bắt phải viết các lời khai để trả lời đủ mọi thứ câu hỏi với các chi tiết liên quan đến nhiều người trong gia đình ở miền Nam, mà chính Đương cũng chẳng làm sao mà biết rõ hết được. Nhiều lần công an đã doạ nạt Đương là “Anh chưa khai báo hết sự thực. Anh chưa có thành khẩn!” Rồi họ cũng cho hai người tiếp tục về quê ở huyện Xuân Thuỷ-Hải Hậu để thăm chị cuả Đương là cô Quế và các bà con khác.
Cùng với cô Quế hướng dẫn, hai anh em Đức-Đương đã đến Toà Giám mục Bùi chu để thăm ông chú là Đức cha Cung. Đến nơi, cả ba người phải vào trình diện đồn công an đặc trách riêng về Toà Giám mục và lại bị hạch sách cật vấn một lần nữa. Cô Quế vốn ở lại miền Bắc, nên đến thăm chú thường xuyên, mà chưa lần nào bị làm khó dễ như lần này. Sau cùng, thì cả ba anh em cũng gặp được người chú. Nhưng lại không được tự nhiên, thỏai mái như cuộc họp mặt gia đình bình thường giưã chú và các cháu.
Sau chừng một tháng về thăm quê hương sau trên 30 năm xa cách, hai anh em trở về miền Nam. Gặp lại tôi, Đương tâm sự : “Em về thăm bà con ở quê hương đất Bắc, nói chung thì bà con đều vui vẻ, đón tiếp rất thân tình. Phần đông thì đều nghèo khó, túng thiếu, nên chúng em cũng góp phần gửi quà cho mọi người trong thân tộc. Nhưng cái vụ bị công an hạch sách, cật vấn vì do sự liên hệ với Đức cha làm cho chuyến đi này đâm ra mất hết hứng thú. Bố chúng em mất từ lâu rồi, bây giờ chỉ còn lại có một mình ông chú là chỗ dựa tinh thần cho cả dòng họ, mà cụ lại già yếu rồi. Cho nên chúng em thật lòng muốn tới săn sóc thăm viếng và an ủi ông cụ. Chứ nào có tình ý gì khác, ngòai cái việc làm tròn bổn phận chữ Hiếu, vì “Chú cũng như Cha”. Và em thật là buồn vì đến lúc này, chiến tranh đã chấm dứt trên 10 năm rồi, mà sự nghi kỵ hận thù vẫn còn chồng chất đến như vậy! Cứ cái não trạng lạc hậu như thế này, thì làm sao mà đất nước, dân tộc mình lại có thể tiến bộ văn minh cho được?”
Đương còn cho tôi biết là : “Anh coi đó : Cả tỉnh Hà Nam Ninh (gồm ba tỉnh Hà nam, Nam định và Ninh bình được sáp nhập lại sau năm 1975) với trên 3 triệu dân, mà vị Giám đốc công an tỉnh cũng chỉ là một sĩ quan cấp bậc Trung tá. Ấy thế mà vị Trưởng toán công an cạnh Toà Giám mục Bùi chu gồm cỡ 10-15 nhân viên thôi, thì cũng mang cấp bậc Trung tá. Điều này chứng tỏ nhà nước họ vẫn còn đặt nặng việc kiềm chế, theo dõi bám sát giới lãnh đạo công giáo, dù là ở nơi miền quê đồng chua nước mặn vốn quanh năm nghèo túng thiếu thốn, mà người dân hầu hết đều là ít được học hành như tại giáo phận Bùi chu này.”
Tôi vẫn nhớ Đương không có dài dòng kể lể gì nhiều với tôi về chuyến đi thăm quê hương dịp đó. Cũng như không bao giờ Đương than phiền về chuyện phải " ở tù cải tạo" suốt 6-7 năm sau khi chế độ miền Nam xụp đổ. Nhưng cái tâm sự buồn chán vì phải chứng kiến tận mắt cái cảnh công an theo dõi, canh chừng bám sát vị Giám mục là chú ruột cuả mình, đến độ mà cả hai anh em Đức và Đương đã trở thành nạn nhân cuả sự lục soát, cật vấn đến mấy ngày liền tại đồn công an thành phố Nam Định như đã ghi ở trên, thì tôi rất là thông cảm chia sẻ với Đương.
Lý do là chính bản thân tôi vào các năm 1982-83 sau vụ anh Đinh Thế Vinh một giáo sư dậy môn Lý Hóa và nhà văn Huy Trâm bị bắt, thì tôi cũng bị công an tôn giáo tra hỏi cật vấn liên tục trong nhiều buổi “làm việc” với họ tại trụ sở, cũng như tại mấy quán café vắng vẻ trong thành phố. Người trực tiếp phụ trách về chuyện của tôi là anh cán bộ trẻ tuổi có tên là Hai Tá. Anh này là cán bộ công an tôn giáo ở Sở Công an thành phố Saigon, anh ta bắt tôi phải viết đủ thứ bài “kiểm điểm thu hoạch” về những liên hệ đến các giới chức linh mục, tu sĩ của Giáo hội Công giáo tại Saigon, vì hồi xưa tôi sinh họat trong Nhóm sinh viên Công giáo và cả Phong trào Trí thức Công giáo Pax Romana. Và khá nhiều bạn hữu khác của tôi trong giới công giáo họat động xã hội trước năm 1975, cụ thể như Vũ Sinh Hiên, thì cũng đều bị công an “hỏi thăm sức khỏe” liên tục đều đều, có khi còn nhiều hơn tôi nữa.
Sau đó không bao lâu, thì chính Đương lại bị tai nạn mà chết. Và năm 2009 này, sau 23 năm kể từ ngày Đương mất đi, người bạn thân thiết mới từ Saigon qua kể lại thêm chi tiết về chuyện cuả Đương, gợi lại cho tôi nhớ rõ đến cái tâm sự buồn bã đến chán chường cuả Đương sau chuyến về thăm bà con, thân nhân vào năm 1986 đó.
Như đã ghi ở trên, người anh em bà con cô cậu với tôi chẳng phải là một nhân vật xuất chúng gì để tôi phải đề cao ca tụng về công lao sự nghiệp cống hiến cho xã hội, cho đất nước chi chi cả. Mà tôi chỉ kể lại cái chứng từ đáng tin cậy cuả một con người tử tế lương thiện như Lê Bá Đương, mà các bạn bè đồng nghiệp với anh trong ngành truyền thanh cũng như nơi trường học trước năm 1975 đều biết rõ và quý mến yêu chuộng. Cái chứng từ đó rất đơn giản là : Chính quyền cộng sản vẫn rất nghi kỵ và kiềm chế gắt gao đối với giới lãnh đạo tôn giáo, dù là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài hay Hoà hảo.
Ngay vưà mới đây thôi, chỉ trong hai tháng 6,7 năm 2009 này, qua hai vụ bạo hành nặng tay cuả bọn côn đồ do công an nhà nước xúi giục tổ chức đối với tăng sinh tại Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng, cũng như đối với giáo dân và tu sĩ tại Tam Toà Đồng Hới, thì rõ ràng là chính quyền cộng sản chưa hề thay đổi gì về chính sách triệt hạ đàn áp thâm độc đối với tôn giáo. Họ có để cho có một chút “tự do thờ phượng” (freedom of worship) cho các tín đồ được đi lễ ở chùa, ở nhà thờ, cốt ý để trình diễn xoa diụ với bên ngoài, chứ đó không phải thực chất là tự do hành đạo, chưa phải đích thực là tự do tôn giáo. Và chính đó là sự cố tình gây chia rẽ trong đại khối dân tộc, cũng như làm phá hoại ngay tận nền móng của cơ sở luân lý đạo đức trong truyền thống văn hoá tâm linh ngàn đời cuả xã hội Việt Nam chúng ta.
Tôi xin kết thúc bài viết về “Nỗi buồn cuả Lê Bá Đương” này bằng một câu thật ngắn như sau:
“Than ôi! Người vẫn chẳng tin Người!!”
California Ngày Rằm Tháng Bảy Năm Kỷ sửu 2009
Đoàn Thanh Liêm