Việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có nhiều vấn đề bất cập, gây bức xúc trong dư luận được nhìn nhận là 1 trong 8 hạn chế của Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng.
Sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng kết dự án này của Chính phủ, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai.
Tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, hiện tổng diện tích đất cho nhà đầu tư nước ngoài thuê để trực tiếp trồng rừng là 288.974,3ha với giá bình quân khoảng 180.000 đồng/ha.
Đây là mức giá được cơ quan thẩm tra đánh giá là “quá thấp”, trong khi người dân địa phương vẫn có nhu cầu nhận đất để trồng rừng. Một số địa phương còn có tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên cả những diện tích đất rừng đã giao cho hộ gia đình quản lý.
Những bất cập trong việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng đã từng là chủ đề nóng trong thảo luận và chất vấn tại diễn đàn Quốc hội khóa 12.
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2010, Chính phủ cho biết, tính từ khi dự án trồng rừng đầu tiên được cấp phép vào năm 1995 đến ngày 10/8/2010, cả nước hiện có 8 dự án có mục tiêu đầu tư trồng rừng có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cấp giấy phép đầu tư (hoặc giấy chứng nhận đầu tư) với tổng vốn đầu tư là 286.090.000 USD.
Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng của các dự án này là 288.974,3ha, trong đó diện tích đã được cấp là 18.571 ha, diện tích đã đưa vào sử dụng là 15.268ha…
Như vậy, theo con số tại báo cáo thẩm tra thì diện tích cho nhà đầu tư nước ngoài thuê không tăng thêm sau 1 năm qua. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ không đề cập những bất cập trong việc cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng đã được xử lý như thế nào.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện băn khoăn, báo cáo thẩm tra cho rằng việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài gây bức xúc trong dư luận, vậy tại sao báo cáo của Chính phủ lại “chả nói gì đến vấn đề này”?
Tại báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành dự án, đặc biệt là công tác quy hoạch, giao đất giao rừng, phương thức huy động nguồn vốn thực hiện dự án cũng như việc tiếp thu giải quyết kiến nghị giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cử tri cả nước.
Thường trực cơ quan thẩm tra cũng kiến nghị Chính phủ bên cạnh bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, ổn định quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, cần có giải pháp hợp lý đối với những diện tích rừng đã cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng sản xuất để đảm bảo quyền lợi của người dân địa phương.
-Giá đất lâm nghiệp cho nước ngoài thuê: Quá thấp!
Việc phá rừng luôn là nội dung được phản ánh tại diễn đàn Quốc hội.
13 năm qua, bao nhiêu ha rừng bị phá?
13 năm qua, bao nhiêu ha rừng bị phá, trách nhiệm tại ai, tại sao không thấy đề cập những bức xúc về việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng...?
Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra ngay sau khi báo cáo kết quả thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được trình bày tại phiên họp sáng 11/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thông qua tại kỳ họp thứ 2 (tháng 2/1997) Quốc hội khóa 10, một trong ba mục tiêu của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là đưa tỷ lệ che phủ rừng lên trên 40% diện tích của cả nước.
Một số chỉ tiêu cụ thể được nêu tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện dự án là đến 2010 trồng 2 triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, 3 triệu ha rừng sản xuất. Tổng dự toán vốn đầu tư của dự án là 14.653 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Chính phủ, kết quả thực hiện dự án đã cơ bản đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ che phủ rừng đã đạt 39,5%.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp chưa yên tâm với đánh giá này, khi hình ảnh dễ nhận thấy dọc các tuyến biên giới là: chỗ nào xanh tốt là rừng bên phía nước bạn, còn phía ta hầu hết là rừng "rỗng ruột".
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, không có cơ sở nào để bảo rằng các con số tại báo cáo của Chính phủ là không đúng, nhưng “những nơi đi qua chỉ thấy rừng mất, nên rất hoài nghi về con số rừng tự nhiên”.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, theo kết quả khảo sát toàn bộ tuyến biên giới thì diện tích rừng đặc dụng và tự nhiên đang bị thu hẹp. Đến mức, có nơi đi hàng trăm km chỉ có một vài cánh rừng.
“Nếu đi trực thăng ở biên giới Việt - Lào thì chỗ có rừng là đất Lào, không có rừng là đất Việt Nam”, ông Khoa nói.
Song, một điều đáng nói hơn, theo ông Khoa, là nhiều khuyến cáo, kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ khóa 11 đến nay hầu như không có chuyển biến gì. Như về các biện pháp hữu hiệu để ngăn cháy rừng, phá rừng…
Hay, nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gỗ vẫn nhập đến 80% thì đã đạt mục tiêu tạo vùng nguyên liệu gắn với sự phát triển của công nghiệp chế biến lâm sản như nghị quyết của Quốc hội chưa?
Mục tiêu thứ ba của dự án là tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho dân cư, theo ông Khoa, cũng chưa có chuyển biến gì lớn. Người dân biên giới chưa thể sống bằng rừng, còn từ Tây Nguyên đến Việt Bắc, người dân muốn sống phải chặt rừng để làm nương, ông Khoa nói.
Liên quan đến vấn đề bức xúc được chỉ ra tại báo cáo thẩm tra về bất cập trong việc cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện và một số ý kiến khác đề nghị cần báo cáo rõ hơn với Quốc hội, còn như báo cáo hiện tại thì chưa đề cập gì.
Các hạn chế trong việc thực hiện dự án, theo nhiều ý kiến, là còn khá mờ nhạt, chưa rõ trách nhiệm, trong khi việc phá rừng luôn là nội dung được phản ánh tại diễn đàn Quốc hội.
Cũng liên quan đến diện tích rừng bị mất, về câu hỏi của Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn rằng trong 13 năm qua có bao nhiêu ha rừng bị phá, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Khoa cho biết, giai đoạn 2006 -2010, con số này là 19.380 ha và khoảng 100.000 mét khối gỗ.
Còn tại báo cáo, diện tích mất rừng do các hành vi vi phạm lâm luật được đánh giá có xu hướng "giảm nhiều", năm 1998 là 18.377 ha, 2005 là 13.942 ha và 2010 là 7.415 ha.
- Ngừng cấp phép dự án trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài
- 8 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng nộp ngân sách 24,65 tỷ đồng
- Cho thuê đất trồng rừng: Bộ không báo cáo sai
- Cho nước ngoài thuê đất trồng rừng: “Quan điểm của tôi là không!”
- 8 doanh nghiệp nước ngoài đã được cấp phép thuê đất trồng rừng