Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

BÀI NÓI CHUYỆN CỦA STEVE JOBS Ở LỄ MÃN KHÓA Ở TRƯỜNG ĐH STANFORD NĂM 2005

-Hôm nay, tôi được vinh dự đến tham dự ngày lễ tốt nghiệp của các bạn ở một trong những trường đại học nổi tiếng nhất trên thế giới. Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học. Nói thật, đây là dịp tôi đến được gần nhất với buổi "tốt nghiệp đại học" trong cả đời mình. Hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn nghe ba câu chuyện của cuộc đời tôi. Chỉ vậy thôi! Không có gì là to lớn cả. Chỉ ba câu chuyện.


Câu chuyện thứ nhất là sự kết hợp được các yếu tố.
Tôi bỏ học khỏi trường đại học Reed sau sáu tháng đầu, nhưng vẫn quanh quẩn ở lại trường như một sinh viên tự do thêm khoảng 18 tháng nữa trước khi tôi thật sự bỏ luôn. Vậy lý do gì khiến tôi bỏ học?
Nguồn gốc sự việc này bắt đầu ngay từ khi tôi được sinh ra. Người mẹ sinh ra tôi là một sinh viên trẻ không hôn thú, bà quyết định đem tôi cho người khác như một đứa con nuôi. Mẹ tôi rất mong rằng tôi phải được nhận nuôi bởi những người đã tốt nghiệp đại học, do đó mọi việc đã được hoạch định để tôi được nhận nuôi bởi một vị luật sư và vợ ông ấy. Tuy nhiên, vào phút cuối khi tôi lọt lòng, vợ chồng này quyết định rằng họ thật sự chỉ muốn nhận nuôi một đứa con gái. Vì thế cha mẹ nuôi hiện tại của tôi, lúc ấy đang ở trong danh sách "chờ đợi", vào nửa đêm đã nhận được một cú điện thoại hỏi rằng, "Chúng tôi có một bé trai vừa sinh ra ngoài ý muốn, ông bà có muốn nhận nuôi nó không?". Cha mẹ nuôi của tôi nói "Dĩ nhiên!" Sau này mẹ ruột của tôi mới khám phá ra rằng, mẹ nuôi của tôi không tốt nghiệp đại học và người cha nuôi còn chưa tốt nghiệp cả bậc trung học. Mẹ tôi từ chối không chịu ký giấy cho. Vài tháng sau, mẹ tôi chỉ đồng ý khi cha mẹ nuôi của tôi hứa rằng họ sẽ cho tôi vào đại học khi tôi trưởng thành.
Và 17 năm sau, tôi đã có vào được bậc đại học. Nhưng tôi đã dại dột chọn một trường đại học có tiền học phí mắc mỏ gần như trường Standford, tất cả tiền dành dụm của ba mẹ nuôi tôi, thuộc thành phần lao động bình dân, đã phải chi dùng vào việc đóng học phí cho tôi. Sau 6 tháng, tôi không thể thấy được giá trị của sự hy sinh này. Vào lúc đó, tôi không biết một chút ý tưởng về việc mình sẽ muốn làm gì và tôi cũng không biết được việc học đại học sẽ giúp ích gì cho mình trong việc khám phá ra điều mà mình muốn làm. Trong khi đó, tôi đang xài tất cả số tiền mà cha mẹ nuôi của tôi đã dành dụm cả đời. Vì vậy tôi quyết định bỏ học và tin tưởng rằng cuối cùng mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp. Quả thật, tình hình lúc đó thật đáng sợ, nhưng nhìn lại thì đó là một trong những quyết định tốt nhất mà tôi đã làm. Ngay sau khi bỏ học, tôi đã có thể ngưng không lấy những lớp học "bắt buộc" mà tôi không thích và bắt đầu theo học những lớp mà tôi cảm thấy thú vị.
Tất cả chẳng phải là chuyện lãng mạn đâu. Tôi đã không có được một phòng nội trú, vì vậy tôi phải ngủ trên nền nhà phòng bạn bè, tôi đi nhặt những chai lọ nước ngọt đem trả lại để lấy 5 xu mà mua thức ăn, và mỗi tối chủ nhật tôi đã đi bộ 7 dặm đường xuyên qua hết thành phố để có thể có được một bữa ăn tối ngon mỗi tuần ở đền Hare Krishna. Tôi yêu những trải nghiệm này. Và tất cả những vấp ngã, khó khăn trong thời gian này vì theo đuổi sự tò mò và trực giác của mình đã trở nên các kinh nghiệm vô cùng quí giá về sau này. Tôi xin kể ra một ví dụ như sau:
Vào lúc đó, trường ĐH Reed có một lớp hướng dẫn thư pháp có thể nói là tốt nhất nước Mỹ. Khắp khuôn viên trường, tất cả những bích chương, những ký hiệu trên các hộc bàn tủ, đều được viết bằng tay với thư pháp đẹp đẽ. Nhờ bỏ học và không phải lấy những lớp bình thường, tôi đã quyết định theo lớp thư pháp để học cách tạo ra họa chữ. Tôi đã học về những kiểu chữ thường, chữ không có chân, về các thay đổi khoảng cách giữa những phối hợp chữ khác nhau và điều gì tạo cho bản chữ đẹp trở nên tuyệt vời. Môn học này là một sự tinh tế có tính thẩm mỹ, lịch sử và nghệ thuật trong một phương diện mà khoa học không thể nắm bắt được, và tôi cảm thấy môn học này thật quyến rũ.
Không một điều gì trong những điều này thậm chí mang lại được một niềm hy vọng đến việc áp dụng được vào thực tế cuộc sống của tôi. Nhưng 10 năm sau đó, tất cả những kiến thức ấy đã quay trở lại giúp tôi, khi chúng tôi thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên. Và chúng tôi đã thiết kế các mẫu thư pháp này trong chiếc máy tính Mac. Đó là chiếc máy tính đầu tiên có những kiểu chữ đẹp đẽ. Nếu tôi chưa từng theo học môn thư pháp này, thì máy tính Mac đã không có nhiều kiểu chữ và các font chữ với khoảng cách tương ứng vừa vặn. Và do máy tính với hệ điều hành Windows chỉ bát chước từ máy Mac, có nghĩa là đã không có máy tính cá nhân nào có các được mẫu chữ như thế. Nếu tôi đã không bỏ học, thì tôi đã không bao giờ lấy lớp học về thư pháp và máy tính cá nhân có thể đã không có được các kiểu chữ tuyệt vời như chúng đang có hiện nay. Dĩ nhiên, không ai có thể nối kết được hệ quả của việc học môn thư pháp với việc áp dụng trong tương lai khi tôi còn ở trong đại học. Nhưng việc kết nối hệ quả của việc ứng dụng môn thư pháp này đã trở nên rất rõ ràng khi nhìn lại mười năm sau đó.
Một lần nữa, bạn không thể kết hợp được những yếu tố bằng cách nhìn về phía trước, bạn chỉ có thể nối kết chúng khi nhìn lại vào quá khứ. Vì vậy, các bạn phải tin tưởng rằng các yếu tố sẽ kết hợp được với nhau bằng cách nào đó trong tương lai của các bạn. Bạn phải tin tưởng một điều gì đó - nghị lực bản thân, vận mạng, cuộc sống, nghiệp hay là bất cứ cái gì đó. Lối tiếp cận này chưa từng khiến tôi thất vọng và đã tạo cho tôi những thành công trong cuộc sống của mình.
Câu chuyện thứ hai của tôi về tình yêu và mất mát.
Tôi là người may mắn - Tôi đã sớm tìm được điều tôi thích làm trong đời. Woz và tôi thành lập công ty Apple trong nhà xe của cha mẹ tôi khi tôi 20 tuổi. Chúng tôi đã làm việc cật lực, và trong 10 năm công ty Apple đã phát triển từ hai người ở trong một nhà để xe thành một công ty với doanh thu 2 tỷ dollar với trên 4000 nhân viên. Chúng tôi vừa phát hành sản phẩm tốt nhất -- máy tính Macintosh -- chỉ một năm trước đó, khi tôi chỉ vừa 30 tuổi. Và rồi tôi đã bị đuổi việc. Làm thế nào mà bạn có thể bị sa thải từ một công ty mà bạn từng giúp gầy dựng nên? Thế đấy, khi Apple phát triển, chúng tôi mướn một người mà tôi nghĩ rằng rất tài giỏi để điều hành công ty cùng với tôi, và năm đầu tiên mọi việc tiến triển tốt đẹp. Nhưng sau đó, tầm nhìn vào tương lai của chúng tôi bắt đầu đi theo những hướng khác nhau và cuối cùng quan hệ giữa chúng tôi đã hoàn toàn đổ vỡ. Khi điều đó xảy ra, Hội Đồng Quản Trị chọn người kia. Và vậy là ở tuổi 30, tôi đã bị cho ra rìa! Một cuộc cho ra rìa khá công khai đình đám. Công ty Apple, nơi mà tôi đã tập trung tinh thần xây dựng trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình đã bị mất, và điều này là một sự khủng khiếp.
Trong vài tháng trời, tôi tôi thật sự không biết phải làm gì. Tôi cảm thấy rằng mình đã khiến thế hệ doanh nhân trước thất vọng -- rằng tôi đã làm rớt ngọn đuốc được truyền đến tay mình. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce để cố gắng xin lỗi vì gây ra những lỗi lầm khá tệ hại. Tôi đã thất bại rất rõ ràng, và tôi đã nghĩ đến chuyện chạy trốn khỏi thành phố Thung Lũng Hoa Vàng (Bay Area). Nhưng sau đó, một ý tưởng mới từ từ xuất hiện trong tôi -- tôi vẫn yêu thích công việc mình đã làm. Những biến cố ở Apple không hề thay đổi niềm yêu thích của tôi. Tôi đã bị chối bỏ, nhưng tôi vẫn yêu công việc của mình. Và do đó, tôi quyết định xây dựng lại từ đầu.
Vào thời điểm đó tôi không thấy được điều này, nhưng hóa ra việc tôi bị sa thải khỏi Apple là điều tốt nhất đã xảy ra đối với bản thân mình. Áp lực nặng nề của sự thành công đã được thay thế bởi cảm giác nhẹ nhàng của một người trở lại từ điểm khởi đầu, ít chắc chắn về bất cứ việc gì. Điều này đã giải phóng tôi để bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất của đời mình.
Trong 5 năm sau đó, tôi thành lập công ty NeXT, một công ty nữa tên là Pixar, và yêu một người phụ nữ tuyệt vời mà sau này đã trở thành vợ tôi. Pixar trở thành công ty đầu tiên trên thế giới thực hiện phim hoạt hình với họa đồ được vẽ hoàn toàn bằng máy vi tính, Toy Story, và hiện nay là một trong những hãng làm phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới. Trong một bước ngoặt đầy thú vị, Apple mua công ty NeXT, tôi trở lại làm việc cho Apple, và những kỹ thuật mà chúng tôi từng phát triển ở công ty NeXT giờ trở thành những yếu tố cốt lõi cho sự hồi sinh của Apple. Đồng thời, Laurene và tôi đã tạo lập ra một gia đình hạnh phúc.
Tôi chắc rằng những chuyện này đã không thể xảy ra nếu lúc đó tôi không bị sa thải khỏi Apple. Nó là một liều thuốc đắng kinh khủng, nhưng tôi nghĩ rằng người bệnh cần liều thuốc đó. Đôi khi, cuộc đời đem đến cho bạn những tai nạn bất ngờ như một viên gạch ném vào đầu bạn. Nhưng đừng mất niềm tin. Tôi hoàn toàn tin rằng điều duy nhất đã thúc đẩy tôi tiếp tục con đường mình đi là vì tôi yêu thích những công việc tôi đã làm. Bạn phải tìm cho được điều mà mình yêu thích. Và điều ấy đúng với công việc và cả với những người tình của các bạn. Công việc sẽ chiếm một khoảng thời gian lớn trong cuộc đời bạn, và cách duy nhất để luôn thật sự cảm thấy thỏa mãn là làm công việc mà bạn tin nó có ý nghĩa lớn. Và cách duy nhất để bạn có thể thực hiện công việc tuyệt vời là bạn phải yêu thích việc mình làm. Nếu chưa tìm thấy công việc mình yêu thích, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng miễn cưỡng chấp nhận. Cũng giống như tất cả những gì liên quan đến tình cảm của con tim, bạn sẽ biết được khi mình tìm thấy. Và giống như bất cứ mối quan hệ đẹp đẽ nào, sự yêu thích công việc sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn. Vì vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm cho đến khi bạn tìm thấy. Đừng miễn cưỡng chấp nhận.
Câu chuyện thứ ba của tôi là về cái chết.
Khi 17 tuổi, tôi đọc một câu trích dẫn có đại ý như sau: "Nếu bạn sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của đời bạn, thì một ngày nào đó trong tương lai điều ấy sẻ trở nên gần như chắc chắn là như thế." Câu trích này đã gây cho tôi một ấn tượng, và từ đó cho đến 33 năm sau, mỗi buổi sáng tôi đã nhìn vào gương và tự hỏi mình rằng "Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời tôi, thì liệu tôi có muốn làm những gì tôi sắp làm cho ngày hôm nay hay không?" Nếu câu trả lời là "Không" trong nhiều ngày liên tiếp, tôi biết rằng mình phải thay đổi điều gì đó.
Luôn nhớ rằng mình sẽ chết trong một ngày không xa là một công cụ quan trọng nhất mà tôi từng sở hữu đã giúp tôi đi đến những lựa chọn quan trọng trong cuộc đời. Bởi vì hầu như tất cả mọi thứ -- những kỳ vọng từ bên ngoài, tự hào, sợ hãi sự xấu hổ hay thất bại -- những điều này sẽ biến mất trước trực diện của cái chết, chỉ còn lại những điều thực sự quan trọng. Luôn nhớ rằng mình sẽ phải chết là phương cách tốt nhất mà tôi từng biết để giúp tôi tránh được cái bẫy của việc nghĩa rằng có một điều gì đó để mất. Bạn đã chẳng có gì rồi. Không còn lý do gì khiến bạn không theo tiếng gọi của con tim mình.
Khoảng một năm trước tôi bị chẩn đoán với căn bệnh ung thư. Tôi đã được rọi phim vào lúc 7:30 sáng, cho thấy có một khối u khá rõ ràng trong lá lách. Lúc đó, tôi còn không biết "lá lách" là bộ phận gì trong cơ thể. Các bác sĩ nói với tôi rằng đây là loại ung thư gần như chắc chắn là không thể chữa trị và tôi sẻ chỉ sống được thêm được từ 3 đến 6 tháng nữa mà thôi. Bác sĩ khuyên tôi về nhà để sắp xếp tất cả mọi công việc, một cách nói riêng của bác sĩ rằng hãy chuẩn bị để chết. Điều đó có nghĩa là hãy nói với con của bạn tất cả những gì mà bạn từng nghĩ rằng sẽ nói với chúng trong 10 năm tới nhưng giờ phải gói gém lại trong vòng vài tháng. Có nghĩa là phải chuẩn bị mọi thứ đâu đó đàng hoàng để gia đình cảm thấy nhẹ nhàng nhất lúc bạn ra đi. Có nghĩa là hãy nói những lời vĩnh biệt của mình.
Tôi đã sống với lời chẩn đoán đó suốt ngày. Vào buổi tối cùng ngày tôi được lấy mẫu thử của khối ung thư, khi đó họ nhét một ống nội soi vào cuống họng, xuyên qua bao tử, xuống đến đường ruột, chích một mũi tiêm vào lá lách và lấy ra một ít tế bào từ khối u. Tôi đã được gây mê, nhưng lúc ấy có vợ tôi ở bên cạnh, sau kể lại với tôi rằng, khi quan sát các tế bào dưới kính hiển vi các bác sĩ đã khóc vì chứng ung thư hóa ra là một loại ung thư tụy rất hiếm có thể chữa trị được bằng phẫu thuật. Tôi đã được giải phẫu và hiện tại đang khỏe mạnh.
Đó là lần gần nhất mà tôi đã đối diện với cái chết, và tôi hy vọng đó sẽ là lần gần nhất của tôi trong vòng vài thập niên nữa. Đã trải qua kinh nghiệm này, tôi có thể nói điều này với các bạn với một sự xác quyết lớn hơn là khi "Chết" chỉ là một khái niệm hữu dụng nhưng hoàn toàn mang tính lý thuyết:
Không ai muốn chết cả. Ngay cả những người muốn lên Thiên Đàng cũng không muốn phải chết để đến được nơi đó. Nhưng sự chết là nơi chốn mà tất cả chúng ta cùng san sẻ. Chưa một ai từng thoát khỏi. Và điều này phải nên là như thế, bởi vì Sự Chết dường như là phát minh tuyệt vời duy nhất của Sự Sống. Nó là Tác Nhân Thay Đổi của Sự Sống. Nó tẩy sạch những gì cũ kỹ để dọn đường cho cái mới. Ngay bây giờ, cái mới là các bạn, nhưng một ngày nào đó không xa, các bạn sẽ từ từ trở nên già nua và sẽ bị xoá đi. Xin lỗi vì nói điều này nghe bi đát, nhưng đó là sự thật.
Thời gian của các bạn có giới hạn, vì thế ĐỪNG PHÍ CUỘC ĐỜI CỦA BẠN ĐỂ SỐNG CHO NGƯỜI KHÁC. ĐỪNG HOANG PHÍ CUỘC ĐỜI CỦA CÁC BẠN TRONG CÁI BẪY CỦA GIÁO ĐIỀU -- nghĩa là sống trong những hệ quả suy nghĩ của kẻ khác. Đừng để tiếng ồn ào của ý kiến kẻ khác lấn át tiếng gọi từ nội tâm các bạn. Và điều quan trọng nhất là, hãy dũng cảm đi theo tiếng gọi của trái tim và trực giác của bản thân mình. Bằng cách nào đó, tâm hồn và trực giác đã biết trước những gì bạn muốn trở thành trong tương lai. Tất cả những điều khác chỉ là thứ yếu.
Lúc tôi còn trẻ, có một ấn phẩm tuyệt vời mang tên The Whole Earth Catalog, vốn là một trong những cuốn kinh thánh cho thế hệ chúng tôi. Ấn phẩm này đã được tạo ra bởi một anh chàng tên Steward Brand sống ở thành phố Menlo Park gần đây, và anh ta đã đem ấn phẩm này vào đời với văn phong thi vị của mình. Đó là vào những năm cuối của thập niên 1960s, trước khi máy tính cá nhân và chế bản bằng vi tính xuất hiện, vì vậy ấn phẩm được làm bằng máy đánh chữ, kéo cắt và máy chụp hình Polaroid. Ấn phẩm này giống như Google trong hình thức của cuốn sách in, 35 năm trước khi Google xuất hiện: chúng tràn đầy những lý tưởng và những công cụ và khái niệm tuyệt vời.
Steward và những đồng nghiệp đã phát hành một vài ấn bản The Whole Earth Catalog và khi nó đã hoàn thành nhiệm vụ, họ tạo ra ấn bản cuối cùng. Lúc đó là vào giữa thập niên 1970s, khi đó tôi ở vào cỡ tuổi như các bạn bây giờ. Trên bìa sau của ấn phẩm cuối cùng có một tấm hình với cảnh một đường vùng quê vào buổi sáng sớm, một khung cảnh mà các bạn có thể tìm thấy trong một buổi cuốc bộ, nếu bạn thích kiểu du lịch phiêu lưu mạo hiểm. Phía dưới tấm hình là hàng chữ "Hãy khát khao. Hãy dại khờ". Đó là lời nhắn tạm biệt khi họ ngừng xuất bản.
Hãy khát khao. Hãy dại khờ. Tôi đã luôn mong mỏi điều này cho bản thân mình. Giờ đây, khi các bạn sắp tốt nghiệp để bắt đầu một cuộc hành trình mới, tôi chúc các bạn điều ấy.
Hãy Khát khao. Hãy dại khờ.
Cám ơn tất cả các bạn.
Steve Jobs

BÀI NÓI CHUYỆN CỦA STEVE JOBS Ở LỄ MÃN KHÓA Ở TRƯỜNG ĐH STANFORD NĂM 2005



Đừng phung phí thì giờ để sống cuộc sống của người khác. Đừng trói buộc mình bằng những giáo điều. Đừng để tiếng động của ý kiến người khác làm chìm tiếng động của trái tim mình
Là người giàu nhất trong nghĩa địa chẳng có ý nghĩa gì với tôi … Với tôi, điều quan trọng là mỗi đêm lên nằm giường và nói chúng ta đã làm một điều gì đó kỳ diệu trong ngày. (Being the richest man in the cemetery doesn’t matter to me … Going to bed at night saying we’ve done something wonderful… that’s what matters to me.)
Công việc của tôi không phải là dễ dãi với người khác, mà là làm cho họ tốt hơn (My job is to not be easy on people. My job is to make them better).
Bạn không thể hỏi khách hàng họ muốn gì rồi cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ. Đến khi bạn làm xong thì họ đòi hỏi cái mới khác (You can’t just ask customers what they want and then try to give that to them. By the time you get it built, they’ll want something new).
Thiết kế không có nghĩa là thẩm mỹ và cảm nhận như thế nào, mà là nó vận hành như thế nào (Design is not just what it looks like and feels like. Design is how it works).
Sáng kiến phân biệt giữa người lãnh đạo và kẻ theo theo gót chân người khác (Innovation distinguishes between a leader and a follower).
Chất lượng quan trọng hơn số lượng (Quality is more important than quantity).
Text of the Commencement address delivered by Steve Jobs
Video : Steve Jobs’ 2005 Stanford Commencement Address

Tổng số lượt xem trang