Bia di tích Tàu không số ở Vũng Rô với lời cảnh báo “Cấm xâm phạm”. Ảnh: www.phuot.com |
Những pho sử sống bị “đánh cắp”
Không phải ngẫu nhiên mà có những dòng chữ này. Xác Tàu không số 143 gắn với sự kiện Vũng Rô bi tráng năm 1965. Tàu chìm ở độ sâu 20m và cách bờ 8m thuộc bãi Chùa, nằm trong cụm di tích Vũng Rô đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1997. Ấy vậy mà năm 2003, Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã phát hiện và bắt giữ một nhóm người ngang nhiên lặn xuống biển, cưa xẻ xác con tàu để lấy sắt vụn mang bán. Số lượng sắt họ lấy khoảng 350kg. Hành vi phá hoại di tích lịch sử ấy sau đó đã bị xử lý nghiêm minh, nhưng con tàu - di tích vô giá thì không còn nguyên vẹn.
Những di tích Tàu không số nằm lại chiến trường như ở Vũng Rô, sau 50 năm, giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà...
Di tích Tàu 235 của Anh hùng Nguyễn Phan Vinh gắn với trận chiến oai hùng ở Hòn Hèo (Khánh Hòa) năm 1968, ta cho hủy tàu, nửa con tàu chìm xuống biển, nửa con tàu văng lên núi. Hòa bình, xác nửa con tàu 235 trên núi Bà Nam đã bị những người buôn sắt vụn lấy trộm. Về sau, công an có truy tìm, thu hồi nhưng cũng chỉ gom lại được một phần.
Tàu 69, con tàu chở thành công 8 chuyến vũ khí vào Nam. Chuyến cuối cùng lúc ra Bắc vào rạng sáng ngày 1-1-1967, tàu đã chạm trán và chiến đấu kiên cường với 5 tàu địch tại Vàm Lũng, Cà Mau, sau đó thoát hiểm vào rừng đước, mang trên mình 121 vết đạn. Suốt 8 năm trong rừng, những người lính đã phải vừa đánh địch truy tìm tàu vừa bảo dưỡng, di dời, ngụy trang bảo vệ con tàu. Vậy mà hòa bình, suốt mấy chục năm, con tàu đã bị quên lãng. Cách đây chừng 10 năm, anh Phan Hải Hồ, “La Văn Cầu của Tàu không số 69” lặn lội từ Nam Định vào Vàm Lũng tìm Tàu 69. Anh bắt vỏ lãi vào tới nơi thì thấy xác tàu đã chìm gần hết, chỉ còn cái cột ăng-ten như một cánh tay nhoai lên chấp chới. Ông Bảy Cứng, nguyên cựu chiến binh Tàu không số sống tại Cà Mau lúc đó cũng từng chua xót nói: “Biển lẹm vào, tàu chìm xuống, chẳng ai lo kéo nó lên. Mà không chìm, cũng bị gỡ bán sắt vụn. Con tàu gần như chẳng có ai ngó ngàng tới...”. Lời cảnh báo đau lòng của ông Bảy Cứng sau đã thành hiện thực. Hiện nay, Tàu 69 đã chìm ở vùng biển rạch Xẻo Già...
Cần bảo tồn một cách thiết thực
Tháng 8-2011 vừa qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh đã phát hiện một tàu sắt chứa vũ khí quân sự chìm dưới đáy biển, ở độ sâu 16m, cách phao số 0 khoảng 7 hải lý về phía đông nam biển Trà Vinh. Trong khoang tàu chứa nhiều vũ khí đã bị gỉ sét. Theo Ban liên lạc cựu chiến binh Tàu không số, đây có thể chính là một con Tàu không số bị địch bao vây và chìm dưới đáy biển. Nếu đúng vậy thì đây là di tích Tàu không số duy nhất còn nguyên vẹn cả tàu và vũ khí tính đến ngày nay. Vậy mà đến nay, việc khai quật, trục vớt con tàu vẫn chưa thể thực hiện vì lý do... chưa có chỉ đạo của trên và cũng chưa có kinh phí. Trong khi đó, nỗi lo con tàu này có thể bị những người dân làm nghề lặn mò sắt vụn “xẻ thịt” hoàn toàn có thể xảy ra.
Bia tưởng niệm Tàu không số 235 ở Hòn Hèo (Khánh Hòa).Ảnh: Phan Tiến Dũng |
Không chỉ những “ngựa chiến” bỏ mình nơi biển sâu bị lãng quên mà ngay cả những con tàu còn lại sau chiến tranh cũng chưa được quan tâm gìn giữ. Được biết, sau khi hòa bình, rất nhiều Tàu không số được bàn giao cho các đơn vị, tiếp tục tham gia vận tải quân sự. Thế nhưng, đến nay, hầu hết số tàu ấy không còn lưu giữ được. Theo các cựu chiến binh Tàu không số, hiện chỉ còn một con tàu do Học viện Hải quân quản lý vẫn đang hoạt động và một tàu mang số hiệu HQ671 do Hải đội 384 Cục Hậu cần Hải quân quản lý. Tàu HQ671 chính là Tàu không số 41 của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh năm xưa. Tàu từng hai lần được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân và đến nay vẫn tham gia vận tải quân sự, xây dựng biển, đảo. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Hải đội 384 cho biết: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển năm nay, ban đầu Tàu 671 dự kiến sẽ được kéo về Bến K15 trưng bày nhưng do chi phí khơi thông luồng lạch quá lớn, dự kiến hết khoảng hơn 8 tỷ đồng nên phương án cuối cùng được xác định: Tàu 671 sẽ được đưa về Bảo tàng Hải quân, Bộ Quốc phòng sẽ đầu tư xây dựng cầu tàu để con tàu nằm lại tại bảo tàng, trở thành “pho sử sống” tiêu biểu cho Tàu không số. Mặc dù đây là phương án tương đối hợp lý nhưng không ít cựu chiến binh vẫn tỏ ra nuối tiếc. Đại tá Trần Văn Hiếu, cựu chiến binh Tàu không số cho biết, nếu được phép thực hiện, các ông có thể đưa Tàu 671 ra Bến K15 chỉ mất hai ngày với chi phí không đến tiền tỷ. Nhiều cựu chiến binh khác thì nuối tiếc vì Tàu HQ671 chỉ là “thế hệ sau”, mong muốn tìm kiếm, trưng bày một con tàu không số nguyên bản, “bằng xương bằng thịt” như con tàu chìm ở Trà Vinh vẫn tốt hơn.
Điều đáng buồn là giữa lúc những “pho sử sống”, những con tàu sáng chói chiến công còn chưa được bảo tồn tốt thì ở đây đó, người ta lại đề xuất những dự án xây dựng nhà bia, công viên tưởng niệm Tàu không số vô cùng lãng phí, thiếu thiết thực như dự án “Công viên nghĩa trang - Đường Hồ Chí Minh trên biển” ở Bến Tre có tổng đầu tư lên tới hơn 1.500 tỷ đồng, trên diện tích hơn 600ha. Theo bản giới thiệu dự án đăng trên một trang web thì nó dàn trải, bao gồm cả những hạng mục chẳng ăn nhập gì như: Làng Habana, Làng Venezuela, Làng thế giới...
Chúng ta đã có lỗi với lịch sử, đã lãng quên và thiếu trách nhiệm trong việc giữ gìn di sản Tàu không số. Còn nhớ, liên quan đến di tích cầu cảng K15, Đại tướng Lê Trọng Tấn, khi còn là Phó tổng Tham mưu trưởng từng căn dặn: “Đây là chiếc cầu tàu quan trọng, là dấu ấn của lịch sử. Sau khi chiến tranh kết thúc phải bảo vệ để con cháu rõ được chúng ta đã có một con đường như thế nào”. Thế mà, có lúc, khi cho đối tác đầu tư dự án casino, người ta đã quên di tích này, khiến dầm cầu bị phá và ngay cả các cựu chiến binh muốn vào thăm di tích cũng không được. Phải mất một thời gian dài sai sót này mới được khắc phục, cho đến khi có đài tưởng niệm Bến K15 như ngày nay. Thật day dứt khi ngày 20-9-2011 vừa qua, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 5 tập thể Tàu không số, trong đó có 2 tàu 235 và 69 đang phải chịu “thân phận” đáng buồn như đã nêu trong bài này.
Đã đến lúc cần phải có một cái nhìn tổng thể hơn, có những hành động thiết thực hơn, rõ ràng hơn về việc bảo tồn các di tích Tàu không số trước khi tất cả trở nên quá muộn!
NGUYỄN VĂN MINH
Bảo tồn hiện vật Tàu không số
Hành động trước khi quá muộn!--
- Học trên biển Đông và chuyện ở Hà Nội (TP). – Chấn hưng môn sử, hướng tới biển Đông (TTVH). – Chi tiền tỷ dựng kịch vì tình yêu Trường Sa (VTC).
Nghệ thuật hát Ca trù ở Phú Thọ có nguy cơ biến mất
(Tamnhin.net) - Phú Thọ là một trong 15 địa phương duy nhất của cả nước có nghệ thuật hát ca trù, nhưng hiện nay loại hình nghệ thuật này đang bị mai một, có nguy cơ biến mất khỏi cộng đồng dân cư.