Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Hiểm họa ngoại bang và bản lĩnh lãnh đạo

Biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội-Thái Văn Cầu gửi cho BBC từ California, Hoa Kỳ


Người dân Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông
Trong “Thư Ngỏ” của 36 trí thức ở nước ngoài gửi lãnh đạo Việt Nam ngày 21/8/2011 có đoạn: “Sau chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, nguồn tư liệu do Nhà nước bạch hóa về quan hệ Việt-Trung cho thấy mối quan hệ giữa hai nước không tốt đẹp như nhiều người lầm tưởng.”[1]
Nếu không có chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, dù nguồn tư liệu độc lập có đề cập đến [2], nhân dân Việt Nam khó thể biết được bản chất nghiêm trọng đằng sau mối quan hệ được ví như “môi răng” trong một thời gian dài, điển hình như: “… phản bội Việt Nam ở Hội nghị Geneva năm 1954, ngăn cản Việt Nam thương lượng với Mỹ năm 1968, dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974, phát động chiến tranh biên giới năm 1979, dùng vũ lực đánh chiếm một phần Trường Sa năm 1988.”[3]

Sau một giai đoạn băng giá trong quan hệ giữa hai nước, vào tháng 11/1991, lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc hội đàm và ra Thông cáo chung, trong có đoạn:“Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện, trên cơ sở 5 nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hoà bình.”[4]
Bất cứ ai quan tâm đến an nguy và tương lai Việt Nam không thể không tự hỏi, phải chăng lãnh đạo Trung Quốc từ năm 1991 cho đến ngày nay có một chính sách khác biệt với người tiền nhiệm?
Thực tế cho câu trả lời rất rõ ràng: Lời nói và hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam, trước sau như một, có sai lệch 180 độ!
Kể từ khi bình thường hoá quan hệ, bắt đầu vào cuối năm 1991, Trung Quốc tiến hành “từng bước lũng đoạn kinh tế, thu vét tài nguyên, thực hiện mưu đồ đồng hoá, xâm phạm chủ quyền và đối xử tàn bạo đối với ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.”[5]
Với chính sách nhất quán, Trung Quốc không ngần ngại sử dụng mưu đồ thâm độc và toan tính tinh vi, như đã thực hiện trong giai đoạn 1949-1979.[6]
Để đối phó, lãnh đạo Việt Nam cần bản lĩnh cao trong giao tiếp với ngoại bang nhằm bảo vệ hữu hiệu quyền lợi đất nước.

Xem lại quan hệ

Thực tế cho thấy có một bộ phận trong giới lãnh đạo không thể hiện điều kiện tối cần thiết này; có những vấn đề trong hơn 20 năm nay đòi hỏi một quá trình “xét lại toàn bộ quan hệ Việt-Trung và chỉnh sửa những quyết định sai lầm trước đây khiến Việt Nam mất cân bằng, lệ thuộc vào mối quan hệ này trên các lãnh vực khác nhau.”[7]
Dưới đây là hai trường hợp cụ thể:
1. Thu vét tài nguyên:
Trong hai năm liền, 2009-2010, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức công khai và mạnh dạn kêu gọi ngưng dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên do các hiểm họa tiềm ẩn trong dự án và sự không thuyết phục trong nghiên cứu khả thi.
Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên
Các dự án bô-xít vẫn được tiến hành dù có phản đối
Nhà nước Việt Nam vẫn quyết định tiến hành dự án.
Nguyên do chính đến từ một cam kết trong Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc cuối năm 2001: “Nhân dịp này, hai bên đã ký Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi và Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; và nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô-xít nhôm Đắc Nông.”[8]
Qua cam kết trên, Trung Quốc đạt được mục đích thu vét tài nguyên của Việt Nam bất chấp mọi hiểm họa đe dọa Việt Nam trong nhiều lãnh vực quan trọng: môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng, bản sắc khu vực, và yếu tố kinh tế.
Lãnh đạo Việt Nam năm 2001 đồng ý với đòi hỏi của Trung Quốc bất chấp khuyến cáo trước đấy của Liên Xô và khối Đông Âu không nên khai thác bô-xít ở Tây Nguyên [9] và bất chấp sự thiếu vắng nghiên cứu cần thiết trước khi có cam kết trong Thông cáo chung.
2. Xâm phạm chủ quyền:
Sau cuộc đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng giữa hai nước cuối tháng 8 năm 2011, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam tuyên bố:
“Một thực tế hiển nhiên là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam, và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền.”[10]
Cái gọi là “cam kết” của Trung Quốc trong tuyên bố của lãnh đạo Bộ Quốc phòng hoàn toàn đi ngược lại với chứng cứ lịch sử.
Trong vòng 40 năm qua, Trung Quốc không từ bỏ một cơ hội nào để lấy đất, lấy biển, bất kể diện tích lớn bé, của Việt Nam: Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988, Bản Giốc, Nam Quan, qua Hiệp ước Biên giới năm 1999, v.v.
Lãnh đạo Việt Nam, trong quá khứ, đã nhiều lần lên tiếng tố cáo với cộng đồng quốc tế tham vọng bành trướng của Trung Quốc, và độ chính xác của những tố cáo này đã được kiểm chứng qua nguồn tư liệu độc lập, nên không ai có thể tin tưởng vào cam kết đã bị lịch sử phủ nhận tính chất nghiêm túc của nó.

Quan điểm của Việt Nam

Trước đòi hỏi lãnh hải ngang ngược và hành động vô lối của Trung Quốc trên Biển Đông, cơ quan truyền thông đưa tin Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ viếng thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 11-15/10/2011.
Hơn bao giờ hết, lãnh đạo Việt Nam cần xem lại các bài học trong quan hệ Việt Trung; hơn bao giờ hết, nhân dân Việt Nam đòi hỏi lãnh đạo thể hiện bản lĩnh cao, để xứng đáng với hy sinh xương máu của bao thế hệ cha ông và đáp ứng mong đợi của mọi người trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Lãnh đạo Việt Nam từng tuyên bố, “Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng” hay “… vấn đề chủ quyền biển đảo với bất cứ quốc gia nào cũng thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nước to, nhỏ cũng đều có nhận thức như vậy.”[11]
Vì thế, vị thế của Việt Nam trong tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa -Biển Đông cần phản ánh rõ rệt các điểm sau:
  1. Về Hoàng Sa: Dù Trung Quốc có thái độ không hợp tác trong giải quyết tranh chấp, do hậu thuẫn mạnh mẽ cho Việt Nam trên cơ sở luật pháp quốc tế và chứng cứ lịch sử, Việt Nam cần một mặt tiếp tục thúc đẩy vấn đề Hoàng Sa với Trung Quốc, mặt kháctranh thủ sớm đưa vấn đề Hoàng Sa ra dư luận và toà án quốc tế.
Ý tưởng để các thế hệ tương lai giải quyết tranh chấp Hoàng Sa mang tính đầu hàng, trốn tránh trách nhiệm. Có lẽ nào đối phó với kẻ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” khó khăn hơn, phức tạp hơn là đương đầu với những tên “thực dân”, “đế quốc” sừng sỏ nhất thế giới ? [12]
  1. Về Trường Sa: Nỗ lực đa phương hoá, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và chứng cứ lịch sử, mà Việt Nam đang tiến hành là giải pháp tốt đẹp nhất và cần sự ủng hộ của nhiều nước liên quan.
  1. Về Biển Đông: Do tính chất phi lý trong đòi hỏi “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nỗ lực tranh thủ các nước liên quan nhằm vô hiệu hoá đòi hỏi “đường lưỡi bò” mà Việt Nam đang tiến hành là giải pháp tốt đẹp nhất.
Trong “Tuyên cáo” của 95 nhân sĩ và trí thức trong nước làm ngày 25/6/2011 có đoạn: “Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Vì vậy bên cạnh biện pháp chính trị, quân sự và ngoại giao, biện pháp đấu tranh hiệu quả nhất vẫn là phải dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc, của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước ở trong nước cũng như ở ngoài nước nhằm chống lại những hành động ngang ngược gây hấn, xâm lấn của nhà cầm quyền Trung Quốc, bảo vệ nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam mà bao đời ông cha đã gầy dựng, gìn giữ.”[13]
Cùng với thế giới, Việt Nam đang chứng kiến những đổi thay nhanh chóng trong xã hội do sức lớn mạnh của cuộc cách mạng tin học: Thống kê mới nhất cho thấy hơn 30 triệu người Việt Nam sử dụng internet.[14]
Sự yếu kém trong bản lĩnh của một bộ phận lãnh đạo qua hai trường hợp nêu trên không những có khả năng dẫn đến hệ quả tai hại lâu dài cho Việt Nam mà còn khiến nhân dân cả nước, qua mạng lưới thông tin đa dạng, đa nguồn, đánh mất niềm tin vào hiệu năng của lãnh đạo.
Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc năm 2011 là cơ hội hy hữu cho lãnh đạo Việt Nam chứng tỏ họ là người có bản lĩnh trong giao tiếp với ngoại bang và chứng tỏ họ là người luôn luôn đặt quyền lợi nhân dân và đất nước trên hết.
Thực hiện được điều này đồng thời giúp lãnh đạo Việt Nam phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để “bảo vệ nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam mà bao đời ông cha đã gầy dựng, gìn giữ.”
Bằng không, như Nguyễn Trãi, hơn 500 năm trước, viết, “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” hay như Hồ Chí Minh từng nói, “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”.
Khi sử dụng facebook, twitter, internet, v.v., ngày càng phổ biến trong trào lưu tiến bộ chung của khoa học kỹ thuật, không một thế lực nào, dù hung hãn, mạnh bạo đến đâu, có thể mãi mãi ngăn chận lời Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh trở thành hiện thực.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một chuyên gia về khoa học không gian, hiện đang sống tại bang California, Hoa Kỳ.

Phụ chú:
1. http://www.viet-studies.info/kinhte/ThuNgo_gui_LanhDaoVN_210811.pdf
2. Xem Francois Joyaux, “La Chine et le reglement du premier conflit d'Indochine (Geneve 1954)”, 1979, Nayan Chanda, “Brother Enemy”, 1986, hay Qiang Zhai, "China and the Vietnam Wars, 1950-1975", 2000.
3. “Thư Ngỏ”
4. http://biengioilanhtho.gov.vn/vie/thongcaochungvietnam--nd-cf5d2b43.aspx
5. “Thư Ngỏ”
6. Xem Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN, “Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc 30 năm qua”, hay “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc”, 1979
http://hoangsa.org/forum/downloads.php?do=file&id=167
7. “Thư Ngỏ”
8. http://viet.vietnamembassy.us/tintuc/story.php?d=20011203000335&print=yes
9. http://www.viet-studies.info/kinhte/Thu_VNGiap_NTDung.pdf
10. http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/08/viet-nam-khong-bao-gio-nhuong-bo-ve-chu-quyen/
11. http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/371469/Khong-de-bat-cu-ai-xam-lan-bo-coi.html
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/07/chu-quyen-bien-dao-la-bat-kha-xam-pham/
12. http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/The-gioi/97860/quotvi7879t-nam--trung-hoa-v7915a-la-2737891ng-chi-v7915a-la-anh-em-!quot.htm
13. http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/06/ban-tuyen-cao-ac-biet-cua-gioi-nhan-si.html
14. http://www.baomoi.com/Nguoi-su-dung-Internet-Viet-Nam-vuot-nguong-31-trieu/76/6730571.epi

Hiểm họa ngoại bang và bản lĩnh lãnh đạo
----------------



Chuyến thăm Trung Quốc nhiều ý nghĩa của Tổng bí thư (VNN). -  Hình ảnh lễ đón Tổng bí thư trên báo Trung Quốc (VNN/THX).  - Báo chí Ấn Độ với chuyến thăm của Chủ tịch nước (TTXVN).  – Dư luận quan tâm các chuyến thăm Trung, Ấn của lãnh đạo Việt Nam (DT).
–  South China Sea dispute in focus again (SCMP).
- Biển thay đổi: Sea Change (Foreign Policy). Đối đáp thú vị giữa ông Ted Galen Carpenter và Robert Kaplan liên quan đến bài viết của ông Kaplan: Biển Đông – Tương lai của Xung đột.



Bộ trưởng Trần Đại Quang tiếp Đoàn đại biểu Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc(CAND). 



-  Old Enemies, New Friends (The Diplomat). Bài liên quan đến vụ Trung tuớng Võ Tiến Trung, khuyên Mỹ nên học bài học từ cuộc chiến VN rằng gây hấn là không hợp pháp (VOA).



Su-35 hay F-35 sẽ tăng cường sức mạnh cho không quân Việt Nam (PN Today).
Nhật bàn an ninh biển với 3 nước ASEAN (TN).- Tàu Hải quân Hoàng gia Australia giúp Việt Nam kinh nghiệm rà phá thủy lôi(ĐĐK).



‘Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới’ đến Hà Nội (VNE).

Thủ tướng Đức với cuộc gặp tình cờ ở Văn Miếu (VNN).  – Việt – Đức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lượcLần đầu “ý dân” chiến thắng ở Miến Điện – (RFA).


- Hợp đồng mua bán vũ khí Mỹ – Đài Loan có những bài học cho các nước khác ở châu Á: Taiwan-US arms deal has lessons for others in Asia‎ (The Nation).

Putin wins investment deals in China DPA --- Putin thăm TQ, hành trang không chỉ có năng lượng (VNN).  – Putin và chuyến đi định hình quan hệ Nga – Trung (VNE).- Mỹ – Nga phát sinh mâu thuẫn mới về NMD (VOV). - Nga trang bị tên lửa chiến lược mới cho tàu ngầm hạt nhân (Petrotimes).
Ấn Độ triển khai xe tăng tới khu vực biên giới giáp Pakistan, Trung Quốc(DVT/Hindustan Times).

Tổng số lượt xem trang