Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Lũ lụt: người chết, giá gạo sẽ tăng?

Lũ sông Cửu Long lên nhanh và cao hơn nhiều năm-Lũ lụt đang ảnh hưởng cuộc sống hàng chục nghìn người dân ở ĐBSCL

Cho đến ngày 3/10 lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đã giết chết 11 người và nhấn chìm trên 20.000 căn nhà.
Khoảng 5.000 ha lúa đã bị mất trắng trong khi nước lũ đang đe dọa tiếp gần 100.000 ha nữa, theo số liệu của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc OCHA.
Tổng cộng bảy tỉnh trong vùng đã bị ảnh hưởng, bao gồm An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Đây là các tỉnh trồng lúa chính của Đồng bằng sông Cửu Long, vốn là vựa lúa sản xuất hơn một nửa sản lượng gạo của cả nước.
Nước thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu đã bắt đầu dâng lên từ đầu tháng 9, tức là sớm hơn và cao hơn so với mùa lũ hàng năm.
Điều bất thường là lũ năm nay lên nhanh trong khi năm trước cả đồng bằng hầu như không có lũ thường niên và phải đối phó với tình trạng hạn hán và nước biển xâm nhập vào nội đồng.

Mưa to bất thường

Theo lời các chuyên gia thì mưa lớn trên khắp bán đảo Đông Đương và áp lực nước lớn ở thượng nguồn là nguyên nhân gây lũ lụt ở hạ nguồn sông Mekong.
“Mực nước trên thượng nguồn đã bắt đầu giảm nhưng ở đây lại tăng từ ba đến năm cm mỗi ngày,” ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nói.
GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại học Tân Tạo tỉnh Long An, giải thích một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ lớn năm nay là mưa lớn bất thường ở Thái Lan và Lào. Lượng nước khổng lổ đó xuôi về hạ lưu gây ra lũ ở Việt Nam.
Vào cuối tháng 9, một đập nước trên một chi lưu của sông Mekong ở Lào đã phải xả nước ra ngoài khi mực nước trong đập đã dâng quá cao, theo tường thuật của nhật báo tiếng Anh Vientiane Times của Lào.
Tại tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất là An Giang, hàng ngàn binh sĩ ̣đã được triển khai để gia cố các con đê và sơ tán dân đến các vùng đất cao.
“Lũ lụt năm nay lớn hơn so với dự báo của chúng tôi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp [của tỉnh],” ông Vương Hữu Tiến thuộc cơ quan phòng chống lụt bão tỉnh An Giang nói.
Còn ở tỉnh Đồng Tháp, chỉ tính riêng thiệt hại mùa màng đã lên đến 2,7 triệu đô la, theo số liệu đưa trên nhật báo tiếng Anh Việt Nam News.
“Lũ lụt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của nông dân địa phương, nhất là tình trạng thiếu nước ngọt và điện,” ông Vũ Tiến Quang thuộc Hội nông dân của tỉnh cho biết.
Hiện nay những người dân vùng lũ đang cần thực phẩm, chỗ ở, thuốc men, áo phao và nhân lực để gia cố các con đê.
Chính phủ Việt Nam hiện đang theo dõi chặt chẽ mực nước sông Mekong và đã đưa hàng cứu trợ, thiết bị, tiền bạc và điều thêm người đến vùng lũ để đối phó.
Cuối tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định cấp 170 tỉ đồng cho các tỉnh vùng lũ.
Cho đến nay, chính phủ Việt Nam vẫn chưa yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp đỡ, OCHA cho biết.
Tổ chức nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF và các tổ chức phi chính phủ đối tác đang tiến hành đánh giá nhanh tình hình thiệt hại ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những kết quả ban đầu cho thấy các tỉnh ảnh hưởng đang cần trợ giúp về y tế và vệ sinh.
Đại diện của Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ đối tác sẽ tham vấn Chính phủ Việt Nam để quyết định trong một vài ngày tới là liệu có yêu cầu OCHA trợ giúp tài chính hay không.

Giá gạo sẽ tăng?

Nông dân thu hoạch lúa
Giá gạo được dự đoán sẽ tăng do thiệt hại mùa màng
Ngoài Việt Nam, hiện Thái Lan, Lào và Cambodia đang chống chọi với tình trạng lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Tình trạng lũ lụt do mưa bão và mưa gió mùa hàng năm ở các nước này là tồi tệ nhất trong vòng 50 năm qua, theo các chuyên gia dự báo thời tiết.
Lũ lụt đã tàn phá những vùng sản xuất lúa rộng lớn ở khu vực được coi là vựa lúa của Châu Á và thế giới và đe dọa sẽ đẩy giá gạo tăng cao.
Nếu tính luôn cả bốn nước, thì hiện đã có đến 1,5 triệu ha lúa đã bị thiệt hại hoặc có nguy cơ bị nước lũ nhấn chìm, theo giới chức các nước.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, 237 người đã chết trong lũ và khoảng 1/10 diện tích canh tác lúa đã bị hư hại, giới chức nước này cho biết.
Chính phủ hoàng gia Thái Lan đã phản ứng rất mạnh mẽ với thiên tai. Họ đã điều quân đội, cảnh sát đến giúp đỡ vùng lũ trong khi Hội Chữ Thập đỏ Thái Lan đang chuyển hàng cứu trợ đến các gia đình bị ảnh hưởng.
Còn tại Cambodia, 160 người đã chết và hơn 330.000 ha lúa đã bị ngập. Trong đó, 100.000 ha mất trắng, theo Ngin Chhay, một quan chức cấp cao của Bộ nông nghiệp nước này.
Ông Chhay nói nhiều khả năng sản lượng gạo năm nay của nước ông, vốn ước tính đạt khoảng ba triệu tấn, sẽ sụt giảm rất nhiều.
Hiện tại có đến 14 trong tổng số 24 tỉnh của Cambodia đã bị nước lũ ảnh hưởng, nặng nhất là các tỉnh Prey Veng, Kandal, Kampong Cham và Kampong Thom.
Tại tỉnh Kampong Thom, 44.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa. Các chuyên gia dự đoán mực nước đang lên nhanh của sông Mekong sẽ tràn đến thủ đô Phnom Penh trong những ngày tới.
Lào cũng bị ảnh hưởng của bão lũ với 23 người chết và 60.000 ha lúa bị hư hại cho đến nay, theo truyền thông nhà nước của nước này.
“Cả khu vực giờ đây sẽ gánh chịu giá lương thực tăng cao khi mùa màng đã bị lũ lụt tàn phá. Thiệt hại trong năm nay là rất nghiêm trọng và phải mất một thời gian người dân bị ảnh hưởng mới có thể trở lại cuộc sống bình thường,” bà Margareta Wahlstrom, người đứng đầu cơ quan giảm nhẹ thiên tai của Liên Hiệp Quốc, cho biết trong một thông cáo báo chí.
Các chuyên gia dự đoán cơn bão nhiệt đới Nalgae vốn đổ bộ vào Việt Nam hôm thứ Tư ngày 5/10 sẽ gây thêm mưa to và lũ lụt trên khắp khu vực.

Lũ lụt: người chết, giá gạo sẽ tăng?

-----------

Các hồ chứa quá tràn, có khả năng xảy ra lũ

(TNO) Ngày 6.10, Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão) cho biết, hiện các hồ chứa tại miền Trung và Tây Nguyên đã đầy và liên tục xả lũ điều tiết.


Thủy điện Sông Ba tăng lưu lượng xả lũ

(TNO) Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Phú Yên, lúc 13 giờ chiều 6.10, Thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ và vận hành với lưu lượng 1.700m3/giây nên mực nước trên sông Ba tại trạm Củng Sơn là 30,21m, trên báo động I là 0,71m; tại trạm Phú Lâm là 1,25m, dưới báo động I là 0,45m.

Tổng số lượt xem trang