Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Lúa mất trắng rồi, biết sống sao đây? >< XK gạo “được mùa” lớn

-Hai Kim

clip_image002
Lúa chìm, nhà ngập biết sống sao đây?
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long độc canh cây lúa, mất lúa là mất tất cả, mất lúa là mất trắng, mất lúa là đời sống sẽ lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu.
Lúa mất trắng rồi, biết sống sao đây? Đó là câu hỏi đang dằn vặt ngày đêm những nông dân mà ruộng lúa của mình đã chìm sâu trong làn nước bạc.


Hôm bể đê bờ Nam kinh Cả Mũi, tôi tìm gặp bác Phạm Văn Ổi, cụ già 70 tuổi mà cả tháng trời đã cực khổ ngày đêm nắng dãi mưa dầm hộ đê bờ Bắc để cứu lúa, vào nhà, tôi thấy bác rũ rượi như chiếc bong bóng xì hơi, nằm im lìm trên chiếc võng chẳng chút đong đưa, mắt nhìn sững lên trần, vài con ruồi đậu cả trên mặt của bác.
Nghe tiếng tôi vào, bác từ từ ngó lại, bác hỏi:
- Cậu là ai?
Tôi nhắc cho bác, chừng nhớ ra tôi, bác thảng thốt nghẹn lời:
- Mất trắng rồi cậu ơi!
Nhìn bác, nhớ lại đôi mắt rực lên ánh sáng hy vọng trong lúc cực khổ hộ đê nay lờ đờ thất thần, tôi không biết phải nói gì, nên lúng túng ngồi xuống ván cạnh võng của bác.
Rời võng, ngồi xuống ván cạnh tôi, bác Phạm Văn Ổi nói như tiếng thở dài, trút ra những nổi lo lắng dồn nén trong lòng:
- Rồi đây lấy tiền đâu mà trả nợ, lấy gì mà ăn, lấy gì mà làm lúa mùa tới, lấy gì mà tiêu xài!
Cùng là nông dân, tôi hiểu nổi đau của sự “mất trắng”. Tôi cảm nhận được những lo toan, tính toán không có đường ra của bác. Tôi biết sự tiếc xót đến bần thần của việc mất 2ha lúa, mà hơn tháng trường bác đã chăm sóc như chăm sóc con cái trong nhà, gần một tháng trường nữa bác bảo vệ như bảo vệ con cái trong nhà.
clip_image004
70 tuổi vẫn dầm mình hộ đê cứu lúa.
Tôi nhỏ tiếng nói với bác:
- Hôm nay, cháu đến đây để nghe bác nói. Bác có gì muốn nói không?
- Đầu óc của tôi hiện giờ không nhớ được gì, không nghĩ được gì, tôi chẳng biết nói gì nữa. Bác nói.
Im lặng một hồi lâu bác mới nói thêm:
- Cả tháng trường ở ngoài đồng gia cố 2 đê bờ Bắc và bờ Nam cơm nuốt chẳng trôi, hằng ngày làm được gì thì làm: đốn cây bạch đàn, chở cây, đóng cây, kiềng dây, xúc đất vô bao, có lúc thiếu người khiêng cả bao đất nặng để đắp đê, tối đến mấy chú trẻ ở lại canh đê tôi về nhà, về nhà mà có ngủ nghê được gì đâu, mình mẩy ê ẩm, lại cứ chập chờn vì lòng phập phồng lo lắng không yên.
Đêm bờ Bắc bị bể, nghe báo động tôi chạy ra đê, đến nơi tôi thấy không còn cách nào để khắc phục, miệng bể rộng trên 30 m, sức nước đổ vào mạnh như thác, cuốn trôi mọi thứ, tôi chỉ còn hy vọng mong manh hộ đê cứu lúa ở bờ Nam.
Rồi đê bờ Nam cũng bị bể luôn, tôi như người chết rồi, trắng tay rồi, cứ bần thần lo nghĩ không biết sắp tới lấy gì mà sạ, lấy gì mà ăn.
Vẫn muốn hỏi bác về thiệt hại, nhưng thấy nỗi đau của bác quá lớn tôi xin phép cáo từ.
Đến nhà anh Phạm Văn Thạch, người làm 11 ha ở bờ Bắc, anh cho biết thiệt hại như sau:
Xới đất 2 lần: 150.000 đồng
Trục trạc : 120.000 đồng
Thuốc ốc : 40.000 đồng
Tiền công sạ lúa: 35.000 đồng
Xịt cỏ và tiền công: 42.000 đồng
Xịt sâu 2 lần và công: 62.000 đồng
Tiền phân các loại: 820.000 đồng
Giống xác nhận: 435.000 đồng ( 30 kg * 14.500)
Tiền công sạ lúa: 56.000 đồng
Tổng cộng: 1.770.000 đồng.
Tức là chi phí 17.700.000 đồng cho 1 ha.
Tôi hỏi anh Phạm Văn Thạch:
- Nếu được yêu cầu chính quyền trợ giúp anh sẽ yêu cầu thế nào?
- Nông dân mắt trắng thiệt hại gần hai chục triệu một ha, nên nếu Nhà nước hỗ trợ để thoát nghèo ít nhất cũng phải mười triệu một ha. Anh đáp.
- Theo tôi biết mức hỗ trợ cao nhất theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31/12/2009 là 1.000.000 đồng/ha. Anh thấy mức này ra sao?
- Không đủ tiền mua lúa giống! Anh Thạch than.
Còn anh Nguyễn Phước Đồng người có 26 công ruộng, cho biết thiệt hại khoảng 52.000.000 đồng thì bức xúc hơn:
- Nhà nước hổ trợ 1.000.000/ ha chắc tôi không nhận, ít quá, nhận làm chi cho mang tiếng.
clip_image006
Hổ trợ 1.000.000/ ha, nhận làm chi cho mang tiếng.
Anh Tiêu Văn Nhiển mướn 3,8 ha, thì ngoài chi phí khoảng 17.700.000/ ha còn tốn thêm tiền mướn đất 10.000.000 đồng/ha. Anh Nhiển thiệt hai nhiều hơn hết, đến 27.700.000/ ha.
Anh Trần Văn An, người chuyên làm thuê có sổ hộ nghèo than thở với tôi:
- Nước ngập hết đồng rồi, ai mướn gì đâu mà làm, nhà không có xuồng, không biết làm gì mà sống đây, chắc phải đi Bình Dương kiếm việc làm quá!
Anh cũng nhờ tôi hỏi chính quyền giùm, là tại sao nhiều năm nay dù có sổ nghèo nhưng anh không được nhận cứu trợ theo chính sách cho hộ nghèo.
Tôi bỗng nhớ lại, khi đi trên bờ kinh Cả Mũi lúc mới bể đê, tôi loáng thoáng nghe có 2 vợ chồng trẻ nói với nhau rằng chắc đi Bình Dương quá, tôi không hiểu đi để làm gì, bây giờ tôi mới hiểu ra: đồng ngập hết rồi, những người làm thuê, những nông dân nghèo phải đi lên Bình Dương làm thuê kiếm sống.
Theo Văn phòng Ban phòng chống lũ lụt trung ương, tính đến ngày 6/10 đã có 6.073 héc ta lúa bị ngập thiệt hại hoàn toàn.
Trong 6.073 héc ta lúa bị chìm này, có bao nhiêu cảnh đời tuyệt vọng vì túng thiếu bủa vây như cảnh bác Phạm Văn Ổi? Có bao nhiêu tiếng kêu cứu trong âm thầm chờ đợi như tiếng anh Trần Văn An?
Nhà nước có giúp xin giúp nông dân bị thiên tai thoát nghèo, chớ đừng chỉ giúp cho nông dân khỏi đói. Hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha, có khi nông dân tự ái không thèm nhận.
Nông dân bị thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long không những mong chờ sự hỗ trợ thích hợp của Nhà nước, mà còn cần lòng hảo tâm của mọi người trong và ngoài nước.
Xin mọi người hảo tâm hãy giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long bị thiên tai trong lúc khốn khó này.
H.K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Lúa mất trắng rồi, biết sống sao đây?

-


XK gạo “được mùa” lớn


(Tamnhin.net) - XK gạo “được mùa” lớn và 9 tháng đầu năm nay, đã đạt kỷ lục mới trong 3 năm trở lại đây với 5,8 triệu tấn gạo các loại, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 9,13% về lượng và tăng đến 24% về giá so với cùng kỳ.
Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã nhận định như vậy như vậy và cho biết tại các địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo tăng cao, được mùa, tình hình tiêu thụ nhanh đã khiến người nông dân lãi lớn.


Theo tính toán của các DN XK gạo, với giá lúa khô như hiện nay ở mức từ hơn 6.000 đến 7.100 đồng/kg thì người trồng lúa đã lãi khoảng 80% so với giá đề xuất của Bộ Tài chính là 3.760 đồng/kg..


Nghị định 109 về XK gạo không hề “làm khó” cho các DN XK mà trái lại đã làm thị trường ổn định hơn, DN chủ động và chắc chắn hơn trong các đơn hàng để XK.


Các DN thực hiện tốt những quy định của Nghị định 109 sẽ có nhiều ưu thế hơn trong bối cảnh thị trường XK gạo trong nước và thế giới có nhiều biến động và cạnh tranh như hiện nay. Đi cùng với đó, thị trường cũng liên tục có nhiều biến động.
Ông Phạm Văn Bảy cho rằng, những DN có uy tín, có hệ thống kho bãi, nhà máy xay xát… tốt sẽ có lợi nhuận. VFA đã khuyến cáo DN hội viên chỉ được ký chuẩn bị đủ 100% “chân hàng”, cao hơn quy định trong Nghị định 109 là chỉ cần 50% “chân hàng”.


Yếu tố thuận lợi cho gạo XK của Việt Nam còn được xét đến việc từ ngày 7/10/2011 đến tháng 2/2012 Thái Lan thực hiện chính sách trợ giá thu mua lúa cho nông dân (với giá 15.000 baht/tấn), điều này khiến giá gạo thế giới sẽ được đẩy lên từ 750 - 800 USD/tấn. Chính sách giá của Thái Lan sẽ có lợi cho Việt Nam, các DN XK sẽ xuất được giá cao và đương nhiên tăng giá mua lúa trong dân. Hiện, giá gạo XK của Việt Nam là 560 - 570 USD/tấn, tăng gần 100 USD/tấn so với những tháng trước. VFA cho biết, đến thời điểm này, các DN trong nước đã ký hợp đồng XK gạo đạt 6,855 triệu tấn, trong đó đã xuất 5,878 triệu tấn; lượng gạo tồn kho của các DN thành viên VFA là hơn 1,471 triệu tấn.


Kim ngạch xuất khẩu (XK) bình quân trong 9 tháng đầu năm 2011 đạt mức cao nhất từ trước đến nay: 7,780 tỷ USD/tháng. Dự báo những tháng cuối năm, tốc độ XK có xu hướng tăng chậm nhưng vẫn đạt được các mục tiêu đề ra, tạo lực đẩy cho năm tiếp theo.


Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch XK của cả năm 2011 đạt khoảng 95 tỷ USD, tăng gần 36%, nhập khẩu ở mức 105 tỷ USD, tăng 23,8% và nhập siêu sẽ khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5% tổng kim ngạch XK. Với kết quả XK 9 tháng đạt gần 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 88% kế hoạch năm, trong khi 3 tháng cuối năm, nhiều lĩnh vực chủ lực như: XK gạo, dệt may, da giày, thủy sản vẫn còn dư địa cao về tăng trưởng và có nhiều lợi thế về giá thì chắc chắn việc tiến đến mục tiêu cả năm sẽ khả thi. Đặc biệt, 20 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. XK tăng trên tất cả các thị trường, trong đó 2 thị trường có tốc độ tăng cao hơn tốc độ XK chung của cả nước, đó thị trường châu Phi và châu Á. Thị trường châu Phi ước XK tăng gấp 2,6 lần, thị trường châu Á ước tăng 42% thì khả quan.


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, những tháng cuối năm xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn về giá và thị trường. Để góp phần giúp xuất khẩu tăng trưởng ổn định, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp, nắm bắt thông tin từ các địa phương, hiệp hội ngành hàng để chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho DN; đồng thời, thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ để kiềm chế nhập siêu.


Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, dự báo xuất khẩu trong những tháng cuối năm có thể tăng 24 - 25%. Đó là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu để hạn chế nhập siêu trong các tháng cuối năm không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh thị trường sẽ khó khăn do kinh tế thế giới chưa phục hồi, nợ công tăng lên. Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp( DN) sản xuất và xuất khẩu nhằm đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng ổn định.


Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng mặc dù kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn nhưng các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam vẫn duy trì lượng cầu ổn định. Bên cạnh đó, cơ hội tiếp cận nhiều thị trường mới cùng với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu gia tăng là cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam trong những tháng cuối năm. Để thúc đẩy xuất khẩu, song song với mở rộng thị trường xuất khẩu, các DN cũng phải thực hiện chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, trong đó cần chú trọng đến việc đa dạng hóa mặt hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu thực hiện tốt hai nội dung trên sẽ đảm bảo cho xuất khẩu tăng trưởng ổn định.


Các DN cho rằng, để làm được những vấn đề trên thì DN cần được tháo gỡ khó khăn về vốn và lãi suất. Hiện nay, một số chính sách của Nhà nước về lãi suất đã phần nào giải tỏa khó khăn cho DN. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa giải quyết tận gốc vấn đề vốn vì vẫn còn nhiều đơn vị tiếp cận nguồn vốn khó khăn, nhất là đối với DN vừa và nhỏ. Ngoài ra, DN xuất khẩu hiện cũng đang đối mặt với một số khó khăn như khả năng cạnh tranh thấp tại thị trường xuất khẩu, đó là nhiều mặt hàng gia công xuất khẩu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhưng giá nguyên liệu nhập tăng cao. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng đang ở mức nghiêm trọng, nhất là lao động tay nghề cao. Chi phí công nhân có xu hướng tăng nhanh khiến hàng sản xuất tại Việt Nam đang mất dần lợi thế có giá nhân công rẻ.


Mỹ Loa

Tổng số lượt xem trang