Ann Phong – Up Down, mixed media, 2010
Hà Tường Cát/Người Việt
Ngày 27 tháng 5, 2008, Ðại Sứ Michalak gởi một công điện mô tả hình ảnh trái ngược của hai giáo hội Phật Giáo trong dịp lễ mừng Phật Ðản, với những thông tin thu thập được qua tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội cùng với sự phối hợp cùng tòa Tổng Lãnh Sự ở Sài Gòn.
Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước (GHNN) tổ chức lễ Phật Ðản tưng bừng theo kiểu cách miền Nam trong khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHTN) chỉ lặng lẽ kỷ niệm bằng nghi thức tôn giáo riêng trong các chùa.
Hà Nội chính thức tổ chức mùng Phật Ðản theo ngày kỷ niệm của Liên Hiệp Quốc, 14 đến 17 tháng 5; còn ở Sài Gòn lễ Phật Ðản được tổ chức đúng ngày 19 tháng 5 trùng với sinh nhật của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Hàng ngàn Phật tử từ 21 quận và huyện ngoại thành về dự buổi lễ vào sáng sớm cùng với các sư tăng và lãnh đạo chính quyền địa phương tại sân vận động quân đội gần phi trường Tân Sơn Nhứt. Quan khách tham dự còn có phái bộ ngoại giao và sư tăng từ nhiều nước Phật Giáo như Ấn Ðộ, Thái Lan, Cambodia, Nhật Bản nhưng tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn là ngoại giao đoàn Tây phương duy nhất hiện diện.
Tinh thần yêu nước và chủ nghĩa xã hội được liên kết vào ngày lễ tôn giáo. Diễn từ của các giới chức lãnh đạo thành phố đề cập đến ngày lễ Phật Ðản đồng thời là ngày sinh của Hồ Chí Minh, trong khi Quốc kỳ, Phật kỳ, biểu ngữ đón mừng hai ngày lễ xen lẫn nhau ở Sài Gòn cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
UBCV ở Sài Gòn, Thừa Thiên/Huế và Bà Rịa/Vũng Tàu đều tổ chức những buổi lễ nhỏ hơn và hầu hết cho biết không gặp rắc rối gì với chính quyền địa phương. Công điện nói là “Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh, đại diện GHTN tỉnh Thừa Thiên/Huế cho biết giáo hội làm lễ Phật Ðản tại chùa Quốc An cũng giống như năm trước có khoảng 120 tăng ni và 2,000 Phật tử tham dự.”
Một số chùa cho biết có sự gia tăng kiểm soát an ninh nhưng Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước chùa Phước Bửu ở Bà Rịa/Vũng Tàu cho rằng, “với hàng ngàn du khách quốc tế đến trong dịp này, không có gì đáng ngạc nhiên là an ninh được siết chặt hơn.”
Trong bức công điện có một đoạn giải thích sơ lược về quá trình của GHTN được chính thức thành lập năm 1964 thời Việt Nam Cộng Hòa sau cuộc tranh đấu Phật Giáo với vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức năm 1963 mà toàn thế giới biết đến.
Sau năm 1975 đảng Cộng Sản tìm cách lập ra một tổ chức Phật Giáo tại miền Nam đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước và mạnh mẽ trấn áp những phần tử chống lại mưu định này. Năm 1981, GHNN được thành lập với sự tham gia của một số hàng giáo phẩm GHTN. Những tăng ni không tham gia vẫn duy trì tổ chức GHTN dù bị coi là bất hợp pháp. Công điện có ghi chú về việc này: “Tuy nhiên chính quyền cộng sản chưa bao giờ chính thức giải tán GHTN. Vì nhiều tăng sĩ cao cấp GHNN trước kia là thành viên GHTN nên giữa hai giáo hội vẫn có mối quan hệ bán chính thức. Một số dư luận cho rằng chính quyền cộng sản 'dễ dãi' với GHTN hơn với các nhà hoạt động chính trị khác bởi lẽ nhiều tăng sĩ cao cấp trong GHNN vẫn thân thiện với các đạo hữu trong GHTN.”
Từ năm 1981, chính quyền cộng sản thi hành nhiều chiến thuật từ ép buộc, đe dọa đến khuyến dụ và ngoại giao để lôi kéo lãnh đạo GHTN vào GHNN. Những năm gần đây, chính quyền Việt Nam cũng khuyến khích GHTN chính thức đăng ký hoạt động theo đúng khuôn khổ sinh hoạt tôn giáo của nhà nước. Nhưng ngược lại giới lãnh đạo GHTN muốn chính quyền Việt Nam phải chính thức công nhận sự hợp pháp của giáo hội này. Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, tổng thư ký GHTN thường nói rằng chúng tôi “vẫn yêu cầu được phép thực thi quyền hành đạo mà chúng tôi chưa có.”
GHTN cũng nhấn mạnh là sẵn sàng “thống nhất Phật Giáo” với những điều kiện:
- Chính quyền chính thức công nhận tính cách hợp pháp của GHTN.
- Chấm dứt vai trò “quản lý nhà nước” đối với Phật Giáo.
- Làm sáng tỏ hoàn cảnh đưa đến cái chết của Thượng Tọa Thích Thiện Minh, nhà lãnh đạo GHTN (người ta tin là đã chết khi bị công an bắt giữ thẩm vấn năm 1978).
- Trả lại một số tài sản của GHTN bị nhà nước tịch thu sau 1975.
Không có thống kê chính thức về số các tăng sĩ thuộc giáo hội GHTN vì nhiều tăng ni ở trong các chùa VBS hoặc các chùa “tại gia.” Những trung tâm chính của GHTN ở tại Sài Gòn, Huế, Quy Nhơn, và sự phát triển của GHTN có thể thấy được qua sự gia tăng con số thành viên đại diện ở các tỉnh những năm gần đây. Một thành viên GHTN có liên hệ thường xuyên với tòa đại sứ xác nhận rằng GHTN hiện có đại diện ở 20 tỉnh thị.
GHTN tranh đấu cho tự do tín ngưỡng và không thể tách rời khỏi nhân quyền, dân chủ và đa nguyên chính trị. Giới lãnh đạo GHTN có quan hệ chặt chẽ với nhiều nhà hoạt động nhân quyền và có cùng quan điểm về một số các vần đề “nhạy cảm” quốc nội hay quốc tế như vụ tranh chấp Hoàng Sa/Trường Sa, vi phạm nhân quyền ở Myanmar, và đàn áp tăng sĩ Phật Giáo Tây Tạng. (HC)
-Một lễ Phật Ðản, hai hình ảnh trái ngược: Wikileaks
--