Mạng lưới cơ sở “thủng từng mảng”, bệnh viện tuyến trên thì “siêu quá tải”... nhưng không biết cố ý hay vô tình, ít người dám nhìn thẳng vào sự thật để đương đầu với nó.
- Một nền y tế đang trốc gốc: Thiếu bác sĩ, yếu chuyên môn
- Một nền y tế đang trốc gốc - Kỳ 1: Tủi thân bác sĩ miệt vườn
Bác sĩ tuyến cơ sở rời bỏ nhiệm sở để đổ về tuyến trên. Mặt khác, khi dân không đến mạng lưới y tế tuyến cơ sở thì tuyến trên lại rơi vào tình trạng “siêu quá tải” làm nền y tế của chúng ta đang “méo mó” trong cơ chế hoạt động!
Cuộc trò chuyện với GS-VS Dương Quang Trung, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam và Chủ tịch Hội Y học TP.HCM, dẫn chúng tôi đến một cảm nhận về chân dung nền y tế Việt Nam hiện nay.
. Thưa giáo sư, cảnh người bệnh nằm sắp lớp trên giường bệnh, ngoài hành lang tại các bệnh viện đang là nỗi bức xúc chung của xã hội. Là một cán bộ y tế kỳ cựu, ông “đọc” thấy gì từ những hình ảnh đáng buồn đó?
Nguyên nhân tại đâu? Có lẽ đối với người trong ngành, không khó để thấy rằng mạng lưới y tế cơ sở của chúng ta đã bị vỡ từng mảng lớn. Và bệnh nhân nặng, nhẹ gì cũng đổ dồn về các bệnh viện lớn tuyến trên, ở các vùng đô thị lớn, cấp tỉnh, thành hay trung ương gây nên tình trạng “siêu quá tải”.
Không nhiều người dám nhìn sự thật!
. Chúng tôi hiểu ông đã rất khó khăn khi phải dùng cái từ “vỡ” để chỉ trạng thái hiện nay của mạng lưới y tế cơ sở. Nhưng từ “vỡ” ở đây cần được hiểu chính xác thế nào?
+ Khi người dân không đến với mạng lưới y tế cơ sở thì xem như mạng lưới này bị “vỡ”, nó đơn giản là vậy!
(Trầm ngâm rồi ông tiếp)
Mạng lưới y tế tuyến cơ sở thiếu thốn trăm bề, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đến nhân lực vừa thiếu vừa yếu chuyên môn, đã làm xói mòn niềm tin nơi người dân.
Đó không chỉ là sự đổ vỡ về vật chất mà còn có cả yếu tố tâm lý.
Ai cũng biết mạng lưới y tế cơ sở chính là cái nền, cái bệ đỡ của mọi nền y tế. Khi cái nền này lung lay, ắt hẳn sẽ gây ra nhiều rối loạn trong hệ thống săn sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho người dân. Chuyện quá tải, thậm chí “siêu” quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, chính là cái “hậu” của niềm tin bị đổ vỡ.
Mẹ tôi là một nữ hộ sinh ở vùng quê. Ngày xưa, hầu hết phụ nữ ở địa phương khi sinh đẻ thường đều tìm đến bà. Chỉ ai sinh khó hay sản bệnh mới lên tuyến trên. Vậy mà bây giờ, sinh thường cũng chạy cho được về Từ Dũ, Hùng Vương, kể cả phải chấp nhận nằm ở hành lang.
Mạng lưới cơ sở “thủng từng mảng” nhưng không biết cố ý hay vô tình, ít người dám nhìn thẳng vào sự thật để đương đầu với nó.
. Hình như các bác sĩ cơ sở cũng ra đi khá nhiều?
+ Đồng lương ít ỏi và chuyên môn thì không phát triển được nên chuyện ra đi là dễ hiểu. Trong khi ở Thái Lan, bác sĩ tuyến cơ sở lương cao hơn tuyến trên. Có lần tôi đến Trạm Y tế xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) không hẹn trước, trạm trưởng “bận” đi cắt lúa! Vì với đồng lương hiện tại, phải làm gì thêm để sống. Nhưng mấy ai băn khoăn ray rứt về cuộc sống của người thầy thuốc ở tận những vùng xa xôi, hẻo lánh.
GS Hoàng Tụy có nói: “Cái gì cũng có giới hạn, kể cả lòng tự trọng, thiện chí và… lương tâm. Cứ thế này e sẽ đến lúc lương tâm cũng chai lì…”.
Thực tế mà chúng ta đang chứng kiến: Một số bệnh viện ghép gan, thận, tim cho vài trường hợp tiêu biểu… được xem như thành tựu lớn; trong khi nghịch lý là những bệnh như tay-chân-miệng, sốt xuất huyết… để phát ra tràn lan. Nền y tế Việt Nam đang lấy những cái hay “cá biệt” để che đậy những cái dở “phổ biến”!
Xây thêm bệnh viện tuyến trên, không giúp giảm tải
. Chúng tôi cũng đã nghe các bộ trưởng Y tế nói về vai trò quan trọng của tuyến y tế cơ sở?
+ Thật ra, không có vị bộ trưởng nào không thấy tầm quan trọng của tuyến cơ sở. Nhưng với cơ chế hiện nay và với áp lực ngày càng tăng của yêu cầu khám, chữa bệnh, các phương tiện, chế độ đãi ngộ, tài chính và con người, lại tập trung cho tuyến điều trị, nhất là ở các bệnh viện lớn. Trong lúc đó, thử xem chúng ta đầu tư bao nhiêu cho tuyến cơ sở? Bác sĩ tuyến trên cũng được nhiều ưu đãi hơn về đời sống cũng như chuyên môn (hầu hết suất đi học thêm ở nước ngoài chỉ dành cho tuyến trên).
. Ngành y tế cũng đã lên kế hoạch xây dựng thêm một số bệnh viện lớn chuyên sâu để giảm tải?
+ Bên cạnh việc phát triển hay nâng cao các bệnh viện lớn chuyên sâu, tôi nghĩ ta nên ưu tiên tập trung lo cho mạng lưới y tế cơ sở bằng những việc làm thiết thực như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đồng thời có cơ chế chính sách tốt để lôi kéo các bác sĩ giỏi về cơ sở - chính việc làm này mới thực sự thúc đẩy việc giảm tải bệnh nhân ở tuyến trên.
Thật ra, quá tải chỉ rơi vào các bệnh viện tuyến trên, ở các đô thị lớn hay ở các bệnh viện chuyên sâu, kỹ thuật cao; ngược lại, mạng lưới y tế cơ sở, kể cả tuyến huyện, thường không sử dụng hết công năng và không ít nơi còn vắng vẻ.
Như vậy, xây thêm vài ba bệnh viện lớn tuyến trên mà không tăng cường mạng lưới cơ sở cũng chẳng thể giảm tải được bao nhiêu khi làn sóng người dân khắp nơi tràn về các bệnh viện lớn. Theo tôi, bệnh viện tuyến trên, chuyên sâu chỉ tập trung điều trị cho các bệnh nặng, bệnh phức tạp, nan y, còn các bệnh thông thường nên về điều trị ở tuyến y tế cơ sở.
183/194 đó là thứ hạng của Việt Nam về mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe trong tổng số các quốc gia trên thế giới, bởi vì người dân phải tự chi trả 73% chi phí cho chăm sóc sức khỏe qua việc chi trả viện phí và tự mua thuốc chữa bệnh. Trong khi đó, khuyến nghị của WHO là tỉ lệ này nên dưới 50%. Tôi không tin rằng trong 3-5 năm tới, việc tăng viện phí sẽ làm tăng chất lượng điều trị, bởi cái gốc của chất lượng là quá tải. Bác sĩ hiện phải khám 100 bệnh nhân mỗi ngày, không vì nâng giá viện phí mà có thể giảm số lượng bệnh nhân để khám tốt hơn. CAO VĂN SANG,Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM |
MAI LAN thực hiện
Kỳ tới: Hai xu thế ngược dòng- Dịch vụ hốt bạc ở bệnh viện (TP).
- Hội chẩn liên chuyên khoa cho chị Phượng (TT). – 10 chuyên gia giỏi hội chẩn cứu “cô gái 26 tuổi thành bà lão” (Dân Trí).- Liên tiếp có thêm nhiều trẻ tử vong vì tay chân miệng (LĐ).
- Tay chân miệng lan rộng, địa phương chần chừ công bố dịch (VNE). – Công bố điều… không muốn (ĐĐK). – Không công bố dịch tay chân miệng vì thiếu… nguồn lực (!?) (DV). – Không công bố dịch tay chân miệng: ‘Bệnh thành tích’ hơn tính mạng dân? (VNN).