Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Philippines báo động Hà Nội mắc mưu Bắc Kinh


Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và TBT Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dựThỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc
thực ra Philippines cũng chẳng tử tế gì, sẵn sàng đâm VN bất kì lúc nào ?!
Sẽ chất vấn ông Trương Tấn Sang khi tới Manila vào cuối tháng

MANILA (NV) - Sự thỏa thuận giải quyết tranh chấp Biển Ðông giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tuần này báo hiệu việc rút khỏi thỏa hiệp về ứng xử mà tập thể các nước ASEAN đã ký với Trung Quốc năm 2002.


Bản đồ Biển Ðông với các mầu sắc khác nhau chỉ độ sâu. (Hình của từ điển bách khoa Britanica)

Nhật báo Philippines Daily Inquirer ở Manila ngày Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 cáo buộc như vậy và nói rằng Philippines từ lâu đã nhấn mạnh đến phương thức đứng chung nhiều nước để củng cố vị thế khi thương thuyết với cái nước to nhất mạnh nhất khu vực.
“Thỏa hiệp Việt Nam-Trung Quốc thật đáng tiếc đã rơi đúng vào cái chiến thuật đàm phán tay đôi để giải quyết tranh chấp” do Bắc Kinh đòi hỏi. Inquirer viết.
Tờ báo này cho hay Tổng Thống Philippines Benigno Aquino “đã đúng khi chống thỏa hiệp (Việt Nam-Trung Quốc) và dự tính sẽ chất vấn Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn sang khi ông đến Manila thăm viếng chính thức.”
Báo này nói khi đến Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua, Tổng Thống Aquino chỉ ký một bản tuyên bố chung tổng quát là “Lãnh tụ hai nước trao đổi quan điểm về tranh chấp biển đảo và đồng ý không để các tranh chấp ảnh hưởng đến hình ảnh lớn hơn của tình bạn và hợp tác giữa hai nước.”
Bản tuyên bố chung lập lại các bên cam kết giải quyết tranh chấp dựa trên nguyên tắc ứng xử đã đề ra trong thỏa hiệp 2002.
“Trái lại, thỏa hiệp Việt Nam-Trung Quốc ký tháng 10, 2011 có kết quả là các cam kết chi tiết hơn gồm họp mỗi năm 2 lần của các phái đoàn đại biểu cấp chính phủ” và “cơ chế đường điện thoại nóng” để đối phó “kịp thời các vấn đề.”
Sáu nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển” mà Việt Nam ký với Trung Quốc hôm 11 tháng 10, 2011 cũng rất tổng quát. Không hề nói tới “Lưỡi Bò” cũng không đụng chạm gì tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ là những nguyên tắc “tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau” về các vấn đề liên quan tới biển.
Thật ra, bản thỏa thuận giữa Trung Quốc và Việt Nam, nguyên tắc thứ 3, cũng có viết rằng, “Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của ‘Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Ðông’ (DOC).”
Nhưng báo Philippines cho rằng sự bỏ sót và không nêu chính xác “Qui tắc ứng xử ASEAN-China 2002” mà Việt Nam và Trung Quốc chỉ là 2 trong số những nước ký cam kết, “không hề nhắc tới ASEAN” làm các nước khác thấy khó hiểu.
Bài báo của Inquirer cho rằng sự khôn ngoan của Trung Quốc “dễ trước khó sau” sẽ được Bắc Kinh áp dụng để đối phó với cả ASEAN như họ đã từng làm như vậy hồi năm 2002. Hậu quả là “một bước tới cho Trung Quốc, hai bước lùi cho ASEAN.”
Báo Inquirer bình luận, “Ðọc xuyên qua các hàng chữ (của thỏa thuận VN-TQ) càng làm cho người ta thấy khó gấp 3 lần nếu những hàng chữ đó (thỏa thuận VN-TQ) lại viết bởi các nhà ngoại giao mà họ vừa là luật gia lại cũng là người Á Châu. Khi bắt đầu, thỏa thuận đã gọi tên cuộc tranh chấp càng tổng quát càng tốt là “các vấn đề liên quan đến biển.” Nếu chỉ nhớ lại mới 4 tháng trước, họ đã gần như “bắn nhau.”
Bốn tháng trước, tàu Trung Quốc cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam dù Việt Nam cử một số tàu bảo vệ. Sau biến cố, Việt Nam loan báo tập trận hải quân bắn đạn thật trên biển. Mối quan hệ giữa hai nước có vẻ chùng xuống thấp khi một số vụ biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở Hà nội và Sài Gòn trong khi báo chí và tướng tá Trung Quốc dọa đánh.
Những cuộc vận động lôi kéo Hoa Kỳ, Ấn Ðộ và các nước khác vào cuộc tranh chấp biển Ðông chỉ để giúp Hà Nội có thế mạnh hơn để điều đình với Bắc Kinh. Năm ngoái, khi tới Hà Nội dự hội nghị ASEAN mở rộng, bà ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố Hoa Kỳ có “lợi ích quốc gia trên Biển Ðông” làm cho Bắc Kinh tức giận.
Nhật Bản, Ấn Ðộ cũng tuyên bố tương tự những ngày gần đây.

Bản phân tích của báo Philippines bình luận gián tiếp trách cứ Hà Nội, bây giờ lộ ra cho thấy họ nói một đàng làm một nẻo. (TN)


Hôm thứ Tư 11/10, ngay ngày đầu tiên trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ký kết Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển nhằm tháo gỡ các tranh chấp tại Biển Đông.
Cùng lúc, hải quân Trung Quốc lập trạm xá tại quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Truyền thông Trung Quốc tỏ ra khá phấn khởi trước bản văn kiện vừa ký tại Bắc Kinh.


Chương trình Trọng tâm Hôm nay trên kênh truyền hình CCTV-4 của nhà nước Trung Quốc hôm 12/10 phát buổi thảo luận giữa một số chuyên gia về ý nghĩa của thỏa thuận này.
Theo lập luận của phía Trung Quốc, dường như bản thỏa thuận nhắc lại gần như đầy đủ quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.
Ông Trương Hải Văn, Phó Giám đốc Viện Chiến lược Phát triển Biển của Trung Quốc, khách mời của chương trình, nhận xét rằng thỏa thuận về các nguyên tắc chính mang tầm quan trọng đặc biệt vì nó biểu tượng cho sự đồng thuận tin tưởng giữa hai bên, rằng đàm phán là biện pháp tối ưu để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Ông Trương nói nó giúp bình ổn tình hình Biển Đông và tiến tới thiết lập cơ chế để giải quyết bất đồng trong tương lai.
Các khách mời trong chương trình đều cho rằng bản thỏa thuận đã đưa ra được "nguyên tắc cơ bản cho giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông là giải quyết bất đồng thông qua "đàm phán song phương" chứ không thảo luận đa phương.
Họ cũng nói đây có thể là mô hình cho Trung Quốc và các nước tham gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông khác.
Phó Giám đốc Trương nói sự đột phá lớn nhất của thỏa thuận này là "tinh thần tôn trọng triệt để các bằng chứng pháp lý đối với các yếu tố liên quan khác như bằng chứng lịch sử, cùng lúc tính đến quan ngại hợp lý của các bên".
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, cùng lúc hai ông Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận về Biển Đông, Hải quân Trung Quốc loan báo vừa thiết lập một trạm xá quân y gần một đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Thử (Yongshu Reef), còn Việt Nam gọi là Đá Chữ Thập.
Đây là vị trí gần nơi xảy ra cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988, trong đó gần 70 chiến sỹ hải quân Việt Nam bị Trung Quốc bắn thiệt mạng.
Đảo Chữ Thập đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ đầu năm 1988 tới nay, và Hải quân Trung Quốc nói trạm xá mới sẽ chăm sóc y tế cho quân và dân của nước này đang sinh sống ở Trường Sa, mà Bắc Kinh coi là "phần lãnh thổ không thể tách rời" của Trung Quốc, thuộc quyền quản lý của tỉnh Hải Nam.

Tiếp tục đối thoại

Báo chí quốc tế trong khi đó cũng tập trung sự chú ý vào văn kiện này, mà lãnh đạo cao cấp Việt Nam và Trung Quốc cho là bước đi cần thiết để giải tỏa nguy cơ xung đột đang tiềm ẩn.
Tạp chí Time của Mỹ có bài viết dưới dạng blog của tác giả Austin Ramzy, tựa đề 'Bước lùi khỏi miệng vực ở Biển Đông' với hàm ý hoan nghênh điều mà ông Ramzy, phóng viên thường trú của tạp chí này tại Bắc Kinh, nói là cho thấy cả Hà Nội và Bắc Kinh đều tìm cách giảm tranh chấp để khai thác chung nguồn năng lượng ở Biển Đông.
Bài blog nhận định: "Trong khi thỏa thuận giữa hai nước Việt-Trung, vốn đã có cuộc chiến ngắn ngủi dọc đường biên giới đất liền hồi năm 1979 và đụng độ tại Trường Sa ở Biển Đông năm 1988, được cho như một sự hòa hoãn đáng hoan nghênh, nó chưa phải là giải pháp lâu dài".
Phóng viên Ramzy cũng nhắc lại rằng từ 2002, các bên tham gia tranh chấp Biển Đông đều đã thống nhất không làm phức tạp thêm tình hình, họ vẫn chưa tìm ra được một thỏa thuận chung có tính ràng buộc pháp lý.
"Thỏa thuận tuần này giữa Việt Nam và Trung Quốc, nói một cách giản lược nhất, là thỏa thuận tiếp tục đối thoại với nhau về vấn đề Biển Đông."
"Tuy chưa phải là đột phá, nhưng có đối thoại còn hơn là không đối thoại." -TQ nói về thỏa thuận biển Việt-Trung
-

Sẽ sớm khởi công dự án Cung Hữu nghị Việt - Trung (QĐND) -Từ ngày 9 đến 14-10-2011, đoàn chuyên gia Tập đoàn Khảo sát thiết kế đường sắt số 3 Thiên Tân - Trung Quốc đã sang Việt Nam làm việc với Ban Quản lý dự án xây dựng Cung Hữu nghị Việt - Trung về thống nhất thiết kế bản vẽ thi công dự án...



Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa-Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Hai bên nhất trí căn cứ vào những nhận thức chung mà Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong vấn đề trên biển, trên cơ sở “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” năm 1993, xử lý và giải quyết vấn đề trên biển tuân theo những nguyên tắc dưới đây:


1. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
2. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên biển.
3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). 
Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác. 
4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.
5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn. 
6. Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.
Thỏa thuận này ký tại Bắc Kinh, ngày 11 tháng 10 năm 2011, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa


Tổng số lượt xem trang