Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Tiếng nói nông dân: Tăng 1 triệu tấn lúa mần chi, thưa Chính phủ?

-Hai Kim

clip_image001
Đê bờ Tây Kinh 7 (xã Ô Long Vĩ, Châu Phú, An Giang) vỡ nhấn chìm 1.500 ha lúa vụ 3 của người dân trong biển nước. Hình củadongthap megafun.vn
Hè thu 2 năm 2008 và 2009 Hiệp hội Lương thực Việt Nam chắc phải báo cáo lên Chính phủ rằng: gạo Việt Nam không có ai mua, giá lại thấp. Vì thế cho nên, Chính phủ mới có lý do chính đáng cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua lúa gạo để tạm trữ, với giá rẻ như lấy không của nông dân.
Năm 2010, mua tạm trữ luôn cả hại vụ lúa đông xuân và hè thu cũng với giá ăn cướp.
3 năm liên tiếp, lúa gạo bán không được, giá rẻ như bèo, Chính phủ không giúp tìm khách hàng, không hề có bất cứ biện pháp hiệu quả nào để làm tăng giá bán gạo xuất khẩu, bỗng dưng Chính phủ lệnh cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tăng 1 triệu tấn lúa trong năm 2011. Tăng 1 triệu tấn lúa rồi bán cho ai? Giá cả ra sao? Thưa Chính phủ?
Cái cần tăng là tăng thu nhập cho nông dân.


Tăng 1 triệu tấn lúa mà không có biện pháp tăng giá lúa gạo, thu nhập nông dân sẽ không tăng, hoặc tăng quá ít so với công sức bỏ ra, thì tăng 1 triệu tấn lúa để mần chi. Thưa Chính phủ?
Nhận lệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vội vã ngày đêm nghiên cứu, xem xét nhiều biện pháp đồng bộ, lại bỏ công rà soát tới lui kỹ càng điều kiện sản xuất lúa thu đông (tức lúa vụ 3) ở các địa phương, cuối cùng quyết định: “Bộ Nông nghiệp nhận định có thể tăng thêm 94.000 ha lúa, nâng tổng diện tích xuống giống tại các tỉnh, thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long lên hơn 600.372ha. Các địa phương cần củng cố đê bao, hệ thống bơm điện và khai thác khả năng tăng diện tích lúa thu đông trong hệ thống sản xuất tôm-lúa ở các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau”. TTXVN Online cho biết.vietnamplus.vn
Để đảm bảo ăn chắc 94.000 ha lúa thu đông tăng thêm, cần gia cố đê bao, nên:
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang trình Chính phủ xem xét hỗ trợ gần 200 tỷ đồng phân bổ cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để gia cố bờ bao, bơm tát, lúa giống... đối với diện tích lúa thu đông tăng thêm”.
Nếu 200 tỷ dùng hết để gia cố bờ bao cho 94.000 ha, tính ra mỗi ha đầu tư khoảng 2.127.000 đồng, vậy mà phải chi thêm để bơm tát, chi cho lúa giống, rồi lại còn phải chi cho chấm, chấm, chấm. Vậy không biết riêng gia cố bờ bao được bao nhiêu đồng/ ha?
Rà tới, tính lui hết mọi nhẽ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ quên duy nhất có một điều là: nước có thể lên cao bằng hoặc hơn năm 2000.
Hay là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không quên, nhưng ỷ rằng nhiều năm nay nước nhỏ, đặc biệt năm 2010 nước chẳng chịu lên đồng, nên vội vàng lệnh cho các tỉnh, các huyện đắp vội sơ sơ đê bao, là đã đủ để nông dân “ăn chắc”.
Thế nên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra chỉ tiêu tăng vụ 3 cho lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo các tỉnh nhanh chóng chỉ đạo cho lãnh đạo các huyện lệnh cho các xã tổ chức họp dân, tiến hành tu bổ, khép kín đê bao, để nhanh chóng biến đất 2 vụ thành đất 3 vụ, xuống giống kịp thời vụ thu đông, đúng theo tinh thần chỉ đạo của trên.
Nhưng ôi!! Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính một đàng, Ông Trời lại làm một nẻo.
Nước năm nay lên sớm, mà lại lên cao, cao mãi, muốn vượt đỉnh lũ năm 2000.
Những con đê gia cố vội vàng, tháng 5, tháng 6 đất còn mềm, chưa có chân cứng, nước lên cao, áp lực lớn, thấm vào làm nhảo bờ đê, làm sao đê chịu nổi?
Vậy là, hàng loạt đê ở hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang bị bể, đến ngày 28/9 Đồng Tháp mất trắng 700 ha, An Giang mất trắng khoảng 4.000 ha. Và còn vài chục ngàn ha lúa bị đe dọa nghiêm trọng.
Nhiều nông dân ở Cả Mũi cho biết: mỗi ha mất trắng nông dân thiệt hại khoảng 1.700.000 đến 2.000.000 đồng, 4.700 ha mất trắng có bao nhiêu hộ nông dân phải lâm vào cảnh nợ nần túng thiếu?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn coi thường sức mạnh của thiên nhiên, nên nông dân phải trả giá.
Năm 2008, trả lời câu hỏi của báo Sài Gòn giải phóng Online về việc phát triển lúa vụ 3 liên quan tới lũ sớm đầu vụ, ông Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “Vấn đề này chúng tôi đã có ý kiến với địa phương là sản xuất lúa vụ 3 nhưng phải làm đồng bộ, đảm bảo thắng lợi. Các địa phương chỉ nên gieo sạ nơi nào có bờ bao tương đối chắc, đồng thời gia cố bờ bao, cống bộng, xây dựng trạm bơm, đảm bảo tưới tiêu chủ động, không nên phát triển vụ 3 ồ ạt, nhất là nơi có thể bị đe dọa hoặc mất trắng nếu lũ về sớm”. sggp.org.vn
Bờ bao “tương đối chắc” là bờ bao thế nào? Cao bao nhiêu? Rộng bao nhiêu? Không thấy ông Bộ trưởng nói rõ. Chỉ “tương đối chắc” thì làm sao chịu nổi đỉnh lũ cao như năm 2000 (?!)
Không phát triển vụ 3 ồ ạt sao năm 2011 này tăng đến 94.000 ha?
Có người sẽ nói: nông dân không muốn tăng vụ thì đừng làm, chính quyền ép uổng gì đâu. Đã đồng ý làm thì thiên tai đâu ai muốn, đừng đổ thừa cho Nhà nước.
Trong thực tế, chính quyền các cấp kẹt “cái chỉ tiêu” nên dù muốn dù không, họ cũng phải ép nông dân làm vụ 3: lãnh đạo tỉnh nhận chỉ tiêu chuyền vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nên giao lại chỉ tiêu cho lãnh đạo các huyện, lãnh đạo các huyện nhận chỉ tiêu và giao lại cho lãnh đạo các xã.
Lãnh đạo các xã để không bị khiển trách, để không bị mất chức, họ buộc phải dùng mọi cách để ép nông dân làm lúa vụ 3, có nơi họ dùng cả những thủ đoạn mà tôi xin lỗi được gọi là gian trá.
Muốn biết rõ vấn đề này xin hãy đọc bài: “Ép dân tự nguyện làm lúa vụ 3” đăng trên báoLao động Online, ngày 16/7/2009 laodong.com.vn sẽ thấy tất cả thủ đoạn mà chính quyền ở An Giang sử dụng để “ép dân tự nguyện”. Tôi xin trích một đoạn.
“Thậm chí tại xã Ô Long Vĩ, vì mục tiêu làm đê bao cho lúa vụ 3, chính quyền địa phương đã "bao" luôn đất nuôi tôm càng xanh của Chi hội Thạnh Lợi, chiếm 79,31% số diện tích nuôi tôm toàn huyện, trong đó có hộ đã được UBND huyện cấp chứng nhận đạt tiêu chí hộ kinh tế trang trại từ năm 2006. Không chỉ cấp xã, mà ngay cấp huyện cũng quyết tâm mở rộng lúa vụ 3 ngay. Bởi theo kế hoạch, đến năm 2010, Châu Phú sẽ "phủ sóng" lúa vụ 3”.
Ngày 28/9/2011,báo Tuổi trẻ Online cho biết: “Sáng 28-9, chúng tôi có mặt trên tuyến đê kinh 7, xã Ô Long Vĩ. Cánh đồng sản xuất lúa ở ấp Long Hưng bị ngập trong biển nước. Lũ đang đổ mạnh vào đoạn đê bị vỡ, tràn vào đồng. Trên bờ nhiều người dân đang đứng khóc ròng nhìn dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn nhấn chìm những ruộng lúa của họ…”
Ở tỉnh Đồng Tháp, chính quyền không “bắt ép dân tự nguyện” như ở tỉnh An Giang, nhưng lại phát sinh rắc rối, mâu thuẫn khác. Sự việc như sau:
Năm 2010. Tại kinh Cả Mũi, ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, chính quyền cho họp dân, thì 80% đồng ý làm vụ 3 còn 20% không đồng ý. Cuối cùng chính quyền giải quyết ai đồng ý thì làm vụ 3 ai không đồng ý thì thôi.
Dân Tân Hồng chúng tôi gọi vui 80% người đồng ý làm vụ 3 là phe áo vàng, còn 20% người không đồng ý làm vụ 3 là phe áo đỏ. Tôi xin phép cũng gọi như vậy.
Lúc lúa vụ 3 của phe áo vàng gần cắt, nước lũ dâng lên, để bảo vệ lúa phe áo vàng đắp đê lại, thì phe áo đỏ phá ra, lý do phe áo đỏ phá đê là phải cho nước vào ruộng để vệ sinh đồng ruộng làm vụ đông xuân.
Nước càng ngày càng lên, tràn càng nhiều vào ruộng, nhưng hễ cứ áo vàng đắp thì áo đỏ phá.
Nếu để lâu ngày e có biến, chính quyền đem Gô-be đến đắp đê bảo vệ lúa, thì phe áo đỏ đưa đàn bà, con gái nằm lăn ra cản.
Xót của, sợ lúa ngập nước, phe đa số áo vàng đổ quạu, nên tuyên bố hễ chính quyền rút đi là họ sẽ sử dụng dao, búa để nói chuyện với phe áo đỏ.
Chính quyền phải đưa lực lượng công an cơ động tỉnh đến ngăn hai bên hỗn chiến.
Cuối cùng ông Huỳnh Minh Đoàn, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, phải đích thân dàn xếp sự việc mới ổn thỏa (phe áo đỏ có một số bà con ruột của ông Huỳnh Minh Đoàn).
Năm 2011, đê bờ Bắc và bờ Nam được đắp, phe áo vàng và áo đỏ cùng làm lúa vụ 3.
Ngày 28/9/2011 đê bờ Bắc bể, lúa chìm trong biển nước, còn bờ Nam đang ngày đêm hộ đê trong tuyệt vọng.
clip_image003
Miệng vỡ của đê bờ Bắc. Ảnh Quang Vinh.
Rút kinh nghiệm từ việc bể đê năm nay, tôi xin được có ý kiến cùng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc làm lúa vụ 3 như như sau:
Xin đừng “ép nông dân tự nguyện” làm lúa vụ 3.
Trước đây, sở dĩ có lúa vụ 3 là nhờ vào kế hoạch thành lập cụm tuyến dân cư của Nhà nước, nơi nào tuyến dân cư và đường lộ giao thông hợp thành đê bao khép kín, thì nơi đó nông dân làm lúa vụ 3 ăn chắc. Vì lộ giao thông và tuyến dân cư có chiều rộng chân từ 20-30 m, chiều rộng mặt từ 15-25 m, chiều cao vượt đỉnh lũ năm 2000 khoảng 0,5 - 1 m.
Nay, muốn làm lúa vụ 3 thì Bộ Thủy lợi phải nghiên cứu thiết kế để trình cho Chính phủ một hệ thống đê bao bảo đảm lúa vụ 3 ăn chắc, chống được mức nước lũ cao hơn đỉnh lũ năm 2000 khoảng 1m trở lên.
Trồng lúa vụ 3 là để tăng thu nhập cho nông dân. Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nghiên cứu có so sánh cụ thể và khoa học, lợi nhuận của nông dân tăng giảm ra sao khi chuyển từ 2 vụ sang 3 vụ, để trình cho Chính phủ.
Bộ Công thương cần phải nghiên cứu kỹ càng: cần tăng số lượng gạo xuất khẩu hay tăng giá bán gạo, cái nào có lợi hơn.
Hiện nay, để khép kín đê bao làm lúa vụ 3, chính quyền thường cho biết Nhà nước cho tiền nhưng không đủ, nông dân phải đóng góp, số tiền đóng góp từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng/ ha, mức đóng góp này quá lớn, chưa kể thiết kế lại nhỏ, không đủ để chống lũ.
Để làm vụ 3 trên diện tích 94.000 ha, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin Chính phủ có 200 tỷ để chi gia cố đê bao và chi đủ thứ, vậy mà, chính quyền bắt nông dân phải đóng góp khoảng 658 đến 940 tỷ là quá nặng. Vì vậy, mong rằng Chính phủ hỗ trợ hết tiền để khép kín đê bao.
Chính phủ giúp nông dân miễn phí khép kín đê bao; trong đê bao ăn chắc được thiết kế bởi Bộ Thủy lợi, có sự đảm bảo lợi nhuận cao từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông dân sẽ tự nguyện, vui vẻ, phấn khởi làm lúa vụ 3.
H.K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Tiếng nói nông dân: Tăng 1 triệu tấn lúa mần chi, thưa Chính phủ?


--

Mong manh số phận nông dân!


Hai Kim
clip_image014
Hình 7. Mái đầu bạc nhấp nhô dưới nước.
4 giờ sáng ngày 28/9, đê bao bờ bắc kinh Cả Mũi bị bể, 460 ha lúa chìm vào biển nước.
Nông dân, cán bộ, bộ đội tập trung gia cố đê bao ở bờ Nam.
12 giờ trưa ngày 2, về lại kinh Cả Mũi, đứng bên chiếc cầu gãy nghe tiếng nước réo ầm ì, đưa mắt nhìn về phía bờ Nam đồng lúa xanh mơn mởn. Biết rằng, chỉ có phép lạ cầm nước không lên, mới cứu nổi đồng lúa xanh mơn mởn này khỏi chìm sâu vào lòng nước như phía bờ Bắc. Tôi thấy lòng bùi ngùi xúc động: số phận của nông dân mới mong manh làm sao!
Đi vào khoảng 200 mét, nhìn thấy một mái đầu bạc đang lặn hụp dưới lòng kinh để buộc tràm đóng cọc. Đó là bác Phạm Văn Ổi. Tuổi đã ngoài 70. Lên bờ, Bác Ổi cho tôi biết:
- Gia đình làm được 20 công, 10 công ở bờ Bắc đã bị chìm, còn lại 10 công này ráng mà giữ, bể đê nữa là trắng tay”.

Tôi hỏi:
- Tình hình đê mình ra sao hả bác?
- Còn nước còn tát cháu ơi! – Bác lắc đầu, đưa mắt ra xa.
Ở một đoạn đê khác, tôi gặp một người còn trẻ, ngồi một mình, tôi hỏi:
- Sao cháu ngồi đây?
- Cháu đợi mấy anh mang bao tới đắp cao lên nữa, chỗ này còn 1 tấc là nước tràn vào. Cháu đáp.
- Cháu có ruộng ở đây hả?
- Gia đình cháu có ba chục công.
- Cháu lập gia đình chưa?
- Chưa chú ơi, nhưng hẹn ngày rồi, chờ cắt lúa xong có tiền là làm đám cưới.
Im lặng một hồi, cháu nói ngập ngừng:
- Không biết… có lúa để cắt hay không?
50 nông dân và cán bộ xã, huyện thường xuyên gia cố bờ đê bằng bao đất và đóng cừ, hàng trăm bộ đội sẵn sàng ứng cứu, máy Gô-be túc trực đêm ngày.
Thế nhưng, đoạn đê yếu dài gần 2 km, mực nước trên kinh cao hơn mặt ruộng khoảng 4 m, nước đã mấp mé bờ đê.
Nước cầm, hộ đê đã khó! chỉ cần nước lên vài tấc nữa, việc hộ đê sẽ lâm vào tuyệt vọng!
Lạy ơn trên. Xin ban cho chúng con phép lạ.
Hình ảnh để minh họa bài viết:
clip_image002
Hình 1. 28/9/2011, 460 ha lúa ở bờ Nam kinh Cả Mũi.
clip_image004
Hình 2. Đã biến thành biển nước.
clip_image006
Hình 3. Tập trung sức cứu bờ Nam.
clip_image008
Hình 4. 29/9, Chiếc cầu gãy, nước réo ầm ì.
clip_image010
Hình 5. Nhìn về phía bờ Nam.
clip_image012
Hình 6. Đồng lúa xanh mơn mởn.

clip_image016
Hình 8. Đó là bác Phạm Văn Ổi.
clip_image018
Hình 9. Cháu trai mà tôi quên hỏi tên.
clip_image020
Hình 10. Đang hy vọng có tiền cưới vợ.
clip_image022
Hình 11. Gô-be túc trực đêm ngày.
clip_image024
Hình 12. Đê yếu dài gần 2 Km.
clip_image026
Hình 13. Tin vui 5 giờ chiều ngày 30/9: bên bờ Nam lúa vẫn còn xanh.
H.K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

/dantri.
Vì sao Việt Nam không thể làm như Thái Lan?(Tamnhin.net) - Việt Nam không thể làm như Thái Lan bỏ tiền ra mua gạo giá cao cho nông dân, tức là chịu lỗ để nông dân được lợi.-
--

Tổng số lượt xem trang