Trần Ngọc Cư dịch
Một cuộc tranh luận đang diễn ra giữa các nhà nghiên cứu TQ về việc Mỹ có nên coi TQ là một hiểm họa đối với an ninh của Mỹ và khu vực hay không. Trong một bài bình luận về bản tường trình «Các Liên minh châu Á trong thế kỷ XXI» do Viện Nghiên cứu Dự án 2049 (the Project 2049 Institute) xuất bản, ký giả James Traub đã cho rằng việc đối xử với TQ như một kẻ thù nhiều khả năng sẽ biến TQ thành một nước thù địch thực sự, và việc này có thể dẫn đến một đại chiến hủy diệt nhân loại – được Traub ví với Trận Armageddon trong Kinh Thánh (Xin xem:Liệu quá lo lắng về chiến tranh với TQ có dẫn đến chiến tranh thực sự hay không?http://www.boxitvn.net/bai/29387). Và sau đây là bài viết của các tác giả «Các Liên minh châu Á» dùng để trả lời ông Traub, qua đó chúng tôi hy vọng quý độc giả sẽ tiếp cận được nhiều thông tin đa chiều, như chủ trương của BVN «Chúng ta có bổn phận phải biết sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải phóng con người» . Bauxite Việt Nam |
Điều đáng mừng là James Traub, một ký giả và nhà văn rất được kính nể, có lẽ đã bật ngửa, không còn tin tưởng Trung Quốc (TQ) là một cường quốc muốn duy trì “nguyên trạng”, căn cứ một phần trên một bài nghiên cứu của chúng tôi.
Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều nhà văn tầm cỡ như Traub cũng bật ngửa như thế trước hiểm họa ngày càng đáng sợ của TQ. Sự thật là, cũng như mọi cường quốc đang trỗi dậy trong lịch sử nhân loại (kể cả Hoa Kỳ), TQ muốn thay đổi các quy tắc, các đường biên giới, và các luật lệ quốc tế được viết ra khi TQ còn yếu kém.
Traub nhận xét rằng TQ “có tiếng là kiên nhẫn và chín chắn” và vì thế “gần như là một điều lạ lẫm” khi TQ “thay đổi lập trường của mình đối với thế giới một cách cực đoan và nhanh chóng như thế”. Nhưng Traub có đủ lương thiện trí thức để nhìn nhận rằng sự “kiên nhẫn” có tiếng của TQ có thể cũng chỉ là “một cách đóng kịch khéo léo, hay một giai đoạn quá độ” mà thôi.
Nhưng có lẽ sự kiên nhẫn của TQ đã luôn luôn được cường điệu. Suốt chiều dài lịch sử của TQ, nước này đã từng lao vào từ thảm họa này sang thảm họa khác, tổn thất không biết bao nhiêu nhân mạng và tài sản (chẳng hạn, Bước Nhảy vọt Vĩ đại, Cuộc Cách mạng Văn hóa, Chiến tranh của Bắc kinh với Việt Nam). Chắc chắn là, khi trở lại địa vị một cường quốc, TQ đã có thêm một cơ hội để “che giấu khả năng và chờ thời cơ” [thao quang dưỡng hối] như Đặng Tiểu Bình đã chỉ thị. Nhưng thay vì làm như thế, TQ lại quyết định xây dựng một quân đội có khả năng gây bất ổn nghiêm trọng trong vùng (xin tham khảo các báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trong 10 năm qua, bản mới nhất https://mail.google.com/mail/?ui=2&view=bsp&ver=ohhl4rw8mbn4) và đã tiến hành những cuộc giương oai giễu võ với Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Nam Hàn, và, đáng lo ngại nhất, với Mỹ. Hiện nay chính TQ đã tạo điều kiện cho một sự bao vây mà TQ rất sợ.
Theo Traub, không những một mình cựu Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg “nhận xét rằng những khả năng quân sự được gia tăng của TQ” và “thái độ quyết đoán về quyền chủ quyền quá rộng lớn của TQ” ở Biển Đông đã khiến Mỹ và đồng minh phải “nghi ngờ các ý đồ của TQ”. Các nhà lãnh đạo ngoại giao và quân sự của Mỹ cũng bày tỏ sự lo ngại tương tự. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, một người rất điềm đạm, cũng bày tỏ mối quan ngại của ông về quân lực TQ trên tờ Washington Post. Ông nói, quân đội TQ “rõ ràng có tiềm lực đe dọa các khả năng quân sự của chúng ta… Chúng ta cần phải đáp lại thích đáng bằng các chương trình quân sự của mình”.
Và vào tháng Sáu năm nay, khi thuyết trình về việc TQ tăng cường quân lực, Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân, Đô đốc Mike Mullen, đã phát biểu, “Tôi đi từ tâm trạng tò mò sang tâm trạng thực sự lo ngại”. Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton cũng đã đề cập vấn đề này. Phản ứng lại các vụ TQ sách nhiễu qua nhiều năm các tàu bè của Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, và Philippine, năm ngoái Bà Clinton đã có hành động đột phá bằng cách tuyên bố tại cuộc họp thượng đỉnh ở Hà Nội rằng “cũng như mọi quốc gia khác, Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc tự do lưu thông, tự do tiếp cận các hải phận quốc tế tại châu Á, và có bổn phận tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông”. Đây là một cách nói ngoại giao để cho TQ biết rằng chúng ta sẽ tiếp tục thao diễn quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của TQ, phù hợp với thông lệ quốc tế, và chúng ta sẽ đảm bảo các đối tác của chúng ta tại châu Á có đủ khả năng chống lại sự ức hiếp của TQ.
Điều này làm chúng tôi chú ý đến điểm bất đồng có vẻ lớn nhất của Traub đối với bài nghiên cứu của chúng tôi: rằng thực hiện những điều mà ông Gates và bà Clinton tuyên bố là cần phải làm (đáp lại TQ bằng các chương trình cải tiến quân sự của chúng ta và đảm bảo tự do thông thương và tự do tiếp cận hải phận quốc tế tại châu Á) là rất tốn kém. Đúng vậy. Duy trì an ninh quốc gia là một nỗ lực rất tốn kém. Nhưng lịch sử của chúng ta đã chứng minh, sự yếu kém quân sự (như giai đoạn trước Trân Châu Cảng, trước Chiến tranh Triều Tiên) khi đối diện với những đe dọa mới lại còn đắt giá hơn, về nhân mạng và ngân sách.
Bài nghiên cứu của chúng tôi không đưa ra tổng số phí tổn để xây dựng các khả năng quân sự mà chiến lược Mỹ cần đến. Nhưng vì ngân sách quốc phòng cơ bản hiện nay đang ở mức thấp nhất sau Thế chiến II, tức 3,5% GDP, cho nên bình ổn nó ở mức 4% GDP, con số mà Traub cho biết ứng viên Tổng thống Cộng hòa Mitt Romney muốn đề xuất, có vẻ là một khởi điểm hợp lý. Chúng tôi thực sự nhận ra được một số khả năng quân sự cần thiết cho chiến lược Mỹ (theo Traub, Blumenthal đã bàn rộng về điểm này trong bản điều trần trước quốc hội gần đây ). Một cách hữu hiệu để thoát khỏi sự phá sản chiến lược – một tình trạng mà một quốc gia lâm vào khi nó không đủ ngân sách để tài trợ những cam kết đã đưa ra – là phải cung cấp nguồn lực thích đáng cho các kế hoạch đã được Bộ Quốc phòng đề xuất. Nhưng điều đáng lo ngại là, chính quyền Obama không chịu tài trợ các khả năng quân sự mà quân đội cho là cần thiết để thực thi các sứ mệnh mà các chủ nhân ông dân sự (civilian masters) đã giao phó cho họ.
Chẳng hạn, Hải quân Mỹ cần 328 chiến hạm so với con số 284 hiện nay, nhưng Văn phòng Ngân sách Quốc hội đã tuyên bố mục tiêu đó nằm ngoài khả năng thực hiện. Nói rõ hơn, đội tàu ngầm tấn công hạt nhân chắc chắn sẽ chịu thêm nhiều sức ép. Yêu cầu mà Hải quân đã công bố là 48 tàu loại này. Tuy nhiên, nếu kế hoạch đóng tàu 30 năm của Hải quân không nhận thêm ngân sách, Hải quân Mỹ sẽ khó đạt đủ số 48 tàu ngầm. Ngoài ra, không có một điều khoản nào trong kế hoạch đóng tàu cho phép gia tăng sản xuất khẩn cấp để đáp lại việc TQ càng ngày càng có thêm nhiều tàu ngầm. Trong 16 năm liền, trung bình mỗi năm TQ đưa vào hoạt động trên hai tàu ngầm. Hiện nay TQ có trên 60 tàu ngầm tấn công trong đội tàu ngầm của mình, và đang đóng thêm nữa. Và khác với Mỹ là nước đang phân tán mỏng đội tàu ngầm của mình khắp Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, và Ấn Độ Dương, TQ tung tất cả tàu ngầm sẵn có vào Đông Á và Đông Nam Á.
Trong khi đó, theo ước tính của Không quân, binh chủng này sẽ thiếu hụt một số lượng chóng mặt là 800 máy bay chiến thuật trong vài năm tới. Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ ước tính sẽ sẽ thiếu hụt 200 máy bay chiến đấu trong cùng một giai đoạn. Hãy so sánh sự kiện này với việc TQ tăng cường lực lượng máy bay chiến đấu, kể cả chiếc máy bay chiến đấu tàng hình mới ra mắt đã khiến giới quan sát tình hình TQ (kể cả chúng tôi) thêm một lần nữa phải ngạc nhiên.
Bộ Quốc phòng đã ước tính những thiếu hụt của mình trước khi Chính quyền Obama và Quốc hội đề nghị cắt thêm 1.000 tỷ đôla trong các chương trình quốc phòng trong 5 năm tới. Những cắt giảm ngân sách này không những có ý nghĩa là Bộ Quốc phòng sẽ không thực hiện được những chương trình đầu tư hiện tại. Nếu được thực thi, những cắt giảm mới này còn có ý nghĩa là mọi hệ thống thiết bị mà quân đội cho là cần thiết trong tương lai sẽ bị lâm nguy (chẳng hạn, một loại máy bay ném bom hiện đại hơn, những hệ thống không gian, có lẽ cả tàu sân bay).
Những người đề nghị cắt giảm ngân sách quốc phòng không bao giờ trả lời câu hỏi này: Sẽ có những thiệt hại nào do việc không cung cấp đủ nguồn lực để thực hiện các kế hoạch và chính sách Mỹ? Mỹ sẽ rút lui những cam kết nào, và bằng cách nào? Với Đài Loan? Với Nhật Bản? Với quyền tự do tiếp cận Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]? Có cách nào để Mỹ nhường châu Á lại cho TQ một cách tế nhị không? Có cách nào để làm việc này một cách hòa bình, không thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa nhiều nước trong khu vực? Với tư cách một quốc gia, liệu chúng ta có thể khấm khá được không nếu phải cầu xin TQ cho phép sử dụng những tuyến đường mậu dịch châu Á?
Traub so sánh bài nghiên cứu của chúng tôi với tư duy của các Lý thuyết gia Chiến tranh Lạnh như Herman Kahn và ông sử dụng từ ngữ của thời Chiến tranh Lạnh như “đẩy lùi” (roll back). Nhưng bài nghiên cứu của chúng tôi dứt khoát tránh xa một sự so sánh nào với Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh Lạnh là một ẩn dụ quá thô thiển để mô tả quan hệ Mỹ-Trung hiện nay. TQ là một đối tác kinh tế, và Washington đã dấn thân sâu sắc vào một chính sách ngoại giao thân thiện, cố tình thuyết phục TQ chấp nhận địa vị đại cường của mình một cách hòa bình. Đồng thời, chúng ta cũng đang cố gắng quân bình lực lượng với TQ và có những biện pháp đề phòng nhằm chống lại một TQ hiếu chiến. Bài nghiên cứu của chúng tôi đề xuất một chiến lược nhằm thực hiện thành công hai điều vừa nói (các tác giả khác đã viết nhiều về những điều kiện cầu thân [engagement’s requirements] với TQ). Chính vì sự kềnh cựa an ninh quốc phòng Mỹ-Trung hiện nay rất khác với Chiến tranh Lạnh trước đây khiến chúng tôi nhận thấy rằng nước Mỹ đang bức thiết cần đến một nghệ thuật quản lý nhà nước tinh vi (sophisticated statecraft). Chúng ta cần phải kết hợp đúng đắn cùng một lúc vừa cầu thân, vừa quân bình lực lượng vừa đề phòng TQ.
Chiến lược quân bình lực lượng và đề phòng TQ cần đến nhiều lựa chọn khác nhau để tránh điều mà Traub mô tả đúng đắn là “Armageddon” [trận Đại chiến trước ngày Tận thế]. Chúng tôi kêu gọi những lựa chọn mang tính [chiến tranh] quy ước, để khỏi đánh vào một Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có trang bị vũ khí hạt nhân, với hy vọng rằng một chiến lược như thế trước hết sẽ tăng cường khả năng ngăn chặn và tránh trận Đại chiến hủy diệt nhân loại nếu chính sách ngăn chặn có thất bại đi nữa. Chiến lược này có mục đích làm trì hoãn tiến trình leo thang quân sự hơn là thúc đẩy nó.
Ý kiến cho rằng chúng ta đang biến hoang tưởng thành hiện thực – đang biến TQ thành quốc gia thù nghịch bằng cách ứng xử với TQ như một kẻ thù – gợi lên hình ảnh con rồng, một con vật tưởng tượng mà vẫn có người tin. Mỹ đã cố gắng làm nhiều điều hơn bất cứ quốc gia nào khác để “biến TQ thành một người bạn” bằng cách chào đón TQ gia nhập cộng đồng quốc tế. Nhưng than ôi, cho đến nay TQ vẫn chưa biến “lời tiên tri của Mỹ về tình hữu nghị” thành hiện thực. Thay vào đó, TQ đã tiên tục xây dựng cái mà tất cả các nhà quan sát khả tín gọi là một quân đội gây bất ổn (a destabilizing military), một hành động đã thay đổi nguyên trạng (the status quo) bằng cách dí súng vào đầu Đài Loan thậm chí cả khi Đài Loan có những nỗ lực hòa bình, bằng cách tuyên bố chủ chuyền thêm nhiều lãnh thổ hơn bao giờ hết trên Biển Đông, và bằng các âm mưu ức hiếp và hù dọa Nhật Bản.
Traub thắc mắc là liệu các quốc gia đồng minh và đối tác của chúng ta có muốn tham gia một “liên minh chống Trung Quốc” hay không, như từ ngữ ông dùng để mô tả. Theo nghiên cứu của chúng tôi, tất cả các quốc gia đồng minh, đối tác, và có tiềm năng đối tác với Mỹ đều đã hiện đại hóa quân đội của mình để phản ứng lại TQ. Và các quốc gia này sẽ tiếp tục làm như thế bất chấp Mỹ có theo đuổi cái mà Traub sẽ coi là một chiến lược “chống TQ” hay không. Ngay cả một nước có thái độ thư giãn như Australia cũng đã lên kế hoạch tăng gấp đôi đội tàu ngầm của mình – Australia không làm điều này nhằm đẩy lui sự tấn công của đảo quốc tí hon Fiji.
Bài nghiên cứu của chúng tôi lý luận rằng đã đến lúc Mỹ phải đưa ra sự hỗ trợ nghiêm chỉnh hơn [với các nước trong khu vực] để tình hình khỏi rơi ra ngoài vòng kiểm soát. Chẳng hạn, một sự hiện diện và cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với nền an ninh của khu vực này có thể giúp các nước tránh được một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Mỹ có thể là một lực lượng “hà hơi tiếp sức” (a force multiplier) bằng cách cung cấp tin tức tình báo, tuần tra, và thám thính, những khả năng chỉ một mình Washington có được, và bằng cách huấn luyện và trang bị quân đội của các đồng minh và các nước bạn.
Chiến lược này là một phương cách để bắt đầu đưa châu Á trở lại quân bình lực lượng trong khi TQ tìm cách thay đổi nguyên trạng. Chúng tôi chỉ sợ rằng, nếu không làm được như thế thì sẽ dẫn đến một cuộc Chiến tranh tận diệt.
T. N.C
Dan Blumenthal và Michael Mazza là những học giả của trung tâm nghiên cứu American Enterprise Institute. Mark Stokes là giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Dự án 2049 (the Project 2049 Institute)
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
Tránh Chiến tranh tận diệt với Trung Quốc
---
– Nga và Trung Quốc đã ngăn chặn “Chiến tranh thế giới thứ III”? (Tamnhin.net).- - Cơ quan đặc vụ của Nga bắt giữ một gián điệp Trung Quốc – (RFI).