Triệu Phong/Người Việt
WESTMINSTER - WikiLeaks tiết lộ công điện ngoại giao về việc Hiệp Hội Công Nghiệp Thu Âm Việt Nam (RIAV) xác nhận thắng một kèo lớn đối với FPT, một tay cỡ bự về viễn thông trong nước, trong trận chiến chống vi phạm sản phẩm trí tuệ.
Trụ sở FPT tại Hà Nội. (Hình: Hoàng Đình Nam/Getty Images) |
Sau nhiều tháng đeo đuổi vụ kiện vi phạm tác quyền âm nhạc của FPT, công ty làm ăn chung với Nokia, cuối cùng RIAV nhận được tiền bồi thường $300,000, qua sự dàn xếp bên ngoài tòa án.
RIAV mạnh dạn đứng dậy
RIAV, viết tắt từ “The Recording Industry Association of Vietnam,” một tổ chức gồm 27 công ty thuộc kỹ nghệ thu băng đĩa, đại diện cho ca nhạc sĩ người Việt trong nước cũng như ở hải ngoại, nhằm bảo vệ sản phẩm trí tuệ trong kỹ nghệ âm nhạc ở Việt Nam.
Giám đốc RIAV, Huỳnh Tiết, gặp gỡ viên tham tán kinh tế hôm 2 tháng 7 để giải thích về nỗ lực của RIAV, nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của các thành viên. Hội có được những thỏa ước tập thể với các công ty thu nhạc cũng như những cá nhân các nghệ sĩ, vốn sản xuất và phân phối nhạc, đồng thời có hai mươi trang mạng âm nhạc được cấp giấy phép chuyển tải nhạc của các thành viên theo yêu cầu. RIAV thu được một phần lợi nhuận, đồng thời trả tiền hoa hồng cho các thành viên, căn cứ trên báo cáo hằng tháng về thuế của các trang mạng. Ngoài ra RIAV còn hoạt động canh chừng sự vi phạm tác quyền của thành viên nơi các trang mạng. Ví dụ, theo ông Tiết, không lâu sau khi RIAV mới thành lập vào cuối năm 2007, mặc dù thiếu ngân sách lẫn kinh nghiệm, họ bám sát hai trang mạng âm nhạc săn trộm nhạc của thành viên của mình, và làm việc với các ban ngành ở Việt Nam để đóng cửa các trang mạng đó.
Ðối đầu với FPT/Nokia
Theo thỏa thuận ký kết khuyến mãi vào cuối năm 2007 giữa Nokia với FPT, công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, Nokia đưa ra một chương trình khuyến mãi, theo đó người mua điện thoại di động của mình, có thể vào trang mạng của FPT để chuyển tải nhạc và các âm điệu điện thoại reo xuống. RIAV có thỏa thuận riêng với FPT ngoại trừ Nokia. RIAV đại diện các công ty thâu nhạc, khẳng định, FPT đã không hỏi ý kiến của họ “trước khi chuyển quyền sử dụng sang nhóm thứ ba”. RIAV nói, trong khi FPT có ký thêm thỏa thuận với 5 công ty phân phối và một vài ca sĩ để được phép dùng nhạc của họ, các thỏa thuận của FPT không phù hợp với tác quyền trong hợp đồng giữa RIAV/FPT.
Ông Tiết cho biết, RIAV thực hiện vụ kiện năm 2008 theo ba mũi dùi: Chuẩn bị vụ kiện trên mặt pháp lý, thương lượng trực tiếp với FPT/Nokia, và phổ biến rộng rãi chi tiết vi phạm tác quyền của FPT/Nokia đến khắp giới truyền thông. RIAV nói hy vọng đây sẽ tạo một “tiền lệ” đồng thời cảnh tỉnh trước công luận.
Nokia là người đầu tiên chấp nhận sự sai trái của mình trong cuộc gặp gỡ với RIAV vào tháng 4, 2008, nhưng khẳng định rằng FPT mới chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Vừa thương thuyết, vừa làm mất mặt, vừa kiện
RIAV thương lượng với FPT nhưng không đạt được thỏa thuận đóng cửa trang mạng, cũng như đền bù cho các thành viên của RIAV. Kết quả là RIAV nộp đơn kiện FPT vi phạm tác quyền về âm nhạc vào tháng 10, 2008. Về phần mình, ông Tiết nói, FPT bác bỏ việc thương thuyết để bãi nại trong nhiều tháng trời, cho đến khi Nokia áp lực FPT phải hành động, nếu không họ sẽ kiện FPT ở Singapore vì diễn dịch sai lạc thỏa ước khuyến mãi về âm điệu điện thoại reo của mình. FPT đồng ý trả $300,000 với điều kiện việc thương lượng này không được công bố trước công chúng. Tuy nhiên trên thực tế FPT khẩn cầu RIAV giữ yên lặng về số tiền trả vì FPT không muốn thông tin nào bị xì ra thêm nữa.
Ông Tiết ngạc nhiên về việc chính quyền Việt Nam, đặc biệt là Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch, mở cuộc điều tra độc lập và nhận thấy cả Nokia lẫn FPT phải chịu trách nhiệm về pháp lý. Ông ghi nhận rằng nỗ lực của chính quyền do sự thúc đẩy của thứ trưởng Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch, Trần Chiến Thắng (trong công điện ghi là Tran Chien), người đồng thời cũng là giám đốc của RIAV.
Vì Nokia và FPT thường xuyên nhắc nhở RIAV về ảnh hưởng của mình ở trong nước, ông Tiết tin rằng sự yểm trợ của chính phủ Việt Nam là cần thiết và cho thấy sự gia tăng tầm nhận thức cùng nỗ lực mới của chính quyền nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Luật về quyền sở hữu trí tuệ vừa mới được bổ túc, tăng tiền phạt vi phạm từ 100 triệu đồng Việt Nam ($5,500) lên đến 500 triệu ($27,700).
Sự thành công của RIAV cho thấy trong khi hệ thống tư pháp Việt Nam còn cần phải làm việc nhiều hơn nữa, tầm nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ đang trên đà mạnh mẽ ở Việt Nam. Tạo cho người giữ bản quyền được bảo vệ tài sản trí tuệ của họ hơn.
Ðể các nhà sản xuất bớt đi các hoạt động bất hợp pháp, câu trả lời tối hậu tùy thuộc vào việc thi hành cưỡng bách các luật lệ về tác quyền và một hệ thống tòa án tốt hơn.
______Liên lạc tác giả: Trieu.Phong@nguoi-viet.com- Wikileaks:“Ðại gia” FPT từng bị kiện $300 ngàn