Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Wikileaks: Vàng - nơi ẩn nấu cuối cùng


Giải mã giá vàng Việt Nam


Ðông Bàn/Người Việt

WESTMINSTER - Người Việt Nam có niềm tin mãnh liệt vào giá trị của vàng. Niềm tin ấy thể hiện rõ rệt ở hai ngàn tiệm vàng trên địa bàn thành phố Sài Gòn, và tạo thành một thị trường độc đáo hiếm thấy ở đất nước này: Hiệu quả nhất, minh bạch nhất, và tự do nhất!


Mua vàng tại một tiệm vàng ở Sài Gòn, hình minh họa, chụp ngày 9 tháng 8, 2011. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Vàng còn là “nơi trú ẩn an toàn” cho nền kinh tế Việt Nam. Người dân giữ vàng để tích trữ tài sản, và người dân dùng vàng để đối phó với bất ổn của nền kinh tế.
Vì rất nhiều lý do, vàng được xem là “chỉ số xác định niềm tin,” là “chỉ số quan trọng hàng đầu,” là “van an toàn,” là “chỉ số của mọi chỉ số,” phản ánh niềm tin của người dân đối với chính sách kinh tế của nhà nứoc.
Công điện ngày 18 tháng 12, 2009 của Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, phối hợp với Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, có bài phân tích chi tiết “cơ chế” hoạt động của thị trường vàng tại Việt Nam cùng ảnh hưởng của thị trường này lên các quyết định kinh tế khác của nhà nứoc.

Vàng, chỉ số của mọi chỉ số?

Công điện viết: “Người dân Việt Nam trữ vàng; xem vàng là món đầu tư, là phương tiện chống lạm phát, là giải pháp an toàn đối phó với những thay đổi xoành xoạch, không thể lường trước được, trong chính sách kinh tế của nhà nước.”
Một nhà đầu tư tại Sài Gòn gọi vàng là “chỉ số quan trọng tối hậu để đo niềm tin,” và giải thích, “khi người dân Việt Nam thấy chính sách nhà nứoc bắt đầu đi xa khỏi thực tế thị trường, họ bắt đầu chuyển sang tích trữ vàng.”
Nhiều nhà kinh doanh dùng vàng làm phương tiện trốn thuế hoặc né tránh các giới hạn mà chính phủ đặt ra cho ngoại tệ. Các doanh nghiệp, và cả cá nhân, dùng thị trường vàng - một thị trường rất “tự do” - để thực hiện các giao dịch mua bán ngoại tệ.
Vì tầm quan trọng ấy, tổng số giao dịch hàng ngày trên thị trường vàng tại Việt Nam lên đến $3 tỷ, vượt xa thị trường chứng khoán (thường có tổng số giao dịch hàng ngày dưới $100 triệu).
Sự linh hoạt của thị trường vàng tại Việt Nam khiến các quan chức cao cấp của chính phủ ngày càng để mắt đến nhiều hơn; và họ thảo luận giải pháp hạn chế hoạt động mua bán vàng.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, ban hành luật siết thị trường vàng sẽ dẫn đến thị trường ... chợ đen. Lý lẽ khá rõ ràng: Siết chặt hoạt động của thị trường vàng nhằm ổn định giá trị tiền đồng đồng nghĩa chính phủ dẹp bỏ luôn “van xì hơi” quan trọng của nền kinh tế; một nền kinh tế pha trộn giữa tư nhân và quốc doanh.

Một thị trường lạ lùng

Thị trường vàng tại Sài Gòn vô cùng độc đáo, và giá vàng tuân theo những nguyên tắc lạ lùng. Có những lúc, giá vàng bán ra trên thị trường Sài Gòn thấp hơn giá bán ra trên thị trường thế giới; những lúc khác, chẳng hạn những ngày sát với thời điểm điều chỉnh tỉ giá hối đoái hoặc lãi suất, giá vàng nội địa vọt hẳn lên, cao hơn giá vàng thế giới đến 20%.
Theo lời ông Huỳnh Trung Khánh, đại diện Hội Ðồng Vàng Thế Giới tại Việt Nam (World Gold Council), những dao động khó hiểu của thị trường vàng, đặc biệt là sự chênh lệch giá vàng giữa thị trường Việt Nam và thế giới, có nguồn gốc từ nhiều yếu tố khác nhau. Trong số này, không thể không kể đến lý do chính phủ Việt Nam “gắn” giá tiền đồng với đồng đô la Mỹ, đồng thời giới hạn nhập cảng vàng để khống chế thâm thủng mậu dịch.
Ðể khống chế lượng vàng đưa vào Việt Nam, Ngân Hàng Nhà Nứoc đưa ra “quota,” đồng thời chỉ cho phép khoảng 10 công ty được độc quyền nhập khẩu vàng. Trong số này, có thể kể đến các công ty lớn, như Công Ty Vàng Bạc Ðá Quý Saigon (Saigon Gold and Jewelry Company), Công Ty Vàng Bạc Ðá Quý Phú Nhuận (Phu Nhuan Gold and Jewelry Company), Công Ty Vàng Bạc Ðá Quý Sacombank (Sacombank Jewelry), Công Ty Vàng Bạc Agribank (Agribank Gold and Silver Company), và Ngân Hàng Thương Mại Á Châu (Asia Commercial Bank).
Theo ước tính của Hội Ðồng Vàng Thế Giới, Việt Nam cần từ 20 đến 22 tấn vàng mỗi năm; và khoảng 70% số vàng nhập khẩu hồi năm ngoái nay được người dân mua, cất trong nhà.
Chính sách hạn chế lượng vàng nhập khẩu khiến số “cung” giảm đi, khiến giá vàng nội địa cao hơn giá vàng thế giới. Sự chênh lệch này đưa đến tình trạng... buôn lậu.
Con đường buôn lậu vàng là đường biên giới Việt Nam-Cambodia. Vàng lậu, sau khi vào Việt Nam, nằm gọn trong 2 ngàn tiệm vàng tư nhân tại Sài Gòn. Các tiệm này mua vàng trả bằng đô la; tiền đô la này lại được mua ở thị trường chợ đen, theo “giá thị trường.” Các tiệm vàng này, sau đó, bán lại vàng cho người mua, và được trả bằng đô la Mỹ hoặc tiền đồng, theo tỉ giá của “thị trường tự do.”
Hàng năm, khoảng 40 đến 50 tấn vàng được đưa lậu vào Việt Nam. Và tổng số vàng được người dân giữ trong nhà vào khoảng 600 đến 700 tấn, tương đương $22 đến $25 tỷ. Có thể nói, lượng vàng được người dân cất giữ cao hơn rất nhiều lượng vàng dự trữ của chính phủ.
Hồi cuối tháng 11, Nhà nước công bố chính sách siết chặt hơn nữa số vàng nhập khẩu vào nội địa. Một kinh tế gia nhận định, điều này tạo áp lực rất lớn lên tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ trên thị trường chợ đen ở Sài Gòn. Lý do là vì hai ngàn tiệm vàng ở Sài Gòn cần mua vàng từ Cambodia, phải trả bằng tiền đô la, mà số đô la này được mua ở thị trường chợ đen, với giá đắt hơn so với giá chính thức do nhà nước quy định. Tình trạng này khiến thị trường ngoại tệ - vốn đã rất căng thẳng - trở nên căng thẳng hơn nữa, và khiến giới làm ăn phải chạy đôn chạy đáo đi tìm nguồn đô la thanh toán cho các giao dịch với ngoại quốc. Trước hoàn cảnh này, Ngân Hàng Nhà Nước lại phải đi tìm những cách thức mới để bơm thêm đô la vào hệ thống ngân hàng.
Vàng, đối với người Việt Nam, là phương tiện quan trọng để tránh né những rắc rối trên thị trường ngoại tệ, một chuyên viên ngân hàng nhận định. Nhân vật này nói, tình trạng này sẽ còn tiếp tục cho đến khi Việt Nam tự do hóa hoàn toàn tỷ giá tiền đồng và tiền đô. Trong khi các tiệm vàng bị nhà nước cấm ngoại tệ, thì rõ ràng là họ (các tiệm vàng) vẫn cứ bán ngoại tệ, bán khắp nơi. Tình trạng này rõ ràng đến nỗi báo chí (do nhà nước quản lý) lại đi cập nhật tỷ giá hối đoái trên thị trường... chợ đen.
Ðối với doanh nghiệp hay cá nhân thực hiện các giao dịch lớn và không muốn dây vào các rắc rối về thuế và giấy tờ hành chánh, vàng trở thành thứ “tiền tệ” quan trọng.
Mặc dầu tiền đô và tiền đồng ngày càng được chấp nhận nhiều hơn, sự chênh lệch giá đô la giữa thị trường chợ đen và thị trường chính thức của nhà nước trong năm 2009 khiến những người mua bán các món hàng lớn (nhà cửa chẳng hạn) không thích trả bằng tiền đô la. Lý do là vì họ gặp rủi ro trong những dao động không lường trước trong tỷ giá đô la và tiền đồng. Trong những trường hợp như thế, vàng luôn là giải pháp “truyền thống và tiện lợi nhất.”
Ngoại trừ các công ty vàng bạc đá quý hoặc ngân hàng lớn, các tiệm vàng thường không nộp thuế cho nhà nước trong những giao dịch liên quan đến vàng, và vì vậy nhà nước chẳng bao giờ cần biết chính xác là có bao nhiêu vàng được bán ra hay mua vào. Và chính nhà nước cũng gián tiếp thừa nhận tình trạng “ngoài sổ sách” trong thị trường vàng. Các tiệm vàng ở Sài Gòn trả một số tiền thuế cố định cho cơ quan hữu trách, và không quan tâm đến lượng vàng mua vào, bán ra, hay tiền lời lỗ.
Giới chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh rằng vàng là món hàng quan trọng trong những giai đoạn lạm phát cao tại Việt Nam, chẳng hạn giai đoạn 2008.

Minh bạch nhất

Giá vàng cũng là chỉ số phản ánh rõ rệt tâm lý người dân đối với tình trạng thâm thủng mậu dịch, thâm thủng ngân sách, và tiên đoán về giá trị tiền đồng trong tương lai.
Giá trị thật của tiền đồng được đánh giá dựa trên nền kinh tế, các chuyên gia nói rằng thậm chí trong trường hợp không có lạm phát cao, người dân cũng sẽ trữ vàng chứ không trữ tiền đồng, và điều này sẽ còn tiếp diễn cho đến khi tiền đồng có tính thanh khoản cao hơn.
Bí mật của sự thành công của thị trường vàng tại Sài Gòn nằm ở chỗ, thị trường này hoạt động hoàn toàn trong môi trường không luật lệ và không quy định.
Giới phân tích tại Sài Gòn nói rằng, cho dầu có luật hạn chế nhập khẩu vàng, một khi vàng chui vào được trong nước rồi, hoạt động giao dịch rất ít bị chi phối bởi luật, và nhờ đó thị trường này ngày càng phình to ra.
Giới phân tích nhận định, vì thiếu luật mà thị trường vàng phát triển, và qua đó “vàng có tính thanh khoản cao hơn chứng khoán; mỗi giao dịch mua bán vàng có thể được thực hiện chớp nhoáng, không phải chờ 3 ngày như bên chứng khoán. Trong thị trường vàng, sự cạnh tranh khiến chi phí phụ giảm xuống, và thông tin thì hoàn toàn minh bạch. Thị trường chứng khoán hoàn toàn không có những điều này.”
Bài học rút ra từ các tiệm vàng ở Sài Gòn là: Thị trường tự do hoạt động rất hiệu quả tại Việt Nam.
Với một thị trường hoàn toàn không bị kiểm soát, niềm tin trên thị trường rất cao, và cao đến nỗi người dân thường hoàn toàn không đắn đo khi mua bán với số lượng lớn tại các tiệm vàng nhỏ. Những loại tranh tụng về việc mua hàng mà không được giao hàng rất hiếm khi xảy ra.
Bài học thứ hai, thị trường vàng đóng một lúc hai vai trò: “Van” an toàn cho nền kinh tế và thước đo thực trạng những gì đang xảy ra trong các thị trường bị kiểm soát chặt chẽ, chẳng hạn thị trường chứng khoán và thị trường ngoại tệ.
Trước ngày 24 tháng 11, ngày Ngân Hàng Nhà Nước công bố điều chỉnh chính sách, chỉ cần lướt một vòng thị trường chợ đen để tìm hiểu tỷ giá tiền đồng và tiền đô tại các tiệm vàng ở Sài Gòn, có thể thấy tỷ giá chính thức do nhà nước quy định thiếu thực tế một cách nguy hiểm.
Một hành động nhằm ngăn chặn hoạt động trên thị trường vàng của Sài Gòn có thể tạo hiệu quả tai hại, làm xói mòn niềm tin vào tiền đồng.
Lý do là vì chính sách ấy chẳng khác gì việc khiến người dân thấy rằng họ cần phải gia tăng trữ vàng để phòng hờ trường hợp bất ổn kinh tế.

––––––-
Liên lạc tác giả: DongBan@nguoi-viet.com



-Vàng - nơi ẩn nấu cuối cùng

Tổng số lượt xem trang