Trần Đông Phong
Những tin tức liên quan đến vai trò của người Mỹ trong cuộc đảo chánh đưa đến cái chết của Tổng Thống VNCH Ngô Ðình Diệm vào ngày 2 tháng 11 năm 1963 càng ngày càng được tiết lộ thêm qua các tài liệu được giải mật, tuy nhiên có một tài liệu rất ít người biết đến, đó là việc Tổng Thống Hoa Kỳ Kennedy đã bí mật gửi một người bạn rất thân là Dân biểu Torbert Macdonald sang gặp TT Ngô Ðình Diệm vào tháng 10 năm 1963.
Trong một cuốn sách nhan đề “The Dark Side of Camelot” (Mặt trái của TT Kennedy) xuất bản vào năm 1997, nhà báo Seymour M. Hersh đã tiết lộ nhiều chi tiết về TT Kennedy và Việt Nam, đặc biệt là những tin tức liên quan đến đến quan điểm của Kennedy và các cố vấn thân cận của ông đối với Miền Nam Việt Nam cũng như là đối với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu.
Seymour M. Hersh là một trong những ký giả chuyên về điều tra hàng đầu (premier investigative reporters) của Hoa Kỳ. Năm 1969, ông là người đầu tiên viết về vụ thảm sát Mỹ Lai, trong thập niên 1970 ông làm việc cho nhật báo New York Times và đã được hàng chục giải thưởợng về báo chí rất quan trọng, trong đó có Giải Pulitzer năm 1970 về tường trình quốc tế (International Reporting). Ông là tác giả sáu cuốn sách nổi tiếng trong đó có cuốn “The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House” đã được giải National Book Critics Circle Award và Los Angeles Times Book Award.
Trong phần giới thiệu cuốn sách The Dark Side of Camelot, nhà xuất bản Little, Brown and Company nói rằng:
“Tác giả Seymour Hersh trình bày cho chúng ta thấy một John F. Kennedy mà chúng ta chưa hề biết đếnà Kennedy chỉ tin cậy những người trong dòng họ Kennedy. Jack chỉ định em trai là Robert Kennedy giữ gìn những bí mật của gia đình: món nợ đối với băng đảng tội ác (Mafia), thực trạng về sức khoẻ của TT Kennedy, nguồn gốc của sự thắng cử của Kennedy, những âm mưu thanh toán các vị lãnh đạo ngoại quốc và nhất là chủ trương của TT Kennedy đối với vấn đề Việt Nam.”
Trong lời nói đầu của tác giả, Seymour Hersh nói rằng:
“Ðây không phải là một cuốn sách viết về những giai đoạn đầy hào quang, những chính sách vinh quang của John Kennedy. Ðây cũng không phải là cuốn sách viết về cái thời gian đầy bi thảm sau cái chết của ông và nguyên nhân tại sao ông đã bị giết chết.
Những chính sách của Kennedy và cuộc đời của ông đã có nhiều giai đoạn tuyệt vời. Sau khi từ trần, hào quang và sự khôn ngoan của ông được phối hợp thêm với những sự thành công trên lãnh vực đối ngoại cũng như là lãnh vực đối nội–thật sự cũng có mà tưởng tượng ra cũng có- để tạo ra những huyền thoại cho Camelot (TT Kennedy).
Nhưng mà cũng có một mặt trái của Camelot, và của Kennedy.”
Nhận thấy trong cuốn sách này, tác giả Seymour M. Hersh có đưa ra nhiều chi tiết về Tổng Thống John F. Kennedy, nhất là một số chi tiết liên quan đến chính sách về Việt Nam của ông, có liên quan đến cuộc đảo chánh 1-11-1963 và cái chết bi thảm của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cùng với bào đệ là ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu mà đa số người Việt Nam chưa hề được biết đến, người viết xin tóm lược lại Chương thứ 23 trong cuốn sách để cho người đọc có thêm một vài khái niệm về giai đoạn lịch sử này.
Người viết cũng xin minh xác rằng những tài liệu trong cuốn sách The Dark Side of Camelot không phải là những tài liệu mật, cũng không phải là những tài liệu chính thức mới được giải mật, đó chỉ là những tài liệu do tác giả Seymour Hersh sưu tầm qua những cuộc phỏng vấn những nhân vật có nêu rõ tên tuổi, do đó có thể được xem là có thể tin được. Bằng chứng cho thấy là S. Hersh tiết lộ nhiều điều chẳng mấy tốt đẹp gì về đời tư của Tổng Thống Kennedy, tuy nhiên sau khi cuốn sách này được xuất bản vào năm 1997, tác giả cũng như là nhà xuất bản không hề bị gia đình Kennedy đưa ra toà về tội phỉ báng hay mạ lỵ. Ngược lại, có những lời đồn đại nói rằng cuốn sách này sở dĩ bán chạy cho đến nỗi chỉ vài tháng sau khi phát hành, cuốn sách đã hoàn toàn bị biến mất trên thị trường, đó là vì gia đình Kennedy đã bỏ tiền ra mua hết.
Người viết xin lưu ý độc giả rằng những tài liệu do S. Hersh đưa ra hoàn toàn do tác giả sưu tầm và người đọc cần phải suy luận trước khi đánh giá những tài liệu này.
*
Phe Kennedy gian lận bầu cử năm 1960
Ngoài chương thứ 23 nói về Việt Nam, trong những chương khác S. Hersh Nhận có đưa ra một số chi tiết về sự thành công của Kennedy trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960 và nhất là những liên hệ tình dục quá phóng túng của Kennedy trong giai đoạn trước ngày ông bị ám sát mà đa số người Việt Nam chúng ta chưa hề được biết, người viết xin tóm trích lại một vài chi tiết mà Seymour Hersh đã tiết lộ về những chuyện này.
Trong Mặt Trái của Camelot, Seymour Hersh đã viết những điều ít người hay biết về gia đình Tổng Thống Kennedy, nhất là liên hệ giữa thân phụ của ông với băng đảng tội ác Mafia.
Hersh cho biết thân phụ của Kennedy là Joseph Kennedy đã cộng tác với Mafia để hành nghề buôn rượu lậu dưới thời Prohibition (Cấm bán rượu) vào thập niên 1920-1930 do đó mà trở nên vô cùng giàu có. Nhờ sự liên hệ này với Mafia mà sau này, khi con trai là John F. Kennedy ra ứng cử tổng thống vào năm 1960, Joseph Kennedy đã đi đêm với Sam Giancana, bố già Mafia trong vùng Chicago để y bảo đảm cho đàn em, tay chân bộ hạ trong băng đảng Mafia đi “vận động” bắt buộc những người có chân trong những nghiệp đoàn do Mafia kiểm soát (mob-controlled unions) ở Chicago và những tiểu bang phụ cận bỏ phiếu cho Kennedy, đồng thời ra lệnh cho nghiệp đoàn mang tiếng là thối nát Teamters Union dùng tiền quỹ hưu trí của đoàn viên để đóng góp vào quỹ vận động tranh cử tổng thống của Kennedy. Hersh cũng cho biết rằng “một vài tháng sau cuộc bầu cử, có nhiều tin đồn về sự gian lận bỏ phiếu (vote fraud) tại tiểu bang Illinois đã được trình lên cho Bộ Tư Pháp do chính Bobby Kennedy làm bộ trưởng -nhưng không hề được sự đáp ứng nào. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1960 đã bị đánh cắp (stolen).”
Trong một cuốn hồi ký mang tên là My Story của Judith Campbell Exner xuất bản vào năm 1967, người tình cũ của cả Kennedy và Giancana vào đầu thập niên 1960 này cho biết rằng ông trùm Mafia có nói với bà như sau: “Này cưng ơi, nếu không có tôi thì người bạn trai của em đã không được ngồi trong Toà Bạch Ốc đâu!” (Listen, honey, if it wasn’t for me, your boyfriend wouldn’t even be in the White House).
Theo tác giả Seymour Hersh thì em trai của TT Kennedy cũng biết rất rõ về chuyện này: “Như Bobby Kennedy cũng biết, TT Kennedy và Sam Giancana không những có chia sẻ với nhau về việc gian lận bầu cử và âm mưu ám sát (Fidel Castro), cả hai người này cũng còn chia sẻ một mối tình thân thiết với một người phụ nữ ly dị chồng và cũng là một nghệ sĩ xinh đẹp và nổi tiếng tên làJudith Campbell Exner tại thành phố Los Angeles. Những cuộc phỏng vấn sau này cho biết Judith Exner đã gặp Kennedy lần đầu tiên vào đầu năm 1960 qua sự giới thiệu của tài tử Frank Sinatra, cũng là tình nhân của Judith, và cô ta không những chỉ là người tình (sex partner) của tổng thống mà còn đóng vai trung gian chuyển tài liệu của TT Kennedy và Bobby Kennedy cho Giancana và đồng nghiệp Mafia của hắn, còn chuyển cả mấy cái túi đầy tiền mặt nữa. Martin U. Underwood, một nhân viên tiền đạo của Bạch Cung cho biết vào năm 1966 rằng ông ta được lệnh theo dõi Judith Exner đi bằng xe lưả từ Los Angeles đến Chicago và khi chuyến tàu này đến Chicago thì ông ta chứng kiến Judith Exner đã giao một cái túi cho người của Giancana dang đứng đợi tại sân ga. Trong nhiều cuộc phỏng vấn về sau cho cuốn sách này, Exner đã thú nhận với tác giả rằng cô ta đã chuyển giao tiền bạc, rất nhiều tiền, của các nhà doanh nghiệp tại California có đấu thầu với chính phủ liên bang cho TT Kennedy.”
Hersh cũng cho biết rằng đảng Cộng Hoà đã tố cáo Richard Daley, thị trưởng Chicago thuộc đảng Dân Chủ, đã gian lận giúp cho Kennedy thắng Richard Nixon chỉ có 9,400 phiếu, nhờ đó Kennedy thắng 27 phiếu cử tri đoàn của tiểu bang Illinois và đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Hersh nhắc đến chuyện vào đêm thứ ba sau khi phòng phiếu vưà đóng cưả, Thị trưởng Chicago Daly đã gọi điện thoại cho ứng cử viên Kennedy nói rằng: “Thưa Tổng Thống, với một chút may mắn và sự giúp đỡ của “một ít người bạn thân” (a few close friends), ông sẽ thắng tiểu bang Illinois.”
Ngoài ra, đảng Cộng Hoà cũng tố cáo đảng Dân Chủ đã gian lận bầu cử trong 11 tiểu bang tuy nhiên ứng cử viên Richard Nixon của đảng Cộng Hoà không chấp thuận đề nghị “đếm phiếu lại” (recount) tại những tiểu bang này và nhất là vùng Chicago vì ông biết rằng có đếm lại cũng chẳng đi đến đâu vì đảng Dân Chủ nắm hết mọi guồng máy bầu cử trong những vùng này, do đó Kennedy trở thành vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ.
Kennedy ngày nào cũng phải có đàn bà
Ký giả Seymour Hersh cho biết rằng: “Em trai của TT Kennedy là Bộ Trưởng Tư Pháp Bobby Kennedy, cũng như là bao nhiêu người đàn ông và đàn bà khác phục vụ tại Bạch Cung đều biết rằng TT Kennedy đã công khai nói láo khi ông vờ đóng vai một người chồng gương mẫu của Ðệ Nhất Phu Nhân Jacqueline Kennedy trong khi bên trong thì Kennedy đã sống một cuộc đời ăn chơi với những parties trác táng cho đến nỗi các vệ sĩ trong ngành Mật Vụ bảo vệ cho Tổng Thống tại Bạch Cung cũng phải rụng rời...”
Hersh cũng dành một chương, chương thứ 21, để nói về tật mê gái (womanizing) của Kennedy. Vào mùa thu năm 1963, khi một số nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hoà mở cuộc điều tra về những bê bối về tham nhũng và tình dục (graft-and-sex scandal) tại Quốc Hội thì tình cờ họ được biết về sự mê gái qúa độ của Kenndedy và được biết Ellen Rometsch, một trong những người tình của Kennedy là một cựu đảng viên đảng Cộng sản Ðông Ðức.
Cuộc điều tra cho biết rằng Bobby Baker, tổng thư ký của nhóm Nghị sĩ Dân Chủ tại Thượng Viện là một nhân vật vô cùng quan trọng vì ông ta có nhiệm vụ làm tất cả những điều gì có thể được để giúp cho đảng Dân Chủ thắng trong các cuộc bỏ phiếu tại thượng viện, ông ta phải làm bất cứ điều gì mà các vị nghị sĩ Dân Chủ cần làm và dĩ nhiên là ông ta cũng kín đáo làm những điều gì mà các vị nghị sĩ muốn, kể cả vấn đề gái. Baker cho biết rằng trong thời gian Kennedy đang làm thượng nghị sĩ, ông ta cũng đã cung cấp gái gọi cho Kennedy.
Bobby Baker cho biết vào mùa xuân năm 1963, Bill Thompson, một phụ tá thân tín của Kennedy, hỏi ông ta về một người đàn bà: “Này Baker, người đàn xinh đẹp ấy là ai vậy? Cái cô trông giống như Elisabeth Taylor ấy mà!” Bobby trả lời rằng: “Cô ta là người Ðức, vợ của một viên trung sĩ phục vụ tại toà đại sứ Tây Ðức. Cô ta là một cô gái chuyên nghiệp và những ai đã từng là khách hàng của cô thì đều rất hài lòng.” Thompson hỏi tiếp: “Nếu tôi mời cô ta vào Bạch Cung thì liệu cô ta có muốn đi để gặp Tổng Thống Kennedy hay không?” Baker hỏi Ellen và Ellen trả lời rằng cô ta rất hoan hỷ và ông ta dàn xếp để Thompson đưa Ellen vào Bạch Cung. Sau lần đó, Ellen cho Baker biết rằng “Tổng Thống Kennedy là một người rất vui nhộn (fun) và cô ta rất thích thú được gần gũi ông ta.” Về sau Baker vào Bạch Cung thì Kennedy cho Baker biết rằng Ellen là người đàn bà đã làm cho ông ta thích thú nhất trong số những người mà ông ta đã gần gũi. Bobby Baker cho biết thêm rằng có một lần ông ta được mời vào Bạch Cung để gặp TT Kennedy nhưng ông tổng thống chẳng có nói năng gì về vấn đề Thượng Viện mà chỉ nói với ông: “Anh biết không, tôi cứ bị bệnh nhức đầu nếu tôi không có một người đàn bà lạ mỗi ngày (I get a migraine headache if I don’t get a strange piece of ass every day.)” Baker nói rằng ông ta đã dùng Ellen Rometsch để “chưã” bệnh nhức đầu cho Kennedy và Ellen cho biết thêm rằng cô ta đã dự những cuộc parties bên hồ tắm (pool parties) tại Bạch Cung và mọi người ai nấy cũng đều khoả thân chạy vòng vòng quanh hồ, thường thường thì chỉ có khoảng năm người khách đàn ông nhưng lại có đến 12 khách đàn bà. Baker cho biết vào mùa xuân và mùa hè năm 1963, Ellen Rometzsh đã đi vào Bạch Cung ít nhất là trên mười lần.
Chẳng may vào tháng 6 năm 1963, có một vụ tai tiếng xảy ra tại London liên quan đến việc Bộ Trưởng Quốc Phòng John Profumo có liên hệ về tình dục với một cô gái điếm hạng sang là Christine Keeler và cô này cũng đang là bồ của Yevgeny Ivanov, tùy viên Hải Quân của toà Ðại sứ Liên Xô. Báo chí Anh cũng khui thêm về vụ này: Profumo cũng có liên hệ tình dục với bốn cô gái điếm hạng sang khác, trong số đó có một cô người Tàu tên là Suzy Chang và một cô gái tóc vàng người Tiệp Khắc tên là Maria Novotny và hai cô này đã ghi âm những câu hỏi về chính sách nguyên tử của Anh Quốc do Ivanov đặt ra để hỏi Bộ trưởng Quốc Phòng Profumo trong những cuộc gặp gỡ cuối tuần. Profumo phải từ chức và đảng Bảo Thủ của Thủ Tướng Harrold Macmillan bị dân chúng Anh bất tín nhiệm trong cuộc bầu cử năm 1964.
Cuộc khủng hoảng chính trị về gái tại Anh lại có liên quan đến Hoa Kỳ vì hai cô Suzy Chang và Maria Novotny cũng còn hành nghề tại New York. Maria Novotny cho biết rằng cả Suzy Chang và cô đều có phục vụ cho John Kennedy trước và cả sau khi ông đắc cử tổng thống vào năm 1960. Có bằng chứng cho thấy rằng khi còn là nghị sĩ, ông Kennedy đã dẫn Suzy Chang đi ăn tối tại Câu lạc bộ 21, một tiệm ăn của câu lạc bộ nổi tiếng sang trọng và quý phái nhất tại New York. Chính Suzy Chang sau này cũng xác nhận chuyện cô ta đi ăn tối với Kennedy tại Club 21. Về phần Maria Novotny thì cô ta có viết một đoạn hồi ký trước khi từ trần tiết lộ rằng cô ta đã được tài tử Peter Lawford, anh rể cuả TT Kennedy môi giới để tham gia vào một cuộc làm tình tay ba một vài tuần trước khi Kennedy tuyên thệ nhậm chức: Kenndy đóng vai bệnh nhân còn Novotny và một cô gái điếm khác đóng vai bác sĩ và y tá.
Vào tháng 7, Tổng Giám Ðốc FBI Edgar Hoover báo cho Robert Kennedy biết rằng FBI được mật báo rằng Ellen Rometsch có những mối liên hệ bất chính (illicit relations) với những viên chức cao cấp của Hoa Kỳ. Hoover còn cho biết thêm rằng FBI nghi rằng Ellen Rometsch là người sinh trưởng tại Ðông Ðức, đã từng phục vụ cho Walter Ulbricht, lãnh tụ Cộng sản Ðông Ðức và cô ta cũng từng là đảng viên Cộng sản Ðức. Hoover cho biết rằng ngành Phản gián của FBI sẽ mở một cuộc điều tra về vấn đề Ellen Rometsch có thể là một gián điệp ngoại quốc vào mùa hè năm 1963.
Robert Kennedy, người được dòng họ Kennedy chỉ định giữ vai trò bảo vệ uy tín, tên tuổi và uy danh của cả gia đình cảm thấy rằng nếu vụỳ Ellen Rometsch nổ ra thì đó sẽ là một vụ Profumo của nước Mỹ, sẽ gây ra tai tiếng nghiêm trọng và TT Kennedy vì đó mà có thể thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1964. Kennedy gửi văn thư cho FBI cám ơn Hoover đã dành sự kín đáo trong vụ Rometsch và ông ta cho biết Bộ Tư Pháp của ông ta sẽ giải quyết vấn đề này. Vào ngày 21 tháng 8 năm 1963, Ellen Rometsch bất thình lình bị trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ theo đề nghị của Bộ Ngoại Giao. Rometsch được LaVern Duffy, một phụ tá thân cận của Robert Kennedy, hộ tống về Ðức trên một chuyến phi cơ đặc biệt của Không Lực Hoa Kỳ, tuy nhiên theo Bộ Ngoại giao thì không hề có một văn kiện chính thức nào lưu trữ tại đây về việc trục xuất này. Rolf Rometsch, chồng của Ellen cũng bị trục xuất về Ðức vài hôm sau đó và ông ta đã ly dị với Ellen với lý do là vợ của ông ta đã có những liên hệ với những người đàn ông khác.
Seymour Hersh cho biết rằng LaVern Duffy, người hộ tống Ellen về Ðức là nhân tình của cô ta và hai người này còn giữ liên lạc mật thiết sau khi cô ta về nước. Trong một lá thư gửi cho LaVern, Ellen yêu cầu ông ta nên gửi tiền cho cô ta bằng ngân phiếu (check) thay vì bưu phiếu (money order) vì ngân hàng Ðức không thích nhận money order từ ngoại quốc. Wayne A. Duffy, em trai của LaVern Duffy xác nhận rằng sau khi người anh qua đời, ông ta đã tìm thấy những thư từ của Ellen Rometsch gửi cho LaVern và những thư từ này cho thấy Ellen Rometsch đã nhận nhiều tiền của phe Kennedy. Wayne nói thêm rằng “Người ta không thể nào trục xuất một người đàn bà ra khỏi nước Mỹ rồi nói với cô ta rằng hãy giữ im lặng mà không trả cho cô ta một món tiền nào.” Khi được hỏi đó có phải là tiền của anh ông ta hay không thì Wayne trả lời dứt khoát “Tuyệt đối là không phải. Ðó là tiền của Kennedy.”
Việc Robert Kennedy trục xuất Ellen Rometsch về Ðức là một điều may mắn cho Kennedy trong cuộc bầu cử năm 1964 vì theo lời Robert Kennedy thú nhận với Ben Bradlee thì “vụ Ellen Rometsch là điểm yếu duy nhất đối với gia đình Kennedy ngoài những biến chuyển tại Nam Việt Nam.” Robert Kennedy nói thêm rằng cần phải giữ không cho Ellen Rometsch trở lại Hoa Kỳ để điều trần như dự định của các đảng viên Cộng Hoà muốn dùng vụ này để làm mất uy tín của TT Keneedy.
Cuộc điều tra của Thượng Viện về vụ tai tiếng này kết thúc vì TT Kennedy bị ám sát vào tháng 11 năm 1963, tuy nhiên trong cuốn Mặt Trái của Kennedy, ngoài Ellen Rometsch, Seymour Hersch còn cho đăng hình ảnh của những nhân vật phụ nữ khác có liên hệ với Kennedy, đó là Phyllis McGuire, Judith Campbell Exner, Durie Malcolm, Alicia Clark, Pamela Turnure và Marilyn Monroe. Riêng tài tử điện ảnh Marilyn Monroe thì Hersh cho biết rằng bà ta yêu Kennedy một cách tuyệt đối, bà Marilyn Monroe tự ví mình như là một quân nhân và Kennedy là Tổng Tư Lệnh Tối Cao và theo bà thì người quân nhân thì phải luôn luôn tuân lệnh của vị tổng tư lệnh.
Hersh cho biết rằng vì những liên hệ tình dục quá đáng như vậy, Tổng Thống Kennedy đã mắc một loại bệnh “phong tình” không thể chữa được và căn bệnh này ông vẫn còn mang trong người cho đến khi từ trần. Kennedy không phải là nhà lãnh đạo duy nhất bị bệnh phong tình vì bốn mươi năm trước đó, vị lãnh đạo tối cao của khối Xã Hội Chủ Nghiã là V.I. Lenin cũng mắc phải bệnh “giang mai” từ một cô gái điếm ở Paris vào khoảng năm 1902 và bị trở thành bại liệt mà chết vào năm 1924. Tuy nhiên, trước Lenin còn có những nhà lãnh đạo nổi tiếng khác cũng đã bị mắc phải bệnh giang mai: đó là Vua Henry VII, Ivan Bạo Chúa, Napoleon Bonaparte và Adolf Hitler.
*
Sau chương 21 nói về sự mê gái của Kennedy, Seymour Hersh đã dành chương thứ 22 kế tiếp để nói đến những khám phá của ông về chính sách của TT Kennedy về Việt Nam và nhất là những chi tiết liên quan đến cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 và đặc biệt là việc TT Kennedy đã gửi một đặc phái viên sang Sài Gòn thuyết phục TT Ngô Ðình Diệm phải loại ông Ngô Ðình Nhu và tạm thời lánh nạn trong toà đại sứ Hoa Kỳ, nhưng ông Ngô Ðình Diệm từ chối.
Trong phần dưới đây, người viết sẽ tóm lược những điều Seynour Hersh viết về Kennedy và Tổng Thống Ngô Ðình Diệm trước cuộc đảo chánh 1963.
Kennedy rất sợ TT Ngô Ðình Diệm thương thuyết với CSBV
Theo tác giả Seymour Hersh thì vào mùa thu năm 1963, có một diễn biến rất quan trọng xảy ra tại Việt Nam nhưng lại không được giới truyền thông báo chí Hoa Kỳ quan tâm đến: đó là những nguồn tin tình báo liên quan đến việc Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu đang tìm cách thương thuyết một cách không chính thức với Cộng sản Bắc Việt nhằm tiến đến việc thiết lập một chế độ trung lập tại miền Nam.
Nếu quả thật có việc đó thì những cố vấn quân sự, những phi công Hoa Kỳ đã được chính phủ Ngô Ðình Diệm chính thức mời sang giúp cho VNCH sẽ bị yêu cầu rời khỏi miền Nam Việt Nam. Những nguồn tin về việc mật đàm giữa Sài Gòn và Hà Nội được đồn đại khắp Sài Gòn, tuy nhiên theo các giới quan sát thì nếu có xảy ra chăng nữa đó cũng chỉ là những đồn đại suông mà thôi vì ai ai cũng đều biết rằng TT Ngô Ðình Diệm là một người yêu nước và cũng là một người tích cực chống Cộng sản, một người luôn luôn chia sẻ quan điểm của ngưòi Mỹ thời bấy giờ: “thà chết hơn là Cộng sản (better dead than Red.)
Seymour Hersh cho biết rằng vào giai đoạn đó, có hai nhân vật rất quan trọng của Hoa Kỳ lại xem những sự đồn đại này là vô cùng quan trọng, đó là Tổng Thống John F. Kennedy và ông Henry Cabot Lodge, đại sứ Mỹ tại Sài Gòn.
Seymour Hersh cho biết rằng nhà báo Charle Bartlett, một người bạn rất thân của Kennedy đã cho ông biết rằng vào mùa thu năm 1963, TT Kennedy đã trút sự phẫn nộ -và sự sợ hãi- về vấn đề Việt Nam với ông. Bartlett nói rằng trước khi bị ám sát vào cuối năm 1963, TT Kennedy đã tỏ ra rất bi quan về toàn bộ vấn đề Việt Nam. Kennedy đã nói với Bartlett như sau:
“Này Charlie, tôi không thể để cho Việt Nam rơi vào tay Cộng sản rồi thì sang năm 1964 lại đi xin cử tri Hoa Kỳ bỏ phiếu bầu lại cho tôi vào chức vụ tổng thống. Bằng bất cứ cách nào chúng ta cũng phải bảo vệ phần lãnh thổ đó cho qua khỏi cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 1964. Chúng ta đã nhượng Ai Lao cho Cộng sản và nếu tôi lại bỏ Việt Nam thì tôi khó mà ăn nói với cử tri Hoa Kỳ được. Tuy nhiên chúng ta cũng sẽ không có tương lai gì ở Việt Nam đâu! Người Nam Việt Nam ghét (hate) chúng ta. Họ muốn chúng ta rút ra khỏi đất nước của họ. Ðến một lúc nào đó, họ sẽ ‘đá đít’ (kick our asses) chúng ta ra khỏi Việt Nam!”
Hersh cho biết rằng ngoài Charles Bartlett, TT Kennedy còn tiết lộ với sử gia William Manchester, tác giả cuốn sách “The Death of a President,” rằng rất có thể TT Diệm sẽ tham gia vào việc thương thuyết với Cộng sản Bắc Việt. Manchester nói rằng Kennedy có sự bất đồng ý kiến với ông Diệm và Kennedy không tin tưởng ông Diệm (He did not trust Diem.)
Tổng Thống Ngô Ðình Diệm có âm mưu thương thuyết với Cộng sản hay không?
Seymour Hersh cho biết rằng trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1995, một nhân vật thân tín của TT Diệm xác nhận với ông ta rằng điều đó có thật. Nhân vật này là ông Trần Văn Dĩnh, hồi năm 1963 làm Sứ Thần tại toà Ðại sứ VNCH tại Washington và sau khi Ðại sứ Trần Văn Chương từ chức thì trên nguyên tắc, ông Trần Văn Dĩnh được xem như là Xử Lý Thường Vụ toà Ðại Sứ. Ông Trần Văn Dĩnh được xem như là một trong những người rất thân tín của TT Diệm vì vào năm 1944, người ta đồn rằng chính ông Dĩnh là người đã cứu ông Diệm khỏi bị thực dân Pháp bắt giam tại Huế và sau đó ông Diệm được người Nhật bí mật đưa vào Sài Gòn để trốn tránh người Pháp.
Hersh cho biết rằng theo ông Trần Văn Dĩnh thì “ông Ngô Ðình Diệm và bào đệ của ông biết rõ điều gì sẽ xảy ra, và họ đã chấp nhận cái số phận dành cho họ.” Ông Trần Văn Dĩnh nói rằng: “Tôi được lệnh của Tổng Thống Diệm triệu hồi về nước và đến Sài Gòn vào ngày 30 tháng 10 năm 1963. Ngay sau đó tôi được vào yết kiến Tổng Thống sau khi ông ta vưà tiếp Ðại sứ Cabot Lodge. Tổng Thống Diệm ra lệnh cho tôi tức khắc quay về Washington để nói với người Mỹ rằng “ông Diệm đầu hàng qúy vị” (Diem is surrendering to you) -một cách nói để mua thời gian. Sau khi tìm cách trì hoãn người Mỹ, tôi được lệnh phải bay qua Ấn Ðộ để thương thuyết với Bắc Việt.” Ông Dĩnh nói với S. Hersh rằng “Tôi tin tưởng rằng ông Diệm biết rõ một cuộc đảo chánh sắp sửa diễn ra và trước khi bị giết, ông ta cũng sắp sửa nói với người Mỹ là các ông hãy rút ra (get out) khỏi Việt Nam. Ông Diệm nói thêm: “Tôi không thể nào nói chuyện với người Mỹ được nưã!”
Theo Hersh thì ông Trần Văn Dĩnh không có cơ hội đi sang Ấn Ðộ vì mấy ngày sau thì cuộc đảo chánh xảy ra và Tổng Thống Diệm bị giết. Ông Dĩnh cho biết rằng chính phủ VNCH không hề bao giờ cứu xét đòi hỏi (demand) của Hoa Kỳ về việc phải loại bỏ ông Ngô Ðình Nhu. Ông ta hỏi lại Seymour Hersh: “Hoa Kỳ có cái quyền gì mà đòi ông Diệm phải loại bỏ người này hay thêm người kia? Người Mỹ có thể đến nhà tôi rồi ra lệnh cho tôi phải lấy một người vợ mới hay không?”
Trong phần phụ chú, Hersh nói rằng ông Trần Văn Dĩnh sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên nếu ông ta được nghe cuốn băng ghi lại cuộc đối thoại giưã TT Kennnedy và Roger Hilsman, Phụ Tá Ngoại Trưởng về Ðông Nam Á Sự Vụ tại Bộ Ngoại Giao ngay sau cuộc đảo chánh 1-11-1963 xảy ra. Cuộc đối thoại này liên quan đến việc Thái Tử Sihanouk tỏ ra nghi ngờ rằng chính người Mỹ đã âm mưu việc lật đổ ông Diệm. Hilsman nói rằng “sau những mối nghi ngờ này là sự sợ hãi của Sihanouk về những điều đã xảy ra cho hai ông Diệm và Nhu. Sự sợ hãi chính quân đội của ông. Sihanouk cũng lo ngại hơn vì dưới thời Tổng Thống Eisenhower, CIA đã có dính dáng đến âm mưu lật đổ Sihanouk. TT Kennedy hỏi lại:
“CIA có làm vậy hay không? Chuyện âm mưu đảo chánh hồi năm 1959 là có thật hay không?”
Hilsman trả lời: “Quả thật đúng như vậy.”
Kennedy: “CIA làm việc đó?”
Hilsman: “Chắc chắn rồi. CIA đã cung cấp tiền bạc và dính dáng đến âm mưu nhằm lật đổ Sihanouk ngay cả trong thời kỳ trước chính phủ này.”
Kennedy: “Chúa ơi! CIA đã đảo chánh ở Indonesia, CIA đã đảo chánh ở Lào, họ cũng đã âm mưu đảo chánh ở Cambodia.”
Lansdale từ chối không sang Việt Nam vì không muốn loại trừ
TT Ngô Ðình Diệm theo ý của Kennedy
Sự phẫn nộ và lo sợ đối với ông Diệm đã khiến cho Kennedy nghĩ đến biện pháp loại trừ TT Ngô Ðình Diệm. Seymour Hersh nói rằng Michael Forrestal, một cộng sự viên rất thân cận của Kennedy trong Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, người đã cùng với Harriman và Roger Hilsman thảo bức điện văn 243 chỉ thị cho Toà Ðại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn xúc tiến cuộc đảo chánh loại trừ TT Ngô Ðình Diệm, có tiết lộ rằng vào mùa thu năm 1963, ông ta có mời Rufus Phillips đến tham dự một buổi họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia tại Bạch Cung với sự tham dự của TT Kennedy.
Rufus Phillips là một sĩ quan Mỹ được phái sang Việt Nam vào năm 1954, ông được cử phục vụ cho Saigon Military Mission (SMM: Phái bộ Quân sự Sài Gòn,) một tổ chức của CIA dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Edwards Lansdale. Rufus Phillips là người trong dòng họ Phillips, một gia đình rất giàu có và nổi tiếng tại Hoa Kỳ vì họ là chủ nhân của công ty dầu hoả Phillips. Trong thời gian phục vụ dưới quyền Lansdale, ông đã chịu ảnh hưởng Lansdale rất nhiều và tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ vị chỉ huy này của ông. Sau khi trở về Mỹ một thời gian, Rufus Phillips lại nhận lời trở lại Việt Nam vào mùa thu năm 1962 để giữ chức vụ giám đốc Chương trình Yểm trợ Nông thôn (Rural Assistance Program) của USOM và do đó mà ông trở thành một “chuyên viên” về vấn đề ẤỊp Chiến Lược của VNCH. Rufus Phillips lúc đó vẫn tin tưởng rằng người Mỹ có thể giúp cho miền Nam Việt Nam chiến thắng được Cộng sản, ông tin tưởng rằng vẫn còn có thể tách rời ông Ngô Ðình Nhu ra khỏi chính quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và người duy nhất có thể làm được việc đó thì không ai khác hơn là Tướng Ed Lansdale.
Michael Forrestal biết rõ về quan điểm của Rufus Phillips cho nên Forrestal đã mời Phillips đến tham dự một phiên họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia tại Bạch Cung dưới sự chủ toạ của TT Kennedy vào mùa thu năm 1963 và Forrestal đã mời Rufus Phillips lên phát biểu ý kiến. Hersh cho biết rằng dường như là việc mời Phillips đến tham dự phiên họp cũng như là lên phát biểu ý kiến đã được Forrestal trình với Kennedy và đã được Kennedy chấp thuận vì Phillips chỉ là một viên chức cấp nhỏ khó mà có thể được mời tham dự phiên họp này.
Hersh cho biết rằng trong cuốn hồi ký chưa xuất bản của Rufus Phillips thì ông ta nói rằng trong phiên họp này, ông đã nói với TT Kennedy như sau:
“Vấn đề là ở ông Nhu. Ông ta đã mất hết sự kính trọng của đa số trong giới lãnh đạo dân sự cũng như là quân sự. Nhu phải rời khỏi Việt Nam nếu không thì sẽ xảy ra hỗn loạn. Tôi tin rằng cần phải tách rời Nhu ra khỏi ông Diệm tuy nhiên chỉ có một người duy nhất mà Tổng Thống Diệm tin tưởng và có thể thuyết phục được ông Diệm để cho ông Nhu ra đi mà thôi. Người đó là Tướng Edward Lansdale. Không có một người nào khác có đầy đủ khả năng và tư cách để giúp cho ông Diệm thiết lập một chính phủ mới để đối phó với tình hình. Tôi xin đề nghị Tổng Thống nên gửi Tướng Lansdale sang Việt Nam càng sớm càng tốt...”
Theo Hersh thì căn cứ vào biên bản của phiên họp này, được giải mật vào năm 1995, lời phát biểu của Phillips rất xác thật. Biên bản này cho biết rằng Phillips đã nói lên điều mà Forrestal và cả TT Kennedy đều muốn mọi người trong phiên họp nghe: “Chúng ta có thể giữ ông Diệm nhưng mà chúng ta không thể nào thắng được cuộc chiến tranh nếu ông Nhu còn ở trong chính quyền. Ðiều cần thiết là một chiến dịch của Hoa Kỳ (a US campaign) và một người quản lý chiến dịch (campaign manager). Landsdale là người có nhiều khả năng nhất để đảm nhận công tác quản lý chiến dịch này. Phillips tin tưởng rằng chúng ta có thể chiến thắng với Tướng Lansdale.” TT Kennedy trả lời rằng: “Nhu có thể gây ra sự suy yếu vô cùng trầm trọng cho chính phủ (Việt Nam) hiện nay rồi thì sau đó ông ta sẽ chạy sang Pháp. Còn người Mỹ chúng ta thì lại sẽ bị quy trách là người đã gây ra sự sụp đổ của nước Việt Nam.”
Phillips cho Hersh biết rằng TT Kennedy đã ghi chép những lời phát biểu của ông và đó là những sự ghi chép duy nhất của ông trong phiên họp này. Sau phiên họp, TT Kennedy đã nói với ông: “Ông Phillips, tôi muốn cám ơn ông, nhất là việc ông đề cử ông Lansdale.”
Về phần Tướng Lansdale thì Hersh cho biết rằng ông Lansdale đã nhiều lần tâm sự với Tiến sĩ Daniel Ellsberg, hai người đều là “nạn nhân” dưới thời Kennedy còn được hoạt động dưới thời TT Lyndon Johnson, khi cả hai người đều được mời sang Sài Gòn phục vụ cho Chương Trình Bình Ðịnh Nông Thôn (Pacification Program) vào giữa thập niên 1960. Tiến sĩ Daniel Ellsberg, sau này là người đã tiết lộ “Hồ Sơ Ngũ Giác Ðài” (The Pentagon Papers,) đã cho biết rằng ông đã “nghe Lansdale kể đi kể lại về những thành tích của ông ta hồi còn hoạt động cho CIA tại Phi-luật-Tân và Việt Nam hồi thập niên 1950 hơn một năm rưỡi trời tại nhà của Lansdale ở Sài Gòn.”
Daniel Ellsberg nói rằng vào một buổi tối, Lansdale đã kể cho ông ta nghe những chuyện về những mối liên lạc giữa Lansdale và Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara. Và nhất là mối liên hệ đó đã kết thúc như thế nào vì Lansdale và McNamara không có thuận thảo với nhau nhiều. Nên nhớ rằng khi Kennedy lên nhậm chức thì cả hai người, Edward Lansdale và Daniel Ellsberg đều là nhân viên dưới quyền McNamara: Thiếu Tướng Lansdale là Phụ Tá cho Bộ Trưởng và Ellsberg là một “người trẻ kiệt xuất” (whiz kid) giữ chức vụ viết diễn văn và chuyên viên về chiến tranh nguyên tử của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ. Vào mùa thu năm 1963, Lansdale không có tên trong danh sách được vinh thăng trung tướng, do đó ông xem như là cuộc đời binh nghiệp của ông đã “hết thời” và dự định về hưu. Lansdale cho Ellsberg biết một hôm ông bỗng nhận được một cú điện thoại của McNamara chỉ thị cho ông phải tháp tùng Bộ Trưởng Quốc Phòng vào Bạch Cung để gặp TT Kennedy. Trong cuộc họp này, chỉ có ba người là TT Kennedy, Bộ Trưởng McNamara và Lansdale mà thôi.
Daniel Ellsberg kể lại rằng trong phiên họp này, TT Kennedy đã nói với Lansdale rằng:
“Tôi đang chuẩn bị gửi ông sang Việt Nam để làm việc với Tổng Thống Diệm và tìm cách để có thể tách rời (separate) Diệm với Nhu.”
Nhu bị xem như là người đã gây ra cuộc khủng hoảng -- một thiên tài của tội lỗi (evil genius). TT Kennedy hỏi Lansdale ông ta có đồng ý sang Việt Nam hay không. Lansdale trả lời rằng ông ta muốn đi.
Ellsberg nói rằng khi Lansdale nhận lời, TT Kennedy nói thêm rằng:
“Nếu không thực hiện được việc đó -ông Nhu không chịu đi- hay là nếu tôi thay đổi ý kiến và quyết định rằng chúng ta cần phải loại trừ (get rid of) ngay cả ông Diệm, ông có đồng ý với quyết định đó hay không?”
Lansdale lắc đầu buồn bã trả lời:
“Thưa Tổng Thống, tôi không thể làm việc đó được. Ông Diệm là bạn của tôi và tôi không thể làm như vậy được!”
Theo Ellsberg, Lansdale cho biết TT Kennedy không tỏ ra giận dữ khi ông ta nói thẳng là ông ta không thể và không chịu đồng ý với việc loại trừ ông Diệm, tuy nhiên Lansdale hiểu ngay rằng ông ta sẽ không được gửi sang Việt Nam. Ông đã trả lời không, đã từ chối một công việc mà ông ta cần và muốn nhất: sang làm đại sứ tại Việt Nam. Lansdale không chỉ trích Kennedy và ông nói rõ rằng TT Kennedy có quyền hỏi ông như vậy.
Trên đường trở về Ngũ Giác Ðài, McNamara đã nổi trận lôi đình với Lansdale, một việc mà xưa nay ông ta chưa hề có. McNamara nói với Lansdale: “Anh không có quyền nói với một vị tổng thống Hoa Kỳ như vậy. Khi tổng thống muốn anh làm một việc gì, ông không thể trả lời ‘không, tôi không làm’ với tổng thống.”
Lansdale cho Ellsberg biết rằng khi ông sửa soạn dọn đồ đạc và tài liệu để rời khỏi Bộ Quốc Phòng thì nghe tin Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã bị giết. Ellsberg cho biết rằng khi Lansdale kể lại chuyện này, ông ta nói rằng TT Kennedy không bao giờ dùng chữ “kill” (giết) hay “assassinate” (ám sát) khi nói đến ông Diệm, tuy nhiên Lansdale nghĩ rằng trong đầu óc của ông thì đó là việc mà TT Kennedy đã thảo luận với ông.
Cabot Lodge: Ông Diệm coi thường Tổng Thống Hoa Kỳ
Sau khi Edward Lansdale từ chối, TT Kennedy mời Henry Cabot Lodge, cựu ứng cử viên Phó Tổng Thống của Ðảng Cộng Hoà trong liên danh Nixon sang làm đại sứ tại Việt Nam.
Cabot Lodge xuất thân trong một đã gia đình danh giá tại tiểu bang Massachusetts, cựu thượng nghị sĩ, đã tình nguyện gia nhập vào quân đội trong Ðệ Nhị Thế Chiến và từng làm thông dịch viên tiếng Pháp cho Thống Tướng Eisenhower, Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Ðội Ðồng Minh tại Âu châu. Chính Cabot Lodge là người đã thuyết phục Thống Tướng Eisenhower nhận lời đại diện cho đảng Cộng Hoà ra ứng cử và ông đã đắÔc cử tồng thống vào năm 1952. Cabot Lodge là một nhân vật cao cấp trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa, đã từng là ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng này năm 1960 và Kennedy đã mời Cabot Lodge làm đại sứ tại Việt Nam với thâm ý là chính sách về Việt Nam của ông là một chính sách lưỡng đảng, được cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà ủng hộ, do đó nếu có thất bại thì chính đảng Cộng Hoà cũng phải nhận lãnh một phần trách nhiệm. Ngược lại, Cabot Lodge nhận lời Kennedy sang làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng có một mục đích khác: tạo thêm tên tuổi và uy tín để đoạt lấy sự đề cử của đảng Cộng Hoà trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 1964.
Ðại sứ Lodge đến Việt Nam vào tháng 8 năm 1963, ngay sau khi vụ tấn công các chùa chiền diễn ra và sau này ông ta tiết lộ rằng TT Kennedy đã ra lệnh cho ông là phải báo cáo thẳng cho tổng thống qua hệ thống CIA: “Tôi được chỉ thị là phải gửi tất cả mọi điện tín trực tiếp đến Tổng Thống Kennedy và chỉ có Tổng Thống mới có quyền quyết định phân phối những phúc trình này cho những người nào ông ấy muốn cho đọc mà thôi.”
Cabot Lodge là một trung tướng trừ bị của Lục Quân Hoa Kỳ, ông cũng rất tin tưởng vào quan niệm của Bạch Cung cho rằng “điều gì tốt đẹp cho nước Hoa Kỳ thì cũng tốt đẹp cho Miền Nam Việt Nam.” Về sau Cabot Lodge viết lại rằng:
“Tôi không có liên hệ hay dính dáng gì đến nguồn gốc của chính sách về Việt Nam này nhưng mà tôi nghĩ rằng chính sách đó là đúng. Tôi nghĩ một cách thẳng thắn rằng chúng ta có quyền tuyệt đối để sử dụng những áp lực hợp pháp nhằm gây ảnh hưởng một phần nào đó trong sự mặc cả với một chính phủ ngoại quốc khácà Khi người ta nhận sự giúp đỡ của chúng ta thì chúng ta có cái quyền làm áp lực hay ‘lèo lái’ họ phải làm những điều chúng ta muốn.”
Trong lần gặp gỡ đầu tiên với TT Ngô Ðình Diệm ngay sau khi mới đến Sài Gòn nhậm chức, Ðại sứ Cabot Lodge có cảm tưởng rằng ông Diệm coi thường TT Kennedy:
“... Ông Diệm cứ nhìn lên trần nhà rồi nói về thời thơ ấu của ông, nói về lịch sử Việt Nam nhưng lại tuyệt đối từ chối không thèm thảo luận gì với tôi về những vấn đề mà Tổng Thống Kennedy muốn tôi thảo luận với ông ta. Tôi nghĩ rằng điều này là một hành động không chính đáng để đối xử với vị đại diện của Tổng Thống Hoa Kỳ... Tôi tin rằng nếu chế độ Ngô Ðình Diệm còn tiếp diễn thì sẽ có thể đưa đến việc Cộng sản thôn tính miền Nam: hoặc là do dân chúng chống lại những việc thất nhân tâm mà chính quyền đang làm, hoặc là do chính ông Ngô Ðình Nhu, em trai của Tổng Thống Diệm, có thể thương thuyết để đạt một thoả hiệp với Cộng sản.”
Theo Hersh thì chính TT Kennedy cũng công khai tuyên bố trong một cuộc họp báo vào ngày 12 tháng 9 năm 1963 như sau:
“Những điều gì giúp cho sự chiến thắng trong cuộc chiến (tại Việt Nam) thì Hoa Kỳ sẽ ủng hộ, còn những điều gì gây ảnh hưởng bất lợi cho cuộc chiến thì chúng ta sẽ chống đối... Chúng ta đến Việt Nam không phải để mà chứng kiến một sự thảm bại và chúng ta sẽ theo đuổi những chính sách mà tôi đề cập đến hôm nay để đẩy mạnh cho những nguyên nhân cũng như là những vấn đề có thể giúp cho chúng ta đạt đến sự chiến thắng.”
Vài ngày trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CBS, khi ký giả nổi tiếng Walter Cronkite hỏi: “Thưa Tổng Thống, Ngài có tin rằng chính phủ VNCH có thể thu phục lại được sự ủng hộ của dân chúng Việt Nam hay không?” thì TT Kennedy trả lời rằng: “Tôi tin tưởng như vậy. Nếu có sự thay đổi về chính sách cũng như là về nhân sự thì tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam có thể lấy lại được sự ủng hộ của dân chúng. Nếu họ không thay đổi, tôi nghĩ rằng cơ may nắm lại sự ủng hộ của dân chúng sẽ không lấy gì làm sáng sủa.”
Như vậy, trước khi cuộc đảo chánh diễn ra vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, TT Kennedy tin tưởng rằng cần phải có sự thay đổi nhân sự trong chính phủ của TT Ngô Ðình Diệm, đó là việc tách rời ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu ra khỏi ông Diệm, đó là việc đưa cả hai vợ chồng ông Nhu ra ngoại quốc (The Nhu’s must go!)
Kennedy bí mật gửi người bạn rất thân sang Sài Gòn
Tài liệu của Seymour Hersh có tiết lộ một chi tiết mà trước đây người Việt Nam không hay biết: đó là TT Kennedy đã nhờ một trong những người bạn rất thân, thân nhất của ông (one of his closest friends) bay sang Sài Gòn vào tháng 10 năm 1963 để thuyết phục TT Ngô Ðình Diệm loại ông Ngô Ðình Nhu ra khỏi chính quyền.
Hersh cho biết:
“Trong quá trình tìm hiểu tài liệu để soạn cuốn sách này, người ta (Hersh) được biết rằng vào mùa thu năm 1963, TT Kennedy đã có một nỗ lực thứ hai nhằm tách rời ông Nhu với TT Ngô Ðình Diệm. Lần này, Kennedy không sử dụng một nhân vật có liên hệ thân hữu đặc biệt gì với ông Diệm, như là Lansdale, thay vào đó, ông ta đã gửi một vị sứ giả riêng đại diện cho quyền lực của Tổng thống Hoa Kỳ. Ðây là cơ hội cuối cùng để cho ông Diệm tự cứu mình và giữ lại được ngôi vị tổng thống. Vào đầu tháng 10 năm 1963, Cabot Lodge đã được Lucien Conein báo cáo rằng các tướng lãnh âm mưu đảo chánh dự định sẽ giết ông Diệm. Dù rằng không có một bằng chứng nào, không có một văn kiện nào còn lưu lại chứng minh về việc đó, tuy nhiên thật là rất khó để có thể tin được rằng Ðại sứ Lodge lại không trực tiếp chuyển một tin quan trọng như vậy lên TT Kennedy.”
Hersh cho biết rằng vào tháng 10, Lucien Conein đóng vai trò liên lạc và trung gian giữa Cabot Lodge và những sĩ quan âm mưu đảo chánh. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tác giả Hersh vào năm 1996, Conein nói rằng:
“Tôi thảo luận vấn đề này với Cabot Lodge và tôi nói với ông ta rằng không bao giờ có một sự nghi ngờ nào rằng Tướng Dương Văn Minh, người cầm đầu âm mưu đảo chánh, lại để cho hai ông Diệm và Nhu sống sót. Một tháng trước đó (tháng 9-1963,) Dương Văn Minh đã nói với tôi rằng họ sẽ hạ sát (knock off) ông Diệm. Tôi nói: “Ðừng có làm việc đó vì có thể gây ra nhiều rắc rối.” Big Minh trả lời: “Chúng ta sẽ không thảo luận về chuyện này nữa!” Conein cho biết: “Tôi đã phúc trình việc này với Ðại sứ Lodge.”
Nhân vật cuối cùng trong tấn thảm kịch Ngô Ðình Diệm vào mùa thu năm 1963 là Torbert Macdonald, người bạn ở trọ cùng phòng (roommate) của Kennedy thời còn là sinh viên đại học và cũng là một trong những người bạn thân thiết nhất của TT Kennedy (one of his closest friends).
Tolbert Macdonald cũng là một dân biểu thuộc đảng Dân Chủ của tiểu bang Massachusetts như Kennedy tuy vậy rất ít người biết về những liên hệ giữa ông với TT Kennedy. Chính Arthur Schlesinger, một sử gia và cũng là bạn thân của Kennedy trong cuốn hồi ký nổi tiếng “A Thousand Days: John F. Kennedy in the White House” dài trên một ngàn trang cũng không hề nhắc nhở gì đến nhân vật Macdonald này, duy Ted Sorensen thì chỉ có nhắc sơ qua về Macdonald mà thôi. Trong một cuộc phỏng vấn thu âm dành cho Thư Viện Tổng Thống Kennedy, Macdonald đòi phải bảo mật tuyệt đối tài liệu này, tuy nhiên đến năm 1995, sau khi cuốn băng này được giải mật thì người ta thất vọng vì Macdonald không tiết lộ một chi tiết nào quan trọng cả. Trong những tài liệu liên quan đến cuộc đời chính trị làm dân biểu liên tiếp 10 nhiệm kỳ của Macdonald, không có một chi tiết nào nhắc nhở đến mối liên hệ giưã ông và TT Kennedy. Em trai của Kennedy là Bobby Kennedy cũng có dành một tài liệu được ghi âm cho Thư Viện Tổng Thống Kennedy, tuy nhiên ông này cũng không hề nhắc nhở gì đến Macdonnald, người bạn rất thân của anh mình.
Sau này, Hersh cho biết rằng Joe Croken, một chính trị gia tại Boston và có một thời gian làm phụ tá hành chánh cho Macdonald, đã tiết lộ với ông vào năm 1997 rằng Tolbert Macdonald là một trong những người bạn ăn chơi (playpals) của Kennedy, thường xuyên có mặt trong những parties bên hồ tắm (pool parties) vào ban đêm tại Bạch Cung và đồng thời cũng là người bạn đồng hành trong nhiều cuộc phiêu lưu tình ái và tình dục cuả Kennedy, nhất là trong vùng Hollywood. Joe Croken nói rằng Macdonald là một người bạn mà Kennedy hoàn toàn tin tưởng, có nhiều điều bí mật giữa Kennedy và Macdonald mà chỉ có riêng hai người biết, họ không hề thổ lộ với bất cứ ai, kể cả Bobby Kennedy.
Joe Croken tiết lộ rằng một trong những điều bí mật mà Macdonald không hề nói đến đó là một cuộc du hành bí mật mà Kennedy đã gửi Macdonald sang Sài Gòn: “Macdonald là một nhân vật quan trọng đáng kể sau cùng của Hoa Kỳ đã gặp gỡ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Ðó là chuyến đi duy nhất của ông ta theo lời yêu cầu của Tổng Thống.” Joe Croken cho biết thêm rằng Macdonald có tiết lộ với ông về chuyến đi này tuy nhiên ông ta không hề nói gì liên quan đến nội dung của sứ mạng này cả.
Nếu Macdonald không tiết lộ gì với Joe Croken về sứ mạng của ông ta sang Sài Gòn nhưng ông ta lại không giữ kín với Eleanor Carney, người tình lâu năm của ông. Hersh nói rằng Joe Croken cũng xác nhận với ông rằng Eleanor Carney đã giữ một vai trò rất thân tín của Torbert Macdonald cho nên bà ta có thể biết được một vài trong những “chuyện bí mật” giữa ông ta với Kennedy. Sau khi Macdonald qua đời, bà Eleanor Carney lúc bấy giờ đang phục vụ tại Viện Y Tế Quốc Gia, đã có nghĩ đến chuyện viết hồi ký với sự cộng tác của Herbert Parmet, giáo sư sử học tại trường Ðại Học Thành phố New York (City University of New York). Vào năm 1977, bà Eleanor Carney đã dành cho Giáo sư Herbert Parmet một cuộc phỏng vấn được ghi âm trong suốt bốn tiếng đồng hồ. Cuốn hồi ký này không hề được xuất bản, tuy nhiên vào năm 1983 thì Giáo sư Parmet đã sử dụng một số chi tiết trong cuộc phỏng vấn này trong cuốn sách của ông: “JFK: the Presidency of John F. Kennedy.”
Giáo sư Parmet cho biết rằng một nguồn tin rất đáng tin cậy (Eleanor Carney) tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn của ông như sau:
“Kennedy giải thích với Macdonald rằng ông ta được biết Tướng Dương Văn Minh và nhóm của ông ta đang dự định ‘ám sát’ (assassinate) ông Ngô Ðình Diệm. (Hersh ghi chú thêm rằng nguồn tin này có thể xuất phát từ Ðại sứ Cabot Lodge vì trước đó Conein đã báo động cho Lodge biết về việc các tướng lãnh này đã quyết tâm hạ sát ông Diệm.) Carney nói với giáo sư Parmet rằng: “Tổng Thống Kennedy muốn thiết lập một sự liên lạc trực tiếp với Tổng Thống Diệm. Ông ta do dự không muốn sử dụng đường dây chính thức qua toà đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn vì ông ta không thể tin cậy (trust) được người của toà đại sứ. Ông ta cũng không tin cậy cả Ðại sứ Cabot Lodge... và sau cùng thì cũng không có một người (Nam) Việt Nam nào mà ông ta có thể tin cậy được. Do đó ông đã nhờ đến Torbert Macdonald mang một lời kêu gọi của chính cá nhân ông đến ông Diệm, đó là để cho ông Ngô Ðình Nhu ra đi và vào trú ẩn trong toà đại sứ Hoa Kỳ.” Eleanor Carney nói với Giáo sư Parmet rằng trong cuộc hội kiến này, Dân biểu Torbert Macdonald đã cảnh cáo ông Diệm nguyên văn như sau:
“Họ sẽ giết ông. Xin ông hãy rời khỏi Dinh (Gia Long) để tạm thời xin vào trú ẩn trong toà đại sứ Hoa Kỳ.” Nhưng mà ông Diệm lại từ chối. Macdonald tường trình lại với Kennedy rằng: “Ông ta nhất định không chịu làm như vậy. Ông ta quá ương ngạnh, ông ta từ chối việc đó!”
Seymour Hersh cho biết thêm rằng ông đã nhiều lần phỏng vấn con trai của Macdonald là Torbert Macdonald Jr. về chuyện này và người con nói rằng qua nhiều cuộc tranh luận với thân phụ của ông về sự đạo đức của cuộc chiến tranh (Việt Nam) vào thập niên 1960 khi ông ta còn là sinh viên tại trường đại học Harvard, ông có nhớ lại rằng thân phụ của ông có nói: “Kennedy đã nhờ cậy đến ông trong việc cảnh cáo ông Diệm tại vì ông ta không thể tin cậy những người trong hệ thống chính thức tức là toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn.” Tobert Jr. nói rằng thân phụ của ông có báo cáo cho Kennedy rằng “Ông Diệm không chịu từ bỏ người em là ông Nhu.” Torbert Jr. cũng tiết lộ rằng thân phụ của ông đã yêu cầu Kennedy để cho ông bay sang Sài Gòn bằng phi cơ quân sự thay vì hàng không dân sự để bảo toàn bí mật. Torbert Jr. cho biết thêm rằng thân phụ của ông không hề lưu giữ một hồ sơ chính thức nào và sau khi ông ta từ trần thì gia đình tìm thấy giấy thông hành của ông trong thời gian làm dân biểu đã bị cắt xén nhiều trang bằng dao cạo râu.
Về vấn đề này, Hersh có đưa ra một nhận xét rằng nếu quả Tổng thống Kennedy có ý muốn cảnh cáo ông Diệm như lời bà Eleanor Carney kể lại thì trên bề mặt, điều này có vẻ mâu thuẫn: tại sao ông tổng thống cho phép người của ông ta âm mưu chống lại tổng thống của miền Nam Việt Nam rồi thì lại mật báo cho ông Diệm biết về số phận của ông ta? Hersh giải thích rằng vào mùa xuân năm 1961, Kennedy cũng đã làm một hành động tương tự: ông ta đã yêu cầu George Smathers của CIA gặp riêng Rafael Trujillo, nhà độc tài của nước Cộng Hoà Dominican và đề nghị ông này nên rời bỏ chức vụ và đi lưu vong. Trujillo chẳng thèm quan tâm đến đề nghị này và chỉ trong vòng vài tuần sau đó thì bị ám sát, với sự đồng loã của Hoa Kỳ. Ngoài ra cũng còn có thêm một nguyên nhân riêng khác trong quyết định của Kennedy nhằm giúp đỡ vào giờ chót cho ông Diệm: ông Diệm là một người bạn cũ (old friend) cũng như là một người tín hữu Thiên Chúa giáo mà trong nhiều năm trước đây chính thân phụ của ông là Joseph Kennedy cũng rất kính phục.
Kennedy dự định rút ra khỏi Việt Nam sau cuộc bầu cử 1964?
Seymour Hersh nói rằng sau khi Kennedy bị ám sát, những cộng sự viên thân tín của TT Kennedy đã cho biết rằng ông ta không dự định sẽ duy trì quân lực Mỹ tại Việt Nam sau năm 1965. Hersh cho biết rằng Charles Bartlett, một ký giả được xem như là bạn thân và rất được Kennedy tin cậy (confidant,) đã nói với ông rằng chính TT Kennedy có nói với Bartlett như sau: “Tôi không tin rằng Hoa Kỳ có một tương lai nào ở Việt Nam, nhưng mà chúng ta phải giữ quân đội lại đó qua cuộc bầu cử tổng thống năm 1964.”
Theo Hersh thì dự định này được nói rõ trong bài “Johnny, We Hardly Knew Ye” của Kenneth O’Donnell, một cộng sự viên rất thân tín và cũng là bạn ăn chơi của Kennedy, khi ông này thuật lại cuộc đối thoại riêng giữa Kennedy và Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield vào năm 1963. TNS Mike Mansfield là một trong những nhân vật tích cực ủng hộ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm trong giai đoạn ông mới về chấp chánh vào năm 1954, tuy nhiên sang đến thập niên 1960 thì ông lại chống những chính sách của ông Ngô Ðình Diệm cũng như là công khai chống lại sự tham chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Theo O’Donnell thì TT Kennedy đã nói với TNS Mansfield rằng: “Tôi sẽ ra lệnh hoàn toàn triệt thoái quân Mỹ ra khỏi Việt Nam vào năm 1965. Nhưng mà tôi không thể ra lệnh như vậy trước năm 1965 -sau khi tôi được tái cử vào cuối năm 1964.”
Khi tác giả Hersh phỏng vấn TNS Mansfield về cuộc đối thoại này thì chính ông Mansfiel đã xác nhận chi tiết này của O’Donnell là có thật. Bài viết của Kenny O’Donnell về sau trở thành trọng tâm của những sự tranh luận về trách nhiệm của Kennedy trong cuộc chiến tranh Việt Nam, một việc được người ta xem như là một trong những sự sa lầy bi thảm nhất trong lịch sử đối ngoại của nước Hoa Kỳ. Vào thời gian khi O’Donnell viết bài này, có lẽ ông ta chưa được biết rõ một cách hoàn toàn tường tận về âm mưu triệt hạ ông Ngô Ðình Diệm cũng như là ông ta không hề tiên đoán được rằng việc Tổng Thống Kennedy có biết trước về cái chết của ông Diệm về sau sẽ được công bố.
Tác giả Hersh kết luận rằng nếu những tường thuật của Charles Bartlett, Kenny O’Donnell và TNS Mansfield là đúng thì rõ ràng là Tổng Thống Kennedy luôn luôn sắp đặt kế hoạch để triệt thoái ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, sở dĩ ông ta chọn lựa không hành động như vậy vào mùa thu năm 1963 khi mà Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đang mất uy tín và sắp sửa bị đảo chánh là một cơ hội bằng vàng, đó chính là vì -theo tường thuật của ba nhân vật kể trên- thì chính sách của Kennedy không phải là để cứu Miền Nam Việt Nam mà chỉ muốn trì hoãn điều không thể tránh được là việc mất Việt Nam cho đến sau khi ông được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 1964.
Về cái chết của TT Ngô Ðình Diệm, Hersh nhận xét rằng:
“Sở dĩ ông Ngô Ðình Diệm bị giết là tại vì ông ta muốn làm một điều gì vào năm 1963 -đòi người Mỹ triệt thoái ra khỏi Việt Nam- một điều mà TT Kennedy cũng muốn làm tuy nhiên chỉ sau khi cuộc bầu cử diễn ra vào năm 1964. Như vậy thì Kennedy đã giữ sự tham dự của người Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam chẳng qua là chỉ vì những nguyên nhân thuận lợi nhất cho ông ta: đó là sự bảo đảm cho việc tái đắc cử chức vụ tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 1964. Kennedy cũng quyết định chọn sự đứng bên ngoài, và tối thiểu, đã đồng lòng trong việc thảm sát một người bạn cùng gốc Thiên Chúa giáo và một người bạn chống Cộng sản (a fellow Catholic and fellow anticommunist.) Ông Diệm có những sai lầm, có rất nhiều, tuy nhiên ông ta không phải là một mối an nguy về chính trị cho Hoa Kỳ. Ông Diệm không phải là một Fidel Castro. Thực ra thì ông ta có cơ nguy bị thất bại hơn là Fidel Castro nhiều.”
“Trong cuộc họp báo vào ngày 14 tháng 11 năm 1963, cuộc họp báo cuối cùng trước khi bị ám sát, Tổng Thống Kennedy được hỏi ba câu hỏi chiếu lệ (perfunctory questions) về tình hình tại Nam Việt Nam, chẳng có câu hỏi nào chứng tỏ cho thấy giới truyền thông Mỹ tại Washington không có một ý niệm nào về sự dính dáng của tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc lật đổ ông Diệm.
“Kennedy nói với các ký giả rằng: “Bây giờ, mục tiêu của Hoa Kỳ là đưa người Mỹ về nhà (to bring Americans home,) cho phép (permit) người Nam Việt Nam bảo tồn cho họ một quốc gia tự do và độc lập, và cho phép các lực lượng dân chủ trong nước được hoạt động.”
Seymour Hersh kết luận:
“Không có một mục tiêu nào trong những mục tiêu này có thể đạt được trong những năm sắp tới.”
Trần Ðông Phong
Tháng 11 năm 2009
-Nguồn:
Ðặc sứ cuối cùng của TT Kennedy: TT Ngô Ðình Diệm từ chối không chịu vào tạm trú trong toà đại sứ Mỹ
-- Phiên xử cựu lãnh đạo Khmer Đỏ: Việt Nam có ý đồ kiểm soát Campuchia và Lào? – (RFA). - Các cựu thủ lãnh Khmer Đỏ ‘dàn dựng’ những vụ tàn sát hàng loạt - (VOA). - Tội ác của chế độ Khmer Đỏ (1975-1979) - (BBC). – Nhân vật số 2 Khmer Đỏ đối mặt với lời tự thú — (RFI). – Bùi Tín: Trung Quốc, Thái Lan “trục lợi” vụ Khmer Đỏ (BBC). – Các bị cáo Khmer Đỏ đổ lỗi cho Việt Nam về tình trạng hỗn loạn ở Campuchia: Khmer Rouge Defendant Blames Vietnam for Cambodia’s Turmoil (New York Times).
Defendant Says Khmer Rouge Saved Cambodia From Vietnam NYT --Nuon Chea, on trial as a former Khmer Rouge leader, spoke of threats from Vietnamese agents as a justification for the purges that led to the torture and killings that defined the regime.
- Vietnam War refugee reunited in America with the son he thought he’d lost in pirate attack 34 years ago (Daily Mail). – Cha con Việt kiều tìm được nhau sau 34 năm bặt tin (VNE).------