Bài bình luận trên tờ Nhân dân Nhật báo hôm nay nói rằng dân chúng ở nhiều cộng đồng đang ngày càng bất mãn đối với các giới chức chính quyền địa phương vì nạn “cưỡng bách phá nhà’ và nạn tham ô.
Sự bất mãn này đã đưa tới nhiều vụ phản kháng tập thể trong những năm gần đây.
Bài báo nói rằng sự tức giận ngày càng tăng này có thể phương hại tới quyền lực của Đảng Cộng Sản, vì quyền cai trị của đảng trên cơ bản là xuất phát từ dân chúng.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã lấy việc xây dựng một “xã hội hài hòa” làm ưu tiên chính của chính phủ ông.
Dân Trung Quốc ngày càng mất tin tưởng đối với chính phủ
-
Cuộc cách mạng trên không gian ảo
Giới Phật tử tỏ ra sẵn sàng tiếp nhận điều mớiThoáng nhìn qua, chùa Long Tuyền tọa ở chân một ngọn núi ngay ngoại ô Bắc Kinh khó có thể là nơi tìm kiếm dấu ấn của thế giới hiện đại.
Hơn một nghìn năm nay, hành lang và sân chùa phủ mùi hương trầm vốn vẫn là nơi mà các nhà sư Phật giáo thực hiện những nghi lễ phức tạp.
Nhưng ngôi chùa này đang trải qua giai đoạn phục hưng bằng một công cụ công nghệ cao: internet. Vị sư trụ trì thậm chí còn có riêng một trang blog.
Sư thầy Tiết Thành chỉ là một trong số hai trăm triệu người có trang cá nhân trên Weibo, dịch vụ ứng dụng microblog nổi tiếng nhất Trung Quốc, của công ty internet Sina.
Điều này tạo ra sự thay đổi cơ bản trong cách con người giao tiếp với nhau, mang đến cơ hội chia sẻ thông tin và bộc lộ ý kiến.
Microblog thậm chí còn có thể biến đổi Trung Quốc – và các nhà lãnh đạo của đất nước này biết rõ điều đó. Vì thế, họ đang bàn cãi xem làm sao kiểm soát được cuộc cách mạng này.
‘Chào đón những điều mới’
Microblog đã và đang bùng nổ ở Trung Quốc trong vòng vài năm trở lại đây. Twitter bị cấm, nhưng những ứng dụng ‘tự tạo’ thay thế lan tràn.
Giống như Twitter, mỗi tin chỉ được hạn chế trong 140 chữ, mặc dù người dùng có thể biểu đạt nhiều hơn với chữ tượng hình của Trung Quốc so với các chữ cái tiếng Anh.
Các trang blog của Trung Quốc cũng cho phép người sử dụng post ảnh và tài liệu, làm tăng thêm khả năng trao đổi thông tin.
Thành phần xã hội sử dụng ứng dụng này là vô kể: đạo diễn phim, vận động viên, người dẫn chương trình truyền hình, và tất nhiên, cả những người bình thường.
Giống như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, họ sử dụng trang này để nói về tất cả mọi thứ, phần lớn là những chuyện tầm phào, một số chuyện khác nghiêm chỉnh hơn.
Sư thầy Tiết Thành nói rằng, trang blog của ông cho thấy “Phật tử có khả năng tiếp nhận những điều mới mẻ.”
Trang của ông thường xuyên cập nhật thông tin về các hoạt động của chùa Long Tuyền và những câu nói liên quan đến tư tưởng đạo Phật.
“Một người hạnh phúc không phải vì anh ta sở hữu thật nhiều thứ, mà bởi đối với anh ta, chỉ một vài thứ là thật sự quan trọng”, đây là một trong những câu nói của nhà sư được đưa lên gần đây.
Những tin nhắn ngắn gọn lan tràn trên các trang blog trở thành vũ khí cho các nhà hoạt động Trung Quốc để đấu tranh chống lại nhà nước.
Thông tin về các cuộc biểu tình, các kiến nghị và các cuộc khủng bố chính phủ đang được rì rào bàn tán trên mạng.
Người đã từng tham gia rất nhiều chiến dịch vận động, nay đã nghỉ hưu, Vương Lệ Hồng nhận thấy giá trị của phương tiện truyền thông mới này, đang sử dụng nó để hỗ trợ cho công việc của mình. Bà giúp những người bất đồng với chính phủ.
Các nhà chức trách đã ‘làm việc’ với bà, kết án người phụ nữ 56 tuổi này chín tháng tù trong một phiên tòa ở Bắc Kinh vào tháng Chín vừa rồi. Bà bị buộc tội ‘gây rối’.
Nhưng thông điệp của bà thì khó bị dìm tiếng hơn. Khi đang bị dẫn đi, bà nói với con trai của mình là Tề Kiến Tường rằng, hãy nhớ đến bà trên internet.
Câu nói của bà đã được cập nhật lên blog trước khi bà rời phòng xử án.
Cần suy nghĩ?
Người Trung Quốc nhận thấy những trang blog kết nối với nhau mang tới sức mạnh mới để truy cập thông tin và thể hiện quan điểm riêng của mình.
Đây là thứ tự do mà họ hiếm khi có được trong hơn sáu mươi năm qua, kể từ khi đảng Cộng Sản Trung Quốc cầm quyền.
Tôi dùng Weibo của chính mình để hỏi xem mọi người nghĩ sao về việc microblog làm thay đổi Trung Quốc.
Câu trả lời đầu tiên là một biểu tượng đơn giản, hình một khuôn mặt với bị băng dính dán miệng. Thỉnh thoảng, cái băng dính này rơi ra và miệng lại mở ra, như đang nói. Ẩn ý ở đây khá rõ ràng.
Một người khác lại viết: “Microblog nghĩa là mọi người đã dám nói – và có thể nói. Tất cả thay đổi khi mọi người bắt đầu nói lên sự thật.”
Một người đàn ông tên Lý Khai Phúc hiểu rất rõ sức mạnh của microblogs. Ông đã từng là chủ tịch của Google ở Trung Quốc và là tác giả của một cuốn sách viết về hiện tượng xã hội này.
Ông nói microblog có khả năng thay đổi cách Trung Quốc trị dân, và ít nhất là sẽ khiến cho Chủ tịch đảng Cộng sản phải ‘băn khoăn’.
Đây chính là điều họ đang làm.
Họ muốn kiểm soát dòng thông tin thông qua những kênh truyền thông truyền thống để định hướng suy nghĩ của người dân – một trong những phương tiện đảm bảo quyền lực.
Những tin nhắn tức thời của microblog lại ngầm phá sự kiểm soát đó.
Để đáp lời, nhà nước bắt đầu kiểm duyệt nội dung của microblog, cũng như điều họ vẫn làm với các ứng dụng internet khác. Điều này cũng khiến các nhà chức trách lập nên các trang cá nhân, để trực tiếp xuất hiện trước công chúng.
Lúc này, họ đe dọa những ai mà họ cho là lạm dụng hệ thống.
Vương Thần, Chủ tịch Phòng Thông tin Internet Trung Quốc, gần đây nói rằng, microblog nên được dùng để ‘phục vụ’ xã hội thay vì đe dọa sự an toàn của xã hội.
Chu Vĩnh Khang, một đảng viên thuộc Ủy Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có nhắc đến một cuộc họp tương tự sau phiên họp đảng một tuần sau đó.
Nhưng đóng lại, hay hạn chế một công cụ xã hội vốn thu thập được rất nhiều đệ tử, không phải là điều đơn giản, ngay cả đối với một tổ chức hoàn toàn chỉ dành cho việc kiểm soát như đảng Cộng sản.
Như con trai của nhà hoạt động Vương Lệ Hồng nói: “Blog giống như một chiếc điều hòa nhiệt độ: một khi đã dùng rồi, bạn chẳng còn biết làm thế nào sống sót được mà thiếu nó.”