Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Tiến sĩ Alan Phan qua đời

Tiến sĩ Alan Phan qua đời
Tiến sỹ Alan Phan, doanh nhân và nhà bình luận kinh tế người Mỹ gốc Việt nổi tiếng, đã từ trần ngày 19/10/2015 tại bệnh viện ở Hoa Kỳ, hưởng thọ 70 tuổi.

Một thông báo của gia đình ông trên trang mạng Góc nhìn Alan của Tiến sỹ Alan Phan cho biết "dù đã được cứu chữa", ông "vẫn không tỉnh lại".

Thông báo được cập nhật hôm thứ Hai cho hay gia đình mà cụ thể là vợ và hai người con của ông "đã chấp nhận rút ống dưỡng khí" vào ngày thứ hai 19/10.

Thông báo cho biết thêm rằng sau khi thi hài ông được "đưa về nhà quàn, gia đình chúng tôi sẽ xin thông báo sau để quí vị đến viếng lần cuối."

Trước đó trong một thông báo sớm hơn được đưa ra hôm Chủ nhật cũng trên trang mạng nói trên, gia đình của doanh nhân và nhà bình luận đã cho biết ông "rơi vào tình trạng hôn mê và có thể không tỉnh lại".

Gia đình của ông khi đó cho hay “bác sĩ cho biết không có hy vọng hồi sinh”, vì vậy gia đình sẽ “chấp nhận rút ống dưỡng khí” vào ngày 26/10.

Như vậy, Tiến sỹ Alan Phan đã được gia đình 'chấp nhận' cho 'rút ống dưỡng khí' một tuần sớm hơn thông báo được dự kiến từ trước.


Vẫn không tỉnh lại và bác sĩ cho biết không có hy vọng hồi sinh nên gia đình... đã chấp nhận rút ống dưỡng khí vào ngày thứ hai này 19 tháng 10Thông báo của Gia đình TS. Alan Phan

Ông Alan Phan được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Fountain Valley, bang California, tối thứ Ba ngày 14/10 trong tình trạng hôn mê vẫn theo gia đình của ông.

Trước đó, trong một lần liên lạc cuối cùng với BBC hôm 8/10, Tiến sỹ Alan Phan cho hay ông đã không thể tham gia một chương trình tọa đàm trực tuyến Bàn tròn Thứ Năm vì bận công việc.

Email được cho là một liên lạc cuối cùng của ông với chương trình Google Hangout của BBC Việt ngữ viết:

"Sorry (xin lỗi)..., Sáng mai tôi phải bay đi Hawaii. Giờ giấc "hội đàm" coi vẻ trùng với giờ ra phi trường. Hẹn lần khác. Thanks (cảm ơn nhiều). Alan Phan"
Cho điểm đô thị VNImage copyrightbui van phuImage captionTiến sỹ Alan Phan để lại nhiều bài viết và phân tích sâu sắc về các góc độ của đời sống kinh tế, xã hội và chính trị VN.

TS. Alan Phan được giới thiệu là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ năm 1987.

Ông cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn tại Trung Quốc trước khi về Việt Nam năm 2007.

Tuy vậy, ông được công chúng biết đến nhiều hơn qua trang blog Góc nhìn Alan với các bài bình luận, phân tích về kinh tế, xã hội Việt Nam. Ông cũng ra mắt nhiều tập sách tại Việt Nam.

Mặc dù sống ở hải ngoại, Tiến sỹ Alan Phan luôn tỏ ra quan tâm tới thời sự, cũng như tình hình phát triển của Việt Nam.

Trong một Tọa đàm trực tuyến với BBC với chủ đề ' Hà Nội, Sài Gòn, ở đâu đáng sống hơn', ông đã cho điểm hai đô thị lớn và quan trọng bậc nhất của Việt Nam ở hai đầu đất nước.


Hiện nay Sài Gòn tương đối cởi mở hơn, có nhiều cơ hội làm ăn hơn. Tuy nhiên, Hà Nội là thành phố rất năng động và đang cố gắng bắt kịp Sài Gòn, nhất là họ (Hà Nội) đang được dành cho những ưu đãi rất tốtTS. Alan Phan

'Tôi cho Sài Gòn 2 điểm và Hà Nội 1 điểm', Tiến sỹ Phan nói.

"Thực tình mà nói về văn hóa hay về bất cứ điều gì khác của hai thành phố này, tôi thấy nó rất là xấu xí, từ vấn đề kiến trúc, cho tới vấn đề con người, cho đến vấn đề hạ tầng cơ sở.

"Nghĩa là môi trường sống có thể nói rất là tệ hại," người cho điểm khá thấp cả Hà Nội và Sài Gòn trên thang điểm từ một tới mười nói.

"Một trong những nơi tệ hại so sánh như những quốc gia mà tôi đã từng đi qua, mà tệ nhất là Nigeria hay là Bangladesh, còn tất cả những nơi khác đều có môi trường sống tốt hơn là Sài Gòn và Hà Nội."

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận những ưu điểm của hai phố, Tiến sỹ Alan Phan nói:

"Hiện nay Sài Gòn tương đối cởi mở hơn, có nhiều cơ hội làm ăn hơn. Tuy nhiên, Hà Nội là thành phố rất năng động và đang cố gắng bắt kịp Sài Gòn, nhất là họ (Hà Nội) đang được dành cho những ưu đãi rất tốt.

"Xây dựng hạ tầng cơ sở, họ đã đầu tư rất nhiều. Tôi nghĩ trong vòng 10 năm nữa thì Hà Nội có thể bắt kịp Sài Gòn về môi trường sống," ông nói với BBC trong một Tòa đàm.
-Tiến sĩ Alan Phan ‘hôn mê’

TS Alan Phan, doanh nhân và nhà bình luận kinh tế người Mỹ gốc Việt nổi tiếng, đã rơi vào tình trạng hôn mê và có thể không tỉnh lại.

Thông báo của gia đình ông nói “bác sĩ cho biết không có hy vọng hồi sinh”, vì vậy gia đình sẽ “chấp nhận rút ống dưỡng khí” vào ngày 26/10.


Theo thông báo này, ông Alan Phan được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Fountain Valley, bang California, tối thứ Ba ngày 14/10 trong tình trạng hôn mê.

Gia đình nói ông “vẫn không tỉnh lại”.

TS Alan Phan, năm nay 70 tuổi, được giới thiệu là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ năm 1987.

Ông cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn tại Trung Quốc trước khi về Việt Nam năm 2007.

Tuy vậy, ông được công chúng biết đến nhiều hơn qua trang blog Góc nhìn Alan với các bài bình luận, phân tích về kinh tế, xã hội Việt Nam.

Ông cũng ra mắt nhiều tập sách tại Việt Nam.

Trong một cuốn sách năm 2011, ông cho biết “thường xuyên về Việt Nam” từ 2007 sau 42 năm làm ăn ở Trung Quốc và Mỹ.

“Tôi muốn tìm một điều gì đó khác hơn và hy vọng Việt Nam sẽ là một ‘quê hương thực sự’ cho phần đời còn lại của mình.”

Sau những năm làm ăn tại Việt Nam, ông Alan Phan chia sẻ kinh nghiệm với báo Người Việt, California, trong cuộc phỏng vấn tháng Bảy năm nay.

“Thứ nhất là phải có quan hệ, phải có người chống lưng đỡ đầu thì mới đi xa được.”

“Thứ hai là phải có một sự kiên nhẫn, quan hệ với người Việt Nam mà muốn cho sâu đậm, cũng phải mất vài ba năm, chứ không phải đi vào làm ào một cái mà được, người ta chưa tin mình.”

“Sau đó thì là chuyện hên xui may rủi, nếu quan hệ đúng với người đang lên, có quyền lực chính trị quan trọng, thì tiền sẽ vào như nước. Còn đi nhằm một cái ông đang đi xuống, thì có thể bị tù tội dễ như chơi, đó là chuyện rất bình thường ở Việt Nam,” ông nói.





-Alan Phan: "Làm ăn ở Việt Nam phải có chống lưng đỡ đầu!"-

Hà Giang/Người Việt (thực hiện)

LTS: Tiến sĩ Alan Phan là một tên tuổi quen thuộc trong giới kinh doanh, với 43 năm kinh nghiệm về đầu tư vào thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và cả Việt Nam. Ông hiện là sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA) có trụ sở tại California và Hồng Kông, chuyên tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc. Là tác giả của 11 cuốn sách về kinh tế, xã hội của những thị trường mới nổi, Tiến sĩ Alan Phan còn là một cây bút quen thuộc với nhiều bài phân tích sâu sắc, với thương hiệu “góc nhìn Alan” được nhiều người biết đến. Nhân dịp sắp đến buổi ra mắt hai cuốn sách mới “Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Kinh Tế Toàn Cầu” và “42 Năm Làm Ăn Tại Mỹ Và Trung Quốc -Ấn Bản Usa,” vào lúc 2 giờ chiều thứ Bảy, 25 tháng Bảy, 2015, tại hội trường nhật báo Người Việt, ông dành cho ký giả Hà Giang cuộc phỏng vấn dưới đây:


Hà Giang (NV): Vừa là một người cầm bút, một nhà đầu tư, một giáo sư dậy về kinh doanh, ông tự tả về mình như thế nào?

Alan Phan: Thực tình thì cũng không có gì nhiều để tả. Tôi 70 tuổi, thì đương nhiên là có nhiều trải nghiệm, sống qua bao nhiêu những tình huống, khác hơn là những thế hệ trẻ hơn. Nhưng tôi là con người rất là bình thường: đi học, làm việc, sống cho gia đình, bạn bè, vui chơi. Cũng hưởng thụ nhiều, cũng đau khổ nhiều khi làm ăn. Nhưng nói tóm lại thì cũng là một đời rất là bình thường, không có cái gì đặc biệt. Tôi rất bình an với những gì mình đã có, đă mất, đã thua, đã thắng, nghĩa là cái chuyện nó đã xẩy ra rồi, thế thôi.



Tiến sĩ Alan Phan trong buổi phỏng vấn với ký giả Hà Giang, nhật báo Người Việt (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)



NV: Ông có thể nói sơ về Alan Phan Associates có trụ sở tại California và Hồng Kông?



Alan Phan: Tôi làm việc bên Hồng Kông cũng khoảng 14, 15 năm, làm một cái quỹ đầu tư do tôi và ba anh bạn khác, người Trung Quốc và người Hồng Kông sáng lập. Chúng tôi đầu tư vào những công ty nhỏ và đem họ lên sàn chứng khoán, mà mình đồng thời cũng là một nhà đầu tư có lợi trong cái dịch vụ đó. Quỹ đầu tư đó hiện giờ vẫn được những người bạn tôi tiếp tục điều hành, thực tình thì là thế hệ sau của những người bạn tôi. Cách đây hai năm, tôi về lại Mỹ, có thể nói là tìm một cuộc đời an lành khác. Nhiều người bạn vẫn đưa công việc tới cho Alan Phan Associates do tôi và khoảng chừng sáu người chuyên gia tư vấn độc lập. Chúng tôi giúp họ tạo ra chiến lược toàn cầu, giúp họ làm những cái M & A (Merger and acquisition), tức thâu tóm và sát nhập vào những công ty bên Mỹ. Thay vì bỏ sức bỏ tiền lập những công ty ở đây, tôi luôn luôn tôi khuyên họ là lợi dụng những công ty có sẵn thị trường ở đây, có sẵn tên thương hiệu, có sẵn những sản phẩm đặc thù, và mình sát nhập vào với công ty của mình bên Trung Quốc hay bên Việt Nam, thì tương đối chặng đường nó dễ hơn, nhanh hơn, thì đó là chiến lược (M&A) toàn cầu mà tôi luôn luôn chủ trương và cổ võ.

NV: Qua 70 năm thăng trầm của cuộc sống, nếu được làm lại, thì ông sẽ giữ phần nào và thay đổi phần nào? Ông có điều gì hối tiếc không ?

Alan Phan: Thật tình thì tôi ít khi suy nghĩ về quá khứ, những chuyện gì nó qua thì nên để cho nó qua luôn. Có những chuyện mình rất là tự hào, rất là vui thú, thì nhìn lại ở cái điểm khác có thể nó không vui thú, không tự hào như mình nghĩ. Hay là những chuyện ngày xưa mình xấu hổ, mình thua thiệt, thì bây giờ nhìn lại nó lại là cái bài học hay. Thành ra thật tình tôi không quan tâm lắm về chuyện quá khứ. Mình sống thì bây giờ đã hơn bảy mươi năm thì cũng trải qua nhiều, từ đỉnh hạnh phúc đến đáy đau khổ, ông trời đã định như vậy rồi, bây giờ mình ngồi nghĩ là nên giữ cái này, vứt cái này, thì với tôi không cần thiết.

Dĩ nhiên có những cái hối tiếc lặt vặt, nhưng mà rồi mình quên đi. Thực tình theo tôi nghĩ những người mà gọi là thành công, không phải thành công lớn như Warren Buffet hay Bill Gates, mà thành công bình bình như tôi, thì khi về già có nhiều thất vọng mang theo, những điều mà mình chưa thực hiện được. Có khá nhiều hối tiếc, đáng lẽ mình nên làm như này, nên làm như thế kia và thêm một cái nữa là thích khuyên bảo như là để lại một cái di sản gì đó cho thế hệ sau. Nhưng với tôi điều quan trọng là mình sống thực với mình, mình không làm hại ai, không chơi xấu ai, tất cả rất là fair play, theo Mỹ nói. Tất cả những cuộc chơi gì mình vào, lúc mình bước ra ngửng cao đầu, dù thắng dù thua, đó là quan trọng.

NV: Hai nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc có những điểm gì tương đồng và dị biệt? Liệu rồi kinh tế Trung Quốc có sụp đổ vì thị trường chứng khoán đang bị thụt giá của họ không?

Alan Phan: Chính sách kinh tế của những nhà nước độc tài rất giống nhau, đó không phải là những nền kinh tế thực sự thị trường. Về việc thị trường chứng khoán đang tuột dốc tại Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc sẽ có những biện pháp chống đỡ, có thể sẽ kéo dài năm mười năm. Tại Việt Nam cũng vậy, lúc trước tôi cũng gây nhiều tranh cãi về vấn đề bất động sản tại Việt Nam, tôi cho rằng cứ để cho những dự án này chết, rồi sẽ có nguồn đầu tư khác và sẽ làm lại, nhưng với chính quyền thì họ không thích như vậy. Thà rằng hy sinh kinh tế để giữ cho xã hội ổn định, luôn luôn là phương châm của Trung Quốc và của Việt Nam. Thành ra thị trường chứng khoán của Trung Quốc nó cũng giống như thị trường bất động sản tại Việt Nam, đáng lẽ thì nó phải chết, nhưng chính phủ họ cứ nhất định nuôi. Họ cứ chống đỡ cho càng lâu càng tốt, hy vọng 10 năm sau đó sẽ có phép lạ hay có gì thay đổi, hay những thế hệ sau sẽ giải quyết, phải giải quyết bằng một cách nào đó.

Về dị biệt thì có hai điểm. Thứ nhất là kích cỡ. Trung Quốc, kinh tế của nó phải nói là lớn gấp 15 lần Việt Nam, và nó đi trước Việt Nam khoảng 12, 13 năm, thành ra Việt Nam nghĩa là đang copy những gì Trung Quốc đã làm và đôi khi đã thất bại rồi, nhưng mà mình vẫn cứ làm thế. Và thị trường mình nó nhỏ, không thể phát huy được. Điểm yếu thứ hai là doanh nhân và con người. Tôi đã làm việc với doanh nhân Trung Quốc lẫn Việt Nam thì tôi thấy người Trung Quốc họ chịu khó hơn người Việt Nam nhiều, họ tiết kiệm nhiều hơn, họ cần cù hơn, và họ thủ đoạn hơn, dù là Việt Nam rất là mánh mung không kém ai về mặt thủ đoạn, nhưng để lấy lời ngay lập tức. Người Trung Quốc họ thâm hiểm hơn, họ nghĩ xa hơn, dài hơn, Việt Nam mình so với Trung Quốc thì “mì ăn liền” hơn, còn Trung Quốc thì nó biết nấu nướng, và nó biết đợi.

NV: Ông có lời khuyên gì cho người muốn mang tiền về Việt Nam đầu tư?

Alan Phan: Thật ra thì tôi không dám khuyên, nhưng có hai điều cần yếu quan trọng để thành công ở Việt Nam. Thứ nhất là phải có quan hệ, phải có người chống lưng đỡ đầu thì mới đi xa được. Thứ hai là phải có một sự kiên nhẫn, quan hệ với người Việt Nam mà muốn cho sâu đậm, cũng phải mất vài ba năm, chứ không phải đi vào làm ào một cái mà được, người ta chưa tin mình. Muốn có sự tin cậy cũng phải mất vài ba năm. Sau đó thì là chuyện hên xui may rủi, nếu quan hệ đúng với người đang lên, có quyền lực chính trị quan trọng, thì tiền sẽ vào như nước. Còn đi nhằm một cái ông đang đi xuống, thì có thể bị tù tội dễ như chơi, đó là chuyện rất bình thường ở Việt Nam. Cái thằng đấy mình đang tính là mấy năm nữa nó lên, mà đùng một cái nó qua bên Tây chữa bệnh, hay nó bị ám sát thì điều đó phiền lắm (cười.)

NV: Điều gì khiến ông bắt đầu sự nghiệp viết lách, cho ra đời nhiều bài viết rất được ưa chuộng, và thương hiệu nổi tiếng “góc nhìn Alan?"

Alan Phan: Khi còn ở bên Trung Quốc thì cuối tuần tôi có đi dạy, dạy những lớp MBA cho executives. Dạy thì phải soạn bài, nên tôi bắt đầu viết lách từ đó, nhưng cũng không viết nhiều. Đến năm 2007 thì tôi về Việt Nam thường xuyên hơn. Lúc đó mấy anh bạn, anh Trần Trọng Thức, báo Doanh Nhân, anh Tuấn ở Vietnamnet, họ nhờ tôi viết về Trung Quốc. Bài đầu tiên tôi viết là cái chuyện về “Con voi Trung Quốc,” khi viết xong lại tạo ra được một luồng sóng thích thú. Thì người viết giống như người nghiện, có một chút thuốc vô rồi lại say, lại viết tiếp tục. Giờ thì lớn tuổi rồi, viết cũng là một lối tiêu khiển, ngày xưa khi mình còn trẻ thì mình lông nhông ngoài đường, bây giờ thì ăn uống cũng sợ, sức khỏe cũng lo, thành ra mình không đi ra ngoài tiệc tùng, ăn uống chơi khuya nhiều nữa. Ở nhà không có gì thì viết đại cho rồi.

NV: Ông có thể kể lại vài kỷ niệm vui, lý thú khi làm việc ở Việt Nam?

Alan Phan: Ở Việt Nam thì luôn luôn nó đi cập với hai vấn đề. Thứ nhất là mình sẽ có rất nhiều bạn, vì thứ nhất là mình có tiền mà thứ hai là họ có thì giờ, cho nên bất cứ lúc nào, mình không kêu họ thì họ kêu mình, cho nên luôn luôn bao quanh bởi bạn bè, gia đình, muốn hay không muốn, tương đối khá vui. Đi chơi biển, đi chơi núi, tất cả đều dễ dàng hơn ở Mỹ. Ở Mỹ mà muốn tập trung được ba, bốn người đi, mà có thì giờ đi chung với nhau thì là cả một sự xếp đặt. Còn ở Việt Nam thì rất dễ, nếu hứng, thì chỉ 5 phút sau là lên đường thôi. Nghĩa là niềm vui nó tự phát, nhưng đồng thời nó cũng có nhiều cái bực, đi ra xa lộ một tí là tai nạn này, tai nạn kia, rồi ô nhiễm, rồi khói bụi, rồi người này người kia, rồi môi trường hỗn loạn, đôi khi mình muốn bình an cũng không được. Đôi khi mình muốn muốn góc lặng nào đó để đừng ai quấy rầy mà kiếm cũng không ra. Trong khi ở Mỹ thì mình có muốn quấy rầy người ta, người ta cũng không muốn. Đó là cái khác biệt giữa hai văn hóa và môi trường. Với lại người Việt Nam thì sống rất là open, nhà hàng xóm biết nhau, biết đủ thứ, và ai cũng nhẩy xổm vào. Cái câu hỏi mà tôi được hỏi nhiều nhất là 'anh có bao nhiêu tiền? Hồi trước anh làm gì, làm gì?' họ muốn biết tất cả mọi điều về đời mình. Trong khi người Mỹ thì người ta tôn trọng cái riêng tư của mình. Nó hơi khác một tí, nhưng rồi mình ở đâu rồi cũng điều chỉnh được. Vấn đề là mình muốn điều gì.

NV: Đã sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới, tại sao cuối cùng ông lại về Mỹ, mà không nghỉ hưu ở Việt Nam, chẳng hạn?

Alan Phan: Thực tình thì có nhiều tiền thì ở đâu nó cũng vui cả, Việt Nam hay Trung Quốc, hay Mỹ hay là Monaco hay là bất cứ chỗ nào. Thành ra cái yếu tố quan trọng là yếu tố có nhiều tiền. Thực tình trong một lựa chọn của con người, ngoài vấn đề tiền bạc còn vấn đề môi trường sống, còn vấn đề bạn bè, gia đình, còn vấn đề mà mình không muốn phải đối diện hàng ngày, nó cũng đôi khi làm mình bức xúc. Mình muốn tâm mình được an bình hơn. Lúc trẻ thì những điều này không quan trọng lắm, mình thích stress, thích áp lực, thích tất cả những chuyện thử thách, nhưng mà đến khi già rồi thì những áp lực thử thách, những khó khăn phải đương đầu thì mình muốn giảm thiểu tối đa. Tôi nghĩ môi trường Mỹ nó giúp cho tôi được điều đó. Với tôi đó là lý do quan trọng.

NV: Cảm ơn tiến sĩ Alan Phan đã thì giờ cho cuộc phỏng vấn, và chúc ông nhiều thành công trong buổi ra mắt sách vào 2 giờ chiều thứ Bảy, ngày 25 tháng Bảy này, tại hội trường nhật báo Người Việt.


-
TS Alan Phan: "Bao giờ đầu óc những doanh nhân du kích mới rời bỏ khu rừng rậm?" CafeF
"Trong khi các DN Á châu bận lên kế hoạch toàn cầu như Samsung, Hua Wei, hay Djarum, Shangri La, có những DN Việt vẫn coi chuyện chặt rừng làm thủy điện và trồng cao su là lĩnh vực kinh doanh quan trọng nhất..."
Khi tư duy của người quản lý bị giới hạn bởi tầm nhìn du kích thì doanh nhân chỉ có thể trở thành một tiểu thương.

Do phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm với tư duy lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, chiến thuật du kích đã ăn sâu vào tư duy và văn hóa của không ít người Việt Nam. Không những thông dụng trong các ứng xử hàng ngày, nhiều doanh nhân còn coi đây là chiến thuật căn bản trong điều hành, quản lý công ty.


Dựa trên "Binh Pháp" Tôn Tử, qua năm tháng, chiến thuật du kích đã được phát triển thành một hình thái "sống và đánh" dựa trên đặc điểm sau đây.

Trước hết, du kích quân thường là những phe nhóm nhỏ nên họ phải tránh đối đầu trực tiếp với đại quân của địch. Tập trung vào những trận chiến nhỏ, có lợi thế đặc biệt để tấn công nhanh và rút lui nhanh. Như vậy, nhóm du kích phải năng động, dùng nhiều xảo thuật để gây bất ngờ cho đối phương, dựa chủ yếu vào sự liều lĩnh và sáng tạo, thay vì nguồn tài lực lớn, để làm hao mòn đối phương cho đến khi họ chán nản và bỏ cuộc.

Lối kinh doanh du kích cũng làm tốn khá nhiều giấy mực của giới nghiên cứu. Các sách dạy phương thức quản trị và tiếp thị du kích tràn ngập các tiệm sách. Còn ông Harv Eker đã nổi danh khi lập ra cả một trường với tên gọi "Guerrilla Business School" để dạy hàng ngàn doanh nhân trẻ về chiến thuật này. Ông cho đây là cách hay nhất để khởi nghiệp cũng như để điều hành các doanh nghiệp tư nhân nhỏ. Lợi thế lớn nhất chống lại các đối thủ là xài tiền rất tiết kiệm qua các thủ thuật làm ăn khôn ngoan, mưu mẹo để tạo hiệu quả lớn trong hoạt động.

T/S Alan Phan - Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai.

Ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999.

T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc).

Ông đã xuất bản 7 cuốn sách bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Email: aphan@asiamail.com và Web:www.gocnhinalan.com
Tôi hoàn toàn đồng ý về tác dụng của chiến thuật du kích trong nhiều trường hợp làm ăn, đặc biệt là khi doanh nghiệp của chúng ta còn non trẻ và cố gắng để tồn tại. Nhưng khi tư duy của người quản lý bị giới hạn bởi tầm nhìn du kích thì doanh nhân mãi vẫn chỉ ở dạng tiểu thương, dù thành công trong việc kiếm tiền cho cá nhân và gia đình, chưa nói tới chuyện sánh vai với các doanh nghiệp đang dẫn đầu trên những sân chơi lớn bé của thế giới.

Yếu điểm của việc kinh doanh du kích chính là mặt trái của những yếu tố đã tạo nên sức mạnh cho chiến thuật này.

Vì nghĩ là mình còn nhỏ bé và phải né tránh các đối thủ nên doanh nhân du kích thường ngại ngùng khi ra biển lớn để cạnh tranh trực tiếp trong một môi trường xa lạ. Gần đây tôi thấy nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch mạo hiểm tấn công thị trường mới (qua kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, dùng đòn bẩy M&A và quản lý quốc tế) nhưng cuối cùng phải rút lại kế hoạch này vào giờ chót, chẳng khác gì một du kích quân không muốn rời bỏ địa bàn mà mình đã bám trụ lâu ngày.

Một yếu kém khác là sự năng động thiếu cân đối. Vì quá năng động, doanh nhân du kích chộp lấy cơ hội kinh doanh mới không ngần ngại, gây đầu tư dàn trải. Khác với một chiến thuật phát triển sâu rộng và lâu dài khi ra biển lớn, ở trường hợp này, du kích quân thường nghĩ các cơ hội này dễ thực hiện, đánh nhanh rút gọn, không nhiều rủi ro. Giờ thì ai cũng thấy rõ hậu quả của việc đầu tư dàn trải của nhiều doanh nghiệp cả lớn lẫn nhỏ của Việt Nam, khi giá chứng khoán và bất động sản lao dốc chưa thấy điểm dừng.

Tư duy du kích cũng làm nảy sinh văn hóa mù mờ, thiếu minh bạch và sự liêm chính. Vì dựa vào yếu tố bất ngờ, cần che giấu kỹ thực lực cũng như ý định của mình nên doanh nghiệp du kích dùng nhiều cách thức để ngụy trang, khiến chuyện cởi mở hoàn toàn (full disclosure) trở thành một vấn đề lớn cho đối tác, khách hàng và nhân viên. Khó ai mà đoán biết được suy nghĩ của các vị chủ nhân hay nhà quản lý về mục tiêu sau cùng hay những sắp xếp đằng sau hậu trường.

Trong chiến thuật, sinh mạng của du kích quân tùy thuộc rất nhiều vào mức độ tin cậy vào đồng đội, đối tác và các quan hệ mật thiết. Đó là lý do doanh nghiệp du kích thường dùng "gia đình trị", vì không đủ lòng tin vào người ngoài để có thể sử dụng nhân tài; không rõ ràng trong chuyện làm ăn với người lạ và coi quan hệ với quan chức là xương sống, quan trọng hơn sản phẩm, khách hàng, hay kế hoạch phát triển.

Tệ nhất trong tư duy du kích là khi xảy ra những sai trái về quản trị cũng như đạo đức thì người ta thường sử dụng một lối biện hộ là: vì mình nhỏ yếu nên được phép sử dụng những chiêu đòn không chính thống hay còn gọi là đòn tà. Cứu cánh biện minh cho phương tiện là câu nói nằm lòng của những kẻ cơ hội.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã than phiền về cách làm và cách nghĩ ngắn hạn này của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng chính là điều khá phổ biến ở Trung Quốc. Vẻ bề ngoài hấp dẫn, ấn tượng ban đầu luôn đi kèm với những "chiêu đòn" hiểm hóc. Tới đây lại nghĩ tới một chuyện. Tôi hay mua kẹo hạt điều của Việt Nam để tặng bạn bè

Ngay cả với những thương hiệu hàng đầu, lớp hạt điều trên mặt luôn lớn, đều và sạch, không giống như lớp hạt điều phía sau: đen, nhỏ, gẫy vụn và chứa nhiều đường hơn. Sau khi thử qua 7- 8 thương hiệu để tìm một sản phẩm có chất lượng đồng nhất, tôi đành bỏ cuộc. Trong giới mua hàng quốc tế, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam hay Trung Quốc thường bị mang tiếng xấu này, từ áo quần áo, giầy dép cho tới đồ gỗ, thực phẩm. Điều này gây cho đối tác cảm giác doanh nghiệp Việt Nam không có ý định làm ăn trung thực và lâu dài, mặc dù không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng như vậy.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi vào lịch sử hơn 30 năm và ngày nay lớp cư dân toàn cầu trẻ trên thế giới không biết nhiều về Việt Nam. Một sinh viên cao học Mỹ thậm chí đã hỏi tôi Việt Nam có nằm gần Iran và Iraq hay không? Một cô bán hàng người Ấn, sau khi tốt nghiệp cử nhân sử học, nói là Việt Nam liên minh với Nhật để đánh Mỹ và Đức trong một thế chiến nào đó thời Trung Cổ. Đây không phải là hai trường hợp ngoại lệ. Hiểu biết về Việt Nam trên thế giới không như những gì chúng ta mong đợi.

Trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp Á châu bận rộn lên kế hoạch toàn cầu như Samsung của Hàn Quốc về hàng điện tử, Hua Wei của Trung Quốc về thiết bị viễn thông, hay Djarum của Indonesia về thuốc lá, Shangri La của Singapore về khách sạn, có những doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn coi chuyện chặt rừng để làm thủy điện và trồng cao su là lĩnh vực kinh doanh quan trọng nhất trong những năm tới. Giống như khi người Pháp đến Đông Dương lần đầu hơn 120 năm về trước.

Bao giờ đầu óc của những doanh nhân du kích mới rời bỏ được khu rừng rậm?

Theo Doanh nhân/Diễn đàn doanh nghiệp





-Nguồn:
TS Alan Phan: "Bao giờ đầu óc những doanh nhân du kích mới rời bỏ khu rừng rậm?" CafeF

-------

Tổng số lượt xem trang